10. PHẨM LÂM
107.
KINH LÂM (I)[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo[02]:
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương
vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm
chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu
chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng
thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Điều người học đạo cần như áo, chăn, uống,
ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả
một cách dễ dàng, không khó khăn’.
“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào
khu rừng này để ở, nếu không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm,
tâm chưa được định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được
giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn
vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như
áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời
sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên
quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì
ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho
đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh
niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa định vẫn không được định, chưa
giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không
đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc
Niết-bàn. Nhưng những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống,
giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một
cách dễ dàng không khó khăn’.
“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác”.
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng[03]
để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có
chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa được định sẽ được định, chưa
giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa
chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những
điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang,
các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó
khăn’.
“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào
khu rừng để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa
định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa
hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền
chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống,
giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một
cách rất khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo
không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang,
cũng không phải vì vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng
này để ở, hoặc không có chánh niệm thì liền được chánh niệm, tâm chưa
định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu
chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng
thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn,
ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu
tất cả một cách rất khó khăn’.
“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải ở lại khu rừng này”.
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương
vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm
chưa định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa
hết sẽ được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ
chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống,
giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một
cách dễ dàng không khó khăn’.
“Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào
khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không có chánh niệm,
tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa được giải
thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết,
chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn.
Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc
thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn.
Vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc
không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh
vẫn không được định tĩnh, nếu chưa giải thoát vẫn không được giải thoát,
các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô
thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần
như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời
sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn’.
“Tỳ-kheo quán như vậy rồi, phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay trong đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt”.
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ: ‘Ta nương vào
khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm
chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu
chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì
liền chứng đắc Niết-bàn. Và những điều người học đạo cần như áo chăn,
ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu
tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.
“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Đã nương vào khu
rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa
định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa
hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền
chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống,
giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một
cách dễ dàng không khó khăn. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào
khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm
chưa định tĩnh liền được định tĩnh, nếu chưa giải thoát liền được giải
thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an
ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo
cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng
cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.
“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung.
“Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, giữa thôn ấp hay sống với người khác”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Bản Hán, quyển 27. Tương đương Pāli, M.17. Vanapatthasuttaṃ.
- [02] Pāli: vanapatthapariyāyaṃ dessāmi, Ta sẽ giảng “Pháp môn tòng lâm”.
- [03] Đến một khu rừng khác.
-ooOoo-
108.
KINH LÂM (II)[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo nương vào khu rừng này để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương
vào khu rừng này để ở vì lý tưởng xuất gia học đạo, là muốn thành đạt ý
nghĩa của Sa-môn[02],
ý nghĩa này được thành tựu đối với ta. Những điều người học đạo cần như
y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống,
tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.
“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào
khu rừng này để ở, với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý
nghĩa của Sa-môn, nhưng ý nghĩa ấy không được thành đạt đối với ta.
Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc
thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó
khăn’. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì
áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không
phải vì các vật dụng cho đời sống; nhưng ta nương vào khu rừng này để ở
với lý tưởng xuất gia học đạo, là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý
nghĩa này không được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần
như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời
sống tìm
cầu một cách dễ dàng không khó khăn’. Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi,
phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác.
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương
vào một khu rừng để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý
nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người
học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật
dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn’.
“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào
khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý
nghĩa của Sa-môn và ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều
người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các
vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, Tỳ-kheo ấy
nên quán như thế này: ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, ăn
uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời
sống. Nhưng ta nương vào khu rừng nay để ở với lý tưởng xuất gia học
đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối
với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng,
thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó
khăn’.
“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải ở lại khu rừng này.
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương
vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa
của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học
đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng
cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.
“Rồi vị ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu
rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa
của Sa-môn, nhưng ý nghĩa ấy không thành đạt đối với ta. Những điều
người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các
vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy
nên quán như thế này: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất
gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt
đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường
chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách
rất khó khăn’.
“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay giữa đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt.
“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương
vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa
của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học
đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng
cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.
“Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào
khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý
nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người
học đạo cần như áo chăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho
đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy
nên quán như thế này: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất
gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt
đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường
chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ
dàng không khó khăn’.
“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi, phải nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung”.
Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, thôn ấp hay sống với người khác.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Nội dung, tiếp nối kinh trên.
- [02] Sa-môn nghĩa 娑 門 義, nên hiểu là mục đích của Sa-môn; hoặc, lợi ích của Sa-môn
-ooOoo-
109. KINH TỰ QUÁN TÂM (I)[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm[02]? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích. ‘Phải chăng ta được chỉ của nội tâm[03], nhưng chưa được quán pháp bằng tối thượng tuệ[04]?
Phải chăng ta được quán pháp tối thượng tuệ, nhưng chưa được chỉ nội
tâm? Phải chăng ta chưa được chỉ nội tâm, cũng chưa được quán pháp tối
thượng tuệ? Phải chăng ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối
thượng tuệ?”
“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội tâm,
chưa được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy được chỉ nội tâm rồi,
hãy nên mong cầu quán pháp tối thượng tuệ. Vị ấy sau đó được chỉ nội tâm
và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.
“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: ‘Ta được quán pháp tối
thượng tuệ, chưa được chỉ nội tâm’. Tỳ-kheo ấy trụ nơi quán pháp tối
thượng tuệ rồi, hãy nên mong cầu nội chỉ tâm tĩnh chỉ. Vị ấy sau đó được
quán pháp tối thượng tuệ và cũng được chỉ nội tâm.
“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: ‘Ta chưa được chỉ nội
tâm cũng chưa được tối thượng tuệ’. Như vậy Tỳ-kheo chưa được pháp thiện
này; vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập
tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển. Ví
như người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, phải nhanh chóng tìm cầu
phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này,
vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh
cần, chánh niệm chánh trí, đừng để bị thoái chuyển. Vị ấy sau đó liền
được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.
“Nếu Tỳ-kheo sau khi quán tâm, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội
tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy tạm trú nơi pháp
thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ Lậu tận trí thông[05]. Vì sao vậy? Ta nói, ‘Không được cất chứa tất cả y, nhưng cũng nói được phép cất chứa tất cả y[06]’.
“Loại y nào mà Ta nói không được cất chứa? Nếu cất chứa y mà tăng
trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, loại y như vậy, Ta nói
không được cất chứa.
“Loại y nào Ta nói được phép cất chứa? Nếu cất chứa y mà tăng
trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, loại y như vậy Ta nói
được phép cất chứa”. Cũng như y áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp,
cũng giống như vậy.
“Ta nói, không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói được phép quen thân tất cả mọi người[07].
“Loại người nào Ta nói không được quen thân? Nếu quen thân người
mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện; người như vậy Ta
thuyết giảng không được quen thân.
“Loại người nào Ta nói được phép quen thân? Nếu quen thân người
mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện; người như vậy Ta
nói được phép quen thân.
“Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như thật pháp không nên tập hành[08].
Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, pháp không nên tập hành
rồi, với pháp không nên tập hành thì không tập hành, với pháp nên tập
liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không nên tập hành, tập hành
pháp nên tập hành rồi liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất
thiện.
“Như vậy gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm, khéo biết tự tâm, khéo thủ, khéo xả”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, A. 10. 54 Samatha.
- [02] Thiện tự quán tâm 善 自 觀 心. Pāli: sacittapariyāyakusala.
- [03] Nội chỉ 內 止; đây nói về chỉ quán pháp môn. Pāli: ajjhattacetosamatha.
- [04]
Tối thượng tuệ quán pháp 最 上 慧 觀 法; được chỉ (samtha) nhưng chưa được
quán (vipassana). Pāli: adhipaññā-dhammavipassana, sự quán chiếu pháp
bằng tuệ tăng thượng.
- [05] Lậu tận trí thông tác chứng 漏 盡 智 通 作 證. Pāli: āsavānaṃ khayāya yo karaṇīyo, nỗ lực dứt sạch các lậu.
- [06]
Pāli: cīvarampāhaṃ bhikkhave duvidhena vadāmi sevitabbampi
asevitabbampīti, Y, Ta nói có hai loại: nên sử dụng và không nên sử
dụng.
- [07]
Hiệp tập nhất thiết nhân 狎 習 一 切. Pāli: puggalampāham bhikkhave
duvidhena vadāmi sevitabbampi asevitabbampī ti, người, Ta nói có hai
loại: đáng thân cận và không đáng thân cận.
- [08]
Tập pháp bất khả tập pháp 習 法 不 可 習 法. Pāli: sevitabba, asevitabba: nên
thân cận và không nên thân cận, nên sử dụng và không nên sử dụng, nên
phục vụ và không nên phục vụ.
-ooOoo-
110. KINH TỰ QUÁN TÂM (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm? Tỳ-kheo nếu có
quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích.‘Ta thường hành tham lam hay
thường hành không tham lam[02]?
Ta thường hành tâm sân nhuế hay thường hành tâm không sân nhuế? Ta
thường hành thùy miên triền hay thường hành không thùy miên triền? Ta
thường hành trạo hối, cống cao hay thường hành không trạo hối, cống cao?
Ta thường hành nghi hoặc hay thường hành không nghi hoặc? Ta thường
hành thân tránh[03]
hay thường hành không thân tránh? Ta thường hành tâm ô uế hay thường
hành tâm không ô uế? Ta thường hành tín hay thường hành bất tín? Ta
thường hành tinh tấn hay thường hành giải đãi? Ta thường hành suy niệm
hay thường hành
không suy niệm? Ta thường hành tâm định hay thường hành tâm không
định? Ta thường hành ác tuệ hay thường hành không ác tuệ?’
“Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, ‘Ta thường hành tham lam, tâm
sân nhuế, thùy miên triền, trạo hối, cống cao, nghi hoặc, thân tránh,
tâm ô uế, bất tín, giải đãi, không suy niệm, không tâm định, thường hành
ác tuệ’. Tỳ-kheo ấy muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh
chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí,
kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.
“Ví như bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo, nhanh chóng tìm cầu phương
tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo muốn diệt trừ pháp ác bất thiện
này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm,
chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.
“Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, ‘Ta thường hành không tham lam,
tâm không sân nhuế, không thùy miên triền, không trạo hối cống cao,
không nghi hoặc, không thân tránh, tâm không ô uế, tín, tinh tấn, suy
niệm, định, thường hành không ác tuệ’. Tỳ-kheo ấy trụ nơi pháp thiện này
rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ lậu tận trí thông.
“Vì sao vậy? Ta nói, không được cất chứa tất cả y nhưng cũng nói
được quyền cất chứa tất cả y áo. Loại y nào Ta nói không được cất chứa?
Nếu cất chứa y áo mà tâm tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp
thiện, y áo như vậy Ta nói không được cất chứa. Loại y nào Ta nói được
quyền cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái
pháp ác bất thiện, y áo như vậy Ta nói được quyền cất chứa”. Cũng như y
áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp cũng giống như vậy.
“Ta nói không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói
được quen thân tất cả mọi người. Người thế nào mà Ta nói không được quen
thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái
pháp thiện, người như vậy Ta nói không được quen thân. Người thế nào mà
Ta nói được quyền quen thân? Nếu quen thân người, liền tăng trưởng pháp
thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, người như vậy Ta nói được quyền quen
thân.
“Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như
thật pháp không nên tập hành. Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành
và pháp không nên tập hành rồi, pháp không nên tập hành thì không tập
hành, pháp nên tập hành liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không
nên tập hành, tập hành pháp nên tập hành rồi, liền tăng trưởng pháp
thiện, suy thoái pháp ác bất thiện.
“Như vậy gọi là Tỳ-kheo khéo tự quán tâm, khéo tự biết tâm, khéo thủ, khéo xả”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, A. 10. 51 Sacitta.
- [02] Đa hành tăng tứ 多 行 增 伺. Pāli: abhijjahlū bahulaṃ viharāmi, ta sống nhiều tham lam chăng?
- [03]
Thân tránh 身 諍. Pāli: sāraddhakāyo, cử chỉ thô bạo, nóng nảy
-ooOoo-
111. KINH ĐẠT PHẠM HẠNH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp
của Câu-lâu[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở
khoảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối, có văn, có nghĩa, cụ túc thanh tịnh,
hiển hiện phạm hạnh; đó là ‘Đạt phạm hạnh[03]’,
có thể diệt tận các lậu. Các thầy hãy lắng nghe, hãy khéo suy niệm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy, chờ nghe.
Đức Thế Tôn nói:
“Các ngươi hãy biết lậu, nhân sinh của lậu, biết sự hữu báo của lậu, biết
sự thắng liệt của lậu[04], biết
sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết thọ[05],
biết nhân sanh của thọ, biết sự hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ,
biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết sự hữu báo của
tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng
diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục,
biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp từ đâu sanh, biết
hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của
nghiệp, biết nghiệp diệt đạo.
“Các ngươi hãy biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết sự hữu báo của khổ,
biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo.
“Thế nào là biết lậu? Biết có ba lậu: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đó
là biết lậu? Thế nào biết nhân sanh của lậu? Biết từ vô minh, nhân vô minh,
do đó có lậu. Đó là biết nhân sanh của lậu. Thế nào là biết hữu báo của lậu?
Biết bị vô minh trói buộc, bị các lậu rỉ thấm, do nhân duyên đó lãnh thọ quả
báo hoặc đến chỗ lành hay đến chỗ ác. Đó là biết lậu có quả báo. Thế nào là
biết sự thắng liệt của lậu? Biết có lậu sanh vào địa ngục, có lậu sanh vào
súc sanh, có lậu sanh vào ngạ quỷ, có lậu sanh vào cõi trời, hoặc có lậu
sanh vào cõi người. Đó là sự thắng liệt của lậu. Thế nào là biết sự diệt tận
của lậu? Biết vô minh diệt, lậu liền diệt. Đó là biết lậu diệt tận. Thế nào
là biết lậu diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định.
Đó là biết lậu diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết lậu, biết nhân sanh của lậu, biết
hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu, biết sự diệt tận của lậu, biết
lậu diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả lậu.
“Thế nào là biết thọ? Biết có ba cảm thọ: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm
thọ không khổ không lạc. Đó là biết thọ. Thế nào là biết nhân sanh của thọ?
Biết từ xúc, do xúc nên có thọ. Đó là biết nhân sanh của thọ. Thế nào là
biết hữu báo của thọ? Biết ái, ái là hữu báo của thọ. Đó là biết hữu báo của
thọ. Thế nào là biết sự thắng liệt của thọ? Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm thọ
lạc, liền biết đang thọ nhận cảm thọ lạc; khi thọ nhận cảm thọ khổ liền biết
đang thọ nhận cảm thọ khổ; khi thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc, liền
biết đang thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc. Khi thân thọ nhận cảm thọ
lạc, thân thọ nhận cảm thọ khổ, thân thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc;
khi tâm thọ nhận cảm thọ lạc, tâm thọ nhận cảm thọ khổ, tâm thọ nhận cảm thọ
không khổ không lạc. Cảm thọ lạc khi ăn, cảm thọ khổ khi ăn, cảm thọ không
khổ không lạc khi ăn. Cảm thọ lạc khi không ăn, cảm thọ khổ khi không ăn,
cảm thọ không khổ không lạc khi không ăn. Cảm thọ lạc khi có dục, cảm thọ
khổ khi có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi có dục. Cảm thọ lạc khi
không có dục, cảm thọ khổ khi không có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi
không có dục, thì biết có cảm thọ không khổ không lạc khi không có dục. Đó
là biết sự thắng liệt của thọ. Thế nào là biết sự diệt tận của thọ? Biết xúc
diệt, thọ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của thọ. Thế nào là biết thọ
diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là
biết thọ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết thọ, biết nhân sanh của thọ, biết hữu
báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ
diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả thọ.
“Thế nào là biết tưởng? Biết có bốn tưởng[06]:
Tỳ-kheo khi có tưởng nhỏ cũng biết, tưởng lớn cũng biết, tưởng vô lượng cũng
biết, tưởng xứ vô sở hữu cũng biết. Đó là biết tưởng. Thế nào là biết nhân
sanh của tưởng? Biết từ xúc, do xúc nên tưởng. Đó là biết nhân sanh của
tưởng. Thế nào là biết hữu báo của tưởng? Biết tuyên thuyết[07],
tùy tưởng mà tuyên thuyết[08]. Đó
là biết hữu báo của tưởng. Thế nào là biết sự thắng liệt của tưởng? Biết có
tưởng tưởng về sắc[09], có tưởng
tưởng về tiếng, có tưởng tưởng về hương, có tưởng tưởng về vị, hoặc có tưởng
tưởng về xúc. Đó là biết sự thắng liệt của tưởng. Thế nào là biết sự diệt
tận của tưởng? Biết xúc diệt, tưởng liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của
tưởng. Thế nào là biết tưởng diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến
cho đến chánh định. Đó là biết tưởng diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết tưởng, biết
nhân sanh của tưởng, biết hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng,
biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm
hạnh, có thể diệt tận tất cả tưởng.
“Thế nào là biết dục? Biết dục có năm công đức của dục, khả ái, khả hỷ,
mỹ sắc, tương ưng với dục, rất khả lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi
mắt, thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi
lưỡi, xúc được biết bởi thân, pháp được biết bởi ý. Thế nào là biết nhân
sanh của dục? Biết từ xúc, do xúc nên có dục. Đó là biết nhân sanh của dục
từ đâu sanh. Thế nào là biết hữu báo của dục? Tùy theo chủng loại dục mà
sanh ái lạc, đắm trước rồi trụ vào đó, do nhân duyên đó lãnh thọ quả báo,
đến chỗ có phước, đến chỗ phi phước hay chỗ bất động. Đó là biết hữu báo của
dục. Thế nào là biết sự thắng liệt của dục? Hoặc có dục ham muốn sắc[10],
hoặc có dục ham muốn tiếng, hoặc có dục ham muốn hương, hoặc có dục ham muốn
vị, hoặc có dục ham muốn xúc. Đó là biết sự thắng liệt của dục. Thế nào là
biết sự diệt tận của dục? Biết xúc diệt, dục liền diệt. Đó là biết sự diệt
tận của dục. Thế nào là biết dục diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh
kiến cho đến chánh định. Đó là biết dục diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết dục, biết
nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự
diệt tận của dục, biết dục diệt đạo là như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có
thể diệt tận tất cả dục.
“Thế nào là biết nghiệp? Biết có hai nghiệp, nghiệp và nghiệp đã tư[11].
Đó là biết nghiệp. Thế nào là biết nhân sanh của nghiệp? Biết từ do xúc nên
có nghiệp. Đó là biết nhân sanh của nghiệp. Thế nào là biết hữu báo của
nghiệp? Biết nghiệp đen có quả báo đen, nghiệp trắng có quả báo trắng,
nghiệp đen trắng có quả báo đen trắng, hoặc nghiệp không đen không trắng thì
không có quả báo và nghiệp tận. Đó là biết nghiệp có quả báo. Thế nào là
biết sự thắng liệt của nghiệp? Biết có nghiệp sanh vào địa ngục, có nghiệp
sanh vào súc sanh, có nghiệp sanh vào ngạ quỷ, có nghiệp sanh vào cõi trời,
hoặc có nghiệp sanh vào cõi người. Đó là biết sự thắng liệt của nghiệp. Thế
nào là biết sự diệt tận của nghiệp? Biết xúc diệt, nghiệp liền diệt. Đó là
biết sự diệt tận của nghiệp. Thế nào là biết nghiệp diệt đạo? Biết Thánh đạo
tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết nghiệp diệt đạo. Nếu
Tỳ-kheo biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp, biết hữu báo của nghiệp,
biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt
đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả nghiệp.
“Thế nào là biết khổ? Biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán
tắng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó
là biết khổ. Thế nào là biết nhân sanh của khổ? Biết từ ái, do ái sanh khổ.
Đó là biết nhân sanh của khổ. Thế nào là biết hữu báo của khổ? Biết có khổ
diệt hơi chậm, hoặc có khổ diệt hơi nhanh, hoặc có khổ diệt rất chậm, hoặc
có khổ diệt rất nhanh. Đó là biết hữu báo của khổ. Thế nào là biết sự thắng
liệt của khổ? Đó là biết phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri
thức, không điều ngự thánh pháp, nên khi thân sanh cảm thọ rất khổ, cùng cực
khổ, mạng sống muốn tuyệt, phải tìm người cứu chữa ở bên ngoài; hoặc có
Sa-môn, Phạm chí thọ trì loại chú một câu, loại chú hai, ba, bốn hay nhiều
câu, hoặc thọ trì loại chú một trăm câu thần chú, ‘Vị ấy trị dứt khổ cho
ta’, như vậy là nhân mong cầu mà sanh khổ, nhân tập khởi mà sanh khổ. Đó là
biết sự thắng liệt của khổ. Thế nào là biết sự diệt tận của khổ? Biết ái
diệt, khổ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của khổ. Thế nào là biết khổ
diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là
biết khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết hữu
báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ
diệt đạo như vậy, đó gọi là Đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả khổ.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng
hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli
A.6.63 Nibbedhika-sutta. Hán, biệt dịch, No.57.
- [02] Kiếm-ma-sắt-đàm
Câu-lâu. Pāli: Kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo, tại thị trấn
Kammāsadhamma của người Kuru. Xem cht.3, kinh số 10.
- [03] Đạt phạm hạnh 達
梵 行. Pāli: nibbedhikapaiyāya, pháp môn quyết trạch.
- [04] Các khía cạnh của vấn
đề: sở nhân sanh 所 因 生, hữu báo 有 報, thắng như 勝 如, Pāli:
nidānasambhava (nguyên nhân sanh khởi), vemattatā (đặc tính sai biệt),
vipāka (báo ứng).
- [05]
Giác 覺. Pāli: vedanā.
- [06] Bản Pāli: sáu tưởng:
rūpasaññā, sắc tưởng, cho đến, dhammasaññā, pháp tưởng.
- [07] Thuyết 說. Pāli:
Katamo saññānaṃ vipāko? vohāraveppako, cái gì là kết quả (dị thục) của các
tưởng? Là kết quả của ngôn ngữ tập quán.
- [08] Tùy kỳ tưởng tiện
thuyết 隨 其 想 便 說. Pāli: yathā yathā naṃ saṃjānāti tathā tathā
voharati evaṃ saññī ahosin ti, nó nhận biết vật ấy như thế nào thì nó nói
như thế, rằng “tôi có tưởng (có ấn tương) như vậy”.
- [09] Pāli: aññā saññā
rūpesu, tưởng trong các sắc thì khác, cho đến, aññā saññā dhammesu, tưởng
trong các pháp thì khác.
- [10] Hữu dục dục sắc 有 欲
欲 色. Pāli: añño kāmo rūpesu, dục nơi các sắc là khác,... cho đến, añño
kāmo phoṭṭhabbesu, dục nơi các xúc là khác.
- [11] Tư nghiệp dĩ tư
nghiệp 思 業 已 思 業. Pāli: cetanaṃ kamamṃ... cetayitvā kamaṃ katori kāyena
vācāya manasā: nghiệp được tư duy, và nghiệp sau khi tư duy rồi hành động
bởi thân, miệng và ý.
-ooOoo-
112.
KINH A-NÔ-BA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt-kì-sấu[02], ở đô ấp A-nô-ba[03] của người Bạt-kì.
Bấy giờ, vào lúc xế trưa, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:
“A-nan, Ta và ông hãy đi đến sông A-di-la-hòa-đế[04] để tắm.
Tôn giả A-nan nói:
“Kính vâng”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến sông
A-di-la-hòa-đế, cởi bỏ y phục trên bờ sông rồi xuống nước tắm. Tắm xong,
lên bờ, lau mình và mặc y phục vào. Bấy giờ Tôn giả A-nan cầm quạt quạt
hầu Phật. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngoảnh lại, hỏi:
“A-nan, Đề-bà-đạt-đa vì phóng dật nên sẽ bị đọa lạc rất cực khổ,
chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu
vớt. A-nan, ông có nghe các Tỳ-kheo nói lại rằng Ta đã xác định
Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp,
không thể cứu vớt chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Quả vậy, lúc bấy giờ có một vị Tỳ-kheo nói với con rằng: ‘Này
Tôn giả A-nan, phải chăng Đức Thế Tôn dùng Tha tâm trí biết rõ tâm
Đề-bà-đạt-đa nên Ngài xác định rằng Đề-bà-đạt-đa[05] chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không cứu vớt?[06]’”
Đức Thế Tôn nói:
“A-nan, Tỳ-kheo ấy hoặc nhỏ, hoặc trung, hoặc lớn tuổi, hoặc niên thiếu, đều không hiểu biết[07].
Vì sao vậy? Như Lai đã xác định, nhưng người ấy vẫn còn nghi hoặc.
A-nan, Ta không thấy có những Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí hay bất
cứ ai khác ở trên đời này từ người đến trời như Ta ghi nhận nhất quyết
về Đề-bà-đạt-đa. Vì sao vậy? A-nan, Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc
chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.
A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh bằng một sợi
lông, Ta đã không xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh
vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không
thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh bằng một sợi lông,
nên Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa
ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.
“A-nan, ví như cách thôn nọ không xa, có một hầm phẩn sâu rộng,
có người bị lọt vào đấy, chìm xuống tận đáy. Có người đi đến trông thấy,
phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được sự lợi ích và phước
lành, được an ổn, khoái lạc. Người ấy nhìn quanh rồi nói, ‘Người này có
chỗ nào như lông, tóc không bị dính phẩn để ta có thể nắm kéo lên
chăng?’ Người ấy nhìn khắp châu thân nhưng không thấy có chỗ nào bằng
một sợi lông, một cọng tóc mà không bị dính phẩn để có thể dùng tay nắm
kéo lên được’. Cũng vậy, này A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có một chút
pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, Ta đã không ghi xác định rằng
Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp,
không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút
pháp
bạch tịnh nào bằng một sợi lông, nên Ta ghi xác định rằng
Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp,
không thể cứu vớt.
Khi ấy, Tôn giả A-nan khóc lóc, lấy tay gạt lệ[08] rồi thưa rằng:
“Kính bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Thế Tôn đã
xác định rằng ‘Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở
đấy trọn kiếp không thể cứu vớt’.”
“Đúng vậy A-nan! Đúng vậy A-nan! Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa
chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu
vớt. A-nan, nếu ông được Như Lai thuyết giảng cho nghe về phân biệt Đại
nhân căn trí[09] chắc chắn sẽ có tín tâm tối thượng nơi Như Lai mà luôn luôn hoan hỷ”.
Khi ấy, Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay quả là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay quả là
đúng lúc! Ngưỡng mong Thế Tôn thuyết giảng cho các Tỳ-kheo nghe về phân
biệt Đại nhân căn trí. Các Tỳ-kheo được Thế Tôn thuyết giảng cho nghe sẽ
khéo léo thọ trì”.
Đức Thế Tôn nói:
“A-nan, hãy lắng nghe! Hãy khéo tư niệm. Nay Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về phân biệt Đại nhân căn trí”.
Tôn giả A-nan vâng lời dạy chờ nghe.
Thế Tôn nói:
“A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết
người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó,
Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt
pháp thiện, sanh phát bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sanh
pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ thiện
căn đó, lại sẽ phát sanh pháp thiện. Như vậy, người này đạt được pháp
thanh tịnh.
“A-nan, ví như sáng sớm, mặt trời vừa xuất hiện, bóng tối diệt,
ánh sáng sanh. A-nan, ý ông nghĩ sao, mặt trời lên dần cho đến giờ ăn
trưa, phải chăng bóng tối đã diệt, ánh sáng đã sanh?
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.
“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất
thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người này đã diệt pháp
thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại, chưa đoạn
tuyệt. Từ thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp thiện. Như vậy, người này
đạt được pháp thanh tịnh.
“A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không
nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu được cất giấu kín đáo.
Nếu người cư sĩ giỏi, sửa sang khoảnh ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào và
mưa xuống phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống ấy có dần
dần lớn lên được chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, có thể vậy”.
“Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất
thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí lại quán sát tâm người này, biết
người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp
thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ
thiện căn đó, thiện pháp sẽ lại phát sanh. Như vậy là người này đạt được
pháp thanh tịnh. A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai
hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
“Lại nữa, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất
thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa
đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp
suy thoái[10].
“A-nan, ví như từ lúc xế trưa cho đến khi mặt trời lặn, ánh sáng
diệt, bóng tối sanh; A-nan, ý ông nghĩ sao, sau khi mặt trời lặn, phải
chăng ánh sáng đã diệt, bóng tối đã sanh?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.
“Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất
thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp
thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn
rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái”.
“A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không
nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu đến được cất giấu kín
đáo. Nếu người cư sĩ kia giỏi, sửa sang ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào
nhưng mưa xuống không phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt
giống này có dần dần lớn lên được không?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, không thể được”.
“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất
thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp
thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn
rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái”.
“A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
“Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác. Ta không thấy người này có được chút pháp bạch tịnh nào, dù chỉ
bằng một sợi lông. Người này một mực chỉ có pháp ác, bất thiện, ô uế,
làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai là sự phiền nhiệt, là khổ báo, là
nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người này khi thân hoại
mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục”.
“A-nan, ví như hạt giống không hư, vỡ, mục nát, bị gió nắng làm
thương tổn, mùa thu không được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ kia
không phải là nông phu giỏi, lại không khéo canh tác, gieo hạt giống
xuống và mưa không phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống
lúa có dần dần lớn lên được chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, dạ không”.
“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, Ta không thấy người này có được chút pháp bạch tịnh, dù bằng sợi
lông. Người này pháp ác bất thiện hoàn toàn dẫy đầy, ô uế, làm gốc rễ
cho sự hữu trong tương lai, lại phiền nhiệt, khổ báo, nguyên nhân của
sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người này khi thân hoại mạng chung, chắc
chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. A-nan, đó gọi là Đại nhân căn
trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như
vậy”.
“Khi ấy Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã thuyết giảng về ba hạng người như vậy.
Mong Thế Tôn có thể giảng thuyết về ba hạng người khác nữa được chăng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Ta có thể nói. Này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm
người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp
thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này,
biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt
pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn
tuyệt. Từ bất thiện căn này sẽ lại phát sanh pháp bất thiện. Như vậy,
người này đi đến pháp suy thoái.
“A-nan, ví như lửa đốt, khi mới đốt chỉ có một ngọn, có người đẩy
cỏ khô thêm rồi chất củi khô lên. Này A-nan, ý ông nghĩ sao, ngọn lửa
kia càng bốc cháy mạnh lên chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, quả như vậy”.
“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp
thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã được diệt
pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn
tuyệt. Từ bất thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp bất thiện. Như vậy,
người này đi đến pháp suy thoái.
“Này A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
“Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp
thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp
bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt,
chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đạt đến pháp thanh
tịnh.
“A-nan, ví như đốt lửa, khi mới đốt chỉ có một ngọn, có người đem
cây lửa đang cháy sáng này để trên đất bằng, hoặc để trên đá; này
A-nan, ý ông nghĩ sao, ngọn lửa há càng bốc cháy mạnh lên chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, không thể vậy”.
“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp
thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết
người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp
bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt,
chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy là người này đạt pháp thanh tịnh.
“A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
“Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác, Ta không thấy người này có chút hắc nghiệp dù bằng một sợi lông.
Người này tuyệt đối chỉ có pháp thiện dẫy đầy, cùng với lạc, được lạc
báo, chắc chắn sanh vào lạc xứ mà được trường thọ. Như vậy, người này
ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn.
“A-nan, ví như tro lửa đã tắt từ lâu, đã nguội lạnh, có một người
thêm đầy cỏ khô rồi chất củi khô lên; này A-nan, ý ông nghĩ sao, tâm
nguội lạnh há có thể bốc cháy được chăng?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, không thể được”.
“Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người
khác. Ta không thấy người này có chút hắc nghiệp dù bằng một sợi lông.
Người này tuyệt đối chỉ có pháp thiện dẫy đầy, cùng với lạc, được lạc
báo, chắc chắn sanh vào lạc xứ mà được trường thọ. Như vậy, người này
ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn. Này A-nan, đó gọi là
Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của
các pháp như vậy.
“A-nan, ba hạng người nói trên kia, hạng người thứ nhất đạt pháp
thanh tịnh, hạng người thứ hai đạt pháp suy thoái, hạng người thứ ba khi
thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục.
“Ba hạng người Ta nói sau này, hạng người thứ nhất đạt pháp suy
thoái, hạng người thứ hai đạt pháp thanh tịnh, hạng người thứ ba ngay
trong đời này chứng đắc Niết-bàn.
“A-nan, Ta đã giảng thuyết cho ông nghe về Đại nhân căn trí. Như
đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn
cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, điều đó Ta đã
thực hiện rồi, các người cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến rừng vắng
sơn lâm, dưới gốc cây hoặc một chỗ nào yên tĩnh mà thiền tịnh tư duy,
chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận.
Đó là lời răn dạy của Ta! Đó là lời khuyên bảo của Ta!”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli A.6.62 Udaka (Purisindriyañāṇa-sutta). Biệt dịch, No.58.
- [02] Bạt-kì-sấu 跋 耆 瘦. Pāli: Vajjīsu, giữa những người Vajji.
- [03]
A-nô-ba 阿 奴 波; địa danh này chưa rõ. Bản Pāli: Phật tại Daṇḍakappa, một ngôi làng của người Kosala.
- [04] A-di-la-hòa-đế 阿 夷 邏 和 帝. Pāli: Aciravatī, Tôn giả Ananda và một số đông Tỳ-kheo làng Daṇḍakappa đến tắm ở đây.
- [05] Đề-bà-đạt-đa 提 婆 達 多,Tỳ-kheo chống Phật. Pāli: Devadatta.
- [06] Theo bản Pāli, Tỳ-kheo này hoài nghi, Phật tự biết hay nhờ chư Thiên nói cho biết.
- [07]
Hán: niên thiếu bất tự tri 年 少 不 自 知. Pāli: bālo avyatto, ngu si không
biết gì. Bāla, có nghĩa con nít, cũng có nghĩa ngu si, cho nên Hán dịch
niên thiếu (?).
- [08] Có lẽ vì Đề-ba-đạt-đa là anh em chú bác ruột.
- [09] Đại nhân căn trí 大 人 根 智. Pāli: purisindriyaññāṇa.
- [10] Suy thoái pháp 衰 退 法. Pāli: parihāna-dhamma.
-ooOoo-
113. KINH CHƯ PHÁP BỔN[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có dị đạo đến hỏi các ông ‘Tất cả các pháp lấy gì làm gốc?’
thì các ông nên trả lời họ như thế này: ‘Tất cả các pháp lấy dục làm
gốc’.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm hòa hiệp?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy xúc làm hòa hiệp[02]’.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm dẫn khởi?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy thọ làm dẫn khởi[03]’.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm hữu?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy tư tưởng làm hữu[04]“.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm thượng thủ?’ thì nên đáp như vầy: “Lấy niệm làm thượng thủ’.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm tiền đạo?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy định làm tiền đạo”.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm tối thượng?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy tuệ làm tối thượng.’
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm chắc thật?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy giải thoát làm chắc thật’.
“Nếu lại hỏi, ‘Lấy gì làm ý nghĩa?’ thì nên đáp như vầy, ‘Lấy Niết-bàn làm ý nghĩa’.
“Tỳ-kheo, đó là, dục là gốc của các pháp, xúc là hòa hiệp của các
pháp, thọ là dẫn khởi của các pháp, tư tưởng là hữu của các pháp, niệm
là thượng thủ của các pháp, định là tiền đạo của các pháp, tuệ là tối
thượng của các pháp, giải thoát là chắc thật của các pháp, và Niết-bàn
là ý nghĩa của các pháp. Tỳ-kheo, hãy nên học tập như vậy.
“Tích tập tâm xuất gia học đạo[05],
tích tập tưởng vô thường, tích tập tưởng vô thường nên khổ, tích tập
tưởng khổ nên vô ngã, tích tập tưởng bất tịnh, tích tập tưởng thức ăn
ghê tởm[06], tích tập tưởng tất cả thế gian không có gì hoan lạc, tích tập tưởng về sự chết.
“Biết sự tốt xấu của thế gian[07]; tâm được tích tập với tưởng như vậy[08]. Biết tập hữu của thế gian[09];
tâm được tích tập với tưởng như vậy. Biết như thật sự tập khởi, diệt
tận, vị ngọt, tai hoạn và sự xuất yếu của thế gian; tâm được tích tập
với tưởng như vậy. Nếu Tỳ-kheo tích tập được tâm xuất gia học đạo, tích
tập được tưởng vô thường, tích tập được tưởng vô thường nên khổ, tích
tập được tưởng khổ nên vô ngã, tích tập được tưởng bất tịnh, tích tập
được tưởng thức ăn ghê tởm, tích tập được tưởng tất cả thế gian không có
gì hoan lạc, tích tập được tưởng về sự chết. Biết sự tốt xấu của thế
gian; tâm đã được tích tập với tưởng như
vậy. Biết tập hữu của thế gian; tâm đã được tích tập với tưởng như
vậy. Biết như thật sự tập khởi, diệt tận, vị ngọt, tai hoạn và sự xuất
yếu của thế gian; tâm đã được tích tập với tưởng như vậy; đó được gọi là
Tỳ-kheo đoạn ái, trừ kết; đã chánh tri, chánh quán các pháp rồi liền
được tận cùng sự khổ.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Bản Hán, quyển 28. Tương đương Pāli, A. 8. 83. Mūla, 10. 58 Mūla; tham chiếu, A. 10. 59 Pabbajjā. Hán, biệt dịch, No.59.
- [02] Hán: dĩ cánh lạc vi hòa 以 更 樂 為 和. Pāli: vedanā-samosaraṇā, hòa hiệp (kết hợp) là thọ. Xem cht. dưới.
- [03] Dĩ hà vi lai 以 何 為 來. Pāli: phassa-samudayā, xúc là tập khởi. Xem cht. trên.
- [04] Dĩ tư tưởng vi hữu 以 思 想 為 有. Pāli: manasikāra-saṃbhavā, tác ý là sanh khởi (hữu).
- [05]
Tập đắc xuất gia học đạo chi tâm 習 得 出 家 學 道 之 心. Pāli: yathāpabbajjā-
paricitañca cittam. Tập trong bản Hán phù hợp với paricita trong bản
Pāli, nên hiểu là tích tập, thay vì là tập khởi.
- [06] Ác thực tưởng 惡 食 想.
- [07]
Tri thế gian hảo ố 知 世 間 好 惡. Pāli: lokassa samañ ca asamañ ca ñatvā,
biết sự chánh hay bất chánh (bình đẳng hay không bình đẳng) của thế
gian.
- [08] Tập như thị tưởng tâm 習 如 是 想 心. Pāli: taṃsaññāparicitañca cittaṃ.
- [09] Tri thế gian tập hữu 知 世 間 習 有. Pāli: lokassa samudayañ ca atthaṅgamañca ñatvā, biết sự tập khởi và hoại diệt của thế gian.
-ooOoo-
114. KINH ƯU-ĐÀ-LA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ưu-đà-la La-ma-tử[02]
ở trong chúng hội thường nói như vầy, ‘Ta ở trong sanh loại này, quán
sát nó, cảm thọ nó mà không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết
hoàn toàn cội gốc của ung nhọt[03].’
Ưu-đà-la La-ma-tử không biết tất cả, tự xưng biết tất cả, thật không có
giác ngộï tự xưng có giác ngộ. Ưu-đà-la La-ma-tử thấy như vậy, nói như
vậy, ‘Nếu có tưởng thì đó là bệnh, là ung nhọt, là gai, còn như không có
tưởng thì đó là kẻ ngu si. Nếu có cái được cảm thọ, thì đó là tĩnh chỉ,
là tối diệu, tức là cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ’. Ông ấy sau
khi ái lạc tự thân, chấp thủ tự thân, sau đó tu tập cho đến phi hữu
tưởng phi vô tưởng xứ. Khi thân hoại mạng chung sanh vào
cõi trời phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Sau khi chấm dứt tuổi thọ ở
đó, lại đến nhân gian, sanh vào loài chồn.
“Ở đây thầy Tỳ-kheo nói chân chánh, có thể nói như vầy “Ta ở
trong sanh loại này, quán sát nó, cảm thọ nó mà không biết cội gốc của
ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt’.
“Thế nào là Tỳ-kheo quán sát chân chánh? Tỳ-kheo biết sáu xúc xứ,
biết tập, biết diệt, biết vị ngọt, biết tai hoạn và biết sự xuất yếu
của chúng; bằng tuệ mà biết một cách như thật. Như vậy gọi là Tỳ-kheo
quán sát chân chánh.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết cảm thọ? Là Tỳ-kheo biết ba cảm thọ,
biết tập, biết diệt, biết vị ngọt, biết tai hoạn và biết sự xuất yếu của
chúng; bằng tuệ mà biết một cách như thật. Như vậy gọi là Tỳ-kheo biết
cảm thọ.
“Thế nào là Tỳ-kheo không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó
biết hoàn toàn cội gốc của ung nhọt? Tỳ-kheo biết hữu ái đã diệt, đã
nhổ sạch gốc rễ của nó, khiến không thể sanh lại. Như vậy gọi là Tỳ-kheo
không biết cội gốc của ung nhọt, nhưng sau đó biết hoàn toàn cội gốc
của ung nhọt.
“Ung nhọt chính là thân này, là sắc thân bốn đại thô phù do cha
mẹ sanh ra, được lớn lên nhờ ăn uống, cọ xát với y phục, chăm sóc bằng
tắm rửa, là pháp vô thường, là pháp hủy hoại, là pháp tan rã. Như vậy
gọi là ung nhọt.
“Cội gốc của ung nhọt là ba ái: dục ái, sắc ái và vô sắc ái. Như
vậy gọi là cội gốc của ung nhọt. Tất cả lậu gây ung nhọt là sáu xúc xứ,
mắt lậu thấy sắc, tai lậu nghe tiếng, mũi lậu ngửi mùi, lưỡi lậu nếm vị,
thân lậu cảm xúc, ý lậu biết các pháp. Như vậy gọi là tất cả lậu gây
ung nhọt.
“Này các Tỳ-kheo, Ta đã thuyết giảng cho các ngươi nghe về cội
gốc của ung nhọt. Như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại
từ đại bi, mong cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc,
điều đó Ta đã thực hiện. Các thầy cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến
nơi rừng vắng, sơn lâm, dưới gốc cây hoặc một chỗ nào yên tĩnh mà thiền
tọa, tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau
phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta! Đó là lời khuyên bảo của Ta!”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, S. 35. 103. Uddaka.
- [02]
Ưu-đà-la La-ma-tử 優 陀 羅 羅 摩 子. Pāli: Uddaka-Rāmaputta, vị đạo sĩ đã dạy
cho Đức Phật lúc Ngài chưa thành đạo về pháp tu Phi tưởng phi phi tưởng
(xem M.26 và kinh số 104).
- [03] Đối
chiếu bản Pāli: idam jātu vedagū, idam jātu sabbajī, idam jātu
analikhatam gaṇḍemūlam Pālikhanin ti. Quả thực ta thấu hiểu sự kiện này,
khắc phục tất cả sự kiện này, phế trừ gốc rễ của ung nhọt này. Jātu
(quả thức, trạng từ), trong bản Hán được hiểu là Jāti: sanh loại (?).
-ooOoo-
115. KINH MẬT HOÀN DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa Thích-ki-sấu, ở tại Ca-duy-la-vệ[02].
Bấy giờ sau khi đêm tối qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp
y, ôm bát, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, đi đến rừng trúc[03]
trong chùa Thích-ca[04], rồi Ngài đi vào Đại lâm[05], đến dưới một gốc cây, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già.
Khi ấy, Chấp Trượng Thích[06]
chống gậy mà đi, sau bữa cơm trưa, ung dung tìm đến chỗ Phật, cùng nhau
chào hỏi, chống gậy đứng trước Đức Phật, rồi hỏi Đức Thế Tôn rằng:
“Sa-môn Cù-đàm, Ngài lấy gì làm tông chỉ? Và thuyết giảng những pháp gì?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ ngườøi đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh[07], tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối[08], không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng[09]. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy”.
Khi ấy, Chấp Trượng Thích nghe Đức Phật nói, không cho là phải, không cho là trái. Chấp Trượng Thích lắc đầu rồi bỏ đi.
Bấy giờ, sau khi Chấp Trượng Thích bỏ đi không lâu, vào lúc xế,
Đức Thế Tôn từ chỗ thiền tọa đứng dậy, đi vào giảng đường, đến trước
chúng hội Tỳ-kheo, trải tọa cụ ngồi xuống, rồi nói với các Tỳ-kheo:
“Hôm nay, vào buổi sáng sớm, Ta đắp y, ôm bát vào Ca-duy-la-vệ
khất thực. Sau khi ăn xong, Ta thâu y bát, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn
vắt lên vai, đến khóm trúc trong chùa Thích-ca, rồi Ta đi vào Đại lâm
ấy, đến dưới một gốc cây, trải Ni-sư-đàn rồi ngồi kiết già. Khi ấy, có
Chấp Trượng Thích chống gậy mà đi, sau bữa cơm trưa ung dung tìm đến chỗ
Ta, cùng nhau chào hỏi, chống gậy đứng trước mặt Ta rồi hỏi Ta rằng:
‘Sa-môn Cù-đàm, Ngài lấy gì làm tông chỉ và thuyết giảng những pháp gì?’
Ta đáp, ‘Này người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, phạm, Sa-môn,
Phạm chí, từ ngườøi đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu
tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối, không
đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng. Đó là tông chỉ của Ta.
Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy’. Khi ấy Chấp Trượng Thích nghe Ta
nói không cho là phải, cũng không cho là trái. Chấp Trượng Thích lắc
đầu rồi bỏ đi”.
Khi ấy có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, sao gọi là tất cả những Thiên, Ma, phạm, Sa-môn,
Phạm chí, từ ngườøi đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu
tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối, không
đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Tỳ-kheo, nếu người đối với tư niệm nhân đó mà xuất gia học đạo[10],
tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không
ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là tận cùng sự khổ.
Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử[11], đấu tranh, tắng tat, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác[12], đó gọi là tận cùng sự khổ”.
Đức Phật nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa.
Khi ấy các Tỳ-kheo liền suy nghĩ rằng: ‘Này chư Hiền, nên biết,
Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh thất tĩnh tọa, ‘Nếu người đối với tư
niệm nhân đó mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện
tại, quá khứ và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không
trụ, đó gọi là tận cùng sự khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh
sử, kiến sử, nghi sử, đấu tranh, tắng tat, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối,
nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác, đó gọi là tận cùng sự
khổ’.”
Rồi lại suy nghĩ rằng: “Này chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt ấy?”
Rồi họ lại suy nghĩ: “Chỉ có Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường
được Đức Thế Tôn và các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả Đại
Ca-chiên-diên có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói
vắn tắt ấy. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại
Ca-chiên-diên yêu cầu ngài nói nghĩa này. Nếu đượïc Tôn giả Đại
Ca-chiên-diên phân biệt cho thì chúng ta sẽ khéo léo nhận lãnh rồi ghi
nhớ”.
Rồi thì các Tỳ-kheo đi đến chỗ của Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng nhau chào hỏi rồi ngồi một bên mà bạch rằng:
“Thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết, Đức Thế Tôn nói nghĩa
này một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy
đi vào tịnh thất tĩnh tọa. “Tỳ-kheo, nếu người đối với tư niệm nhân đó
mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ
và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là
tận cùng sự khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử,
nghi sử, đấu tranh, tắng tật, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi
và vô lượng pháp ác bất thiện khác, đó gọi là tận cùng sự khổ’. Chúng
tôi liền suy nghĩ rằng: ‘Này chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý
nghĩa mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt?’ Rồi chúng tôi lại suy nghĩ: ‘Chỉ
có Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Đức Thế Tôn và các vị
phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân
biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn nói vắn tắt ấy. Ngưỡng mong Tôn giả
Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giảng rộng cho!”
Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo rằng:
“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí tuệ nghe dụ này sẽ hiểu rõ nghĩa lý.
“Này chư Hiền, ví như có người tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây
nên người ấy cầm búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ đã thành rễ,
thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đụng đến rễ, thân,
cành, lõi, mà chỉ đụng đến nhánh và lá. Những điều chư Hiền nói cũng
giống như vậy. Đức Thế Tôn đang ở đây mà chư Hiền lại bỏ Ngài đến tôi để
hỏi nghĩa này. Vì sao vậy? Này chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn là Bậc
có mắt, là Bậc có trí. Ngài là Pháp, là Bậc Pháp Chủ, là Pháp tướng, là
Bậc nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả nghĩa. Do đó chư Hiền nên đi đến
chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi nghĩa này, rằng: ‘Bạch Thế Tôn, điều này là thế
nào? Điều này có nghĩa gì?’ Nếu như Đức Thế Tôn có nói gì thì chư Hiền
hãy khéo léo nhận lãnh và ghi nhớ”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Đúng vậy, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là bậc có
mắt, là bậc có trí. Ngài là nghĩa, là Pháp, là bậc Pháp chủ, là bậc Pháp
tướng, là bậc nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả nghĩa. Do đó chúng
tôi nên đi đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi nghĩa này, ‘Bạch Thế Tôn, điều này
là thế nào? Điều này có nghĩa gì?’ Nếu như Đức Thế Tôn có nói gì thì
chúng tôi khéo léo nhận lãnh rồi ghi nhớ. Nhưng thưa Tôn giả Đại
Ca-chiên-diên, Ngài thường được Đức Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí
khen ngợi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa
mà Đức Thế Tôn vừa nói vắn tắt ấy. Ngưỡng mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên
thương xót mà giảng rộng cho”.
Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo:
“Vậy, này chư Hiền, xin hãy nghe tôi nói”.
“Này chư Hiền, duyên nhãn và sắc mà sanh nhãn thức. Ba sự này
cùng tụ hội liền có xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Có cảm thọ thì có
tưởng. Có tưởng thì có tư duy. Có tư duy thì có niệm. Có niệm thì có
phân biệt[13].
“Tỳ-kheo do suy niệm như vậy nên xuất gia học đạo, tu tập tư
tưởng, trong đó đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai không ái, không
lạc, không đắm trước, không trụ; đó gọi là tận cùng sự khổ. Dục sử,
nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, đấu tranh, tắng tật, siểm
nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác.
Đó gọi là tận cùng sự khổ.
“Với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Duyên ý và pháp mà phát sanh ý
thức. Ba sự cùng tụ hội liền có xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Có
cảm thọ thì có tưởng. Có tưởng thì có tư duy. Có tư duy thì có suy niệm.
Có suy niệm thì có phân biệt. Tỳ-kheo do niệm ấy mà xuất gia học đạo,
tu tập tư tưởng, trong đó đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai không
ái, không lạc, không đắm trước, không trụ. Đó gọi là tận cùng sự khổ.
Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, đấu tranh, tắng
tật, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất
thiện khác. Đó gọi là tận cùng sự khổ.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo trừ con mắt, trừ sắc, trừ nhãn thức mà có
xúc, mà giả thiết có xúc, điều này không thể có. Nếu không giả thiết có
xúc mà giả thiết có cảm thọ, điều ấy kkhông xảy ra. Nếu không giả thiết
cảm thọ mà giả thiết có suy niệm rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng,
điều này không thể có. Với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Trừ ý, trừ
pháp, trừ ý thức mà có xúc, giả thiết có xúc, điều này không thể có. Nếu
không giả thiết xúc mà có thọ, giả thiết có thọ, điều này không thể có.
Nếu không giả thiết thọ mà giả thiết có suy niệm, rồi xuất gia học đạo,
tu tập tư tưởng, điều này không thể có.
“Này chư Hiền, do con mắt, do sắc, do nhãn thức mà có xúc, giả
thiết có xúc, điều này có thật. Do giả thiết xúc mà có thọ, giả thiết có
thọ, điều này có thật. Do giả thiết thọ mà giả thiết có suy niệm rồi
xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này có thật. Do giả thiết thọ mà
giả thiết có suy niệm rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này
có thật.
“Với tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Do ý, do pháp, do ý thức mà
có xúc, chủ trương có xúc, điều này có thật. Do chủ trương xúc mà có cảm
thọ, giả thiết có cảm thọ, điều này có thật. Do giả thiết có cảm thọ mà
giả thiết có suy niệm, rồi xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, điều này
có thật.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn tắt, không
phân biệt rộng rãi mà từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa,
‘Tỳ-kheo, nếu người đối với tư niệm nhân đó mà xuất gia học đạo, tu tập
tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không ái,
không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là tận cùng sự khổ. Dục
sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử, đấu tranh,
tắng tật, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác
bất thiện khác, đó gọi là tận cùng sự khổ’. Đức Thế Tôn nói nghĩa này
một cách vắn tắt, không phân biệt rộng rãi. Tôi đã diễn rộng câu ấy, văn
ấy như vậy.
“Này chư Hiền, có thể đi đến chỗ Phật, tường trình lại đầy đủ,
nếu đúng như nghĩa mà Đức Thế Tôn muốn nói, chư Hiền hãy nhận lãnh và
ghi nhớ”.
Khi ấy các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói,
khéo ghi nhớ, tụng đọc, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Tôn giả Đại
Ca-chiên-diên ba vòng rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống
một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, vừa rồi Đức Thế Tôn nói nghĩa này một cách vắn
tắt, không phân biệt rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh
thất nghỉ ngơi. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên đã đem những câu này, văn này
mà diễn rộng ra”.
Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử của Ta, có vị là bậc có
mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì khi Tôn sư nói nghĩa này cho
họ từ một cách vắn tắt, không phân biệt một cách rộng rãi, mà vị đệ tử
kia đã diễn rộng ra những câu ấy, văn ấy. Đúng như những gì Tỳ-kheo Đại
Ca-chiên-diên đã nói, các thầy hãy nên nhận lãnh rồi ghi nhớ như vậy. Vì
sao vậy? Vì nói, quán nghĩa phải như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, ví như có người do đi đến chỗ rừng vắng, trong rừng sâu, giữa những cây cối, bỗng nhiên gặp được bánh mật[14],
vị ấy ăn, thưởng thức vị ngọt; thiện nam tử cũng giống như vậy, ở trong
Pháp Luật chân chánh này của Ta, tùy theo những gì được quán sát, vị ấy
thưởng thức được vị ngọt của nó. Quán sát con mắt, thưởng thức được vị
ngọt. Quán sát tai, mũi, lưỡi, thân, quán sát ý thưởng thức được vị
ngọt”.
Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Đức Thế Tôn, Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Pháp này tên gọi là gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?”
Đức Thế Tôn nói:
“Này A-nan, Pháp này tên là ‘Mật hoàn dụ’[15], ông hãy nên nhận lãnh và ghi nhớ”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy nhận lãnh pháp ‘Mật hoàn dụ’ này, phải thường tụng
đọc. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, pháp “Mật hoàn dụ” này có pháp, có
nghĩa, là gốc của phạm hạnh, dẫn đến trí thông, dẫn đến giác ngộ, đưa
đến Niết-bàn. Nếu là thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí
tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, thì hãy nên khéo léo
nhận lãnh, ghi nhớ pháp ‘Mật hoàn dụ’ này”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli M.18 Madhupiṇḍika-sutta. Biệt dịch No.125 (9).
- [02] Thích-ki-sấu, Ca-duy-la-vệ. Pāli: sakkesu viharati nigrodhārāme.
- [03] Nghệ trúc lâm 詣 竹 林. Bản Pāli nói Phật ngồi nghỉ trưa dưới một gốc tre non (Beluvaṭṭhika), tre non.
- [04] Thích-ca tự 釋 迦 寺, chỉ tinh xá trong vườn Ni-câu-loại (Nigrodhārāma).
- [05] Đại lâm 大 林. Pāli: Mahāvana, khu rừng gần Kapilavatthu.
- [06] Chấp
Trượng Thích 執 杖 釋. Pāli: Daṇḍapānī Sakka, con trai của Anjana và
Yosadharā, em của Hoàng hậu Mayā và Pajāpati, tức cậu ruột của Phật.
Truyền thuyết Bắc phương nói ông là cha vợ của Thái tử Tất-đạt-đa.
- [07] Đấu tranh 鬥 諍. Pāli: viggayha, sự tranh luận, tranh cãi.
- [08] Trừ hối. Pāli: chinnakukkucca, dứt trừ sự ác tác, không còn hối quá.
- [09]
Hán: (...) diệc vô tưởng 亦 無 想. Pāli: (...) taṃ brahmaṃ ... bhavābhave
vītataṇhaṃ saññā nānusenti, các tưởng không tiềm phục nơi người
Bà-la-môn mà tham ái, ái hữu và phi hữu đã bị loại trừ. Không nên lầm ở
đây Phật chủ trương “vô tưởng”.
- [10] Nhân
sở nhân niệm 人 所 因 念. Pāli nói: Yatonidānaṃ purisaṃ papañcasaññā-saṅkhā
samudācaranti ettha ce natthi abhinanditabbaṃ, do nhân duyên mà các hý
luận vọng tưởng hiện hành nơi con người, ở đó nếu không có gì đang hoan
hỷ... Thử dựng lại đoạn Hán thành Pāli để xem có phải Hán và Pāli khác
nhau do sự truyền khẩu hay không: yatonidānaṃ purisaṃ
pabbajjāsaññāparicitaṃ...
- [11] Các sử ở đây cũng gọi là tùy miên.
- [12] Liệt
kê của Pāli: rāga (tham trước), paṭigha (sân), diṭṭhi (kiến),
vicikicchā (nghi), māna (mạn), bhavarāga (hữu ái), avijjā (vô minh), các
tùy miên (anusayāni) này bị đoạn tận.
- [13] Nhược sở niệm tiện phân biệt 苦 所 念 便 分 別. Pāli: yaṃ vitakketi, taṃ papañceti, có tầm (niệm) cái gì, thì có hý luận cái đó.
- [14] Mật hoàn 蜜 丸. Pāli: madhu-piṇḍika.
- [15] Pāli: madhupiṇḍikapariyāya, pháp môn mật hoàn.
-ooOoo-
116. KINH CÙ-ĐÀM-DI[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa Thích-ki-sấu, tại Ca-duy-la-vệ, vườn Ni-câu-loại[02],
cùng với chúng Đại Tỳ-kheo đồng thọ hạ an cư.
Bấy giờ, Cù-đàm-di Đại Ái[03]
đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên mà bạch
rằng:
“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả Sa-môn thứ tư[04]
được chăng? Do nhân duyên này nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh
này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong
Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà
học đạo’. Cù-đàm-di, như vậy mà người đã tự cạo bỏ đầu tóc, khoác áo ca-sa[05],
nguyện suốt đời tịnh tu phạm hạnh!” Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn
cản, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.
Bấy giờ các Tỳ-kheo khâu vá y của Đức Phật, Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu
không bao lâu, sau khi trải qua ba tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y
rồi, Ngài khoác y, cầm bát, sửa soạn du hành nhân gian. Cù-đàm-di Đại Ái
nghe tin các Tỳ-kheo khâu vá y của Đức Phật, Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu
không bao lâu, sau khi trải qua ba tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y
rồi, Ngài khoác y, ôm bát, sửa soạn du hành nhân gian. Sau khi nghe tin, bà
Cù-đàm-di Đại Ái lại đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi
ngồi qua một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả thứ tư được chăng? Do nhân duyên
này, nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”
Đức Thế Tôn cũng lại nói:
“Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong
Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà
học đạo’. Cù-đàm-di, như vậy mà người đã tự cạo bỏ đầu tóc, khoác áo ca-sa,
nguyện suốt đời tịnh tu phạm hạnh!”
Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn cản lần thứ hai, cúi đầu đảnh lễ
sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu, sau khi trải qua ba tháng thọ hạ
an cư xong và đã khâu vá y rồi, Ngài khoác y, ôm bát du hành nhân gian.
Cù-đàm-di Đại Ái nghe tin Đức Thế Tôn ở Thích-ki-sấu sau khi trải qua ba
tháng thọ hạ an cư xong và đã khâu vá y rồi, Ngài khoác y ôm bát mà du hành
nhân gian, Cù-đàm-di Đại Ái liền cùng các lão mẫu Xá-di[06]
đi theo sau Phật, tiến dần đến Na-ma-đề, trú tại tinh xá Na-ma-đề Kiền-ni[07].
Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái lại đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật
rồi ngồi một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả thứ tư được chăng? Do nhân duyên
này, nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”
Đức Thế Tôn nói lại lần thứ ba:
“Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong
Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà
học đạo’. Cù-đàm-di, như vậy mà người đã tự cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa,
nguyện suốt đời tịnh tu phạm hạnh!”. Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn
cản lần thứ ba, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui
ra.
Lúc bấy giờ, Cù-đàm-di Đại Ái chân cẳng bết bùn[08],
mình mẩy dính đầy bụi bặm, vô cùng mệt mỏi, đứng ngoài cửa buồn rầu khóc
lóc. Tôn giả A-nan trông thấy Cù-đàm-di Đại Ái chân cẳng bết bùn, mình mẩy
dính đầy bụi bặm, vô cùng mệt mỏi, đứng ngoài cửa buồn rầu khóc lóc, liền
hỏi:
“Cù-đàm-di, vì cớ gì mà chân cẳng bết bùn, mình mẩy dính đầy bụi bặm, vô
cùng mệt mỏi, đứng ngoài cửa buồn rầu khóc lóc như vậy?”
Cù-đàm-di Đại Ái đáp:
“Thưa Tôn giả A-nan, nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này
chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo”.
Tôn giả A-nan nói:
“Cù-đàm-di, hãy đứng dậy, để tôi đi đến Đức Phật thưa hỏi việc này cho”.
Cù-đàm-di Đại Ái Đạo bạch:
“Kính vâng, thưa Tôn giả A-nan”.
Rồi Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, chắp
tay hướng Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả thứ tư được chăng[09]?
Do nhân duyên này nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh chí tín, lìa
bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Thôi! Thôi! A-nan, người chớ nên nghĩ rằng ‘Nữ nhân có thể ở trong Pháp
Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học
đạo’. A-nan, nếu cho nữ nhân được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì phạm hạnh này sẽ không
tồn tại lâu dài[10]. A-nan, ví
như gia đình có nhiều người nữ, ít người nam thì gia đình này có được hưng
thịnh lâu không?
“Bạch Thế Tôn, không thể vậy”.
“Cũng vậy, này A-nan, nếu có nữ nhân được ở trong Pháp Luật chân chánh
này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì phạm hạnh
sẽ không được tồn tại lâu dài.
“A-nan, ví như trong ruộng lúa dé, ruộng lúa tẻ có sanh cỏ uế[11]
thì ruộng lúa kia chắc chắn bị hư hại. Cũng vậy, này A-nan, nếu cho nữ nhân
được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không
gia đình mà học đạo thì phạm hạnh này sẽ không được tồn tại lâu dài”.
Tôn giả A-nan lại bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Cù-đàm-di Đại Ái đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích. Vì
sao? Vì sau khi thân mẫu Thế Tôn mất, Cù-đàm-di Đại Ái đã bảo dưỡng Đức Thế
Tôn”.
Đức Thế Tôn nói:
“Đúng vậy, A-nan! Đúng vậy, A-nan! Cù-đàm-di Đại Ái đã đem lại cho Ta
nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta mất. Nhưng này A-nan, Ta
cũng đem lại cho Cù-đàm-di Đại Ái nhiều lợi ích. Vì sao? Này A-nan,
Cù-đàm-di Đại Ái nhờ Ta mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Chúng Tỳ-kheo,
không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ - Tập - Diệt - Đạo, thành tựu tín tâm,
phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu hạnh bố thí, được trí tuệ, xa
lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn
trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm;
xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu,
đoạn trừ nghiệp uống rượu.
“A-nan, nếu có người nhờ người mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y
Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ -Tập - Diệt - Đạo,
thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu bố thí,
được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không
cho mà lấy, đoạn trừ nghiêïp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn
trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa
nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. Rồi, này A-nan, giả như người
này cúng dường người kia y phục, ăn uống, tọa cụ, thuốc thang, các vật dụng
cho cuộc sống, cho đến trọn đời, chẳng lẽ nào lại không được đền ơn[12].
“Này A-nan, Ta vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư[13],
nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, ví như người thợ đánh cá và đệ tử của người thợ đánh cá đắp đập ở
khoảng nước sâu để giữ nước, không cho chảy ra ngoài; cũng vậy, này A-nan,
nay Ta vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư, nữ nhân không được trái phạm,
nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“Tám pháp đó là những gì?
“A-nan, Tỳ-kheo-ni phải cầu thọ giới Cụ túc nơi Tỳ-kheo. A-nan, Ta đã vì
nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ nhất. Nữ nhân không được trái phạm, nữ
nhân phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, Tỳ-kheo-ni cứ mỗi nửa tháng phải đến thọ giáo nơi Tỳ-kheo. A-nan,
Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ hai. Nữ nhân không được trái
phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, nếu nơi trụ xứ không có Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo-ni không được thọ hạ
an cư. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ ba. Nữ nhân không
được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, Tỳ-kheo-ni sau khi thọ hạ an cư phải đối trước hai bộ chúng thỉnh
cầu chỉ rõ về ba sự kiện, thấy, nghe và nghi. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà
tuyên bố pháp tôn sư thứ tư. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải
phụng trì suốt đời.
“A-nan, nếu Tỳ-kheo không cho phép Tỳ-kheo-ni thưa hỏi thì Tỳ-kheo-ni
không được thưa hỏi Tỳ-kheo về Kinh-Luật hoặc A-tỳ-đàm. Nếu cho phép hỏi thì
Tỳ-kheo-ni mới được thưa hỏi về Kinh-Luật hoặc A-tỳ-đàm. A-nan, Ta đã vì nữ
nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ năm. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân
phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, Tỳ-kheo-ni không được nói điều trái phạm của Tỳ-kheo, nhưng
Tỳ-kheo được quyền nói điều trái phạm của Tỳ-kheo-ni. A-nan, Ta đã vì nữ
nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ sáu. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân
phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, Tỳ-kheo-ni nếu phạm Tăng-già-bà-thi-sa[14]
thì phải đối trước hai bộ chúng hành bất mạn trong vòng mười lăm ngày.
A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ bảy. Nữ nhân không được
trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, Tỳ-kheo-ni dù đã thọ giới Cụ túc lâu đến một trăm năm, nhưng đối
với trước Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc vẫn phải khiêm cung cúi đầu làm lễ,
cung kính chắp tay thưa hỏi. A-nan, Ta đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư
thứ tám. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“A-nan, Ta đã vì nữ nhân tuyên bố tám pháp tôn sư này, nữ nhân không được
trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời. A-nan, nếu Cù-đàm-di Đại Ái
phụng trì tám pháp tôn sư này thì được ở trong Pháp Luật chân chánh mà xuất
gia học đạo, được thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo-ni”.
Khi ấy Tôn giả A-nan nghe Đức Phật dạy, khéo léo nhận lãnh và ghi nhớ,
cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ
Cù-đàm-di Đại Ái, nói rằng:
“Cù-đàm-di, nữ nhân đã được phép ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo. Cù-đàm-di, Đức Thế Tôn đã
vì nữ nhân mà tuyên bố tám pháp tôn sư, nữ nhân không được trái phạm, nữ
nhân phải phụng trì suốt đời.
“Tám pháp này là những gì?
“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni phải cầu thọ giới Cụ túc nơi Tỳ-kheo. Cù-đàm-di,
Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ nhất. Nữ nhân không được
trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni cứ mỗi nửa tháng phải đến thọ giáo nơi Tỳ-kheo.
Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ hai. Nữ nhân
không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, nếu nơi trụ xứ không có Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo-ni không được thọ
hạ an cư. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ ba.
Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni sau khi thọ hạ an cư phải đối trước hai bộ chúng
thỉnh cầu chỉ rõ về ba sự kiện, thấy, nghe và nghi. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì
nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ tư. Nữ nhân không được trái phạm, nữ
nhân phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, nếu Tỳ-kheo không cho phép Tỳ-kheo-ni thưa hỏi thì Tỳ-kheo-ni
không được thưa hỏi Tỳ-kheo về Kinh-Luật hoặc A-tỳ-đàm. Nếu cho phép hỏi thì
Tỳ-kheo-ni mới được thưa hỏi về Kinh -Luật hoặc A-tỳ-đàm. Cù-đàm-di, Thế Tôn
đã vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ năm. Nữ nhân không được trái phạm,
nữ nhân phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni không được nói điều trái phạm của Tỳ-kheo, nhưng
Tỳ-kheo được quyền nói điều trái phạm của Tỳ-kheo-ni. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã
vì nữ nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ sáu. Nữ nhân không được trái phạm, nữ
nhân phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni nếu phạm Tăng-già-bà-thi-sa thì phải đối trước hai
bộ chúng hành bất mạn trong vòng mười lăm ngày. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ
nhân mà tuyên bố pháp tôn sư thứ bảy. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân
phải phụng trì suốt đời.
“Cù-đàm-di, Tỳ-kheo-ni dù đã thọ giới Cụ túc lâu đến một trăm năm, nhưng
đối với trước Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc vẫn phải khiêm cung cúi đầu làm
lễ, cung kính chắp tay thưa hỏi. Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên
bố pháp tôn sư thứ tám. Nữ nhân không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì
suốt đời.
“Cù-đàm-di, Thế Tôn đã vì nữ nhân tuyên bố tám pháp tôn sư này, nữ nhân
không được trái phạm, nữ nhân phải phụng trì suốt đời. Cù-đàm-di, Thế Tôn
nói như vầy, ‘Nếu Cù-đàm-di Đại Ái phụng trì tám pháp tôn sư này thì được ở
trong Pháp Luật chân chánh mà xuất gia học đạo, được thọ giới Cụ túc, làm
Tỳ-kheo-ni”.
Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bạch:
“Thưa Tôn giả A-nan, cho phép tôi nói ví dụ này, người trí tuệ nghe dụ
này phải hiểu rõ nghĩa lý. Thưa Tôn giả A-nan, giả sử có thiếu nữ Sát-lợi,
Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư đoan chánh, đẹp đẽ, tắm gội sạch sẽ, lấy hương
xoa khắp thân, mặc y phục mới, dung mạo trang sức bằng đủ thứ anh lạc, nếu
có người nghĩ tưởng đến thiếu nữ ấy, mong muốn cho được lợi ích và phước
lành, được an ổn khoái lạc, liền đem tràng hoa sen xanh, tràng hoa chiêm
bặc, tràng hoa Tu-ma-na, tràng hoa Bà-sư, hoặc tràng hoa A-đề-mưu-đa trao
tặng thiếu nữ ấy, thiếu nữ ấy vui mừng, hai tay nhận lãnh, đem cài lên đầu
mình. Cũng vậy, thưa Tôn giả A-nan, Đức Thế Tôn đã vì nữ nhân mà tuyên bố
tám pháp tôn sư này, tôi nguyện suốt đời nhận lãnh phụng trì”.
Bấy giờ Cù-đàm-di Đại Ái ở trong Pháp Luật chân chánh xuất gia học đạo,
được thọ giới Cụ túc mà làm Tỳ-kheo-ni.
Cù-đàm-di Đại Ái, về sau trở thành Đại Tỳ-kheo-ni, cùng với các Trưởng
lão Thượng tôn Tỳ-kheo-ni, là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu
hành phạm hạnh đã lâu, đồng đi đến chỗ Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ rồi đứng
một bên mà bạch rằng:
“Thưa Tôn giả A-nan, nên biết, các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão Thượng tôn này
là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã lâu, còn
các Tỳ-kheo kia nhỏ tuổi, mới học đạo, xuất gia sau, vào nơi Pháp Luật chân
chánh này chưa được bao lâu, mong rằng các thầy Tỳ-kheo ấy đối với các
Tỳ-kheo-ni nên tùy theo lớn nhỏ mà cúi đầu làm lễ, cung kính chắp tay thưa
hỏi.
Khi ấy Tôn giả A-nan nói:
“Cù-đàm-di, hãy đứng dậy, để tôi đi đến Đức Phật thưa hỏi việc này”.
Cù-đàm-di Đại Ái Đạo bạch rằng:
“Kính vâng, thưa Tôn giả A-nan!”
Rồi thì Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi
đứng một bên, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay Cù-đàm-di Đại Ái cùng các Tỳ-kheo-ni Trưởng lão
Thượng tôn là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã
lâu, đồng đi đến chỗ của con, cúi đầu đảnh lễ sát chân con rồi đứng qua một
bên, chắp tay mà nói với con rằng: ‘Thưa Tôn giả A-nan, các Tỳ-kheo-ni
Trưởng lão Thượng tôn này là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu
hành phạm hạnh đã lâu, còn các thầy Tỳ-kheo nhỏ kia còn nhỏ tuổi, mới học
đạo, xuất gia sau, vào nơi Pháp Luật chân chánh này chưa được bao lâu, mong
rằng các thầy Tỳ-kheo ấy đối với Tỳ-kheo-ni nên tùy theo lớn nhỏ mà cúi đầu
làm lễ, cung kính chắp tay thưa hỏi’”.
Đức Thế Tôn nói:
“Thôi, thôi! A-nan, hãy gìn giữ lời nói này. Hãy thận trọng, chớ có nói
điều đó. A-nan, giả sử người hiểu biết như Ta biết thì một câu cũng không
nên nói, huống nữa là đã nói như vậy.
“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh, chí tín,
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì các Phạm chí, cư sĩ sẽ
lấy áo trải lên đất mà nói rằng: ‘Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài có thể đi lên
trên này. Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài đã làm việc khó làm, khiến cho chúng
tôi được lợi ích, phước lành, an ổn, khoái lạc lâu dài’.
“A-nan, ví như nữ nhân không được Pháp Luật chân chánh, chí tín, lìa bỏ
gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì các Phạm chí, Cư sĩ sẽ đem đầu
tóc mình trải lên đất mà nói rằng: ‘Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài có thể đi lên
trên này. Thưa Sa-môn tinh tấn, ngài đã làm việc khó làm, khiến cho chúng
tôi được lợi ích, phước lành, được an ổn, khoái lạc lâu dài’.
“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí
tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, thì các Phạm chí, cư sĩ
nếu trông thấy Sa-môn, hai tay sẽ bưng các thức ăn ra đứng bên đường chờ đợi
mà nói rằng: ‘Thưa Tôn giả, xin thọ nhận món ăn này. Có thể mang đi tùy ý
thọ dụng để cho chúng tôi được lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc lâu
dài’.
“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí
tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, thì các Phạm chí, cư sĩ
nếu trông thấy Sa-môn tinh tấn liền sanh tâm kính mến, dìu đỡ vào nhà, đem
các tài vật ra cúng dường Sa-môn tinh tấn mà nói rằng: ‘Thưa Tôn giả, xin
thọ nhận tài vật này. Có thể mang đi tùy ý thọ dụng để cho chúng tôi được
lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc lâu dài’.
“A-nan, ví như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí
tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, thì dù cho mặt trời mặt
trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai
thần, nhưng đối trước đức oai thần của vị Sa-môn tinh tấn vẫn không thể sánh
bằng, huống nữa là đối với hàng dị đạo dở chết ấy!
“A-nan, giả như nữ nhân không được ở trong Pháp Luật chân chánh này chí
tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo thì chánh pháp sẽ tồn
tại đến ngàn năm. Thế nhưng, giờ đây đã mất hết một nửa, chỉ còn lại có được
năm trăm năm.
“A-nan, có năm việc nữ nhân không làm được. Nếu nói rằng nữ nhân được
thành Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển luân vương,
Thiên Đế Thích, Ma vương hay Đại Phạm thiên, điều này nhất định không thể
có.
“Nhưng có năm việc nam nhân làm được. Nếu nói rằng nam nhân được thành
Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, hoặc Chuyển luân vương, Thiên Đế
Thích, Ma vương hay Đại Phạm thiên vương, điều này chắc chắn có thật”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật
thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli
A.8.51 Gotamī-sutta. Biệt dịch No.60. Kinh nói về sự thiết lập Tỳ-kheo ni
tăng, do đó được kể trong tất cả Luật tạng. Tham chiếu, Luật Pāli, Cv.
10.1; Tứ Phần Luật 48 (Đại 22, tr.922), Ngũ Phần Luật 29 (Đại 22, tr.185),
và các luật khác.
- [02]
Xem cht. kinh trên.
- [03] Cù-đàm-di Đại Ái
瞿 曇 彌 大 愛. Pāli: Mahāpajāpatī Gotamī.
- [04] Tức quả vị A-la-hán. Ý
câu hỏi, theo bản Pāli, do A-nan nghĩ ra như la cơ sở để nữ được xuất gia
như nam. Xem đoạn dưới.
- [05] Luật Tứ phần (nt): sau
khi Bà không được Phật cho phép nữ giới xuất gia, bà cùng với năm trăm
người nữ khác tự cạo tóc, mặc áo ca-sa và vẫn đi theo Phật khẩn nguyện
Ngài chấp thuận. Bản Pāli cũng vậy, Bà theo Phật đến Vesāli và tự cạo tóc
tại đây.
- [06]
Xá-di 舍 彌. Pāli: Sākiyānī, người nữ trong dòng họ Thích-ca.
- [07] Na-ma-đề 那 摩 提; xem
cht. 2,3, kinh 185. Pāli nói: Phật đến Vesālī, tức rừng Mahāvana.
- [08] Luật Tứ Phần (nt): bà
chạy bộ theo Phật, cho đến rách gót chân.
- [09] Bản Pāli, A-nan nghĩ,
Phật không chấp nhận thỉnh cầu, ta hãy dùng cách khác, và hỏi như vậy
(yaṃnūnāhaṃ aññepi pariyāyena bhagavantaṃ yāceyyaṃ...).
- [10] Trong bản Pāli, Phật
chỉ nói điều này sau khi đã chấp thuận cho nữ xuất gia.
- [11] Hữu uế 有 穢, ruộng có
cỏ xấu mọc lan. No.60: bạc vũ, mưa đá. Tứ phần (nt) sương bạc. Pāli:
sālikkhette setaṭṭhikā nāma rogajāti, trong ruộng lúa có loại bệnh gọi là
“bạch chứng” (tức sương muối? Hay do một giống nấm ăn trắng cây?).
- [12] Tứ phần (nt): Phật
vẫn chưa chấp thuận, Tôn giả A-nan hỏi về khả năng đắc Thánh quả của nữ
nhân, Phật xác nhận, rồi A-nan nói: “Nếu nữ nhân có thể đắc Thánh quả, họ
cũng có thể xuất gia”. Do đó Phật chấp thuận và thiết lập tám kỉnh pháp.
- [13] Bát tôn sư pháp 八 尊
師 法, tức Bát kỉnh pháp. No.60: Bát trọng pháp Pāli: attha garu dhamma.
Trong bản Hán, garu: kính trọng; được hiểu là guru: tôn sư.
- [14] Tăng-già-bà-thi-sa 僧
伽 婆 尸 娑. Thường dịch là Tăng tàn, với mười bảy điều khoản dành cho ni, nếu
vi phạm, bị bắt buộc phải sống biệt chúng một thời gian theo giới kinh quy
định. Pāli: saṅghādisesa
-ooOoo-