16. PHẨM ÐẠI
(Phần Sau)
192. KINH CA-LÂU-Ô-ĐÀ-DI[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật du hóa trong nước Ương-già [02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến A-hòa-na
[03] , ở tại tịnh xá Kiền-nhã.[04]
Bấy giờ sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y cầm
bát đi vào A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài cất y
bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng để nghỉ
trưa[05].
Tôn giả Ô-đà-di, cũng sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đắp y cầm
bát vào thôn A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Tôn giả
cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi theo hầu sau Phật mà
nghĩ rằng, “Nếu Thế Tôn đi nghỉ trưa ở đâu, mình cũng đến nghỉ mát ở
đó.”
Rồi Thế Tôn vào trong rừng, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn
mà ngồi kiết già. Tôn giả Ô-đà-di cũng đi vào khu rừng ấy, cách Phật
không xa, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn ngồi kiết già.
Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di, riêng một mình ngồi tĩnh tọa chỗ thanh
vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ”Đức Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều
cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại sự an ổn rất nhiều cho chúng ta.
Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an
lạc cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp
bất thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.”
Vào lúc xế, Tôn giả Ô-đà-di từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Phật,
cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Ô-đà-di, ông không thiếu thốn gì, được an ổn khoái lạc, sức khỏe vẫn như thường chăng?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, an ổn khoái lạc, và sức khỏe vẫn như thường.”
Thế Tôn lại hỏi rằng:
“Này Ô-đà-di, vì sao ông không thiếu thốn, thường được an ổn, và sức khỏe vẫn như thường?”
Tôn giả Ô-đà-di đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, con riêng một mình ngồi tĩnh tọa chỗ thanh vắng mà
tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ‘Đức Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều cho
chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại sự an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức
Thế Tôn trừ cho chúng ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc
cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất
thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.’
“Bạch Thế Tôn, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Hãy dứt trừ việc ăn quá ngọ.’ [06]
Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham không nhẫn, không muốn,
không vui, mà nghĩ rằng, ‘Nếu có Phạm chí, Cư sĩ tín tâm đi đến chúng
viên bố thí, tạo phước rộng rãi, chúng ta tự tay nhận lấy đồ ăn; nhưng
Thế Tôn hôm nay dạy ta từ bỏ điều này; Đức Thiện Thệ dạy ta dứt tuyệt
điều này.’ Chúng con lại nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn ấy không tiêu hóa
nổi đồ ăn.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế Tôn, kính
trọng, bất kham, cho nên chúng con chấm dứt việc ăn sau giờ ngọ.
“Lại nữa, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Các ông hãy dứt
trừ việc ăn tối.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham, không
nhẫn, không thích, không vui. Chúng con nghĩ rằng, ‘Trong hai bữa ăn rất
tối thượng, tối diệu, tối thắng, tối mỹ mà Thế Tôn nay dạy ta chấm dứt
cả.’ Chúng con lại nói rằng, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ
ăn.’
“Bạch Thế Tôn, khi xưa có một cư sĩ mang rất nhiều đồ ăn thức
uống ngon lành trở về nhà, bảo người nhà rằng, ‘Các ngươi hãy lấy đồ ăn
này đem cất một chỗ. Ta sẽ tụ tập mọi người để ăn ban đêm, không ăn buổi
sáng và buổi trưa.’ Bạch Thế Tôn, nếu các nhà bày soạn các món ăn rất
ngon lành thượng diệu, chỉ ăn trong ban đêm mà ta thì buổi sáng và buổi
trưa, nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ việc đó, Đức Thiện Thệ dạy ta dứt
trừ việc đó.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế Tôn,
kính trọng bất kham, cho nên chúng con chấm dứt việc ăn ban đêm.
“Bạch Thế Tôn, con lại nghĩ rằng, ‘Nếu có Tỳ-kheo phi thời đi vào
thôn ấp khất thực, hoặc có thể gặp kẻ đạo tặc đang hành sự hay chưa
hành sự, hoặc gặp cọp, gặp nai, hoặc gặp cả cọp nai, hoặc gặp beo gặp
gấu, hoặc gặp cả beo gấu, hoặc sống [07]
ở những chỗ như vậy, hoặc gặp voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ
rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy đánh, hoặc té vào mương rãnh, hoặc
rơi vào hầm xí, hoặc cỡi lên bò đang nằm, hoặc lọt xuống hầm sâu, hoặc
vướng vào bụi gai, xem xét thấy nhà trống mà bước vào nhà như vậy, khi
vào trong đó rồi, người con gái thấy rủ rê làm việc bất tịnh hạnh xấu
xa.
“Bạch Thế Tôn, xưa có một Tỳ-kheo trong đêm tối mịt, trời mưa lâm
râm, chớp lóe như lửa xẹt, mà phi thời đi vào nhà người ta khất thực.
Bấy giờ người đàn bà đi ngoài rửa chén bát. Khi ấy người đàn bà này
trong cơn chớp lóe, trông xa thấy Tỳ-kheo tưởng là quỷ. Thấy rồi, bà ta
kinh hãi, lông tóc dựng ngược, thất thanh la lớn, tức thì ngả xuống [08],
miệng nói rằng, ‘Ông là ma! Ông là ma!’ Tỳ-kheo mới nói với người đàn
bà ấy rằng, ‘Này cô em, tôi không phải là ma đâu, tôi là Sa-môn đến khất
thực.’ Bấy giờ người đàn bà ấy giận và mắng vị Tỳ-kheo rất nhức nhối,
rất dữ dằn rằng, ‘Sa-môn hãy vong mạng cho lẹ đi! Bố mẹ Sa-môn hãy chết
cho lẹ đi! Dòng họ Sa-môn hãy tuyệt diệt đi! Sa-môn hãy lòi ruột đi!
Sa-môn trọc đầu, đen thui, tuyệt tự,
không con cái! Hãy cầm dao bén mà tự mổ bụng đi! Chớ đừng đi khất
thực phi thời ban đêm. Ôi chao! Tại Sa-môn mà tôi bị té!’ Bạch Thế Tôn,
con nhớ vị ấy rồi tâm sanh hân hoan. Bạch Thế Tôn, con nhờ sự hân hoan
này mà sung mãn châu thân, chánh niệm chánh trí, phát sanh hỷ, khinh an,
lạc, định. Bạch Thế Tôn, con nhờ định này, sung mãn châu thân mà được
chánh niệm chánh trí. Như vậy, bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì,
thường được an ổn, khoái lạc, khí lực bình thường.”
Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di, ông nay không phải như người ngu
si kia, khi Ta nói với người ngu si ấy rằng, ‘Các ông hãy từ bỏ điều
này’, thì nó nói rằng, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ.
Nhưng nay Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ việc ấy. Thiện Thệ muốn ta dứt tuyệt
việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại sa-môn này không tiêu hóa nổi
đồ ăn’, rồi nó không từ bỏ. Không phải chỉ với Ta mà nó không vừa ý,
không nhẫn thọ; đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó cũng không vừa
ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói buộc rất cứng,
rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt, không thể giải
thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như có một con ruồi bị dính dưới bãi nước mũi.
Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc chết. Này Ô-đà-di, hoặc có người nói rằng:
”Con ruồi kia tuy bị dính mà không cứng, không chặt, không càng lúc càng
gắt gao nên có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát, nói như vậy có đúng
không?”
Ô-đà-di bạch rằng:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con ruồi đã bị dính. Nó ở
trong đó hoặc khổ hoặc bị chết. Thế nên, bạch Thế Tôn, con ruồi kia bị
dính rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt,
không thể giải thoát.”
“Này Ô-đà-di, người ngu si kia đuợc Ta bảo rằng ‘Các ngươi hãy từ
bỏ điều này,’ thì nó nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà
phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta phải từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn
ta từ bỏ việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu
hóa nổi đồ ăn.’ Rồi nó không từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó không vừa
ý, không nhẫn thọ, mà chúng đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó
cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói
rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không
thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu có một thiện gia nam tử được Ta bảo
rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,” thì người ấy không nói như vầy, ‘Đó là
việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta
từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” và cũng không nói như vầy,
‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người ấy từ bỏ. Người
ấy đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn thọ, và đối với các
Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, cũng không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn
thọ. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy không bị trói cứng, không chắc,
không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như con voi chúa tuổi đến sáu mươi, sẽ thành một ma-ha-năng-già [09]
kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức tráng kiện, nó bị trói chặt, nhưng nó
nỗ lực chuyển mình, sự trói chặt kia liền bị bức, và nó trở về chỗ cũ.
Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy, ‘Con voi chúa to lớn kia tuổi đến
sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức
tráng kiện, nó bị trói chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn
tuyệt, không thể giải thoát được.’ Nói như vậy có đúng không?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con voi chúa to lớn kia
tuổi đến sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc,
gân cốt tráng kiện, bị trói chặt, nhưng nó nỗ lực cựa mình, sự trói
chặt kia liền bị bứt và nó trở về chỗ cũ. Bạch Thế Tôn, cho nên con voi
chúa to lớn kia, tuổi đến sáu mươi, đã trở thành một ma-ha-năng-già kiêu
ngạo, gân cốt tráng kiện, sự trói buộc kia không chặt, không càng lúc
càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.”
“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, với thiện gia nam tử kia, Ta khuyên
rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói như vầy, ‘Đó là
việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ! Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ
bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” Và cũng không nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn
này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ và người ấy liền từ bỏ. Không chỉ đối với
Ta vị ấy không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận mà đối với những
Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp
nhận. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy bị trói không chặt, không cứng,
không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát. Này
Ô-đà-di, với người ngu si mà Ta khuyên dạy rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều
này’, người ấy sẽ nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải
từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” và
cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ rồi nó
không chịu từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó sanh tâm không vừa ý, không
chấp nhận mà đối với các Tỳ-kheo giữ giới cẩn thận, nó cũng sanh tâm
không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói chặt
cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể
giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như người nghèo khổ, không có của cải, cũng
không có thế lực; người ấy có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí,
không khả ái; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu,
tệ không thể ở. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có
một cái lu bị thủng không dùng được. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn
xong, rửa sạch chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẻ điều
hòa mà tu tập tăng thượng tâm. Người ấy thấy vậy trong tâm nghĩ rằng
‘Sa-môn thật là khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta thật là xấu xa vô
đức. Vì sao? Vì ta có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không
khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ
bu đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một cái
giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không
dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Ta ưa thích Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia
học đạo. Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy, ‘Người nghèo khổ kia
không có tiền của cũng không có thế lực, mà bị trói buộc không cứng
không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt có thể giải
thoát, nói như vậy có đúng chăng?”
Tôn giả Ô-đà-di đáp:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người nghèo khổ kia không
có tiền của cũng không có thế lực, có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại
xấu xí, không khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát,
mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ.
Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị
thủng không dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Dù người ấy ưa thích như
vị Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch Thế Tôn, thế cho nên người nghèo
khổ kia, không có tiền của cũng không có thế lực, bị trói rất cứng, rất
chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt cũng không thể giải
thoát được.”
“Cũng vậy, này Ô-đà-di, nếu có người ngu si mà Ta khuyên rằng
‘Ngươi hãy từ bỏ điều ấy, người ấy lại nói rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ
thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy
ta phải từ bỏ!” Và cũng nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’
Rồi người ấy không đoạn trừ. Nó không chỉ đối với Ta sanh tâm không vừa
ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận,
nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên
người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao,
không thể đoạn trừ, không thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu một thiện gia
nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói
như vầy ‘Ấy là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế
Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng không
nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ.
Người không chỉ đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận,
mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh
tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam
tử kia bị trói không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có
thể đoạn trừ, có thể giải thoát.
“Này Ô-đà-di, ví như cư sĩ, con cư sĩ, rất giàu có, sung sướng,
rất nhiều tiền của, sản nghiệp súc mục không thể tính được, phong hộ
thực ấp, lúa gạo, bao nhiêu những nhu dụng sinh sống đều rất đầy đủ. Nô
tỳ, voi ngựa thôi thì không kể. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn
xong, rửa tay chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẽ điều hòa
mà tu tập tăng thượng tâm. Thấy vậy người ấy nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là
khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta nên từ bỏ sự giàu sang sung sướng,
vàng bạc châu báu, voi ngựa, nô tỳ, hâm mộ làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia
học đạo!’ Này Ô-đà-di, có người lại nghĩ rằng ‘Người cư sĩ, con người cư
sĩ kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể
đoạn trừ, không được giải thoát.’ Nói như vậy có đúng không?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người cư sĩ hay con người
cư sĩ kia có thể xa lìa, vứt bỏ sự giàu sang, phú quý, vàng bạc châu
báu, lúa gạo, voi ngựa, nô tỳ để làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo
ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
Bạch Thế Tôn, thế cho nên người cư sĩ hay con người cư sĩ kia bị trói
không cứng chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể
giải thoát được.”
“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, nếu một thiện gia nam tử mà Ta khuyên
rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói như vầy ‘Ấy là việc
nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ!
Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng không nói ‘Vị Đại Sa-môn này không
tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người không chỉ đối với Ta
không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ
gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp
nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam tử kia bị trói không cứng,
không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải
thoát.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả [10]. Vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy niệm tương ưng với dục [11], bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy ham thích nó, không đoạn, không trụ [12],
không nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó là trói buộc, không nói là giải
thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Ô-đà-di, vì kết sử là bất
thiện, cho nên Ta nói đó là trói buộc, không nói là giải thoát.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy
niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy không ham thích nó,
nhưng đoạn, trụ, nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng là trói buộc, không
phải là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì
kết sử bất thiện [13], cho nên Ta nói là trói buộc, không nói là giải thoát.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi, thỉnh thoảng ý
lãng quên, song hành với suy niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng
buộc, sự quán chậm nhưng bị diệt nhanh [14].
Này Ô-đà-di, ví như hòn sắt hay lưỡi cày sắt trọn ngày bị đốt, nếu có
người nhỏ lên đó hai hoặc ba giọt nước, nhỏ chậm, không liên tục nước
bèn tiêu tan mau chóng. Này Ô-đà-di, cũng vậy, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy
hành xả rồi thỉnh thoảng quên lãng, song hành với niệm tương ưng dục, bị
ái lạc ràng buộc, sự quán chậm bị diệt nhanh. Này Ô-đà-di, Ta nói như
thế là trói buộc không phải là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất
thiện. Này Ô-đà-di, vì kết sử bất thiện cho nên Ta nói là trói buộc,
không nói là giải thoát.
“Này Ô-đà-di, cùng ở nơi gốc rễ của khổ, mà du hành không sanh tử, ở nơi vô thượng ái tận mà thiện tâm giải thoát [15].
Này Ô-đà-di, Ta nói là giải thoát, không nói là trói buộc. Vì sao? Vì
các kết sử đã chấm dứt. Này Ô-đà-di, vì các kiết sử đã chấm dứt cho nên
Ta nói là giải thoát không nói là trói buộc.
“Này Ô-đà-di, có sự an lạc không phải là thánh lạc mà là phàm phu
lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, gốc rễ của gai nhọn,
có thức ăn [16],
có sanh tử, không nên tu, không nên tập hành, không nên phát triển. Ta
nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập. Này Ô-đà-di, có sự lạc gọi là
thánh lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác,
không có thức ăn, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển.
Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, thế nào gọi là sự lạc không phải là thánh lạc mà là
phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, là gốc rễ
của tên dâm, có thức ăn, có sanh tử, không nên tu, không nên tập hành,
không nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập? Nếu
nhân nơi ngũ dục mà sanh lạc, sanh hỷ, đó là sự lạc không phải là thánh
lạc, mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt,
gốc rễ của gai nhọn, có thức ăn, có sanh tử, không nên tu tập, không nên
tập hành, không nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu
tập.
“Này Ô-đà-di, thế nào là có sự lạc được gọi là thánh lạc? Đó là
sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tĩnh, lạc chánh giác, không có thức
ăn, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển, Ta nói đối với
sự lạc ấy nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng
đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó là sự lạc được gọi là thánh
lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không
thực, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta nói đối
với sự lạc ấy nên tu tập.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có
quán, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an
trú. Thánh nói đó là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động?
Trong đó có giác có quán nên Thánh nói là di động.
“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động? Nầy Ô-đà-di, Tỳ-kheo
giác quán tịch tịnh, nội tâm tĩnh chỉ, nhất tâm, không giác, không
quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ.
Đó là điều mà Thánh nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di
động? Nếu đạt được hỷ này Thánh nói là di động.
“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo
xả ly hỷ dục, xả, vô cấu, an trụ chánh niệm, chánh trí thân cảm giác
lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trú lạc, [17]
chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Đó là điều mà Thánh nói là
di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Vì có tâm lạc [18] nên Thánh nói là di động.
“Trong đây những gì mà Thánh nói là không di động? Này Ô-đà-di,
Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả
niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trú. Đó là điều mà
Thánh nói là không di động.
“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có
quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu và an trụ.
Này Ô-đà-di, ở đây Ta nói chưa được hoàn toàn, chưa đạt đến đoạn trừ,
không đạt đến sự quá độ. Trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di,
Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ
lạc do định sanh, đạt đến Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đấy là sự quá
độ, được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đây cũng chưa đạt được
hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ [19].
Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly hỷ dục, xả, an
trú vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh gọi
là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam
thiền, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó.
Này Ô-đà-di, Ta nói ở đây cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn
trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này
Ô-đà-di, Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ
không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt đến cõi Tứ thiền, thành tựu và an
trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng
chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá
độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua khỏi
tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến bất cứ loại tưởng
nào, nhập vô lượng không, chứng vô lượng không xứ, thành tựu và an trú.
Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng
chưa
đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá
độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua tất
cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng vô lượng thức xứ, thành
tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta
nói đó cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không
đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo
vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng đắc vô sở hữu
xứ, thành tựu và an trụ. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này
Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ,
không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di,
Tỳ-kheo nhập qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng, phi vô
tưởng, chứng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu và an trú. Đây
là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói cho đến phi hữu
tưởng phi vô tưởng xứ cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ,
không đạt đến sự quá độ.
“Này Ô-đà-di, có chăng một kết sử nào, hoặc ít hoặc nhiều tồn tại
lâu dài mà Ta nói chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không
đạt đến sự quá độ; kết sử ấy Ta nói không đoạn trừ?”
Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:
“Không có, bạch Thế Tôn!”
Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Này Ô-đà-di, ông không phải như người ngu
si kia khi Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’ người ấy lại nói
rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay
bảo ta phải từ bỏ! Thiện Thệ bảo ta phải từ bỏ! Và cũng nói rằng ‘Vị Đại
Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ rồi người ấy không chịu từ bỏ.
Không chỉ đối với Ta người ấy sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận; mà
đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận người ấy cũng sanh tâm
không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên người ngu si kia
bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ,
không giải thoát được.
“Này Ô-đà-di, nếu có thiện gia nam tử nào mà Ta khuyên rằng:
‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói như vầy ‘Đó là việc nhỏ
nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ!
Thiện bảo ta phải từ bỏ!’ Và cũng không nói như vầy ‘Vị Đại Sa-môn này
không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người ấy liền từ bỏ. Người ấy đối với Ta
không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, và đối với các Tỳ-kheo giữ
gìn giới cẩn thận vị ấy cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp
nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện nam tử kia bị trói không cứng không
chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Bản Hán, quyển 50. Tương đương Pāli, N.66 Laṭukikopama-suttaṃ.
- [02] Ương-già 鴦 伽. Pāli: Anga, một trong mười sáu đại quốc phía đông Magadha, cách con sông Campa. Bản Pāli: Aṅgauttarāpesu.
- [03]
A-hòa-na 阿 惒 那. Pāli: Āpana, một thị trấn ở trong Aṅguttarāpa, một bộ phận của nước Aṅga.
- [04] Kiền-nhã 犍 若. Pāli: Keniya; dịch là ”Chúng tụ”, Phiên Phạn Ngữ 10 No.2130, Đại 54 tr.1041b).
- [05]
Trú kinh hành 晝 經 行. Pāli: divāvihāra, “an trú ban ngày” tức nghỉ ngày, hay nghỉ trưa, không phải kinh hành đi bộ.
- [06]
Quá trung thực 過 中 食. Pāli: divāvikālabhojanam: ăn phi thời ban ngày.
- [07] Vãng 往, Tống-Nguyên-Minh: trú
住.
- [08] Đọa thần 墮 娠, xẩy thai; Tống-Nguyên-Minh: đọa thân 墮 身.
- [09] Ma-ha-năng-già; Pāli: mahānāga. Bản Pāli: rañño nāgo, con voi của vua.
- [10] Hành xả 行 捨. Pāli: upadhipahānāya paṭipannaṃ, hướng đến đoạn trừ hữu dư y, thực hành để xả trừ sanh y (hữu y).
- [11] Dục tương ưng niệm 欲 相 應 念; Pāli: upadhipaṭisaṃyuttā sarasaṃkappā, những niệm tưởng và tư duy liên hệ chặt với sanh y.
- [12] Bất trụ, ở đây nên hiểu là ”làm cho không tồn tại”; Pāli: anabhāvaṃ gameti.
- [13] Pāli: indriyavemattatā hi me... viditā, Ta nói, có sự sai biệt về căn tánh.
- [14]
Trì quán tốc diệt 遲 觀 速 滅. Pāli: dandho... satuppādo... namṃ
khippameva pajahati, niệm khởi lên chậm nhưng bị đoạn tuyệt nhanh.
- [15]
Pāli: upadhi dukkhassa mūlan ti viditvā iti norupadhi hoti
upadhisaṃkhaye vimutto, sanh y là gốc rễ của khổ; sau khi biết như vậy,
trở thành không sanh y, giải thoát với sự diệt tận của sanh y.
- [16] Thực, đồng nghĩa với duyên; xem kinh 52 trên.
- [17] Tống-Nguyên-Minh: lạc trụ không 樂 住 空. Bản Cao-li: lạc trụ thất
室. Pāli: sukhavihāra, an trú nơi lạc.
- [18] Tâm lạc. Pāli: upekhāsukham, xả và lạc.
- [19] Quá độ. Pāli: samatikkama, sự vượt qua.
-ooOoo-
193. KINH MÂU-LÊ-PHÁ-QUẦN-NA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na [02] thường tu tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Mâu-lê-phá-quần-na mà nói xấu , [03]
các Tỳ-kheo-ni, thầy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị
nào trước mặt Tỳ-kheo-ni nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na các
Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận hằn học cho đến cãi vã. Một số đông các
Tỳ-kheo nghe như vậy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một
bên thưa rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na thường tụ tập với
các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói
xấu các Tỳ-kheo-ni, thầy ấy nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi
vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo nói xấu Tỳ-kheo
Mâu-lê-phá-quần-na, các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận, hằn học cho
đến cãi vã.”
Đức Thế Tôn nghe rồi liền bảo một Tỳ-kheo: “Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na mà nói rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy’.”
Một Tỳ-kheo nghe Phật dạy như vậy bèn thưa: ”Kính vâng, bạch Thế
Tôn”, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.
Vị Tỳ-kheo đó đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói rằng: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”
Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nghe vậy liền đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói:
“Phá-quần-na, có thật ngươi thường tụ hội cùng các Tỳ-kheo-ni? Và
có vị nào trước mặt ngươi nói xấu các Tỳ-kheo-ni, ngươi nghe vậy liền
sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo-ni
nói xấu ngươi, các Tỳ-kheo-ni ấy liền sân hận hằn học, cho đến cãi vã?
Phá-quần-na, có thật vậy không?”
Phá-quần-na thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn! Điều đó có thật.”
Thế Tôn liền hỏi:
“Phá-quần-na, ngươi há không phải là chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình mà học đạo?”
Phá-quần-na đáp:
“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”
Đức Phật hỏi:
“Phá-quần-na, như vậy, ngươi chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không
gia đình mà học đạo, phải học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y cứ
trên thế tục [04]
, hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu,
hãy phát triển rộng lớn. Phá-quần-na, ngươi nên học như vậy.”
Rồi Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ông có phải chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa phải, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn lại bảo:
“Các ông chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, mà học
đạo, hãy học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y trên thế tục, hãy
đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy
phát triển rộng lớn. Các ngươi hãy học như vậy.
“Một thời, Ta đã từng nói với các Tỳ-kheo rằng, ‘Này các Tỳ-kheo, hoặc có Tỳ-kheo được nhiều người biết đến [05], hoặc có Tỳ-kheo ít được biết đến, tất cả các vị ấy hãy học Nhất tọa thực.[06]
. Học Nhất tọa thực rồi, vô vi, vô cầu, không bệnh tật, thân thể nhẹ
nhàng, khí lực dồi dào, an ổn sảng khoái.’ Các Tỳ-kheo ấy, hoặc được
biết đến nhiều, hoặc ít được biết đến, tất cả đều học theo điều Nhất tọa
thực. Sau khi học theo điều Nhất tọa thực, vô vi, vô cầu, không tật
bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, sảng khoái. Những
Tỳ-kheo ấy hài lòng Ta. và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách
nhiều. Các Tỳ-kheo nhân đó mà sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành [07]
“Cũng như người điều khiển chiếc xe ngựa, tay trái cầm cương, tay
phải cầm roi, nó theo tám con đường mà di, muốn đến nơi nào cũng được.
Các Tỳ-kheo như vậy rất hài lòng Ta, và Ta cũng không phải khuyên giáo,
khiển trách nhiều. Các Tỳ-kheo nhân đó sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp
hành.
“Cũng như khoảng đất tốt có rừng cây sa-la. Người dọn rừng kia
thông minh sáng suốt, không biếng nhác, tùy lúc mà dọn sửa gốc rễ cây
sa-la, thường cào bừa những rác rưới và luôn luôn tưới nước, san bằng
chỗ cao, lấp bằng chỗ thấp, hai bên nếu cỏ dại mọc đầy thì nhổ bỏ đi,
nếu cây nào cong queo, xấu xí, không ngay thẳng, thì nhổ gốc bỏ ra
ngoài, nếu có nhánh nào đâm ngang và cong, thì chắt xuống hoặc uốn lại,
nếu gần biên vừa mới mọc thêm cây nào đều đặn ngay thẳng, thì tùy lúc mà
sửa soạn, thường cào bừa đi những rác rưới và thường tưới nước. Như
vậy, trên khu đất tốt kia rừng cây sa-la càng ngày càng sầm uất. Cũng
vậy các Tỳ-kheo làm hài lòng Ta và Ta cũng khỏi phải khuyến giáo, khiển
trách nhiều.
“Ta không nói các Tỳ-kheo là thiện ngữ, cung thuận do các nhu
dụng sinh sống, y bát, ẩm thực, giường chõng. Vì sao vậy? Tỳ-kheo ấy nếu
không nhận được các thứ ấy thì trả lại bằng sự không thiện ngữ cung
thuận, thành tựu đức tánh không thiện ngữ cung thuận.
“Nếu có Tỳ-kheo vì viễn ly, y trên viễn ly, sống nơi viễn ly, mà
thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh thiện ngữ cung thuận, Ta nói ấy
thật sự là thiện ngữ cung thuận. Vì sao vậy? Ở đây, một Tỳ-kheo khéo
thủ hộ, khéo an trú [08]
chỉ vì người khác không nói cộc cằn. Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì
không phẫn nộ, cũng không thù nghịch, cũng không ưu sầu, oán hận, không
hằn học giận dữ, không lộ vẻ hung bạo. Các Tỳ-kheo kia sau khi thấy vậy
bèn nghĩ rằng ‘Hiền giả thật là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng,
giỏi tự chủ, khéo định, khéo trầm tĩnh. Nếu người khác ăn nói cộc cằn
thì liền hằn học, thù nghịch, ưu phiền, ôm hận, lộ vẻ hung dữ. Các
Tỳ-kheo kia thấy vậy bèn nói ‘Hiền giả này ngoan cố, nóng nảy, thô lỗ,
không định, không
tự chủ, không trầm tĩnh.’ Vì sao vậy?
“Này các Tỳ-kheo, có một nữ cư sĩ tên là Bệ-đà-đề ,[09],
rất giàu sang sung sướng, có nhiều tiền tài, sản nghiệp súc mục không
thể kể xiết, phong hộ thực ấp, lúa gạo đầy đủ, và biết bao nhu dụng sinh
sống khác. Bấy giờ nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được vang danh khắp nơi với tiếng
tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa,
giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’
“Bấy giờ nữ cư sĩ ấy có một nữ tỳ tên là Hắc [10]
hầu hạ. Nữ tỳ ăn nói dịu dàng, ít nhiều hành thiện. Hắc nữ tỳ ấy bèn
nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được vang danh khắp nơi với
tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhu thuận, nhẫn nhục, ôn
hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh. Nay ta hãy thử xem chủ
nhân nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’
“Rồi Hắc nô tỳ nằm ngủ không dậy sớm. Phu nhân gọi dậy, ‘Hắc tỳ,
sao ngươi không dậy sớm?’ Hắc tỳ nghe vậy bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ
cư sĩ Bệ-đà-đề, sự thật có sân chứ không phải không sân, nhưng vì ta
giỏi lo liệu việc nhà, giỏi quán xuyến và chu tất, khiến cho chủ ta nữ
cư sĩ Bệ-đà-đề được vang danh với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề
là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo
trầm tịnh.’ Nay ta hãy thử thách hơn nữa xem chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề
thật sự có sân hay không sân.’
“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ không dậy sớm. Phu nhân gọi dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi dậy quá trễ vậy?’
“Hắc nữ tỳ nghe vậy bèn suy nghĩ, ‘Chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật
sự có sân chớ không phải không sân. Nhưng vì ta khéo lo liệu việc nhà,
giỏi quán xuyến và chu tất, nên chủ ta nữ cư sĩ Bệ-đà-đề mới có được
vang danh với tiếng tốt như vầy: ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục,
nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh’. Nay ta
lại thử thách thật lớn, xem chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay
không sân.
“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ đến xế trưa mới dậy. Phu nhân gọi: ‘Hắc tỳ,
sao ngươi ngủ đến xế trưa mới dậy? Ngươi đã không chịu làm việc, cũng
không bảo người khác làm. Con Hắc tỳ này không nghe ta dạy. Con Hắc tỳ
này khinh mạn ta.’ Bèn thịnh nộ, hằn học, trán nổi ba đường gân, mặt mày
nhăn nhó, tự mình đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy
đánh vào đầu nữ tỳ. Nó vỡ đầu chảy máu. Với cái đầu, máu chảy, Hắc nữ tỳ
chạy qua nói với hàng xóm, lớn tiếng phân bua, nói xấu đủ điều rằng:
“Này các ngài, hãy xem việc làm của người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa,
giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh là như vậy chăng? Người ấy
mắng chửi tôi: ‘Con Hắc tỳ này không nghe lời ta dạy, con Hắc tỳ này
khinh mạn ta.’ Rồi thịnh nộ, trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự
mình đi đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy, đánh vào
đầu tôi, vỡ đầu chảy máu.” Bấy giờ, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được đồn xa với
tiếng xấu như vầy: ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, không
tự chế, không định tĩnh, không trầm tịnh.’
“Cũng vậy, ở đây, một người khéo thủ hộ, khéo đi, khéo đến, là do
người khác không nói lời cộc cằn. Khi người khác không nói lời cộc cằn,
vị ấy không phẫn nộ, không hằn học, không ưu phiền oán hận, không giận
dữ thù nghịch, không lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy, bèn nghĩ:
‘Hiền giả này là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, khéo tự chế,
khéo định tĩnh, khéo tịch tịnh.’ Nếu khi có người khác nói lời cộc cằn
bèn phẫn nộ, hằn học, ưu phiền oán hận, giận dữ, thù nghịch, lộ vẻ hung
dữ, các Tỳ-kheo khác thấy vậy bèn nghĩ rằng: ‘Hiền giả này hung dữ, nóng
nảy, thô lỗ, không định tĩnh, không tự chế, không tịch tịnh.”
Lại nữa, có năm con đường của ngôn ngữ.
[11],
hoặc nói đúng thời hay không đúng thời, hoặc nói chân thật hay không
chân thật hoặc nói dịu dàng hay cứng ngắt, hoặc nói từ hòa hay sân nhuế,
hoặc nói có nghĩa lợi hay không nghĩa lợi.
Với năm con đường ngôn ngữ này, các ngươi nếu khi người khác nói
mà với tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời nói cộc cằn, Ta nói các
ngươi do đó mà bị suy thoái.
Các người hãy học, với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác
nói mà tâm không bị biến đổi, miệng không phát ra lời nói cộc cằn, hãy
hướng đến kẻ thù nghịch, hãy duyên nơi kẻ thù nghịch mà khởi tâm từ mẫn,
tâm tương ưng với từ biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng
vậy, hai, ba, bốn phương tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm tương
ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô
lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an
trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán,
không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến
mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.
Cũng như một người cầm cái cuốc rất lớn đến và nói rằng: ”Tôi có
thể làm cho cả mặt đất nay trở thành không phải đất.” Người ấy bèn đào
chỗ này, chỗ kia, rồi nhổ nước miếng, nước tiểu để làm dơ bẩn. Khi người
nói lời thô ác nói như vầy: “Mong cả mặt đất này không phải là đất.” Ý
ngươi nghĩ sao? Người ấy do phương tiện ấy có thể làm cho mặt đất trở
thành không phải mặt đất được chăng?”
Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
“Không thể được bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cõi đất này rất sâu
rất rộng, không thể lường được. Cho nên người kia với phương tiện ấy
không thể nào làm cho cõi đất này trở thành không phải đất. Bạch Thế
Tôn, người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”
“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này mà người khác nói, đúng
thời hay không đúng thời, chân thật hay không chân thật, dịu dàng hay
cứng ngắt, từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa lợi hay không có nghĩa lợi.
Các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm
biến đổi, hay miệng phát ra lời nói thô ác, Ta nói các ngươi do đó mà
tất phải suy thoái. Các ngươi hãy học, với năm con đường của ngôn ngữ
này. Khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời
nói thô ác, hướng đến người nói ấy, duyên nơi người nói ấy mà khởi tâm
từ mẫn, như mặt đất tâm hành không kết, không oán, không nhuế, không
tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế
gian, thành tựu an trú. Các ngươi hãy học như vậy.
“Cũng như một người cầm cây đuốc bằng cỏ rất lớn mà nói như vầy:
‘Tôi với cây đuốc bằng cỏ này đun nóng sông Hằng cho sôi sục lên’. Các
ngươi nghĩ sao? Người ấy bằng phương tiện ấy có thể làm cho sông Hằng
nóng và sôi lên chăng?”
Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì sông Hằng kia rất
sâu, rất rộng không thể do lường được. Cho nên người ấy với phương tiện
ấy không thể làm cho sông Hằng nóng và sôi sục lên được. Bạch Thế Tôn,
người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”
“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này, nếu người khác nói
đúng thời hay không đúng thời, nói chân thật hay không chân thật, nói
dịu dàng hay cứng ngắt, nói từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa lợi hay
không nghĩa lợi; các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi
người khác nói, hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời nói thô ác. Ta
nói các ngươi do đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học năm con đường
ngôn ngữ này, nếu khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng không
phát ra lời thô ác, hướng đến người ấy, duyên nơi người ấy, khởi tâm từ
mẫn, tâm hành như sông Hằng, không kết, không oán, không nhuế, không
tranh, rộng lớn, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế
gian, thành tựu an trụ. Các người hãy học như vậy.
“Cũng như thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, tay cầm đủ các loại màu và
nói như thế này: ‘Ở nơi hư không này, tôi vẽ lên các hình tượng, rồi y
tô lên các loại màu’, các ngươi nghĩ sao? Thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ
ấy, bằng phương tiện ấy, có thể vẽ lên hư không các hình tượng, rồi tô
lên các loại màu này chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không thể, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Hư không này không phải là
vật sắc, không thể thấy, không có đối ngại. Do đó, thợ vẽ hay đệ tử của
thợ vẽ, bằng phương tiện ấy không thể vẽ lên hư không các hình tượng rồi
tô lên các loại màu. Thợ vẽ và đệ tử của thợ vẽ chỉ tự gây phiền nhọc
vô ích mà thôi.”
“Cũng vậy, bằng năm con đường ngôn ngữ này mà người khác nói,
hoặc đúng thời hay không đúng thời, hoặc chân thật hay không chân thật,
hoặc dịu dàng hay thô lỗ, hoặc từ hòa hay sân nhuế, hoặc có nghĩa lợi
hay không có nghĩa lợi, các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà
khi người khác nói, tâm không biến đổi. Miệng không phát ra lời thô ác,
hướng đến người khác nói, duyên nơi người khác nói, mà khởi tâm từ mẫn,
tâm hành hư không, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng
lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành
tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.
“Cũng như một cái túi bằng da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm
nhũn, hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, và có một người hoặc nắm
hoặc đấm, hoặc lấy đá chọi, hoặc dùng gậy đánh, hoặc lấy dao chém, hoặc
đập xuống đất, các ngươi nghĩ sao? Cái túi da mèo đã được thuộc mềm,
rất mềm nhũn, làm hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, bấy giờ lại
phát ra tiếng kêu xì xộp nữa chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cái túi ấy bằng da
mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm hết tiếng xì xộp, không còn
tiếng xì xộp nữa, cho nên nó không còn phát ra tiếng xì xộp nữa.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có người khác, nắm tay đấm các
ngươi, hoặc vác đá chọi, hoặc xách gậy đánh, hoặc lấy dao chém các
ngươi, nếu khi bị người khác nắm tay đấm, vác đá chọi, dùng gậy đánh,
lấy dao chém, mà tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói các
ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy. Nếu bị người
khác nắm tay đấm, vác đá chọi dùng gậy đánh, lấy dao chém, tâm không
biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người đánh đập,
duyên nơi người đánh đập mà khởi tâm từ mẫn, tâm hành như cái túi da
mèo, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, vô lượng,
vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các
ngươi hãy học như vậy.
“Nếu có giặc cướp đến, bằng lưỡi cưa bén, cắt xẻ tay chân chi
tiết. Này các ngươi, nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén mà xẻ tay
chân chi tiết các ngươi mà các ngươi hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát
ra lời thô ác, Ta nói các ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy
học như vậy: nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén cưa xẻ tay chân các
ngươi chi tiết, mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác,
hướng đến người cắt xả ấy, duyên nơi người cắt xả ấy mà khởi tâm từ mẫn,
tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy,
hai, ba, bốn phương, tứ duy trên dưới, bao trùm tất cả tâm tương ưng với
từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng,
vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an
trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán,
không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến
mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.”
Rồi bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo luôn luôn suy niệm về lưỡi cưa
bén cho giáo huấn của Sa-môn. Các ngươi sau khi luôn luôn suy niệm về
thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn của Sa-môn rồi, các ngươi há còn thấy
rằng: ‘Người kia nói lời thô ác không khả ái đối với ta, sau khi ta nghe
không thể chịu đựng nổi chăng?’.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không có, bạch Thế Tôn!”
Đức Thế Tôn lại tán thán các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn suy niệm về thí dụ
lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ
lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn, các ngươi nếu sống ở phương Đông,
chắc chắn được an lạc, không có các khổ nạn. Nếu sống ở phương Nam,
phương Tây và phương Bắc, cũng chắc chắn được an lạc, không có các khổ
hoạn.
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi luôn luôn suy niệm về thí dụ
lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Các ngươi sau khi suy niệm về thí dụ
lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn, đối với các thiện pháp các ngươi đã
an trụ, Ta còn không nói, huống nữa là nói đến sự suy thoái. Chỉ còn sự
tăng trưởng thiện pháp ngày đêm, chứ không còn sự suy thoái nữa.
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn suy niệm về thí dụ
lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn; các ngươi sau khi luôn luôn suy niệm
về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn rồi, trong hai quả chắc
chắn được một. Hoặc ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc Cứu cánh trí,
hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư y.”
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M. 21. Kakacūpamasuttaṃ.
- [02] Mâu-lê-phá-quần-na 牟 犁 破 群 那. Pāli: Moliyaphagguna.
- [03] Đạo thuyết 道 說. Pāli: avaṇṇanaṃ bhāsati, nói điều không tốt.
- [04] Nguyên Hán: y gia 依 家. Pāli: gehasita.
- [05] Đa sở tri thức 多 所 知 識, chỉ người nổi tiếng.
- [06] Nhất tọa thực 一 坐 食, ngữ nguyên không rõ, nhưng ý nghĩa: ăn một ngày một lần. Xem thêm cht.2, Kinh 194 dưới. Pāli: ekāsana-bhojana.
- [07] Nguyên Hán: sanh niệm hướng pháp thứ pháp. Pāli: satuppādakaraṇīyaṃ... bhikkhusu, cần khơi dậy chánh niệm nơi các Tỳ-kheo.
- [08] Thiện thệ hành 善 逝 行,Nguyên-Minh: thiện du hành 善 遊 行.
- [09] Cư sĩ phụ Bệ-đà-đề 居 士 婦 鞞 陀 提. Pāli: Vedehikā nāma gahapatānī.
- [10] Tì danh Hắc 婢 名 黑. Pāli: Kāḷī nāma dāsī.
- [11] Ngũ ngôn đạo 五 言 道 hay ngũ ngữ lộ 五 語 珞. Xem Tập Dị 13, No.1536, Đại 26, tr.421c). Pāli: Pañca Vacanapathā.
-ooOoo-
194. KINH BẠT-ĐÀ-HÒA-LỢI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, cùng với đại chúng Tỳ-kheo an cư trong mùa mưa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này các Tỳ-kheo, Ta chỉ ăn trong một lần ngồi [02].
Do chỉ ăn trong một ăn trong một lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có
các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn
khoái lạc. Các ngươi cũng nên chỉ ăn trong một lần ngồi; do chỉ ăn trong
một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân
thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường an ổn khoái lạc.
Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi [03], cũng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi, sự việc ăn chỉ trong một
lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi thì chẳng
khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc.
Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần
ngồi.”
Đức Thế Tôn nói rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo Ta
và nếu Ta chấp nhận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi nhưng chỉ ăn
trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành [04]
.”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi lại bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, dù vậy con cũng không thể kham nổi sự việc chỉ ăn
trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi,
chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não trong lòng hối
tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong
một lần ngồi.”
Đức Thế Tôn đến ba lần nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Ta chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong mọt lần ngồi, Ta
vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí
lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên học chỉ ăn trong
một lần ngồi. Do ăn chỉ trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu,
không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang
cường, an ổn khoái lạc.”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến ba lần từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một
lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì không
khác nào làm một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối
tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi việc ăn chỉ trong một
lần ngồi.”
Đức Thế Tôn cũng đến ba lần nói rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo; và
nếu ta chấp thuận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi, nhưng ăn chỉ
trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành.”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến lần thứ ba bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, mặc dù như vậy, nhưng con cũng không thể kham nổi
sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong
một lần ngồi thì chẳng khác nào làm việc một công việc chưa xong, cảm
thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể
kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo [05]
Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh
giới của Thế Tôn. Chỉ trừ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi tuyên bố là không thể
kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo
giới cụ túc [06]
và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Tôn giả
Bạt-đà-hòa-lợi suốt trong một mùa mưa ấy lánh mình không gặp Đức Thế
Tôn. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong
cảnh giới Thế Tôn.
Vào một lúc, chư Tỳ-kheo làm y cho Đức Phật, để sau ba tháng an
cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu
vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi được
nghe rằng chư Tỳ-kheo đang làm y cho Đức Phật để sau ba tháng an cư mùa
mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại các y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén
y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Sau khi nghe như vậy, Tôn giả
Bạt-đà-hòa-lợi bèn đi đến chỗ các Tỳ-kheo. Chư Tỳ-kheo từ xa trông thấy
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đang đi đến, bèn nói như vầy:
“Hiền giả Bạt-đà-hòa-lợi, nên biết ở đây chúng tôi đang làm y cho
Thế Tôn, để sau ba tháng an cư vào mùa mưa tại nước Xá-vệ, và khâu vá y
xong Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Này
Bạt-đà-hòa-lợi, hãy tự khéo gìn giữ trong trường hợp này, đừng để về sau
xảy ra nhiều sự phiền nhọc.”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi nghe những lời ấy xong, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, thật sự con đã sai lầm! Thật sự con đã sai lầm!
Con như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao? Vì Thế Tôn
thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo thảy đều
vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy
chỉ con tuyên bố là không kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì
sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh
giới của Thế Tôn.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc ấy ngươi không biết rằng, ‘Một số đông
các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị ấy
biết ta [07],
thấy ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn,
không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế
Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như
vậy chăng?
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết rằng, ‘Một số
đông Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di tại nước Xá-vệ, những người này biết ta, gặp
ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn không
học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’
Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy
chăng?
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc ấy không biết rằng, ‘Một số đông
các Sa-môn Phạm chí dị học đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị
này biết ta, thấy ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử
của Sa-môn Cù-đàm, một bậc danh đức, nhưng không học theo giới cụ túc và
các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc
bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu có Tỳ-kheo chứng câu giải thoát [08]mà ta nói với vị ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn!’,
[09] Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy Tỳ-kheo ấy há thể đứng im hay tránh đi chỗ khác chăng?”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Thế Tôn nói rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, giả sử không phải là Tỳ-kheo câu giải thoát nhưng là Tỳ-kheo tuệ giải thoát [10]; hoặc giả sử không phải là Tỳ-kheo tuệ giải thoát, nhưng Tỳ-kheo thân chứng. [11]; hoặc giả sử không phải Tỳ-kheo thân chứng, nhưng là kiến đáo, [12]; hoặc giả sử không phải là kiến đáo nhưng là tín giải thoát, [13]; hoặc giả sử không phải là tín giải thoát nhưng là tùy pháp hành, [14]; hoặc giả sử không phải là tùy pháp hành, nhưng là tùy ý hành. [15],
mà ta nói với vị Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn’. Này
Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy, Tỳ-kheo
ấy há có thể đứng im hay tránh đi nơi khác chăng?”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Lúc bấy giờ ngươi đã chứng
đắc tùy tín hành, tùy pháp hành, kiến đáo, thân chứng, tuệ giải thoát
hay câu giải thoát chăng?”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:
“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không phải như ngôi nhà trống chăng?”
Lúc ấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bị Thế Tôn khiển trách ngay mặt,
trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời để biện bạch, suy nghĩ
mông lung. Đức Thế Tôn sau khi khiển trách Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi ngay
mặt rồi, lại muốn làm cho Tôn giả được hoan hỷ bèn nói rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc bấy giờ đối với Ta mà không có sự
tịch tịnh của sự tín pháp, không có sự tịch tịnh của ái pháp, không có
sự tịch tịnh của tĩnh pháp. [16].
Vì sao vậy? Trong lúc ta thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng
Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu
trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ riêng ngươi tuyên bố là không kham
nổi, và từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới
cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:
“Quả thật như vậy. Vì sao vậy? Vì trong lúc Thế Tôn thiết lập học
giới cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ, duy chỉ riêng
con tuyên bố là không kham nổi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao
vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới
của Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Con đã thấy lỗi
lầm rồi sẽ tự mình ăn năn hối cải, và từ nay trở đi sẽ giữ gìn không tái
phạm nữa.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy, ngươi thật sự như ngu, như si, như
khờ dại, như bất thiện. Vì sao vậy? Vì trong lúc ta thiết lập học giới
Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học
giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn, chỉ riêng ngươi
tuyên bố là không kham nổi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy?
Vì ngươi không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới
của Thế Tôn.
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu ngươi có lỗi lầm, đã thấy và tự hối từ
nay về sau gìn giữ, không thể để tái phạm. Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy ở
trong Thánh pháp luật có ích lợi chớ không tổn hại. Nếu ngươi có lầm
lỗi, đã thấy và tự hối, từ nay về sau gìn giữ không để tái phạm nữa, thì
này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo không học theo
giới cụ túc,
[17] vị ấy sống trong rừng vắng, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn
cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy
thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sau khi sống tại một nơi xa vắng, tu hành tinh
cần để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ [18],. Nhưng vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần như vậy mà chê bai học giới của Thế Tôn [19],
xuyên tạc chê bai chư Thiên và các phạm hạnh có trí và cũng xuyên tạc
học giới của chính mình. Vị ấy sau khi xuyên tạc học giới của Thế Tôn,
xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, và cũng xuyên tạc học
giới của chính mình rồi, bèn không sanh tâm hoan duyệt; do không sanh
tâm hoan duyệt nên không sanh hỷ; do không sanh hỷ nên thân không
khinh an; do thân không khinh an, nên không cảm thọ lạc; do không
cảm thọ lạc, nên tâm bất định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử khi
tâm bất định, thì không thể thấy như thật, biết như thật.
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo học giới cụ
túc, sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây trên sườn cao,
vắng bặt không tiếng động, xa lánh không có sự dữ, không có bóng người,
tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, để
chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú. Vị ấy sau khi sống tại nơi
xa vắng, tu hành tinh cần, an ổn khoái lạc rồi, không xuyên tạc học
giới của Thế Tôn, cũng không xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có
trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi không
xuyên tạc học giới của Thế Tôn, không xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm
hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình rồi bèn sanh
hoan duyệt, do sanh hoan duyệt nên sanh hỷ, do sanh hỷ nên thân
khinh an, do thân khinh an nên cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên tâm
định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử tâm định rồi bèn thấy như
thật, biết như thật. Sau khi thấy như thật, biết như thật, bèn ly dục,
ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng
đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy
giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ nhất, ngay trong đời hiện tại sống an
lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy an ổn khoái lạc và
thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh,
nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị
thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy bấy giờ chứng
đắc tăng thượng tâm thứ hai, ngay trong đời hiện tại được sống an
lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc
mà thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy ly hỷ, xả dục, xả, an trú vô cầu,
với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh
xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền thành tựu an trụ. Này
Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ
ba, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an
lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị
ấy lạc diệt khổ diệt, ưu và hỷ vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc,
xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này
Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ tư
ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó an trú
trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn.
“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không nhuế,
không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, học và
chứng đắc Túc mạng trí thông. Vị ấy với hành vi, với tướng mạo, nhớ lại
về trước vô lượng trăm nghìn đời sống đã trải qua, một đời, hai đời trăm
đời, nghìn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành kiếp hoại kiếp;
chúng sanh ấy có tên như vậy, mà vị ấy xưa kia đã từng trải, biết rằng
‘Ta đã từng sanh làm người ấy, với tên như vậy, họ như vậy, tự như vậy,
sanh như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy,
tồn tại như vậy, mạng chung như vậy, chết ở đây sanh ở chỗ kia, chết ở
chỗ kia sanh ở đây. Ta sanh tại chỗ này với tên như vậy, họ như vậy, ăn
uống như vậy, tử như vậy, sanh như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống
lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy.’ Này
Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị kia lúc bấy giờ, chứng đắc minh đạt [20]thứ
nhất này, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành
tinh cần, cho đến vô trí diệt, và trí tuệ phát sanh, bóng tối biến mất
mà ánh sáng xuất sanh, vô minh diệt mà minh phát sanh, tức là chứng ngộ
minh đạt Ức túc mạng trí
[21] .
“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm như vậy, không nhuế, không phiền
an trụ vững vàng. Đạt đến bất động tâm, học và chứng sanh tử trí thông.
Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, vượt hẳn trên người thường, thấy chúng
sanh này, lúc tử lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, diệu hay chẳng diệu, qua
lại thiện xứ hay bất thiện xứ. Tùy theo tác nghiệp của chúng sanh này mà
thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hành, khẩu và ý
ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu tà kiến; do nhân duyên
này khi thân hoại mạng chung tất sanh đến ác xứ, sanh trong địa ngục.
Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, không
phỉ báng chánh nhân, chánh kiến, thành tựu chánh kiến; do nhân duyên khi
thân hoại mạng chung tất đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ
hai, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh
cần, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành,
vô minh diệt và minh sanh, tức chứng ngộ minh đạt Sanh tử trí [22]
.
“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không uế,
không phiền, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, học và chứng ngộ
Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng ‘Đây là Khổ, đây là Khổ tập,
đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng
‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu
diệt đạo.’ Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục
lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Đã giải thoát thì biết
mình đã giải thoát. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã
vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này
Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ ba, do
trước không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh tấn, vô trí
diệt và trí
sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh
sanh chứng chứng ngộ minh đạt Lậu tận trí [23]
.”
Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, khi các Tỳ-kheo cùng phạm giới, nhưng có trường hợp khổ trị, có trường hợp không khổ trị.”
Thế Tôn nói:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc có Tỳ-kheo thường xuyên phạm giới; do
bởi thường xuyên hay phạm giới nên các Tỳ-kheo đồng phạm hạnh khiển
trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi
ngờ. Vị ấy sau khi bị các đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều
được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói lãng sang
vấn đề khác, những việc ngoài vấn đề; sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất
mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy, ‘Tôi phải
làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà vui lòng.’ Với ý nghĩ như vậy. Này
Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường
hay phạm giới. Và do thường hay phạm giới, nên bị các vị đồng phạm hạnh
khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà
nghi
ngờ. Vị này sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những
điều được thấy được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói sang vấn
đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất
mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy ‘Tôi phải
làm gì để chúng Tăng được hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau khi thấy vậy, bèn
nói rằng: ”Này chư Tôn, hãy xem xét khiến để kéo dài một thời gian [24].
“Hoặc giả có Tỳ-kheo thường hay phạm giới; do thường hay phạm
giới cho nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được
thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị
đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ
người khác mà nghi ngờ, không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc
ngoài vấn đề, không sân hận, thù nghịch chúng Tăng, phẫn nộ, bất mãn,
xúc nhiễu và khinh, mạn, không nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để Tăng
chúng hoan hỷ mà hài lòng.’ Không có ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi,
các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới, do
bởi thường hay phạm giới nên các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng
những điều được thấy, được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau
khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy,
được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, vị ấy không nói lãng sang vấn
đề khác, những sự việc ngoài vấn đề không sân hận, thù nghịch, phẫn nộ,
bất mãn, không xúc nhiễu chúng Tăng, không khinh mạn chúng Tăng, không
nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau
khi thấy như vậy bèn nói rằng, ‘Này chư Tôn, hãy xem xét mà khiến cho
diệt sớm.’ Trường hợp phạm các cấm giới nhẹ cũng vậy.
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc giả có Tỳ-kheo có tín, có ái, có tĩnh
[25]. ‘Nay Tỳ-kheo này còn có tín, có ái, có tĩnh. Nếu chúng ta
khổ trị Tỳ-kheo này, thì Hiền giả này vốn có tín, ái và tĩnh, do đây mà
dứt mất vậy. Chúng ta hãy cùng nhau cẩn thận gìn giữ cho Hiền giả này.
Rồi các Tỳ-kheo bèn cùng nhau gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như
một người kia chỉ có một con mắt các bà con quyến thuộc, vì thương
tưởng, yêu mến, mong cầu cho được sự thiện lợi và hữu ích, sự an ổn
khoái lạc, nên cùng nhau cẩn thận gìn giữ hộ, không để cho người này bị
lạnh nóng, đói, khát, đau yếu, ưu sầu, vừa đau yếu vừa ưu sầu, không để
cho phải bụi, không để cho khói, không để cho phải bụi và khói. Vì sao
vậy? Vì sợ ấy mất luôn một con mắt nữa. Cho nên thân thuộc cẩn thận gìn
giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, với Tỳ-kheo chỉ còn một ít tín,
một ít ái, một ít tĩnh, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nay Tỳ-kheo chỉ
có một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này
thì Tỳ-kheo này sẽ do đây mà đứt mất một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh
ấy. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn hộ, cũng như thân thuộc gìn giữ người
một mắt vậy.”
Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo sang bên, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, ngày xưa ít có thiết lập học
giới nhưng được nhiều Tỳ-kheo vâng lĩnh phụng trì? Và do nhân gì, duyên
gì, bạch Thế Tôn, ngày nay thiết lập nhiều học giới, nhưng ít có
Tỳ-kheo vâng lãnh phụng trì?”
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không được thịnh lợi, trong chúng không có pháp hỉ hảo [26]
; nhưng khi chúng Tỳ-kheo được thịnh lợi, trong chúng phát sanh pháp hỉ
hảo. Khi pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo
đó, bèn thiết lập học giới cho đệ tử.
“Cũng vậy, khi chúng Tỳ-kheo được tán thán, được lớn mạnh, có
những bậc Thượng tôn được hàng vương giả biết đến và có phước đức lớn,
học vấn nhiều [27]
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không có những người đa
văn, trong chúng không phát sanh pháp hỉ hảo. Nhưng khi chúng Tỳ-kheo có
những người đa văn, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Vì pháp hỉ hảo
đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo ấy, cho nên thiết lập
học giới cho các đệ tử.
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, không phải vì để đoạn trừ hữu lậu trong hiện
tại mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Nhưng vì để đoạn trừ hữu
lậu trong đời sau mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử.
Bạt-đà-hòa-lợi, vì vậy, vì để đoạn trừ hữu lậu nên Ta thiết lập học giới
đệ tử, khi đến vâng lãnh lời dạy của Ta.
“Bạt-đà-hòa-lợi, trước kia Ta đã từng nói pháp thí dụ về ngựa thuần giống [28] cho các Tỳ-kheo, ở trong đó, do nhân gì, duyên gì ngươi có nhớ không?”
Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, trong ấy có nguyên nhân. Vì sao vậy? Thế Tôn thiết
lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng
lãnh học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ riêng
con tuyên bố là không kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì không
theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Bạch
Thế Tôn, đó gọi là trong ấy có nguyên nhân.”
Đức Thế Tôn lại nói với Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, rằng:
“Trong đó không phải chỉ có nguyên nhân như vậy. Này
Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nói thí dụ về loài ngựa thanh tịnh cho các
Tỳ-kheo, thì ngươi hẳn là không nhất tâm, không khéo cung kính, không tư
niệm mà nghe. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó gọi là trong ấy lại còn có nguyên
nhân khác nữa vậy.”
Lúc bầy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là
đúng lúc! Nếu Thế Tôn nói thí dụ về con ngựa thuần giống cho các
Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ khéo léo ghi nhớ.”
Thế Tôn nói rằng:
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như người biết cách huấn luyện ngựa,
được một con ngựa tốt thuần giống. Người giỏi huấn luyện ấy trước hết
trị cái miệng của nó. Sau khi trị miệng, tất nhiên nó sẽ không thích với
sự chuyển động, muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì chưa từng được trị.
Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu con ngựa tốt thuần giống tuân theo cách trị của
người huấn luyện, cách trị thứ nhất được thành tựu. Nhưng người huấn
luyện lại phải trị bằng cách dàm mõm, cùm chân; cùm chân, dàm mõm, nhưng
khiến nó sãi, đi, cần phải làm cho nó dừng lại, chạy đua, có thể để vua
cỡi; đi không gì hơn, trầm tĩnh không gìn hơn; trị các chi thể khác,
thảy đều huấn luyện cho thành tựu. Tất nhiên nó không thích với chuyển
động, hoặc muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì bị sửa trị nhiều lần.
Này Bạt-đà-hòa-lợi! Nếu con ngựa tốt thuần giống, với người huấn
luyện, được sửa trị nhiều lần cho đến thành tựu. Lúc bấy giờ nó là con
ngựa thuần thục, khéo thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô
thượng hành, đệ nhất hành, rồi xung vào cho vua cỡi, ăn thóc của vua,
được gọi là ngựa vua.
“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, nếu bấy giờ có một người hiền
minh, có trí, thành tựu mười pháp vô học, vô học chính kiến cho đến vô
học chánh trí, người ấy lúc bấy giờ là một người thuần thục, khéo thuần
thục, vô thượng thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng
tĩnh chỉ, đệ nhất tĩnh chỉ, diệt trừ tất cả tà vạy, diệt trừ tất cả ô
uế, diệt trừ tất cả sợ hãi, diệt trừ tất cả si ám, diệt trừ tất cả siểm
nịnh, lặng đọng mọi trần lao, thanh tịnh mọi cấu trược, không còn gì để
bị dính trước đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng thờ, là ruộng
phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.”
Phật thuyết như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Bản Hán, quyển 51. Tương đương Pāli, M.65. Bhāddāli-suttaṃ. Tham chiếu, No.125 (49.7).
- [02]
Nhất tọa thực 一 坐 食. Một ngày chỉ ăn một lần giữa ngọ, và trong một lần
ấy cũng chỉ ngồi một lần, nếu có duyên sự gì phải đứng dậy nửa chừng
thì không ngồi ăn trở lại. Đây là một trong sáu phép tịnh thực và cũng
là một trong mười hai hạnh đầu đà. Xem thêm Luật Tứ Phần 14 (No.1428,
Đại 22, tr.660). Xem cht.6, kinh 193. Pāli: ekāsanabhojana.
- [03] Bạt-đà-hòa-lợi 跋 陀 和 利. Pāli: Bhaddālī.
- [04] Pāli nói: ăn một phần tại chỗ và một phần mang đi. Theo Luật Tứ Phần (sđd.,nt), trường hợp Tỳ-kheo bệnh, có thể ăn nhiều lần.
- [05] Trong Luật tạng không thấy nói đến học giới Nhất tọa thực nhưng nói là Sát sát thực (Pāli: parampara-bhojana).
- [06] Bất học cụ giới, xem cht.17 dưới.
- [07] Văn giả thiết, trực tiếp dẫn lời của Bạt-đà-hòa-lợi.
- [08] Câu giải thoát 俱 解 脫, hay Câu phần giải thoát. Pāli: ubhatobhāgavimutta. Xem kinh 195 sau.
- [09] Pāli nói: ehi me tvam bhikkhu paṅke sāṅkamo hoti, “Tỳ-kheo, lại đây, làm cầu trên bùn cho Ta”.
- [10] Tuệ giải thoát 慧 解 脫. Pāli: Paññāvimutta, xem kinh 195 ở sau.
- [11] Thân chứng 身 證. Pāli: kāyasakkhin, xem kinh 195 ở sau.
- [12]
Kiến đáo 見 到. Pāli: diṭṭhipatta, xem kinh 195 ở sau.
- [13] Tín giải thoát 信 解 脫. Pāli: saddhāvimutta, nt.
- [14]
Pháp hành 法 行, hay tùy pháp hành. Pāli: dhammānusārin, nt.
- [15]
Tín hành 信 行, hay tùy tín hành. Pāli saddhāssussārin, nt.
- [16]
Vô tín pháp tĩnh 無 信 法 靜 (hoặc 靖) vô ái pháp tĩnh 無 愛 法 靖, vô tránh
pháp tĩnh 無 諍(hoặc 靖) 法 靖. Chưa rõ ý nghĩa. Xem cht.2 đoạn dưới.
- [17] Bất học cụ giới 不 學 具 戒. Pāli satthusāsane sikkhāya aparipūrakārī, sự học tập không đầy đủ trong giáo pháp của Tôn sư.
- [18] Trong nguyên bản: hiện pháp lạc cư.
- [19]
Đối chiếu bản Pāli tassa tathāvūpakaṭṭhassa viharato satthāpi
upavadati... devatāpi upavadanti, vị ấy trong khi sống viễn ly như vậy,
nhưng Đạo sư chỉ trích,..., chư Thiên cũng chỉ trích.
- [20] Minh đạt 明 達, hay minh, tức ba minh: Pāli: tisso vijjā.
- [21]
Ức túc mạng trí tác chứng minh đạt 憶 宿 命 智 作 證 明 達, hay túc mạng trí
minh, hay túc trụ tùy niệm tác chứng minh; xem Tập Dị Môn Luận 6, Đại
26, tr.391a. Pāli: pubbenivāsānusatiñāṇaṃ vijjā.
- [22]
Sanh tử trí tác chứng minh đạt 生 死 智 作 證 明 達, hay tử sanh trí tác chứng
minh; xem Tập Dị Môn, đd. nt. Pāli: sattānaṃ cutūpapāte ñāṇaṃ vijjā.
- [23] Lậu tận trí tác chứng minh. Pāli: āsavānaṃ khaye ñāṇaṃ vijjā.
- [24]
Đương quán linh cửu trụ 當 觀 令 久 住. Pāli: (...)
upaparikkhatha (...) na khippameva vūpasameyyā ti, hãy tham cứu, chớ
chấm dứt sớm.
- [25]
Hữu tín hữu ái hữu tĩnh 有 信 有 愛 有 靖 (hay 諍? Pāli: (...) saddāmattakena
vahati pemamattakena,(Tỳ-kheo ấy) tùng sự (Tăng) với một ít lòng tin,
một ít yêu mến. Bản Hán nói thêm tĩnh, mà có thể là tránh chép nhầm.
Đoạn này có thể hiểu: ”Tỳ-kheo tuy phạm tọâi, nhưng còn một ít lòng tin,
một ít thương yêu, và với một ít tranh chấp nhỏ”.
- [26] Hỷ hảo pháp 喜 好 法, “chuộng tốt”. Pāli: āsavaṭṭhāniyā dhammā, pháp được xác lập trên hữu lậu.
- [27]
Năm trường hợp pháp hữu lậu phát sanh trong Tăng chúng: có thịnh lợi,
tăng lớn mạnh, có danh dự, có bậc kỳ túc được kinh trọng, và có học vấn
cao. So sánh Pāli: saṅgho mahattaṃ patto... lābhaggaṃ patto...
yasaggaṃ... bāhusaccau... rattaññutaṃ...
- [28] Thanh tịnh mã dư pháp 清 淨 馬 喻 法. Pāli: ājāniyasusūpamaṃ dhamma-pariyāyṃ, pháp môn thí dụ lương mã (tuấn mã).
-ooOoo-
195. KINH A-THẤP-BỐI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Ca-thi [02] cùng với đại chúng Tỳ-kheo.
Trong lúc dừng chân tại một nơi [03], Đức Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Ta một ngày chỉ ăn một lần [04]
Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi vô cầu, không bệnh không đau, thân
thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một
ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không
bệnh không đau, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.”
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vì chúng Tỳ-kheo mà thi thiết giới, một
ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này và các
pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn lần hồi đi đến
Ca-la-lại [05], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ca-la-lại.
Lúc bấy giờ tại Ca-la-lại, có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu[06].
Hai vị này là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn,
chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối
ăn, quá ngọ cũng ăn, mà vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ
nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Một số đông Tỳ-kheo nghe vậy,
liền đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói hai vị
rằng:
“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn du hóa tại nước
Ca-thi cùng với chúng đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo
các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần
xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi
dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một
ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ
nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết
giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo
đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới
của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ
ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có
đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các
thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.”
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền nói:
“Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn.
Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không
có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.
Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau.”
Hai vị ấy nói như thế ba lần. Chúng Tỳ-kheo không thể làm cho
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy
bỏ đi, đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một
bên thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, ở Ca-la-lại này có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là
A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu. Hai vị này là cựu chủ đất, chủ
chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá
ngọ cũng ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ cũng ăn, mà vô vi,
vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn
khoái lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con nghe như vậy liền đến chỗ cho
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói thế này, ‘Này A-thấp-bối và
Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ca-thi cùng với chúng đại
Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một
ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không
có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các
ngươi cũng
nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô
cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn
khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó
là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này
cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và
Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn
một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí
lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn
và chúng Tỳ-kheo.’
“A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền trả lời chúng con như
vầy, ‘Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì
sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có
đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng
tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau?’ Như vậy ba
lần.
“Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con không thể làm cho A-thấp-bối và
Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến này, nên chúng con từ chỗ ngồi đứng dậy
bỏ đi.”
Đức Thế Tôn nghe xong liền bảo một vị Tỳ-kheo:
“Ngươi đến chỗ A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói như thế này: ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn gọi các thầy.’”
Vị Tỳ-kheo nghe rồi liền đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy cúi đầu lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh
ba vòng, rồi ra đi. Tỳ-kheo ấy đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và
Phất-na-bà-tu nói rằng:
“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Thế Tôn gọi hai thầy đó.”
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, chúng Tỳ-kheo thật có nói với
các ngươi như vầy: ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn du hóa
tại nước Ca-thi cùng với chúng Đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một
nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn
một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí
lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một
lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh,
thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế
Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần.
Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong
cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy
cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi,
vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn
khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.’
“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các ngươi nghe rồi lại nói với
chúng Tỳ-kheo rằng, ‘Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn,
quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi,
vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn
khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về
sau?’ Hai ngươi nói như vậy ba lần. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, rồi
chúng Tỳ-kheo không thể làm cho hai ngươi trừ bỏ ác tà kiến, nên từ chỗ
ngồi đứng dậy bỏ đi, thật có vậy không?”
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, thật có như vậy.”
Thế Tôn dạy nói:
“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các ngươi có hiểu biết pháp ta
nói như vầy: ”Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi người ấy cảm thọ
về cảm thọ lạc rồi, thì các pháp ác bất thiện tăng trưởng, các pháp
thiện lại giảm? Nếu ai cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi cảm thọ về cảm thọ
khổ rồi, pháp ác bất thiện giảm và các thiện pháp sanh trưởng?”
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, thưa rằng:
“Quả vậy, bạch Thế Tôn. Chúng con biết Đức Thế Tôn nói pháp như
vậy, ‘Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc
rồi, pháp ác bất thiện tăng trưởng và thiện pháp tổn giảm. Nếu ai cảm
thọ về cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi thì pháp ác bất
thiện giảm và pháp thiện tăng trưởng.”
Đức Thế Tôn quở trách A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu rằng:
“Các ngươi là người ngu. Do đâu mà các ngươi biết ta nói pháp như
vậy? Các ngươi là người ngu. Từ miệng ai mà các ngươi biết Ta nói pháp
như vậy? Các ngươi là người ngu. Ta không nói một chiều, mà các ngươi
lại thọ trì một chiều. Các ngươi là người ngu. Khi nào được các Tỳ-kheo
hỏi, các ngươi phải đáp đúng như pháp rằng, ‘Chúng tôi chưa biết, sẽ hỏi
lại các Tỳ-kheo.’”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi cũng có hiểu biết pháp ta nói như vậy, ‘Nếu ai cảm thọ
về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, pháp bất thiện
tăng trưởng và pháp thiện tổn giảm. Nếu ai có cảm thọ khổ, và khi đã cảm
thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp bất thiện tổn giảm và pháp thiện tăng
trưởng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Các ngươi biết pháp ta nói như thế nào?”
Chúng Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết pháp Đức Thế Tôn nói như vầy,
‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc thì ác pháp, bất thiện pháp tăng trưởng,
pháp thiện lại giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, mà pháp ác bất
thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ
khổ, nên pháp ác bất thiện lại tăng trưởng, pháp thiện lại tổn giảm.
Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác bất thiện tổn giảm và pháp
thiện tăng trưởng.’ Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết Đức Thế Tôn nói
pháp như vậy.”
Đức Thế Tôn nghe nói thế, tán thán các Tỳ-kheo rằng:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vầy, ‘Hoặc có cảm
thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn
giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác, bất thiện tổn giảm,
thiện pháp tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ, nên pháp ác bất
thiện tăng trưởng, thiện pháp bị tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ
khổ nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng.’ Vì sao? Ta
cũng nói như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất
thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc,
nên pháp ác bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ
về cảm thọ khổ nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm.
Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, pháp
thiện tăng trưởng.’
“Nếu Ta không biết đúng như thật, không thấy, không hiểu rõ,
không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ lạc mà
pháp ác bất thiện giảm, pháp thiện tăng trưởng, Ta không nên nói đoạn
trừ cảm thọ lạc. Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ,
không chứng đắc, không chứng ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà
pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, Ta không nên nói tu
tập cảm thọ lạc.
“Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không
chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp bất
thiện lại tăng, thiện pháp tăng giảm, Ta không nên nói đoạn trừ cảm thọ
khổ. Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng
đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp bất thiện
lại giảm, thiện pháp tăng tăng, Ta không nên nói tu cảm thọ khổ.
“Nếu Ta biết đúng như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ
cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ lạc, mà pháp ác bất thiện lại tăng, pháp
thiện lại giảm, cho nên ta nói đoạn trừ cảm thọ lạc. Nếu Ta biết đúng
như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có
cảm thọ lạc mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng,
cho nên Ta nói tu cảm thọ lạc.
“Nếu Ta biết đúng như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ
cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ, mà pháp ác bất thiện lại tăng, pháp
thiện lại giảm, cho nên Ta nói đoạn trừ cảm thọ khổ. Nếu Ta biết đúng
như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có
cảm thọ khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng,
cho nên Ta nói tu cảm thọ khổ.
“Vì sao? Ta không nói tu tập tất cả thân lạc, cũng không nói
không nên tu tập tất cả thân lạc. Ta không nói tu tập tất cả thân khổ,
cũng không nói không nên tu tập tất cả thân khổ. Ta không nói tu tập tất
cả tâm lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả về tâm lạc. Ta không
nói tu tập tất cả tâm khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả tâm
khổ.
“Thế nào là thân lạc mà ta nói là không tu? Nếu tu thân lạc mà
pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, thì thân lạc như vậy
ta nói không tu. Thế nào là thân lạc mà Ta nói tu? Nếu tu thân lạc mà
pháp ác bất thiện giảm, thiện pháp tăng trưởng, thân lạc như vậy ta nói
tu. Thế nào là thân khổ mà ta nói không tu? Nếu tu thân khổ mà pháp ác
bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, thân khổ như vậy, ta nói
không tu. Thế nào là thân khổ mà ta nói tu? Nếu tu thân khổ mà pháp ác
bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Thân khổ như vậy, ta nói tu.
“Thế nào là tâm lạc ta nói không tu? Nếu tu tâm lạc mà các pháp
ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Tâm lạc như vậy, ta nói
không tu. Thế nào là tâm lạc ta nói phải tu? Nếu tu tâm lạc mà pháp ác
bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Tâm lạc như vậy ta nói tu.
Thế nào là tâm khổ mà ta nói không tu? Nếu tu tâm khổ mà các pháp ác bất
thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Tâm khổ như vậy ta nói không
tu. Thế nào là tâm khổ mà ta nói tu? Nếu tu tâm khổ mà pháp ác bất thiện
lại giảm, pháp thiện tăng trưởng, tâm khổ như vậy, ta nói tu.
“Người kia đối với pháp nên tu mà biết đúng như thật, đối với
pháp không nên tu cũng biết đúng như thật; và khi đã biết đúng như thật
về pháp nên tu và pháp không nên tu, người ấy liền không tu pháp không
nên tu, và tu pháp nên tu. Sau khi đã không tu pháp không nên tu, và tu
pháp nên tu rồi, pháp ác bất thiện liền giảm, pháp thiện tăng trưởng.
“Ta không nói tất cả Tỳ-kheo đều thực hành sự không phóng dật,
cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo đều không thực hành sự không phóng
dật.
“Thế nào là Tỳ-kheo không thực hành sự không phóng dật? Nếu có vị Tỳ-kheo nào chứng câu giải thoát [07] Thế nào là Tỳ-kheo có câu giải thoát? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám giải thoát, thân đã chứng [08]
, thành tựu an trụ, do tuệ kiến [09].
mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ. Như vậy là Tỳ-kheo có câu giải
thoát. Vị Tỳ-kheo này ta nói thực hành sự không phóng dật. Nếu Hiền giả
này vốn có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy, Ta nói vị
Tỳ-kheo này không thực hành sự không phóng dật.
“Hoặc có Tỳ-kheo không phải câu giải thoát mà có tuệ giải thoát.
Thế nào là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám giải
thoát mà thân không chứng, thành tựu an trú, nhưng do tuệ kiến mà các
lậu đã diệt tận, đã biết rõ. Như vậy là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát. Vị
Tỳ-kheo này Ta nói không thành tựu sự không phóng dật. Vì sao? Vì Hiền
giả này vốn đã thành tựu sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này vốn có
phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy Ta nói vị Tỳ-kheo này
không thành tựu sự không phóng dật.
“Hai hạng Tỳ-kheo này Ta nói không thành tựu sự không phóng dật.
Này các Tỳ-kheo, tại sao Ta nói thành tựu sự không phóng dật? Hoặc có
Tỳ-kheo không có câu giải thoát, cũng không có tuệ giải thoát mà có thân
chứng. Thế nào là Tỳ-kheo có thân chứng? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám
giải thoát, thân đã chứng, thành tựu an trụ, không do tuệ kiến mà các
lậu đã diệt tận, đã biết rõ [10]
Như vậy là Tỳ-kheo có thân chứng. Tỳ-kheo này Ta nói thực hành sự không
phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Vì có quả gì
khiến Ta nói Tỳ-kheo ấy hành không phóng dật? Ở đây, vị Tỳ-kheo này tìm
cách chế ngự các căn [11], học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú [12]
, các lậu đã diệt tận, đắc được vô lậu, giải thoát, tuệ giải thoát,
ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trú,
biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã
làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này không phóng
dật, có được quả như thế, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này thực hành sự
không phóng dật.
“Hoặc có vị Tỳ-kheo không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, cũng không phải thân chứng, nhưng lại kiến đáo[13]
Thế nào là Tỳ-kheo có kiến đáo? Nếu Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát
đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy thuộc pháp được nghe, rồi do tuệ mà có
tăng thượng quán và tăng thượng nhẫn [14]
Như thế, vị Tỳ-kheo này có kiến đáo. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không phóng
dật. Vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? nếu
có Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập các vị thiện tri thức,
sống tùy thuận an trú, các lậu đã tận diệt, được vô lậu, tâm giải thoát,
tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri tự giác, tự chứng, thành
tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn
tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật có quả như
vậy. Cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.
“Nếu Tỳ-kheo nào không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải
thoát, cũng không phải thân chứng, cũng không phải kiến đáo, nhưng lại
có tín giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có tín giải thoát? Nếu Tỳ-kheo nào
có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được
nghe, rồi do tuệ mà có quán và nhẫn nhận, không bằng kiến đáo [15]
Như vậy là vị Tỳ-kheo này có tín giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành
không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả
gì, khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? nếu có vị Tỳ-kheo
nào tìm cách chế ngự được các căn, học tập theo các vị thiện tri thức,
sống tùy thuận an trú, các lậu đã diệt tận, được vô lậu, tâm giải thoát,
tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự
tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ, biết một cách như
thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong,
không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật,
vì có quả như vậy, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.
“Nếu có vị Tỳ-kheo nào không có câu giải thoát, không có tuệ giải
thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo cũng không có tín giải
thoát, nhưng có pháp hành [16].
Thế nào là Tỳ-kheo có pháp hành? Nếu Tỳ-kheo nào có lòng tin tuyệt đối
với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà có tăng
thượng quán, tăng thượng nhẫn
[17]. Như vậy, Tỳ-kheo này có pháp hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói
hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có
quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Nếu có Tỳ-kheo
nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống tùy
thuận an trú, đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một. Hoặc ngay
trong hiện tại được cứu cánh trí, nếu còn hữu dư được A-na-hàm. Vì Ta
thấy vị này hành không phóng dật, có quả như vậy. Cho nên Ta nói vị
Tỳ-kheo này hành không phóng dật.
“Nếu có Tỳ-kheo nào không có câu giải thoát, không có tuệ giải
thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo, không có tín giải thoát,
không có pháp hành, nhưng lại có tín hành. Thế nào là Tỳ-kheo có tín
hành? Nếu vị Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng,
tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà quán và nhẫn, không như pháp
hành. Như vậy, Tỳ-kheo này có tín hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không
phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì quả gì khiến
Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Nếu có vị Tỳ-kheo nào tìm
cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an
trú, đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một, hoặc ngay trong
hiện tại được cứu cánh trí, nếu còn hữu dư, đắc A-na-hàm. Vì Ta thấy vị
Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Các vị Tỳ-kheo này Ta nói hành
không phóng dật.
“Ta không nói tất cả Tỳ-kheo được cứu cánh trí, cũng không nói
tất cả các Tỳ-kheo ngay từ đầu được cứu cánh trí, song dần dần học tập
và thực hành, nhận lãnh giáo huấn, chịu khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo
mới được cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này.
“Thế nào là dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và
khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được cứu cánh trí, cứu cánh trí mà
các Tỳ-kheo chứng đắc này? Nếu có tín giả nào liền tìm đến. Tìm đến rồi
liền phụng sự; phụng sự rồi liền nhất tâm nghe pháp; nhất tâm nghe pháp
rồi liền thọ trì pháp; thọ trì pháp rồi liền tư duy về pháp; tư duy về
pháp rồi liền chấp nhận [18]
; chấp nhận rồi liền quán sát về pháp. Đệ tử hiền thánh quán sát về
pháp rồi thì tự thân tác chứng chân đế, và do tuệ có tăng thượng quán[19].
Vị ấy liền nghĩ, ‘Chân đế này, tự thân Ta chưa từng tác chứng cũng
không phải được tăng thượng quán bằng tuệ. Ta hãy tự thân tác chứng chân
đế này, và do tuệ mà tăng thượng quán. Như vậy dần
dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, rồi
sau các Tỳ-kheo mới đắc cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng
đắc này.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:
“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, có pháp được gọi là Tứ cú, Ta nói cho các ngươi nghe, các ngươi có muốn biết không?”
A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu thưa:
“Bạch Thế Tôn! Chúng con là hạng người nào và do đâu hiểu được pháp?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nghĩ rằng:
“Hạng người ngu si này vượt quá sự chỉ dạy của Ta. Đối với pháp
luật chân chính này, còn cách biệt quá lâu dài. Nếu có vị thầy pháp luật
nào tham trước việc ăn uống, không xả ly việc ăn uống mà đệ tử của vị
ấy còn không nên dục tốc, phóng dật. Huống chi Ta lại là người không
tham trước việc ăn uống, viễn ly sự ăn uống, do đó tín đệ tử của Ta nên
nói, ‘Đức Thế Tôn là bậc thầy của ta. Ta là đệ tử của Đức Thế Tôn. Đức
Thế Tôn nói pháp cho ta nghe. Đức Thiện Thệ nói pháp cho ta nghe. Mong
cho ta được thiện lợi, hữu ích, được an ổn khoái lạc lâu dài. Tín đệ tử
kia đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh
giới của Thế Tôn được nhiều lợi ích. Đối với cảnh giới của Thế Tôn có
nhiều điều phải hành, thể nhập trong cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ
trong cảnh giới của Thế Tôn. Nếu trú ở phương Đông, chắc chắn sẽ
được an lạc, không có chỗ khổ hoạn. Nếu trụ ở phương Nam, phương Tây và
phương Bắc, chắc chắn sẽ được an lạc, không có các khổ hoạn.’ Nếu tín đệ
tử nào đối với cảnh giới của Thế Tôn mà có nhiều điều phải làm, đối với
cảnh giới của Thế Tôn, được nhiều điều lợi ích, đối với cảnh giới của
Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ
cảnh giới của Thế Tôn. Tín đệ tử ấy đối với pháp thiện đã trụ, Ta không
còn nói, huống chi nói đến pháp suy thoái, nhưng ngày đêm vẫn tăng
trưởng pháp thiện, chớ không suy thoái. Nếu Tín đệ tử nào đối với cảnh
giới của Đức Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế
Tôn được nhiều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều
phải hành, thể nhập vào cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ trong cảnh
giới của Thế Tôn, trong hai quả, chắc chắn sẽ đạt được một, hoặc hiện
tại được cứu cánh trí, nếu hữu dư, chứng được A-na-hàm.”
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M.70. Kīṭāgiri-suttaṃ.
- [02]
Ca thi quốc 迦 尸 國. Pāli: Kāsi, một trong mười sáu đại quốc. Thủ phủ là
Bāraṇāsi. Trong thời Đức Phật, Kāsi được sát nhập với Kosala của vua
Pasenadi. Kāsi là một trung tâm thương mãi và đông dân.
- [03] Du tại nhất xứ: không xác định địa điểm.
- [04] Nhật nhất thực 日 一 食. Pāli: ekabhattika; nhưng, bản Pāi tương đương: aññatreva rattibhojianā bhuñjāmi. Ta từ bỏ ăn đêm.
- [05] Ca-la-lại 迦 羅 賴. Pāli: Kīṭagiri.
- [06]
A-thấp-bối 阿 濕 貝, Pāli: Assaji. (trùng tên với một người trong năm đệ
tử đầu tiên của Phật). Phất-na-bà-tu 弗 那 婆 修; Pāli: Punabhasuka. Hai vị
này dẫn đầu một nhóm Tỳ-kheo bất tuân ở tại Kīṭāgiri, đưa đến việc thiết
lập một điều khoản quan trọng trong Giới bổn Tỳ-kheo. (Xem Tứ Phần Luật
5, No.1428, Đại 22, tr. 596c-599a).
- [07]
Câu giải thoát tức Câu phần giải thoát 俱 分 解 脫. Gọi là Cu phần vì có
hai phần chướng, phiền não phần chướng và giải thoát phần chướng (xem
Tập Dị Môn Luận 17, Đại 26 tr.436a). Pāli: Ubhatobhāgavimutta.
- [08]
Thân xúc 身 觸; Tập Dị (đd.,nt.): Thân dĩ chứng 身 已 證. Pāli: santā
vimokhā atkkama rūpe āruppā te kāyena phassitvā viharati, tịch tịnh
giải thoát, vượt qua các sắc và vô sắc, sau khi thể nghiệm bằng thân, vị
ấy an trụ.
- [09] Tuệ kiến, Pāli: paññāya cassa divā, sau khi thấy bằng tuệ.
- [10] “Căn
cứ vào sự chứng đắc diệt định mà thành lập thân chứng, tức là do thân
chứng đắc diệt định vậy” (Cu-xá: 25, No.1558, Đại 29 tr.131b).
- [11] Cầu ư chư căn 求 於 諸 根. Pāli: indriyāni samannayāmano, đang chế ngự các căn.
- [12]
Hành tùy thuận trụ chỉ 行 隨 順 住 止. Pāli: anulomikāni senāsanāni
paṭisevamano, đang sử dụng các thứ sàng tọa đúng quy định (một cách tùy
thuận).
- [13] Kiến đáo 見 到, cũng gọi là kiến chí. Pāli: diṭṭhipatto.
- [14]
Tức là bậc Thánh này căn cứ trên địa vị tùy pháp hành (xem dưới) chứng
đắc Đạo loại trí, với sự bén nhạy của tuệ (Tập Dị đd., tr.435c Cu-xá
đd., nt.). Pāli: paññāya vodiṭṭhā honti vocaritā, do tuệ mà quán sát và
thấu triệt.
- [15]
Câu-xá, đd.nt., căn cứ trên Tùy tín hành (xem dưới) mà chứng đắc Đạo
loại trí, khả năng của tuệ không bén nhạy phải nương vào tín.
- [16]
Pháp hành, hay tùy pháp hành 隨 法 行. Với bản tánh nhiều tư duy
phân tích, mà học về bốn Diệu đế, quán sát khổ đế (tuệ tăng thượng) rồi
thấy rõ nhận thức về sự thật của khổ đế (nhân tăng thượng) như vậy là
chứng bậc tùy hành pháp” (tóm tắt, Tập Dị đd. nt.). Pāli: dhammānusāri.
- [17] Pāli: (...) mattaso nijjhānaṃ khamanti, bằng vào tuệ mà chấp nhận sự lý giải hạn một cách hạn chế.
- [18] Hán: bình lượng 評 量. Pāli: dhammā nijjhānaṃ khamanti, hoan hỷ chấp nhận pháp.
- [19] Pāli: paññāya naṃ ativijjha passati, do tuệ mà thấy pháp ấy một cách tinh mật.
-ooOoo-
No 196. KINH CHÂU NA [1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Bạt Kỳ, thôn Xá Di [2] .
Bấy giờ sa di Châu Na [3] , kiết hạ ở Ba Hòa [4] . Tại xứ Ba Hòa có một
Ni Kiền tên là Thân Tử [5] . Nơi đây, vị ấy qua
đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni Kiền thân tử chia rẻ và
phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh
đấu, kiện tụng cột trói nhau, thù nghịch
nhau, tranh luận với nhau rằng: "Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi
biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói từ tốn, còn ngươi không từ tốn. Ta
nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Ðiều đáng
nói trước, ngươi nói sau, điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta nói là
tối thắng, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời
được. Ta đã chế phục, ngươi còn hỏi nữa.
Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại”.
Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai
cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào
để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại
gia, đệ tử của Ni Kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nãn và lãng xa
các đệ tử của Ni Kiền Thân Tử này. Vì
sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là
ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn
đến chánh giác, cũng không phải là lời
dạy của đấng Thiện thệ. Nó là sự băng
hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc
thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, bậc Vô sở trước, Ðẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ Sa di Châu Na đã qua ba
tháng an cư mùa mưa, sửa vá lại y áo, rồi mang y cất bát
đến thôn Xá Di, rồi qua phía bắc thôn Xá Di,
đến rừng Thi Nhiếp Hòa. Sa di Châu Na
đến chỗ Ngài A Nan. Sau khi đến nơi,
đảnh lễ sát chân Ngài A Nan, rồi ngồi qua một bên.
Tôn giả A Nan hỏi: [6]
Này Hiền giả Châu Na! Từ đâu đến đây và
an cư mùa mưa ở đâu?
Sa di Châu Na đáp:
Bạch Tôn giả A Nan! con từ Ba Hòa đến, và
an cư mùa mưa ở Ba Hòa. Bạch Tôn giả! Tại Ba Hòa có một ni Kiền tên là Thân
Tử. Nơi đây, Thân Tử mới qua đời chưa bao lâu
thì đệ tử của Ni Kiền Thân Tử đã
chia rẽ và phá hoại, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau, thù nghịch
nhau, họ đấu tranh kiện tụng, cột trói nhau,
tranh luận với nhau rằng: "Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi
biết pháp sao bằng chỗ ta biết. Ta nói từ tốn, còn ngươi không từ tốn. Ta
nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Ðiều đáng
nói trước, ngươi nói sau. Ðiều đáng nói
sau, ngươi nói trước. Ta nói là tối thắng, còn ngươi không bằng. Ta
hỏi việc ngươi ngươi không thể trả lời được. Ta
đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi
động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.” Họ kiêu
mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ cho mình
nói hơn mà không có người nào để khiển trách.
Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni Kiền Thân Tử, thấy vậy, họ
đều chán nản và lãng xa, các đệ tử của
Ni Kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những
điều họ nói đây là những
điều ác pháp luật không phải là pháp
xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không
phải là lời dạy của đấng Thiện thệ. Nó là
sự băng hoại không thể đứng vững không nơi để
nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là
Như Lai, bậc Vô sở trước, Ðẳng Chánh Giác.
Tôn giả A Nan nghe xong, nói rằng: "Này Hiền giả Châu Na, nhân dịp này,
chúng ta có thể đến yết kiến đức Phật, đem sự
việc này trình bày lên Ngài. Này Hiền giả Châu Na, bây giờ chúng ta
cùng đi đến đức Phật, đem tất cả sự việc này
trình lên cho đức Thế Tôn. Thảng hoặc, chúng ta
có thể nhân đó mà được nghe pháp khác
nữa từ đức Thế Tôn.
Rồi Tôn giả A Nan và sa di Châu Na cùng nhau
đến chỗ đức Phật, chắp tay cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, Tôn giả A
nan đứng qua một bên và Châu Na ngồi
xuống một bên. Tôn giả A nan bạch với đức Thế
Tôn:
Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay sa di Châu
Na đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ sát chân rồi
ngồi qua một bên. Con hỏi: này Hiền giả Châu Na, từ nơi nào
đến đây và an cư mùa mưa ở
đâu? Sa di Châu Na liền trả lời với con
rằng: "Thưa Tôn giả A Nan, con từ Ba Hòa đến,
an cư mùa mưa ở Ba Hòa. Bạch Tôn giả A nan! Tại Ba Hòa có một Ni Kiền
tên là Thân Tử. Nơi đây, Thân Tử mới qua đời
không bao lâu thì các đệ tử của Ni Kiền
Thân Tử đã chia rẽ và phá hoại nhau; họ
đấu tranh, kiện tụng, cột trói lẫn nhau, thù nghịch nhau, tranh luận
với nhau rằng: "Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng
chỗ ta biết Ta nói từ tốn, còn ngươi không từ tốn. Ta nói phù hợp, còn ngươi
không phù hợp. Ðiều đáng nói trước, ngươi nói
sau, điều đáng nói sau ngươi nói trước. Ta nói là tối thắng, còn
ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời
được. Ta đã chế phục, ngươi còn hỏi nữa.
Nếu ngươi động thủ ta sẽ cột trói ngươi.” Họ kiêu
mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình
nói hơn mà không có người nào để khiển trách.
Nếu có những người bạch y tại gia, đêï
tử của Ni Kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán
nản và lãng xa các đệ tử của Ni Kiền
Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những
điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu,
không dẫn đến chánh giác, không phải là
lời dạy của đấng Thiện thệ. Nó là sự băng
hoại không thể đứng vững, không nơi để nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì
bậc thầy của họ tôn sùng không phải là Như Lai, bậc Vô sở trước, Ðẳng Chánh
Giác.
Bạch Thế Tôn! Con nghe rồi kinh sợ hãi hùng, toàn thân lông tóc dựng
đứng. Mong sau khi Thế Tôn khuất bóng, đừng có
một vị Tỳ kheo nào ở trong chúng mà gây ra sự
đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy, không giúp
gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi
và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc, cho
đến loài trời và loài người cũng phải
chịu đau khổ và tại hoạn. Bạch Thế Tôn!
khi con thấy một vị Tỳ kheo ngồi trước đức Thế
Tôn chí tâm kính trọng đức Thế Tôn, khéo bảo vệ đấng Thiện thệ. Bạch Thế Tôn!
Con thấy như vậy rồi liền nghĩ: "Nếu sau này khi Thế Tôn khuất bóng mà vị Tỳ
kheo ấy trong chúng gây sự đấu tranh, thì
đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà
chỉ gây đau khổ cho mọi người, nó không phải là
sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho
đến loài trời, loài người cũng phải chịu
đau khổ và tai hoạn.
Bấy giờ đức Thế Tôn hỏi: "Thầy thấy
những điều nào khiến chúng tăng
có sự đấu tranh, sự đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây
khổ cho mọi người. Không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự
an ổn và khoái lạc cho đến loài trời,
loài người cũng phải chịu đau khổ và tai
hoạn?
Tôn giả A Nan thưa rằng: "Bạch Thế Tôn! Ðó là do tăng
thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng quán [7] mà phát sanh sự
đấu tranh ở trong chúng. Bạch Thế Tôn, sự đấu
tranh ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây
đau khổ cho mọi người. Nó không phải là
sự thiện lợi, không phải là sự hữu ích. Không phải là sự an ổn, khoái lạc
cho đến loài trời, loài người cũng phải
chịu tai hoạn, đau khổ.
Ðức Thế Tôn nói:
Này A nan! Nếu đấu tranh do bởi giới tăng
thượng, tâm tăng thượng, quán tăng thượng thì sự
đấu tranh ấy quá nhỏ nhặt. Này A nan!
Nếu có sự đấu tranh trong chúng tăng do đạo và
đạo tích [8] thì sự
đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà
chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không
phải là sự an ổn khoái lạc. Này A Nan! Khi thầy thấy ở trong
đấy có hai vị Tỳ kheo vì mỗi người có
mỗi ý kiến khác nhau mà gây ra cuộc đấu tranh mà
nói rằng: "Ðiều này là pháp, điều này là
phi pháp. Ðiều này là luật, điều này
không phải luật. Ðiều này là phạm, điều này
không phải là phạm. Ðiều này là nhẹ, điều này
là nặng. Có thể sám hối, không thể sám hối. Có thể thủ hộ, không thể thủ hộ.
Hữu dư, vô dư, thối, bất thối. Này A Nan! Ý thầy nghĩ sao? Ðối với pháp tu
của Ta được tự giác, tự thân chứng ngộ, gồm bốn
niệm xứ, bốn như ý túc, năm căn, năm lục, bảy giác chi, tám chi thánh đạo?
Này A Nan! Nếu Ni Kiền Thân Tử, biết tất cả, thấy tất cả thì vị ấy
đã vì đệ tử
mà giảng giải sáu gốc rễ của đấu tranh
[10] đều đáng được nghe, nhưng lại thôi.
Bấy giờ Tôn giả A Nan chắp tay hướng về đức
Phật bạch rằng:
Bạch Thế Tôn! Nay thật là đúng lúc. Bạch
Thiện thệ! Nay thật hợp thời, nếu Thế Tôn dạy về sáu gốc rễ của sự
đấu tranh cho các Tỳ kheo. Các Tỳ kheo sau khi
nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.
Ðức Thế Tôn bảo:
Này A Nan, hãy nghe kỹ; hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt
đầy đủ. Tôn giả A Nan bạch rằng:
Kính vâng, xin vâng lời lắng nghe.
Ðức Phật dạy:
Này A Nan! Ở đây có một người bị kiết sử
phẫn và hận quấn chặt[11] . Này A Nan! Người ấy bị kiết sử phẫn và
hận quấn chặt cho nên không cung kính tôn sư, không thấy
được pháp, không giữ gìn giới luật.
Người ấy đã không cung kính tôn sư,
không thấy được pháp, không giữ gìn giới
luật, ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như
vậy. Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi
người, không phải sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc,
cho đến trời người phải chịu đau khô và
tai hoạn. Này A Nan! Nếu thầy thấy sự đấu tranh
như vậy ở bên trong hay bên ngoài mà không dứt hết
được. Vậy, để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, thầy
phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm,
chánh trí, kiên nhẫn, đừng để thối thất. Này
A Nan! Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt
cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện
để chửa cháy đầu, chửa cháy áo . Cũng vậy, nếu
thầy thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài mà không
dứt hết được. Vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy,
thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh
niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất. Này
A nan! Sự đấu tranh cũng như vậy, nếu thầy thấy
được suốt trong và ngoài, thầy phải thủ hộ cái tâm
đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì
để ngăn chận sự đấu tranh ấy vậy. [12]
Cũng giống như vậy với các kiết sử phú tàng [13] , bỏn xẻn, tật
đố, dua nịnh, dối trá, vô tàm, vô quý,
ác dục, tà kiến, và ác tánh không biết phục thiện. [14]
Này A Nan! Nếu một người nào có ác dục, tà kiến, ác tánh, không biết phục
thiện thì người ấy không tâm cung kính tôn sư, không thấy
được pháp, không giữ gìn giới luật, rồi
ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như vậy.
Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người.
Không phải là thiện lợi, không phải là hữu ích, không phải là an ổn khoái
lạc, cho đến trời người cũng phải chịu đau khổ
và tai hoạn. Này A Nan! Nếu thầy thấy sự
đấu tranh như vậy ở bên trong hay ở bên ngoài, mà không biết suốt hết
được. Vậy để ngăn chận sự đấu tranh ấy, thầy
phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện học tập tinh cần, chánh niệm
chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất. Này
A nan! Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt
cháy áo thì phải cấp tốc tìm cầu phương tiện
để chửa cháy đầu, cháy áo. Cũng vậy, nếu thầy
thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài mà không biết
suốt hết được, vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy,
thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh
niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất. Này
A Nan! Nếu sự đấu tranh như vậy mà thầy
thấy suốt hết trong và ngoài, thầy phải hết sức thủ hộ cái tâm ấy hơn nữa,
luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chận sự
đấu tranh ấy vậy. Thầy phải đoạn trừ gốc rễ của sự đấu tranh ấy.
Lại nữa, này A nan! Có bảy phương pháp diệt trừ
đấu tranh [15] . Bảy phương pháp
đó là: Một là ưng dữ diện tiền chỉ tránh
luật, hai là ưng dữ ức chỉ tránh luật. Ba là ưng dữ bất si dữ tránh luật,
bốn là ưng dữ phát lồ chỉ tránh luật, năm là
ưng dữ quân chỉ tranh luật, sáu là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật, bảy
là ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tranh luật.
Này A Nan! Thế nào là ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật? Làm thế nào
để đoạn trừ sự đấu tranh này? tức là
luật chấm dứt đấu tranh bằng sự hiện diện. Này
A Nan! Hoặc một người đối với một người, mà
khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp
luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Một người đối với hai người, một
người đối với nhiều người, một người đối với chúng tăng mà khuyến
giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật
như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Hai người đối với hai người mà
khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp
luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Hai người đối với nhiều người,
hai người đối với chúng tăng, hai người đối với một người mà khuyến
giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật
như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Nhiều người đối với nhiều người mà
khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp
luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Nhiều người đối với chúng tăng,
nhiều người đối với một người, nhiều người đối với hai người mà
khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp
luật như Tôn sư đã chỉ giáo với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Chúng tăng đối với một người,
chúng tăng đối với hai người, chúng tăng đối với nhiều người mà
khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp
luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. [17] Này A Nan! Như vậy
gọi là Ưng dữ hiện tiền chỉ tránh luật. Sự đấu
tranh ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự hiện
diện.
Này A Nan! Thế nào là Ưng dữ ức chỉ tránh luật? làm thế nào
để đọan trừ sự tranh đấu này? Tức là do
chấm dứt đấu tranh bằng nhớ lại. Này A
Nan! Nếu có một người nào phạm giới mà không nhớ lại giới mình
đã phạm. Các thầy Tỳ kheo thấy vậy, nói
với vị ấy rằng:
Thầy đã phạm giới mà không nhớ lại
giới mình đã phạm. Thầy hãy
đến trong chúng mà xin luật ức niệm. Tăng
chúng sẽ ban cho hiền giả luật ức niệm. Này A nan! nếu ở một nơi nào
có tăng chúng hòa hiệp mà nhóm họp vị Tỳ
kheo kia phải đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào
trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc
trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, chắp tay quỳ mọp mà bạch với các
trưởng lão thượng tôn rằng: Bạch chư tôn, mong các ngài nghe cho, con
đã từng phạm giới mà không nhớ, hay con
từ nơi chúng tăng cầu xin luật ức niệm. Mong
tăng chúng hòa hợp ban cho con luật ức niệm.
Này A nan! Tăng chúng hòa hợp lại
để ban cho vị Tỳ kheo này luật ức niệm,
bằng pháp và luật như tôn sa đã chỉ dạy,
với sự hiện diện khiến cho được hoan hỷ.
[19] . Này A Nan! Như vậy gọi là ưng dữ ức chỉ tránh luật. Sự
đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức do
luật chấm dứt đấu tranh bằng cách nhớ lại.
Này A Nan! Thế nào là ưng dữ bất si chỉ tránh luật? [20] Làm thế nào
để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức là luật
chấm dứt đấu tranh bằng sự không si cuồng. Này
A nan! nếu có một người do phát cuồng mà tâm điên
đảo, nên có quá nhiều bất tịnh hạnh,
không phải là pháp của sa môn, không tùy thuận theo pháp hạnh mà nói vi
phạm. Người ấy sau khi trở lại tâm trạng như trước, gặp các Tỳ kheo và
được bảo rằng: "Thầy
đã phát cuồng và tâm
điên đảo,
do phát cuồng và tâm điên
đảo nên có quá nhiều bất tịnh hạnh,
không phải pháp của sa môn, không tùy thuận theo pháp hạnh mà nói vi phạm.
Này Hiền giả! Nếu Hiền giả sau khi trở lại tâm trạng như trước, hiền giả có
thể đến nơi chúng tăng mà cầu xin luật
bất si. Chúng tăng sẽ ban cho hiền giả luật bất
si. Này A Nan , nếu một nơi nào đó tăng
chúng đang hòa hợp và nhóm hội, vị Tỳ kheo ấy nên
đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong
tăng chúng, cúi đầu lễ sát dưới chân các bậc
trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo chắp tay quì mọp, mà bạch với các
trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo rằng: "bạch chư tôn, xin nghe cho, con
đã từng phát cuồng và tâm
điên đảo.
Do con đã phát cuồng và tâm điên
đảo nên có quá nhiều bất tịnh hạnh không
phải là pháp của sa môn, không tùy thuận theo pháp hạnh mà còn nói vi phạm.
Về sau con trở lại tâm trạng như trước. Nay con từ nơi chúng tăng
xin cầu luật bất si. Mong chúng tăng hòa hợp ban cho con luật bất si.
Này A Nan, chúng tăng cùng hòa hợp và
nhóm hội, ban cho vị Tỳ kheo ấy luật bất si, bằng pháp và luật như tôn sư
đã chỉ giáo, với sự hiện diện, khiến
được hoan hỷ. Này A Nan,
đó gọi là ưng dữ bất si chỉ tránh luật.
Sự đấu tranh ấy được đoạn trừ như vậy, tức do
luật chấm dứt đấu tranh bằng sự không si cuồng.
Này A Nan! Thế nào là ưng dữ tự phát lồ chỉ tranh luật [21]? Sự
đấu tranh làm thế nào
để chấm dứt? Tức do luật chấm dứt
đấu tranh bằng sự tự thú nhận. Này A
Nan, nếu có một người phạm giới, hoặc nói ra hay không nói ra, hoặc có nhớ
hay không nhớ. Này A Nan , nếu tại nơi nào đó
có chúng tăng đang hòa hợp và nhóm hội. Vị Tỳ kheo kia nên
đến đó, trịch vai áo, bỏ giốc, vào trong
chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc trưởng
lão thượng tôn Tỳ kheo, chắp tay quì mọp mà bạch rằng: "Bạch chư tôn,
xin nghe cho, con phạm giới đó, con nay hướng
về các bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, chí tâm phát lồ, tự mình
nói và trưng bày rõ, không dám che dấu, từ nay về sau sẽ khéo léo hộ trì
không tái phạm. Này A nan , chúng Tỳ kheo nên hỏi vị ấy rằng: "Này Hiền giả,
có tự thấy điều mình phạm không?" Vị Tỳ
kheo ấy đáp: "Con thật sự có thấy
điều con phạm”. Ðại chúng cũng nên nói
với vị ấy rằng: "Hiền giả nên cẩn thận giữ gìn
đừng tái phạm”. [22] Này A Nan! Ðó là ưng dữ tự phát lồ chỉ tránh
luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như
vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự từ thú nhận.
Này A Nan! Thế nào là Ưng dữ quân chỉ tranh luật? [23] Làm sao
để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức do luật
chấm dứt đấu tranh bằng chín đương nhơn. Này
A Nan! Nếu có người không biết xấu hổ, không hối hận những tội bị thấy, bị
nghe và bị người khác nghi ngờ là ác dục. người ấy
đã phạm giới rồi nói là mình biết ở một
nơi, mình thấy ở một nơi. Sau khi nói mình biết ở một nơi này, lại nói mình
thấy ở một nơi. Sau khi nói mình thấy ở một nơi, lại nói mình biết ở một
nơi. Ở trong tăng chúng mà nói là mình
biết ở một nơi, ở trong tăng chúng mà
nói là mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi, rồi lại nói mình thấy ở
một nơi. Nói mình thấy ở một nơi rồi lại nói mình biết ở một nơi. Này A Nan!
Vì vị Tỳ kheo ấy, tăng chúng hòa hiệp và
nhóm họp mà ban luật Dương nhơn [24] mà nói rằng: "Nhà ngươi không
đạo lý, nhà ngươi ác bất thiện. Vì sao?
Vì ngươi đã phạm giới rồi lại nói mình
biết ở một nơi, mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi, rồi lại nói
mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi, rồi lại nói mình biết ở một
nơi. Ở trong chúng mà nói mình biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói mình
thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi rồi lại nói mình biết ở một nơi. Này
A Nan! Như vậy gọi là Ưng dữ quân chỉ tránh luật. Sự
đấu tranh ấy phải được đoạn trừ bằng sự như
vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng chính dương nhơn.
Này A Nan! Thế nào là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật [25]? Làm thế
nào để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? tức là
do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự diển tiến. Này
A Nan! Ở đây, giữa hai vị Tỳ kheo vì một
số ý kiến mà gây ra sự đấu tranh như vầy:
"Ðây là pháp, đây phi pháp. Ðây là luật,
đây không phải là luật;
đây là phạm,
đây không phải là phạm;
đây là nhẹ,
đây là nặng; điều này nên nói,
điều này không nên nói;
điều này
đáng thủ hộ, điều này không đáng thủ hộ;
điều này còn dư, điều này không
còn dư; điều này có thể sám hối,
điều này không thể sám hối. Này A Nan!
Vị Tỳ kheo kia ngay tại chỗ đang cải vã
ấy mà chấm dứt đấu tranh. Nếu ngay tại chỗ cải
vã mà chấm dứt đấu tranh, thì sự
đấu tranh này
được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay tại
chỗ cải vã mà không chấm dứt, có thể đưa sự đấu
tranh ra bạch với chúng tăng. Nếu ở trong chúng tăng mà chấm dứt, thì
sự đấu tranh ấy được tuyên bố là chấm
dứt. Nếu trong chúng tăng không chấm dứt, thì
này A Nan! Ở trong đó, gần đó có Tỳ kheo giỏi
kinh, giỏi luật, giỏi luận [26] , các Tỳ kheo kia cùng
đến vị này thưa việc
đấu tranh ấy. Nếu ngay trên
đường đi mà chấm dứt, thì sự
đấu tranh được tuyên bố là chấm dứt. Nếu
ngay trên đường đi mà không chấm dứt,
lại hãy đem sự đấu tranh ấy nói trước chúng
tăng. Nếu ở trước chúng tăng mà chấm dứt, sự
đấu tranh ấy được tuyên bố là chấm dứt.
Nếu ở tại chúng tắng mà không chấm dứt thì này A Nan, nếu nhiều trò bạn giỏi
kinh, giỏi luật, giỏi luận, thì các vị này phải chấm dứt sự
đấu tranh ấy bằng pháp và luật như tôn
sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến
được hoan hỷ. Này A Nan, như vậy gọi là
ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật. Sự đấu
tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức là do luật chấm dứt
đấu tranh bằng sự triển chuyển.
Này A Nan! Thế nào gọi là Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật[27]? Làm
sao để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? tức là
luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách. Này
A Nan! Nếu các vị Tỳ kheo ở chung một chổ tranh chấp, kiện tụng nhau, thù
nghịch nhau, oán ghét nhau. Này A Nan! Do đó
các Tỳ kheo kia chia ra hai nhóm. Sau khi chia ra hai nhóm rồi, trong một
nhóm có bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, hay dưới trưởng lão một
bậc; hoặc có người làm tông chủ hay nhỏ hơn tông chủ một bậc. Này A Nan! Vị
Tỳ kheo này nói với các vị Tỳ kheo kia rằng: "Này chư hiền, xin nghe cho,
chúng ta không có đạo lý, chúng ta là
người ác bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối
với pháp và luật được khéo giảng dạy mà
chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình, để
học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp kiện tụng nhau, thù nghịch nhau,
oán ghét nhau, cải vã nhau. Này chư hiền do sự tranh chấp này mà chúng ta
đã phạm giới, ngoại trừ tội Thâu lan giá
[28] và ngoại trừ tội tương ưng với hàng tại gia. Tôi vì chính mình và cũng
vì chư hiền nữa, nên hướng đến chư hiền phát
lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che dấu, lại cẩn thận giữ
gìn sau không tái phạm nữa.
Này A Nan! nếu ở trong nhóm này mà không có vị Tỳ kheo nào ứng theo, thì
này A Nan! Tỳ kheo ấy nên đi đến nhóm thứ hai.
Ðến nơi rồi, cúi đầu đảnh lễ các bậc
thượng tôn trưởng lão Tỳ kheo chắp tay quì mọp mà thưa rằng: "Thưa
chư tôn, xin nghe cho, chúng ta không có đạo
lý, chúng ta là người ác bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta
đối với pháp và luật
được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ
gia đình, sống không gia
đình để học
đạo, nhưng chúng ta tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán
ghét nhau, cải vã nhau. Này chư hiền, do sự tranh
đấu này mà chúng ta
đã phạm giới, ngoại trừ tội Thâu lan
giá, và ngoại trừ tội tương đường với hàng
tại gia. Tôi vì chính mình và cũng vì chính chư hiền nữa, nên hướng
đến chư hiền chí tâm phát lồ, tự nói mà
trình bày rõ ràng, không dám che giấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái
phạm nữa.
Này A Nan! các Tỳ kheo kia nên nói với vị Tỳ kheo này như vầy: "Này hiền
giả! Thầy tự thấy mình phạm giới chăng?
Vị Tỳ kheo này đáp:
Quả thật tôi tự thấy mình đã phạm
giới.
Tỳ kheo kia nên nói:
Vậy hãy cẩn thận giữ gìn, đừng để tái phạm."
Nhóm thứ hai cũng làm như vậy. Này A Nan, như vậy gọi là Ưng dữ như khí
phấn tảo chỉ tránh luật. Này A Nan! Sự đấu
tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh như
quăng bỏ dẻ rách.
Này A Nan! Nay ta nói cho thầy sáu pháp ủy lao [29] , hãy lắng nghe kỹ,
hãy khéo suy nghĩ kỹ. Tôn giả A Nan bạch rằng: Kính vâng, con xin vâng lời
lắng nghe. Ðức Phật dạy:
Thế nào là sáu: Thần nghiệp từ hòa hướng đến
các vị đồng phạm hạnh [30] , pháp ấy gọi là pháp ủy lao. Ðó là pháp
khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho
phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận,
được là sa môn,
được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc
Niết Bàn.
Khẩu nghiệp nói năng từ hòa, ý nghiệp
từ hòa, có lợi lộc nào đúng pháp mà
được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình
bát của mình, với phần lợi như vậy, mang chia xẻ cho các vị
đồng phạm hạnh [32] , pháp
đó gọi là pháp ủy lao, là pháp khả ái,
pháp khả lạc, khiến cho ái niệm khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự,
khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận,
được là sa môn,
được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc
Niết Bàn.
Nếu có giới nào không bị sứt mẽ, không bị hư thủng, không bị dơ, không bị
đen, vững vàng như mặt
đất [33]
được thánh khen ngợi, đầy đủ cẩn thận, thọ trì. Với giới phần như
vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh
[34] , pháp đó là pháp ủy lao, là
pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến
cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận,
được là sa môn,
được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc
Niết Bàn.
Nếu có kiến giải của thánh có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu
triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ, với kiến
phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị
đồng phạm hạnh, [35] , pháp đó là
pháp ủy lao là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho
tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến
cho hòa thuận, được là sa môn,
được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc
Niết Bàn.
Này A Nan! Ta vừa nói sáu pháp ủy lạo, vì vậy mà ta giảng giải. Này A
Nan! Nếu các thầy đối với sáu gốc rễ của đấu
tranh mà đoạn tuyệt hoàn toàn, và
với bảy pháp chấm dứt đấu tranh, khi trong tăng
chúng khởi lên đấu tranh, thì
chấm dứt bằng luật chấm dứt đấu tranh như quăng
bỏ dẻ rách, rồi lại thực hành sáu pháp ủy lạo ấy, thì này A Nan! Như
vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng
đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng
đồng nhất trong một tâm, cùng
đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp
như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Ta còn tại thế.
Ðức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A Nan và chư Tỳ kheo sau khi nghe Phật
dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[1] Tương đương Pali: M.103.
Sàmagàma sutta.
[2] Bạt Kỳ, Xá di thôn: Địa danh này
khó đồng nhất với Pali: Sakkesu
[...] Sàmagame, là một ngôi làng của giòng họ Sakya.
[3] Sa di Châu Na: Cunda samuddesa.
Được đồng với Maha Cunnda em ruột
ngài Saributta và đắc quả A na hàm trong
lúc làm sa di. [xem PP.11.877-8] .
[4] Ba Hòa: Pàvà , một thị trấn của bộ tộc Malla.
Đoạn đường cuối cùng của Phật,
đi từ Pàvà
đến Kusinàrà và ngài dừng chân
để nghỉ 25 lần trên
đoạn đường ấy.
[5] Ni Kiền Thân Tử: Nigantha-Nàta-punta. Một trong lục sư
ngoại đạo.
[6] Ngài A Nan là bổn sư của Châu Na.
[7] Bản Pali: do ajihàjìva và do adhipatimokkha:Tăng
thượng hoặc mạn và tăng thượng giới bổn.
[Bản Việt: III.tr.244-245] , cả hai đều
chỉ liên hệ đến giới luật. Bản Hán nói
do cả giới định tuệ.
[8] Đạo và
đạo tích: Pali: Magga và Pàtipàda.
Con đường dẫn đến chứng ngộ và sự tụ tập
con đường ấy.
[9] Tát vân nhã: phiên âm trong Pali: Sabbannu.
[10] Lục tranh bốn:
[11] Sân não kết triền: Phẩn hận và thù nghịch.
[12] Trong bản hán có một đoạn lặp lại, từ
chỗ: "Ví như có người bị lửa cháy đầu”,
cho đến đây.
[13] Bất ngũ kết:
[14] Ac tánh bất khả chế: thuật ngữ thường nói là: "Ác tánh bất
thọ nhơn ngữ ! Tánh ương ngạnh không chịu nghe lời.
Đoạn này tóm tắt, liệt kê các cập kiết
sử làm nguyên nhân cho đấu tranh, có thể xếp
loại theo thuật ngữ thông dụng: Phẩn-hận, phú, não, tật, xan, cuồng,
siểm, vô tàn vô quý, ác dục, tà kiến, xem thêm
đối chiếu kinh 98 trên. Xem giải thích Tập Dị 15 [DTK.1536,
tr.431a-b]
[15] Thất chỉ tránh: Thuật ngữ luật tạng thường nói là: Thất
diệt tránh pháp: Pali: Satta adhikarapa samathà.
[16] Ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật: nói là Hiện tiền Tỳ ni:
Nếu phán quyết về một tội trạng của một Tỳ kheo, hoặc trục xuất hoặc nói các
biện pháp chế tài, phải có sự hiện diện của Tỳ kheo ở
đó, ở đây, Phật cũng giảng giải về các cách
phán quyết hiện diện đó. Pali: Sammukkhàvinaya dàtabba .
[17] Các trường hợp áp dụng luật hiện tiền: Có trường hợp chỉ cần một
người chỉ trích một người, có trường hợp phải do số
đông. Luật tạng còn phân biệt chi tiết,
phải đủ ba yếu tố hiện tiền, phán quyết nói có
giá trị: Pháp hiện tiền: dẫn chứng các lời Phật dạy. Luật
hiện tiền: nêu rõ điều luật bị phạt và
nhơn hiện tiền: phải có sự hiện diện của
đương sự. Nếu trường hợp cần đại tăng, phải thêm hai yếu tố.
Đó là Tăng
hiện tiền, và giới hiện tiền, tức giới hạn của phòng hợp
với sự hạn chế được luật quy định [Xem
luật Tứ Phần, 17. DTK.1428, tr.915c-7c] .
[18] Ưng dữ ức chỉ tránh luật: cũng thường nói là ức niệm Tỳ ni.
[19] Tỳ kheo Đáp bà ma la bị các vị
khác nghi ngờ phạm trọng tội, nên nhiều lần bị cật vấn, và do
đó rất khổ tâm về vụ này. Nhân
đó Phật thiết lập luật ức niệm tỳ ni, để vị ấy
đến trước tăng chúng nói rằng mình không nhớ, và khi chúng tăng
đã phán quyết theo luật ức niệm tỳ ni, không ai
được coi vị ấy là người
đã phạm tội [Luật tứ Phần, dd, tr, 914a]
.
[20] Bất si chỉ tránh luật: cũng thường nói là bất si tỳ ni.
[21] Ưng dữ tự phát lồ chỉ tránh luật: Cũng nói là Tự ngôn trì
Tỳ nại da: Thông thường hơn: Tự ngôn trị diệt tránh:
[22] Vào ngày Bố tát, Tôn giả A Nan thỉnh Phật
đến trước chúng tăng thuyết giới. Phật từ chối,
Ngài nói không thuyết giới kiết ma trước một
đại chúng không thanh tịnh. Tôn giả Mục Kiền Liên
nhân đó quán sát chúng tăng, biết được một Tỳ
kheo phạm giới, bèn đến nắm tay kéo ra
khỏi giới trường. Phật liền trách Mục Kiền Liên, và thiết lập
điều luật này: Trước khi phán quyết một
Tỳ kheo phạm giới, phải làm cho vị ấy nhận tội
đã. [dd, tr.915a]
[23] Ưng dữ quân chỉ tránh: cũng nói: cầu bỉ tự tánh tỳ nại da:
hay thông thường hơn: mích tội tướng.
[24] Quân luật: luật áp dụng cho chính Ngài. Vì vị này khi bị hỏi
tội, cứ nói loanh quanh, nên tăng chúng phải
chỉ định ngay tội danh: Chính Ngài đã
phạm tội.
[25] Ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật: cũng nói là Thủ
đa nhơn tỳ nại da: hay
Đa mích tội tướng:
[26] Trì mẫu: hay nói là Trì ma di: [Luật Tứ Phần 17,
DTK.1428, tr.918b] .
[27] Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật: cũng nói: Như thảo
phú địa Tỳ nại da:
[28] Thâu lan thác: thường nói là Thâu lan giá: các tội nhẹ
hơn Ba la di [tội trục xuất] và tăng già
bà thi sa [tội biệt chúng] một bậc.
[29] Lạc ủy lạo pháp: sáu pháp này thường
được biết là sáu pháp hòa kỉnh hay lục
hòa. Tập dị 15 [DTK.1536, tr.431b] , gọi là sáu pháp khả hỷ.
[30] Từ thân nghiệp: Đây là
thân hòa đồng trú .
[31] Từ khẩu nghiệp, từ ý nghiệp: thường nói: Khẩu hòa vô tránh và
ý hòa đồng duyệt.
[32] Lợi hòa đồng quân.
[33] Như địa bất tùy tha.
[34] Giới hòa, kiến hòa.
[35] Kiến hòa đồng giải.
-ooOoo-
197. KINH ƯU-BA-LY[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Chiêm-ba, trú tại bờ ao Hằng-già [02]
Bấy giờ vào một buổi chiều Tôn giả Ưu-ba-ly [03], từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi sang một bên, thưa:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng nhau hòa hợp mà tác biệt kiết ma, thuyết biệt kiết ma [04] ; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật diện tiền [05],
nhưng lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm lại ban cho
luật diện tiền. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật
chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật ức niệm lại ban cho luật bất si, cần ban cho luật bất
si, lại ban cho luật ức niệm, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma
đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật bất si, lại ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật
tự phát lồ lại ban cho luật bất si, đó có phải là kiết ma đúng Pháp,
kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật tự phát lồ, lại ban cho luật quân, cần ban cho luật
quân, lại ban cho luật tự phát lồ, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết
ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho quân luật nhưng lại ha trách [06]; cần ha trách nhưng lại cho quân luật; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết-ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần khiển trách lại hạ trí [07], cần hạ trí lại khiển trách, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần hạ trí lại dùng cử tội [08], cần cử tội lại dùng hạ trí, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần cử tội lại diệt tẫn [09], cần diệt tẫn lại cử tội; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần diệt tẫn lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm lại diệt
tẫn; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho ức niệm, lại do căn bản trị; cần phải do căn bản trị lại ban
cho ức niệm; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần phải do căn bản trị, lại khu xuất, cần khu xuất lại do căn bản trị.
Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trường hợp cần khu xuất lại hành bất mạn [10], cần hành bất mạn lại khu xuất; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần phải hành bất mạn mà lại trị [11], cần đến trị lại hành bất mạn. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?
Thế Tôn đáp:
“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp mà tác biệt kiết ma
thuyết biệt kiết ma, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng
Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tăng cùng hòa hợp, trong trường hợp cần
ban cho luật diện tiền lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức
niệm lại ban cho luật diện tiền, đó không phải là kiết ma đúng Pháp,
kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp trong trường hợp
cần ban cho luật ức niệm lại ban cho luật bất si, cần ban cho luật bất
si, lại ban cho luật ức niệm. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết
ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật bất si, lại ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật
tự phát lồ lại ban cho luật bất si. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp,
kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật tự phát lồ lại ban cho luật quân, cần ban cho luật quân
lại ban cho luật tự phát lồ. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết
ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật quân, lại khiển trách, cần khiển trách lại ban cho luật
quân. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng
cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ha trách lại hạ trí, cần hạ trí lại ha trách. Đó không phải là kiết
ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần hạ trí, nhưng lại dùng cử tội, cần cử tội lại hạ trí. Đó không phải
là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần cử tội lại diệt tẫn, cần diệt tẫn lại cử tội. Đó không phải là kiết
ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần diệt tẫn, nhưng lại dùng ức niệm, cần ban cho ức niệm lại diệt tẫn,
đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng
có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần ban cho luật ức niệm, nhưng lại do căn bản trị, cần ban do căn bản
trị, lại ban cho luật ức niệm. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết
ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.
“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp
cần do căn bản trị, nhưng lại khu xuất, cần khu xuất lại do căn bản trị,
đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng
có tội.
“Này Ưu-ba-ly, ông nên học tùy theo loại kiết ma nào mà thuyết
kiết ma đó. Cần ban cho luật diện tiền liền ban cho luật diện tiền, cần
ban cho luật ức niệm liền ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật bất si
liền ban cho luật bất si, cần ban cho luật tự phát lồ, liền ban cho luật
tự phát lồ, cần ban cho luật quân liền ban cho luật quân, cần khiển
trách liền khiển trách, cần hạ trí liền hạ trí, cần cử tội liền cử tội,
cần diệt tẫn liền diệt tẫn, cần dùng căn bản trị liền dùng căn bản trị,
cần khu xuất liền khu xuất, cần hành bất mạn liền hành bất mạn, cần trị
liền trị.
“Này Ưu-ba-ly, thầy nên học như vậy.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ưu ba ly, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Pāli, tham chiếu Luật tạng, Mv. 9. 6. 1-8. Hán, tham chiếu, luật các bộ phái, Luật bộ, Đại 22-23.
- [02]
Xem cht.2, Kinh 37.
- [03] Ưu-ba-ly 優 波 離. Pāli: Upāli.
- [04] Nguyên bản Hán: tác dị nghiệp thuyết dị nghiệp 作 異 業 說 異 業.
- [05]
Xem kinh 196 trên.
- [06] Trong bản, trách số 責 數, cũng nói là ha trách, tức khiển trách hay cảnh cáo.
- [07] Hạ trí 下 置, có lẽ Luật Tứ Phần nói là y chỉ, bắt phục tùng giám hộ.
- [08] Hán: cử 舉, hay cử tội, thủ tục buộc tội Tỳ-kheo trước Đại chúng.
- [09] Hán: tẫn 擯 hay diệt tẫn, trục xuất khỏi Tăng.
- [10] Hành bất mạn 行 不 慢, Tứ Phần: hành Ma-na-đỏa, hay hành pháp ý hỷ, trong sám Tăng-già-bà-thi-sa.
- [11] Trị 治, Tứ Phần: a-phù-ha-na, phép xuất tội Tăng-già-bà-thi-sa.
-ooOoo-
198. KINH ĐIỀU NGỰ ĐỊA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở tại Trúc lâm, trong vườn Ca-lan-đà.
Bấy giờ Sa-di A-di-na-hòa-đề
[02], cũng ở tại thành Vương xá, tại một cốc thiền, trong khu rừng vắng. Lúc bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na [03], sau giờ trưa, thong dong đi đến Sa-di A-di-na-hòa-đề, cùng chào hỏi xong, ngồi xuống một bên hỏi rằng:
“Hiền giả A-kì-xá-na [04], tôi có điều muốn hỏi, mong Hiền giả nghe cho chăng?”
Sa-di A-di-na-hòa-đề nói:
“Hiền Vương đồng tử, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe rõ rồi sẽ suy nghĩ.”
Vương đồng tử hỏi:
“Hiền giả A-kì-xá-na, phải chăng thật sự Tỳ-kheo ở trong Pháp
Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm chăng?”
Sa-di đáp:
“Hiền Vương đồng tử, thật sự như vậy, Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt được nhất tâm.”
Vương đồng tử lại hỏi:
“Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả theo những điều đã nghe, đã
tụng tập, nói lại hết cho tôi rõ, như Tỳ-kheo trong Pháp Luật này không
phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất tâm.”
Sa-di đáp:
“Hiền Vương đồng tử, tôi không đủ sức để theo những điều đã nghe,
đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này
không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Hiền Vương tử,
nếu tôi theo những điều đã nghe, đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử,
như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ
đạt đến nhất tâm. Hoặc Hiền giả Vương tử không thể hiểu được. Như vậy
thì tôi nhọc công vô ích.”
Vương đồng tử nói với Sa di:
“Hiền giả A-kì-xá-na, Hiền giả chưa bị người khác chiết phục, vì ý
gì mà đã tự mình rút lui? Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả cứ theo
những điều đã nghe, đã tụng tập, có thể nói lại hết cho tôi, như Tỳ-kheo
ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất
tâm, nếu tôi hiểu được thì hay lắm, nhưng nếu tôi không hiểu sẽ không
hỏi thêm về các pháp nữa.”
Rồi thì Sa-di A-di-na-hòa-đề theo những pháp đã nghe, đã tụng
tập, nói lại cho Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na, như Tỳ-kheo ở trong Pháp
Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Bấy
giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na nói:
“Hiền giả A-kì-xá-na, nếu Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không
phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm; không bao giờ có
trường hợp này.”
Nói xong, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, không nói lời từ giã mà bỏ
đi. Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na đi chưa bao lâu, rồi Sa-di
A-di-na-hòa-đề đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ và ngồi sang một bên, đem
những điều đã thảo luận với Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na kể hết lại cho
Đức Phật. Đức Thế Tôn nghe xong, nói với Sa-di:
“A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương
đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục
vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt
cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [05]
vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị
ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp
này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường
sống trong dục vọng vậy.
“A-kì-xá-na, cũng như trong bốn trường hợp điều ngự
[06]; điều ngự voi, điều ngự ngựa, điều ngự bò, điều ngự người.
Trong đó có hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự, và hai trường hợp
điều ngự không thể điều ngự
[07] A-kì-xá-na, ý ngươi nghĩ sao? Nếu trong hai trường hợp điều
ngự không thể điều ngự ấy; ở đây chưa điều phục tình trạng chưa điều
phục, chưa được huấn luyện mà tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này
không thể có [08].
Nếu trong hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự này, khéo điều ngự; ở
đây điều phục tình trạng chưa điều phục, huấn luyện để tiếp nhận sự
huấn luyện, trường hợp này có thể có [09]
“Cũng vậy, ở đây, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết
được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái
nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái,
đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [10]
vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà
Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này.
Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống
trong dục vọng vậy.
“A-kì-xá-na, cũng như cách xóm không xa có một hòn núi đá lớn,
không sứt, không thủng, không trống, bền chặt, không lung lay, hợp thành
khối duy nhất. Giả sử có hai người đang muốn nhìn ngắm, trong đó có một
người leo nhanh lên núi, người thứ hai đứng dưới chân núi. Người đứng
trên núi đá nhìn thấy bên kia núi đá có khoảng đất bằng phẳng, vườn
tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn. Người trên núi
sau khi thấy, bèn hỏi người dưới núi rằng, ‘Bạn có thấy bên kia núi có
khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, ao hoa, suối trong, sông
dài, nước lớn chăng?’ Người dưới núi đáp, ‘Nếu tôi thấy hòn núi này, với
bên kia có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao
hoa, sông dài, nước lớn, trường hợp này không thể có.’ Rồi người trên
núi
leo nhanh xuống, nắm người dưới núi dẫn lên trên hòn núi đá. Đến nơi
rồi hỏi, ‘Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược,
cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn chăng?’ Người kia đáp,
‘Bây giờ tôi mới thấy.’ Lại hỏi người kia, ‘Vừa rồi bạn nói rằng không
thể có trường hợp này, nay lại nói là thấy có; thế nghĩa là sao?’ Người
kia đáp, ‘Vừa rồi tôi bị hòn núi che khuất nên không thấy.’
“Cũng vậy, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi
Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt,
bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự
đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [11]
vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà
Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này.
Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống
trong dục vọng vậy.
“Này A-kì-xá-na, thuở xưa, vua Sát-lợi Đảnh Sanh có một người thợ
săn voi. Vua nói, ‘Này thợ săn voi. Hãy bắt voi rừng về đây cho ta. Nếu
bắt được rồi hãy báo cho ta hay.’ Bấy giờ thợ săn voi sau khi lãnh mạng
của vua, bèn cỡi vương tượng đi đến một khu rừng già. Ở trong khu rừng
già này, người thợ săn trông thấy một con voi rừng rất lớn. Sau khi
thấy, bèn bắt và cột vào cổ con vương tượng. Lúc bấy giờ con vương tượng
dẫn voi rừng ra ngoài khoảng đất trống, còn người thợ săn voi thì đi
đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa rằng, ‘Tâu thiên vương, thần đã bắt được
con voi rừng, cột ở khoảng đất trống, xin theo ý thiên vương!” Vua
Sát-lợi Đảnh Sanh nghe tâu, liền bảo rằng, ‘Này nài voi giỏi, bây giờ
ngươi hãy huấn luyện nhanh chóng con voi rừng đó khiến nó khuất phục,
khiến nó thành con voi được huấn luyện kỹ. Nếu huấn luyện đã hoàn
hảo rồi, hãy trở về báo cho ta biết.’ Rồi người huấn luyện voi giỏi sau
khi vâng mạng vua, vác cây gậy rất lớn trên vai hữu, đi đến chỗ con voi
rừng. Người ấy cắm cây gậy xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý
vui thích núi rừng của nó, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ
mệt nhọc núi rừng, khiến cho nó vui thích thôn ấp, tập yêu người đời.
“Người huấn luyện voi giỏi trước hết cho nó ăn uống. Này
A-kì-xá-na, khi voi rừng bắt đầu nghe theo thợ huấn luyện voi giỏi mà
chịu ăn uống, người huấn luyện voi giỏi bèn nghĩ rằng, ‘Bây giờ con voi
rừng này có thể sống được rồi. Vì sao vậy? Vì con voi rừng to lớn này
bắt đầu chịu ăn uống.’ Khi voi rừng bắt đầu chịu ăn uống, nghe lời người
huấn luyện, người huấn luyện voi nói với nó bằng những lời dịu dàng khả
ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, đuổi
ra. Khi người luyện voi nói với voi rừng bằng những lời dịu dàng khả ái,
bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy bỏ, co lại duỗi ra, và
voi rừng làm y theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Này
A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo lời dạy của người huấn luyện voi, bấy
giờ
người huấn luyện voi mới buộc hai chân trước, hai chân sau, hai bàn
thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai, ngà, và buộc cả
vòi nó lại, rồi sai người cầm móc câu cỡi lên đầu nó; khiến một số đông
người cầm dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, đứng phía trước, còn
người huấn luyện voi thì tay cầm một cây mâu nhọn đứng ngay trước voi mà
nói rằng, ‘Bây giờ ta trị ngươi, khiến ngươi không di động. Ta trị
ngươi chớ có di động.’ Khi voi rừng nghe người huấn luyện voi sửa trị
không di động, nó không giở chân trước, cũng không động đậy chân sau,
hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai ngà và vòi,
tất cả thảy đều không động đậy. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi
đứng im bất động như vậy.
“Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo người huấn luyện voi mà
không di động, lúc bấy giờ nó nhẫn chịu những dao, sảo, mâu, kích, búa,
việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, hoặc thổi tù và, đánh trống, động
chuông, nó có thể nhẫn chịu tất cả. Khi voi rừng đã có thể kham nhẫn,
bấy giờ nó là con voi điều ngự, khéo điều ngự, thượng điều ngự, tối
thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể vào
cho vua cỡi, ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng.
“Cũng vậy, A-kì-xá-na, nếu khi Như Lai xuất hiện thế gian, là Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu, vị ấy đối với thế gian này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm
chí, từ người đến trời, mà tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an
trụ. Vị ấy thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu, phần cuối
cũøng vi diệu, có nghĩa có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh;
pháp được vị ấy nói, khi con nhà cư sĩ nghe được, và sau khi nghe thì có
tín tâm nơi pháp được Như Lai nói. Người này sau khi có tín tâm, bèn
cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia
đình, để học đạo. Này A-kì-xá-na, đó là lúc Thánh đệ tử ra nơi
khoảng đất trống, cũng như vương tượng dẫn voi rừng ra. Và cũng như
voi rừng còn tham luyến ái dục, ái dục nơi đời sống trong rừng núi. Này
A-kì-xá-na, cũng vậy, chư Thiên và Nhân loại tham luyến dục lạc ở nơi
ngũ dục, sắc, thanh, hương, vị, xúc, Như Lai bắt đầu điều ngự Tỳ-kheo ấy
rằng, ‘Ngươi hãy thủ hộ thân và mạng thanh tịnh. Hãy thủ hộ miệng ý và
mạng thanh tịnh.
“Khi Thánh đệ tử thủ hộ thân và mạng thanh tịnh, thủ hộ miệng, ý
và mạng thanh tịnh. Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy
quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp.’ Khi Thánh
đệ tử quán nội thân như thân, quán thọ, tâm, pháp như pháp, thì bốn
niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ tử, buộc trói tâm của vị ấy
lại, chế ngự tâm ý vui say theo thế tục, trừ khử tâm niệm ham muốn thế
tục, dứt trừ sự mệt nhọc thế tục, khiến cho vui với Chánh pháp, tu tập
Thánh giới. Này A-kì-xá-na, cũng như người huấn luyện voi, sau khi vâng
mạng vua Sát-lợi Đảnh Sanh rồi, vác cây gậy rất lớn rồi trên vai phải đi
đến chỗ voi rừng, cắm cây xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý
vui thích núi rừng, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ sự
mệt nhọc núi rừng, khiến vui với thôn ấp, quen yêu thích nhân gian;
cũng vậy, này A-kì-xá-na,, bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ
tử, buộc trói tâm người ấy lại, chế ngự tâm ta vui say thế tục, dứt bỏ
sự mệt nhọc thế tục, khiến vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới.
“Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán, thọ, tâm,
pháp như pháp, Như Lai điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán nội
thân như thân, đừng suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến
quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng với
phi pháp.’ Và đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai vậy. Này A-kì-xá-na,
cũng như voi rừng nghe theo người huấn luyện voi, bằng những lời dịu
dàng khả ái, bảo nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại,
duỗi ra. Voi rừng tuân theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy.
Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, không
suy niệm tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như
pháp, không suy niệm tư niệm tương ưng với phi pháp. Thánh đệ tử vâng
theo
lời dạy của Như Lai như vậy.
“Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy, Như Lai
lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy ly dục, ly pháp ác bất thiện,
cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền thành tựu và an trụ. Như vậy Thánh đệ tử
vâng theo lời dạy của Như Lai, an trụ không di động.’ Này A-kì-xá-na,
cũng như voi rừng vâng theo sự sửa trị của người huấn luyện voi không di
động, không giở hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn
hông, đùi xương sống, đầu, tai, ngà và vòi, tất cả đều không di động.
Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im không di động như vậy.
Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện,
cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ, như vậy Thánh đệ tử
vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động. Khi Thánh đệ tử
vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy
giờ có thể kham nhẫn đói, khát, nóng lạnh, muỗi, chí, rận, gió, nắng
bức bách, tiếng dữ, gậy đánh cũng đều có thể kham nhẫn. Thân gặp những
bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc,
tất cả đều có thể kham nhẫn. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo
người huấn luyện voi đứng im không di động, nó lúc bấy giờ nhẫn chịu
được dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào
thét, thổi tù và, đánh trống, động chuông thảy đều có thể kham nhẫn.
Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai
mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát,
lạnh, nóng, muỗi, chí, rận, gió, nắng, bức bách, tiếng dữ, gậy đánh,
cũng có thể kham nhẫn, thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như
tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, thảy đều có thể kham nhẫn. Này
A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà có thể kham
nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ là vị điều ngự, thiện điều ngự, được thượng
điều ngự, tối thượng điều ngự, được thượng tịch tịnh, tối thượng tịch
tịnh. Vị ấy trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh
lắng đọng trần lao, không cấu nhiễm không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng
thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng được cúng dường, là
ruộng phước cho tất cả chư Thiên và Nhân loại. Này A-kì-xá-na, cũng như
voi rừng đã có thể kham nhẫn. Lúc bấy giờ nó là voi điều ngự, thiện điều
ngự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối
thượng nhanh nhẹn, có thể xung vào cho vua cỡi, được ăn lẫm của vua,
được gọi là vương tượng. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng
theo Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ được gọi là điều
ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng
tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh, trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và
siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng các trần lao, không cấu nhiễm, không ô
uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng
đáng cúng dường, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.
“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ, không được điều ngự, mà
chết, thì đó gọi là cái chết không được điều ngự. Con voi rừng trung
niên, không được điều ngự mà chết, thì gọi là cái chết không được điều
ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu không được điều mà mạng
chung, thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự. Thánh đệ tử trung
niên không được điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung không
được điều ngự.
“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ được thiện điều ngự mà chết
thì đó gọi là cái chết thiện điều ngự. Con voi rừng trung niên, được
thiện điều ngự mà chết, thì đó gọi là cái chết được thiện điều ngự. Này
A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu được thiện điều ngự mà mạng chung, đó
gọi là mạng chung thiện điều ngự. Thánh đệ tử trung niêm được thiện
điều ngự mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung thiện điều ngự.”
Phật thuyết như vậy, Sa-di A-di-na-hòa-đề và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M.125. Dantabhūmi-suttaṃ.
- [02]Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na 王 童 子 耆 婆 先 那. Pāli: Jayasena-Rājakūmāra.
- [04]
A-kì-xá-na 阿 奇 舍 那; Pāli: Aggivassana: có thể tên của một bộ tộc chớ không phải biệt danh của Tôn giả.
- [05] Bản Hán: địa, địa vị hay tình trạng; ý nghĩa sẽ thấy sau.
- [06]
Điều ngự 調 御; Pāli: damma, được huấn luyện. Bản Pāli chỉ kể có ba:
hatthidamma, huấn luyện voi, assadamma, huấn luyện ngựa, godamma, huấn
luyện bò.
- [07] Trong bản Pāli, có hai con vật cần huấn luyện nhưng chưa được huấn luyện, và hai con vật cần huấn luyện đã được huấn luyện.
- [08]
Đoạn này văn Hán hơi tối. Tham chiếu Pāli: api nu te adantāva
dantakāraṇaṃ gaccheyyuṃ, adantāva dantabhūmiṃ sampāpuṇeyyuṃ, seyyathāpi
te dve... sudantā suvinītā’ti? “Những con chưa được huấn luyện này có
thể làm công việc của con vật đã được huấn luyện, có thể đạt đến địa vị
của con vật đã được huấn luyện, như hai con... đã được huấn luyện kỹ, đã
được khéo khuất phục kia?”
- [09] Bản Hán hình như hiểu rằng có hai trường hợp có khả năng huấn luyện, và hai trường hợp tuyệt đối không khả năng.
- [10] Bản Hán: địa, địa vị hay tình trạng; ý nghĩa sẽ thấy sau.
- [11]
Xem cht.10 trên.
-ooOoo-
199. KINH SI TUỆ ĐỊA
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nay Ta sẽ nói cho các thầy nghe về pháp ngu si và pháp trí tuệ. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ.
Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Đức Phật dạy:
Thế nào là pháp ngu si? Người ngu si có ba: Sự tướng, tiêu thức
ngu si và ấn tượng ngu si. Tức là người thành tựu sự ngu si thì nói là
ngu si.
Những gì là ba? Người ngu si suy tư bằng tư niệm ác, nói bằng lời
nói ác, và làm việc làm ác. Do đó, người ngu si được gọi là ngu si. Nếu
người ngu si không suy nghĩ ý nghĩ ác, không nói lời nói ác, và không
làm việc ác, như vậy thì làm sao người ngu si được nói là ngu si? Vì
người ngu si suy nghĩ ý nghĩ ác, nói lời nói ác và làm việc làm ác, cho
nên người ngu si được nói là ngu si.
Người ngu si kia ngay trong đời hiện tại, thân tâm phải cảm thọ
ba điều sầu khổ. Thế nào là thân tâm người ngu si phải cảm thọ ba điều
sầu khổ? Người ngu si có những hành vi nào, hoặc ngồi nơi tụ hội, hoặc
nơi đường cái, đường hẻm, hoặc nơi chợ quán, hoặc đầu ngã tư đường, nói
những việc thích hợp với người ngu si. Người ngu si mà làm việc sát
sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối cho đến tà kiến, và thành tựu vô lượng
pháp ác bất thiện khác, và đã thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện khác
rồi, khi người khác thấy được bằng nói sự ác của nó, kẻ ngu si kia nghe
rồi tự nghĩ: ”Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện, khi người ta
thấy được bằng nói sự ác của nó. Ta cũng có vô lượng pháp ác bất thiện.
Nếu có kẻ khác biết được, cũng nói điều ác của ta.” Đây là điều sầu
khổ thứ nhất mà thân tâm của người ngu si lãnh thọ ngay trong đời
hiện tại.
Lại nữa, người ngu si thấy người của vua bắt trói kẻ có tội, trị
bằng các thứ hình phạt đau đớn như: chặt tay, chặt chân, chặt cả tay
chân, xẻo tai, xẻo mũi, xẻo cả tai mũi, hoặc cắt từng miếng thịt, nhổ
tóc bứt râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc nhốt trong cũi, trùm trong áo rồi
đốt, hoặc lấy cát lấp, quấn cỏ rồi châm lửa, hoặc bỏ vào miệng heo sắt,
hoặc bỏ vào bụng lừa sắt, hoặc bỏ vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ
trong chảo đồng, hoặc đặt trong chảo sắt rồi nấu, hoặc chặt ra từng
khúc, hoặc lấy mũi nhọn đâm, hoặc dùng móc câu móc, hoặc đặt trên giường
sắt, lấy dầu sôi nhểu xuống, hoặc ngồi trên cối sắt rồi dùng chày sắt
giã, hoặc cho độc long mổ, hoặc lấy roi đánh, hoặc dùng gậy phang, hoặc
lấy hèo đập, hoặc xỏ lưỡi bêu đầu, hoặc đem chém bêu đầu. Người ngu si
kia thấy rồi tự suy nghĩ: “Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất
thiện nếu biết được ta cũng có vô lượng pháp ác bất thiện, nếu vua biết
được, ta cũng bị khảo trị như vậy.” Đây là điều sầu khổ thứ hai mà thân
của kẻ ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.
Lại nữa, người ngu si kia thân hành ác hạnh, khẩu, ý hành ác
hạnh, khi nó bệnh tật mà chịu đau đớn, hoặc ngồi nằm trên giường, hoặc
ngồi nằm trên ván, hoặc ngồi nằm trên đất, thân tâm cực kỳ đau khổ, nhẫn
đến mạng sống gần dứt. Bấy giờ những thân ác hạnh, khẩu, ý ác hạnh của
nó treo ngược từ trên cao, như lúc xế chiều mặt trời lặng xuống núi cao,
dốc ngược trên mặt đất. Cũng vậy, những thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh
của nó bây giờ đang treo ngược từ trên cao. Người kia tự nghĩ: ”Đó là
những thân ác hạnh, khẩu, ý ác hạnh của ta đang đổ ngược từ trên cao. Ta
xưa kia làm ác nhiều, không tạo phước, nếu có nơi nào cho những người
làm ác, hung bạo, làm việc phi lý, không làm lành, không tạo phước,
không tìm nơi quy mạng, nương tựa cho sự sợ hãi, ta đến chỗ ác đó.” Rồi
do đó mà sanh hối hận, mà chết không nhẹ nhàng, mạng chung chẳng an
lành. Đây là điều sầu khổ thứ ba mà thân tâm của người ngu si lãnh thọ
ngay trong đời hiện tại.
Lại nữa, người ngu si kia, thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý
hành ác hạnh. Và sau khi thân hành ác hạnh, khẩu, ý hành ác hạnh, do
nhân duyên đó, thân hoại mạng chung chắc đến đường ác, sanh vào địa
ngục. Đã sanh vào đó, nó lãnh thọ khổ báo, hoàn toàn không khả ái, không
khả lạc, không khả ý, khả niệm, thì cái đó là địa ngục. Vì sao? Vì
trong địa ngục kia hoàn toàn không khả ái, không khả lạc, không khả ý
khả niệm vậy.
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, sự khổ trong địa ngục như thế nào?”
Thế Tôn đáp:
“Này Tỳ-kheo, địa ngục không thể nói hết được. Nghĩa là nói về sự
khổ trong địa ngục. Này Tỳ-kheo, vì địa ngục chỉ có sự khổ mà thôi.”
Tỳ-kheo lại hỏi:
“Đức Thế Tôn có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa ấy chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Cũng có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa về sự khổ ấy. Này
Tỳ-kheo, ví như người của nhà vua bắt kẻ giặc đem về chỗ vua Sát-lợi
Đảnh Sanh tâu: ‘Tâu Thiên vương, kẻ giặc này có tội xin Thiên vương trị
nó.’ Vua Sát-lợi Đảnh Sanh bảo: ‘Các ngươi hãy đem nó đi trị tội. Buổi
sáng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm’. Người của vua lãnh lệnh bèn
đem đi trị tội. Buổi sáng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm. Nhưng
người kia vẫn còn sống. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi: ‘Người kia thế nào?’
Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, người kia còn sống.’ Vua Sát-lợi
Đảnh Sanh lại bảo: ‘Buổi trưa các ngươi cũng dùng một trăm cây giáo nhọn
mà đâm.’ Người của vua thừa lệnh, buổi giữa trưa dùng một trăm cây giáo
nhọn mà đâm. Người kia vẫn còn sống. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi:
‘Người kia
thế nào?’. Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, kẻ kia còn sống’.
Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại bảo: ‘Buổi chiều các ngươi cũng hãy dùng một
trăm cây giáo nhọn mà đâm.’ Người của vua thừa lệnh, buổi chiều lại dùng
một trăm cây đáo nhọn mà đâm. Kẻ kia vẫn còn sống, nhưng thân thể đã bị
đâm thủng, rách nát hoàn toàn, không còn một chỗ nguyên vẹn, dầu nhỏ
như lỗ đồng tiền. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi: ‘Người kia thế nào?’
Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, người kia còn sống, nhưng thân thể
bị đâm thủng, rách nát hoàn toàn không còn một chỗ nguyên vẹn, dù nhỏ
như lỗ đồng tiền.’
“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Nếu người kia một ngày bị ba trăm
mũi giáo nhọn đâm, nó nhân đó, thân tâm có chịu ưu phiền, sầu khổ cực kỳ
không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị một mũi giáo nhọn đâm còn chịu cực khổ, huống
nữa một ngày chịu ba trăm mũi giáo nhọn đâm. Thân tâm người kia há không
chịu sự cực kỳ sầu khổ, ưu não?”
Bấy giờ Thế Tôn tay cầm viên đá nhỏ như hạt đậu hỏi Tỳ-kheo:
“Ngươi thấy tay Ta cầm viên đá nhỏ như hạt đậu chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, con thấy.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Viên đá Ta cầm nhỏ bằng hạt đậu này sánh với núi Tuyết sơn vương, cái nào lớn hơn?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, viên đá cầm trong tay nhỏ bằng hạt đậu, đem sánh
với Tuyết sơn vương, thì nhỏ thua gấp trăm, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn
vạn lần, trọn chẳng sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể
thí dụ, không thể so được. Chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, cực lớn.”
Thế Tôn bảo:
“Này Tỳ-kheo, nếu viên đá Ta cầm trong tay nhỏ bằng hạt đậu, đem
sánh với Tuyết sơn vương nhỏ thua gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm
ngàn vạn lần, trọn không thể sánh kịp, không thể toán, không thể tính,
không thể ví dụ, không thể so được. Chỉ nói là núi Tuyết sơn vương rất
lớn. Cũng vậy, Tỳ-kheo, nếu người này một ngày bị ba trăm mũi giáo nhọn
đâm, do nhân duyên đó, thân tâm nó chịu ưu não sầu khổ cực trọng, mà đem
so với sự khổ trong địa ngục không bằng gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp
trăm ngàn vạn lần, trọn không thể sánh kịp, không thể toán, không thể
tính, không thể thí dụ không thể so được, chỉ nói là trong địa ngục cực
kỳ khổ sở mà thôi. Này Tỳ-kheo, thế nào là địa ngục khổ? Chúng sanh sanh
trong địa ngục, đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, tay cầm
búa sắt, trui lửa đỏ rực mà móc thân thể. Chỗ đó hình phạt tội nhân,
hoặc xây tám góc, hoặc xây sáu góc, hoặc xây vuông vức, hoặc làm hình
tròn, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc tốt, hoặc xấu. Như vậy, kẻ tội nhân bị
tra khảo thống khổ bức ngặt, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm
cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được trừ
khi tội ác bất thiện đã hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh trong địa
ngục, đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, tay cầm búa sắt trui lửa đỏ
rực mà đốt thân thể. Chỗ để hình phạt hoặc xây tám góc, hoặc xây sáu
góc, hoặc vuông vức, hoặc hình tròn, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc tốt, hoặc
xấu. Như thế, tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt, trải qua nhiều
năm cho đến trăm nghìn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ,
nhưng không thể chết được, trừ khi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi
là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh trong địa
ngục, khi sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi lấy cọc sắt đốt cháy đỏ
rực, cưỡng ép ngồi lên, rồi lấy kềm sắt kẹp mở miệng tội nhân, lấy hòn
sắt lửa cháy hừng hực, bỏ vào miệng kẻ tội, làm cháy môi cháy lưỡi, cháy
răng, cháy cổ, cháy tim, cháy bao tử, rồi chạy xuống dưới thân mà ra.
Như vậy tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt trải qua nhiều năm, cho
đến trăm ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ nhưng không
thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa
ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? chúng sanh sanh vào địa
ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi lấy cọc sắt trui
cháy đỏ rực, cưỡng ép ngồi lên, bèn lấy kềm sắt, kẹp mở miệng tội nhân,
rồi lấy nước đồng sôi rót vào miệng tội nhân làm cháy môi, cháy lưỡi,
cháy cổ, cháy răng, cháy tim, cháy bao tử, rồi chảy xuống dưới thân ra
ngoài. Như vậy tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt trải qua nhiều
năm, cho đến trăm ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ,
nhưng không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi
là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa
ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi với đất bằng sắt đốt
lửa đỏ rực, khiến nằm ngửa lên, trói năm chi thể lại, lấy đinh sắt đóng
xuống hai tay và hai chân, dùng một cái đinh riêng đóng ở bụng tội
nhân. Như vậy tội nhân bị khảo trị đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều
năm cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ đau khổ,
nhưng tội nhân không thể chết được trừ phi tội ác và nghiệp bất thiện
của họ chấm dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa
ngục khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, với mặt đất bằng sắt, đốt
cháy đỏ rực, bắt tội nhân nằm sát đất, kéo lưỡi ra, dùng trăm đinh căng
thẳng, không nhăn, không dùn. Cũng như vậy, chúng sanh sanh vào địa
ngục, khi đã sanh vào đó rồi, bị ngục tốt nắm lấy, với mặt đất bằng sắt
đốt cháy đỏ rực, khiến tội nhân nằm xuống đất, từ miệng kéo lưỡi ra,
dùng trăm đinh đóng, căng thẳng không nhăn không dùn. Như vậy, kẻ kia bị
khảo trị đau khổ đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn
năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng nhưng họ không
thể chết được trừ phi tội ác và bất thiện của họ tiêu diệt. Như thế gọi
là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào gọi là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào
địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, bị ngục tốt nắm lấy, lột da từ đầu đến
chân, rồi lột ngược từ chân lên đầu, dùng xe sắt đốt lửa đỏ rực, buộc
tội nhân vào, ở trên mặt đất bằng sắt, châm lửa cháy khắp, rồi bắt tội
nhân kéo qua kéo lại trên đó. Như vậy kẻ kia bị tra khảo đau đớn đến
cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô
lượng khổ, những khổ cực trọng, nhưng họ không thể chết được, trừ phi
tội ác và bất thiện tiêu hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa
ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, với lửa đốt cháy hừng
hực, rải khắp trên đất, lại bảo tội nhân lấy tay bốc lửa vải lên thân
mình. Như vậy kẻ kia bị khảo trị đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều
năm, cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những thống
khổ cực trọng, nhưng họ không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện
tiêu hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa
ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, bằng cái chảo lớn, đốt
lửa cháy đỏ, xách ngược thân tội nhân, chân lên trời đầu xuống đất rồi
quăng vào trong chảo. Tội nhân ở trong chảo sôi sùng sục, thân nổi lên
chìm xuống, hoặc trôi dạt bốn bên, tự thân chảy ra bọt trở lại nấu lấy
thân, cũng như các thứ đậu lớn, đậu nhỏ, đậu uẩn, đậu đắng, hạt cải, bỏ
chung trong chảo đó đổ đầy nước, chụm lửa cháy dữ, các hạt đậu trong
chảo hoặc nổi lên chìm xuống, hoặc trôi dạt bốn bên, đậu tự ra bọt rồi
lại nấu lấy. Cũng vậy, chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó
rồi, ngục tốt nắm lấy, dùng chảo bằng sắt lớn, đốt lửa cháy đỏ, dựng
ngược thân tội nhân, chân quay lên trên, đầu quay xuống đất rồi ném vào
trong chảo có nước đang sôi sùng sục, thân nổi lên chìm xuống, hoặc
trôi giạt bốn bên, từ thân sanh ra bọt trở lại nấu lấy thân. Kẻ kia như
vậy bị khảo trị thống khổ đau đớn cùng tột, trải qua nhiều năm cho đến
ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng. Nhưng tội nhân
không thể chết được trừ phi tội ác bất thiện của họ tiêu trừ hết. Như
vậy gọi là khổ địa ngục.
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Trong địa ngục kia có
ngục tên là Lục xúc. Nếu chúng sanh sanh vào trong đó, sau khi đã sanh
vào, hoặc sắp được thấy bởi mắt không khả hỷ, không phải khả hỷ khả ý. Ý
không nhuần lạc, không phải nhuần lạc, ý không thiện lạc, không phải
thiện lạc. Hoặc tiếng được nghe bởi tai, được ngửi bởi mũi, vị được nếm
bởi lưỡi, xúc chạm nơi thân và pháp được biết bởi ý, không khả hỷ, không
khả ý, không phải khả hỷ khả ý, ý không nhuần lạc, không phải nhuần
lạc, ý không thiện lạc, không phải thiện lạc. Như vậy gọi là khổ địa
ngục.
“Này các Tỳ-kheo! Ta đã dùng vô lượng phương tiện nói cho các
ngươi về địa ngục, về sự việc ở địa ngục, song sự khổ địa ngục không thể
nói hết được. Chỉ nói là địa ngục duy trì chỉ có khổ mà thôi.
“Này các Tỳ-kheo! Có lúc người ngu si kia ra khỏi địa ngục, sanh làm súc sanh, thì súc sanh đó cũng rất khổ.
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh
vào loài súc sanh, tức loài sống trong tăm tối, lớn lên trong tăm tối và
chết đi trong tăm tối. Nó là loài gì? Là loài trùng sống trong đất.
Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị. Nó hành động với thân ác
hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và ý
ác hạnh rồi. Do nhân duyên đó, đến lúc thân hoại mạng chung, sanh vào
loài súc sanh, tức là loài sống trong tối tăm, lớn lên trong tối tăm và
chết đi trong tối tăm. Như vậy gọi là khổ súc sanh.
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh
trong loài súc sanh, tức sống trong thân, lớn lên trong thân và chết
trong thân. Nó là loài gì? Là loài vi trùng ghẻ chóc. Người ngu si ấy vì
lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác
hạnh. Nó sau khi hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh rồi, do
nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung sanh vào loài súc sanh, tức nó
sống trong thân, lớn lên trong thân, và rồi chết trong thân. Như vậy gọi
là khổ súc sanh.
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh
trong loài súc sanh mà sanh ra trong nước, lớn lên trong nước và chết đi
trong nước. Nó là loài gì? Đó là loài cá kình, rùa, cá sấu, bà lưu ly
đẻ trứng, già la. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành
động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Nó sau khi hành động với thân
ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng
chung, sanh trong loài súc sanh tức sống trong nước lớn lên trong nước
và rồi chết đi trong nước. Như vậy gọi là súc sanh khổ.
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh
trong súc sanh, loài có răng để cắn, sống ăn cỏ, cây lá. Chúng là loài
gì? Đó là voi, lạc đà, bò, nai, lừa, trâu và chó. Người ngu si ấy vì lúc
xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh.
Đó sau khi đã hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh do nhân
duyên đó, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào loài súc sanh loài có
răng để cắn, sống ăn cỏ cây lá. Như vậy gọi là súc sanh khổ.
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh
vào trong súc sanh, là loài súc sanh khi nghe mùi đại tiểu tiện của
người ta, liền chạy đến chỗ đó, ăn loại đồ ăn đó. Cũng như trai, gái
nghe được mùi ẩm thực liền chạy đến và nói rằng: ‘Đây là đồ ăn, đây là
đồ ăn.’ Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu chúng sanh sanh trong súc sanh,
tức là loài súc sanh khi nghe mùi người ta đại tiểu tiện ra, liền chạy
đến nơi đó, ăn loại đồ ăn đó. Chúng là những loại gì? Đó là gà, heo,
chó, chó sói, quạ, câu-lâu-la, câu-lăng-già. Người ngu si ấy, vì lúc xưa
tham trước thực vị. Nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh,
do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, sanh trong súc sanh, tức là
loài ăn phân ô uế. Như vậy gọi là súc sanh khổ.
“Này các Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô lượng phương tiện để nói cho các
ngươi về súc sanh, nói sự việc của súc sanh. Song nỗi khổ của súc sanh
không làm sao nói hết được. Chỉ nói là súc sanh duy chỉ có khổ mà thôi.
“Này các Tỳ-kheo, nếu như người ngu si kia ra khỏi đường súc
sanh, trở lại sanh lên làm người là việc cực kỳ khó khăn. Vì sao? Vì kẻ
kia trong loài súc sanh không làm nhân nghĩa, không theo phép tắc lễ
nghi, không làm việc lành, súc sanh lại ăn nuốt lẫn nhau. Con mạnh ăn
con yếu, con lớn nuốt con bé. Này Tỳ-kheo, như đây này tràn đầy những
nước. Có một con rùa đui, sống lâu vô lượng trăm ngàn năm. Trên mặt nước
kia có miếng ván nhỏ, chỉ có một lỗ duy nhất bị gió thổi trôi. Này các
Tỳ-kheo, các ông nghĩ sao? Con rùa đui kia, đầu nó có thể chui vào cái
lỗ duy nhất của miếng gỗ nhẹ nhỏ kia chăng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, có thể chui được, nhưng thật lâu, thật lâu và rất khó.
Thế Tôn bảo:
“Này các Tỳ-kheo, hoặc con rùa đui kia trải qua một trăm năm, rồi
nó từ phía Đông đến, ngóc đầu lên một lần. Miếng ván nhỏ kia chỉ có một
lỗ lại bị gió thổi từ phương Đông dời qua phương Nam. Hoặc lúc con rùa
đui qua một trăm năm từ phương Nam đến, ngóc đầu lên một lần, thì miếng
ván một lỗ kia, lại bị gió thổi từ phương Nam dời đến phương Tây. Hoặc
có lúc con rùa đui đợi một trăm năm qua từ phương Tây đến, ngóc đầu lên
một lần, thì miếng ván có một lỗ kia, lại bị gió từ phương Tây thổi dời
đến phương Bắc. Hoặc lúc con rùa đui kia từ phương Bắc đến, ngóc đầu lên
một lần nữa, thì miếng ván có một lỗ kia lại bị gió thổi từ phương Bắc
dời tới các phương khác. Này các Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Con rùa đui
kia có chui vào được lỗ ván ấy chăng?
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, con rùa cũng có thể chui vào được lỗ ván ấy. Nhưng thật lâu, thật lâu và khó lắm.”
“Này Tỳ-kheo, cũng vậy, người ngu si kia, từ súc sanh ra mà trở
lại làm người thì cũng khó lắm. Vì sao? Kẻ kia ở trong súc sanh, không
làm việc nhân nghĩa, không theo phép tắc lễ nghi, không làm việc tốt
lành, loài súc sanh đó lại ăn nuốt lẫn nhau, con mạnh ăn con yếu, con
lớn nuốt con nhỏ.
“Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu si kia có khi ra khỏi súc sanh,
sanh lên làm người, hoặc sanh nhằm nhà thuộc giai cấp hạ tiện, xấu xí,
bần cùng, ăn uống thiếu thốn, kiếm thức ăn rất khó. Họ là hạng người
nào? Đó là nhà ngục tốt, nhà làm thợ, nhà thủ công, nhà làm đồ gốm, và
các nhà hạ tiện khác, đại loại như vậy. Xấu xí, bần cùng, ăn uống thiếu
thốn, kiếm ăn rất khó. Họ sanh nhằm những nhà như vậy. Khi sanh vào đó
rồi, hoặc đui, hoặc què, hoặc khuỷu tay ngắn, hoặc gù, hoặc chỉ dùng tay
trái, da xấu, mặt dê, xấu xí đoản mạng, bị người khác sai sử. Nó hành
động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Nó sau khi hành động với thân
ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh, do nhân duyên đó, sau khi thân hoại mạng
chung trở lại chỗ ác sanh vào địa ngục. Cũng như hai người cùng đánh
bạc, một trong hai người đó, canh bạc đầu nó mất tôi tớ, và mất cả
vợ con. Sau đó lại đến thân mình bị treo ngược trong nhà khói. Người đó
tự nghĩ: ‘Ta không ăn không uống, song canh bạc đầu ta mất tôi tớ, mất
cả vợ con. Canh bạc cuối, thân ta bị treo ngược trong nhà khói.’ Này các
Tỳ-kheo, canh bạc ấy thua rất ít, chỉ mất tôi tớ, mất vợ con, và sau đó
thân bị treo ngược trong nhà khói. Này Tỳ-kheo, canh bạc này mới đáng
kể ‘Đó là thân hành động ác, khẩu và ý hành động ác.’ Sau khi hành động
với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh, do nhân duyên đó, khi thân hoại
mạng chung, trở lại chỗ ác, sanh trong địa ngục.
“Này các Tỳ-kheo, đối với việc làm này, thật không thể vui, thật không thể thích, chẳng phải chỗ nghĩ đến.
“Này các Tỳ-kheo, được nói như vậy, há không đầy đủ chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thật sự như vậy, đã nói hết các pháp ngu si kia.
Đức Thế Tôn bảo:
“Thế nào là pháp trí tuệ? Là người trí tuệ có ba: sự tướng, tiêu
thức và ấn tượng trí tuệ. Tức là người đã thành tựu trí tuệ nên nói là
trí tuệ.
“Những gì là ba? Người trí tuệ suy nghĩ với ý nghĩ thiện, nói lời
nói thiện và làm việc thiện. Vì là người trí tuệ, nên được nói là trí
tuệ vậy.
“Nếu kẻ trí chẳng nghĩ điều thiện, không nói là thiện và không
làm việc thiện, thì người trí làm sao biết được họ là trí? Vì người có
trí tuệ, nghĩ thì nghĩ thiện, nói thì nói thiện và làm thì làm thiện nên
người có trí nói là kẻ trí.
“Người có trí tuệ ngay trong đời hiện tại thân tâm cảm thọ được
ba điều hỷ lạc. Thế nào là người trí tuệ ngay trong đời hiện tại thân
tâm của họ cảm thọ ba điều hỷ lạc? Người trí tuệ có những hành vi nào,
hoặc ngồi nơi tụ lạc, hoặc tại đường cái, đường hẻm, hoặc tại chợ quán,
hoặc tại ngã tư đường, nói những việc thích hợp với người trí. Kẻ có trí
thì từ bỏ sát sanh, từ bỏ việc lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ
nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến mà được chánh kiến, thành tựu vô lượng
pháp thiện. Nếu đã thành tựu vô lượng pháp thiện, khi người khác thấy
họ, bèn khen ngợi, người trí tuệ kia, nghe hoặc tự nghĩ: ‘Nếu ai thành
tựu vô lượng pháp thiện, khi người khác thấy bèn khen ngợi, thì ta đây
cũng có vô lượng pháp thiện. Nếu có kẻ nào thấy tất sẽ khen ngợi ta.’
Đây là điều hỷ lạc thứ nhất mà người trí ngay trong đời hiện tại,
thân tâm cảm thọ được.
“Lại nữa, người trí tuệ kia thấy người của vua dùng các thứ hình
phạt để trị giặc cướp như chặt tay, chặt chân, và chặt cả tay chân, xẻo
tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả tai mũi, hoặc cắt từng miếng thịt, hoặc nhổ
tóc, bứt râu, hoặc bứt cả râu tóc, hoặc bỏ vào cũi, trùm trong áo rồi
đốt cháy, hoặc lấy cát lấp, quấn cỏ rồi châm lửa, hoặc bỏ vào trong bụng
lừa sắt, hoặc ném vào trong miệng heo sắt, hoặc đôi vào miệng cọp sắt
rồi đốt, hoặc bỏ vào chảo đồng, hoặc đôi vào chảo sắt rồi nấu, hoặc chặt
ra từng khúc, hoặc dùng giáo nhọn đâm, hoặc lấy móc câu móc, hoặc đặt
trên giường sắt rồi lấy dầu sôi nhểu, hoặc ngồi trên cối sắt dùng chày
sắt giã, hoặc cho độc long mổ, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy đánh,
hoặc lấy hèo đập, hoặc xỏ lưỡi bêu đầu, hoặc đâm chết bêu đầu. Người
trí tuệ kia thấy rồi bèn nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác
bất thiện, vua biết được bắt và khảo trị như vậy. Ta không làm vô lượng
pháp ác bất thiện, nếu vua biết ta thì ta hoàn toàn chẳng bị các loại
khổ trị như vậy.’ Đây là điều hỷ lạc thứ hai mà người trí ngay trong đời
hiện tại, thân tâm cảm thọ được.
“Lại nữa, người trí kia hành động với thân diệu hạnh, khẩu và ý
diệu hạnh. Người đó gặp lúc bệnh khổ, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc
nằm ngồi trên ván, hoặc nằm ngồi dưới đất, hoặc thân đau nhức rất khổ sở
cho đến khi mạng sống gần dứt; những hành động với thân diệu hạnh, khẩu
và ý diệu hạnh của người kia, bấy giờ các việc làm ấy treo ngược lên
cao. Ví như xế chiều, mặt trời lặng xuống, bóng núi cao đổ ngược trên
mặt đất. Cũng vậy, hành động với thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh của
người kia treo ngược từ trên cao. Người ấy tự nghĩ: ‘Đây là những hành
động với thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, tuy treo ngược từ trên
cao. Vì lúc xế trưa ta làm nhiều phước, không làm ác, nếu có nơi nào cho
những người không làm ác, không hung bạo, không làm điều phi lý, chỉ
làm phước, tạo nơi quy mạng, nương tựa cho sự sợ hãi, thì ta đến chỗ
lành đó. Do vậy, không sanh tâm hối hận, do không hối hận, nên chết nhẹ
nhàng, mạng chung an lành.’ Đây là điều hỷ lạc thứ ba mà người trí ngay
trong đời hiện tại thân tâm cảm thọ được.
“Lại nữa, người trí kia hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh.
Người ấy sau khi hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh rồi, do nhân
duyên đó, khi thân hoại mạng chung, tất đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
Kẻ kia đã sanh lên đó rồi, cảm thọ quả báo lành, hoàn toàn khả ái, hoàn
toàn khả lạc, khả ý khả niệm. Nếu ai nghĩ rằng: ‘Nơi nào hoàn toàn khả
ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm’ nơi đó được nói là thiện xứ. Vì
sao? Vì chốn lành kia, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả
niệm.”
Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, thiện xứ là thế nào?”
Thế Tôn đáp:
“Này Tỳ-kheo, thiện xứ không thể nói hết được, nghĩa là nói về sự hoan lạc nơi thiện xứ, chỉ nói rằng thiện xứ chỉ có hoan lạc.”
Tỳ-kheo lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, xin Ngài có thể dùng ví dụ để dễ hiểu nghĩa ấy chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Cũng có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa ấy. Ví dụ Chuyển luân
vương thành tựu bảy báu và bốn ý túc của loài người. Này Tỳ-kheo, ý
ngươi nghĩ sao? Chuyển luân vương kia thành tựu đầy đủ bảy báu và bốn
như ý túc của loài người thì nơi vua kia nhân đó thân tâm có lãnh thọ hỷ
lạc cùng cực chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thành tựu được một như ý túc loài người còn lãnh
thọ được hỷ lạc cùng cực, huống nữa là Chuyển luân vương thành tựu hết
bảy báu và bốn như ý túc loài người, há chẳng phải là lãnh thọ hỷ lạc
cùng cực đó sao?”
Bấy giờ Thế Tôn tay cầm viên đá nhỏ bằng hạt đậu hỏi Tỳ-kheo:
“Ngươi có thấy viên đá nhỏ bằng hạt đậu mà Ta cầm trong tay chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, có thấy.”
Thế Tôn lại hỏi:
“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Viên đá nhỏ như hạt đậu mà ta cầm đây đem so với Tuyết sơn vương cái nào lớn hơn?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, viên đá nhỏ như hạt đậu mà Thế Tôn cầm đó đem so
với Tuyết sơn vương thật quá nhỏ, nhỏ gấp trăm gấp ngàn, gấp vạn lần
không thể so sánh kịp, không thể tính toán, không thể so sánh được, chỉ
nói là Tuyết sơn vương rất lớn, quá lớn thôi.”
Thế Tôn lại bảo:
“Này Tỳ-kheo, nếu viên đá nhỏ như hạt đậu mà Ta cầm đây đem so
với Tuyết sơn vương, nó thật quá nhỏ, quá nhỏ, nhỏ gấp trăm gấp ngàn,
gấp vạn lần, trọn không thể so sánh kịp, không thể tính toán, không thể
ví dụ được, chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, quá lớn thôi. Cũng vậy,
này Tỳ-kheo, nếu Chuyển luân vương đã thành tựu đầy đủ và bốn như ý túc,
nơi vua kia thân tâm cảm thọ hỷ lạc cùng cực, nếu đem so sánh với hỷ
lạc ở cõi trời, nó thật quá nhỏ, nhỏ gấp trăm, gấp ngàn vạn lần, không
thể so sánh, không thể tính toán, không thể ví dụ được. Nghĩa là hoan
lạc nơi thiện xứ, chỉ hoàn toàn hoan lạc thôi.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là sự hoan lạc nơi thiện xứ? Có thiện thiện
xứ gọi là lục xúc, nếu chúng sanh sanh vào trong đó, khi đã sanh đến đó
rồi, hoặc sắc được thấy bởi sắc, mắt, khả hỷ, khả ý, khả niệm, ý nhuần
ái, ý thiện lạc, thì đó là thiện xứ. Thanh được nghe nơi tai, lưỡi được
ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, sự xúc chạm nơi thân, pháp được biết
bởi ý; khả hỷ, khả lạc, khả ý, khả niệm, ý nhuần ái, thì đó là nhuần
ái, ý thiện lạc, thì đó là thiện lạc. Như vậy gọi là sự hoan lạc ở thiện
xứ.
“Này Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô số phương tiện để nói về thiện xứ,
nói sự việc ở nơi thiện xứ cho các thầy nghe. Song sự hoan lạc nơi thiện
xứ kia không thể nào nói hết được. Chỉ nói là nơi thiện xứ hoàn toàn
chỉ có hoan lạc mà thôi.
“Này các Tỳ-kheo, nếu người trí tuệ kia, có khi từ thiện xứ sanh
xuống, hoặc sanh nhầm nhà rất giàu sang, tiền tài vô số, nuôi nhiều tôi
tớ và súc mục, phong hộ thực ấp, thóc lúa đầy đủ và biết bao các thứ nhu
dụng sinh tồn khác. Họ là hạng người nào? Là nhà đại trưởng giả Cư sĩ,
nhà trưởng giả dòng Sát-lợi, nhà trưởng giả dòng Phạm chí và các nhà đại
phú gia khác. Tiền của vố số, nuôi nhiều tôi tớ và súc mục, phong hộ
thực ấp, thóc lúa đầy đủ, và biết bao các thứ nhu dụng sinh tồn khác.
Sanh nhầm nhà như vậy, đoan chánh, khả ái, nhiều người kính thuận, danh
vang cùng khắp, có oai đức lớn, nhiều người kính mến, nhiều người nhắc
đến. Rồi người ấy lại hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Sau khi
hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh rồi, do nhân duyên đó
khi thân hoại mạng chung trở lại thiên xứ, sanh lên thiên giới. Ví
như hai người đánh bạc, trong đó một người ăn và tiếp tục đánh, ăn được
nhiều tiền tài. Người đó nghĩ rằng: ”Ta chẳng làm ruộng, nhưng ván đầu
ta ăn và tiếp tục canh bạc như vậy, ta lấy được nhiều tiền tài.” Này
Tỳ-kheo, canh bạc đó quá nhỏ mà được nhiều tiền của. Này Tỳ-kheo, canh
bạc này mới đáng kể, đó là hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Sau
khi hành thân diệu hạnh, hành khẩu và ý diệu hạnh, do nhân duyên đó,
khi thân hoại mạng chung trở lại thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này
Tỳ-kheo, các việc thiện này là sự việc rất đáng vui, rất đáng thích, rất
đáng được thích ý.
“Này Tỳ-kheo, các pháp của người trí tuệ được nói như vậy, há không đầy đủ chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thật sự các pháp của người trí tuệ kia được nói như vậy là đầy đủ.”
Thế Tôn bảo:
“Đó là pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ. Các thầy
phải biết pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ. Đã biết pháp
của người ngu si và pháp của người trí tuệ rồi, thì phải xả bỏ pháp của
người ngu si và chọn lấy pháp của người trí tuệ. Các thầy phải học như
vậy.”
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
200.
KINH A-LÊ-TRA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tỳ-kheo A-lê-tra
[02] vốn là một người Già-đà-bà-lê [03] sanh ác kiến như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại.[04]”
Các Tỳ-kheo nghe như vậy, đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi:
“Này A-lê-tra, thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’.”
Khi ấy A-lê-tra đáp:
“Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại.’”
Các Tỳ-kheo khiển trách A-lê-tra rằng:
“Thầy chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức
Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra,
dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện để nói dục
có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.”
Tỳ-kheo A-lê-tra bị các Tỳ-kheo khiển trách, nhưng vẫn cố chấp ác
kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư
vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy.
Chúng Tỳ-kheo không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy
liền đứng dậy ra về, và đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi
sang một bên bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu
Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Hành dục không bị chướng ngại’. Bạch Thế
Tôn, chúng con nghe vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi rằng: ‘Này
A-lê-tra, thầy có thật nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn thuyết pháp
như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’ Tỳ-kheo A-lê-tra trả
lời chúng con rằng, ‘Này chư Hiền, thật sự tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp
như vầy: Hành dục là không bị chướng ngại.’ Bạch Thế Tôn, chúng con
khiển trách rằng, ‘Này A-lê-tra, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế
Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như
vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng
phương tiện nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến
ấy đi.’ Chúng con khiển trách, nhưng Tỳ-kheo A-lê-tra vẫn cố chấp ác
kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư
vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con không thể
khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”
Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một Tỳ-kheo:
“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo A Lê Tra, nói như vầy, ‘Thế Tôn cho gọi thầy’.”
Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ sát chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Khi đến chỗ Tỳ-kheo
A-lê-tra liền nói:
“Đức Thế Tôn gọi thầy.”
Tỳ-kheo A-lê-tra liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống môït bên. Đức Thế Tôn nói:
“Này A-lê-tra, thật ngươi có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’ chăng?’.”
A-lê-tra đáp:
“Bạch Thế Tôn, thật sự con hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’.”
Đức Thế Tôn khiển trách:
“Này A-lê-tra, bằng cách nào mà ngươi hiểu Ta thuyết pháp như
vậy? Ngươi nghe từ miệng người nào nói Ta thuyết pháp như vậy? Này người
ngu si kia, Ta không nói một chiều mà ngươi lại nói một chiều chăng?
Khi nghe các Tỳ-kheo khiển trách, ngươi khi ấy phải đúng như pháp mà trả
lời. Nay để Ta hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”
Liền đó, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi cũng hiểu như vầy, rằng Ta nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’ chăng?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Các thầy hiểu Ta nói pháp như thế nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Dục có
chướng ngại, Thế Tôn nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Thế
Tôn nói dục như bộ xương khô, dục như miếng thịt, Thế Tôn nói dục như
miếng thịt. Dục như bó đuốc, Thế Tôn nói dục như cây đuốc trong tay. Dục
như hầm lửa, Thế Tôn nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Thế Tôn nói
dục như rắn độc. Dục như mộng, Thế Tôn nói dục như mộng. Dục như đồ vay
mượn, Thế Tôn nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Thế Tôn nói dục
như trái cây [05]’ Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói
pháp như vậy. Vì sao? Vì Ta cũng nói như vầy, ‘Dục có chướng ngại, Ta
nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Ta nói dục như bộ xương
khô. Dục như miếng thịt, Ta nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, ta
nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Ta nói dục như hầm lửa.
Dục như rắn độc, Ta nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Ta nói dục như
mộng. Dục như đồ vay mượn, Ta nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây,
Ta nói dục như trái cây.’”
Đức Thế Tôn lại khen:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói
pháp như vậy. Nhưng A-lê-tra ngu si này tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và
văn điên đảo. Kia nhân tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo cho
nên xuyên tạc Ta, để tự gây thương hại cho mình. Có phạm, có tội. Đó là
điều mà các phạm hạnh có trí không hoan hỷ, và là một đại tội [06] Này người ngu si kia, có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”
Lúc ấy Tỳ-kheo A-lê-tra bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt,
trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không lời để biện bạch, suy nghĩ
mông lung.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Tỳ-kheo A-lê-tra, rồi nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì
nên thọ trì đúng như vậy. Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa không được hiểu
biết đầy đủ, tường tận thì phải hỏi lại Ta hay các vị Phạm hạnh có trí.
Vì sao? Hoặc có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa.
Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp
kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân
duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu
pháp và thuyết nghĩa
[07] Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải
thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không
đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc.
Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết điên đảo về pháp.
“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm
rắn, nó đi vào rừng hoang, thấy con rắn rất lớn, liền bước tới, dùng tay
nắm lấy lưng rắn; con rắn ngóc đầu quay lại, hoặc mổ vào tay, chân,
hoặc các chi thể khác. Nó làm công việc tìm bắt rắn, nhưng không đạt
được mục đích, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì
sao? Vì không biết rõ phương pháp bắt rắn. Cũng vậy, có thể có người ngu
si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu
biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức
chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi,
thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Chúng
vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết
nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến
nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao?
Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết điên đảo về pháp.
“Hoặc có một thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết về nghĩa và
văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên
đảo về nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca
vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết,
sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì
tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này.
Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc
lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và
hiểu biết không điên đảo về pháp.
“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm
rắn, người ấy tay cầm gậy sắt, đi trong rừng hoang, thấy một con rắn rất
lớn, liền lấy gậy sắt đè lên đầu con rắn, rồi lấy tay nắm đầu nó. Con
rắn kia tuy ngoặt đuôi lại, hoặc quấn tay chân, hoặc các chi thể khác,
nhưng không thể mổ. Người kia làm như vậy để tìm bắt rắn và đạt được mục
đích, không chuốc lấy cực khổ luống công, cũng không tự gây phiền nhọc.
Vì sao? Vì người ấy khéo biết cách bắt rắn. Cũng vậy, hoặc có thiện gia
nam tử ghi nhớ và hiểu biết về nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do
tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về nghĩa và văn mà biết
pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha,
nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị
tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết
nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này
vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống
công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không
điên đảo về pháp.
“Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè, là để cho các thầy biết xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ.
“Ta thường nói cho các thầy nghe về thí dụ chiếc bè như thế nào, để các thầy biết xả bỏ chứ không phải để chấp thủ?
“Ví như, con nước từ núi đổ xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy
xiết và cuốn trôi nhiều thứ. Ở khoảng giữa đó không có thuyền, bè, cũng
không có cầu ngang. Một người đi đến, có việc ở bờ bên kia nên cần phải
qua. Người ấy bèn nghĩ rằng, ‘Ở đây con nước từ trên núi chảy xuống, rất
sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi rất nhiều thứ. Ở khoảng giữa
không có thuyền bè, cũng không có cầu ngang để có thể qua. Ta có công
việc ở bờ bên kia cần phải qua phải dùng phương tiện gì để ta đến bờ bên
kia được yên ổn?’ Rồi người ấy tự suy nghĩ, ‘Nay ở bên này, ta hãy góp
nhặt cỏ, cây, cột lại làm bè [08]
để bơi qua.’ Người ấy bèn ở bên bờ bên này, góp nhặt cỏ cây, cột lại
làm bè rồi bơi qua. Đến bờ bên kia được yên ổn, rồi tự nghĩ rằng, ‘Chiếc
bè
này có nhiều lợi ích. Nhờ nó mà ta đã yên ổn bơi từ bờ bên kia đến
bờ bên này. Nay ta hãy vác nó lên vai phải hoặc đội trên đầu mà đi.’
Người ấy bèn vác lên vai phải, hoặc trên đầu mà mang đi. Ý các ngươi
nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có lợi ích gì đối với chiếc bè không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Thế Tôn lại nói:
“Người ấy phải làm thế nào mới có thể có lợi ích đối với chiếc
bè? Người ấy nghĩ như vầy, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích, nhờ nó mà ta
an ổn từ bờ bên kia đến bờ này. Nay ta có nên thả chiếc bè này trở lại
trong nước, hoặc để nó trên bờ rồi bỏ đi chăng?’ Người ấy mang chiếc bè
này thả lại trong nước, hoặc để nó bên bờ rồi bỏ đi. Ý các ngươi nghĩ
sao? Người ấy làm như vậy, có thể có lợi ích đối với chiếc bè chăng?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, có.”
Thế Tôn lại nói:
“Cũng vậy, Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè là
để cho các ngươi biết mà xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ. Nếu các
ngươi biết Ta thường nói thí dụ về chiếc bè, đối với pháp còn phải xả bỏ
huống là phi pháp chăng?
“Lại nữa, có sáu kiến xứ [09]
Những gì là sáu? Tỳ-kheo đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ,
vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu,
hoặc bất diệu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả những sắc ấy không phải là sở
hữu của ta, ta không là sở hữu của sắc ấy, nó cũng không phải là tự ngã.
Những gì thuộc thọ, tưởng, những gì thuộc về kiến này, đều thấy chúng
không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, ta sẽ không
có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta
không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã [10] Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.
“Những gì là thọ; những gì là tưởng
[11]; những gì thuộc kiến này, đều không phải là sở hữu của ta,
ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như
vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.
“Những gì thuộc về kiến này, thấy, nghe, nhận thức, biết [12],
được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời
kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta
không là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do
tuệ quán sát mà biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, đây là
thần ngã [13],
đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường
trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại; tất cả chúng đều
không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, cũng không
phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ biết như thật về chúng.”
Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Đức Phật bạch:
“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trong mà có sợ hãi chăng [14]?”
Thế Tôn đáp:
“Có.”
Tỳ-kheo lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà có sợ hãi?”
Thế Tôn đáp:
“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Kia trước đây hoặc giả không có; giả thiết có ta không được [15].’
Và do thấy như vậy, nói như vậy, người ấy ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc,
đấm ngực, phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà có
sợ hãi.”
Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trongmà không có sợ hãi chăng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Có.”
Tỳ-kheo lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà không có sợ hãi?”
Thế Tôn đáp:
“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Kia trước đây
hoặc giả không có; giả thiết có ta không được.’ Và do không thấy như
vậy, không nói như vậy, người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không
khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là
nhân bên trong mà không có sợ hãi.”
Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài [16] mà có sợ hãi chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Có.”
Tỳ-kheo lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên ngoài có sự sợ hãi?”
Thế Tôn đáp:
“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Đây là thần ngã, đây là thế
gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do thấy như vậy, nói như
vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai hay đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ
nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ. Và bấy giờ Như Lai, hoặc đệ tử của
Như Lai vì diệt trừ hết tất cả tự thân, cho nên nói pháp; vì xả ly tất
cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã; diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói
pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai vì diệt tất cả
tự thân cho nên nói pháp, vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của
ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp; nó bèn ưu sầu, phiền muộn,
khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng nói như vầy, ‘Ta sẽ đoạn hoại, không
còn tái sanh nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy
trong một thời gian dài, hằng sống với những điều không khả ái,
không khả lạc, không xứng ý niệm ấy, cho nên nó ưu sầu, phiền muộn, khóc
lóc, đấm ngực, phát si cuồng. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên ngoài mà
có sợ hãi.”
Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài mà không có sợ hãi chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Có.”
Tỳ-kheo lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là do bên ngoài mà không có sợ hãi?”
Thế Tôn đáp:
“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Đây là thần
ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do không
thấy như vậy, không nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai, hoặc đệ tử của
Như Lai, thông minh trí tuệ, nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ; và
bấy giờ Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai, vì diệt tất cả tự thân cho nên
nói pháp; vì xả ly tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn,
cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai, vì
diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và
sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy không
ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát
cuồng si mà nói như vầy, ‘Ta sẽ bị đoạn diệt, không còn tái sanh
nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài
hằng sống với những điều khả ái, khả lạc, xứng ý niệm ấy, cho nên không
ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát
cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là do bên ngoài mà không có sự sợ hãi.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo tán thán Đức Thế Tôn:
“Lành thay! Lành thay!”
Tán thán rồi, khéo léo ghi nhận và trì tụng, rồi im lặng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, ngươi chấp thủ những điều có thể được chấp thủ như vậy [17],
mà sau khi chấp thủ lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc
lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Các ngươi thấy có cái có thể
chấp thủ nào mà khi được chấp thủ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền
muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát si cuồng chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Thế Tôn khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi y cứ vào cái sở y của kiến như vậy [18],
mà kiến được y cứ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không
khóc lóc, không đấm ngực. Các ngươi có thể y cứ vào tri kiến như vậy, mà
tri kiến được y cứ ấy không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc
lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi chấp thủ thân như vậy, mà có
thân nào là thường trụ không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng?
Các ngươi có thấy sự chấp thủ nào về thân được chấp thủ như vậy mà là
thường trụ, không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nói là do thần ngã mà có ta
[19], không có thần ngã thì không có ta. Đó là thần ngã và sở
hữu của thần ngã, đều không thể bắt được, không thể khái niệm được, và
kiến xứ ràng buộc với kiết sử tùy miên ở trong tâm [20],
cũng không thể bắt được, cũng không thể khái niệm được. Này Tỳ-kheo,
như vậy há không phải là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến,
như là Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người Già-đà-bà-lê chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn. Như vậy là đầy đủ để nói về kiến
và tương tục bởi kiến, như Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người
già-đà-bà-lê.”
“Lại nữa, có sáu kiến xứ. Những gì là sáu? Tỳ-kheo, đối với những
gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại,
hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần hoặc xa; tất cả
sắc ấy đều không phải sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của sắc ấy,
cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật
về sắc. Những gì thuộc về thọ, tưởng, thuộc về kiến này đều thấy chúng
không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, ta sẽ
không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta,
ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là tự ngã. Như vậy,
do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc về kiến này,
thấy, nghe, nhận thức, biết, được thủ đắc, được quán sát, được tư
niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả
chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của
chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như
thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, ‘đây là tự ngã, đây là thế gian,
đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến
dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại’; tất cả chúng đều không phải là
sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là
thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng.
“Này Tỳ-kheo, những gì thuộc về sáu kiến xứ ấy mà thấy không phải
là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là
thần ngã, và do không kiến chấp như vậy, nên không chấp thủ thế gian
này. Do không chấp thủ thế gian này nên không có sợ hãi. Do không sợ hãi
mà chứng đắc Niết-bàn, biết như thật rằng, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh
đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Đó gọi là
Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương
Thánh trí tuệ.
“Thế nào là Tỳ-kheo băng hào [21]?
Hào vô minh đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không
còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được bằng hào.
“Thế nào là Tỳ-kheo vượt hào [22]? Hào hữu ái đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa, như vậy là Tỳ-kheo đã vượt hào.
“Thế nào là Tỳ-kheo phá đổ thành quách [23]
Sanh tử vô cùng đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan
không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo phá đổ thành quách.
“Thế nào là Tỳ-kheo không cửa [24]?
Năm hạ phần kiết đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan
không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được không cửa.
“Thế nào là Tỳ-kheo được gương Thánh trí tuệ [25]?
Ngã mạn đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn
sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được gương Thánh trí tuệ.
“Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.
“Như Lai chánh giải thoát như vậy, dù Nhân-đà-la [26],
dù Thiên Y-sa-na [27],
dù Phạm thiên và quyến thuộc, không ai có thể tìm thấy thức sở y của
Như Lai. Như Lai là Phạm, Như Lai là Mát lạnh, Như Lai là Không phiền
nhiệt, Như Lai là Bất dị
[28] Ta nói như vầy, Các Sa-môn Phạm chí xuyên tạc Ta bằng những lời hư vọng không chân thật rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [29] Quả thật có chúng sanh, nhưng lại chủ trương là đoạn, diệt, hoại [30].
Nhưng nếu trong đó không có, thì Ta đã không nói rằng, ‘Như Lai ấy
trong đời hiện tại, được nói là không ưu phiền, nếu có ai mạ lỵ, đánh
đập, sân hận, trách mắng Như Lai; trong trường hợp đó Như Lai không sân
hận, không thù hận, trọn không có hại tâm.’ Nếu có ai đánh đập, mạ lỵ,
sân hận, trách mắng Như Lai, ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ như vầy,
‘Có hành vi tạo tác nào của Ta trong quá khứ để đưa đến sự kiện này.’
Đối với sự mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai, Như Lai nghĩ
như vầy, ‘Nếu
có ai cung kính cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai; Như
Lai không do đó mà vui thích, không do đó mà hoan hỷ, tâm không do đó mà
hoan lạc.’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng thừa sự
Như Lai, thì ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ, ‘Ta nay do những gì
được biết, do những gì được đoạn trừ mà đưa đến sự kiện này?’ Nếu có ai
cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai, Như Lai nghĩ
như vậy.”
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có ai mạ lỵ đánh đập, trách mắng các ngươi; hay nếu có ai
cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi
nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có tâm hại, cũng chớ vui
thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ”Chúng
ta không có thần ngã, không có sở hữu của thần ngã. Ví như nay đây,
ngoài cửa Thắng lâm này có cỏ khô, cây khô, có một người mang đi đốt,
tùy ý mà dùng. Ý các ngươi nghĩ sao? Cây cỏ khô kia có nghĩ rằng, ‘Người
ấy mang ta đi đốt, tùy ý mà dùng không’?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Cũng vậy, nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng các
ngươi hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự
các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có hại
tâm cũng chớ có vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao?
Hãy nghĩ rằng, ‘Ta không có thần ngã, không có sở hữu của thần ngã.’
“Pháp của Ta giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng
bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho trời người.
Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá,
không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho đến trời người như
vậy, nếu có ai với chánh trí giải thoát mà mạng chung, với người ấy
không giả thuyết có luân chuyển vô cùng.
“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được
quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời
người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được
quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời
người như vậy, nếu có ai với năm hạ phần kiết tận diệt mà mạng chung sẽ
sanh ở chỗ kia mà vào Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại thế
gian này.
“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được
quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời
người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được
quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời
người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, dâm nộ si đã mỏng,
chứng đắc Nhất vãng lai, sau khi qua lại nhân gian thượng một lần nữa,
sẽ chứng đắc khổ biên.
“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được
quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời
người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được
quảng bá, không có trống khuyết, được lau bố, tuyên truyền cho đến trời
người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, đắc Tu-đà-hoàn,
không đọa vào pháp ác, quyết định sẽ đến chánh giác, chỉ cần bảy lần qua
lại cõi trời cõi người, sau bảy lần qua lại sẽ chứng đắc khổ biên.
“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được
quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời
người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được
quảng bá, không có trống khuyết, được lan bố, tuyên truyền cho đến trời
người như vậy, nếu có ai với tâm tín lạc nơi Ta mà mạng chung, chắc chắn
sẽ mau vào thiện xứ [31]“
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Bản Hán, quyển 54. Tương đương Pāli, M. 22. Alagadupama-suttaṃ.
- [02]
A-lê-tra 阿 梨 吒. Pāli: Ariṭṭha.
- [03] Bổn già-đà-bà-lê 本 伽 陀 婆 利. Pāli: Gadhabādhi-pubba. Trước kia là người huấn luyện chim ưng.
- [04]
Chướng ngại 障 礙, hoặc nói chướng đạo pháp 障 道 法. Pāli: anatāriyakā
dhammā. Trường hợp này được ghi trong Luật tạng. Xem Tứ Phần Luật 17
(Đơn đề 68 và 69. No.1428, Đại 22, tr.682 và tt).
- [05] Xem thí dụ Kinh 203 sau.
- [06] Ở đây được gọi là Tăng-già-bà-thi-sa, vì không chịu nghe Tăng can gián. Xem Tứ Phần Luật (sđd., nt).
- [07]
Xem Kinh 1 trên.
- [08] Để bản, bệ phiệt 椑 筏, bè cỏ (?); Tống-Nguyên-Minh: bạc phiệt 簿 筏, bè liếp. Pāli: kulla, chiếc bè.
- [09] Kiến xứ 見 處. Pāli: diṭṭhiṭṭhāna, cơ sở của kiến chấp.
- [10] Hán: diệc phi thị thần 亦 非 是 神. Pāli: na m’eso attā, cái đó không phải là tự ngã của tôi.
- [11] Bản Hán không kể hành.
- [12] Hán: kiến văn thức tri 見 聞 識 知. Pāli: diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññātaṃ, cái được thấy, được nghe, được cảm giác, được nhận thức.
- [13] Hán: thử thị thần 此 是 神. Pāli: so attā, đây là tự ngã. Xem cht.10 trên.
- [14]
Pāli: siyā nu kho bhante asati bahiddhā asati paritassanā ti, có thể có
cái gì không thật hữu ở bên ngoài mà khiến cho có sợ hãi?
- [15]
Văn Hán đoạn này hơi tối nghĩa. Tham khảo Pāi: ahu vata me, taṃ vata me
natthi, chao ôi, nó (trước kia) đã là của tôi, (nay) thực sự không là
của tôi.
- [16] Pāli:...ajjha ṃ asati..., không có thật ở bên trong. Xem cht.14 trên.
- [17]
Thọ như thị sở khả thọ 受 如 是 所 可 受. Pāli: taṃ attavādupādānāṃ
upādiyetha yaṃsa..., các ngươi có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào (cố chấp
quan điển hữu ngã) mà...
- [18]
Y như thị khiến sở khả 依 如 是 見 所 可 依. Pāli: taṃ bhikkhave
diṭṭhinissayaṃ nissayetha yaṃsa..., các ngươi có thể y chỉ sở y của
kiến...
- [19] Nhân thần cố hữu ngã 因 神 敨 有 我. Bản Pāli không thấy đề cập.
- [20] Tâm trung sở hữu kiến xứ kết trước chư sử diệc bất khả đắc 心 中 所 有 見 處 結 著 諸 使 亦 不 可 得.
- [21] Độ tiệm 度 塹. Pāli: ukkhittapaligho, người đã dẹp các chướng ngại.
- [22] Quá tiệm 過 塹. Pāli: abbūhesiko, người đã nhổ lên cột trụ.
- [23]
Phá quách 破 墎.Pāli: saṃkiṇṇaparikkho, người đã lấp hào.
- [24]
Vô môn 無 門. Pāli: niraggaḷo, người đã tháo chốt cửa.
- [25]
Thánh trí tuệ kính 聖 智 慧 鏡. Pāli: ariyo oannaddhajo pannabhāro
visaṃyutto, vị Thánh đã hạ cờ, đã đặt gánh nặng xuống, đã thoát ly.
- [26] Nhân-đà-la 因 陀 羅. Pāli: Inda, tức Thiên Đế Thích.
- [27]
Y-sa-na 伊 舍 那. Pāli: Īsānā.
- [28] Như Lai thị Phạm, Như Lai thị lãnh, Như Lai bất phiền nhiệt, Như Lai bất dị 如 來 是 梵, 如 來 是 冷, 如 來 不 煩 熱, 如 來 不 異.
- [29] Ngự vô sở thi thiết 御 無 所 施 切. Pāli: venayiko Samano Gotamo, Sa-môn Cù-đàm, người dẫn đến chỗ hư vô.
- [30] Thi thiết đoạn diệt hoại. Pāli: ucchedaṃ vināsaṃ vibhavaṃ paññāpeti, chủ trương đoạn diệt, hoại diệt, phi hữu.
- [31] Còn một câu chót trong bản Hán: như thượng hữu dư 如 上 有 餘. Không rõ ý.
-ooOoo-
201. KINH TRÀ-ĐẾ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử [02] sanh ác kiến như vầy: “Tôi hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh, nhưng không đổi khác’.”
Các Tỳ-kheo nghe như vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế hỏi:
“Này Trà-đế, thầy thật có nói như vầy: Tôi biết Đức Thế Tôn nói
pháp như vầy: ‘Ở đây thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi
khác’ chăng?”
Tỳ-kheo Trà-đế đáp:
“Này chư Hiền, tôi thực sự hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển, và tái sanh nhưng không đổi khác’.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo khiển trách:
“Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức
Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này Trà-đế,
thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn dùng vô lượng phương tiện nói
thức này do duyên mà khởi, có duyên thì sanh, không duyên thì diệt. Này
Trà-đế thầy nên xả bỏ ác kiến này đi.”
Tỳ-kheo Trà-đế bị các Tỳ-kheo khiển trách nhưng vẫn cố chấp ác
kiến của mình và nhất quyết nói: ”Đây là điều chân thật, ngoài ra đều hư
vọng” và lặp lại ba lần như vậy.
Các Tỳ-kheo không thể khuyên Trà-đế xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng
dậy ra về, và đến chỗ Phật. Đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi xuống một
bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trà-đế sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu Đức
Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Ở đây thức này luân chuyển và tái sanh nhưng
không đổi khác.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe vậy liền đến chỗ Tỳ-kheo
ấy và hỏi: Này Trà-đế, thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Thế Tôn nói
như vầy, ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác’
chăng?’ Trà-đế đáp chúng con rằng: Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Thế
Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng
không đổi khác’. Chúng con khiển trách: ‘Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên
tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt, Đức Thế Tôn cũng
không nói như vậy. Này Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn đã
dùng vô số phương tiện nói thức này do duyên mà khởi, có duyên thì
sanh, không duyên thì diệt. Này Trà-đế, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy
đi.’ Chúng con khiển trách như vậy, nhưng Tỳ-kheo ấy vẫn cố chấp ác kiến
của mình và nhất quyết nói: ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng’, và
lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con không thể khuyên
Tỳ-kheo Trà-đế bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”
Đức Thế Tôn nghe xong, bảo một Tỳ-kheo:
“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế nói như vầy: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy’.”
Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy vâng lời Đức Thế Tôn, từ chỗ ngối đứng dậy
đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Đến chỗ Tỳ-kheo
Trà-đế, nói lại lời Phật dạy: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”
Tỳ-kheo Trà-đế liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Ngươi có thật nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như
vầy: ‘Ở đây, thức luân chuyển, và tái sanh nhưng không đổi khác’ chăng?”
Tỳ-kheo Trà-đế đáp:
“Bạch Thế Tôn, con thật sự hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Thức này luân chuyển và tái sanh không đổi khác’.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Thế nào là thức?”
Tỳ-kheo Trà-đế đáp:
“Thức này nói năng, cảm thọ, hành động, và sai bảo hành động.
Đứng dậy và sai bảo đứng dậy, nó tạo tác các nghiệp thiện ác chỗ này chỗ
kia để rồi thọ báo.”
Đức Thế Tôn quở:
“Này Trà-đế, do đâu mà ngươi hiểu Ta thuyết pháp như vầy? Người
nghe từ miệng người nào mà nói Ta thuyết pháp như vậy? Ngươi là kẻ ngu
si. Ta không nói một chiều, ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các
Tỳ-kheo khiển trách, ngươi bấy giờ phải đúng như pháp mà trả lời. Để Ta
hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”
Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các thầy cũng hiểu Ta nói pháp như vậy, ‘Thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác chăng?’.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Các ngươi hiểu Ta nói pháp như thế nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Thức do duyên mà khởi,
Thế Tôn nói thức do duyên mà khởi. Thức có duyên thì sanh, không duyên
thì diệt’. Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói
pháp như vậy. Vì sao? Ta cũng nói pháp như vậy: ‘Thức do duyên mà sanh.
Ta nói thức do duyên là khởi. Thức có duyên thì sanh, không duyên thì
diệt’. Thức tùy theo những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi tên theo
duyên ấy. Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn
thức. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh thức, thức
sanh khởi ấy được gọi là ý thức. Ví như lửa tùy theo những gì nó duyên
vào để sanh khởi mà gọi theo duyên đó. Lửa duyên cây mà khởi được gọi là
lửa cây. Lửa duyên cỏ rác mà sanh được gọi là lửa cỏ, lửa rác. Cũng
vậy, thức tùy theo những gì nó duyên vào đó để sanh thì gọi tên theo
duyên đó. Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn
thức. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh thức,
thức sanh khởi ấy gọi là ý thức.”
Đức Thế Tôn lại khen:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Nhưng
Tỳ-kheo Trà-đế này là người ngu si, ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và
nghĩa. Rồi do ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa, cho nên xuyên
tạc Ta, để tự làm tổn thương. Có phạm có tội là điều mà các vị Phạm
hạnh có trí không hoan hỷ, và cũng là một đại tội.
“Này người ngu si, ngươi có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”
Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế bị Thế Tôn trách mắng ngay mặt, trong lòng
buồn rầu, cúi đầu im lặng, không có lời để biện bạch, suy nghĩ mông
lung.
Đức Thế Tôn sau khi quở trách ngay mặt Tỳ-kheo Trà-đế, nói với các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói pháp rốt ráo không phiền, không nhiệt, hằng hữu,
bất biến cho các ngươi nghe. Những người có trí phải quán như vậy. Hãy
lắng nghe. Hãy lắng nghe. Hãy khéo suy niệm.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.
Đức Phật nói:
“Đây là một chân thể [03] các ngươi có thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi có thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã thấy chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể các ngươi có nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi có nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi có nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy, cũng là pháp
hủy diệt, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia
bị tiêu diệt chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”
Đức Thế Tôn nói:
“Đây là một chân thể, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như vậy, biết như vậy,
tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh tịnh như vậy, nên chấp trước
nó, tiếc nuối nó, thủ trì nó, không muốn xả bỏ’ và các ngươi biết Ta
thường nói thí dụ chiếc bè, khi qua rồi, những gì bị bít kín, có thể
được mở cho chảy xuôi chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh tịnh như vậy, nhưng không
chấp trước nó, không tiếc nuối nó, không chủ trì nó, muốn xả bỏ nó’ và
các ngươi biết Ta thường nói thí dụ chiếc bè, khi biết rồi những gì bị
bít kín, có thể được mở chảy xuôi chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi các ngươi: ‘Này
Hiền giả, các ngài có tri kiến thanh tịnh như vậy, nhưng nó có nghĩa lợi
gì, có công đức gì?’ Các ngươi trả lời thế nào?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ dị học đến hỏi chúng con: ‘Này Hiền giả,
các ngài tri kiến thanh tịnh, như vậy, nhưng nó có nghĩa lợi gì? Có
công đức gì?’ Chúng con sẽ đáp như sau: ‘Này chư Hiền, nghĩa lợi đó là
yểm ly, nghĩa lợi đó là vô dục, nghĩa lợi đó là thấy biết như thật.’
Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ dị học đến hỏi, chúng con sẽ đáp như vậy.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi các ngươi, các
ngươi nên đáp như vậy. Vì sao? Đây được nói là sự quán sát: một là thực
phẩm phần đoạn, thô hoặc tế, nghi hoặc xúc; ba là ý niệm, bốn là thức.
Bốn loại thực phẩm này lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà
sanh, do đâu mà có? Bốn loại thực phẩm ấy, lấy ái làm nhân, do ái mà
tập khởi, từ ái mà sanh, duyên ái mà có. Ái lấy gì làm nhân, do cái gì
mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên gì mà có? Ái lấy thọ làm nhân, do thọ
tập khởi, từ thọ mà sanh, duyên thọ mà có. Thọ lấy gì làm nhân, do cái
gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thọ lấy xúc làm nhân,
do xúc mà tập khởi, từ xúc mà sanh, duyên xúc mà có. Xúc lấy gì làm
nhân, do gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Xúc lấy sáu
xứ làm nhân, do sáu xứ mà tập khởi, từ sáu xứ mà sanh, duyên sáu xứ
mà có. Sáu xứ lấy gì làm nhân, do gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu
mà có? Sáu xứ lấy danh sắc làm nhân, do danh sắc mà tập khởi, từ danh
sắc mà sanh, duyên danh sắc mà có. Danh sắc lấy gì làm nhân, lấy gì tập
khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Danh sắc lấy thức làm nhân, do
thức mà tập khởi, từ thức mà sanh, duyên thức mà có. Thức lấy gì làm
nhân, do cái gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thức lấy hành
làm nhân, do hành mà tập khởi, từ hành mà sanh, duyên hành mà có. Hành
lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có?
Hành lấy vô minh làm nhân, do vô minh mà tập khởi, từ vô minh mà sanh,
duyên vô minh mà có. Đó là duyên vô minh có hành, duyên hành có
thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục
nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên
thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi khóc lóc,
ưu khổ, ác não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn, khổ đau này phát sanh.
“Duyên sanh có già, chết. Ở đây nói là duyên sanh có già, chết, ý các ngươi nghĩ sao?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, duyên sanh có già, chết, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên sanh, có già, chết.”
“Duyên hữu có sanh, ở đây nói là duyên hữu có sanh, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên hữu có sanh, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên hữu có sanh.”
“Duyên thủ có hữu, ở đây nói là duyên thủ có hữu, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên thủ có hữu, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thủ có hữu.”
“Duyên ái có thủ, ở đây nói là duyên ái có thủ, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên ái có thủ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên ái có thủ.”
“Duyên thọ có ái, ở đây nói là duyên thọ có ái, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên thọ có ái, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thọ có ái.”
“Duyên xúc có thọ, ở đây nói duyên xúc có thọ, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên xúc có thọ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên xúc có thọ.”
“Duyên sáu xứ có xúc, ở đây nói là duyên sáu xứ có xúc, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên sáu xứ có xúc, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên sáu xứ có xúc.”
“Duyên danh sắc có sáu xứ, ở đây nói là duyên danh sắc có sáu xứ, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên danh sắc có sáu xứ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên danh sắc có sáu xứ.”
“Duyên thức có danh sắc, ở đây nói là duyên thức có danh sắc, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên thức có danh sắc, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thức có danh sắc.”
“Duyên hành có thức, ở đây nói duyên hành có thức, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Duyên hành có thức, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên hành có thức.”
“Duyên vô minh có hành, ở đây nói duyên vô minh có hành, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, duyên vô minh có hành, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên vô minh có hành.”
Đây là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có
danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có
thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có
sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, áo não. Như
vậy, toàn bộ khối lớn khổ đau này phát sanh.
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi nói như vậy. Vì
sao? Ta cũng nói như vậy. Duyên vô minh có hành, duyên hành có thức,
duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc,
duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu,
duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ão
não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn đau khổ này phát sanh.
“Sanh diệt thì già chết diệt, ở đây nói là sanh diệt thì già, chết diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, sanh diệt thì già, chết diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì sanh diệt thì già, chết diệt.”
“Hữu diệt thì sanh diệt, ở đây nói hữu diệt thì sanh diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, hữu diệt thì sanh diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì hữu diệt thì sanh diệt.”
“Thủ diệt thì hữu diệt, ở đây nói là thủ diệt thì hữu diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, thủ diệt thì hữu diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thủ diệt thì hữu diệt.”
“Ái diệt thì thủ diệt, ở đây nói ái diệt thì thủ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, ái diệt thì thủ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì ái diệt thì thủ diệt.”
“Thọ diệt thì ái diệt, ở đây nói thọ diệt thì ái diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, thọ diệt thì ái diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thọ diệt thì ái diệt.”
“Xúc diệt thì thọ diệt, ở đây nói xúc diệt thì thọ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, xúc diệt thì thọ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì xúc diệt thì thọ diệt.”
“Sáu xứ diệt thì xúc diệt, ở đây nói sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì sáu xứ diệt thì xúc diệt.”
“Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ở đây nói danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.”
“Thức diệt thì danh sắc diệt, ở đây nói thức diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, thức diệt thì danh sắc diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thức diệt thì danh sắc diệt.”
“Hành diệt thì thức diệt, ở đây nói hành diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, hành diệt thì thức diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì hành diệt thì thức diệt.”
“Vô minh diệt thì hành diệt, ở đây nói vô minh diệt thì hành diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”
“Bạch Thế Tôn, vô minh diệt thì hành diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì vô minh diệt thì hành diệt.”
Đây là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức
diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì
xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ
diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già,
chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu não diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ
này bị diệt.
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, các ngươi nói như vậy. Vì
sao? Ta cũng nói như vậy. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức
diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu
xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái
diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh
diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não diệt. Như vậy
toàn vẹn khối lớn đau khổ này cũng diệt.”
Đức Thế Tôn lại khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi đối với quá khứ có nghĩ: ”Ta có trong thời quá khứ, hay ta
không có trong thời quá khứ? Ta có trong thời quá khứ như thế nào? Do gì
mà có trong thời quá khứ chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi đối với vị lai có nghĩ rằng: Ta sẽ có trong đời vị lai hay sẽ
không có trong đời vị lai? Có trong đời vị lai như thế nào? Do đâu mà có
trong đời vị lai chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi đối với bên trong mà có nghi hoặc rằng: Đây là thế nào? Đây là
cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Sẽ đi về đâu? Do nhân gì mà đã có?
Do nhân gì mà sẽ có chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi có giết cha mẹ, hại đệ tử Phật, giết A-la-hán, phá hoại Thánh
chúng, có ác ý với Phật, làm đổ máu Như Lai chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có phạm giới, xả giới, bỏ đạo chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như vậy, biết như vậy,
các ngươi có bỏ nội đạo mà tìm đến ngoại đạo để tìm ruộng phước chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi có đối với Sa-môn Phạm chí mà nói như vầy: ‘Chư Tôn, các ngài
thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’ chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có cho lễ cát tường [04] là thanh tịnh chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi có thấy những kiến chấp liên hệ đến lễ cát tường của các
Sa-môn Phạm chí xen lẫn khổ, xen lẫn độc hại, xen lẫn phiền nhiệt, xen
lẫn ảo não, là chân thật chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi khi thân thể bệnh hoạn, rất là đau đớn, đến gần như tuyệt mạng
bèn bỏ nội đạo tìm đến ngoại đạo, tìm đến những Sa-môn Phạm chí kia
những người trì loại chú một câu, chú hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều
câu, trăm câu, nói rằng: ‘Xin trì chú này để tôi thoát khổ.’ Đó là tìm
đến sự khổ, tập khởi sự khổ mà mang diệt tận khổ được chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có chấp thủ sự tái sanh không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy,
các ngươi có nói như vầy: ‘Chúng ta cung kính Sa-môn, kính trọng Sa-môn,
Sa-môn Cù-đàm là Bậc Tôn Sư của chúng ta chăng?’.”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Các ngươi bằng sự tự biết, tự thấy, tự
giác đối với sự chứng đắc tôi chánh giác, các ngươi có tùy theo những
điều được hỏi mà trả lời chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn khen:
“Lành thay! Lành thay! Ta chân chánh điều ngự các ngươi đối với
pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường hằng, không
biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được giác
ngộ bởi chánh trí, vì lý do đó mà Ta đã nói rằng: Ta sẽ nói cho các
ngươi nghe về pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường
hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí,
được giác ngộ bởi chánh trí.
“Lại nữa, có ba sự kiện hội hợp để thác vào thai mẹ. Đó là cha mẹ
tụ tập tại một chỗ, người mẹ trong thời kỳ có thể thọ thai, và hương ấm
đã đến. Do ba sự kiện này hợp hội mà thác vào thai mẹ. Thai mẹ kéo dài
chín tháng hay mười tháng rồi sanh. Sau rồi được nuôi dưỡng bằng máu.
Máu đó ở trong Thánh pháp gọi là sữa mẹ. Rồi thì các căn lớn dần cho đến
thành tựu, ăn cơm, ăn cháo, dầu tô thoa mình, rồi mắt nó thấy sắc, ưa
thích sắc đẹp, ghét bỏ sắc xấu. Nó không lập niệm tại thân, với một tâm
nhỏ mọn; nó không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, những
pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận vô dư, không bị hủy
hoại, không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân ý cũng như vậy. Ý biết pháp, ưa
thích cái đẹp, ghét bỏ cái xấu. Nó không lập niệm tại thân, với
một tâm nhỏ mọn. Nó không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải
thoát. Những pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận vô dư,
không bị hủy hoại, không dư tàn. Nó tùy những gì ưa, ghét mà lãnh nạp
cảm thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc, không khổ. Nó hoan lạc với
cảm lạc ấy, tìm cầu, chấp trước, chấp thủ cảm thọ ấy. Nó sau khi hoan
lạc với cảm thọ ấy, tìm cầu chấp trước, chấp thủ cảm thọ ấy rồi. Nếu nó
là cảm thọ lạc, vì do chấp thủ và duyên thủ mà có hữu, duyên hữu có
sanh, duyên sanh có già chết, ưu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não. Như vậy
toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.
“Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ để sự tương tục trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ để sự tương tục bị trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử.”
“Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh
Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên
Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Mắt vị ấy thấy sắc, nhưng đối với sắc
đẹp không hoan lạc chấp trước, đối với sắc xấu không ghét bỏ. Vị ấy lập
niệm tại thân với một tâm vô lượng, biết như thật là tâm giải thoát,
tuệ giải thoát, các pháp ác bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị hủy
hoại không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng như vậy. Ý biết pháp
đối với cái đẹp không hoan lạc, chấp trước, đối với cái xấu không ghét
bỏ. Lập niệm tại thân với một tâm vô lượng. Biết như thật là tâm giải
thoát, tuệ giải thoát, các pháp bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị
hủy hoại không dư tàn. Vị ấy như vậy, diệt những gì yêu ghét được
lãnh nạp bởi thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc không khổ. Vị
ấy không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm cầu, không chấp trước,
không chấp thủ cảm thọ ấy. Do không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm
cầu, không chấp trước, không chấp thủ theo cảm thọ ấy, nếu có cảm thọ
lạc, nó liền diệt. Lạc diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu
diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu
khổ, ảo não cũng diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này đều diệt.
“Này Tỳ-kheo, đây há không phải là đầy đủ về ái diệt, giải thoát chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ về ái diệt giải thoát.”
Khi nói pháp này, ba ngàn đại thiên thế giới ba lần chấn động,
hết động lại động nữa, hết rung lại rung nữa, hết rền lại rền nữa. Cho
nên kinh này gọi là: ”Ái tận giải thoát.”
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli: M.38. Mahā-Taṇhāsankhaya-sutta.
- [02]
Trà-đế Kê-hòa-đa Tử 嗏 帝 雞 和 哆 子. Sāti Kevaṭṭa Putta, con người đánh cá.
- [03]
Chân thuyết 真 說; Pāli: Phūta. Được hiểu là một thực thể, một
sự hữu, một sinh vật. Trong văn mạch bản Hán, cần phải hiểu là ”Một sự
vật đang hiện hữu”.
- [04]
Cát tường 吉 祥; Pāli: mangala: có nghĩa “cát tường” mà cũng có nghĩa là ‘lê đàn’, ở đây nên hiểu theo nghĩa sau.
-ooOoo-