Bắc truyền
Kinh Trung A Hàm
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm, Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ
10/07/2554 14:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

5. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG

42. KINH HÀ NGHĨA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ độc cư tĩnh tọa [02] đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, giữ giới có ý nghĩa gì? [03]“.

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, giữ giới có ý nghĩa là khiến cho không hối hận [04]. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận”.

“Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, không hối hận thì có ý nghĩa khiến cho được hân hoan [05]. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan”.

“Bạch Thế Tôn, hân hoan có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, hân hoan có ý nghĩa là khiến cho có hỷ [06]. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ”.

“Bạch Thế Tôn, hỷ có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, hỷ có ý nghĩa là khiến cho tĩnh chỉ [07]. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có tĩnh chỉ của thân”.

“Bạch Thế Tôn, tĩnh chỉ có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, tĩnh chỉ có ý nghĩa là khiến cho lạc [08]. A-nan, nếu ai tĩnh chỉ người ấy có cảm thọ lạc.

“Bạch Thế Tôn, lạc có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, lạc có nghĩa khiến cho có định [09]. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định.

“Bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, định có ý nghĩa là khiến cho thấy như thật, biết như chơn [10]. A-nan, nếu ai có định người ấy thấy như thật, biết như chơn.

“Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có ý nghĩa là khiến cho yếm ly [11]. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn người ấy có sự yếm ly.

“Bạch Thế Tôn, yếm ly có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, yếm ly có ý nghĩa là khiến cho vô dục [12]. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.

“Bạch Thế Tôn, vô dục có ý nghĩa gì?”

“Này A-nan, vô dục có ý nghĩa là khiến cho giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia[13].

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.x. 1. Kimatthiya.
[02] Hán: yến tọa 晏 (có bản viết: 燕) 坐. Pāli: patisallāna hoặc paṭisallāna.
[03] Pāli: kimatthiya, có ý nghĩa gì, mục đích gì, ích lợi gì?
[04] Hán: bất hối 不 悔. Pāli: avippaṭisāra, không hối hận.
[05] Hán: hoan duyệt 歡 悅. Pāli: pāmojja, hân hoan, thích thú, vui vẻ.
[06] Hán: hỷ 喜. Pāli: pīti, trạng thái hỷ giống như xuất thần.
[08] Hán: lạc 樂. Pāli: sukha, an lạc, an ổn khoái lạc.
[09] Định 定. Pāli: samādhi.
[10] Hán: kiến như thật, tri như chân 見 如 實 知 如 真. Pāli: yathābhūtaññaṇadassana, tri kiến như thật.
[11] Hán: yếm 厭. Pāli: nibbidā, sự chán ghét, nhàm tờm.
[12] Hán: vô dục 無 欲. Pāli: virāga, ly dục, ly tham; không còn tham dục.
[13] Pāli: iti kho Ananda kusalāni sīlāni anupubbena aggāya parentī ti, đó là các thiện giới lần lượt dẫn đến chỗ cao tột.

-ooOoo-

43. KINH BẤT TƯ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này A-nan, người giữ giới không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi không có sự hối hận’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy[02] ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.

“Này A-nan, người đã được sự không hối hận, không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hân hoan. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai không hối hận người ấy được hân hoan.

“Này A-nan, người đã được sự hân hoan không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hỷ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có hân hoan, người ấy được hỷ.

“Này A-nan, người đã có hỷ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được tĩnh chỉ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có hỷ, người ấy được tĩnh chỉ.

“Này A-nan, người đã được tĩnh chỉ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có lạc’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai đã có tĩnh chỉ, người ấy được cảm thọ lạc.

“Này A-nan, người đã có lạc không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có định’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có lạc, người ấy có định.

“Này A-nan, người đã có định không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi thấy như thật, biết như chân’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có định, người ấy thấy như thật, biết như chân.

“Này A-nan, người thấy như thật, biết như chân không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có sự yếm ly’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai thấy như thật, biết như chân, người ấy có sự yếm ly.

“Này A-nan, người đã có sự yếm ly không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được vô dục’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có sự yếm ly người ấy được vô dục.

“Này A-nan, người đã vô dục không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được giải thoát’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai đã  vô dục người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.x.2. Cetanā, tư, không có nghĩa bất như bản Hán.
[02] Hán: pháp tự nhiên 法 自 然. Pāli: dhammatā esā, pháp tánh là như thế.

-ooOoo-

44. KINH NIỆM[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu các Tỳ-kheo nào thường lãng quên, không chánh trí thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại các việc gìn giữ[02] các căn, gìn giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn[03].

“Nếu Tỳ-kheo nào không thường hay lãng quên, có chánh trí thì thường xuyên có[04] chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền chứng đắc Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A. viii. 81. Sati.
[02] Tham chiếu Pāli: Không chánh niệm sẽ mất tàm quý; mất tàm quý sẽ mất sự hộ trì các căn; mất hộ các căn sẽ mất hộ giới…
[03] Tham chiếu Pāli: nibbidāvirāge asati…hatūpanisaṃ hoti vimuttiñāṇadassanaṃ, trong khi không có yếm ly, ly dục, thì có sự tổn hại đối với giải thoát tri kiến.
[04] Hán: tập 習. Pāli: upanisasammpanno hoti.

-ooOoo-

45. KINH TÀM QUÝ (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh[02]. Nếu không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào biết hổ thẹn thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A. Vii. Hiri. Tham chiếu Kinh số 44 trên.
[02] Hán: ái cung kỉnh 愛 恭 敬. Tham chiếu Pāli: hirottappeasati… hatūpanisaṃ indriyasaṃvaro, trong khi không có tàm và quý, sự thủ hộ các căn bị tổn hại.

-ooOoo-

46. KINH TÀM QUÝ (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Hiền giả, nếu Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này chư Hiền, cũng như cây nào mà lớp vỏ ngoài tổn hại thì lớp vỏ trong cũng hư. Vỏ trong hư, nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều tàn rụi.

“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không ái và kính thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì có chánh niệm, chánh trí. Nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền được Niết-bàn.

“Này chư Hiền, giống như cây nào mà vỏ ngoài không bị hư tổn thì vỏ trong không bị hư hại. Vỏ trong không hư, nên thân, lõi, cành, nhánh, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu.

“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nên biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Nếu có ái kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí. Nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền đắc Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích

[01] Tham chiếu Kinh 45 trên.

-ooOoo-

47. KINH GIỚI (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.x.3 Sīla. Tham chiếu Kinh 44 và các kinh tiếp theo trên.

-ooOoo-

48. KINH GIỚI (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

“Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A. x. 4 Upanisā; tham chiếu, A. x. 5 Ānanda

-ooOoo-

49. KINH CUNG KÍNH (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát[02], không kính trọng[03] các bậc phạm hạnh, mà pháp oai nghi[04] đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giới thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giới thân không đầy đủ mà định thân đầy đủ[05], điều đó không thể xảy ra. Định thân không đầy đủ mà tuệ thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Tuệ thân không đầy đủ mà giải thoát thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát thân không đầy đủ mà giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.

“Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giới thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giới thân đầy đủ nên định thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Định thân đầy đủ nên tuệ thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Tuệ thân đầy đủ nên giải thoát thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát thân đầy đủ nên giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A. V. 21-22 Agārava (không cung kính).
[02] Hán: bất thiện quán 不 善 觀. Pāli: appatissa, không thuận tùng, không phục tùng, hay gây gổ.
[03] Hán: bất kính trọng 不 敬 重. Pāli: asabhāgavuttika, không có lễ nghi, vô lễ.
[04] Hán: oai nghi pháp 威 儀 法. Pāli: ābhisamācarikaṃ dhammaṃ, hành nghi lễ tiết.
[05] Bản Pāli: sīlāni aparipūretvā sammādiṭṭhi paripūressati, các giới không viên mãn mà chánh kiến viên mãn.

-ooOoo-

50. KINH CUNG KÍNH (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh.

“Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm hạnh mà pháp oai nghi đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.

“Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắc xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tham chiếu Kinh số 49 trên.

-ooOoo-

51. KINH BỔN TẾ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế[02] cùng cực của hữu ái[03]. Trước vốn không có hữu ái, nhưng nay sanh ra hữu ái, do đó mới có thể biết được nhân của hữu ái[04].

“Hữu ái có tập[05] chứ không phải không tập. Tập của hữu ái là gì? Vô minh là tập.

“Vô minh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô minh là gì? Năm triền cái[06] là tập.

“Năm triền cái cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của năm triền cái là gì? Ba ác hành là tập.

“Ba ác hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là tập.

“Không thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là tập.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy[07] là tập.

“Không chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không chánh tư duy là gì? Không có tín là tập.

“Không có tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không có tín là gì? Nghe pháp ác[08] là tập.

“Nghe pháp ác cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe điều ác là gì? Gần gũi ác tri thức[09] là tập.

“Gần gũi ác tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác[10] là tập.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Minh giải thoát[11] cũng có tập, chứ không phải không tập. Tập của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là tập. Bảy giác chi cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là tập. Bốn niệm xứ có tập chứ không phải không tập. Tập của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hành là tập. Ba diệu hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba diệu hành là gì? Thủ hộ các căn là tập. Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập. Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập. Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập. Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Nghe pháp thiện[12] là tập. Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là tập. Gần gũi thiện tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện[13] là tập.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tham chiếu Pāli A.x. 61-62 Āhāra. Đối chiếu biệt dịch No. 36. Phật Thuyết Bản Tướng Ỷ Trí Kinh, An Thế Cao dịch; No. 37 Phật Thuyết Duyên Bản Trí Kinh, khuyết danh người dịch. (Bản Hán dịch này khá kỳ, khó hiểu).
[02] Hán: bổn tế 本 際. Pāli: purimā koṭi, biên tế tối sơ, giới hạn thời gian về trước.
[03] Hán: hữu ái 有 愛. Pāli: bhava-taṇhā: khao khát hiện hữu hay khát vọng sinh tồn.
[04] Hán: tiện đắc khả tri sở nhân hữu ái. Pāli: atha ca pana paññāyati ‘idappaccayā bhavataṇhā ti.
[05] Lưu ý chữ Hán: tập 習 theo nghĩa tập quán hay tập nhân, chứ không phải tập 集 theo nghĩa tập khởi (tập hợp). Chỉ tìm thấy một từ Pāli (āhāra: thức ăn) tương đồng với hai từ Hán dịch trong kinh này và các kinh sau: tập và thực. Như vậy, phải có hai từ Sanskrit hay Pāli khác nhau. Hiện chưa suy ra được. No.36 và 37 dịch là hữu bản 有 本, hay tùng trí hữu bản 從 致 有 本.
[06] Hán: ngũ cái 五 蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.
[07] Hán: bất chánh tư duy 不 正 思 惟. Pāli: ayoniso manasikāraṃ, không như lý tác ý, tư duy không phương pháp.
[08] Hán: ác pháp 惡 法. Pāli: asaddhamma, pháp không vi diệu, không chân chánh.
[09] Hán: ác tri thức 惡 知 識, xem cht. dưới.
[10] Bản Hán đề cập ác thiện tri thức và ác nhân. Bản Pāli chỉ đề cập asappurisa, không phải thiện nhân.
[11] Minh giải thoát 明 解 脫. Pāli: vijjā-vimutti.
[12] Pāli: saddhamma, diệu pháp, chánh pháp.
[13] Hán: thiện nhân 善 人. Pāli: sappurisa, người lỗi lạc, siêu việt; chân nhân, thượng nhân, thiện sĩ.

-ooOoo-

52. KINH THỰC (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế[02] cùng cực của hữu ái. Trước vốn không có hữu ái, nhưng nay sanh ra hữu ái, do đó mới có thể biết được nhân của hữu ái.

“Hữu ái có thức ăn[03] chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.

“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái[04] là thức ăn.

“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.

“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.

“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.

“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.

“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.

“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Gần gũi ác tri thức là thức ăn.

“Gần gũi ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Sông lớn là thức ăn.

“Sông lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông lớn là gì? Sông nhỏ là thức ăn.

“Sông nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông nhỏ là gì? Lạch lớn[05] là thức ăn.

“Lạch lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch lớn là gì? Lạch nhỏ là thức ăn.

“Lạch nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch nhỏ là gì? Suối, chằm trong các sườn núi là thức ăn.

“Suối, chằm trong các sườn núi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của suối, chằm trong các sườn núi là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Giống như vậy, hữu ái cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.

“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái là thức ăn.

“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.

“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.

“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.

“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.

“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.

“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Gần gũi ác tri thức là thức ăn.

“Gần gũi ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.

“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.

“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.

“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.

“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.

“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.

“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.

“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là thức ăn.

“Gần gũi thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Sông lớn là thức ăn.

“Sông lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông lớn là gì? Sông nhỏ là thức ăn.

“Sông nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của sông nhỏ là gì? Lạch lớn là thức ăn.

“Lạch lớn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch lớn là gì? Lạch nhỏ là thức ăn.

“Lạch nhỏ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của lạch nhỏ là gì? Suối, chằm trong các sườn núi là thức ăn.

“Suối, chằm trong các sườn núi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của suối, chằm trong các sườn núi là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Cũng vậy, minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.

“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.

“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.

“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.

“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.

“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.

“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.

“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là thức ăn.

“Gần gũi thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”. Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tham chiếu Pāli: A.x. 61-62 Āhāra. Tham chiếu thêm Kinh 51 trên.
[02] Phần lớn nội dung giống như Kinh 51 trên, chỉ khác ở chỗ Kinh 51 nói là tập (nguyên nhân tập khởi) thì kinh này nói là thực (thức ăn).
[03] Hán: hữu ái giả tắc hữu thực 有 愛 者 則 有 食. Pāli: bhavataṇhaṃ pāhaṃ, bhikkhave, sāhāraṃ vadāmi, “Ta nói, này các Tỳ-kheo, hữu ái có thức ăn.” Kinh 51: tập, chỉ cho nguyên nhân tập khởi. Bản Pāli: āhāra (thức ăn) đồng nghĩa paccāya (duyên).
[04] Xem cht.6 Kinh 51.
[05] Hán: đại xuyên 大 川. Pāli: mahāsobbha, hồ lớn.

-ooOoo-

53. KINH THỰC (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế cùng cực của hữu ái. Trước vốn không có hữu ái, nhưng nay sanh ra hữu ái, do đó mới có thể biết được nhân của hữu ái.

“Hữu ái có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của hữu ái là gì? Vô minh là thức ăn.

“Vô minh cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của vô minh là gì? Năm triền cái là thức ăn.

“Năm triền cái cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của năm triền cái là gì? Ba ác hành là thức ăn.

“Ba ác hành cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là thức ăn.

“Không thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn.

“Không chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh tư duy là gì? Không có tín là thức ăn.

“Không có tín cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không có tín là gì? Nghe pháp ác là thức ăn.

“Nghe pháp ác cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của nghe pháp ác là gì? Gần gũi ác tri thức là thức ăn.

“Gần gũi ác tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là thức ăn.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hạnh rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Cũng giống như vậy, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được tựu thành trọn vẹn.

“Minh giải thoát cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là thức ăn.

“Bảy giác chi cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là thức ăn.

“Bốn niệm xứ cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hạnh là thức ăn.

“Ba diệu hạnh cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của ba diệu hạnh là gì? Thủ hộ các căn là thức ăn.

“Thủ hộ các căn cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là thức ăn.

“Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn.

“Chánh tư duy cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh tư duy là gì? Tín là thức ăn.

“Tín cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của tín là gì? Nghe điều thiện là thức ăn.

“Nghe điều thiện cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của nghe điều thiện là gì? Gần gũi thiện tri thức là thức ăn.

“Gần gũi thiện tri thức cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của gần gũi thiện tri thức là gì? Người thiện là thức ăn.

“Biển cả cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của biển cả là gì? Mưa là thức ăn.

“Có lúc mưa lớn. Mưa lớn rồi thì suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy. Suối, chằm trong các sườn núi tràn đầy rồi thì lạch nhỏ tràn đầy. Lạch nhỏ tràn đầy rồi thì lạch lớn tràn đầy. Lạch lớn tràn đầy thì sông nhỏ tràn đầy. Sông nhỏ tràn đầy thì sông lớn tràn đầy. Sông lớn tràn đầy thì biển cả tràn đầy. Như vậy, biển cả kia lần hồi tràn đầy trọn vẹn.

“Cũng giống như vậy, có đủ người thiện liền có đủ sự gần gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tham chiếu Kinh 52 trên.

-ooOoo-

54. KINH TẬN TRÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-sấu[02], trú trong Kiếm-ma-sắt-đàm[03], đô ấp của Câu-lâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Có tri, có kiến, mới có chứng đắc lậu tận, chứ không phải không tri, không kiến.

“Thế nào là có tri, có kiến mới chứng đắc lậu tận? Tri kiến như thật về sự Khổ liền chứng đắc lậu tận. Tri kiến như thật về Khổ tập, tri kiến như thật về Khổ diệt và tri kiến như thật về Khổ diệt đạo liền chứng đắc lậu tận.

“Tận trí có tập[04] chứ không phải không tập. Tập của tận trí là gì? Giải thoát là tập.

“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là nhân.

“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.

“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yểm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn.

“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.

“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.

“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.

“Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.

“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.

“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.

“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Thủ hộ giới là tập.

“Thủ hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.

“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.

“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.

“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.

“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Quán pháp nhẫn là tập.

“Quán pháp nhẫn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán pháp nhẫn là gì? Tụng đọc pháp là tập.

“Tụng đọc pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tụng đọc pháp là gì? Thọ trì pháp là tập.

“Thọ trì pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ trì pháp là gì? Quán nghĩa của pháp là tập.

“Quán nghĩa của pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán nghĩa của pháp là gì? Lỗ tai[05] là tập.

“Lỗ tai cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lỗ tai là gì? Nghe pháp thiện[06] là tập.

“Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Đi đến[07] là tập.

“Đi đến cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của đi đến là gì? Phụng sự[08] là tập.

“Nếu ai phụng sự thiện tri thức, điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.

“Như vậy, nếu ai không phụng sự thiện tri thức thì làm tổn hại tập của phụng sự. Nếu không phụng sự thì làm tổn hại tập của sự đi đến. Nếu không đi đến thì làm tổn hại tập của sự nghe pháp thiện. Nếu không nghe pháp thiện thì làm tổn hại tập của lỗ tai. Nếu không có lỗ tai thì làm tổn hại tập của sự quán nghĩa của pháp. Nếu không quán nghĩa của pháp thì làm tổn hại tập của thọ trì pháp. Nếu không thọ trì pháp thì làm tổn hại tập của tụng đọc pháp. Nếu không tụng đọc pháp thì làm tổn hại cái nhân quán pháp nhẫn. Nếu không quán pháp nhẫn thì làm tổn hại tập của của tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại tập của chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì làm tổn hại tập của chánh niệm chánh trí. Nếu không chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ các căn. Nếu không thủ hộ các căn thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ giới, sự không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, thấy như thật, biết như chơn, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại tập của tận trí.

“Nếu ai phụng sự thiện tri thức thì điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.

“Như vậy, nếu ai phụng sự thiện tri thức thì có tập[09] phụng sự. Nếu đã phụng sự thì có tập đi đến. Nếu đã đi đến thì có tập nghe pháp thiện. Nếu đã nghe pháp thiện thì có tập lỗ tai. Nếu có lỗ tai thì có tập quán nghĩa của pháp. Nếu đã quán nghĩa của pháp thì có tập thọ trì pháp. Nếu đã thọ trì pháp thì có tập tụng đọc pháp. Nếu đã đọc tụng pháp thì có tập quán pháp nhẫn. Nếu đã quán pháp nhẫn thì có tập tín. Nếu đã có tín thì có tập chánh tư duy. Nếu đã có chánh tư duy thì có tập chánh niệm chánh trí. Nếu đã chánh niệm chánh trí thì có tập thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì có tập tận trí”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu các Kinh 42, 51-53.
[02] Câu-lâu-sấu 拘 樓 瘦. Pāli: Kurusu giữa những người Kuru, tên bộ tộc, cũng là tên nước.
[03] Kiếm-ma-sắt-đàm 劍 摩 瑟 曇. Pāli: Kammāsadhamma.
[04] Xem cht.5, Kinh 51 trên.
[05] Nhĩ giới 耳 界.
[06] Thiện pháp 妙 法, đây muốn nói là diệu pháp hay chánh pháp.
[07] Hán: vãng nghệ 往 詣. Pāli?
[08] Phụng sự 奉 事. Pāli: sevanā, thân cận, phụng sự.
[09] Tập, đây được hiểu là duyên, tức dẫn đến, hay làm điều kiện cho. Tham chiếu Kinh 55 dưới.

-ooOoo-

55. KINH NIẾT-BÀN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Niết-bàn có tập[02] chứ không phải không tập. Tập của Niết-bàn là gì? -Giải thoát là tập.

“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là tập.

“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.

“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yếm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn là tập.

“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.

“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.

“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.

“Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.

“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.

“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.

“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Hộ giới là tập.

“Hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.

“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.

“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.

“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.

“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Khổ là tập.

“Khổ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của khổ là gì? Già chết là tập.

“Già chết cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của già chết là gì? Sanh là tập.

“Sanh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sanh là gì? Hữu là tập.

“Hữu cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hữu là gì? Thủ[03] là tập.

“Thủ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ là gì? Thọ[04] là tập.

“Thọ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ là gì? Xúc[05] là tập.

“Xúc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của xúc là gì? Sáu xứ là tập.

“Sáu xứ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sáu xứ là gì? Danh sắc là tập.

“Danh sắc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của danh sắc là gì? Thức là tập.

“Thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thức là gì? Hành là tập.

“Hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hành là gì? Vô minh là tập.

“Như vậy, duyên[06] vô minh có hành; duyên hành có thức; duyên thức có danh sắc; duyên danh sắc có sáu xứ; duyên sáu xứ có xúc; duyên xúc có thọ; duyên thọ có ái; duyên ái có thủ; duyên thủ có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già chết; duyên già chết có khổ. Tập khổ mới có tín; tập tín mới có chánh tư duy; tập chánh tư duy mới có chánh niệm chánh trí; tập chánh niệm chánh trí mới có thủ hộ các căn, hộ trì giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Có tập giải thoát mới chứng đắc Niết-bàn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không thấy Pāli tương đương.
[02] Xem cht.5, Kinh 51 trên. Tham chiếu Kinh 42 trên.
[03] Hán: thọ 受, thường nói là thủ. Pāli: upādāna.
[04] Hán: giác 覺, thường nói là thọ. Pāli: vedanā.
[05] Hán: canh lạc 更 樂, thường nói là xúc. Pāli: phassa.
[06] Tham chiếu cht.9 Kinh 54 trên.

-ooOoo-

56. KINH DI-HÊ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trong một cái hang trong rừng Mãng nại[02], thôn Xà-đấu[03].

Bấy giờ Tôn giả Di-hê[04] làm thị giả Phật.

Vào buổi sáng sớm, Tôn giả Di-hê mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, Tôn giả Di-hê đến bờ sông Kim-bệ[05], thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái[06]. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong[07] chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, Tôn giả hoan hỷ, thầm nghĩ: “Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu tộc tánh tử[08] nào muốn tu pháp đoạn trừ[09] thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ[10], có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?”

Liền đó, sau khi ăn xong, Di-hê thu xếp y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn[11] lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay con mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, con đến bờ sông Kim-bệ, thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, con hoan hỷ, thầm nghĩ: ‘Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu tộc tánh tử nào muốn tu pháp đoạn trừ thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ, có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?’ Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.

Tôn giả Di-hê lặp lại ba lần bạch:

“Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.

Đức Thế Tôn cũng ba lần nói rằng:

“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.

Di-hê lại bạch rằng:

“Thế Tôn không có việc cần làm, không có phận sự cần hoàn tất, không có điều gì cần phải quán sát[12] Con còn có những bổn phận, những điều phải làm, những điều phải quán sát. Bạch Thế Tôn, con đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Di-hê, ngươi mong cầu sự đoạn trừ[13], Ta có gì để nói thêm nữa? Di-hê, ngươi cứ đi, làm theo những gì mà ngươi muốn”.

Bấy giờ Di-hê sau khi nghe lời Đức Phật dạy, khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ và khéo tụng tập. Tôn giả liền đảnh lễ sát chân Đức Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi.

Sau khi đến rừng xoài, vào rừng, Tôn giả đi đến một gốc cây, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kết già. Tôn giả Di-hê sống trong rừng xoài, sanh khởi lên ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại[14]. Do đó, Tôn giả liền nghĩ đến Đức Thế Tôn.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn, đảnh lễ chân Ngài, ngồi sang một bên và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đến rừng xoài kia, ngồi ở chỗ yên tĩnh, liền sanh khởi ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại. Do đó, con liền nghĩ đến Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Di-hê, tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?

“Di-hê, Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức[15]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo phải tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát[16], lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Di-hê, với tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.  “Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện[17]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.

“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt[18], phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.

“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộ[19] để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng.

“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-hê và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A. ix.3. Meghiya.
[02] Mãng nại lâm 莽 柰 林, tức khu rừng xoài. Pāli: ambavana.
[03] Xà-đấu thôn 闍 鬥 村. Pāli: Jantugāma, gần làng Calikā. Pāli: cālikāyaṃ viharati cālikāpabbate, trú ở làng Calikā, trên núi Cālikapabbata. Phật an cư vào mùa mưa ở đây vào các năm thứ 13, 18 và 19, sau khi thành đạo. Calikapabbata là một ngọn đồi màu trắng nên vào những đêm tối người ta thấy nó hình như chuyển động.
[04] Di-hê. Pāli: Meghiya.
[05] Kim-bệ 金 鞞. Pāli: Kimikālā.
[06] Hán: danh hảo nại lâm 名 好 柰 林. Pāli: addasā… ambavanaṃ pāsādikaṃ ramaṇyaṃ, thấy khu rừng xoài xinh đẹp, đáng ưa.
[07] Hán: tuyền thủy 泉 水.
[08] Tộc tánh tử 族 姓 子, cũng thường nói thiện nam tử hay thiện gia nam tử, Pāli: kulaputta.
[09] Hán: học đoạn. Pāli: (…) padhānatthikassa padhānāya, để (tu tập) tinh cần cho ai tinh cần. Bản Hán, đọc pahāna (đoạn trừ) thay vì padhāna (tinh cần).
[10] Hán: hữu sở đoạn 有 所 斷. Xem cht. trên.
[11] Ni-sư-đàn 尼 師 檀. Pāli: nisīdana, tọa cụ, khăn trải ngồi.
[12] Hán: vô vi, vô tác, diệc vô sở quán 無 為 無 作 亦 無 所 觀. Pāli: natthi kiñci uttari karanīyaṃ, natthi katassa paṭicayo, không có phận sự gì thêm nữa, không có việc làm thêm đối với điều đã làm.
[13] Nghĩa là, “muốn tinh cần”.
[14] Dục niệm nhuế niệm hại niệm 欲 念. Pāli: kāma-vitakka, vyāpāda-vitakka, vihiusā-vitakka, suy cầu tham dục, suy cầu sân hận, suy cầu bức hại.
[15] Pāli: kayāṇamitto hoti kalyāṇasahāyo kalyāṇasampavaṅko, là bạn tốt, người đồng hành tốt, thân hữu tốt.
[16] Tùng giải thoát, tức biệt giải thoát, hay Ba-la-đề-mộc-xoa.
[17] Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không trút bỏ gánh nặng trong các pháp thiện.
[18] Thánh tuệ minh đạt 聖 慧 明 達. Pāli: ariyanibbedhikapaññā, trí tuệ quyết trạch của Thánh.
[19] Ố (hay ác) lộ 惡 露. Pāli: asubha, bất tịnh

-ooOoo-

57. KINH TỨC VỊ TỲ-KHEO THUYẾT[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói các Tỳ-kheo rằng:

“Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?

“Tỳ-kheo, tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.

“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộâ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.

“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.

“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.

“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.

“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.

“Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng. Nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.ix.1 Sambodhi. Tham chiếu Kinh 56 trên.

-ooOoo-

Tiêu điểm:
Các tin đã đăng: