GHI CHÚ
Ghi Chú (1)
Bản dịch này đáng lẽ cũng chia kinh Địa tạng làm 2 cuốn như Chính
13/777-790, nhưng vẫn chia làm 3 cuốn như nguyên bản thường là để dễ thích ứng
với thì gian trì tụng.
Ghi Chú (2)
Tạm dịch tên 23 định như sau: 1. định có thể phát ra trí giác, 2. định
đầy đủ trí giác vô biên, 3. định đầy đủ trí giác trong sạch, 4. định đầy đủ trí
giác hổ thẹn, 5. định đầy đủ trí giác các thừa, 6. định đầy đủ trí giác không
lo, 7. định đầy đủ trí giác thần thông, 8. định soi khắp thế gian, 9. định đèn
đuốc chư Phật, 10. định ánh sáng kim cương, 11. định trí giác khó phá, 12. định
ánh sáng của điện, 13. định đầy đủ mùi vị hơn hết, 14. định đầy đủ tinh chất
hơn hết, 15. định đầy đủ đồ dùng hơn hết, 16. định dẫn ra trí tuệ không cãi,
17. định dẫn ra phấn chấn hơn hết, 18. định dẫn ra ánh sáng đường đời, 19. định
khéo ở kim cương hơn hết, 20. định dẫn ra quán sát tăng thượng, 21. định đầy đủ
từ bi, 22. định dẫn ra phước đức, 23. định ánh sáng điện biển.
Ghi Chú (3)
Ngũ trược, hay ngũ trược ác thế, mà trong kinh Thập luân, ngài Huyền
Trang đã dịch ngũ trược ác thời, là thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục -- thời
kỳ mà nói chung là kiếp trược (thời kỳ vẩn dục: thời kỳ dữ dội), vì có kiến
trược (kiến thức vẩn đục: kiến thức sai lầm), có phiền não trược (tâm lý vẩn
đục: tâm lý độc ác), có chúng sinh trược (con người vẩn đục: con người xấu
kém), và có mạng trược (đời sống vẩn đục: đời sống ngắn ngủi). Giai đoạn ngũ
trược thì dẫn đến giai đoạn tam tai, tức là 3 tai nạn đao binh, tật dịch, cơ
cẩn (chiến tranh, nhiễm độc, nhân mãn). Sự dữ dội của tam tai thì cứ nhìn vào
thế giới ngày nay cũng đủ thấy, không đợi phải tả lúc ấy con người thấy cái gì
cũng là vũ khí, và một lá cỏ giết người còn hơn tất cả binh chủng toàn cõi Ấn
độ xưa.
Ghi Chú (4)
Phải nói rõ vị thứ đối với mình của người mình cầu an cầu siêu cho.
Nếu nhiều người cùng lúc lễ bái trì tụng thì chỉ bạch "Đệ tử chúng con
nguyện cầu siêu cho những người quá vãng và cầu an cho những người hiện
còn".
Ghi Chú (5)
Khuy cơ đại sư nói, khi giải thích chữ Phật trong câu "nhất thời
Phật tại", rằng xét bản chữ Phạn của các kinh đều gọi đức bổn sư là Bạc dà
phạn (Thế tôn). Đức Bổn sư dạy để chữ ấy vì chữ ấy gồm đủ các đức tính. Nhưng
dịch chủ ý muốn vắn tắt nên để chữ Phật (Vạn 33/71B).
Ghi Chú (6)
Hai lần không thể nói hết là 1 trong những số rất nhiều.
Ghi Chú (7)
Thế giới hệ nghĩa là một hệ thống thế giới. Thế giới, quốc độ, hầu hết
những chữ ấy tôi đã đổi ra chữ thế giới hệ, để mong hình dung nổi một thế giới
của hóa thân Phật giáo hóa. Nên tạm đối chiếu thế giới hệ như vậy với các thiên
hà trong thiên văn. Nhưng thế giới hệ chỉ là đại thiên thế giới (tam thiên đại
thiên thế giới), chưa phải hoa tạng thế giới hay thế giới chủng.
Ghi Chú (8)
Chính văn bất khả tư nghị có khi để nguyên, có khi được dịch là siêu
việt, có khi được dịch là không thể nghĩ bàn. Bất khả tư nghị có nghĩa là siêu
việt tư duy và mô tả. Ở chỗ khác, từ ngữ này có khi chỉ cho thật tướng
"ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt": chỉ cho Không. Nhưng ở kinh
này thì từ ngữ này hầu hết chỉ có nghĩa siêu việt, vĩ đại, không thể nghĩ và
nói cho thấu; có khi chỉ có nghĩa phi thường, đặc biệt, không thể nghĩ và nói
một cách bình thường.
Ghi Chú (9)
Ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái, chính văn là bách thiên vạn ức đại
quang minh vân, dịch đủ là vầng mây ánh sáng rực rỡ đủ cả trăm ngàn vạn ức sắc
thái. Ánh sáng ngàn vạn ức sắc thái là ánh sáng biểu thị vô số các pháp mà Phật
có và muốn truyền đạt, tức đại viên mãn, v/v. Nhìn vào ánh sáng này, bực thượng
căn nhìn ra và có được các pháp ấy. Thuyết pháp và nghe pháp như vậy là sắc
trần thuyết pháp. Mà lục trần đều thuyết pháp cả. Nên thế giới Hương tích
thuyết pháp bằng hơi thơm và đó là hương trần thuyết pháp. Phải coi thêm các
chú thích 11 và 12 dưới đây.
Ghi Chú (10)
Không thể nói hết cũng là 1 số nhiều, sau số hai lần không thể nói hết.
Ghi Chú (11)
Âm thanh đủ mọi sắc thái mầu nhiệm, chính văn là chủng chủng vi diệu
chi âm, dịch sát là âm thanh đủ thứ mầu nhiệm. Âm thanh đây là tiếng. Chưa phải
nói, chưa phải ngôn ngữ. Tức như tiếng Phật mở cửa tháp Đa bảo hay 2 tiếng dằng
hắng và đàn chỉ trong Pháp hoa. Âm thanh đây có lúc cũng là nói, nhưng chỉ như
Phật nói "Thiện lai tỷ kheo" (cách Phật truyền giới; người được nói
với, nghe, là thành tỷ kheo). Âm thanh đủ sắc thái mầu nhiệm là âm thanh biểu
thị vô số các pháp mà Phật có và muốn truyền đạt, tức lục độ, v/v. Các bậc
thượng căn nghe âm thanh này là nghe ra và có được các pháp ấy. Thuyết pháp và
nghe pháp như vậy là thanh trần thuyết pháp. Sau ánh sáng và âm thanh, Phật
nói, chỉ là nói lại những gì 2 thứ ấy biểu thị, và nói cho những ai phải hiểu
bằng lời nói. Lời nói cũng là thanh trần, nhưng sau âm thanh nhiều lắm, đến nỗi
văn thân, danh thân và cú thân thì đã là bất tương ưng hành pháp.
Ghi Chú (12)
Ánh sáng và âm thanh mà Phật phóng xuất là vài thần lực của ngài, có
tác dụng vừa biểu thị các pháp mà ngài muốn truyền đạt, vừa làm cho những người
có cơ duyên đến dự pháp hội Phật tuyên thuyết về các pháp ấy - tức kinh này đây.
Ghi Chú (13)
Phi phi tưởng là Phi tưởng phi phi tưởng, nhưng gọi tắt là Phi phi
tưởng lại chỉnh hơn.
Ghi Chú (14)
Kinh này hay dùng chữ đại sĩ đễ gọi đức Địa tạng. Bản dịch này dùng
toàn chữ này thay hết những chữ khác nữa đã gọi ngài. Và chỉ ngài mới gọi bằng
chữ đại sĩ.
Ghi Chú (15)
Tám bộ thiên long là 8 bộ loại: 1. Thiên: chư thiên, 2. Long: chúa
thủy tộc, 3. Dạ xoa: quỉ thần phi hành không gian, 4. Càn thát bà: nhạc thần
tấu nhạc thế tục của Đế thích, 5. A tu la: thần hay chiến đấu với Đế thích, 6.
Ca lâu la: thần kim sí điểu, 7. Khẩn na la: ca thần tấu nhạc chánh pháp của Đế
thích, 8. Ma hầu la dà: thần địa long. Tám bộ thiên long cũng gọi là 8 bộ, 8 bộ
long thần, thiên long quỉ thần. Tám bộ này khác 8 bộ quỉ chúng của 4 Thiên
vương thống lãnh. Trong 8 bộ, thiên và long linh nhất nên hay gọi là 8 bộ thiên
long. Lại nữa, 8 bộ thiên long thường kèm theo từ ngữ ờnhân phi nhânở, có nghĩa
tất cả 8 bộ khi đến Phật thì hiện thân người, nhưng gốc của họ không phải loài
người, nên gọi là nhân phi nhân (người không phải người). Trường hợp nhân phi
nhân có nghĩa nhân loại và loài khác, thì từ ngữ này cũng hay đi sau từ ngữ 8
bộ thiên long, nhưng loài khác là 8 bộ thiên long (và 8 bộ quỉ chúng).
Ghi Chú (16)
Thì gian lâu dài, chính văn là vĩnh. Vĩnh nghĩa là vĩnh viễn, lâu dài,
rất lâu. Kinh này phần nhiều là 2 nghĩa sau.
Ghi Chú (17)
Sáu đường (lục đạo) là địa ngục, quỉ, súc sinh (thường gọi là 3 đường
dữ) và trời, người, a tu la (trời và người thường gọi là đường lành). Sáu đường
có khi thu lại 5 đường (ngũ đạo) thì a tu la gồm vào trong quỉ và trời. Đường,
chính văn là đạo, có nghĩa những nẻo đường chúng sinh qua lại lên xuống; cũng
gọi là thú, có nghĩa những hướng chúng sinh đi mau đến. Do đó, 6 đường có khi
cũng dịch 6 loài.
Ghi Chú (18)
Trăm triệu, chính văn là na do tha, ngài La thập dịch là cai, ngài
Khuy cơ giải là trăm triệu (Vạn 52/447B).
Ghi Chú (19)
Đọc thấy như thế này đừng nghĩ thành Phật rồi không còn độ sinh nữa.
Trái lại. Thành Phật là để độ sinh, và độ sinh mới nhiều hơn. Nên chính đức Địa
tạng cũng hiện thân Phật mà độ sinh (Chính 13/725). Như vậy, nói như trên đây
về đại nguyện của đức Địa tạng chỉ là đề cao một đại nguyện đặc biệt của một vị
đại sĩ độc đáo. Những cách nói sau này cũng vậy.
Ghi Chú (20)
Kiếp vô số là a tăng kỳ tiếp. A tăng kỳ là vô số (1 trong các số rất
lớn). A tăng kỳ kiếp là thời kỳ dài vô số.
Ghi Chú (21)
Giáo pháp tương tự, chính văn là tượng pháp. Sự tồn tại của giáo pháp
Phật có 3 thời kỳ: thời kỳ giáo pháp nguyên chất (chánh pháp, có sự giải thoát
kiên cố), thời kỳ giáo tương tự (tượng pháp, có sự thiền định kiên cố) và thời
kỳ giáo pháp cuối cùng (mạt pháp, chỉ có sự đấu tranh kiên cố). Hiện nay là
thời kỳ giáo pháp cuối cùng của đức Bổn sư.
Ghi Chú (22)
Nghiệp thức, chính văn là hồn thần, 1 chữ có vẻ cố ý dùng cho phổ
thông. Nhưng chữ ấy có những ý tưởng trái với Phật pháp. Chữ ấy đúng ra phải
nói là nghiệp thức, tức di thục thức trong Duy thức học hay thức và hữu trong
12 duyên khởi, là trung hữu trong 4 hữu, nên phải đổi lại cho xác. Nghiệp thức
là thức đã huân tập nghiệp một cách thành thục, nên ngay hiện tại mà đã hình
thành nghiệp quả vị lai: đang là con người mà đã thấy sẽ là ông trời hay con
vật (nghiệp quả vị lai ấy là sinh trong 12 duyên khởi).
Ghi Chú (23)
Diêm phù, nói giản dị, là thế giới loài người chúng ta đây.
Ghi Chú (24)
Nhân tố thánh thiện, hay nhân tố thánh thiện và thượng đẳng, là dịch
những chữ thiện nhân, thánh nhân, thánh phần, thánh sự, thiện sự, thiện duyên,
thánh thượng nhân. Những chữ này, ở kinh này, dầu gồm có chữ thánh cũng vẫn
chưa phải chỉ cho nhân tố vô lâểu, mà chỉ là những việc thiện kinh này đề ra,
quan trọng là niệm Phật, trì kinh này, bố thí hiến cúng, không sát sinh ...
Việc thiện như vậy là nhân tố sinh nhân thiên. Và sẽ trở thành nhân tố vô lậu
nếu biết hồi hướng cho chúng sinh, nghĩa là làm cho nhân tố thánh thiện vượt
lên (siêu thánh nhân) như kinh này dạy rõ.
Ghi Chú (25)
Toàn là địa ngục, chính văn là thị giai địa ngục, thị, có bản chép
đại: sai.
Ghi Chú (26)
Tuệ giác vô thượng, chính văn là a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, dịch
ý là vô thượng chánh đẳng giác: tuệ giác biết đúng, biết khắp và biết hơn hết.
Tuệ giác ấy là của Phật, và được gọi tắt là vô thượng bồ đề (tuệ giác vô
thượng).
Ghi Chú (27)
Phân hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức là, theo kinh Phạm Võng (Chính
24/997), Phật từ bản thân phân hóa một ngàn thân, một ngàn thân này mỗi thân
phân hóa một trăm ức thân nữa. Như vậy ngàn trăm ức nghĩa là một ngàn và một
ngàn lần trăm ức. Thân Phật trong lịch sử loài người là 1 trong số một ngàn lần
trăm ức. Nhưng một ngàn và một ngàn lần trăm ức như vậy chỉ là nói Phật phân
hóa thân Phật, chưa nói Phật phân hóa thân khác và phân hóa cảnh vật - là 2 sự
phân hóa mà kinh Địa tạng này kể ra một số ở dưới. Phật nói chính ta cũng phân
hóa thân hình ra cả ngàn trăm ức, Phật ấy, đối với chúng ta thì chỉ là một
trong số một ngàn lần trăm ức, nhưng đối với đức Địa tạng thì ít nhất cũng là
bản thân đã phân hóa ra ngàn trăm ức thân hình (như Phạn võng nói) lại phân hóa
thân khác và phân hóa cảnh vật (như một phần nữa của kinh này nói).
Ghi Chú (28)
Bản in năm 2514 (1970) tôi đã chuyển văn một chút mà dịch: Hoặc hiện
sông núi, bình nguyên, ao hồ, suối giếng, lợi ích tất cả, toàn là tác dụng hóa
độ. Nay trích ra đây để làm cho câu này rõ nghĩa hơn. Về chữ bình nguyên, chính
văn là nguyên, không nên cố hiểu như có bộ thủy rồi dịch là suối nguồn.
Ghi Chú (29)
Dịch sát: ... thì đại sĩ hãy nhớ, tại cung trời Đao lợi này ta đã
thiết tha ký thác, mà làm cho chúng sinh thế giới hệ Sa bà trong quãng từ nay
đến ngày Di lạc từ tôn xuất thế, đều được giải thoát, xa hẳn mọi sự thống khổ,
gặp Phật thọ ký cho.
Ghi Chú (30)
Đức Phật của mình, chính văn là kỳ Phật. Chữ kỳ Phật ấy là chữ duy
nhất và rất đúng. Trong phần dẫn nhập, phẩm 1 đã nói thần lực tại cung Đao lợi
có 1 phần không nói mà thấy rất rõ, đó là biến cung Đao lợi vốn rất lớn và
trang nghiêm càng lớn và trang nghiêm vô tận, trường hợp như Bồ đề tràng trong
Hoa nghiêm. Đến phẩm này, khi nói "Ðức Thế Tôn đưa cánh tay vàng xoa trên
đỉnh đầu hết thảy thân hình của Địa tạng đại sĩ đã phân hóa tại các thế giới hệ
nhiều đến vô số con số vô số". Nói như vậy mà không thêm ít nhất là mấy
chữ "bằng thần lực" vào trước hay sau mấy chữ Ðức Thế Tôn, nhưng ta
vẫn thấy thần lực ấy rất rõ. Đó là nói về Phật. Còn đức Địa tạng thì nội một
việc phân thân cũng đã thấy ngài là vị pháp thân đại sĩ. Nên Đức Phật của ngài,
như trên, không phải chỉ là Đức Phật chúng sinh thấy được.
Ghi Chú (31)
Năm nghiệp dữ trong đoạn này nói, xét ra chính là 5 thứ mà các phẩm
sau gọi là 5 tội sa vào vô gián ngục, mặc dầu trong chi tiết thì nói cho người
xuất gia nhiều hơn. Trong đoạn này chính văn có câu "thiên vạn ức
kiếp" cần phải nói đến. Câu này không phải chỉ có trong đoạn này, mà kinh
này còn nhiều chỗ nữa cũng nói và có khi nói khác một chút. Câu này theo văn tự
thường và thường hiểu là ngàn vạn ức kiếp. Ý nghĩa câu này thì ngoại trừ nói
tổng quát, khoa dụ hay cảnh cáo, nói để biểu thị sự tối đa, còn có chỗ như đoạn
này lại có ý nói đến đại kiếp. Nhưng sự sống lâu tại vô gián ngục, theo 2 ngài
Khuy cơ và Cát tạng là các vị đáng học nhất, khi giải thích Pháp hoa (phẩm Thí
dụ) nói "nhập a tỳ ngục, cụ túc nhất kiếp" (Chính 9/15) thì kiếp ấy
là tiểu kiếp (tiểu kiếp của ngài La thập dịch là trung kiếp của ngài Huyền
tráng dịch). Tham chiếu Vạn 42/401B và Vạn 52/410B và 411A. Do vậy, "thiên
vạn ức kiếp" phải dịch một kiếp ngàn vạn ức năm (và ức kiếp nên dịch một
kiếp có ức năm ...).
Ghi Chú (32)
Năm sự ấy nói ngay ở dưới. Nhưng nói tắt và xác hơn thì cái tên vô
gián ngoài cái nghĩa của luận Câu xá nói chịu khổ một cách không có sự tạm
ngừng hay không có sự vui xen vào, còn có cái nghĩa của luận Thành thật nói đọa
vào vô gián ngục thì không có đời nào hay sát na nào xen cách vào. Nghĩa là đời
này chết là đời sau đọa liền, không có đời nào xen cách; hơn nữa, sát na này
chết là sát na sau đọa liền, không có sát na nào xen cách. Học lý này cho thấy
đọa vô gián ngục nặng ở chỗ không có cái thì gian 49 ngày để có thể làm phước
cứu vớt hiệu quả hơn.
Ghi Chú (33)
Dịch sát: mọi Khương, rợ Hồ, các sắc tộc phương đông và các sắc tộc
phương bắc. Tức là chỉ nói về mọi rợ. Nhưng ý thì ở đây rõ ràng phải nói cả mọi
rợ và văn minh.
Ghi Chú (34)
Đã sẩy vào trong dòng nước có lưới rồi, thì dẫu có lúc tạm thoát ra
khỏi lưới đi nữa, chính văn là thoát nhập tạm xuất (sẩy vào tạm thoát). Chữ sẩy
khá giống từ ngữ bất giác vọng động. Không bản chính nào chép thoát hoặc tạm
xuất (thảng hoặc tạm thoát). Với ví dụ này, kinh này nói giải thoát có 2: thoát
đường dữ (thoát lưới) và thoát cả 5 đường luân hồi (thoát dòng nước). Đó là nói
về quả. Nói về nhân thì ví dụ này cho thấy giải thoát là thoát thức tánh bất
định (thoát dòng nước) và thoát hoàn cảnh chi phối (thoát lưới); hoặc cạn hơn,
giải thoát là thoát nghiệp dữ (thoát lưới) và thoát hoàn cảnh chi phối (thoát
dòng nước). Như vậy sự giải thoát kinh này tuy có 2: có sự thoát tạm và có sự
thoát hẳn; nhưng sự thoát tạm (thoát lưới: thoát nghiệp dữ và đường dữ địa
ngục) là cần kíp nhất và kinh này rất quan tâm.
Ghi Chú (35)
Đàn chỉ, thường cắt nghĩa là gảy móng tay, có nghĩa móng tay này gảy
móng tay khác. Nhưng xét ra có lúc và có chỗ không ổn. Đàn là đánh, gõ, gảy;
chỉ là ngón tay, không phải móng tay. Như vậy đàn chỉ là đánh hay gõ ngón tay
vào vật khác (như gõ cửa) hay có nơi dùng 8 ngón tay của 2 bàn tay đánh vào
nhau (gần như vỗ tay). Đàn chỉ như vậy thì đúng nhu cầu của Tăng luật. Còn đàn
chỉ theo nghĩa tốc độ (như kinh này nói ở đây) thì cắt nghĩa thế nào cũng được.
Ghi Chú (36)
Y phục ở đây là vải lụa gấm vóc dùng làm khăn, đãy và hộp mà che phủ chứa
đựng.
Ghi Chú (37)
Chính văn đủ thì có 3: tước, cáp (bồ câu) và uyên ương. Riêng tước,
thường nói là chim sẻ, nhưng Địa tạng khoa chú (Vạn 35/264A) nói là khổng tước
(con công): loại chim dâm bậy nhất.
Ghi Chú (38)
Kiến thức sai lầm, chính văn là tà kiến, cốt yếu chỉ cho các chủ
thuyết phủ nhận nguyên lý nhân quả, nhất là nguyên lý nhân quả về thiện ác và
nghiệp báo. Tà kiến là ác kiến: kiến thức độc hại. Chỗ không có Phật pháp,
chính văn là biên địa: những địa phương biên thùy, nói rộng ra là những nơi
không có Phật giáo hay tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên, tà kiến và quả báo tà
kiến như thế này chưa đủ để diễn tả những chủ thuyết độc hại nhân loại hiện nay.
Ghi Chú (39)
Khổ báo hay phước báo đều có 3 giai đoạn. Ba giai đoạn của khổ báo:
giai đoạn chịu trước, chịu ngay trong đời này hay đời kế tiếp; giai đoạn chính
thức, chịu ngay trong đời kế tiếp hay các đời sau (trừ trường hợp sinh thân đọa
địa ngục); giai đoạn còn thừa, chịu trong các đời sau. Xét những quả khổ được
nói trong đoạn kinh này thì thấy phần nhiều giai đoạn chịu trước, cũng có thứ
là giai đoạn còn thừa. Hai giai đoạn này hay giống nhau, và phần nhiều chịu
trong loài người, còn giai đoạn chính thức thì toàn đọa 3 đường dữ mà khổ nhất
là địa ngục.
Ghi Chú (40)
Bốn chúng là tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Bốn chúng còn là
người (4 chúng trên), trời, rồng và thần (tức 8 bộ). Lại có pháp số 4 chúng nữa
tuy không chính thức mà rất đáng chú ý. Là với một pháp thoại của Phật có 1.
người phát khởi: người khơi động để Phật nói, 2. người đương cơ: những người
đối tượng của pháp Phật nói, 3. người ảnh hưởng: những người làm trang trọng
cho cuộc nói pháp ấy, 4. người kết duyên: những người kết duyên lành với pháp
ấy để tương lai chứng ngộ.
Ghi Chu (41)
Dịch sát: không bằng lòng chịu thay. Nhưng nghĩa chính là bằng lòng
chịu thay cũng không được.
Ghi Chú (42)
Vì tôi biết từ lâu, chính văn là ngô dĩ cửu tri. Chữ dĩ ở đây là vì,
không phải chữ dĩ là đã như bản khác chép. Chép dĩ là đã thì thừa và non.
Ghi Chú (43)
Viên sắt có cạnh sắc gai nhọn, chính văn là tật lê. Tật lê phải viết
bộ thảo, không phải bộ kim. Tật lê là vũ khí bằng sắt, làm giống trái tật lê,
thứ trái có 3 cạnh 4 gai, tức là có nhiều cạnh sắc gai nhọn. Vũ khí này mắc vào
một đầu giây xích. Người sử dụng móc tay vào đầu dây xích còn lại, rồi cánh tay
giật tới giật lui với một tốc độ mau và mạnh, vũ khí tật lê vung tới vung lui
làm cho nạn nhân khó né tránh cho khỏi. Vũ khí người học võ còn có cái gọi là
tật lê chùy, quân khí cũng có thứ gọi là thiết tật lê.
Ghi Chú (44)
Lược bớt chữ nhân phi nhân, chỉ để ngắn gọn mà thôi.
Ghi Chú (45)
Đem lại lợi ích trong nhân loại và chư thiên, chính văn là lợi ích
nhân thiên. chính văn ấy tuy cũng có thể hiểu và dịch là lợi ích cho nhân loại
và chư thiên, nhưng không chính xác với việc và ý bằng sự hiểu và dịch như đã
dịch. Dịch như đã dịch, có nghĩa là đem lại sự yên vui tuyệt diệu (thắng diệu
lạc mà ở đây gọi là lợi ích) cho nhân thiên và mọi loài (chính văn gọi là 6
đường chúng sinh). Thắng diệu lạc hay lợi ích như vậy tuy còn siêu việt lên nữa
chứ không phải chỉ có ở trong phạm vi nhân thiên, nhưng phần chính vẫn là ở
trong phạm vi ấy, nên gọi là "đem lại lợi ích trong nhân loại và chư
thiên".
Ghi Chú (46)
Y phục gấm lụa: coi lại chú thích 36 .
Ghi Chú (47)
Không mọi bịnh hoạn, chính văn là vô chư tật bịnh. Có bản chép thiếu 4
chữ này: sai.
Ghi Chú (48)
Diễn tấu nhạc khí, chính văn là tác chư kỷ nhạc. Câu này có chỗ còn là
biểu diễn kịch nghệ và hòa tấu nhạc khí. Dĩ nhiên kỷ nhạc ở đây là kỷ nhạc Phật
giáo. Riêng chữ kỷ phải viết bộ thủ hay bộ nhân, nghĩa là kỷthuật diễn tấu;
không phải viết bộ nữ, có nghĩa là kỷ nữ.
Ghi Chú (49)
Lắm sự kinh hãi, chính văn là yểm mị. Mị là ngủ say. Yểm là bóng đè,
ma đè, ác mộng, nói chung là những sự làm kinh hãi.
Ghi Chú (50)
Năm tội sa vào vô gián ngục, chính văn là ngũ vô gián tội, còn được
dịch là 5 nghiệp dữ vô gián hay dịch tắt hơn: 5 tội vô gián. Dịch thật rõ thì
ngũ vô gián tội là 5 tội sa vào địa ngục có 5 sự không xen cách. Năm tội hay
nghiệp dữ ấy, ở kinh này, là tội đã nói trong phẩm 3 (coi lại chú thích 31 ).
Ghi Chú (51)
Cử động, chính văn là cử chỉ, dịch đúng và đủ thì phải là hoạt động
(cử) và đình chỉ (chỉ), có nghĩa làm hay ngưng gì của chúng ta cũng là tội lỗi
nếu làm hay ngưng với dụng ý và hậu quả xấu.
Ghi Chú (52)
Một câu đủ nghĩa, chính văn và nhất cú. Nhất cú không phải là 1 câu,
mà là 1 câu đủ nghĩa, như nói các pháp vô thường, chúng sinh có giác tánh, v/v.
Còn 1 bài chỉnh cú, chính văn là nhất kệ. Kệ, mà dịch ý là tụng, có 2 loại
chung và riêng. Loại riêng là thể văn chỉnh cú, 4 câu làm 1 kệ, mỗi câu có 3
đến 8 chữ. Loại chung là lối tính tổng số chữ: bất cứ thể văn chỉnh cú hay thể
văn trường hàng, cứ đếm 8 chữ làm 1 câu, 4 câu làm 1 kệ, và mấy kệ là tổng số
chữ của mỗi kinh luận. Nhất kệ (1 bài chỉnh cú) là chỉ cho cả 2 loại kệ ấy: chỉ
cho bất cứ 4 câu liên tiếp nào thuộc thể văn chỉnh cú, hay chỉ cho bất cứ 32
chữ liên tiếp nào trong tổng số chữ.
Ghi Chú (53)
Phan cái, cái ở đây không phải lọng, dù, mà là bảo cái. Phan cái là
bảo cái có mắc tràng phan.
Ghi Chú (54)
Ngay sau khi mới chết, chính văn là lai thế. Lai thế là đời sau. Nói
người sắp chết hay chết rồi mà đời sau họ có nhân lành làm cho đời sau ấy sinh
nhân thiên thì vô lý, nên có người đổi chữ lai thế mà dịch là đời trước: đời
trước hay đời này họ có nhân lành để đời sau họ sinh nhân thiên. Nhưng sự việc
ở đây là ngay sau khi mới chết, nhất là 49 ngày sau đó, thì gian này cũng thuộc
về lai thế (đời sau) nhưng chỉ mở đầu lai thế ấy mà thôi. Và thì gian này người
chết có thể có nhân lành do người khác làm cho: đó là điều kinh này khuyến
khích và mới nói ở đoạn trên và trong nhiều chỗ khác. Người khác làm cho, người
khác ấy là một phần thân nhân biết Phật pháp, là bạn tốt. Không những người
khác làm cho, mà tự người chết, ngay sau khi mới chết, cũng có thể có nhân
lành, như phẩm 13 nói, "... kẻ nào tùy theo nghiệp dữ mà sa vào đường dữ,
khi sắp vào đó hay đã đến ngay đầu cửa rồi, kẻ ấy niệm được một danh hiệu Phật
đà, một danh hiệu Bồ tát, hoặc nhớ được 1 câu đủ nghĩa hay 4 câu chỉnh cú của
kinh điển đại thừa ..." Như vậy, ngay sau khi mới chết (cũng là lai thế mà
chính văn nói), người chết vẫn có nhân lành do được làm cho hay tự làm lấy và
nhân lành đó rất quan trọng đối với đời sau (lai thế) của người chết.
Ghi Chú (55)
Sát chính văn thì đoạn này phải dịch:... để cứu giúp họ, thì thọ trai
chưa xong hay lúc sắp đặt trai soạn, nước gạo lá rau đừng đổ nơi đất; cho đến
trai soạn chưa hiến cúng Phật Tăng thì đừng ăn trước ... Dịch sát như vậy thì
vị trí mấy chữ "thọ trai chưa xong" không ổn. Nên phải chuyển văn mà dịch
như đã dịch. Thêm nữa, xét những chữ tinh khiết, sạch sẽ, cẩn trọng, giữ gìn
sạch sẽ ở dưới, thì đoạn này đáng lẽ nên hiểu và dịch "lúc sắp đặt trai
soạn thì gạo nước rau lá đừng để dưới đất". Nay không dịch như vậy nhưng
vẫn phải hiểu và làm như vậy. Tức là đồ thải ra không đổ xuống đất, mà đồ chưa
làm hay đang làm không nên để dưới đất, dưới chỗ ngồi.
Ghi Chú (55b)
Điều này, và cọng với trước đây, cho thấy kinh Địa tạng đề cao niệm
Phật, không sát sinh, chu cấp người già người bịnh và sản phụ. Đó là sự đặc thù
của kinh này về quan niệm phước đức.
Ghi Chú (56)
Khám thất là cái nhà làm theo hình cái khám thờ, tức như đền, miếu ...
Nếu tách ra thì khám là khám thờ, thất là đền miếu thờ.
Ghi Chú (57)
Cung điện, như của chư thiên mà thôi cũng đã có ánh sáng và di chuyển
theo thân (cũng có ánh sáng).
Ghi Chú (58)
Đoạn này dịch như vậy là đối chiếu kỹ với chữ và việc dưới đây, nhất
là sau đây. Dịch như vậy có nghĩa sự đem lại lợi ích trong nhân loại và chư
thiên chính là sự bất khả tư nghị, và sự làm cho nhân tố thánh thiện ấy siêu
việt lên chính là sự chứng được thập địa. Nên 4 sự mà thực ra chỉ có 2: sự ích
lợi bất khả tư nghị, sự này là nhân tố thánh thiện; sự làm cho nhân tố thánh
thiện ấy siêu việt lên để chứng được thập địa. Hai sự như thế này tức như Phật
dạy về sự bố thí và dạy cách hồi hướng sự bố thí ấy. Cả 2 sự này có cái căn bản
và cứu cánh là vô thượng bồ đề. Rốt lại, sự ích lợi bất khả tư nghị là chính
yếu, trong đó bao gồm sự biến thành nhân tố chứng được thập địa và không thoái
chuyển vô thượng bồ đề. Chính sự diễn dịch qui nạp này cho thấy tại sao ở đây
liệt ra 5 sự mà sau đây thì nói toàn là những sự ích lợi bất khả tư nghị. Nếu
không làm như vậy mà chỉ dịch lấy có thì là "sự ích lợi nhân thiên, sự bất
khả tư nghị, sự siêu việt nhân tố thánh thiện lên (không phải siêu việt lên
trên nhân tố thánh thiện), sự chứng thập địa, sự cứu cánh không thoái chuyển vô
thượng bồ đề".
Ghi Chú (59)
Sát thì phải dịch: Vừa rồi lại được Ðức Thế Tôn nói cho toàn thể đại
chúng biết ngài muốn tán dương sự lợi ích của đức Địa tạng. Nên con thỉnh cầu
Ðức Thế Tôn vì hết thảy chúng sinh trong hiện tại và vị lai mà tán dương sự bất
khả tư nghị của đức Địa tạng, làm cho 8 bộ thiên long chiêm lễ được phước. Dịch
sát như vậy thì có sự trùng lặp, lại có sự ngược nhau. Nhưng vẫn dịch sát ra
đây để thấy sự ích lợi của đức Địa tạng chính là sự bất khả tư nghị của ngài.
Vì vậy mà xuống ngay đoạn dưới, tự Phật nói rõ là sự lợi ích bất khả tư nghị.
Ghi Chú (60)
Chính văn là nhất chiêm nhất lễ, dịch sát là một nhìn một lạy. Nhưng
đối chiếu với từ ngữ ấy ở đoạn sau đoạn này 1 đoạn thì thấy ý nghĩa là chuyên
nhất trong sự chiêm lễ, nên phải dịch nhất tâm mà chiêm ngưỡng lễ bái.
Ghi Chú (61)
Chính văn là anh lạc, chữ ấy có trường hợp là chuỗi ngọc, nhưng ở đây
là vòng hoa (dầu có thể là vòng hoa được làm bằng ngọc). Có một bản dịch Pháp
hoa từ Phạn tự cho thấy như vậy.
Ghi Chú (62)
Có bản chép ít lời hơn, theo đó thì dịch: ... chiêm bái hình tượng Địa
tạng đại sĩ nên tức khắc tránh khỏi đường dữ; còn cha mẹ thân nhân của người ấy
vốn có nghiệp lành đã sinh trong nhân loại hay chư thiên hưởng sự yên vui tuyệt
diệu, thì nhờ công đức trên mà tăng thêm cho nhân tố thánh thiện, sự yên vui họ
đang hưởng cũng tăng thêm vô lượng ...
Ghi Chú (63)
Đoạn này tuy văn khí và văn ý thuộc về đoạn trên, nhưng rõ ràng và có
thể tách ra làm 1 đoạn riêng, mà là 1 đoạn quan trọng cho những người chuyên
trì niệm đức Địa tạng.
Ghi Chú (64)
Chỉ dạy và chăm nom, chính văn là giáo thị. Thị ở đây là nhìn, coi
sóc, chăm nom, không phải thị là chỉ, chỉ bày, chỉ dạy (cùng nghĩa với chữ
giáo) như bản khác chép.
Ghi Chú (65)
Thiện nam hay thiện nữ ấy, chính văn là thiện nam nữ. Nữ, có bản chép
tử: sai.
Ghi Chú (66)
Tà dâm có thể tổng quát làm 2 phần. Phần bản thân là thủ dâm, ý dâm,
cho dâm. Phần với người hôn phối là hành dâm phi xứ (ngoài phòng ngủ) phi chi
(Ngoài bộ phận sinh dục) phi lượng (dâm dục quá độ) và phi thời (lúc bịnh, thời
kỳ mang thai, thời kỳ con bú, lúc trai giới, cầu nguyện, ngày vía). Cữ tà dâm ở
đây là bản thân và phi thời, nghĩa là cữ dâm dục hoàn toàn. Đến như tà dâm là
ngoại tình thì không cần phải nói.
Ghi Chú (67)
Thính giác sắc bén, chính văn là lợi nhĩ căn (thính giác sắc bén, nhĩ
căn lanh lợi). Có bản chép lợi căn nhĩ (thính giác thuộc giác quan sắc bén, nhĩ
căn thuộc lợi căn). Nghĩa như nhau.
Ghi Chú (68)
Ngàn trăm ức, chính văn là thiên bách ức, chép bách thiên ức: sai. Coi
chú thích 27