PHẨM VI
THẾ TÔN TUYÊN DƯƠNG
Vào lúc bấy giờ, toàn thân Ðức Thế Tôn phóng ra ánh sáng
vĩ đại, chiếu khắp cõi Phật tương đương số cát của trăm ngàn vạn ức sông Hằng,
rồi xuất ra âm thanh vĩ đại, tuyên cáo hết thảy bồ tát đại sĩ cùng thiên long
quỉ thần [44] trong các cõi Phật ấy, rằng các người
hãy nghe, hôm nay Như lai sẽ xưng tụng tán dương việc Địa tạng đại sĩ khắp trong
thế giới hệ mười phương, vận dụng sức mạnh của uy thần và từ bi vô cùng vĩ đại,
siêu việt, cứu vớt hộ trì hết thảy những kẻ tội khổ. Sau khi Như lai nhập niết
bàn, các người, bồ tát đại sĩ và thiên long quỉ thần, hãy làm mọi cách mà kính
giữ kinh này, để cho ai nấy đều thực hiện được cái vui niết bàn.
Khi lời ấy của Ðức Thế Tôn được nói ra thì trong pháp hội có một
vị đại bồ tát danh hiệu Phổ quảng, chắp tay cung kính mà thưa, bạch Ðức Thế
Tôn, hôm nay con thấy Ðức Thế Tôn xưng tụng Địa tạng đại sĩ có uy thần và từ bi
rất vĩ đại và siêu việt, nên con thỉnh cầu Ðức Thế Tôn vì những người trong
thời kỳ giáo pháp cuối cùng mà nói về việc Địa tạng đại sĩ đem lại ích lợi
trong nhân loại và chư thiên [45] , lúc tạo tác
nguyên nhân cũng như lúc hưởng chịu kết quả, để tám bộ thiên long cùng những kẻ
trong tương lai biết tôn kính tiếp nhận huấn dụ của Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn
dạy đại bồ tát Phổ quảng, và cả bốn chúng, hãy nghe cho kỷ Như lại sẽ nói cho
các người một cách sơ lược về việc Địa tạng đại sĩ lợi ích bằng cách tạo ra
phước đức trong nhân loại và chư thiên. Đại bồ tát Phổ quảng thưa, bạch Ðức Thế
Tôn, chúng con xin tuân lời ngài, nguyện muốn được nghe.
Ðức Thế Tôn dạy đại bồ tát Phổ quảng, trong thì vị lai, thiện
nam hay thiện nữ nào nghe danh hiệu của Địa tạng đại sĩ mà chắp tay, xưng tụng,
lễ bái hay ngưỡng mộ, thì người ấy siêu thoát cái tội đáng lẽ phải chịu khổ
trong ba mươi kiếp.
Phổ quảng, thiện nam hay thiện nữ nào vẽ hình tượng của Điạ tạng
đại sĩ, hay làm hình tượng đại sĩ bằng đất đá, keo sơn, bạc vàng, đồng sắt, thì
dầu một chiêm ngưỡng hay một lễ bái, kẻ đó vẫn được trăm lần sinh lên Đao lợi,
trong một thì gian lâu dài không sa vào đường dữ. Giả sử phước báo chư thiên
hết rồi, sinh xuống nhân gian, cũng vẫn còn làm quốc chúa, không mất lợi ích
lớn lao.
Phổ quảng, nữ nhân nào chán thân nữ nhân, chí thành hiến cúng
Địa tạng đại sĩ qua tượng vẽ, tượng làm bằng đất đá, keo sơn, đồng sắt, với
cách ngày nào cũng tinh tiến hiến cúng hương hoa, ẩm thực, y phục, gấm lụa [46] , tràng phan, bảo vật, thì nữ nhân ấy,
hết cái thân quả báo nữ nhân này rồi, trăm ngàn vạn kiếp không còn sinh vào thế
giới có nữ nhân, huống chi phải làm lại thân ấy. Ngoại trừ trường hợp vì thệ
nguyện từ bi, phải làm thân nữ nhân để hóa độ kẻ khác, thì thiện nữ ấy, nhờ sức
thần của đức Địa tạng mà mình hiến cúng và nhờ sức mạnh của công đức hiến cúng
đức Địa tạng, nên trăm ngàn vạn kiếp không còn làm thân nữ nhân nữa.
Phổ quảng, nữ nhân nào chán ngán cái thân xấu xí bịnh hoạn, thì
hãy đối trước hình tượng Điạ tạng đại sĩ mà chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái. Làm
như vậy dẫu thì gian chỉ bằng bữa ăn, nữ nhân ấy cũng ngàn vạn đời được cái
thân tướng mạo toàn hảo, không mọi bịnh hoạn [47] . Nếu nữ nhân
xấu xí ấy không chán thân nữ nhân, thì trong trăm ngàn vạn ức đời thường làm
vương nữ, vương phi, con gái tể tướng, quí tộc, đại trưởng giả, sinh ra là đoan
trang, tướng mạo tuyệt hảo. Vì lòng chí thành nên chiêm bái Địa tạng đại sĩ
được phước như vậy.
Phổ quảng, thiện nam hay thiện nữ nào đối trước hình tượng Địa
tạng đại sĩ mà diễn tấu nhạc khí [48] , ca vịnh, tán
dương, hương hoa hiến cúng, lại khuyến cáo một người cho đến nhiều người cùng
làm như vậy, thì những người ấy, trong hiện tại cũng như trong tương lai, luôn
luôn được hàng trăm hàng ngàn quỉ thần ngày đêm hộ vệ, không để cho việc dữ lọt
vào tai họ, huống chi để họ bị mọi sự ngang trái.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, nếu có người ác, quỉ ác và
thần ác, thấy thiện nam hay thiện nữ nào biết qui y, tôn kính, hiến cúng, xưng
tụng, chiêm ngưỡng hay lễ bái hình tượng Địa tạng đại sĩ mà mỉa mai, phỉ báng
rằng vô phước và vô ích, hoặc nhe răng ra mà cười, hoặc công kích sau lưng
trước mặt, hoặc lôi cuốn một người hay nhiều người chung nhau phỉ báng, thì sự
phỉ báng này dầu chỉ một lát mà thôi, kẻ phỉ báng ấy, ngàn vị Phật đà của Hiền
kiếp nhập diệt cả rồi, quả khổ của sự phỉ báng làm cho họ vẫn còn ở trong vô
gián ngục, chịu hình phạt rất nặng. Hiền kiếp qua rồi mới được làm ngạ quỉ,
ngàn kiếp sau đó mới được làm súc sinh, ngàn kiếp sau đó nữa mới được làm
người. Dẫu được làm người, nhưng làm người nghèo nàn hèn hạ, giác quan không
đủ, phần nhiều bị nghiệp dữ trở lại kết nơi tâm lý, nên không bao lâu lại sa
vào đường dữ. Phổ quảng, phỉ báng sự hiến cúng Điạ tạng đại sĩ của người khác
mà còn bị quả khổ như vậy, huống chi chính mình phỉ báng Địa tạng đại sĩ bằng
kiến thức ác hại.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, nam tử hay nữ nhân đau ốm liệt
giường mòn gối, cầu sống không được, muốn chết không xong. Ban đêm mộng thấy
quỉ dữ, thấy bà con, thấy đi vào đường hiểm, thấy lắm sự kinh hãi [49] , thấy đi với quỉ thần. Rồi ngày tháng
dần dà chuyển thành lao bại, trong giấc ngủ kêu la thảm thiết. Như vậy toàn là
đang bị luận định về nghiệp dữ, nặng nhẹ chưa quyết, nên chết đã khó mà lành
càng khó hơn. Mắt phàm nam nữ làm sao rõ được việc ấy. Vậy thân nhân nên đối
trước tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, cao tiếng mà tụng cho bịnh nhân một biến
kinh này. Lại nên đem tài sản mà bịnh nhân vốn luyến tiếc, như y phục, đồ quí,
ruộng vườn, nhà cửa, đối trước bịnh nhân, cao tiếng nói rõ mình tên họ như vậy,
xin vì bịnh nhân mà đối trước kinh Phật và tượng Phật đem tài sản của bịnh nhân
hiến cúng kinh tượng, hoặc tạo tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, hoặc làm chùa
tháp, hoặc cúng vào qụ hương đèn, hoặc hiến cúng tăng chúng thường trú. Hãy nói
ba lần như vậy cho bịnh nhân nghe và biết. Giả sử bịnh nhân ý thức đã tản, đến
nỗi hơi thở đã hết, cũng vẫn một ngày cho đến bảy ngày, cao tiếng mà nói và cao
tiếng tụng kinh. Như vậy thì bịnh nhân ấy, sau khi chết, nghiệp dữ đã làm dẫu
nặng đến như năm tội sa vào vô gián ngục đi nữa [50] , cũng vẫn thoát khỏi lâu dài, sinh ra
ở đâu cũng tự biết đời trước của mình. Ấy là bịnh nhân được làm cho mà hiệu quả
đến như vậy, huống chi chính thiện nam hay thiện nữ nào tự sao chép kinh Địa
tạng hoặc khuyên người sao chép, tự đắp vẽ tượng Địa tạng hay khuyên người đắp
vẽ, thì kết quả nhận được thật đại lợi ích. Vì lý do ấy, Phổ quang, hễ thấy ai
đọc hay tụng kinh Địa tạng, cho đến chỉ chốc lát xưng tụng hay tôn kính kinh
này mà thôi, các người cũng phải vận dụng trăm ngàn phương tiện, khuyến khích
cho họ nỗ lực mà đừng có thoái chí, thì quyết chắc trong hiện tại cũng như
trong tương lai, họ thực hiện được ngàn vạn ức công đức bất khả tư nghị.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, những kẻ chiêm bao hay ngủ
say, thấy các quỉ thần với bao nhiêu biến dạng buồn có, khóc có, rầu có, than
có, sợ có, hãi có. Ấy toàn là cha mẹ con cái, anh em chị em, hay vợ chồng bà
con, trong quá khứ một đời mười đời hay trăm đời ngàn đời, hiện ở trong đường
dữ mà chưa được thoát khỏi, không biết hy vọng vào đâu làm phước cứu vớt, nên
họ báo mộng cho những kẻ xương thịt trong quá khứ, trông mong làm phước để cứu
họ thoát khỏi đường dữ. Phổ quảng, các người hãy vận dụng thần lực làm cho
những kẻ xương thịt ấy biết đối trước tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, chí tâm
tự tụng kinh này hay cung thỉnh người khác tụng cho, số lượng phải ba biến hay
bảy biến. Như vậy, những kẻ bà con còn ở trong đường dữ kia, hễ tiếng tụng kinh
đủ biến chấm dứt, thì họ cũng được siêu thoát, mộng mị cũng không bao giờ còn
thấy họ nữa.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, những kẻ thấp thỏi, như những
người làm tôi tớ cho đến những người không còn tự chủ, ý thức nghiệp cũ mà muốn
sám hối, thì hãy chí thành chiêm bái hình tượng Địa tạng đại sĩ, và ít nhất
cũng trong một tuần bảy ngày, trì niệm danh hiệu của đại sĩ cho được vạn biến,
thì những người ấy hết quả báo này rồi, trong ngàn vạn đời sau thường sinh chỗ
tôn quí, lại không còn trải qua quả khổ ở trong ba đường dữ.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, tại châu Diêm phù này, sát đế
lợi hay bà la môn, trưởng giả hay cư sĩ, mọi người thuộc giai cấp và sắc tộc
khác nhau, có con mới sinh thì bất cứ nam hay nữ, trong một tuần bảy ngày, hãy
sớm đọc tụng cho chúng bản kinh không thể nghĩ bàn này, lại trì niệm cho chúng
danh hiêu của Địa tạng đại sĩ đủ số vạn biến. Như vậy, những trẻ sơ sinh ấy,
bất cứ nam hay nữ, nếu đời trước có nghiệp dữ để sẽ chịu quả khổ thì cũng tiêu
tan được cả, yên vui, dễ nuôi, tăng thêm tuổi thọ; nếu sinh ra bởi phước đức,
thì hạnh phúc và tuổi thọ lại càng thêm lên.
Phổ quảng, trong thì gian vị lai, mỗi tháng các ngày mồng một,
mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hâm ba, hâm bốn, hâm tám, hâm chín hay ba
mươi, là những ngày kê cứu tội ác để phán định nặng nhẹ. Mà người Diêm phù thì
cử động [51] hay suy tư toàn là nghiệp, toàn là tội, huống chi lại còn mặc ý
sát sinh trộm cướp tà dâm vọng ngữ, nghiệp dữ cả trăm cả ngàn. Trong những ngày
thập trai trên đây, nếu kẻ nào biết đối trước tượng Phật đà, tượng Bồ tát hay
tượng Hiền thánh mà tụng một biến kinh này, thì khu vức người ấy cư trú, đông
tây nam bắc chu vi một trăm do tuần, không có mọi sự tai nạn, và nhà ở của
người ấy thì bất cứ lớn nhỏ, từ hiện tại đến vị lai, trong cả trăm cả ngàn năm
thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài. Mỗi ngày thập trai biết tụng kinh này một
biến, việc ấy, ngay trong đời này, đã làm cho cả nhà không có tai họa, bịnh
tật, ăn mặc sung túc.
Đại loại như vậy, Phổ quảng, các người nên biết Địa tạng đại sĩ,
xuất từ thần lực vĩ đại, có những sự ích lợi cho người đạt đến số lượng trăm
ngàn vạn ức, không thể nói hết. Đối với Địa tạng đại sĩ, người Diêm phù có sự
liên hệ lớn lao. Người ở đây nghe danh hiệu hay thấy hình tượng của đại sĩ, cho
đến nghe kinh này dầu chỉ được ba chữ hay năm chữ, một bài chỉnh cú hay một câu
đủ nghĩa [52] , hiện tại cũng đạt được sự yên vui
tuyệt diệu, mà vị lai thì trăm ngàn vạn đời luôn luôn sinh ra trong nhà tôn
quí, tướng mạo và tánh tình đều hoàn hảo.
Lúc ấy đại bồ tát Phổ quảng nghe đức đại giác Thế tôn tán dương
và xưng tụng Địa tạng đại sĩ rồi, quì xuống, chắp tay mà thưa thêm nữa, rằng
bạch Ðức Thế Tôn, từ lâu rồi con đã biết vị đại sĩ này có thần lực siêu việt và
nguyện lực vĩ đại như Ðức Thế Tôn đã dạy. Nhưng con muốn làm cho bao kẻ sau này
biết được những sự ích lợi xuất từ thần lực và nguyện lực ấy, nên đã thỉnh vấn
Ðức Thế Tôn. Con xin cung kính tiếp nhận những lời Ðức Thế Tôn huấn dụ.
Bạch Ðức Thế Tôn, kinh này ngài mệnh danh là gì, và dạy chúng
con truyền bá như thế nào? Ðức Thế Tôn dạy đại bồ tát Phổ quảng, kinh này có ba
danh hiệu: có thể mệnh danh là Bản nguyện của Địa tạng đại sĩ, cũng có thể mệnh
danh là Bản hạnh của Địa tạng đại sĩ, lại có thể mệnh danh là Năng lực hạnh
nguyện của Địa tạng đại sĩ. Cả ba danh hiệu ấy đều căn cứ vào thệ nguyện trọng
đại và ích lợi chúng sinh của Địa tạng đại sĩ đã phát ra từ bao kiếp lâu xa. Vì
lý do ấy, các người hãy thể theo đại nguyện như vậy mà truyền bá kinh này.
Đại bồ tát Phổ quảng nghe Ðức Thế Tôn huấn dụ, chắp tay cung
kính, làm lễ mà lui về chỗ của mình.