Phẩm I
THẦN THÔNG TẠI CUNG TRỜI ÐAO LỢI
Tôi nghe như vầy:
Một thời Ðức Thế Tôn [5] ở tại Đao lợi thiên cung, thuyết pháp cho
mẹ. Bấy giờ các Đức Phật đà và các đại bồ tát, nhiều đến hai lần không thể nói
hết [6], ở khắp mười phương vô lượng thế giới hệ [7] ,
đều đến tụ tập, tán dương Ðức Thế Tôn có cái năng lực ở trong thời kỳ dữ dội
đầy cả năm thứ vẩn đục, vận dụng sức mạnh của tuệ giác và thần thông rộng lớn
siêu việt [8] mà
thuần hóa những kẻ ương ngạnh, làm cho họ biết được cái gì đau khổ, cái gì yên
vui. Các Đức Phật đà lại phái thị giả vấn an Ðức Thế Tôn.
Khi ấy Ðức Thế Tôn mỉm cười, phóng ra ánh sáng ngàn
vạn ức sắc thái [9]:
ánh sáng đại viên mãn, ánh sáng đại từ bi, ánh sáng đại trí tuệ, ánh sáng đại bát
nhã, ánh sáng đại tam muội, ánh sáng đại cát tường, ánh sáng đại phước đức, ánh
sáng đại công đức, ánh sáng đại qui y, ánh sáng đại tán thán... Phóng ra ánh
sáng không thể nói hết sắc thái [10] như vậy rồi, Ðức Thế Tôn lại xuất ra âm thanh đủ mọi sắc
thái mầu nhiệm [11]: âm
thanh bố thí ba la mật, âm thanh trì giới ba la mật, âm thanh nhẫn nhục ba la
mật, âm thanh tinh tiến ba la mật, âm thanh thiền định ba la mật, âm thanh bát
nhã ba la mật; âm thanh từ bi, âm thanh hỷ xả, âm thanh giải thoát, âm thanh vô
lậu, âm thanh trí tuệ và đại trí tuệ, âm thanh sư tử hống và đại sư tử hống, âm
thanh vân lôi và đại vân lôi ...
Ðức Thế Tôn xuất ra âm thanh hai lần không thể nói hết sắc thái như
vậy rồi [12] ,
quốc độ Sa bà này và các quốc độ phương hướng khác, có vô số ức thiên long quỉ
thần cũng đến tụ tập tại Đao lợi thiên cung, tức thiên chúng ở các tầng trời Tứ
thiên vương, Đao lợi, Tu diệm ma, Đâu suất đà, Hóa lạc, Tha hóa tự tại; Phạn
chúng, Phạn phụ, Đại phạn; Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang âm; Thiểu tịnh,
Vô lượng tịnh, Biến tịnh; Phước sinh, Phước ái, Quảng quả; Vô tưởng; Vô phiền,
Vô nhiệt, Thiện kiến, Thiên hiện, Sắc cứu cánh; Đại tự tại; cho đến Phi phi
tưởng [13] ;
thiên chúng như vậy cùng với long chúng, quỉ chúng và thần chúng đều đến tụ
tập. Các quốc độ khác và quốc độ này lại có thần biển, thần sông, thần rào,
thần cây, thần núi, thần đất, thần suối, thần lúa, thần ngày, thần đêm, thần
không gian, thần thiên giới, thần ẩm thực, thần thảo mộc, thần chúng như vậy
cũng đến tụ tập. Các quốc độ khác và quốc độ này còn có các chúa quỉ lớn, như
chúa quỉ Mắt dữ, chúa quỉ Ăn huyết, chúa quỉ Ăn tinh chất, chúa quỉ Ăn thai
trứng, chúa quỉ Gây bịnh tật, chúa quỉ Trừ độc, chúa quỉ Từ tâm, chúa quỉ Phước
lợi, chúa quỉ Rất yêu kính, những chúa quỉ như vậy cũng đến tụ tập.
Vào lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo đại bồ tát Văn thù, vị thái tử của
đức Pháp vương, rằng ông hãy quan sát, các Đức Phật đà và đại bồ tát, cùng thiên
long quỉ thần, ở thế giới này hay thế giới khác, ở quốc độ này hay quốc độ
khác, hiện đến tụ tập tại Đao lợi thiên cung đây, coi biết được hay không biết
được số lượng bao nhiêu? Đại bồ tát Văn thù thưa, bạch Ðức Thế Tôn, đem năng
lực thần trí của con mà tính đến ngàn đời đi nữa, cũng không thể biết được. Ðức
Thế Tôn dạy, Như lai lấy mắt Phật mà nhìn, cũng vẫn không cùng tận được số
lượng ấy. Vậy mà số lượng ấy toàn do Địa tạng đại sĩ [14] ,
từ xa xưa đến bây giờ và sau này, đã hóa độ đang hóa độ và sẽ hóa độ, đã tác
thành đang tác thành và sẽ tác thành.
Đại bồ tát Văn thù thưa, bạch Ðức Thế Tôn, từ quá khứ, con đã thực
hành thiện pháp lâu lắm, đã thực hiện tuệ giác vô ngại, nên nghe Ðức Thế Tôn dạy
thì con tin tưởng và tiếp nhận tức khắc. Nhưng tuệ giác còn kém như các vị Thanh
văn, nhất là tám bộ thiên long [15] và
những kẻ trong vị lai, thì dẫu được nghe lời nói thành thực của Ðức Thế Tôn
cũng vẫn nghi ngờ, có cung kính mà tiếp nhận đi nữa, vị tất đã khỏi dị nghị. Do
đó, con thỉnh cầu Ðức Thế Tôn nói một cách rộng rãi, trong nhân địa, Địa tạng
đại sĩ đã lập thệ nguyện gì, đã làm công hạnh nào, mà thành tựu được sự không
thể nghĩ bàn như Ðức Thế Tôn vừa dạy.
Ðức Thế Tôn dạy, Văn thù, cả đại thiên quốc độ này có bao nhiêu cỏ,
cây, lùm, rừng, lúa, mè, tre, lau, núi, đá và bụi, mỗi vật giả thiết là một sông
Hằng; rồi số cát trong các sông Hằng ấy, mỗi hạt giả thiết là một thế giới hệ;
số bụi của các thế giới hệ này, mỗi hạt giả thiết là một kiếp; mỗi kiếp này tích
lũy bao nhiêu hạt bụi thì đem cả ra mà giả thiết mỗi hạt là một kiếp nữa. Vậy
mà Địa tạng đại sĩ, từ khi thực hiện quả vị Đệ thập địa cho đến ngày nay, thì
gian còn nhiều hơn cả ngàn lần số lượng về kiếp đã giả thiết trên đây, huống
chi thì gian mà Địa tạng đại sĩ thực hiện quả vị Thanh văn và quả vị Duyên
giác. Văn thù, thần lực và nguyện lực của vị đại sĩ này không thể nghĩ bàn.
Trong vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào nghe được danh hiệu của vị đại sĩ này
mà xưng tụng, chiêm ngưỡng, lễ bái, trì niệm, hiến cúng, cho đến vẽ, khắc, đắp,
sơn hình tượng của đại sĩ, thì người ấy sẽ được trăm lần sinh lên tầng trời Đao
lợi này, một thì gian lâu dài [16] không
rơi vào đường dữ.
Văn thù, Địa tạng đại sĩ trong quá khứ lâu xa, trước đây những kiếp
nhiều đến hai lần không thể nói hết, bản thân làm một vị đại trưởng giả. Thời kỳ
ấy, thế giới hệ này có Đức Phật xuất hiện, danh hiệu là Sư tử phấn tấn cụ túc
vạn hạnh như lai. Vị đại trưởng giả nhìn thấy tướng hảo của đức Như lai ấy ngàn
phước trang nghiêm, nhân đó bạch hỏi ngài đã thực hành hạnh nguyện gì mà được
tướng hảo như vậy. Đức Sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh như lai dạy rằng, muốn
thực hiện thân thể như vầy thì phải trải qua thì gian lâu xa, cứu độ bao kẻ tội
khổ. Văn thù, lúc ấy vị đại trưởng giả nhân lời huấn dụ này mà phát nguyện,
"cùng tận biên cương của thì vị lai, trải qua những kiếp không thể tính kể
đi nữa, con vẫn nguyện vì chúng sinh tội khổ trong sáu đường [17] mà
vận dụng mọi cách phương tiện, làm cho họ giải thoát tất cả, bấy giờ bản thân
con mới bước lên quả vị Phật đà". Vì đối trước đức Sư tử phấn tấn cụ túc
vạn hạnh như lai, Địa tạng đại sĩ đã lập thệ nguyện lớn lao như vậy, nên ngày
nay, dẫu đã trải qua những kiếp nhiều đến trăm ngàn vạn ức trăm triệu [18] không
thể nói hết, đại sĩ vẫn còn làm bồ tát [19] .
Thêm nữa, trong quá khứ, cách nay những kiếp vô số [20] không
thể nghĩ bàn, bấy giờ thế giới hệ này có Đức Phật xuất hiện, danh hiệu là Giác
hoa định tự tại vương như lai. Đời sống của ngài đến bốn trăm ngàn vạn ức kiếp
vô số. Trong thời kỳ giáo pháp tương tự [21] của
ngài, có một nữ nhân thuộc giai cấp Bà la môn, phước cũ sâu dày, quần chúng
khâm phục, đi đứng nằm ngồi đều được chư thiên hộ vệ.
Nhưng mẹ của nữ nhân lại mê tín tà thuyết, thường khinh Tam bảo. Nữ
nhân như bực thánh ấy giải thích đủ cách để khuyên mẹ, ý nguyện làm cho mẹ phát
sinh kiến thức chân chính. Mẹ của nữ nhân chưa tin hoàn toàn, thì chẳng bao lâu
sinh mạng đã kết thúc, nghiệp thức [22] sa
vào vô gián ngục. Nữ nhân Bà la môn biết mẹ sinh tiền bài bác nguyên lý nhân
quả, thì tính chắc phải tùy theo nghiệp dữ mà sa vào đường dữ, nên phát mãi nhà
cửa, sắm nhiều hoa hương và phẩm vật hiến cúng, làm việc hiến cúng lớn lao tại
chùa tháp thờ phụng đức Giác hoa định tự tại vương như lai.
Nữ nhân Bà la môn thấy đức Giác hoa định tự tại vương như lai qua hình
tượng của ngài trong một ngôi chùa tháp, được đắp vẽ thể hiện đủ mọi nét đẹp từ
bi và trang nghiêm. Nữ nhân chiêm bái dung nhan của ngài, lòng thành kính
ngưỡng mộ lại bội phần tăng lên. Nữ nhân tự nghĩ, Phật là bậc đại giác, hoàn
thành cái trí thấu triệt toàn bộ vũ trụ. Nếu ngài còn, mẹ con mất, con đến hỏi,
chắc chắn biết được sa lạc chỗ nào. Nữ nhân khóc khá lâu, lại thiết tha chiêm
ngưỡng đức Giác hoa định tự tại vương như lai. Thốt nhiên nghe trong không gian
có tiếng bảo, nữ nhân đang khóc kia, con đừng quá bi lụy, ta sẽ chỉ cho con
biết chỗ mẹ con sinh đến. Nữ nhân chắp tay, hướng lên không gian mà thưa, vị
nào định giải tỏa lo buồn cho con đây? Từ khi mất mẹ đến giờ, con thương nhớ
ngày đêm, không có chỗ nào khả dĩ hỏi để biết thế giới mẹ con sinh đến. Trong
không gian lại có tiếng nói, ta là Giác hoa định tự tại vương như lai đã nhập
diệt mà con đang chiêm ngưỡng lễ bái đó. Thấy con nhớ mẹ quá hơn những kẻ
thường tình, nên ta đến chỉ cho con. Nữ nhân Bà la môn nghe nói như vậy thì cả
người đổ xuống, chân tay rã rời, hai bên đỡ cứu một lát mới tỉnh, lại hướng lên
không gian mà tác bạch, xin Phật thương con, dạy cho con biết liền thế giới mẹ
con sinh đến. Con cảm thấy cơ thể và tâm trí của con sắp phải chết mất. Đức
Giác hoa định tự tại vương như lai dạy nữ nhân, con hiến cúng rồi trở về nhà
liền đi, ngồi ngay thẳng mà trì niệm danh hiệu của ta, thì sẽ biết ngay chỗ mẹ
con sinh đến.
Nữ nhân lạy Phật, về nhà tức khắc. Vì nhớ thương mẹ, nữ nhân ngồi ngay
thẳng, trì niệm danh hiệu của đức Giác hoa định tự tại vương như lai, suốt một
ngày đêm. Bỗng thấy mình đến nơi một bờ biển, nước biển sôi sục, có nhiều thú
dữ toàn là mình sắt, lướt nhảy trên mặt biển, xua bên này đuổi bên kia. Thấy
trăm ngàn vạn kẻ, nam có nữ có, nổi lên ngập xuống trong biển ấy, bị các thú dữ
tranh nhau mà ăn. Lại thấy quỉ dạ xoa hình thù kỳ dị, lắm tay lắm mắt, nhiều
chân nhiều đầu, nanh chĩa ngoài miệng, và sắc nhọn như gươm, một mặt xua đuổi
tội nhân đến cho thú dữ, mặt khác chúng tự chụp bắt, túm đầu chân lại. Thảm
cảnh vạn trạng, không đủ can đảm mà nhìn mãi.
Nữ nhân Bà la môn nhờ năng lực của sự niệm Phật nên không sợ hãi gì
cả. Một chúa quỉ tên Vô độc, bước đến cúi đầu đón tiếp, hỏi, lành thay bồ tát,
người cần gì mà đến đây? Nữ nhân hỏi chúa quỉ, chỗ này là gì? Chúa quỉ thưa, chỗ
này là lớp biển thứ nhất, ở về phía tây dãy núi đại thiết vi. Nữ nhân hỏi, tôi
nghe nói giữa dãy núi ấy có địa ngục ở trong đó, thật chăng? Chúa quỉ thưa, thật.
Nữ nhân hỏi, vì sao mà tôi đến được nơi địa ngục này? Chúa quỉ thưa, phi thần
lực thì nghiệp lực, phi hai lực ấy thì không thể nào đến được.
Nữ nhân lại hỏi, lớp biển này vì sao mà nước sôi sục, có nhiều tội
nhân và lắm thú dữ? Chúa quỉ thưa, tội nhân ấy là những kẻ làm ác ở châu Diêm
phù [23] mà
mới chết. Trải qua bốn mươi chín ngày, nếu không có ai kế tự để làm công đức mà
cứu vớt cho họ, khi còn sống họ cũng không tạo nhân tố thánh thiện [24] ,
thì sẽ y theo nghiệp dữ đã làm mà cảm ra quả khổ địa ngục, quả khổ mà đương
nhiên trước hết phải bơi qua lớp biển này. Phía đông lớp biển này, cách mười
vạn do tuần, có một lớp biển nữa, khổ sở gấp đôi biển này. Phía đông lớp biển
sau này lại còn một lớp biển khác nữa, khổ sở càng gấp đôi. Do nhân tố độc ác
của ba nghiệp thân miệng ý mà cảm ra, và cùng mang tên biển nghiệp, là ba chỗ
này đây. Nữ nhân lại hỏi chúa quỉ, nhưng địa ngục ở chỗ nào? Chúa quỉ thưa,
giữa ba lớp biển này toàn là địa ngục [25] ,
số lượng đến hàng trăm hàng ngàn, và khác biệt với nhau. Khổ sở lớn nhất thì có
mười tám. Kế đó thì có năm trăm, khổ sở vô lượng. Kế đó nữa thì có trăm ngàn,
cũng vô lượng khổ sở.
Nữ nhân lại hỏi, mẹ tôi mới mất, không biết nghiệp thức phải đến chỗ
nào? Chúa quỉ hỏi lại, mẹ người khi sống quen làm hạnh nghiệp gì? Nữ nhân nói,
mẹ tôi tà kiến, phỉ báng Tam bảo, có lúc hơi tin rồi lại bất kính, chết mới mấy
ngày mà không biết sinh đến chỗ nào? Chúa quỉ hỏi, mẹ người tên họ là gì? Nữ
nhân nói, cha mẹ tôi đều là dòng dõi Bà la môn, cha là Thi la, mẹ là Duyệt đế
lợi. Chúa quỉ chắp tay mà bạch, xin thánh nữ trở về, khỏi cần lo buồn thương
nhớ. Nữ tội nhân Duyệt đế lợi đã sinh chư thiên cách nay ba ngày, được biết
rằng nhờ hiếu nữ làm phước cho mẹ bằng sự hiến cúng chùa tháp thờ phụng đức
Giác hoa định tự tại vương như lai. Không phải một mình mẹ của thánh nữ được
thoát địa ngục, mà tội nhân vô gián ngục trong ngày ấy cũng được vui vẻ, cùng
sinh lên chư thiên với mẹ người. Nói rồi, chúa quỉ chắp tay thi lễ mà cáo thoái.
Nữ nhân Bà la môn liền như mộng tỉnh, ý thức việc này rồi, tức khắc
đến trước hình tượng của đức Giác hoa định tự tại vương như lai thờ trong chùa
tháp mà phát nguyện cao rộng, "nguyện cùng tận thì gian vị lai, có bao kẻ
tội khổ, con xin tìm đủ cách mà làm cho họ giải thoát".
Ðức Thế Tôn bảo đại bồ tát Văn thù, chúa quỉ Vô độc lúc ấy là bồ tát
Tài thủ ngày nay, còn nữ nhân Bà la môn thì chính là Địa tạng đại sĩ.