PHẨM VII
LỢI
ÍCH NGƯỜI CÒN KẺ MẤT
Vào lúc ấy, Địa tạng đại sĩ bạch Ðức Thế Tôn, con thấy
người Diêm phù mống tâm động niệm toàn là tội lỗi. Gặp được việc tốt thì phần
nhiều hay lùi mất tâm chí ban đầu, còn gặp phải sự xấu thì tăng thêm tội lỗi
ngay trong từng ý nghĩ. Những kẻ như vậy khác nào đi trên đường bùn lầy mà vác
thêm đá nặng, càng khốn càng nặng, chân lún càng sâu. Nếu may mắn gặp được
người quen vác bớt hay vác hết cho, người quen này lại có sức mạnh hơn nữa dìu
đỡ kẻ ấy, khuyến khích kẻ ấy mạnh chân lên, nên đến được đất bằng. Đến rồi thì
phải biết rõ đường hiểm ấy, đừng bước vào đó nữa.
Bạch Ðức Thế Tôn, người làm ác thì khởi đầu chỉ mảy may mà rồi
đi đến vô lượng. Người ấy, lúc sắp chết, cha mẹ bà con nên làm phước giúp cho
đời sau của họ, bằng cách hoặc treo phan cái [53] , hoặc đốt dầu
đèn, rồi trì tụng bản kinh tôn quí, hiến cúng hình tượng Phật đà hoặc hình
tượng Hiền thánh, lại trì niệm danh hiệu của Phật đà, của Bồ tát, của Duyên
giác. Mỗi một danh hiệu như vậy đều thấu vào thính giác của người sắp chết,
hoặc được nghe qua bản thức của người ấy. Người ấy, nghiệp dữ họ làm, tính quả
khổ cảm ra tất phải sa vào đường dữ, nhưng mà nhờ cha mẹ bà con đã tạo cho họ
những nhân tố thánh thiện như trên, nên nghiệp dữ đến như thế cũng vẫn tan biến
được cả. Sau khi người ấy chết rồi, trong bảy tuần bảy ngày, nếu cha mẹ bà con
lại làm thêm cho họ những nhân tố thánh thiện như trên, thì năng lực việc làm
ấy làm cho người chết kia thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài, được sinh trong
nhân loại hay trên chư thiên, hưởng thụ sư yên vui tuyệt diệu. Còn cha mẹ bà
con đã tạo nhân tố thánh thiện cho họ thì được lợi ích vô lượng.
Chính vì lý do ấy, hôm nay, đối trước đức đại giác Thế tôn,
trước tám bộ thiên long, trước nhân loại và loài khác, con khuyến cáo người
Diêm phù, trong ngày người thân sắp chết, phải hết sức thận trọng, đừng sát hại
sinh vật và làm những việc dữ khác như tế lễ quỉ thần, cầu cúng yêu quái. Tại
sao con khuyến cáo như vậy, vì lẽ bao nhiêu sự sát hại và cúng tế ấy không có
một mảy may năng lực ích lợi cho người sắp chết, ngược lại, chỉ kết thêm nghiệp
dữ cho sâu và nặng hơn lên. Giả sử người sắp chết, ngay sau khi mới chết [54] hay lúc còn sống, có được phần nào
nhân tố thánh thiện để sinh trong nhân loại hay sinh lên chư thiên, nhưng bị
lúc sắp chết, cha mẹ bà con làm những nhân tố tội ác nói trên, nên làm cho
người ấy phải đối chất về tai vạ như vậy mà bị trì hoãn việc sinh vào đường
lành. Huống chi người sắp chết ấy lúc sống đã không có một chút nghiệp lành,
căn cứ nghiệp dữ tự làm đã phải tự chịu quả khổ trong đường dữ, nỡ nào cha mẹ
bà con còn bồi thêm vào nghiệp dữ ấy. Khác nào một kẻ đến đây từ đường sá xa
xôi, hết ăn đã ba ngày, đồ vật gánh vác lại nặng quá trăm cân, vậy mà khi gặp
được người làng xóm, người này lại chất thêm một ít đồ vật và gánh vác ấy, nên
kẻ kia càng nặng và càng khốn hơn lên.
Bạch Ðức Thế Tôn, con thấy người Diêm phù nếu biết làm lành theo
những sự huấn thị của Ðức Thế Tôn, thì điều lành ấy dầu chỉ bằng một sợi lông,
một giọt nước, hay bằng một hạt cát, một mảy bụi đi nữa, cũng tự được ích lợi
tất cả.
Địa tạng đại sĩ nói như vậy, trong pháp hội có trường giả tên
Đại biện, một vị trưởng giả từ lâu đã thực hiện tuệ giác vô sinh, vì hóa độ
mười phương chúng sinh nên hiện thân trưởng giả, chắp tay cung kính, thưa hỏi
đức Địa tạng, kính bạch đại sĩ, người châu Diêm phù này, sau khi chết, bà con
lớn nhỏ làm phước cho họ bằng cách thiết trai hiến cúng, tạo mọi nhân tố thánh
thiện, thì người chết ấy được hay không được ích lợi và siêu thoát? Địa tạng
đại sĩ dạy, trưởng giả, vì mọi người bây giờ và mai sau, tôi vâng theo uy thần
của Ðức Thế Tôn mà nói sơ lược về điều ấy.
Trưởng giả, bây giờ và sau này, những người trong ngày sắp chết,
nếu nghe được một danh hiệu Phật đà, một danh hiệu Bồ tát, một danh hiệu Duyên
giác, thì không kể có tội không tội, đều siêu thoát được cả. Nếu ai, bất luận
nam tử hay nữ nhân, sống không làm nghiệp lành mà lại làm nhiều nghiệp dữ, nhưng
sau khi chết, bà con lớn nhỏ làm phước cho họ bằng mọi nhân tố thánh thiện, thì
trong bảy phần, người chết hưởng một, còn lại sáu phần người làm tự hưởng. Do
đó, mà bây giờ và sau này, bất cứ thiện nam hay thiện nữ, nghe như vậy thì phải
mạnh mẽ mà tự tu, bởi vì phần phước thánh thiện của người nào thì người ấy nhận
được đủ cả.
Quỉ sứ lớn nhất là sự vô thường chết chóc. Mà nó đến thì không
một ai được hẹn trước. Rồi trong cảnh mịt mù thăm thẳm, nghiệp thức chơi vơi,
chưa biết sẽ chịu tội hay hưởng phước. Nên trong thì gian bảy lần bảy ngày,
người chết như ngây như điếc, hoặc bị đưa đến những nơi liên hệ để đối biện về
nghiệp và nghiệp quả. Sau khi thẩm định mới tùy nghiệp mà sinh vào các loài.
Trong thì gian chưa đoán trước được mà khổ sở đã ngàn vạn rồi, huống chi sau đó
sa vào các đường dữ. Người chết ấy, lúc chưa sinh vào các loài, tức là trong
thì gian bảy lần bảy ngày, ý nghĩ này liên tiếp ý nghĩ khác, trông ngóng bà con
xương thịt làm phước cứu vớt cho họ. Hết thì gian này rồi, phải tùy nghiệp mà chịu
quả. Nếu là nghiệp dữ thì trải qua hàng trăm hàng ngàn năm cũng chưa có cái
ngày thoát khỏi. Nếu là năm nghiệp dữ vô gián thì bị sa vào địa ngục lớn nhất
ấy, trải qua cái kiếp hàng ngàn hàng vạn năm, chịu đủ mọi thứ cực hình trong
thì gian rất lâu dài như vậy.
Do đó, trưởng giả Đại biện, những người nghiệp dữ sau khi chết,
bà con xương thịt thiết trai hiến cúng để cứu giúp cho họ, thì lúc sắp đặt trai
soạn, nước gạo và lá rau đừng đổ vãi xuống đất. Nhất là trai soạn chưa hiến
cúng Phật và hiến cúng Tăng, hoặc hiến cúng mà thọ trai chưa xong, thì đừng ăn
trước[55] . Nếu ăn
trước hay thiếu tinh khiết, cẩn trọng, thì người chết chẳng hưởng được hiệu lực
nào cả. Nếu tinh thành, cẩn trọng, giữ gìn sạch sẽ mà phụng hiến Phật và phụng
hiến Tăng, thì người chết bảy phần được một. Cho nên, trưởng giả Đại biện,
người Diêm phù nếu vì cha mẹ hay bà con đã chết mà thiết trai hiến cúng một
cách hết lòng cẩn trọng, chân thành, làm phước như vậy thì người còn kẻ mất đều
được ích lợi tất cả.
Khi lời này của Địa tạng đại sĩ được nói ra thì tại Đạo lợi
thiên cung có ngàn vạn ức trăm triệu quỉ thần ở châu Diêm phù đều phát tâm tuệ
giác không có giới hạn. Trưởng giả Đại biện thì đảnh lễ mà lui về chỗ của mình.