Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn
Nguyễn Minh Tiến
02/09/2554 16:08 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

9. NGHIỆP VÀ KẾT QUẢ

Tất cả các tông phái khác nhau của đạo Phật đều có chung một nền tảng là giáo pháp về nhân quả hay nghiệp lực. Đức Phật thuyết giảng về giáo pháp này trong hầu hết các kinh điển. Mặc dù có sự khác biệt đôi chút về cách trình bày tùy theo mức độ nhận thức của thính chúng, nhưng nói chung bao giờ cũng giống nhau về những nguyên tắc cơ bản.

Kinh số 71, Tevijjavacchagotta Sutta thuộc Trung bộ kinh có đoạn:

“Ta thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.”

(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)

Trong kinh Pháp cú, kệ số 127, Phật dạy rằng:

“Không trên trời, giữa biển,

Không lánh vào động núi,

Không chỗ nào trên đời,

Trốn được quả ác nghiệp.”

(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn này, đức Phật cũng dạy:

“Như hỏi rằng: Tạo nghiệp ác sẽ được quả thiện hay quả bất thiện? Như vậy nên đáp một cách chắc chắn rằng: Sẽ phải chịu quả bất thiện. Đối với việc tạo nghiệp lành cũng [nên trả lời chắc chắn] như vậy: Sẽ được quả báo tốt lành.”

(trang 429-430, tập VI)

Như vậy, về căn bản đức Phật luôn dạy rằng mọi chúng sanh tự tạo ra những nghiệp lành, nghiệp dữ bằng hành vi của chính mình. Những ai tạo nghiệp lành chắc chắn sẽ được quả lành, những ai tạo nghiệp ác chắc chắn sẽ phải chịu quả báo xấu ác.

Tuy vậy, mối quan hệ giữa những hành vi đã tạo ra (nghiệp) và kết quả sẽ nhận được (quả báo) của một chúng sanh không phải mối quan hệ toán học theo kiểu a = b hoặc như 2 + 2 = 4; mà là một mối quan hệ hết sức tinh tế và phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, luôn đan xen chằng chịt và tác động lẫn nhau, trong đó yếu tố tự thân, thái độ và hành vi của người tạo nghiệp đóng một vai trò quyết định và có thể làm xoay chuyển nghiệp quả theo hướng tích cực hơn. Đây chính là nội dung quan trọng mà đức Phật đã thuyết giảng rất kỹ trong kinh Đại Bát Niết-bàn này.

Mặc dù tất cả các nghiệp dù lành hay dữ, dù nặng hay nhẹ mà chúng ta đã tạo ra đều không bao giờ mất đi, nhưng cách thức mà chúng tạo thành những quả báo phải lãnh chịu trong hiện tại hoặc tương lai không phải bao giờ cũng giống hệt như nhau.

Trong phẩm Đại chúng thưa hỏi, Phật dạy ông Thuần-đà rằng ngay cả những người phạm vào Năm tội nghịch, nghĩa là những nghiệp ác rất nặng, cũng có thể cứu vớt được nếu họ biết sanh lòng ăn năn hối cải:

“Người phạm Năm tội nghịch cũng vậy, nếu có thể sanh tâm hối lỗi, trong lòng luôn biết hổ thẹn: Nay tôi đã làm nên nghiệp bất thiện, thật là khổ lớn! Tôi nên tạo lập và hộ trì Chánh pháp. Người như vậy không gọi là phạm Năm tội nghịch, nếu bố thí cho người ấy sẽ được phước vô lượng. Như ai phạm tội nghịch rồi chẳng sanh lòng quay lại nương tựa [Chánh pháp], hộ pháp, nếu bố thí cho người ấy thì phước đức không đáng kể.”

(trang 394, tập III)

 Và sự quay về với Chánh pháp, sanh tâm hộ trì Chánh pháp như vậy rõ ràng là giữ một vai trò rất quan trọng trong sự chuyển hóa nghiệp:

“Kẻ phạm bốn giới cấm nặng, năm tội vô gián, nếu sanh lòng hộ pháp thì cũng như vậy. Tuy trước đã tạo nghiệp bất thiện nhưng nhờ hộ pháp nên được trở thành ruộng phước cao trổi nhất ở thế gian. Người hộ pháp ấy có quả báo vô lượng như vậy.”

(trang 395, tập III)

Trong mối quan hệ giữa nghiệp và kết quả còn có yếu tố thời gian. Thông thường, nghiệp đã tạo ra có thể rơi vào một trong ba trường hợp như lời Phật dạy sau đây:

“Thiện nam tử! Chúng sanh do nghiệp mà có quả báo. Quả báo ấy có ba loại, một là quả báo ngay trong đời hiện tại, hai là quả báo vào đời kế tiếp, ba là quả báo vào những đời sau nữa.”

(trang 370, tập VII)

Vì thế, có những hành vi mang đến kết quả tức thời, như người phạm pháp bị bắt giam, người hiền thiện được mọi người yêu mến... Hoặc có những hành vi mang đến kết quả vào đời sau hoặc nhiều đời sau nữa, như hiện nay gặp phải nhiều nghịch cảnh đau đớn không rõ nguyên nhân, nếu không phải đã tạo nghiệp ác từ quá khứ thì do đâu mà có? Hoặc như người thường được gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi, đời sống luôn sung túc, hạnh phúc... nếu không nhờ những nghiệp lành đã tạo trong quá khứ thì do đâu mà được?

Ngoài ra, thời gian tạo nghiệp trong đời cũng có tác động khác nhau. Người suốt đời tạo nghiệp lành nhưng lúc sắp chết khởi sanh tâm niệm ác thì nghiệp ác đó ắt phải lãnh chịu trước, vì thế mà có thể thọ sanh ngay vào cảnh giới xấu ác. Ngược lại, người tạo nhiều nghiệp ác nhưng lúc sắp chết khởi sanh tâm niệm hiền thiện thì nghiệp lành này sẽ có kết quả tức thời, nhờ đó có thể được thọ sanh về cảnh giới tốt đẹp.

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn này Phật có kể lại câu chuyện về một người phụ nữ vốn tánh tình xấu ác, nhưng đang lúc bế con lội sang sông gặp lúc mưa lớn nước chảy xiết, cô ấy vì lòng thương con nên thà chết cũng không buông bỏ con, cuối cùng cả hai mẹ con đều bỏ mạng. Do lòng thương con khởi sanh vào lúc sắp chết, cô ấy vừa lìa đời liền được sanh lên cõi trời. Phật dạy:

“Đó là nhờ lòng thương con, muốn đưa con qua sông, chứ cô ấy vốn tánh xấu ác. Nhờ thương con mà cô được sanh lên cõi trời.”

(trang 394, tập III)

Trong nhiều kinh luận khác gọi yếu tố tác động của nghiệp khởi sanh vào lúc sắp chết là cận tử nghiệp (近死業). Giáo lý về cận tử nghiệp được vận dụng trong rất nhiều tông phái khác nhau. Như trong Tịnh độ tông chẳng hạn, người tu tập luôn tin tưởng rằng cho dù đã lỡ lầm tạo nhiều nghiệp ác nhưng nếu biết ăn năn hối cải và tinh tấn tu tập pháp môn niệm Phật, vào lúc sắp chết lại có thể hết lòng niệm Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi Phật. Người tu Tịnh độ gọi đây là “đới nghiệp vãng sanh” (帶業往生), vì người tu tập như vậy tuy còn nhiều nghiệp ác nhưng vẫn được vãng sanh. Kết quả tốt đẹp này một phần nhờ tin vào tha lực tiếp dẫn của đức Phật A-di-đà, một phần nhờ chính cận tử nghiệp của người đó là tốt đẹp. Vì thế, cho dù có tu tập pháp môn niệm Phật trải qua nhiều năm nhưng nếu lúc sắp chết gặp phải nghịch duyên nên khởi tâm sân hận hoặc ái luyến thì cũng không mong gì có thể được Phật A-di-đà tiếp dẫn, mà chắc chắn sẽ phải tùy nghiệp ác lúc sắp chết mà thọ sanh vào các cảnh giới tương ứng.

Sự tạo nghiệp của chúng sanh rất đa dạng, có thể rơi vào vô số những trường hợp khác nhau, nhưng theo lời Phật dạy thì tất cả những nghiệp ác đều là do phạm vào các giới cấm do Phật đã chế định. Cho dù người không thọ giới nhưng thực hiện những hành vi trái với giới luật thì đó cũng chính là nghiệp ác. Chẳng hạn, đối với người Phật tử tại gia có Năm giới là không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nếu là người đã thọ nhận các giới này thì phạm vào đó tất nhiên là phạm giới, là phá giới, nhưng vì tinh thần của các giới này là hiền thiện, nên ngay cả những ai không thọ giới mà phạm vào các điều như giết hại, trộm cắp... cũng chính là đã gây nghiệp ác. Vì thế, trong một chừng mực nào đó thì khái niệm “phá giới” cũng tương đương như gây nghiệp ác, và vì thế không chỉ là có ý nghĩa đối với riêng những người đã thọ giới.

Về nguyên tắc chung, những nghiệp ác chắc chắn sẽ mang đến quả báo xấu ác; những nghiệp hiền thiện chắc chắn sẽ mang đến những quả báo tốt lành. Đồng thời, những hành vi tạo nghiệp càng nặng nề thì quả báo lãnh chịu tất nhiên cũng sẽ càng nặng nề, những hành vi ở mức độ nhỏ nhặt sẽ mang đến những quả báo ít nặng nề hơn. Tuy nhiên, như đã nói trên, mối tương quan giữa nghiệp và kết quả không hề cứng nhắc và đơn thuần như vậy!

Đức Phật dạy rằng, quả báo của những nghiệp ác do chúng sanh tạo ra cũng không phải là nhất định. Vua A-xà-thế sau khi phạm tội giết cha, vì lòng ăn năn hối hận phải chịu nhiều buồn khổ đau đớn, khi tìm đến chỗ Phật liền được dạy cho hai mươi pháp quán tưởng chân chánh. Nhà vua nghe qua nhận hiểu rồi liền bạch Phật:

“Theo như con hiểu nghĩa Phật vừa nói, từ trước đến nay con chưa từng quán sát hai mươi việc như vậy nên mới làm mọi việc ác. Vì làm mọi việc ác nên phải sợ chết, sợ ba đường ác.

“Thế Tôn! Tự con chuốc lấy tai ương, đã làm việc ác lớn lao như thế này: cha con không có tội, con ngỗ nghịch giết hại. Nay đối với hai mươi việc ấy, dù có quán xét hay không thì cũng nhất định sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ.”

(trang 194, tập IV)

Nhưng vào lúc đó đức Phật đã dạy rằng:

“Đại vương! Tánh và tướng của hết thảy các pháp đều là vô thường, không có sự nhất định. Vì sao vua lại nói rằng nhất định sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ?”

(trang 194, tập IV)

Nhận hiểu được lời Phật dạy, vua A-xà-thế liền thưa:

“Thế Tôn! Nếu hết thảy các pháp đều không có tướng nhất định thì tội giết hại của con hẳn cũng là không nhất định. Nếu tội giết hại là nhất định thì hết thảy các pháp ắt chẳng phải là không nhất định.”

(trang 194-195, tập IV)

Và đức Phật xác nhận ý nghĩa này:

“Đại vương! Lành thay, lành thay! Chư Phật Thế Tôn dạy rằng hết thảy các pháp đều không có tướng nhất định. Vua lại có thể biết rằng việc giết hại cũng là không nhất định. Vậy nên biết rằng việc giết hại không có tướng nhất định.”

Rồi đức Phật dạy về những nhân duyên tiền kiếp có liên quan đến mối quan hệ giữa vua A-xà-thế với vua cha là Tần-bà-sa-la. Sau khi chỉ rõ tính chất giả hợp, không thường tồn của năm ấm, đức Phật dạy:

“Việc giết hại là không nhất định thì tội báo cũng không nhất định. Vì sao lại nói rằng nhất định phải vào địa ngục?”

(trang 196, tập IV)

Ngay khi đó, Phật thuyết pháp cho vua A-xà-thế nghe, dạy vua quán xét về tính chất vô thường của tất cả các pháp. Nhà vua quán xét rồi liền đạt được nhận thức chân thật rằng từ sắc ấm cho đến thức ấm thảy đều vô thường. Vua liền bạch Phật:

“Thế Tôn! Nay con mới biết rằng sắc là vô thường, cho đến thức cũng là vô thường. Trước đây nếu con biết được như vậy, ắt đã không tạo tội.”

(trang 202, tập IV)

Với lời tự bạch này của vua A-xà-thế, chúng ta có thể thấy rằng nhờ được nghe Phật thuyết dạy Chánh pháp mà nguyên nhân sanh khởi tội lỗi của nhà vua đã được dứt trừ. Vua tự biết được rằng với nhận thức chân chánh như hiện nay thì chắc chắn mình sẽ không còn tái phạm. Sau khi giải tỏa được gánh nặng tội lỗi trong lòng, vua A-xà-thế đã cảm thán:

“Bạch Thế Tôn ! Nếu con không gặp Như Lai Thế Tôn thì trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp ắt phải đọa vào địa ngục lớn, chịu vô số sự khổ não. Nay con được gặp Phật, nhờ công đức của việc gặp Phật mà phá tan được hết thảy những phiền não do tâm xấu ác của chúng sanh gây ra.”

(trang 203, tập IV)

Và sau khi được đức Phật xác nhận rằng nhà vua quả thật có thể cứu giúp chúng sanh phá trừ những tâm niệm xấu ác, sự hối cải của vua A-xà-thế đã chuyển thành tâm lượng đại từ bi của một vị Bồ Tát. Ông phát nguyện:

“Bạch Thế Tôn! Nếu con thật có thể phá tan được các tâm xấu ác của chúng sanh, thì dù con có thường ở tại địa ngục A-tỳ trong vô lượng kiếp, vì chúng sanh mà chịu khổ não lớn cũng không cho đó là khổ.”

(trang 203, tập IV)

Sự chuyển hóa trong tâm vị vua này đã được thể hiện rất rõ ràng. Từ một người trước đây được mô tả là “tánh tình xấu ác, ưa làm việc giết hại, lời nói phạm vào đủ bốn điều ác, tham lam, giận dữ, ngu si, trong lòng luôn hung hăng, sôi sục...” (trang 609, tập III) thì giờ đây ông đã trở thành một vị Bồ Tát sẵn sàng “thường ở tại địa ngục A-tỳ trong vô lượng kiếp, vì chúng sanh mà chịu khổ não lớn cũng không cho đó là khổ”. Phật pháp nhiệm mầu thay!

Điều cần nhấn mạnh trong câu chuyện cải hóa của vua A-xà-thế là có hai yếu tố tối quan trọng đã được thể hiện rõ. Một là tâm chân thành hối lỗi, hai là có đủ đức tin và trí tuệ để hiểu và tin nhận Chánh pháp. Thiếu đi những yếu tố này thì sự chuyển hóa chắc chắn sẽ không thể thành tựu, và do đó mà “trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp ắt phải đọa vào địa ngục lớn, chịu vô số sự khổ não”.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý đến tính chất tương quan của sự việc được mô tả trong kinh:

“Lúc ấy, trong nước Ma-già-đà có vô số nhân dân đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì có vô số nhân dân phát tâm lớn lao như thế, nên tội nặng của vua A-xà-thế liền trở nên nhẹ.”

(trang 203, tập IV)

Việc “có vô số nhân dân đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề” là nhân nơi tâm thành khẩn của vua A-xà-thế mà có; vì thế nên cũng nhân nơi sự việc đó mà tội nặng của vua được trở thành nhẹ. Hơn thế nữa, “tội nặng thành nhẹ” là nhờ nơi sức chuyển hóa nhiệm mầu của sự tin nhận và thực hành theo Chánh pháp, và điều đó không hề đi ngược lại với giáo lý nhân quả.

Cũng có thể nói sự chuyển hóa nghiệp ác của vua A-xà-thế là một trường hợp nổi bật nhất được nêu ra để làm điển hình cho năng lực chuyển hóa của sự hối cải và tin nhận Chánh pháp. Qua đó chúng ta có thể tin chắc vào cơ hội chuyển hóa luôn sẵn dành cho bất cứ ai biết chân thành hối lỗi và tin nhận, thực hành theo Chánh pháp.

Mặc dù vậy, những gì trình bày trong câu chuyện về vua A-xà-thế là những giáo pháp rất sâu xa nên không dễ tiếp nhận đối với đa số thính chúng cũng như người đọc kinh. Vì thế, trong một phần sau đức Phật đã trở lại giảng giải chi tiết hơn về nội dung này. Phật dạy:

“Thiện nam tử! Tất cả các nghiệp được tạo ra có [thể phân làm hai loại là] nghiệp nhẹ và nghiệp nặng. Trong mỗi loại nghiệp này lại phân làm hai loại nữa, một là nghiệp nhất định và hai là nghiệp không nhất định.” 

(trang 95, tập VI)

Và đức Phật giải thích về khả năng làm thay đổi kết quả của nghiệp:

“Thiện nam tử! Có những nghiệp nặng có thể làm cho thành nhẹ; có những nghiệp nhẹ có thể làm cho thành nặng. Không phải tất cả mọi người [đều như nhau], vì có người ngu si, có người trí tuệ. Cho nên phải biết rằng: Không phải tất cả nghiệp đều nhất định phải có quả báo. Tuy không nhất định phải có, nhưng cũng không phải là không có.

“Thiện nam tử! Trong tất cả chúng sanh có hai hạng người: một là người trí tuệ, hai là kẻ ngu si. Nhờ sức của trí tuệ, người trí có thể làm cho nghiệp rất nặng sẽ đọa vào địa ngục chuyển thành nghiệp nhẹ phải chịu ngay trong đời này. Kẻ ngu tuy tạo nghiệp nhẹ trong đời này nhưng sẽ phải chịu quả báo nặng ở địa ngục.”

(trang 96, tập VI)

Vì sao nói rằng “không phải tất cả nghiệp đều nhất định có quả báo”? Đức Phật giảng rõ hơn về ý này:

“Tất cả thánh nhân sở dĩ tu tập đạo là vì muốn phá trừ [hoặc chuyển hóa] những nghiệp nhất định [phải có quả báo] thành quả báo nhẹ, những nghiệp không nhất định [phải có quả báo] sẽ thành không có quả báo.”

(trang 96-97, tập VI)

Trở lại với sự phân loại nghiệp như trên, đức Phật giải thích về những nghiệp nhất định như sau:

“Thiện nam tử! Nếu có sự chủ tâm cố ý tạo ra những nghiệp lành dữ, rồi sau đó sanh khởi lòng tin tưởng sâu xa, mừng vui [đối với những việc làm đó]; hoặc nếu phát khởi thệ nguyện cúng dường Tam bảo. [Những việc] như thế gọi là nghiệp nhất định.”

(trang 98, tập VI)

Nghiệp nhất định ở đây có nghĩa là nhất định sẽ có quả báo xấu hoặc tốt, không thể sai chạy. Trong đó phân làm hai loại, một là những hành vi cố ý tạo tác và sau khi tạo tác rồi thì không có sự hối tiếc, ân hận; hai là những hành vi xuất phát từ thệ nguyện, tất cả đều chắc chắn sẽ mang lại kết quả.

Về những nghiệp gọi là không nhất định, đức Phật giải thích:

“Thiện nam tử! Người trí vốn có căn lành sâu vững, khó lay chuyển, nên có thể làm cho nghiệp nặng thành nhẹ. Kẻ ngu si tích lũy nghiệp ác sâu dày nên có thể làm cho nghiệp nhẹ tạo thành quả báo nặng. Vì nghĩa ấy, tất cả các nghiệp [này] đều không phải là nhất định.”

(trang 98, tập VI)

Những nghiệp này tuy cũng tạo ra quả báo, nhưng quả báo ấy có thể nói là tùy thuộc vào thái độ và hành vi của người tạo nghiệp kể từ sau khi tạo nghiệp. Chẳng hạn, đối với người có trí thì sớm biết ăn năn hối cải, lại nhờ vào căn lành sâu vững sẵn có nên sẽ khiến cho “nghiệp nặng thành nhẹ”. Ngược lại, kẻ ngu si sau khi tạo nghiệp thì vui mừng hớn hở với việc ác đã làm, tâm niệm xấu ác càng thêm lớn mạnh, lại do nghiệp ác từ trước tích lũy sâu dày nên “nghiệp nhẹ tạo thành quả báo nặng”. Ý nghĩa chuyển hóa là như thế. Cho nên ông Kỳ-bà có dẫn lời Phật dạy rằng:

“Người trí có hai điều, một là không làm việc ác, hai là nếu lỡ phạm vào liền sám hối. Người ngu cũng có hai điều, một là làm những việc tội lỗi xấu ác, hai là [đã làm rồi lại] che giấu tội lỗi.”

(trang 94, tập IV)

Lỡ lầm gây ra nghiệp ác, dù nặng hay nhẹ, đó là điều mà tất cả chúng sanh phàm phu hầu như không ai tránh khỏi. Vì thế, sự thật là trong chốn hồng trần nhiễu nhương này chúng ta không dễ gì giữ mình trong sạch đến mức “không làm việc ác”. Mọi tư tưởng và hành vi của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, cho dù có là hiền lành lương thiện đến đâu cũng không tránh khỏi những khi phạm vào các giới cấm mà Phật đã chế định, cho dù chỉ là Năm giới căn bản nhất, từ giới không giết hại cho đến giới không uống rượu... huống chi là đến bảy phần giới thanh tịnh như trong kinh đã dạy rõ? Vì thế, có thể nói rằng môn thần dược để dùng chung cho tất cả chúng sanh phàm phu chính là phải luôn ghi nhớ: “Nếu lỡ phạm vào liền sám hối”!

Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết chúng sanh không làm theo được như vậy. Họ thường xuyên “làm những việc tội lỗi xấu ác”, rồi sau đó lại tìm mọi cách để “che giấu tội lỗi”, vì thế nên có đủ cả hai điều của kẻ ngu si như vừa nói trên. Do sự ngu si đó mà không ngừng tạo nghiệp và thọ nghiệp, mãi mãi phải chịu luân chuyển khổ não trong vòng sanh tử.

Mặc dù vậy, bằng vào trí tuệ viên mãn của mình đức Phật cũng nhìn thấy và nói ra một sự thật rất đáng lạc quan cho tất cả chúng ta:

“Thiện nam tử! Nghiệp không nhất định của tất cả chúng sanh rất nhiều, nghiệp nhất định rất ít. Vì nghĩa ấy nên có việc tu tập [Chánh] đạo. Nhờ tu tập [Chánh] đạo mà có thể khiến cho những nghiệp nhất định nặng nề chỉ phải nhận lãnh quả báo nhẹ; những nghiệp không nhất định thì không phải nhận lãnh quả báo trong đời kế tiếp.”

(trang 107, tập VI)

Theo đây mà nói thì sự tu tập quả là hết sức cần thiết đối với tất cả chúng ta. Vì “nghiệp không nhất định rất nhiều” nên sự tu tập theo Chánh pháp chắc chắn có thể giúp chúng ta xóa bỏ chúng đi và “không phải nhận lãnh quả báo trong đời kế tiếp”. Còn đối với những “nghiệp nhất định nặng nề” thì ta vẫn có thể chuyển hóa chúng để “chỉ phải nhận lãnh quả báo nhẹ”.

Lời Phật dạy đã quá rõ ràng như thế, lợi ích thật hết sức lớn lao như thế, những người có trí tuệ lẽ nào lại có thể không tin nhận làm theo?

Dù vậy, trong thực tế thì trong số chúng sanh phàm phu này vẫn luôn tồn tại đủ hai hạng người: trí tuệ và ngu si. Mỗi hạng người như thế do hành vi và tư tưởng của chính mình nên sẽ nhận chịu những quả báo không giống nhau, ngay cả khi họ đã cùng phạm vào một tội lỗi như nhau. Đức Phật dạy:

“Thiện nam tử! [Trong tất cả chúng sanh] có hai hạng người. Hạng người thứ nhất luôn làm cho những nghiệp không nhất định trở thành có quả báo nhất định; những quả báo đời hiện tại trở thành quả báo đời kế tiếp; những quả báo nhẹ trở thành quả báo nặng; [những quả báo] lẽ ra phải lãnh chịu trong kiếp người lại trở thành [quả báo] phải lãnh chịu trong địa ngục.

“Hạng người thứ hai có thể làm cho những nghiệp nhất định thành ra không nhất định; những quả báo lẽ ra phải lãnh chịu vào đời kế tiếp trở thành quả báo ngay trong đời hiện tại; những quả báo nặng thành ra quả báo nhẹ; [những quả báo] lẽ ra phải lãnh chịu trong địa ngục lại trở thành [quả báo] nhẹ trong kiếp người.

“Hai hạng người ấy, một hạng là ngu si, một hạng là có trí tuệ. Hạng có trí tuệ [có thể] làm cho [quả báo nặng] trở thành nhẹ; hạng ngu si khiến cho [quả báo nhẹ] trở thành nặng.”  

(trang 108, tập VI)

Về nội dung tu tập theo Chánh pháp như thế nào để có thể chuyển hóa nghiệp lực như nói trên, đức Phật đã giảng giải rất nhiều về bốn ý nghĩa tu tập là thân, giới, tâm, tuệ. Về ý nghĩa tổng quát thì tu thân là nhiếp phục các căn, tu giới là giữ theo bảy phần giới thanh tịnh, tu tâm chính là sự tu tập để điều phục tâm và tu tuệ là tu tập theo công hạnh của bậc thánh như đã giảng trong phần Thánh hạnh. Tuy nhiên, các nội dung này còn được đức Phật giảng giải mở rộng rất nhiều trong kinh này, và mỗi phần giảng rộng đều hàm chứa ý nghĩa sâu xa, người đọc nhất thiết phải tự mình nghiền ngẫm thì may ra mới có thể lãnh hội được phần nào.

Như vậy, ý nghĩa tương quan giữa nghiệp và kết quả xem ra đã quá rõ ràng. Việc tạo nghiệp lành hay nghiệp ác là do chúng ta quyết định bằng chính những tư tưởng và hành vi của mình. Nhưng ngay cả khi đã lỡ lầm tạo nghiệp xấu ác – là điều mà hầu như không mấy ai tránh khỏi – thì việc có phải nhận chịu quả báo nặng nề hay không lại một lần nữa cũng do chúng ta tự quyết định bằng chính thái độ, tư tưởng và hành vi của mình sau khi tạo nghiệp. Nếu người nào đã có được đến hai cơ hội tự quyết định như vậy mà vẫn khăng khăng đi vào nẻo ác thì quả thật sẽ không còn ai có thể cứu vớt được nữa, vì đó đã là sự lựa chọn của chính họ.

Sự chỉ bảo ân cần của đức Phật cũng chỉ có thể mang lại lợi ích lớn lao cho những ai tin nhận và làm theo. Nếu đã không tự mình nỗ lực vươn lên thì sự sa đọa cũng là một kết quả tất nhiên phải đến.



[1] Chúng tôi tình cờ đọc câu chuyện này được kể lại trong một bài đăng trên mạng Internet, toàn văn như sau:

Một hôm nọ, trong khi Bụt và một số các thầy đi khất thực trên con đường quen thuộc dẫn về thủ đô, đại đức Ananda nhác thấy bóng một con voi lớn từ chuồng voi hoàng gia xổng ra và đang chạy về phía mình. Đại đức hoảng kinh. Con voi này ai cũng đã nghe tiếng. Đó là con voi dữ nhất trong vương quốc. Nó tên là Nalagiri. Tại sao người ta lại để cho Nalagiri xổng chuồng ra như thế. Vừa lúc đó những người đi đường cũng đã nhận ra sự nguy hiểm. Họ hô hoán lên và cùng nhau chạy núp ở hai bên vệ đường. Dân chúng hai bên đường phố đều đã trông thấy con voi Nalagira. Con voi đưa vòi lên cao, đuôi và hai tai thẳng đứng dậy, nó nhắm phía Bụt và các vị khất sĩ mà chạy tới. Thấy tình trạng nguy hiểm quá, Ananda vội nắm tay Bụt và đẩy người về phía vệ đường, nhưng Bụt không theo Ananda, người đứng yên tại chỗ, một số các vị khất sĩ núp sau lưng Bụt, một số khác chạy tứ tán tìm chỗ núp hai bên vệ đường. Dân chúng hai bên đường phố la hoảng lên. Mọi người nín thở, Ananda vừa bước lên định đứng chận trước mặt Bụt thì bỗng nghe Bụt hú lên một tiếng lớn và dài. Tiếng rú vọng lên, nghiêm trang và oai vệ. Đây là tiếng hú của con voi chúa trong rừng Rakkhita ở Parileyyaka. Bụt đã an cư một mình trong rừng này, và trong thời gian ấy người đã học được tiếng hú của con voi chúa thường đem bầy voi con tới uống nước bên bờ suối. Voi Nalagiri đã xông tới chỉ còn cách Bụt chừng mươi bước. Nghe tiếng hú vang dội, nó tự nhiên khựng lại. Lập tức nó khuỵu hai chân trước xuống, rồi khuỵu luôn hai chân sau, vòi nó hạ thấp xuống sát đất. Hai tai nó cụp xuống, đuôi nó cũng vậy.”

Câu chuyện con voi Hộ Tài được cố ý thả ra để làm hại Phật được kể lại hoàn toàn khác biệt nhưng không thấy nói là đã dựa theo những kinh điển nào! Quý vị có thể kiểm chứng bài viết này tại địa chỉ: http://www.thuvienhoasen.org/duongxuamaytrang-15.htm.