4. TÁNH PHẬT VÀ NHẤT-XIỂN-ĐỀ
Nhất-xiển-đề, phiên âm từ Phạn ngữ icchantika, là một khái niệm đặc thù
trong Phật giáo, được dịch nghĩa sang chữ Hán là bất tín (不信) hay tín
bất cụ, (信不具) nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở
đây được hiểu là tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả và nghiệp báo.
Trong khi thuyết giảng về hạng người này, nhiều lần đức Phật dạy rằng đó
là những người đã dứt hết căn lành. Dưới đây là lời Phật dạy:
“Sao gọi là nhất-xiển-đề? Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi
điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng
sanh được một niệm lành.”
(trang 529, tập I)
Theo lời Phật dạy trong kinh này cũng như nhiều kinh điển khác thì tất
cả các nghiệp ác không gì nặng hơn làm kẻ nhất-xiển-đề: “Thiện nam tử!
Kẻ xấu ác nhất gọi là nhất-xiển-đề.” (trang 303, tập III) Vì thế, khi vị
Bồ Tát phát nguyện độ sanh, tuy có thể chấp nhận tất cả mọi cảnh khổ
nhưng vẫn sợ nhất là việc phỉ báng kinh Phương đẳng Đại thừa. Phỉ báng
kinh Phương đẳng Đại thừa chính là nói những kẻ nhất-xiển-đề, vì không
có lòng tin nên mới phỉ báng. Phật dạy:
“Bồ Tát tùy duyên thọ sanh, chẳng sợ các cảnh giới địa ngục, súc sanh,
ngạ quỷ, chỉ sợ việc phỉ báng kinh Phương đẳng.”
(trang 602, tập IV)
Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đánh mất lòng tin và xem đây như
một nghiệp ác nặng nề nhất cũng là điều hợp lý. Bởi chính từ chỗ đánh
mất niềm tin mà con người sẽ có thể phạm vào bất cứ tội ác nặng nề nào,
không còn có sự tự chế và cũng không ai có thể ngăn cản được. Hơn nữa,
một người sau khi phạm vào tội ác nặng nề vẫn có thể sanh tâm hối lỗi,
biết ân hận về việc đã làm và thành tâm cải hối thì sẽ trở thành người
tốt, không còn tái phạm việc ác trước đó. Nhưng kẻ nhất-xiển-đề đã đánh
mất đi cơ hội cải hối, vì họ không có niềm tin vào Chánh pháp, vào chân
lý, nên không thể dựa vào đâu để có thể tự nhận ra việc ác đã làm là cần
phải cải hối. Chính vì thế, hướng đi phía trước của họ chỉ có thể là
ngày càng lún sâu vào tội lỗi mà không mong gì có cơ hội thay đổi.
Như phần trước đây đã nói rõ về ý nghĩa “tất cả chúng sanh đều có tánh
Phật”, nhưng chỉ riêng những kẻ gọi là nhất-xiển-đề thì dường như không
nằm trong số “tất cả chúng sanh” đó. Phật dạy:
“... Nhưng kẻ nhất-xiển-đề mà phát tâm Bồ-đề là việc không thể có!... Ví
như hạt giống đã hư hỏng, dù gặp mưa xuống cho đến trăm, ngàn, vạn kiếp
cũng không thể nảy mầm. Nếu mầm sanh ra được, đó là việc không thể có.
“Những kẻ nhất-xiển-đề cũng vậy, dù có được nghe kinh điển vi diệu Đại
Bát Niết-bàn này, cũng không hề nảy sanh cái mầm tâm Bồ-đề. Nếu họ nảy
sanh ra được, đó là việc không thể có! Vì sao vậy? Những người ấy đã dứt
mất hết thảy căn lành, như hạt giống đã hư hỏng, không thể nảy sanh
những mầm rễ là tâm Bồ-đề.”
(trang 279, tập II)
Và trong một đoạn tiếp theo sau đó, đức Phật nhấn mạnh:
“Những kẻ nhất-xiển-đề này đã dứt hết căn lành, không thể đón nhận giáo
pháp. Ví như họ được nghe kinh Đại Niết-bàn này trong trăm ngàn vạn năm,
rốt cùng cũng không thể phát tâm Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì chẳng có tâm
lành.”
(trang 280, tập II)
Theo các đoạn kinh văn vừa dẫn thì rõ ràng những kẻ nhất-xiển-đề quả
thật không còn chút hy vọng gì có thể được cứu vớt, vì ngay cả kinh điển
Đại thừa với năng lực chuyển hóa không thể nghĩ bàn này cũng không có
chút tác dụng gì đối với họ nữa!
Nhưng thật ra thì đức Phật không hề dạy rằng những kẻ nhất-xiển-đề không
có tánh Phật. Mặc dù khả năng thành đạo Bồ-đề của họ như trên vừa nói là
“không thể có”, nhưng ở một phần kinh văn khác đức Phật vẫn xác quyết
rằng hạng nhất-xiển-đề vẫn là chúng sanh, cho nên họ vẫn có tánh Phật.
Đức Phật dạy:
“Vì nghĩa ấy, ta thường dạy rằng: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật;
cho đến hạng nhất-xiển-đề cũng có tánh Phật.
“Hạng nhất-xiển-đề không có pháp lành, nhưng tánh Phật vẫn là lành, vì
là trong tương lai sẽ có [pháp lành].
“Tất cả hạng nhất-xiển-đề đều có tánh Phật. Vì sao vậy? Vì hạng
nhất-xiển-đề chắc chắn rồi cũng sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề.”
(trang 274, tập V)
Như vậy, vấn đề dường như đã trở nên hết sức tinh tế và khó hiểu, không
thể không làm cho người nghe nảy sanh sự thắc mắc. Vì thế, Bồ Tát Quang
Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương đã thay mặt thính chúng nêu lên sự
thắc mắc này:
“Bạch Thế Tôn! Nếu như dứt mất căn lành mới gọi là nhất-xiển-đề, vậy khi
dứt mất căn lành thì tánh Phật sẵn có sao không dứt mất? Nếu tánh Phật
bị dứt mất, vì sao lại nói [tánh Phật] là thường, lạc, ngã, tịnh? Như
tánh Phật không bị dứt mất, vì sao lại gọi đó là nhất-xiển-đề?”
(trang 381, tập IV)
Xem ra có lẽ đây cũng là sự thắc mắc chung của hầu hết những người đọc
kinh, vì nhìn từ góc độ biện luận của thế gian thì vấn đề có vẻ như đã
trở nên mâu thuẫn và bế tắc! Đức Phật vừa nói chắc rằng hạng
nhất-xiển-đề cũng có tánh Phật, nghĩa là có khả năng giác ngộ thành
Phật; nhưng đồng thời ngài cũng dạy rằng việc hạng nhất-xiển-đề thành
Phật là điều không thể có! Hai điều này dường như không thể cùng tồn tại
mà không nảy sanh mâu thuẫn!
Tuy nhiên, chính từ nơi sự thắc mắc này mà đức Phật đã thuyết giảng một
phần giáo pháp cực kỳ sâu xa uyên áo để giải tỏa mọi sự vướng mắc nghi
ngờ trong thính chúng. Phật dạy:
“Thiện nam tử! Những kẻ nhất-xiển-đề cũng không phải là nhất định. Nếu
là nhất định thì họ chẳng bao giờ có thể chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề. Vì không nhất định nên họ mới có thể chứng đắc [A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề].”
(trang 383, tập IV)
Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ cái khái niệm mà tất cả chúng ta gọi là
“nhất-xiển-đề” đó thật ra chỉ là một tên gọi với những nội dung chuyển
tải tương đối trong phạm trù ngôn ngữ chứ không phải là một thực thể
thường tồn bất biến. Chỉ vì chúng ta luôn cố chấp vào lớp vỏ ngôn ngữ đó
như một cái gì không thể thay đổi nên ta không thể nhận ra được ý nghĩa
chân thật của vấn đề. Đức Phật còn dạy rằng, ngay cả Như Lai – hay đúng
hơn có lẽ phải hiểu đây là “khái niệm Như Lai” trong nhận thức tri giác
của tất cả chúng sanh – cũng là không nhất định. Phật dạy:
“Thiện nam tử! Nên biết rằng Như Lai cũng là không nhất định.”
(trang 386, tập IV)
Vì khái niệm nhất-xiển-đề là không nhất định, nên thật ra không hề có
một chúng sanh nào có thể vĩnh viễn là nhất-xiển-đề. Tại một nơi khác
trong kinh này, đức Phật dạy:
“... như [nói rằng] hạng nhất-xiển-đề rốt cùng không thay đổi, kẻ phạm
trọng cấm không thể thành Phật là vô lý. Vì sao vậy? Nếu những người này
ở trong Chánh pháp của Phật có được lòng tin trong sạch, lập tức sẽ
không còn là nhất-xiển-đề.”
(trang 529, tập I)
Và đức Phật cũng xác quyết ý nghĩa này một cách rõ ràng hơn như sau:
“Những kẻ nhất-xiển-đề, phạm bốn trọng cấm, phỉ báng kinh Phương đẳng,
tạo năm tội nghịch, [nếu] buông bỏ tâm ấy thì nhất định sẽ chứng đắc
Niết-bàn.”
(trang 579, tập IV)
Như vậy, đến đây chúng ta có thể tạm hiểu được vì sao nói kẻ
nhất-xiển-đề không thể chứng đắc quả Phật nhưng cũng nói họ có tánh
Phật. Vì chỉ cần họ buông bỏ tâm nhất-xiển-đề thì khả năng thành Phật
của họ là thật có.
Nhưng còn tánh Phật thì sao? Nếu nói tánh Phật là thường, lạc, ngã,
tịnh, và tánh Phật đó cũng là căn lành, thì tại sao lại nói ở kẻ
nhất-xiển-đề mọi căn lành đều dứt sạch? Nếu là dứt sạch, tức là phải dứt
mất cả tánh Phật, vậy làm sao có thể nói tánh Phật là thường tồn? Về ý
nghĩa này, đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Căn lành có hai loại, một là ở trong, hai là ở ngoài.
Tánh Phật là chẳng ở trong, chẳng ở ngoài. Vì nghĩa ấy nên tánh Phật
không dứt mất. [Căn lành] lại có hai loại, một là hữu lậu, hai là vô
lậu. Tánh Phật chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu nên không dứt mất.
[Căn lành] lại có hai loại: một là thường, hai là vô thường. Tánh Phật
chẳng phải thường, chẳng phải vô thường nên không dứt mất.”
(trang 383, tập IV)
Như vậy, từ chỗ phân biệt chỉ rõ ý nghĩa khái niệm tương đối, không nhất
định, đến đây đức Phật đã dẫn dắt thính chúng vào cảnh giới của trung
đạo, của sự vượt thoát ra ngoài mọi khái niệm tương đối. Trong phần nói
về nội dung ý nghĩa “Như Lai thường trụ”, chúng tôi có nói rằng: “Các
khái niệm thường và vô thường đều chưa thoát khỏi phạm trù của tư duy
chấp thủ.” Chính vì thế mà đức Phật đã chỉ rõ nơi đây ý nghĩa của tánh
Phật là “chẳng phải thường, chẳng phải vô thường”. Sự thật, nếu tánh
Phật không được hiểu theo ý nghĩa vượt thoát ra khỏi phạm trù đối đãi
của hai khái niệm thường và vô thường thì đó không thể là tánh Phật,
không thể là năng lực giác ngộ rốt ráo, giải thoát chúng sanh ra khỏi
sanh tử luân hồi.
Tánh Phật là vượt ngoài không gian và thời gian, nên không nằm trong
phạm trù đối đãi của hai khái niệm “trong” và “ngoài”, vì thế đức Phật
dạy rằng “tánh Phật là chẳng ở trong, chẳng ở ngoài”. Chúng sanh tu tập
để mong được dứt trừ hữu lậu, chứng đắc vô lậu, nhưng tánh Phật là vượt
ngoài sự chứng đắc, không nằm trong phạm trù đối đãi của hai khái niệm
“hữu lậu” và “vô lậu”, vì thế đức Phật dạy rằng “tánh Phật chẳng phải
hữu lậu, chẳng phải vô lậu”.
Tánh Phật là như thế, làm sao có thể rơi vào chỗ “dứt mất” hay “không
dứt mất”? Nhưng vì tùy thuận theo tư duy khái niệm của chúng sanh nên
nói rằng “tánh Phật không dứt mất”; cũng như vì tùy theo sự nhận hiểu
của chúng sanh mà nói rằng “tánh Phật là thường” chứ thật ra tánh Phật
không thể rơi vào các phạm trù thường hay vô thường.
Cho dù ý nghĩa chân thật rốt ráo là như vậy, nhưng sự nhận hiểu và mô tả
về tánh Phật trong kinh này là hướng đến những chúng sanh phàm phu, chưa
đạt được giải thoát, nên đức Phật đã ân cần chỉ dạy tất cả những gì cần
phải hiểu đúng về tánh Phật, tất nhiên là trong phạm trù giới hạn của
ngôn ngữ. Theo đó, tánh Phật là như nhau ở tất cả mọi chúng sanh, như
lời Phật dạy:
“Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát cũng vậy, thảy đều đồng một tánh Phật,
cũng như chất sữa kia cùng một màu vậy.”
(trang 377, tập II)
Nhưng biểu hiện của tánh Phật ấy lại là không giống nhau ở mọi chúng
sanh. Đối với hàng phàm phu, tánh Phật ấy bị che khuất bởi vô lượng
phiền não nên không thể nào tự mình nhận biết được. Và đó chính là lý do
vì sao chúng ta mang theo tánh Phật quý giá trong tự thân mình mà vẫn
phải lưu chuyển muôn đời trong sanh tử, giống như người đàn bà nghèo vốn
có một kho vàng ngay trong nhà mình nhưng không biết chỗ để đào lên sử
dụng, đành phải chịu đựng kiếp sống nghèo khổ. Phật dạy:
“Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh lại cũng như vậy. Tất cả chúng
sanh đều chẳng thấy được tánh Phật ấy, cũng như người đàn bà nghèo khó
kia chẳng biết kho báu của mình chôn ở chỗ nào.
“Thiện nam tử! Nay ta chỉ bày cho hết thảy chúng sanh cái tánh Phật mà
họ sẵn có. Tánh Phật ấy bị các phiền não che lấp, cũng như người đàn bà
nghèo khó kia có kho vàng ròng nhưng không thể thấy được. Nay Như Lai
chỉ bày cho tất cả chúng sanh kho báu tánh giác của họ, ấy là tánh
Phật.”
(trang 94, tập II)
Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng sanh tự mình có thể khai quật
kho vàng tánh Phật sẵn có của mình, thoát khỏi kiếp sống nghèo cùng khốn
khổ là sự luân chuyển muôn đời trong sanh tử. Để làm được điều đó, chúng
ta nhất thiết phải sanh khởi niềm tin vào Tam bảo, vào Chánh pháp do đức
Phật thuyết dạy, vào con đường tu tập tuy cực kỳ khó khăn nhưng chắc
chắn sẽ dẫn đến kết quả giải thoát. Đây chính là lý do vì sao những kẻ
nhất-xiển-đề là đối tượng duy nhất bị từ chối không thể bước vào ngôi
nhà Phật pháp: họ đã thiếu hẳn ngay từ điều kiện tiên quyết nhất là lòng
tin chân chánh!
Đối với những người đã dấn bước trên con đường tu tập thì tánh Phật có
sự khác biệt tùy theo mức độ tu tiến. Phật dạy:
“Hàng Tu-đà-hoàn và Tư-đà-hàm dứt trừ được một ít phiền não, tánh Phật
[nơi họ] ví như sữa tươi. Tánh Phật ở hàng A-na-hàm ví như kem sữa. Tánh
Phật ở các vị A-la-hán ví như bơ sống. Từ các vị Phật Bích-chi lên đến
Bồ Tát trụ ở địa vị thứ mười, tánh Phật ví như bơ chín. Tánh Phật ở Như
Lai ví như đề-hồ.”
(trang 491, tập VI)
Như vậy là đã rõ, sự hiển lộ của tánh Phật tùy thuộc vào mức độ dứt trừ
phiền não. Vì thế, nếu chúng sanh không tu tập theo Chánh pháp để dứt
trừ phiền não thì tánh Phật cho dù sẵn có cũng không thể thấy được.
Nhưng dù không thể thấy được cũng vẫn là sẵn có, cho nên khả năng khởi
sự tu tập ở tất cả chúng sanh là như nhau, chỉ cần sanh khởi đức tin và
bắt đầu thực hành Chánh pháp thì tánh Phật nơi mỗi người sẽ bắt đầu hiển
lộ.
Còn đối với hạng nhất-xiển-đề thì sao? Nếu không buông bỏ tâm
nhất-xiển-đề thì cơ hội tu tập đối với họ chỉ là con số không, vì họ
không thể sanh khởi đức tin chân chánh. Tuy khả năng giác ngộ như vậy là
không còn nữa đối với họ nhưng họ vẫn có tánh Phật, và vì thế vẫn còn có
hy vọng sanh khởi căn lành trong tương lai. Đức Phật giải thích về việc
này như sau:
“Vì thế, những kẻ dứt mất căn lành là do nhân duyên phiền não trong đời
hiện tại khiến cho dứt mất căn lành. Nhờ sức của tánh Phật trong đời vị
lai làm nhân duyên nên căn lành [có thể] được sanh trở lại.
“... Thiện nam tử! Ví như ngọn đèn và mặt trời tuy chưa xuất hiện nhưng
tính chất của chúng vẫn là có thể phá trừ sự tối tăm. Tự tánh trong
tương lai có thể sanh ra tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy.”
(trang 491-492, tập VI)
Để thấy rõ hơn ý nghĩa tánh Phật và nhất-xiển-đề, chúng ta sẽ thử xét
qua hai nhân vật rất đặc biệt được nhắc đến trong kinh này. Nhân vật thứ
nhất là vua A-xà-thế, có thể xem là tiêu biểu cho những kẻ đã phạm vào
tội lỗi hết sức nặng nề nhưng biết sanh lòng ăn năn hối cải. Nhân vật
thứ hai là Thiện Tinh, một vị tỳ-kheo đã từng có quá trình tu tập rất
xuất sắc nhưng chỉ vì không giữ được niềm tin vào Tam bảo nên phải nhận
lãnh kết quả cuối cùng là sa vào địa ngục. Vì thế, Thiện Tinh có thể xem
là một nhân vật tiêu biểu cho những kẻ nhất-xiển-đề.
Về vua A-xà-thế, kinh văn mô tả những nét đầu tiên về ông như sau:
“Bấy giờ, trong thành lớn Vương Xá có vua A-xà-thế là người tánh tình
xấu ác, ưa làm việc giết hại, lời nói phạm vào đủ bốn điều ác, tham lam,
giận dữ, ngu si, trong lòng luôn hung hăng, sôi sục. Vua chỉ nhìn thấy
hiện tại, chẳng quan tâm việc về sau, dùng toàn những người ác làm thân
thuộc.
“Vì tham đắm vướng mắc vào năm món dục lạc trước mắt nên vua cha [là
Tần-bà-sa-la] không có tội mà [A-xà-thế] ngang ngược giết đi.”
(trang 609, tập III)
Nguyên nhân giết cha của A-xà-thế về sau được mô tả cặn kẽ hơn là xuất
phát từ sự sân hận, do những lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa và quan đại
thần Vũ Hành, nhắc lại việc thuở nhỏ đã có lời dự báo là ông về sau sẽ
giết vua cha nên mẹ ông là bà Vi-đề-hy đã từng ném ông từ trên lầu cao
xuống đất, nhưng lúc đó ông không chết mà chỉ gãy mất một ngón tay. Vì
nghe kể lại chuyện này mà ông nổi giận, lập tức ra lệnh bắt giam vua cha
là Tần-bà-sa-la cho đến chết.
Sau khi vua cha đã chết, A-xà-thế sanh lòng hối hận, chịu sự giày vò khổ
não và luôn lo nghĩ đến tội ác đã phạm của mình, cầm chắc là không thể
tránh khỏi việc phải sa vào địa ngục. Hơn thế nữa, do nghiệp ác chiêu
cảm tức thời mà thân thể ông sanh ra đủ loại ghẻ độc, đau đớn không sao
chữa trị được.
Các đại thần trong triều lần lượt thuyết phục ông hãy tìm đến với các vị
thầy ngoại đạo để họ trừ bỏ tội lỗi cho ông, nhưng vua A-xà-thế không
đặt lòng tin vào ai cả, cho đến khi vị ngự y Kỳ-bà, một Phật tử thuần
thành và am hiểu giáo pháp, hết lời khuyên vua hãy tìm đến với đức Phật.
Vua A-xà-thế tin theo lời khuyên của Kỳ-bà. Sau khi đến gặp đức Phật và
được nghe thuyết pháp, ông đã hiểu và tin nhận Chánh pháp, phát tâm quy
y Tam bảo và trở thành một vị vua hết lòng ủng hộ Phật pháp. Mọi tội lỗi
của ông nhờ đó được dứt trừ. Về chuyện dứt trừ tội lỗi của vua A-xà-thế,
chúng tôi sẽ đề cập đến trong tiểu mục 9: Nghiệp và kết quả.
Câu chuyện của tỳ-kheo Thiện Tinh có thể xem là một diễn tiến gần như
ngược lại. Qua lời Bồ Tát Ca-diếp, kinh văn mô tả về vị tỳ-kheo này như
sau:
“Khi Phật còn là Bồ Tát, tỳ-kheo Thiện Tinh từng là con trai của Phật,
sau khi xuất gia liền thọ trì, đọc tụng, phân biệt giảng thuyết được
Mười hai bộ kinh, phá trừ hết phiền não Dục giới, tu tập chứng đắc Bốn
thiền.”
(trang 302, tập VI)
Về chuyện Thiện Tinh từng là con trai Phật, Pháp Hoa huyền tán, quyển 1,
dẫn kinh văn nói rằng: “Vào thuở ấy Phật có 3 người con trai, một là
Thiện Tinh, hai là Ưu-bà-ma-da và người thứ ba là La-hầu.”
Đó là chuyện quá khứ, còn trong đời hiện tại thì Thiện Tinh vốn cùng
Phật sanh ra trong hoàng tộc Thích-ca và là một trong những người có khả
năng được nối ngôi vua. Tuy nhiên, ông cũng đã từ bỏ cơ hội làm vua để
xin được xuất gia theo Phật và đức Phật đã chấp nhận cho ông được xuất
gia.
Như vậy, rõ ràng vị tỳ-kheo này đã từng gieo cấy rất nhiều căn lành
trong quá khứ, đã từng tu tập gắn bó nhiều đời với Phật pháp mới có thể
đạt được những điều tốt đẹp như vậy. Những gì chúng ta được biết về ông
ta như trên là trái ngược hẳn với những mô tả ban đầu về vua A-xà-thế.
Thế nhưng tỳ-kheo Thiện Tinh không giữ gìn được những vốn quý đã có, chỉ
vì ông không giữ được lòng tin vào Tam bảo, hay nói cách khác là đã khởi
sanh tâm niệm nhất-xiển-đề. Đức Phật nói về ông như sau:
“Thiện nam tử! Tỳ-kheo Thiện Tinh tuy cũng đọc tụng Mười hai bộ kinh,
chứng đắc Bốn thiền, nhưng thậm chí không hiểu được ý nghĩa của một bài
kệ hay một câu, một chữ [trong kinh]. Vì gần gũi những bạn xấu nên dần
sa sút mất cả Bốn thiền. Mất cả Bốn thiền rồi liền sanh tà kiến xấu ác,
nói rằng: Không có Phật, không có Pháp, không có Niết-bàn. Sa-môn Cồ-đàm
chỉ nhờ khéo biết được tướng pháp nên rõ được tâm ý người khác đó thôi.”
(trang 310-311, tập VI)
Chính vì thế, trong kinh này thuật lại rất nhiều lần Thiện Tinh tỏ rõ
tâm bất tín của mình. Chính ông ta cũng tự thú nhận:
“Tuy Như Lai vì tôi thuyết pháp, nhưng tôi thật lòng cho rằng không có
nhân quả.”
(trang 311, tập VI)
Và như vậy, từ một người đã tích lũy được rất nhiều vốn quý trong sự tu
tập qua nhiều đời, Thiện Tinh chỉ vì không tin nhân quả, không tin Tam
bảo nên cuối cùng phải gánh chịu một kết quả thật bi đát:
“Lúc đó, đức Như Lai cùng với Ca-diếp đi đến chỗ Thiện Tinh. Tỳ-kheo
Thiện Tinh từ xa đã trông thấy Phật. Vừa thấy rồi liền sanh lòng xấu ác,
tà vạy. Vì lòng xấu ác đó mà lập tức sa vào địa ngục A-tỳ ngay trong khi
đang sống!”
(trang 311, tập VI)
Với kết quả đáng buồn này, đức Phật đã đưa ra một kết luận có tính cách
huấn thị cho tất cả những người tu tập theo Phật pháp. Phật dạy:
“Thiện nam tử! Tuy tỳ-kheo Thiện Tinh được vào trong pháp Phật có vô
lượng món báu, nhưng không thu hoạch được gì, thậm chí không có được lợi
ích của một pháp nào cả! Đó là do sự buông thả, lười nhác; do [gần gũi]
những bạn bè xấu ác, hiểu biết sai lầm.
“Ví như người đi vào biển cả, nhìn thấy nhiều thứ trân bảo, nhưng không
lấy được gì cả chỉ vì lười nhác. Lại ví như người đi vào biển cả, tuy
nhìn thấy trân bảo chất đống, nhưng vì đuối sức nên chết, hoặc bị ác quỷ
la-sát giết chết. Thiện Tinh cũng vậy, tuy vào được trong pháp Phật rồi
nhưng lại bị quỷ la-sát lớn là những bạn hữu xấu ác giết hại.”
(trang 311-312, tập VI)
Theo lời Phật dạy ở đây, những gì đã khiến cho Thiện Tinh sa đọa không
gì khác hơn là các yếu tố buông thả, lười nhác, gần gũi những bạn bè xấu
ác và hiểu biết sai lầm. Thật đáng sợ lắm thay!
Qua câu chuyện của vua A-xà-thế, chúng ta thấy rõ được ý nghĩa “tất cả
chúng sanh đều có tánh Phật”. Nhờ sẵn có tánh Phật, nhà vua mang đầy tội
lỗi này đã có thể nhanh chóng tiếp nhận những lời dạy của Phật và trở
thành người tin sâu Phật pháp, hộ trì Tam bảo, trừ bỏ được những lỗi lầm
đã mắc phải. Với tấm gương của vua A-xà-thế, chúng ta có thể tin chắc
rằng cơ hội cải hối luôn sẵn dành cho tất cả những ai đã lỡ lầm phạm vào
tội lỗi, chỉ cần người ấy có được sự thành tâm sám hối và tin nhận, quay
về đi theo con đường Phật pháp.
Nhưng đồng thời qua câu chuyện của tỳ-kheo Thiện Tinh chúng ta cũng thấy
ra được một điều là tất cả chúng sanh đều sẵn có nguy cơ trở thành kẻ
nhất-xiển-đề, hay cũng có thể nói khác đi là luôn sẵn có “tánh
nhất-xiển-đề”. Theo lời cảnh báo của đức Phật như trên, chỉ cần chúng ta
đi theo con đường buông thả, lười nhác, gần gũi những bạn bè xấu ác và
hiểu biết sai lầm thì chắc chắn sớm muộn rồi ta cũng sẽ trở thành một kẻ
nhất-xiển-đề!
Thật ra, không chỉ là “tánh nhất-xiển-đề” mà cùng với tánh Phật thì mỗi
chúng ta cũng đều sẵn có những yếu tố để đi vào các cảnh giới a-tu-la,
địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chư thiên hay nhân loại. Mỗi hành vi và tư
tưởng của chúng ta đều sẽ góp phần quyết định yếu tố nào trong số đó
được nuôi dưỡng lớn lên và yếu tố nào sẽ bị kiềm chế, dứt trừ. Nếu hiểu
được điều đó, chúng ta sẽ thấy rõ rằng con đường tu tập là con đường do
chính ta chọn lựa và phải tự mình dấn bước, không một ai khác có thể
giúp sức cho ta ngoài những lời chỉ dạy hay khuyên bảo. Đức Phật đã ra
đời để chỉ bày cho chúng ta một con đường chân chánh, nhưng ta nhất định
phải tự mình nỗ lực đi theo con đường ấy nếu muốn đạt được những gì chư
Phật đã chỉ bày. Nội dung ý nghĩa về tánh Phật và nhất-xiển-đề vì thế
vừa mang tính khích lệ giúp chúng ta có được sự tự tin và quyết tâm tu
tập, nhưng đồng thời cũng là sự cảnh báo tất cả chúng ta phải luôn hết
sức tinh tấn và tỉnh giác để không rơi vào con đường sa đọa.