IV. THAY LỜI KẾT
Trong phần Tổng quan này, chúng ta đã cố gắng tìm hiểu cấu trúc tổng
thể của kinh Đại Bát Niết-bàn và sau đó điểm qua một số nội dung
chính yếu trong kinh. Cụ thể đã có 10 nội dung chính đã được chúng
tôi trích dẫn từ kinh văn để tìm hiểu.
Như đã nói ngay từ đầu, tâm nguyện của chúng tôi chỉ là muốn chia sẻ
một phần kiến thức hạn hẹp với những Phật tử sơ cơ. Vì thế, điều tất
nhiên là phần Tổng quan này không thể xem như đã đề cập hết các nội
dung trong kinh, và ngay cả với các nội dung đã đề cập cũng không
thể xem là đã nói được đầy đủ. Tuy nhiên, sở dĩ chúng tôi quyết định
chọn ra 10 nội dung chính như trên là vì chúng tôi tin rằng đối với
những Phật tử sơ cơ thì nắm rõ những nội dung này cũng có thể xem là
có được chút vốn liếng ban đầu để cất bước trên con đường tu tập.
Hơn nữa, sau khi nắm vững được những nội dung này rồi thì người đọc
chắc chắn sẽ có thể tự mình tìm hiểu các nội dung khác, cũng như mở
rộng hơn các ý nghĩa nội dung đã được trình bày trong phần này.
Mặt khác, tuy những gì trình bày trong phần Tổng quan này là dựa
trên sự nhận hiểu chủ quan và hạn hẹp của chúng tôi, nhưng trong khi
biên soạn chúng tôi đã cố gắng chọn và trích dẫn rất nhiều đoạn kinh
văn có liên quan để người đọc cũng có thể qua đó tự mình nhận hiểu
về nội dung đang được đề cập. Trong hầu hết các trường hợp, những gì
được trình bày ở đây chỉ mang tính gợi ý, và người đọc qua đó sẽ
nhận ra được phần kinh văn nào cần phải quay lại đọc kỹ hơn nhằm nắm
hiểu được nội dung đang được nói đến.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói ở đây là sự khác biệt giữa việc
đọc kinh với việc đọc các loại sách thông thường. Chúng ta không thể
hy vọng chỉ đọc qua một hoặc hai lần mà có thể nắm hiểu được ý nghĩa
trong kinh. Chính vì thế mà chúng tôi hy vọng phần Tổng quan ngắn
gọn này sẽ có thể được người đọc kinh sử dụng như một bản lược đồ
thuận tiện để có thể mang theo và đọc lại nhiều lần, nhằm nhắc nhở
và ôn lại những ý nghĩa đã học được trong lúc đọc kinh. Trong trường
hợp có những ý nghĩa chưa thực sự nắm vững, người đọc cũng có thể
qua đây để nhận ra và tìm đến đúng phần kinh văn đó để đọc lại.
Giáo pháp đức Thế Tôn để lại trong kinh này là cả một kho tàng vĩ
đại! Chính Bồ Tát Ca-diếp khi được nghe thuyết giảng kinh này đã nói
lên một câu hết sức thiết tha, cảm động:
“Bạch Thế Tôn! Con nay thật sự có thể nhẫn chịu sự lột da mình làm
giấy, chích máu tự thân làm mực, lấy tủy trong xương mình làm nước,
chẻ xương mình làm bút để sao chép kinh Đại Niết-bàn này. Khi sao
chép ra rồi, con sẽ đọc tụng cho được thông suốt, sau đó sẽ vì người
khác mà giảng rộng nghĩa kinh này.”
(trang 200, tập III)
Theo tinh thần truyền bá kinh điển như thế thì công việc của chúng
tôi quả thật quá nhỏ nhoi, không thể so sánh được dù chỉ là trong
muôn một, chẳng khác nào như một chú kiến tí hon loay hoay với mẩu
bánh mỳ khổng lồ! Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn luôn vững tin là mình
không cô độc trong công việc này. Như chú kiến tí hon kia chắc chắn
rồi sẽ kêu gọi được cả đàn kiến đến chung sức với mình để thực hiện
được kỳ tích là cùng nhau xê dịch mẩu bánh khổng lồ. Chúng tôi cũng
luôn hy vọng rằng, tuy việc chuyển dịch, chú giải và lưu hành bản
kinh này của chúng tôi hôm nay chỉ như sự loay hoay của chú kiến bé
tí kia, nhưng rồi đây chắc chắn sẽ có thêm nhiều người khác quan tâm
đến và góp sức cùng chúng tôi trong việc hoàn thiện bản dịch kinh
này. Được như vậy thì kinh điển quý giá này mới thực sự có thể được
mọi người Phật tử nhận hiểu một cách đầy đủ và cùng nhau tu tập hành
trì, mang đến sự lợi lạc vô biên cho tự thân mỗi người cũng như tất
cả mọi người chung quanh.
Trên tinh thần đó, chúng tôi luôn mong đợi mọi ý kiến đóng góp và
chỉ dạy để chúng tôi tiếp tục sửa chữa bổ sung cho bản dịch này. Xin
quý vị vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ điện thư:
nguyenminh@rongmotamhon.net.
Cuối cùng, chính nhờ có sự gia trì của hồng ân Tam bảo và chư vị Hộ
pháp; cũng như rất nhiều đạo hữu, thân hữu đã trực tiếp và gián tiếp
tham gia giúp đỡ, hoặc hết lòng khuyến khích động viên chúng tôi
trong công việc lớn lao này nên mới tạm có được chút kết quả như hôm
nay. Chúng tôi xin đê đầu cảm tạ những ân đức lớn lao đó, và một lần
nữa nguyện hồi hướng mọi công đức về cho tất cả chúng sanh trong
pháp giới; nguyện cho tất cả chúng sanh đời đời kiếp kiếp luôn được
sanh ra trong quốc độ có sự giáo hóa của chư Phật, luôn được làm
thiện tri thức của nhau và cùng dắt dìu nhau trên con đường thẳng
tới quả vị Vô thượng Bồ-đề.
NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
[1] Tứ diệu đế,
Đạt-lai Lạt-ma XIV, bản Việt dịch của Võ Quang Nhân, NXB Tôn
giáo, 2006, các trang 132, 134.
[2] Consciousness at
the Crossroads (Snow Lion Publications, Ithaca, New York,
1999), tiến sĩ B. Alan Wallace, phần Việt dịch được dẫn theo
bản dịch của Võ Quang Nhân trong phần Phụ lục sách Tứ diệu
đế (sách đã dẫn, trang 346).