2. NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ
Nội dung thứ hai chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là sự thường trụ không
thay đổi của thể tánh Như Lai. Từ trước, đức Phật đã dạy rằng tất cả các
pháp đều vô thường, không có gì là thường tồn bất biến. Trong kinh này,
lần đầu tiên đức Phật khai thị những ý nghĩa rốt ráo khác biệt hơn:
“... Này chư tỳ-kheo! Chớ nên tu tập những phép quán tưởng vô thường,
khổ, vô ngã, bất tịnh theo cách như vậy mà cho là nghĩa chân thật, khác
nào những người kia hốt lấy gạch, đá, cỏ, cây, cát, sỏi... mà cho là bảo
châu!
“Các ông nên khéo học phương tiện. Bất kỳ lúc nào và ở đâu cũng thường
tu những pháp quán tưởng thường, lạc, ngã, tịnh. Lại nên biết rằng, bốn
phép quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà các ông đã tu tập
trước kia đều là điên đảo cả. Muốn tu các pháp quán tưởng cho đúng lẽ
chân thật, phải như người có trí kia, biết dùng phép khéo léo để lấy hạt
bảo châu ra khỏi nước. Ấy là các pháp quán tưởng thường, lạc, ngã,
tịnh...”
(trang 254-255, Tập I)
Sự thật đây không phải là sự phủ nhận giáo pháp vô thường, khổ... mà
Phật đã dạy trước đó, nhưng là mở bày một phần giáo pháp siêu việt hơn,
rốt ráo hơn. Đó là cảnh giới giải thoát cùng tột của Như Lai. Cảnh giới
giải thoát này siêu việt mọi sự biến hoại vô thường, dứt sạch mọi nguyên
nhân sanh khởi của khổ đau, là đại ngã chân thật, không có bất cứ sự
nhiễm ô nào. Vì thế, cảnh giới giải thoát rốt ráo này là thường tồn bất
biến, vượt ngoài giới hạn của không gian và thời gian, không còn nằm
trong phạm trù của các khái niệm thường hay vô thường... nhưng chỉ vì
đối đãi với pháp thế gian nên phải nói rằng cảnh giới ấy là thường, lạc,
ngã, tịnh.
Dùng khái niệm ngôn ngữ để mô tả về một cảnh giới vượt ngoài mọi khái
niệm ngôn ngữ là điều hoàn toàn không dễ dàng đối với cả người thuyết
giảng lẫn người tiếp nhận. Vì thế, trong kinh này sẽ còn tiếp tục lặp
lại các phần thuyết giảng về nội dung này với rất nhiều ví dụ được đưa
ra để so sánh làm rõ, cùng với những cách giảng giải khác nhau, nhưng
tựu trung đều nhằm dẫn dắt người đọc đến với một nhận thức tương đối và
đặt niềm tin cũng như nhận hiểu được về một cảnh giới giải thoát rốt
ráo, về thể tánh Như Lai thường trụ.
Sở dĩ chúng tôi cho rằng đây là một “nhận thức tương đối” vì thật ra tất
cả chúng ta đều không thể nhận thức được đầy đủ về cảnh giới giải thoát
của Như Lai. Cảnh giới đó thuộc về sự nhận biết của chư Phật, cho đến
hàng thánh quả Thanh văn, Bồ Tát Thập địa còn không thể nhận biết rõ,
huống hồ người tu tập còn nằm ở địa vị phàm phu? Tuy nhiên, nếu không có
một nhận thức tương đối và tin nhận rằng thật có một cảnh giới giải
thoát như thế thì dựa vào đâu để phát tâm Bồ-đề? Do đó mà đức Phật mới
nhọc công thuyết giảng bằng mọi cách để giúp chúng ta sanh khởi đức tin,
rồi từ chỗ sanh khởi đức tin mới có thể phát tâm tu tập hành trì, hướng
đến giải thoát. Vì vậy, đối với chư Phật đã đạt được giải thoát rốt ráo
thì cảnh giới Như Lai là không cần mô tả, còn đối với chúng sanh phàm
phu thì sự mô tả thuyết giảng đó chỉ là phương tiện gợi mở, giúp người
tu tập có được một nhận thức tương đối để sanh khởi đức tin mà thôi.
Trong bối cảnh đức Phật sắp thị hiện nhập Niết-bàn hoại diệt sắc thân và
đại chúng thảy đều buồn đau than khóc, nếu Phật không khai thị những ý
nghĩa rốt ráo chân thật về thể tánh Như Lai thường trụ thì trong đại
chúng ắt không tránh khỏi có những người khởi sanh nghi tình: “Đức Phật
đã thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác mà còn không tránh khỏi sự vô
thường hoại diệt, huống chi chúng ta đây thì tu tập để làm gì?” Vì thế
mà ngay sau nội dung khởi tín kinh văn đã đề cập ngay đến nội dung này.
Chúng ta đều biết, đức Phật ra đời trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng
phức tạp với rất nhiều các luận thuyết khác nhau, dẫn dắt con người đi
theo đủ mọi hướng nhưng không có hướng đi nào là thực sự dẫn đến sự giải
thoát. Con người đắm chìm trong năm món dục lạc, si mê tạo đủ mọi nghiệp
ác, chịu đựng tất cả những nỗi khổ đau và phiền não trong đời sống mà
không hề biết đến nguyên nhân sanh khởi của đau khổ. Sau khi thành tựu
Chánh giác đức Phật đã chứng đắc Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu
tận minh. Nhờ đó, ngài nhớ lại tất cả những kiếp sống trước đây của
chính mình cho đến của tất cả chúng sanh. Ngài thấu rõ được nhân quả và
nghiệp báo của chúng sanh, biết được những hành vi như thế nào sẽ dẫn
đến những kết quả như thế nào... Do chánh kiến đó, ngài thấy rõ được
rằng mỗi chúng sanh đều có thể tự quyết định tương lai của chính mình
bằng sự kiểm soát tâm ý và những hành vi tạo nghiệp. Trong Trung bộ
kinh, kinh số 71 Tevijjavacchagotta Sutta, đức Phật nói về Túc mạng minh
như sau:
“Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn
đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời,
một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp... Ta
nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai
cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ
đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ
nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như
thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức
như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây... Như vậy
Ta sẽ nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các
chi tiết.”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Và cũng trong bản kinh nói trên, đức Phật nói về Thiên nhãn minh như
sau:
“Ta thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người
đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Ta nghĩ rằng: Thật sự những chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về
thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý,
phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những
người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú,
đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về
thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh
về ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo
chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên
các thiện thú, thiên giới, trên đời này.”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Ngoài ra, sau khi giác ngộ đức Phật cũng nhận thấy rằng tất cả chúng
sanh đều sẵn có khả năng tu tập thành tựu Chánh giác, đạt đến sự giác
ngộ như ngài không khác. Tuy nhiên, đức Phật thấy rằng những nghiệp lực
sâu dày của chúng sanh luôn ngăn che khiến họ thật khó lòng nhận ra được
tánh Phật của mình, thật khó lòng tiếp nhận được Chánh pháp sâu xa uyên
áo. Vì thế, ngài đã có ý định sẽ nhập Niết-bàn mà không thuyết pháp.
Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 6, phẩm thứ nhất ghi lại những suy nghĩ
của đức Phật ngay khi vừa thành đạo:
“Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch
tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận!
Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó
thấy định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp. Thật khó thấy
định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ,
ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn...”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati biết được ý định của đức Phật, liền hiện
xuống khuyến thỉnh, khẩn cầu đức Phật hãy vì tất cả chúng sanh mà lưu
lại thế gian để thuyết giảng Chánh pháp. Cũng trong phẩm kinh vừa dẫn
ghi lại sự kiện này:
“Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên
phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có
những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại nếu không được nghe
Chánh pháp. [Nếu được nghe] những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp.”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Do nhân duyên như vậy, đức Phật đã quyết định giáo hóa bằng cách dùng
mọi phương tiện để dẫn dắt chúng sanh dần dần đi theo đúng con đường
giải thoát. Vì thế, trước tiên ngài đã thuyết giảng giáo pháp Tứ diệu đế
tại Lộc Uyển. Nội dung lần thuyết pháp này được ghi lại trong phẩm
Chuyển pháp luân thuộc chương 12 của Tương ưng bộ kinh.
Đối với những chúng sanh đang đắm chìm trong năm dục lạc và chưa hề biết
gì về những nguyên nhân làm sanh khởi khổ đau thì sự thuyết giảng của
đức Phật khác nào như cơn mưa mùa hạ, như ly nước trong mát cho người
đang khát cháy! Vì thế mà mọi người được nghe pháp đều tức thời tin nhận
và tu tập, nên sự hoằng hóa của ngài không bao lâu đã lan rộng khắp nơi.
Giáo pháp này đã ngay lập tức làm vơi đi những khổ não vô biên trong đời
sống, mang đến sự an lạc thanh thản cho người tu tập, vì thế được tôn
xưng là Thánh đế. Và từ đó về sau trong suốt nhiều năm đức Phật đã đi
khắp mọi nơi để tiếp tục thuyết giảng Chánh pháp, khiến cho tất cả mọi
tầng lớp khác nhau trong xã hội thời đó đều được thấm nhuần hương vị
giải thoát.
Mặc dù vậy, sự chứng đắc rốt ráo của đức Phật không chỉ dừng lại ở chỗ
giảm nhẹ khổ đau, mà là đoạn trừ đến tận gốc rễ của vòng sanh tử luân
hồi mà tất cả chúng sanh đã phải lưu chuyển trong đó từ vô thủy đến nay.
Ngài đã quán chiếu thấu suốt Mười hai nhân duyên sanh khởi của luân hồi
và biết rằng có thể tu tập để chấm dứt vòng xoay duyên khởi đó. Ngài
cũng nhận ra được rằng chỉ có sự giải thoát rốt ráo đạt đến cảnh giới
Như Lai mới thực sự chấm dứt được sanh tử, thoát ra khỏi mọi khổ đau và
không còn có sự sanh khởi trở lại.
Giáo pháp vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh tuy đã giúp chúng sanh vượt
thoát đời sống khổ đau nhưng thực sự là chưa thể giúp người tu tập đạt
đến cảnh giới giải thoát rốt ráo. Vì chúng sanh không nhận biết các pháp
hữu vi đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh nên mới không ngừng tạo
tác các nghiệp ác, dẫn đến những nghiệp báo nặng nề luân chuyển trong Ba
cõi. Do đó, đức Phật dạy các pháp này để chúng sanh xa lìa các nghiệp ác
mà hướng đến nghiệp lành. Mặc dù vậy, các khái niệm thường và vô thường
đều chưa thoát khỏi phạm trù của tư duy chấp thủ, nên người tu tập sau
khi buông bỏ sự đắm chấp nơi các pháp thường tồn giả tạm cũng không khỏi
vướng mắc vào cái vô thường trong phạm trù đối đãi. Như vậy chẳng khác
nào buông bên này lại nắm lấy bên kia, vẫn không thoát ra khỏi được cái
vòng xoay muôn kiếp. Phật dạy:
“...Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, vì không thấy tánh Phật nên tự
tạo nghiệp trói buộc, luân chuyển mãi trong sanh tử, khác nào như trái
cầu [bị người chơi đánh qua lại mãi]!”
(trang 272, tập V)
Vì thế, trước khi kết thúc sự giáo hóa ở cõi Ta-bà, đức Phật đã đưa ra
những thuyết giảng rốt ráo cuối cùng trong kinh này, không phải là phủ
nhận những điều đã thuyết giảng trước kia, mà là mở rộng và dẫn dắt
chúng sanh đạt đến cảnh giới mà chư Phật đã đạt được. Để so sánh làm rõ
ý nghĩa sự khác biệt giữa giáo pháp rốt ráo về thường, lạc, ngã tịnh với
vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh đã giảng dạy trước kia, đức Phật đưa
ra ví dụ bằng câu chuyện dài về vị thầy thuốc ngăn cấm mọi người dùng
sữa nhưng sau đó chính ông lại đưa ra quyết định dùng sữa để trị bệnh.
(trang 255 – 261, tập I) Và để kết luận, đức Phật dạy:
“Các pháp là vô ngã, nhưng thật chẳng phải vô ngã. Thế nào là thật? Nếu
như có pháp là chân thật, là thường tồn, là chủ tể, là chỗ nương theo,
bản tánh không thay đổi, đó gọi là ngã.”
(trang 261, tập I)
Pháp chân thật thường tồn được nói đến ở đây chính là tánh Như Lai, và
vì thế Phật dạy rằng Như Lai là thường trụ không biến đổi. Khi Bồ Tát
Ca-diếp hỏi về thọ mạng của Như Lai, đức Phật dạy:
“Những sông lớn là thọ mạng của tất cả chúng sanh trong khắp cõi trời,
người, trên mặt đất, giữa hư không, thảy đều nhập vào biển cả là thọ
mạng của Như Lai. Vì vậy, thọ mạng của Như Lai là vô lượng.”
(trang 344, tập I)
Và để xác quyết với tất cả đại chúng về ý nghĩa Như Lai là thường trụ,
Phật dạy:
“...Không nên phát sinh tư tưởng [cho rằng Như Lai là] diệt tận...
...phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ, pháp không biến đổi. Thân
này của Như Lai là thân biến hóa, chẳng phải thân do sự ăn uống mà
thành, chẳng qua vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện giống như loài cây
độc. Vì vậy ta mới hiện cách bỏ thân là nhập Niết-bàn... ...Nên biết
rằng Phật là pháp thường tồn, pháp không biến đổi. Các ông nên ra sức
tinh tấn, một lòng tu tập nghĩa đệ nhất ấy.”
(trang 344-345, tập I)
Sự nhận biết và tin tưởng vào ý nghĩa Như Lai thường trụ là vô cùng quan
trọng, có ý nghĩa quyết định trong sự tiếp nhận giáo pháp Đại thừa. Vì
thế, đức Phật đã ân cần căn dặn:
“Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn do nơi kinh Đại Bát
Niết-bàn này mà đạt được Niết-bàn, thì nên học lẽ này: Như Lai là thường
trụ, Pháp và Tăng cũng là thường trụ.”
(trang 368-369, tập I)
Do đó, nhìn từ nhãn quan của bậc giác ngộ thì thật ra không hề có sự
kiện Phật nhập Niết-bàn, vì đó chỉ là một sự thị hiện trong việc giáo
hóa chúng sanh mà thôi. Phật dạy:
“Tuy ta ở tại cõi Diêm-phù-đề này đã biết bao lần thị hiện nhập
Niết-bàn, nhưng thật rốt ráo chẳng nhập Niết-bàn. Chúng sanh đều bảo
rằng Như Lai thật đã diệt mất, nhưng tánh Như Lai thật vĩnh viễn không
diệt mất. Vì vậy, nên biết rằng đó là pháp thường trụ, pháp không biến
đổi.”
(trang 443, tập I)
“Tánh Như Lai thật vĩnh viễn không diệt mất” nên Như Lai là thường trụ.
Nội dung ý nghĩa Như Lai thường trụ này sẽ còn tiếp tục được lặp lại rất
nhiều lần trong các phẩm kinh về sau, vì ý nghĩa này có sự liên quan gắn
kết và là một phần không thể tách rời với nội dung tánh Phật là nội dung
được đức Phật thuyết giảng nhiều nhất trong kinh này.