III. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH
1. ĐẠI THỪA KHỞI TÍN
Nội dung xuất hiện đầu tiên và vô cùng quan trọng trong kinh này là làm
sanh khởi đức tin Đại thừa. Sở dĩ chúng tôi gọi điều sắp đề cập dưới đây
là “đức tin Đại thừa” vì theo nhận thức của chúng tôi thì đức tin này có
phần nào đó không hoàn toàn giống với niềm tin được đề cập đến trong
kinh điển nguyên thủy, nhưng lại luôn là nội dung quan trọng trong hầu
hết kinh điển Đại thừa. Sự khác biệt này theo chúng tôi không hề có ý
nghĩa mâu thuẫn mà thật ra là bổ sung cho nhau trong ý nghĩa làm rõ hơn
những lời Phật dạy.
Mở đầu, kinh văn mô tả sự kiện đức Phật sắp nhập Niết-bàn làm chấn động
khắp muôn loài chúng sanh và vì thế tất cả đều lũ lượt kéo nhau quy tụ
về khu rừng Sa-la, nơi đức Phật sắp thị hiện Niết-bàn. Khung cảnh hoành
tráng được mô tả trong kinh cùng với hàng loạt những sự kiện siêu nhiên
mầu nhiệm phi thường, cũng như tình cảm và đức tin kiên cố mà tất cả
chúng sanh đồng thời biểu lộ đối với đấng Từ phụ của muôn loài vào lúc
này có ý nghĩa làm sanh khởi trong lòng người đọc tụng kinh này một đức
tin mãnh liệt. Và đức tin đó chính là một trong các yếu tố quyết định để
người đọc kinh có thể nhận hiểu được phần ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm của
kinh văn. Một số người có thể xem đây là những điều rất trừu tượng, mơ
hồ, nhưng theo chúng tôi thì đây là những ý nghĩa hết sức khoa học và cụ
thể. Tuy nhiên, chính vì sự trói buộc trong một số nếp suy nghĩ quen
thuộc và giới hạn mà đôi khi chúng ta rất khó tự mình nhận ra được những
ý nghĩa này.
Tất nhiên, việc tiếp nhận được lực sanh khởi này của kinh văn cũng không
phải chuyện dễ dàng. Sự thật là tất cả kinh điển Đại thừa nói chung đều
không thích hợp lắm để dành cho những người mới lần đầu tiên tiếp cận
với đạo Phật. Người đọc kinh Đại thừa trước hết phải có được một nền
tảng kiến thức tối thiểu về Phật học, kèm theo đó là một phần nào tín
tâm đã được sanh khởi và vun bồi qua thời gian. Thiếu những yếu tố này,
kinh văn Đại thừa chắc chắn không thể đi sâu vào lòng người mà thường sẽ
rất dễ bị hiểu lầm như những câu chuyện “cổ tích tôn giáo”. Những ai đã
từng đọc qua các bộ kinh Đại thừa như Hoa nghiêm, Pháp hoa, Duy-ma-cật
sở thuyết.v.v... đều có thể dễ dàng nhận biết được điều này.
Và thật ra thì điều này vẫn thường được đức Phật nhắc đến ngay trong
kinh văn. Trong thực tế, đức Phật đã không đề cập đến kinh điển Đại thừa
trong những giai đoạn thuyết giáo ban đầu, và trong khi thuyết giảng hầu
hết kinh điển Đại thừa, đức Phật luôn nhắc đến một điều là tính chất
“rất khó tin nhận” của giáo pháp này (nan tín chi pháp). Đức Phật thường
dạy rằng, nếu không phải người đã từng trồng sâu căn lành, vun bồi công
đức qua nhiều đời nhiều kiếp thì không dễ gì có thể được nghe và tin
nhận kinh điển Đại thừa. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là,
đối với những người không thể tin nhận kinh điển Đại thừa thì bản thân
những lời dạy như thế cũng đã là điều... rất khó tin! Vì thế, làm sao họ
có thể dựa vào đó để sanh khởi đức tin?
Trong kinh điển Nguyên thủy, đức Phật thường dạy rằng không nên đặt niềm
tin vào bất cứ ai nếu chưa tự mình có sự thẩm định chắc chắn. Tăng chi
bộ kinh, chương 3, phẩm 7, tiểu mục 65, đoạn 8 ghi rõ lời Phật dạy:
“... Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ
có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng;
chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có
tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định
kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị
sa-môn là bậc đạo sư của mình...”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pli của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Lời dạy này có tính cách quyết định trong việc sanh khởi lòng tin chân
chánh vào giáo pháp. Nếu một người nào đó tin theo Tam bảo chỉ vì truyền
thống gia đình... chẳng hạn, mà không tự mình có sự nhận xét thẩm định
về tính chất chân thật hay giả dối, đúng thật hay sai lầm... thì bản
thân niềm tin ấy không thể được xem là một niềm tin chân chánh. Ở một
nơi khác, đức Phật dạy:
“Này các tỳ-kheo! Cũng như người khôn ngoan chỉ chấp nhận vàng sau khi
đã thử nghiệm bằng cách nung nóng, cắt gọt và nén dập nó, những
lời của ta cũng vậy, chỉ nên được chấp nhận sau khi đã kiểm tra chúng,
chứ không phải do sự tôn kính [đối với ta].”
[1]
Như vậy, theo lời dạy của Phật thì một người Phật tử không thể mù quáng
đặt niềm tin vào bất cứ điều gì mà tự mình chưa thể kiểm nghiệm được
tính xác thực, đúng đắn của nó, ngay cả khi những điều đó được cho là do
chính đức Phật nói ra. Rõ ràng là, cho dù những lời này đã được Phật nói
ra từ cách đây hơn 25 thế kỷ, nhưng không một nhà khoa học hay trí thức
nào của thời hiện đại có thể phủ nhận được tính đúng đắn và hợp lý của
nó. Một niềm tin chân chánh, cho dù là trong lãnh vực tôn giáo hay bất
cứ lãnh vực khoa học nào khác cũng đều rất cần được sanh khởi dựa trên
nền tảng của những lời dạy này.
Nhưng có một thực tế mà không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được là
sự kiểm nghiệm hay thẩm tra trực tiếp của mỗi chúng ta đều có một giới
hạn nhất định. Chúng ta không thể xác định ngay được một phần kiến thức
nào đó là đúng hay sai nếu như nó vượt ra ngoài giới hạn kiến thức sẵn
có của chúng ta. Và nếu chúng ta chỉ dựa hoàn toàn vào những suy diễn
chủ quan của bản thân mình thì chắc chắn sẽ không khỏi rơi vào điều đức
Phật đã cảnh giác: “Chớ tin vì lý luận suy diễn!”
Trong một cuộc hội thảo với các nhà khoa học phương Tây vào tháng 10 năm
1989, được ghi chép lại thành sách Consciousness at the Crossroads, đức
Đạt-lai Lạt-ma (đời thứ 14) đã phân tích rất hợp lý rằng có ba trường
hợp mà chúng ta tin nhận một hiện tượng hay sự kiện nào đó.
Trường hợp thứ nhất bao gồm các hiện tượng hay sự kiện có thể trực tiếp
nhận hiểu hay chứng minh bằng thực nghiệm. Thuộc vào trường hợp này là
một số các hiện tượng vật lý diễn ra quanh ta trong môi trường sống. Mỗi
một hiện tượng trong số đó đều có thể nhận biết bằng trực quan hoặc
chứng minh qua các thí nghiệm khoa học. Chúng ta có thể tin nhận các
hiện tượng này sau khi đã tự mình quan sát hoặc thông qua việc quan sát
những thí nghiệm chứng minh tính đúng thật của chúng.
Trường hợp thứ hai là các hiện tượng hay sự kiện được tin nhận qua suy
luận hợp lý, nhưng không trực tiếp. Thuộc vào trường hợp này là những
kết luận được rút ra dựa trên nền tảng những kiến thức sẵn có nên dù
không trực tiếp nhận biết nhưng chúng ta vẫn có thể tin chắc vào tính
đúng thật của chúng.
Trường hợp thứ ba bao gồm những hiện tượng được chấp nhận hoàn toàn dựa
trên sự xác nhận hay uy tín của những người khác. Trong trường hợp này,
chúng ta hoàn toàn không có khả năng để trực tiếp quan sát, nhận biết
hay suy luận, vì phạm vi vấn đề đang đề cập là vượt ngoài phạm vi kiến
thức hay khả năng kiểm chứng của chúng ta.
Phần lớn trong chúng ta rất dễ cho rằng trường hợp tin nhận thứ nhất là
“chắc chắn” và chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong cả ba trường hợp. Bằng vào
các giác quan, chúng ta thường xuyên nhận biết vô số hiện tượng quanh ta
mỗi ngày và có thể tự mình xác thực về tính đúng thật của chúng.
Phạm vi các hiện tượng, sự kiện thuộc về trường hợp tin nhận thứ hai
trong một chừng mực nào đó là phụ thuộc vào phạm vi kiến thức bản thân
của mỗi người. Kiến thức càng rộng, chúng ta càng có khả năng suy luận
để xác thực được nhiều sự việc hơn, và giới hạn những điều không biết sẽ
càng thu hẹp lại.
Và trường hợp thứ ba thường là trường hợp khiến cho nhiều người phải dè
dặt nhất. Chúng ta dường như không có sự chủ động trong việc kiểm soát
sự tin nhận của mình, mà phải đặt niềm tin hoàn toàn vào một đối tượng
khác, một người có uy tín chẳng hạn.
Trong thực tế, dù chúng ta có ý thức phân biệt rõ ràng hay không thì tất
cả những trường hợp mà chúng ta buộc phải đưa ra quyết định chấp nhận,
đặt niềm tin vào một sự kiện, hiện tượng nào đó trong cuộc sống đều phải
rơi vào một trong ba trường hợp kể trên. Và dù muốn dù không, trong rất
nhiều trường hợp chúng ta hoàn toàn không thể từ chối việc đưa ra quyết
định tin nhận của mình.
Thật ra thì chính trường hợp thứ ba mới là quan trọng nhất và thường gặp
nhiều nhất trong cả ba trường hợp tin nhận nói trên. Hầu hết các trường
hợp đặt niềm tin của chúng ta trong cuộc sống đều là trực tiếp hoặc gián
tiếp rơi vào trường hợp này. Ngay trong lãnh vực nghiên cứu khoa học là
lãnh vực khắt khe nhất luôn đòi hỏi những sự kiểm chứng trực tiếp thì
người ta cũng không thể tránh khỏi điều này. Chẳng hạn, một nhà khoa học
khi tiến hành một thử nghiệm không thể có khả năng kiểm tra lại tất cả
các thiết bị đo lường mà ông ta sử dụng. Ông ta phải đặt niềm tin hoàn
toàn vào uy tín những người sản xuất các thiết bị đó, cho dù trong
trường hợp các thiết bị đó có sai lệch thì kết quả thử nghiệm của ông ta
cũng sẽ sai lệch theo. Phức tạp hơn nữa, ông ta cũng hoàn toàn không có
khả năng kiểm chứng lại tất cả những nguyên lý khoa học đã có mà ông ta
dựa vào, chỉ có thể đặt niềm tin vào uy tín của những người đã kiểm
chứng các nguyên lý đó trước đây mà thôi.
Vì thế, việc đòi hỏi chỉ đặt niềm tin theo cách như trong trường hợp thứ
nhất hoặc thứ hai không thôi xét cho cùng sẽ là bất khả thi. Có quá
nhiều điều trong cuộc sống vượt ra ngoài khả năng quan sát trực tiếp
hoặc suy luận của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không thể từ chối việc
đưa ra quyết định tin nhận hay không tin nhận. Vì thế, chúng ta chỉ có
thể cố gắng làm thế nào để có thể tăng thêm tính xác thực của những điều
mà chúng ta tin tưởng vào, cho dù ta không thể trực tiếp kiểm chứng hoặc
xác thực.
Mỗi chúng ta khi đặt niềm tin vào đức Phật và giáo pháp của ngài cũng
không ra ngoài ba trường hợp tin nhận nói trên. Khi ta quy y và thọ nhận
Năm giới, ta có thể tự mình kiểm chứng và xác thực những lợi ích của sự
thọ trì Năm giới. Chúng ta có thể tự mình trải nghiệm những lợi ích của
cuộc sống đúng theo lời Phật dạy, của nếp sống thiểu dục tri túc hoặc sự
giảm thiểu dần các yếu tố tham, sân, si trong cuộc sống hằng ngày...
Mặt khác, bằng vào sự suy luận của mình, chúng ta có thể thấy được tính
hợp lý khi suy ngẫm những lời dạy của đức Phật về Tứ diệu đế, về Thập
nhị nhân duyên... Một phần trong những lời dạy đó được chúng ta nhận
biết ngay trong cuộc sống, và diễn tiến được mô tả trong những lời dạy
đó là hoàn toàn hợp lý, vì thế chúng ta có thể đặt niềm tin cho dù không
thể trực tiếp kiểm chứng hoặc xác thực tất cả... Chúng ta cần có sự thực
hành những giáo pháp đó qua thời gian, và chính sự thực hành đó mới có
thể giúp chúng ta củng cố niềm tin vào giáo pháp. Chẳng hạn, ta có thể
tin nhận ngay lời Phật dạy về những nỗi khổ trong đời sống, vì ta trực
tiếp cảm nhận được; ta có thể tin nhận lời Phật dạy về nguyên nhân của
khổ đau, về sự diệt mất của khổ đau qua sự quán chiếu và một phần nào đó
qua sự suy diễn hợp lý; nhưng chúng ta buộc phải thực hành những lời dạy
về Bát chánh đạo mới có thể nhận biết được một cách đúng thật về lợi ích
của sự tu tập trong đời sống, và qua đó cũng tự mình thấy rõ được sự dần
dần diệt mất của khổ đau. Qua kết quả tu tập như thế, chúng ta càng củng
cố hơn nữa niềm tin đã có trước đây, và vì thế nên tuy có một phần những
lời dạy của đức Phật mà ta chưa đủ sức để trực tiếp kiểm chứng nhưng ta
vẫn có thể đặt niềm tin vào đó.
Khi chọn để niềm tin của chúng ta rơi vào trường hợp nào trong ba trường
hợp nêu trên, chúng ta không thể quyết định tùy tiện mà cần có sự cân
nhắc thích hợp tùy thuộc vào đối tượng của niềm tin đó. Chẳng hạn, với
những sự kiện nằm trong khả năng kiểm tra và xác thực thì chúng ta nhất
thiết phải thực hiện việc kiểm tra xác thực trước khi đặt niềm tin.
Chúng ta không thể chỉ nghe nói về một người có khả năng xây dựng tốt
rồi giao phó ngay toàn bộ việc xây dựng căn nhà của mình cho người ấy.
Chúng ta cần kiểm chứng lại để xem người ấy có thật sự có tài năng hay
không. Chúng ta không thể quyết định tin theo một vị thầy khi chỉ vừa
nghe nói đến chứ chưa thực sự nhận biết được gì về đức độ và trí tuệ của
vị thầy ấy... Những niềm tin thiếu cẩn trọng như thế chính là đi ngược
lại với lời Phật dạy như đã trích dẫn trên.
Ngược lại, trong một số trường hợp khác chúng ta không thể đòi hỏi sự
trực tiếp kiểm tra xác thực. Nếu một bác sĩ đòi hỏi phải được kiểm tra
xác thực tính chính xác của máy đo huyết áp, thiết bị đo điện tim.v.v...
trước khi khám bệnh cho bệnh nhân, hẳn chúng ta phải cho đó là một người
gàn dở chứ không phải là thận trọng. Trong những dây chuyền trách nhiệm
chung, chúng ta buộc phải tin tưởng vào những người có liên đới trách
nhiệm, nếu không chúng ta sẽ không thể sống và làm việc chung với bất cứ
ai! Khi bạn bước lên xe buýt chẳng hạn, bạn đang giao phó sanh mạng của
mình cho người lái xe chưa hề quen biết, nhưng bạn buộc phải đặt niềm
tin nơi anh ta mà không thể đòi hỏi tự mình kiểm tra xác thực năng lực
hay tinh thần trách nhiệm của anh ta...
Và trong một số trường hợp khác thì việc kiểm tra xác thực là nằm ngoài
khả năng của chúng ta. Khi ta đến một thành phố xa lạ và hỏi một người
đang đi trên đường phố để xin chỉ dẫn đến một nơi nào đó trong thành
phố, ta hoàn toàn không thể kiểm tra được tính xác thực của sự chỉ dẫn
mà người ấy đưa ra và chỉ có một chọn lựa duy nhất là thực hiện theo đó.
Tuy nhiên, sự sáng suốt ở đây là chúng ta nên tỉnh giác không đặt sự tin
cậy tuyệt đối trong khi thực hiện sự chỉ dẫn đó. Nếu có thể, ta cần so
sánh với một số chỉ dẫn khác, hoặc quan sát kỹ những gì ta gặp trên
đường đi để biết được là sự chỉ dẫn của người ấy có thực sự hợp lý và
chính xác hay không.
Trên con đường tu tập cũng vậy, chúng ta đều là những người chưa biết
được về nơi mình sẽ đến. Vì thế, chúng ta cũng cần phải đặt niềm tin vào
con đường mình đang đi một cách sáng suốt và tỉnh giác. Đức Phật đã thị
hiện một tấm gương sáng cho chúng ta về trường hợp này. Khi khởi sự con
đường tìm cầu giải thoát, ngài đã đến với các vị thầy ngoại đạo như
Uất-đầu-lam-phất... và không có lựa chọn nào khác hơn là phải tu tập
theo sự chỉ dẫn của họ. Tuy nhiên, với sự sáng suốt tỉnh giác nên khi
quán sát những gì đạt được theo cách tu tập của họ, ngài nhận ra đó
không phải con đường giải thoát rốt ráo. Khi ngài đi theo con đường khổ
hạnh cũng vậy. Quán sát những kết quả đạt được, ngài biết rằng đó không
phải là con đường đưa đến sự giải thoát sanh tử.
Nhưng đức Phật sau đó đã phải tự mình tìm ra con đường chân chánh, còn
chúng ta thật vô cùng may mắn khi đã được ngài khai mở con đường ấy. Vì
thế, chỉ cần xác thực đúng là lời Phật dạy thì chúng ta có thể vững bước
đi theo về hướng giải thoát mà không sợ có bất cứ sự lầm lạc nào.
Đức tin Đại thừa là sự tin tưởng vào lời dạy của đức Phật, vượt ngoài
khả năng xác thực và kiểm chứng trực tiếp của chúng ta. Nhưng đức tin đó
luôn được củng cố khi chúng ta thực hành theo lời Phật dạy. Những gì
chúng ta tự mình nhận biết được trên con đường tu tập là những yếu tố
xác thực, luôn giúp ta vun bồi ngày càng vững chắc đức tin vào Tam bảo:
đức Phật, Chánh pháp và Chư tăng.
Vấn đề đối với một số người không tin nhận kinh điển Đại thừa là họ
không cho rằng đó là lời dạy của Phật. Họ tin rằng đức Phật chỉ để lại
những kinh điển trong hệ Pāli, tức kinh điển Nguyên thủy. Thậm chí còn
có một số người cho rằng kinh điển Đại thừa chỉ là những tác phẩm ngụy
tạo của người đời sau, không phải do Phật thuyết dạy!
Có ít nhất là hai lý do dẫn đến sự bất tín này.
Trước hết, những chứng cứ của các ngành khoa học liên quan hiện nay chưa
xác nhận được sự ra đời của kinh điển Đại thừa từ khoảng thế kỷ thứ nhất
trước Công nguyên trở về trước. Dựa vào điều này, một số người cho rằng
kinh điển Đại thừa chỉ mới được người đời sau tạo ra kể từ khoảng 100
năm trước Công nguyên mà thôi. Nhưng nếu ta đặt câu hỏi rằng ai đã có đủ
khả năng tạo ra những kinh điển đó thì hầu như không thể có câu trả lời.
Thứ hai, những điều trình bày trong kinh điển Đại thừa luôn sâu xa khó
hiểu, hàm chứa nhiều yếu tố siêu nhiên, mầu nhiệm và không thể dùng khả
năng suy luận để nhận biết như đa số nội dung trong kinh điển Nguyên
thủy.
Đối với lý do thứ nhất, vừa mới nghe qua thì có vẻ rất thuyết phục. Vì
nếu không có chứng cứ xác thực rằng kinh điển Đại thừa là do Phật thuyết
dạy, thì chúng ta dựa vào đâu để tin vào những điều được nói trong đó?
Nếu không phải là do Phật thuyết dạy, thì việc đặt niềm tin vào đó sẽ có
thể xem là mù quáng, thiếu suy xét.
Tuy nhiên, xét kỹ lại vấn đề thì chúng ta sẽ thấy đây là một nhận định
rất võ đoán và hoàn toàn đi ngược với tinh thần khoa học. “Chưa xác nhận
được” hoàn toàn không có nghĩa là “có thể phủ nhận”. Hiện này các nhà
khoa học vẫn chưa xác nhận được việc có sự sống ở bên ngoài không gian
hay không, trên những hành tinh khác chẳng hạn. Nhưng không một khoa học
gia nghiêm túc nào có thể dựa vào điều đó để phủ nhận khả năng có sự
sống ở một hành tinh khác ngoài trái đất này. Ngược lại, theo suy luận
khoa học thì điều đó lại rất đáng tin cậy, vì nếu đã có sự sống trên
trái đất thì không lý gì lại không có một trường hợp tương tự thứ hai,
thứ ba... trong vũ trụ mênh mông này. Vì thế, người ta vẫn không ngại
tiêu tốn hàng tỷ đô-la cho những công trình nghiên cứu và tìm kiếm sự
sống trong không gian. Điều đó rõ ràng không thể xem là mù quáng!
Cũng vậy, người ta chưa tìm thấy dấu vết xuất hiện của kinh điển Đại
thừa từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên trở về trước, nhưng điều đó
không có nghĩa là trước đó không có kinh điển Đại thừa. Hơn nữa, sự tồn
tại của kinh điển nếu không ở dạng văn bản mà chỉ qua truyền khẩu thì sẽ
không để lại bất cứ dấu vết nào. Điều này cũng đã từng được xác nhận với
kinh điển Nguyên thủy, vì người ta không thể tìm thấy chứng cứ nào về
các bản kinh văn xuất hiện ngay sau khi đức Phật nhập diệt, mà sớm nhất
cũng là hơn 200 năm sau đó. Thậm chí một số nhà nghiên cứu còn cho rằng
chúng ta hoàn toàn chưa thể kết luận được kinh điển Nguyên thủy đã được
ghi chép lại vào thời điểm nào trong khoảng 500 năm sau khi đức Phật
nhập diệt. Trong A Short History of Buddhism, học giả người Đức Edward
Conze viết:
“And that which we have may have been composed at any time during the
first five hundred years. First of all it must be stated quite clearly
that there is no objective criterion which would allow us to single out
those elements in the record which go back to the Buddha Himself. Some
modern European books abound in confident assertions about what the
Buddha Himself has personally taught. They are all mere guesswork. The
“original gospel” is beyond our ken now. The farthest we can get back in
time is the period when the community split up into separate sects.”
(Và những kinh điển mà chúng ta hiện có, có thể đã được biên soạn vào
bất cứ thời điểm nào trong suốt 500 năm của thời kỳ đầu. Trước tiên cần
phải nói rõ rằng, không có một tiêu chuẩn khách quan nào cho phép chúng
ta chọn ra được những phần nào trong số kinh điển này là do chính đức
Phật đã nói ra. Một vài cuốn sách hiện nay ở châu Âu đưa ra rất nhiều sự
quả quyết về những điều do chính đức Phật thuyết dạy. Nhưng đó chỉ hoàn
toàn là sự suy đoán mà thôi. Kinh điển Nguyên thủy hiện giờ là nằm ngoài
tầm hiểu biết của chúng ta. Thời gian xa xưa nhất mà chúng ta có thể lần
theo dấu vết để biết được là thời kỳ mà Phật giáo đã chia tách ra thành
các bộ phái riêng. – Bản Việt dịch của Nguyễn Minh Tiến, Lược sử Phật
giáo, NXB TP HCM, 2003)
Như vậy, về mặt chứng cứ khoa học thì ngay cả hệ thống kinh điển Nguyên
thủy cũng bị xem là mù mờ, không thể xác định. Dù được xác định là có
trước kinh điển Đại thừa, nhưng dựa theo các tiêu chí của khoa học thì
tính chất xác thực của kinh điển Nguyên thủy vẫn chưa đạt được. Trong
khoảng thời gian từ 1 đến 2 thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt, chúng ta
chưa có được chứng cứ gì chắc chắn về sự xuất hiện của các bản kinh văn,
vì thế người ta phải tin rằng giai đoạn này kinh văn chỉ được truyền
khẩu mà thôi.
Và như vậy, lý do được đưa ra để bác bỏ kinh điển Đại thừa cũng có thể
được đưa ra để phủ nhận kinh điển Nguyên thủy. Nhưng điều này là không
thể chấp nhận, vì sự tồn tại của kinh văn Phật giáo thật ra không cần
thiết phải dựa vào sự tin cậy hay xác thực của khoa học, mà nó được dựa
vào sự xác thực của chính những người đã và đang hành trì theo những lời
dạy của đức Phật được ghi chép trong kinh điển. Vì thế, nếu đã tin được
rằng kinh điển Nguyên thủy là do Phật thuyết dạy nhưng lại phủ nhận kinh
điển Đại thừa là không phải do Phật dạy thì thật là vô lý!
Lý do thứ hai viện dẫn sự sâu xa khó hiểu hay những yếu tố siêu nhiên
của kinh điển Đại thừa cũng không phải là lý do thuyết phục. Như đã nói
trên, điều chúng ta chưa hiểu không có nghĩa là không thể tin được. Điều
quan trọng là sau khi khởi sự tin và thực hành theo một phần những lời
dạy trong kinh điển chúng ta có nhận được những lợi ích lớn lao về tinh
thần, về trí tuệ hay không. Nếu có, thì đó chính là yếu tố xác thực một
cách chắc chắn nhất để chúng ta có thể tiếp tục tin theo con đường đã
chọn.
Thật ra, kinh điển Nguyên thủy cũng không phải là không chứa đựng những
yếu tố sâu xa khó hiểu hoặc những sự kiện siêu nhiên, mầu nhiệm. Những
thuyết giảng về thiền quán trong kinh cũng không dành cho người biện
luận, mà là hướng đến những Phật tử thực sự hành trì mới có thể thấu
hiểu được. Những lời dạy về Tứ diệu đế cũng hàm chứa những ý nghĩa sâu
xa mà người nghe nếu không có sự quán chiếu cũng không thể nắm hiểu hết
được...
Về những yếu tố siêu nhiên, tuy rằng trong kinh điển Nguyên thủy ít đề
cập đến hơn kinh điển Đại thừa nhưng cũng không phải là không có. Chẳng
hạn, trong Trung bộ kinh, kinh số 26 (Ariyapariyesanā sutta) có đoạn:
“Rồi này các tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati, như một nhà lực sĩ duỗi cánh
tay đang co, hay co cánh tay đang duỗi; cũng vậy, vị ấy biến mất từ thế
giới Phạm thiên, và hiện ra trước mặt Ta.”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Hoặc trong Tăng chi bộ kinh, chương 9, phẩm 3, đoạn 21 ghi rằng:
“Này các tỷ-kheo, trong ba phương diện người Uttarakurukā (Bắc Cu-lô
châu) thù thắng hơn chư thiên cõi Ba mươi ba và loài người ở Jambudīpa
(Diêm-phù-đề). Thế nào là ba? Không có ngã sở, không có chấp trước, tuổi
thọ được quy định là những thù thắng.”
(Bản dịch từ Kinh tạng Pāli của Hòa thượng Thích Minh Châu.)
Ngoài ra, kinh điển Nguyên thủy cũng đề cập đến những cảnh giới hữu tình
khác nhau, những cõi địa ngục... Trong Tiểu bộ kinh có rất nhiều những
câu chuyện về ngạ quỷ, về thiên cung... đều là những điều mà các bộ óc
duy lý không thể nhận hiểu được.
Vì thế, nếu có ai đó cho rằng kinh điển Đại thừa có quá nhiều yếu tố
siêu nhiên nên không thể đặt niềm tin, thì chỉ có thể giải thích rằng
người ấy hoàn toàn không cảm nhận được gì về ý nghĩa của sự xuất hiện
những yếu tố siêu nhiên, mầu nhiệm đó. Và để có thể cảm nhận được thì họ
chỉ có một cách duy nhất là phải tự mình nỗ lực làm theo lời Phật dạy để
củng cố đức tin chứ không thể dựa vào ai khác.
Sự xuất hiện của các yếu tố siêu nhiên trong kinh điển Đại thừa luôn có
những duyên cớ nhất định. Mặc dù bản thân đức Phật đạt được vô số những
thần thông không thể nghĩ bàn và các đệ tử lớn của ngài cũng đều có
nhiều năng lực siêu nhiên khác nhau, nhưng đức Phật vẫn thường khuyên
dạy tất cả đệ tử của ngài không được dựa vào yếu tố thần thông trong sự
tu tập, càng không được vô cớ sử dụng các năng lực thần thông đó. Vì
thế, một khi đức Phật hiển lộ sự phóng quang hay các hiện tượng thần
thông vi diệu thì đều có những mục đích nhất định. Và một trong những
mục đích quan trọng nhất chính là để giúp làm sanh khởi đức tin Đại thừa
trong thính chúng. Trong rất nhiều kinh điển Đại thừa, chúng ta thường
xuyên nhận ra điều này. Chẳng hạn, trong kinh A-di-đà, khi Phật thuyết
giảng về việc niệm Phật sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở phương
tây của đức Phật A-di-đà thì mười phương chư Phật đều hiện tướng lưỡi
rộng dài để tán thán. Hoặc trong kinh Duy-ma-cật, ngay trong phẩm kinh
đầu tiên khi chàng Bảo Tích cùng 500 thanh niên con nhà trưởng giả khác
mang những cái lọng báu đến dâng lên cúng dường Phật thì:
“Oai thần của Phật khiến cho các lọng báu hợp thành một cái lọng duy
nhất, che trùm cả thế giới tam thiên đại thiên. Trọn tướng rộng dài của
thế giới này đều hiện đủ trong cái lọng ấy. Lại nữa, các núi Tu-di,
Tuyết sơn, Mục-chân-lân-đà, Ma-ha Mục-chân-lân-đà, Hương sơn, Hắc sơn,
Thiết vi, Đại thiết vi, cùng với biển cả, sông cái, sông con, rạch,
suối, nguồn, cùng mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, thiên cung, long
cung, cung điện của các tôn thần thuộc thế giới tam thiên đại thiên này
thảy đều hiện ra trong lọng báu ấy... ” (Duy-ma-cật sở thuyết kinh, phẩm Cõi Phật, bản Việt dịch của Đoàn Trung
Còn và Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn giáo.)
Những sự hiển lộ thần biến như vậy đều nhằm làm sanh khởi đức tin kiên
cố cho thính chúng trước khi đức Phật sắp thuyết giảng những điều thuộc
về “nan tín chi pháp”, tức là những pháp rất sâu xa, mầu nhiệm, rất khó
lãnh hội và tin nhận. Chính sự trợ lực này sẽ giúp cho thính chúng có
thêm khả năng tiếp nhận những điều Phật thuyết dạy.
Trong kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn này cũng vậy, phẩm kinh đầu tiên
cũng mô tả rất nhiều sự kiện nhiệm mầu vi diệu. Ngay từ phần mở đầu
kinh, đức Phật đã thị hiện phát ra âm thanh vi diệu và phóng hào quang
nhiệm mầu với phạm vi lan tỏa khắp cùng trong mười phương thế giới, đến
với tất cả muôn loài chúng sanh. Âm thanh và ánh sáng do đức Phật phát
ra có năng lực kỳ diệu là khiến cho tất cả chúng sanh đều tùy theo ngôn
ngữ của mình mà hiểu được thông điệp Niết-bàn cuối cùng của đức Thế Tôn,
nhận được lợi ích lớn lao từ âm thanh và ánh sáng đó, đồng thời cũng đau
buồn khổ não khi biết rằng đấng Từ phụ của họ sắp vĩnh viễn ra đi. Rồi
kinh văn tuần tự mô tả các thành phần chúng sanh khác nhau lũ lượt kéo
nhau quy tụ về rừng Sa-la nơi Phật nhập Niết-bàn; từ trước hết là chư
đại tỳ-kheo vây quanh đức Phật, cho đến các loài chúng sanh khác từ địa
ngục lên đến các cõi trời, cuối cùng là các vị Bồ Tát từ khắp các cõi
Phật trong mười phương thế giới đều tụ họp về, cả thảy có đến 52 hội
chúng thuộc các thành phần và chủng loại khác nhau. Xuất phát từ nội
dung này trong kinh mà các bản luận giải thường dùng thuật ngữ “ngũ thập
nhị chúng” để chỉ chung tất cả các loài chúng sinh. Đây là số hội chúng
đông đảo nhất trong suốt cuộc đời hoằng hóa của đức Phật, bao gồm tất cả
các loài chúng sinh khác nhau, với căn cơ và nghiệp quả khác nhau, không
giống như đa số các Pháp hội khác thường chỉ dành cho một số thành phần
thích hợp nhất định.
Nhiệm mầu hơn nữa, ngay cả các loài chúng sanh vốn chất chứa nhiều
nghiệp ác như rắn rết độc hại cho đến các loài quỷ dữ hung ác, loài
a-tu-la nhiều sân hận... vào lúc này cũng đều phát khởi lòng từ yêu
thương lẫn nhau. “Các chúng sanh trong cõi tam thiên đại thiên thế giới
cũng đều sinh lòng từ đối với nhau như thế, chỉ trừ những kẻ
nhất-xiển-đề.” Thậm chí cả Ma vương Ba-tuần cũng phát khởi tâm lành:
“Lúc ấy, Ma vương Ba-tuần ở Dục giới cùng với quyến thuộc, các thể nữ
cõi trời và vô số chúng ma đến mở cửa địa ngục, bố thí nước thanh tịnh,
nhân đó bảo rằng: Nay các người không thể làm được điều gì cả, chỉ nên
chuyên tâm niệm tưởng đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... tùy tâm
hoan hỷ chuẩn bị các thức cúng dường lần cuối cùng. Nhờ đó, các người sẽ
được sự an vui lâu dài.
“... Lúc ấy, ma Ba-tuần dẹp bỏ hết đao kiếm và vô số các món khổ độc ở
địa ngục; lửa đang cháy bùng rất mạnh bỗng bị mưa lớn làm cho tắt hẳn.
Nhờ oai thần của Phật, Ma vương lại phát tâm rằng: Xin cho quyến thuộc
của ta đều bỏ hết đao kiếm, cung nỏ, áo giáp, trượng, xà mâu, giáo sóc,
câu móc dài, chùy sắt, rìu, búa, vòng đánh, dây trói...”
(trang 122, Tập 1)
Tất cả những sự nhiệm mầu vi diệu được hiển bày ở đây đều có chung một
tác dụng là làm sanh khởi và củng cố đức tin trong lòng người. Và đức
tin kiên cố là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong việc tiếp nhận
bất cứ kinh điển Đại thừa nào. Đức tin đó không chỉ có tác dụng giúp
người đọc kinh tin nhận được những ý nghĩa sâu xa uyên áo hàm chứa trong
kinh, mà còn là sức mạnh khôn lường giúp người tu tập có thể dấn bước
không thối chuyển trên con đường hướng đến giải thoát.
Đức tin Đại thừa là một niềm tin vượt ngoài mọi năng lực suy luận và
điều kiện. Khi chúng ta sanh khởi lòng tin đối với một đối tượng nào đó,
ta thường sử dụng tối đa khả năng suy luận của mình để đánh giá, phân
tích và phán xét đối tượng, và chỉ khi thấy rằng đối tượng ấy thỏa mãn
một số điều kiện, tiêu chí nhất định nào đó thì ta mới đặt niềm tin vào
đối tượng. Do sự sanh khởi theo cách này, một khi khả năng suy luận của
ta phát triển hoặc thay đổi, ta sẽ thấy rằng đối tượng đó không còn thỏa
mãn các điều kiện, tiêu chí trước đây, và khi đó ta sẽ không còn tin
tưởng vào đối tượng đó nữa. Lòng tin của các đệ tử ngoại đạo được mô tả
trong kinh này là những ví dụ điển hình. Sau khi nghe đức Phật thuyết
pháp, năng lực nhận thức và suy luận của họ phát triển khác xưa, và họ
nhận thấy các vị thầy trước đây của họ không còn đáng tin cậy nữa.
Mặt khác, lòng tin sanh khởi theo cách này luôn có giới hạn của nó. Khi
có lòng tin vào một vị thầy, chúng ta sẽ vâng theo lời dạy của vị thầy
ấy, nhưng sự vâng theo này là có giới hạn. Chẳng hạn, nếu phải lựa chọn
giữa sự vâng lời thầy và một sự đe dọa, một nỗi sợ hãi nào đó, chúng ta
sẽ dễ dàng nhận ra được giới hạn cuối cùng của lòng tin loại này. Khi
mối đe dọa hoặc nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng, đến một lúc nào đó chúng
ta sẽ buông bỏ niềm tin đang có, vì nỗi sợ của ta đã vượt qua giới hạn
của lòng tin.
Lòng tin theo cách đó không phải là đức tin Đại thừa. Kinh Duy-ma-cật
dạy rằng: “Từ chỗ khởi làm ắt được lòng sâu vững.”
[2]
Lòng sâu vững ở đây chính là lòng tin sâu vững, là đức tin Đại thừa.
Khi chúng ta lần đầu tiên đến chùa quy y Tam bảo, chúng ta thường khó có
được lòng tin sâu vững này, mà cần phải có sự “khởi làm” mới đạt được.
Khởi làm ở đây có nghĩa là làm theo lời Phật dạy, chẳng hạn như thọ trì
Năm giới, ăn chay, điều phục tâm ý, thực hành các pháp tu tập.v.v...
Không có sự khởi làm này, cho dù chúng ta có đến chùa lạy Phật bao lâu
đi nữa, chúng ta cũng chỉ có một lòng tin cạn cợt như đã nói trên chứ
không thể có được lòng tin sâu vững. Hơn thế nữa, sự “khởi làm” của
chúng ta cũng cần có thời gian mới mang đến kết quả vun bồi đức tin chứ
không thể là chuyện trong một sớm một chiều.
Rất nhiều người tuy vẫn được xếp vào hàng Phật tử, là người tin Phật,
nhưng thật ra tự mình chưa hề có được lòng tin sâu vững, chỉ đơn giản là
vì họ chưa có sự khởi làm. Họ như người chỉ đến bên ngoài cánh cửa Phật
pháp chứ chưa bước vào trong. Và vì thế, họ không thể sanh khởi đức tin
Đại thừa.
Trong kinh này, đức Phật cũng có khi hiển lộ năng lực thần thông nhằm
giúp những đối tượng đặc biệt nào đó sanh khởi đức tin đối với Chánh
pháp, như trong đoạn kinh văn sau đây kể lại việc đức Phật thu phục ba
anh em ông Ca-diếp:
“Ca-diếp nói: Cồ-đàm! Tôi không có ý gì khác, cũng rất yêu mến ngài. Chỉ
có điều là nơi tôi ở đây có một con rồng độc, tánh rất hung bạo, e nó sẽ
làm hại ngài.
“Ta đáp: Ca-diếp! Trong tất cả các thứ độc không gì hơn Ba độc! Ta nay
đã dứt trừ [Ba độc ấy] rồi, các thứ độc của thế gian ta không hề sợ.
“Ca-diếp nói: Nếu ngài không sợ thì tốt lắm, xin mời ở lại.
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, vì muốn hóa độ Ca-diếp nên ta hiện ra mười
tám cách biến hóa như trong kinh [A-hàm] có nói. Khi ấy, Ca-diếp cùng
với năm trăm người đồng bọn được thấy, nghe như vậy rồi, liền chứng quả
A-la-hán.”
(trang 514, tập V)
Theo kinh văn thì ông Ca-diếp lúc đó là một bậc thầy lớn dẫn dắt về tâm
linh cho rất nhiều người trong khắp nước Ma-già-đà, được sự kính phục
của chính quốc vương Tần-bà-sa-la và rất đông dân chúng. Trực tiếp tu
tập dưới sự dẫn dắt của ông có đến 500 người đệ tử và vào lúc đó ông đã
già đến 120 tuổi. Có lẽ chính vì thế nên đức Phật mới chọn cách hiển lộ
thần thông để giúp ông sanh khởi đức tin một cách mạnh mẽ và có thể sớm
tiếp nhận Chánh pháp. Nhờ đó ông này mới được nhanh chóng chứng quả
A-la-hán và dẫn theo cả 500 người đệ tử của mình về quy y Tam bảo.[3]
Như đã nói, đức tin Đại thừa là một niềm tin vượt ngoài mọi năng lực suy
luận và điều kiện, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự tin nhận mù
quáng vô căn cứ. Chẳng hạn, chúng ta không thể dựa vào sự suy luận để
biết hết về những lợi ích của sự thọ trì Năm giới, nhưng chúng ta thực
sự có nhận biết được những lợi ích đó ngay từ khi bắt đầu hành trì; và
trong suốt quá trình giữ giới, những lợi ích đó sẽ theo thời gian mà
ngày càng lớn lên. Và mặc dù chúng ta biết rõ được những lợi ích của
việc thọ trì Năm giới đang ngày càng lớn lên, nhưng chúng ta vẫn không
thể dựa vào sự suy luận để biết được giới hạn của những lợi ích đó, đơn
giản chỉ là vì chúng không có giới hạn.[4]
Và vì lợi ích của sự trì giới là vô hạn, là không thể nghĩ bàn, nên
niềm tin sâu vững của người trì giới cũng sẽ do đó mà ngày càng kiên cố,
không thể nghĩ bàn. Chỉ khi có được một đức tin sâu vững, người trì giới
mới có thể đạt được sự phát nguyện như trong kinh văn mô tả:
“Thà [tôi] đem thân này lao vào hầm sâu lửa dữ chứ quyết không bao giờ
hủy phạm các giới cấm mà chư Phật thời quá khứ, vị lai và hiện tại đã
chế định...”
(trang 512, Tập 2)
Kinh Đại Bát Niết-bàn này hẳn nhiên không phải loại kinh văn dành cho
người mới lần đầu tiên tiếp xúc với đạo Phật. Ngay bối cảnh ra đời của
kinh cũng đã nói lên điều đó: Đức Phật chỉ thuyết giảng kinh này vào
thời điểm cuối cùng, sau khi đã trải qua sự giảng thuyết tất cả các pháp
môn phương tiện quyền thừa. Vì thế, người đọc kinh này được mặc nhiên
thừa nhận là đã có một niềm tin căn bản vào Tam bảo, đã có một số hiểu
biết và hành trì nhất định trong Phật pháp. Nếu một người đọc hoàn toàn
không có những điều kiện tối thiểu như thế, tất nhiên sẽ rất dễ cảm thấy
xa lạ với kinh văn và không thể sanh khởi đức tin khi đọc kinh. Đối với
những người này thì điều tốt nhất là hãy “khởi làm” một thời gian rồi
mới có thể tiếp nhận được kinh này.
Ngược lại, nếu đã có được một nền tảng nhất định về Phật pháp thì với
những mô tả ngay từ quyển đầu tiên của kinh này ta sẽ dễ dàng sanh khởi
đức tin Đại thừa vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta sẽ cảm nhận được rằng giáo
pháp mà đức Phật sắp thuyết dạy trong kinh này chắc chắn sẽ là sâu xa
uyên áo không thể nghĩ bàn và sẽ mang đến lợi ích vô lượng vô biên cho
tất cả chúng sanh đời sau.
Điều đặc biệt là nội dung khởi tín này sẽ còn được lặp lại rất nhiều lần
trong những phẩm kinh về sau. Và mỗi lần như vậy kinh văn đều mang lại
cho người đọc những nguồn cảm hứng mạnh mẽ, niềm tin tưởng mãnh liệt
cũng như ý chí tu tập càng thêm kiên cố. Khi cảm nhận được sự sanh khởi
đức tin qua những phần kinh văn tương tự như thế này, chúng ta sẽ có
được một điều kiện cơ bản rất quan trọng để tiếp tục nhận hiểu những
phần nội dung khác trong kinh này.