Chương IV
A Nan Ða đáng gọi là kho tàng
pháp bảo
Kỳ công
và biệt tài nổi bật, đã nâng A Nan Ða lên hàng một trong những đệ tử thông thái
nhất của đức Phật, là khả năng nhớ nhanh, nhớ nhiều và nhớ dai của vị tông đồ
này.
Mặc dù khi đức Phật còn tại
tiền, A Nan Ða chưa đắc A La Hán, nhưng ông đã được xem tương đương như một
trong những Thinh Văn của cộng đồng Thánh Nhân. Ông xứng đáng để được toàn thể
Phật tử lúc bấy giờ tặng cho danh hiệu "Một tông đồ xuất chúng". Bốn
chữ tông đồ xuất chúng này có nghĩa là ông có đủ khả năng và đức tính của một
bậc giải thoát.
Ngoại trừ hai đại Thinh Văn, có
hai năng lực phi thường, là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, thì A Nan Ða là một
trong những 75 đại đệ tử nổi tiếng khác của đức Phật.
Trong khi 74 vị kia có những
xuất sắc chuyên biệt thì A Nan Ða đã nổi tiếng nhờ bốn trong năm "nền tảng
trí thức Thượng thừa":
- Nền tảng trí thức thứ nhất là
ông đã nghe nhiều hơn ai hết, nghe gần như toàn thể những lời Phật dạy.
- Nền tảng trí thức thứ hai là
ông đã nhớ nhiều hơn ai hết, nhớ đầy đủ những lời Phật dạy.
- Nền tảng trí thức thứ ba là
ông đã hiểu nhiều hơn ai hết, hiểu cả hệ thống Pháp Bảo, kể luôn ý nghĩa súc
tích khi phối hợp các Phật ngôn dạy trước với các Phật ngôn dạy sau, một cách
song đối hay thứ tự.
- Nền tảng trí thức thứ tư ông
là người tin tưởng nơi Pháp Bảo của đức Phật, tin tưởng chắc chắn nhất, trên
tất cả mọi học thuyết (Theo Anguttara Nikàya n.1,19 =Tăng Nhất A Hàm 1,19).
(Riêng nền tảng trí thức thứ năm
là "sự cần cù, dẻo dai, nhiều nghị lực trong việc hầu hạ một bậc Toàn Giác
của A Nan Ða", không nên kể đến. Vì thuở bấy giờ, mà đề cặp đến nền tảng
trí thức ấy, đối với A Nan Ða là một chuyện thừa! Chẳng khác nào như ta khen
"nước biển là chất lỏng mặn nhất" trên thế gian này ).
Khi nghiên cứu kỹ trong kinh
điển Phật giáo chúng ta sẽ nhận thấy rằng những nền tảng trí thức vừa nêu trên
thuộc về một công phu rất diệu dụng, từ đó có sinh ra đức tính cảnh giác, tiếng
Pàli gọi là Sati. Cái công phu mà sức mạnh và ảnh hưởng của nó hằng giúp cho
hành giả có một tinh thần trong sáng , vững chắc, đủ khả năng để phân biệt mọi
cảm giác trong thân cũng như mọi khái niệm ngoại thân, hầu không để cho ý thức
bị tham, sân, si lôi kéo.
Và cũng nhờ cái công phu tuyệt
diệu ấy, mà khả năng sử dụng trí nhớ của hành giả, ở bất cứ lúc nào, và đối
diện với tất cả các vấn đề, đều luôn luôn thanh tịnh, không bị chính cái trí
nhớ của họ dẫn vào nẻo ngã mạn cố chấp.
Nói cách khác dễ hiểu hơn: đức
tính cảnh giác là hạt nhân sẽ đem lại thục quả là sự biết mình. Rồi nhờ sự biết
mình ấy mà hành giả nhận rõ mọi hiện tượng xung quanh, phân biệt pháp lành với
pháp ác, cái nào đang phát động trong tâm tư mình; hầu tự thu thúc lục căn,
sống đúng theo Chánh Pháp.
Thực ra chữ Pàli
"Sati" có nghĩa thông thường là "trí nhớ" (tức là khả năng
tự "biết lại" những cái gì đã trôi qua). Chính nhờ cái"trí
nhớ" ấy mà quá khứ và hiện tại mới được nối liền với nhau bằng những chuỗi
truyền cảm ký ức.
Nhưng đối với A Nan Ða, trong
kiếp chót, trí nhớ (sati) đã biến thành sự biết mình (sampa jãnnã). Tức là ông
không phải chỉ nhớ suông đến những điều mà ông đã học thuộc lòng, mà ông còn
cảm thấy, cái tác dụng của nó nữa. Ðể khi gặp lại, ông biết tùy theo trình độ
trí thức của mỗi người nghe mà diễn đạt từ thấp tới cao, từ nông cạn đến sâu
sắc, từ thô kệch đến vi tế, chứ ông không phải nhắm mắt lặp lại, một cách hỗn
độn, loạn xà ngầu.
Còn về phương diện nhớ nhanh và
nhớ chắc chắn thì A Nan Ða có thể xem là vô địch. Nhờ thiện tồn trữ từ nhiều
đời trước, kiếp này ông chỉ nghe qua một lần là ông có thể lặp lại nguyên văn
một bài pháp của đức Phật gồm 60.000 chữ một cách dễ dàng. Một lần khác, A Nan
Ða đã tụng lại 150 ngàn bài kệ, mỗi bài bốn câu của đức Phật dạy.
Kỷ lục ghi nhớ tức khắc, và ghi
nhớ đầy đủ của A Nan Ða, khiến ta có cảm tưởng, như ông đã dùng phép lạ, mới
thực hiện nổi một kỳ công như thế. Nhưng theo Phật giáo thì phép "lạ"
của A Nan Ða không có gì khác hơn là không để cho tâm trí của mình bị vướng mắc
bởi những ý tưởng vô ích. Những ý tưởng vô ích vốn có hàng trăm, ngàn thứ và
luôn luôn "choán hết chỗ" trong đầu óc con người , thì còn đâu tiềm
lực để cho trí nhớ của họ được phát triển?
Ðức Phật dạy rằng: "Nguyên
nhân duy nhất khiến cho một người hay quên là sự pháp chướng: tham dục, ác tâm,
hôn trầm, vọng tưởng (phóng dật) và hoài nghi" (theo Anguttara Nikàya V
193).
A Nan Ða lúc ấy tuy chưa đắc quả
A La Hán, nhưng nhờ ông vâng lời Phật dạy lấy Chánh Niệm làm nền tảng tu luyện,
đồng thời nhờ phúc duyên tu nhiều kiếp trước, nên mỗi khi ông tập trung tâm trí
để nghe pháp, là năm pháp chướng ấy không thể nào khuấy nhiễu ông được.
Ngay cả ngày nay, nhiều Cao Tăng
Phật giáo ở Miến Ðiện, chỉ nhờ thành công phần nào trong việc loại trừ năm pháp
chướng ấy, mà cũng có thể nhớ nằm lòng Tạng Luật, Tạng Kinh hay Tạng Luật một
cách dễ dàng. Có vị còn đủ khả năng nhớ cả Tam Tạng gồm 45 quyển in đầy cả chữ
nữa.
Khi A Nan Ða nghe pháp, ông
không có một gợn tư duy nào trong tâm ông cả. Ông không để cho cái
"ngã" nổi dậy để bình phẩm "Câu này dài, câu kia ngắn. Câu này
sâu sắc, câu kia thông thường, âm thanh câu này cao, âm thanh câu kia thấp
v.v..".
Trong ý thức của ông lúc ấy chỉ
có một điều là nghe và ghi nhớ một cách tự nhiên, không bấn loạn hay hoang
mang, sợ rồi mình sẽ quên nhưng điều Phật dạy. Như một viên thư ký chuyên
nghiệp, chỉ biết vô tư chép đúng những lời người khác nói, lên trang giấy trắng
tinh một cách tự tin và bình thản.
Và trang giấy trắng tinh của A
Nan Ða là trí óc thanh tịnh, không bị năm pháp chướng làm ô đục, hoen ố vậy!
Ðây chính là tư cách của một đại
Thinh Văn (Bậc được nghe nhiều học rộng). Vì ai được nghe và học nhiều bằng phẩm
hạnh này sẽ loại trừ được tánh ương ngạnh, tự đắc, nằm sẵn trong tâm, và biến
trí óc mình thành một kho tàng chứa toàn chân lý. Và người được nghe và hấp thụ
càng nhiều chân lý thì những ác pháp trong tâm họ, đương nhiên càng được tiêu
trừ.
Các hạng Thinh Văn như thế có
thể ví như những hạt kim cương, tiếp nhận ánh sáng chân lý, từ tôn khẩu của đức
Phật, nên sự phản chiếu ánh sáng chân lý (ám chỉ sự lập lại) cũng trung thực,
không thêm, không bớt, không rõ, không mờ. (Theo vật lý học, kim cương là môi trường
mà ánh sáng hiện ra chính xác nhất).
Bởi vậy, một bậc Thinh Văn chân
chánh là người luôn luôn tự nhiên, và tuyệt đối tôn trọng sự thật. Bất cứ điều
lành nào họ ghi vào trí nhớ để thực hành, là họ không bao giờ cho rằng "Ấy
là nhờ trí tuệ tinh lanh của mình suy diễn mà được, nhưng ấy là "Sự thật
trong pháp". Và họ chỉ là người được nghe và khách quan nhận ra giá trị
của nó.
Như mấy câu thơ đây của Rainer
Maria Rilke đã ca ngợi A Nan Ða:
"Thấy sự thật mà không tự hào tinh mắt,
Hiểu sâu xa không nghĩ tuệ mình cao.
Hàng Thinh Văn như thế hiếm dường nào,
Như giọt nước long lanh trong sa mạc".
Bài thơ này phản ảnh một cách
trái ngược tâm tánh của A Nan Ða, khi ông chưa xuất gia. Lúc ông mới đến với
đức Phật, A Nan Ða là người chứa đầy vô minh, phiền não, ngã mạn và tự đắc.
Nhưng càng về sau, nhờ sống bên cạnh đức Bổn Sư, mà ông mỗi ngày một thấm nhuần
chân lý giải thoát. Thấm nhuần đến độ mà không còn là ông nữa! Ông đã biến
thành hiện thân của Pháp Bảo, biến thành "Pháp Thân" của đức Phật, để
hơn 2500 năm sau, cái tên A Nan Ða không còn là một danh xưng nữa, mà nó chính
là "ngôn ngữ mở đề" của các kinh điển Phật giáo.
Phẩm cách nghe Pháp và thấm
nhuần chân lý vào trí óc của A Nan Ða được gọi là nền tảng trí thức thứ
nhất(trong năm nền tảng trí thức). Kinh Samyutta Nikàya (Tạp A Hàm số 14.5) còn
ghi rõ rằng:"A Nan Ða đã thấm nhuần lời Phật dạy như thế nào, thì khi ông
truyền lại Phật ngôn cho các đệ tử, cũng làm cho họ thấm nhuần như thế
ấy!".
Còn theo kinh Tăng Nhất A Hàm số
3, 78 (Anguttara Nikàya n.3, 78) thì Phật đã xác nhận rằng:
"A Nan Ða có một nghệ thuật
nghe pháp rất đặc biệt, không thể tìm ra một người thứ hai trên thế gian
này".
Một lần nọ, đức Phật ngự tại
vườn Song Long Thọ Gosinga (cũng gọi là rừng Gosinga) với một số đông đệ tử
hạng Tôn túc. Ðức Trưởng lão Xá Lợi Phật (Sàrìputta) thấy được khung cảnh thanh
nhã, đã tán dương rằng:"Ðây có thể gọi là vườn An Lạc, vì những cây Song
Long ở đây nở đầu hoa, hương tỏa kín không gian, như một cõi trời...!".
Rồi Trưởng lão nêu câu hỏi:
- Kính thưa chư đạo huynh! Một
khung cảnh thanh tịnh như thế này, có thể đem so sánh với phẩm hạnh của Sa môn
nào trong chúng ta, là xứng đáng nhất?
Các vị đại đệ tử của đức Phật
liền lần lượt trả lời. Mỗi vị làm nổi bật một khía cạnh trong sự so sánh của
mình. Nhưng nói chung, tất cả ý chính đều qui về một điểm là: Mỗi Sa môn đều có
một phẩm hạnh đặc sắc, xứng đáng để so sánh với khung cảnh thanh tịnh của ngôi
vườn.
Riêng câu trả lời của A Nan đa
thì như sau:
- Này chư đạo huynh! Sa môn nào
là người nghe đủ bốn ngàn pháp môn của đức Phật, là người sống đúng theo chánh
pháp, là người làm sáng tỏ và bảo tồn Pháp Bảo tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở
đoạn giữa, và tốt đẹp ở đoạn chót. Sa môn nào là người có khả năng truyền lại
những điều Phật dạy một cách tròn đủ, không thêm, không bớt một cách khiêm
nhượng, tự nhiên. Sa môn nào là người luôn luôn ghi nhớ rằng: Pháp nào ta đã
hiểu được, ta có bổn phận cống hiến cho cộng đồng xã hội. Tức là Sa môn có khả
năng thuyết Pháp đến các hàng tứ chúng (Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, thiện nam, và tín
nữ) làm cho họ trước tiên thỏa thích trong Pháp Bảo, rồi sau đó hiểu đúng nghĩa
đế, để tiến tới phẩm hạnh diệt tận tham, sân, si, giải thoát... thì Sa môn ấy
xứng đáng để so sánh với ngôi vườn kỳ diệu này. (Theo Majjhina Nikaya 32 =
Trung A Hàm số 32).
Nền tảng trí thức thứ hai là giữ
lại trong tâm bất cứ Pháp Bảo nào mà mình nghe được và tự động áp dụng những
thiện pháp ấy, để mang lại lợi ích cao thượng cho chính bản thân mình.
Nền tảng trí thức thứ ba, chú
giải tiếng Pàli gọi là Gatimanta, tức là sự hiểu đúng mạch văn và hoàn cảnh của
từng vấn đề. Cùng một từ ngữ mà trong bài pháp này đức Phật ám chỉ thân nghiệp,
rồi trong một bài pháp khác, đức Phật có thể ám chỉ ý nghiệp. Khi A Nan Ða được
nghe nói đến hai lần trong hai trường hợp đặc biệt khác nhau, ông cũng hiểu
Phật ngôn đúng theo ý nghĩa của từng thời pháp. Nói cách khác là bộ óc của A
Nan Ða có khả năng "thu thanh" một cách chính xác và phân biệt mọi
vấn đề theo thứ tự thời gian: Ðiều nào ông đã nghe, ông hiểu khác với nhiều
điều ông đang nghe, không bao giờ lầm lẫn vì cố chấp trên một số từ ngữ.
Nhiều học giả Phật giáo đã ví bộ
óc của A Nan Ða như một cái máy ghi âm siêu đảng, có nhiều tầng số thanh lọc.
Một tầng số dành thu phát một vấn đề chuyên biệt, không bao giờ cho những âm
thanh bất thiện, ngoại đề, có thể nhập vào trong âm trường của làn sóng.
Theo một thuật sự trong tam tạng
Pàli thì A Nan Ða có khả năng nghe nhiều đoạn pháp khác nhau cùng một lúc.
Những đoạn pháp ấy có thể thuộc về nhiều đề tài khác nhau, và được thuyết xen
kẽ nhau. Nhưng sau khi nghe xong, A Nan Ða đã có thể ráp nối các đoạn pháp rời
rạc ấy một cách mạch lạc, thứ tự, để hoàn tất một lúc hai ba bài pháp, thật dễ
dàng. Thậm chí A Nan Ða có thể vừa nghe, vừa đem thuyết lại từng đoạn Phật ngôn
rời rạc cho các hàng tứ chúng hấp thụ về một số đề pháp chuyên biệt.
Và khi nghe xong các đoạn pháp
ấy, thính giả luôn luôn khen ngợi A Nan Ða đã cống hiến cho một bài pháp, tuy
nhiều đoạn ráp nối nhưng rất dễ hiểu, hấp dẫn và mạch lạc.
Ðiều ấy chứng tỏ rằng A Nan Ða
đã có khả năng hiểu đúng, và nắm vững ý chính, từng chữ, từng câu, hay từng
đoạn do đức Phật thuyết dạy, bằng một nghệ thuật rất khoa học.
Nhờ thế, nhiều lần A Nan Ða,
trong lúc đang thuyết lại một số Pháp Bảo, chợt bị các đồng đạo chất vấn bất
ngờ, ông vẫn có thể ngưng lời, để giải đáp cặn kẽ, rồi quay lại đề chính một
cách tự nhiên, dễ dàng, mà không bao giờ bị lạc ý và lúng túng.
Nền tảng trí thức thứ tư là nghị
lực và sự hiến thân không thối chuyển trong nhiệm vụ học hỏi và duy trì Pháp
Bảo Giải Thoát, với tư cách là một Thinh Văn thân cận nhất của một bậc Giác
Ngộ.
Nền tảng trí thức thứ năm là
công hạnh của một đệ tử hầu Phật hoàn toàn nhất, của A Nan Ða, như chúng ta đã
đề cặp qua trong đoạn trước.
Ngày nay, khi chúng ta nhắc lại
năm nền tảng trí thức ấy, chúng ta không thể nào không mường tượng ra hình ảnh
linh hoạt của đại Tôn giả A Nan Ða. Tuy ông ở vai trò làm pháp ngôn viên chính
thức của đức Phật, ông là trọng tâm của mọi sự chú ý, mà ông vẫn ung dung, hòa
ái, đối xử một cách bình dị, cởi mở với tất cả mọi người.
Ðối với những ai thường tiếp xúc
với ông, A Nan Ða là mẫu người hiếm khi bị chê trách, vì đức tính phụng sự đức
Phật và Tăng chúng không hề biết mệt, cũng như tình bạn không lay chuyển, mà
ông luôn luôn dành cho tất cả mọi người.
Nhiều khi, có những xung đột xảy
ra trong các hàng Tăng chúng, mà A Nan Ða hay. Thay vì ông dửng dưng làm người
ngoại cuộc cho yên thân thì A Nan Ða đã tình nguyện làm "hòa bình sứ
giả" để dùng từ tâm của mình giải quyết một vấn đề một cách êm đẹp.
Và A Nan Ða đã luôn luôn thành
công, vì ông là một Sa môn không bị ai ghét bỏ. Ông là một người không có kẻ
thù. Hình ảnh của ông chỉ là một hình ảnh trung thành với đức Phật.
Ông đã hết lòng phục vụ Tăng
chúng đồng thời với sự tận tụy với đức Phật. Nên trong tâm tư của những đồng
đạo của ông, ông không bao giờ lưu lại một nét bất mãn.
Mặt khác, A Nan Ða vốn là người
rất giỏi tổ chức. Ông luôn luôn biết trước và nắm vững mọi sinh hoạt của các
hàng tứ chúng, có liên hệ đến ông hàng ngày. Ông như một vị "giám
đốc" kỳ tài, biết phân phối rõ ràng chương trình làm việc đến tất cả mọi
người để cho những sinh hoạt Tăng Già luôn luôn được diễn ra tốt đẹp. Rồi nhờ
tính cẩn thận và cảnh giác cố hữu, A Nan Ða hàng ngày rút ra nhiều bài học quý
giá. Cùng một sơ hở, người khác có thể vấp phải nhiều lần, nhưng A Nan Ða không
bao giờ vấp lại lần thứ hai.
Tính cảnh giác và trí nhớ đặc
biệt còn giúp cho A Nan Ða có thể nhận diện hàng trăm ngàn Phật tử xa gần khác
nhau một cách kỳ diệu. Ông chỉ cần thấy mặt một người nào đó một lần, là trong
bao nhiêu lần sau, ông cũng nhận ra họ được.
Và cũng nhờ cái tài "nhớ rõ
mặt mũi từng người" ấy, mà A Nan Ða đã có thể đoán trước (ngày nay chúng
ta thường gọi là xem tướng) biết được bản chất của từng người một, hầu đối xử
với họ làm sao cho hợp lẽ, để họ tự động học hỏi thấm nhuần Phật giáo, không
gây cho họ cảm tưởng "Ông là người đã khéo léo dẫn dụ họ quay về với đạo
Phật". Bất cứ ai lúc quy y đạo Phật, sau khi đã nghiên cứu giáo lý Phật Ðà
với A Nan Ða, cũng điều nghĩ rằng: Chính họ đã tìm ra Chánh Pháp, chứ không bị
ai ảnh hưởng cả.
Nói tóm lại, A Nan Ða là một Sa
môn có đủ phẩm hạnh để đóng vai trò đại diện cho đức Phật trước hàng tứ chúng,
hầu cùng với những vị đại tông đồ khác lãnh đạo Giáo hội. Và cái phẩm hạnh nổi
bật nhất, cần luôn luôn nhắc đến ở đây, là phẩm hạnh của một bật gìn giữ Pháp
Bảo. Nếu Phật pháp là một kho tàng của báu vô giá, thì A Nan Ða chính là vị bảo
vệ kho tàng ấy chắc chắn nhất vậy.