Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Cuộc Đời Thánh Tăng Ananda
Hellmuth Hecker Nguyễn Ðiều soạn dịch (1991)
29/10/2554 06:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương V

A Nan Ða đối với nữ giới

 

 

Ngay từ hồi còn làm hoàng thân, hai anh em A Nan Ða và Anuruddha đã không bị lôi cuốn bởi những sự hầu hạ của phái nữ. Nhờ bản chất ít đam mê trong dục lạc ở đời và nhờ tinh thần ưa chuộng sự sống thanh tịnh, nên sau khi xuất gia mọi liên hệ giữa họ với những người nữ phái dường như không còn cần thiết nữa. Nhất là Anuruddha, từ ngày xuất gia, sự tiếp xúc với nữ giới hoàn toàn cắt đứt. Không những Anuruddha tuyệt đối chẳng nhìn đến người nữ, mà ngay đến cả người nam cũng rất ít khi được ông giao dịch, trò chuyện nhiều lời, ngoại trừ đức Phật.

Tuy nhiên, không phải vì vậy, mà vấn đề phái nữ không được đặt ra như một thách đố đối với A Nan Ða, nhất là vị đại Tôn giả này vì bổn phận, hằng ngày phải tiếp xúc với đủ mọi hạng người. Huống chi A Nan Ða đã tâm nguyện đem thân mình hiến dâng cho tiền đồ Phật giáo.

A Nan Ða ngoài việc hầu cận đức Phật và phục vụ Giáo hội, ông còn nhận bổn phận chăm sóc tất cả hàng Phật tử, bất luận là nam hay nữ. Nếu không có A Nan Ða, trong Phật giáo có lẽ chỉ có ba hạng đệ tử mà thôi là Tỳ khưu, Sa di và các hàng thiện tín.

Chính ông là bàn tay đã khai sinh hệ thống nữ tu khi đức Phật còn tại tiền. Theo Anuruddha Nakaya 8 (Tăng Nhất A Hàm Số 8) và Cùlavagga 10 (Tiều Phẩm Số 10), thì sự bắt đầu của Giáo hội Tỳ khưu Ni đã diễn ra như sau:

"Khi những nam hoàng thân trong vương tộc Thích Ca đã xuất gia, thì các phu nhân, các công chúa, các tiểu thơ cũng đều mong muốn sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của đức Phật. Do đó, có một số đông các mệnh phụ phu nhân dẫn đầu bởi Hoàng hậu Mahà Pajapati Gatamì (tức là dì ruột, là kế mẫu, mà cũng là người để nuôi dưỡng đức Phật từ khi chào đời cho đến khi khôn lớn) đã đưa nhau đến ra mắt đức Phật và xin phép xuất gia. Thoạt đầu đức Phật đã từ chối, vì biết chắc rằng đời sống khắc khổ, thanh đạm, không nhà cửa của các hàng Sa môn chẳng thể nào thích hợp với những bậc khuê các. Nhưng mẫu hậu Mahà Pajapati Gotamì vẫn kiên nhẫn khẩn khoản đức Thế Tôn đến nhiều lần...

Khi A Nan Ða thấy kế mẫu của đức Phật hai chân sưng húp, y phục dính đầy cát bụi, đôi mắt thâm quầng và ngập lệ, đứng trước cửa chùa một cách thiểu não, bèn hỏi:

- Tâu mẫu hậu, vì sao người ra nông nổi ấy?

- Bạch Sa môn A Nan Ða! Mẫu hậu mong ước được sống đời sống xuất gia, nhưng đức Thế Tôn đã không cho phép.

- Mẫu hậu đã yêu cầu Phật đến lần thứ mấy?

- Ðến lần thứ ba rồi mà vẫn không được nên mẫu hậu đang buồn tủi và tuyệt vọng!

A Nan Ða nghe thế liền đích thân đi yêu cầu đức Phật. Nhưng đến phiên ông yêu cầu đến lần thứ ba vẫn bị đức Phật từ chối.

Và lòng từ hi đã không cho phép A Nan Ða thụ động, đứng nhìn Hoàng hậu đáng thương như thế. Ông bèn an ủi Hoàng hậu, rồi hứa sẽ tìm dịp thuận tiện để yêu cầu đức Phật nữa.

Ðến đây thiết tưởng soạn giả cũng nên cắt nghĩa về thái độ của đức Phật. Ðức Bổn Sư sỡ dĩ từ chối sự xuất gia của mẫu hậu và các hàng phu nhân trong hoàng tộc Thích Ca, bởi lẽ giới luật của các bậc Sa môn rất nghiêm nhặt, đời sống phạm hạnh rất thanh đạm, cơ cực, nếu không muốn nói là gần như khổ hạnh đối với những bậc quý phái thuở bấy giờ. Một vị Hoàng hậu trở thành một Tỳ khưu Ni để sống giữa rừng vắng, thực phẩm hàng ngày là của bố thí của những kẻ hảo tâm. Các mệnh phụ phu nhân ấy vốn quen sống trong nhung lụa, luôn luôn được hầu hạ thì làm sao biết tự lập, biết tổ chức và biết hạ mình, nhường nhịn nhau trước những cơ cực trong đời sống khất sĩ.

Vả lại, thuở đức Phật còn tại tiền, xã hội Ân Ðộ lúc bấy giờ được xếp đặt theo quan niệm chính trị của đạo Bà la môn, một tôn giáo xem địa vị của nữ lưu rất thấp trong xã hội, nhất là nữ lưu ấy là một khất sĩ. Và người đàn bà không có quyền tạo thành một cộng đồng riêng biệt.

Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu rằng, đức Thế Tôn từ chối việc xuất gia của mẫu hậu đến ba lần là để thử thách sự quyết tâm của bà, cũng như để cho bà còn thì giờ suy nghĩ lại hầu sau này khi khép mình trong khuôn khổ phạm hạnh, bà sẽ không tiếc rẽ đời sống vương giả nơi hoàng cung.

Trở lại vai trò của A Nan Ða trong vấn đề này. Vào một dịp, A Nan Ða hỏi Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, một người đàn bà dốc lòng xuất gia, lấy ngày tháng phạm hạnh làm kiếp sống, nghiêm trị giới luật và theo gương các bậc Toàn Giác, người đàn bà ấy về sau có thể đắc quả Thánh Nhập Lưu, quả Thánh Nhất Lai hoặc quả Thánh Giải Thoát hay không?

- Náy A Nan Ða! Người đàn bà như thế về sau chắc chắn sẽ được quả Thánh Giải Thoát!

Nhân đó A Nan Ða liền nhắc lại:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu một người đàn bà có đủ những yếu tố như thế và người đàn bà ấy lại là Mahà Pajapati Gotami, dì ruột, kế mẫu cũng là người đã nâng niu đức Thế Tôn từ tấm bé. Người đã nuôi dưỡng đức Thế Tôn bằng những giọt sữa của chính mình, Khi đệ nhất Hoàng hậu Màyà (mẹ ruột của Phật) băng hà. Một người đàn bà như thế có xứng đáng được Thế Tôn chấp nhận cho được xuất gia, lấy đời sống không gia đình làm phương tiện để noi gương và giữ gìn giới luật của đức Thế Tôn đã chỉ dạy hay không?

Ở đây A Nan Ða hiển nhiên đã nêu lên hai lý do rất chính đáng. Lý do thứ nhất, một người đàn bà, nếu có chánh kiến, quyết tâm và trí chí cũng có thể đắc quả Giải Thoát trong kiếp này. Lý do thứ hai, Hoàng hậu Màyà đang hội đủ những đức tính đó và bà lại có công lớn trong việc bảo toàn và dưỡng dục Hoàng tử hiện thân của đức Phật, thì đối với một hiền mẫu như thế chỉ có một phẩm vị xuất gia trong Chánh Pháp mới có thể đền bù xứng đáng công ơn của bà.

Ðức Phật, trước sự "biện hộ" một cách chân chính của A Nan Ða đã cho phép mẫu hậu Mahà Pajapati Gotami xuất gia. Ngài sau đó cũng cho phép A Nan Ða thành lập Giáo hội nữ giới, nhưng với những điều kiện gia nhập rất nghiêm nhặt.

Ðọc đến đây, chúng ta có cảm tưởng A Nan Ða nhờ trí thông minh và khéo nói mà thay đổi được "tư tưởng" của Phật. Nhưng trong thực tế, nhất là trong chiều sâu, không ai có thể thay đổi được "ý định" của một bậc Toàn Giác cả. Bởi ý nghĩ của một vị Phật luôn luôn gắn liền với những sự thật rất vi tế. Vấn đề này không phải chỉ xảy đến với đức Phật Thích Ca, mà nó còn đã xảy ra cho các vị Phật trong quá khứ nữa. Và hầu hết các chư Phật đều đã cho phép thành lập Giáo hội Ni giới.

Câu chuyên kế mẫu của đức Thế Tôn, Hoàng hậu Mahà Pajapati Gotami không được phép xuất gia khi chưa có sự can thiệp của A Nan Ða, không có nghĩa là đức Phật không biết đến công ơn dưỡng dục của bà. Nhưng sự không chấp thuận một cách vội vã ngay lúc đầu để chứng minh rằng đức Phật là một bậc Toàn Giác và Ngài vốn biết trước mọi việc, nhất là biết trước một tai hại về lâu về dài cho Phật giáo trong tương lai.

Bởi thế, sau đó đức Phật đã chuẩn định tám điều kiện mà chỉ có những người đàn bà nào đầy đủ đức hạnh và thành tâm nhất mới có thể được chấp thuận để gia nhập Ni giới. Tám điều kiện này còn được xem như những giải pháp ngăn ngừa sự luyến ái giữa hai phái nam và nữ một cách dứt khoát và cần được thi hành tuyệt đối nghiêm chỉnh.

Ðã thế, đức Phật còn ấn định rằng: "Hệ thống Ni giới trong giáo pháp của Như Lai sẽ kéo dài một cách đúng đắn trong vòng năm trăm năm sau thôi".

Lời của dịch giả: Vấn đề tuổi thọ năm trăm năm của Ni giới chỉ tìm thấy trong Tạng Luật (Vinaya Pitaka) chứ không tìm thấy trong Tạng Kinh (Suttanta Pitaka) hay Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka). Nhất là không có chỗ nào trong kinh điển Pali (Phạn ngữ) ghi rõ tuổi thọ ấy kéo dài đến một ngàn năm, như một số học giả nói. Hầu hết các nhà phê bình và khảo cứu Phật giáo từ xưa đến nay thường nhắc đến những hiện tượng suy đồi của Giáo hội Ni giới trong vòng năm trăm năm, hơn là xác chứng lời Phật nói về vấn đề thòi gian. Nếu có sự khác nhau về tuổi thọ của hệ thống Ni giới thì đó có lẽ là ý kiến của Tổ Sư Phật giáo sau này.

Về sau, khi đức Phật ban bố những nghiêm luật và nội qui cho đời sống Ni giới, A Nan Ða đã hỏi đức Phật về phẩm cách của một Sa môn xứng đáng được hướng dẫn các hàng Tỳ khưu Ni, đức Thế Tôn đã trả lời rằng:

- Sa môn nào biết thực hành đúng tám quy luật mà Như Lai đã chế định là Sa môn sẽ thay mặt Như Lai thuyết pháp đến các hàng Tỳ khưu Ni.

Tức là đức Phật không hạn chế vị Bổn Sư của các Tỳ khưu Ni nhất định phải là A La Hán, nhưng ngài chỉ nhấn mạnh ở tâm phẩm cách. Tuy tám phẩm cách ấy tượng trương cho một bậc Thánh, nhưng nếu một phàm Tăng hội đủ những đức hạnh đặc biệt như A Nan Ða chẳng hạn, cũng có thể hướng dẫn các hàng Tỳ khưu Ni được.

Tám phẩm cách ấy là:

1. Làm thầy dạy đạo cho các hàng Tỳ khưu Ni phải đủ đức hạnh (giới luật phải trong sạch).

2. Phải am hiểu Pháp Bảo.

3. Phải thuộc lòng giới luật, nhất là giới luật Tỳ khưu Ni.

4. Phải có khả năng nói pháp vừa thanh nhã (không tục tĩu) vừa rõ ràng, dễ hiểu. Không được lầm lỗi trong sự phát âm (vì cũng là một chữ mà phát âm sai có thể hiểu ra nghĩa khác).

5. Phải biết dạy pháp đến các hàng Tỳ khưu Ni từ thấp tới cao, làm cho họ từ chưa hiểu đến hiểu rõ.

6. Phải được các hàng Tỳ khưu Ni đón mừng (tức không làm cho họ sợ) và kính mến. Nhất là Sa môn ấy khi có một đệ tử Tỳ khưu Ni phạm lỗi và bị ông rầy, sau đó không nên làm cho người phạm lỗi tiếp tục sợ hãi.

7. Phải là một Sa môn từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ phạm giới tà dâm.

8. Phải là một Sa môn thọ Cụ túc giới (tức giới luật Tỳ khưu Ni) tối thiểu hai mươi hạ.

(Theo Angutfana Nikaya 8 52 = Tăng Nhất A Hàm số 8 52).

Và kể từ ngày ấy, vị Tôn giả A Nan Ða là một trong những người đầu tiên có công sáng lập ra hệ thống Ni giới, nên ông tìm mọi cách để thúc đẩy hệ thống này tiến mạnh trên đường Thánh đạo.

Ðây cũng là lý do khiến cho A Nan Ða đã gặp phài một số phiền phức.

Có hai trường hợp các Tỳ khưu Ni bướng bỉnh chống lại đại Trưởng lão Ca Diếp (Maha Kassapa) để đòi nghe pháp của A Nan Ða (Theo Samyutta Nikàya 16, 10, 11 = Tạp A Hàm các số 16, 10, 11).

Một trong hai trường hợp đó đã được đề cập qua trong chương hai, với tựa đề là A Nan Ða một cái tên quen thuộc. Theo sử chép thì kết quả của biến cố ấy là có hai Tỳ khưu Ni khó dạy hoàn tục. Và họ nêu lý do hoàn tục rằng: Họ đã không chịu nổi cảnh của một ông thầy (Aùm chỉ A Nan Ða) không biết chú ý đến họ như những con người, mà chỉ chú trọng đến họ như hai tâm hồn cần được cứu rỗi.

Nghiêm trọng hơn nữa là trường hợp của Tỳ khưu Ni tên là Kosambi, một cái tên mà A Nan Ða chưa từng quen thuộc. Tỳ khưu Ni này một hôm bỗng nhắn lời đến A Nan Ða rằng: Cô ta đang bệnh nặng, cần sự viếng thăm của ông. Sự thật cô đã thầm yêu trộm nhớ A Nan Ða, và chỉ muốn tạo dịp quyến rũ vị Sa môn này. A Nan Ða khi biết rõ chuyện ấy, thay vì né tránh ông đã giải quyết vấn đề một cách cao thượng.

A Nan Ða đến thẳng tư thất của Tỳ khưu Ni si tình kia, rồi giảng giải cho cô ta nghe rằng: Xác thân này của ông vốn là sự hội hợp của những chất đáng nhờm gớm.. Nhất thời, nó chỉ là giao điểm của ba nguồn đau khổ là Tham sống, Thèm Khát Hưởng Thụ và Ngã Chấp. Rồi ông phân tích hậu quả trầm luân của ba nguồn đau khổ ấy, để thức tỉnh người đàn bà tăm tối kia.

Ông nói: Thứ nhất hễ tham sống thì cái chết sẽ làm cho ta đau khổ, mà cái chết không thể tránh được. Cái chết được biểu hiện bằng cái già và cái bệnh, mà cái già và cái bệnh cũng không thể tránh được. Khi người ta cảm thấy mình mỗi ngày một già thì người ta tự biết mình càng lúc càng tiến đến chỗ chết. Thứ hai: Hễ thèm khát hưởng thụ thì bất toại nguyện sẽ làm cho ta đau khổ, mà điều bất toại nguyện không thể tránh được, vì con người chỉ ngăn ngừa nổi ác nghiệp sắp tới (nhờ tinh tấn tu hành), chứ không ngăn được ác quả đã tạo. Khi người ta đối diện với một nghiệp quả đã tạo dù lành hay dữ, sự thèm khát luôn luôn làm cho người ta đau khổ. Nếu quả lành thì thèm khát mong được có nhiều hơn, còn nếu quả ác thì thèm khát mong được tránh khỏi. Thứ ba hễ ngã chấp thì vô thường sẽ làm cho ta đau khổ, mà vô thường là một luật định không ai có thể tránh được. Mặt trời buổi sáng mọc ở hướng Ðông, rồi buổi chiều lặn ở hướng Tây. Ngày qua tháng lại là tượng trưng chính xác nhất của định luật vô thường. Vô thường là yếu tố căn bản để làm cho cái "ngã tạm thời" không bao giờ thực sự tồn tại, chứ đừng nói chi đến việc hiện hữu lâu dài hay trường cửu.

Một bậc xuất gia chân chính là người biết biến đổi ba ác pháp tham sống, thèm khát, hưởng thụ và ngã chấp ấy ra thành ba thiện pháp là: Vô tư trước hai trạng thái sống và chết, không mắc dính trước mọi cám dỗ của dục lạc ở đời và niệm tưởng đến luật vô thường, mọi vật không ngừng biến đổi! Bậc xuất gia ấy sẽ thay thế sự tham sống bằng sự ham thích tịch tịnh, thay thế sự thèm khát hưởng thụ bằng sự ham thích phúc đức để tạo thiện nghiệp và thay thế sự ngã chấp bằng tính vô ngã đại đồng.

Nói cách khác là bậc xuất gia ấy biết đem sự sống của mình hòa với sự sống chung của muôn loài vạn vật, biết đem tính phát triển thiện hạnh của mình đóng góp vào sự tiến hóa chung của tất cả chúng sinh, và biết đem cái bản vị tạm thời trong một kiếp người của mình làm ngọn đèn soi thấy lý Vô ngã trong cái vòng sinh sinh diệt diệt.

Nghĩa là một bậc xuất gia như thế hằng sống trong Chánh Pháp. Và sự biết mình chính là một sức mạnh hộ trì cho trí huệ sáng suốt để dẹp bỏ mọi tà tư duy, nhất là tình dục, hầu như giác linh của họ nhập vào một phẩm hạnh Thánh nhân, một phẩm cách nhằm đạt đến giải thoát mọi đau khổ trong kiếp này và thoát khỏi cảnh tử sanh trong những kiếp sau.

A Nan Ða cũng nhấn mạnh rằng tình dục là nguyên nhân chính cắt đứt con đường giải thoát. Một bậc xuất gia mà để cho tình dục lộng hành trong tâm mình ví chẳng khác nào như người đi thuyền khi thấy thuyền bị chảy nước mà không chịu kịp thời ngăn chặn lại. Người đi thuyền đó trước sau gì cũng bị nhận chìm dưới đáy nước.

Sau khi nghe những lời giảng dạy chân chính như thế, Tỳ khưu si tình Kosambi liền thức tỉnh. Cô lập tức rời khỏi giường (nơi mà trước đó chẳng bao lâu cô đã dùng làm chỗ khêu gợi) để đe đầu phủ phục trước mặt A Nan Ða, thành tâm nhận lỗi, rồi sám hối, yêu cầu A Nan Ða tha thứ.

A Nan Ða liền hoan hỷ trước lời sám hối của Tỳ khưu Ni, và khuyến khích cô rằng: "Trong cộng đồng những người sống theo Bát Chánh Ðạo, kẻ nào biết nhận lỗi và sám hối ăn năn là người sẽ tiến bộ, và sẽ đạt đến mục tiêu giải thoát". (Theo Anguttara Nikaya 4, 159: Tăng Nhất A Hàm số 4, 159).

Câu chuyện này hiển nhiên đã chứng minh một cách hùng hồn về khả năng cảm hóa (bằng thuyết pháp đúng lúc và hợp hoàn cảnh) của A Nan Ða, đối với những kẻ tăm tối hầu đưa họ ra khỏi vô minh và dục vọng.

Một câu chuyện khác nói về vương phi của vua Ba Tư Nặc (Pesenadi). Những phu nhân này nghĩ rằng ; "Khó mà thấy được đức Phật ra đời! Khó mà sinh được làm người. Khó mà có được một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh! Ây thế mà chúng ta đã hội đủ ba điều kiện này, chúng ta vẫn không tự do vào chùa nghe pháp được".

Các vương phi than phiền như thế, vì theo phong tục thuở bấy giờ: Tất cả các chánh cung, thứ hậu và thị nữ của một nhà vua phải suốt đời ở trong cung cấm, như chim lồng cá chậu. Họ chỉ được nhìn đức Phật hay chư Tăng thuyết pháp khi họ tùy tùng theo đức vua, chứ họ không được đi chùa lễ bái bất cứ lúc nào họ muốn như những hàng nam giới.

Mặc dù sống trên nhung lụa, nhưng những sự cao sang không mang lại hạnh phúc tinh thần cho họ. Họ bèn kéo nhau đến yết kiến đức vua, và yêu cầu nhà vua thỉnh Phật hay một Sa môn nào đầy đủ phẩm hạnh vào cung thuyết pháp. Vua Ba Tư Nặc dĩ nhiên nhận lời, rồi đến yết kiến đức Phật, trình bày những mong ước của các nàng Hoàng hậu.

Ðức Phật nghe xong, thoạt tiên ngài đề nghị một đệ tử tại gia là bậc đã đắc quả A Na Hàm đi làm công tác đó, vì cho rằng: "Hãy để cho một bậc xuất gia thuyết pháp thì dể khuyến thiện người đời hơn, nhất là người đời ấy lại là những bậc phu nhân quyền thế".

Sau đó vua Ba Tư Nặc bèn thuật lại với các nàng phu nhân về lý do từ chối của vị Thánh nhân cư sĩ nọ, rồi yêu cầu họ hãy hội ý cùng nhau để đề nghị Sa môn nào là bậc xứng đáng nhất vào cung thuyết pháp.

Tức thời các phu nhân liền suy nghĩ rằng "Chỉ có Sa môn A Nan Ða là người giữ gìn kho tàng Pháp Bảo!". Rồi họ đồng thanh yêu cầu nhà vua mời A Nan Ða vào cung thuyết pháp.

Ðức Thế Tôn dĩ nhiên đã chấp thuận lời yêu cầu của nhà vua. Và kể từ đó A Nan Ða là người thường xuyên vào cung thuyết pháp, hướng dẫn đạo lý cho chư vị phu nhân của đức vua Ba Tư Nặc.

Một hôm trong cung vua bỗng bị kẻ trộm lấy mất một vương miện bằng ngọc quý giá. Ngự lâm quân lục xét khắp nơi, mà vẫn không tìm ra. Tất cả thứ phi, cung tần, mỹ nữ trong cung cấm đều hồi hộp lo sợ, lo ngại mình sẽ bị nghi oan.

Khi A Nan Ða vào cung thuyết pháp như thường lệ, thì thấy toàn thể "tín nữ hoàng gia" vẻ mặt phiền muộn, không vui tươi nghe pháp như trước nữa. óng bèn hỏi nguyên nhân thì biết được tự sự.

Bằng một tâm từ bi, A Nan Ða vội đến yết kiến đức vua, và hiến cho nhà vua một phương pháp để vương gia thu hồi chiếc vương miện bằng ngọc quý ấy, mà không vì phẫn nộ gây ra ác nghiệp (ý nói hành hình kẻ trộm...). Ðồng thời để tạo lại bầu không khí êm ấm trong hoàng cung, hầu các phu nhân, vương phi có thể yên tâm nghe pháp.

A Nan Ða đã đề nghị với vua Ba Tư Nặc như thế này:

Quốc vương phải ra lệnh cho quân lính không được lục xét bất kỳ ai trong cung cấm nữa. Ðoạn hoàng gia cần tuyển chọn, thợ khéo dựng lên một chiếc lều lớn, chỉ có một cửa vào và một cửa ra, tại trung tâm vườn thượng uyển. Trong lều có một chiếc bình đựng nước cổ rất cao. Bất cứ ai làm việc trong hoàng cung, cũng phải vào lều rửa tay trong chiếc bình ấy, để chứng minh sự "thành thật" của mình một lần theo thứ tự, và cấm hai người cùng vào một lúc. Ðây chính là cơ hội cho kẻ tham lam biết ăn năn, có thể giấu chiếc vương miện trong mình rồi đem bỏ vào trong đáy bình nước ấy, mà không sợ bị bắt quả tang, đưa đến sự mất tánh mạng.

Kết quả, chiếc vương miện bằng ngọc của nhà vua đã được tìm thấy trong chiếc bình đựng nước "thành thật" này! Và khung cảnh tươi vui của mọi người liền trở lại trong cung cấm. Tất nhiên kẻ trộm không ai khác hơn là một trong những vương phi, đã ăn năn, đem trả lại vật quý, và được tránh khỏi tội chết! (còn chiếc bình cao cổ để chứng minh rằng không ai có thể đụng tay tới đáy để có thể nghi rằng người vào lều sau mình, hay trước mình là kẻ gian cả).

Diệu kế này càng khiến cho tên tuổi của A Nan Ða, vốn đã được nhiều người biết đến trở nên vang danh hơn nữa. Riêng trong hàng ngũ Phật giáo thì A Nan Ða đã được tất cả huynh đệ khen ngợi như một người biết tái lập sự an vui bằng một phương pháp sáng suốt, cứu rỗi được những ác nghiệp đặc biệt! (Theo Jàtaka n.92).

Và để tạm kết thúc chương nói về "Sự liên hệ của A Nan Ða đối với nữ giới" soạn giả xin thuật lại mẫu đối thoại sau đây giữa A Nan Ða với đức Phật, không bao lâu trước khi Phật nhập diệt:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, chúng đệ tử phải đối xử với phái nữ, nhất là đối xử với Ni giới, như thế nào?

Phật dạy:

- Các ông đừng nhìn lên thân thể họ.

A Nan Ða lại hỏi:

- Nhưng nếu một người nữ đến quá gần một Sa môn thì phải làm sao?

Phật lại dạy:

- Các ông đừng tự mình mở lời trước.

A Nan Ða lại hỏi tiếp:

- Trường hợp một người nữ đến thật gần một Sa môn rồi bắt đầu gợi chuyện?

Phật nêu phương pháp:

- Khi nghe một người đàn bà nói chuyện, các ông phải tuyệt đối cảnh giác, nhớ lại ý niệm ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi, đồng thời sử dụng thiền định, nhất là phẩm cách biết mình (Theo Digha Nikàya 16: Trường A Hàm số 16).

Những câu hỏi nêu trên đã được chính A Nan Ða nêu lên khi ông biết chắc rằng: Ðức Phật sắp bước vào Niết bàn. Và sau đó ông còn nhắc lại những lời sau cùng ấy với mọi huynh đệ trong khi chuẩn bị làm lễ hỏa táng.

Trên thực tế, mối liên hệ giữa các hàng Sa môn với những Tỳ khưu Ni, cũng như mối liên hệ giữa các hàng Tỳ khưu Tăng với những tín nữ, đối với A Nan Ða trong suốt hai mươi lăm năm trường, dưới sự hướng dẫn của đức Phật, đã không là vấn đề đặc biệt cho lắm! Ðiều đáng nhấn mạnh ở đây là A Nan Ða đã cố ý nêu lên những câu hỏi như thế, khi đức Phật chưa nhập diệt, là để được nghe chính đức Phật truyền dạy những điều thực tế sau cùng.

Vả, A Nan Ða tuy là một Sa môn luôn luôn sống trong sự biết mình, nhưng những sự khêu gợi của phái nữ, A Nan Ða vốn đã nhiều lấn đối diện. Và sự cảnh cáo của đức Phật trước khi cho phép thành lập hệ thống Ni giới, A Nan Ða cũng chưa quên (nhất là lời tiên đoán của Phật về tuổi thọ của cộng đồng nữ tu trong Phật giáo chỉ có thể trong sạch khoảng năm trăm năm sau mà thôi). Thành thử, đã từ lâu A Nan Ða thầm lo ngại về tương lai của Phật giáo. Rồi vì lo ngại như thế, nên ông mới đặt ra những câu hỏi nêu trên đến đức Phật hầu xem nó, không những như những giáo huấn sau cùng, mà còn tái xác nhận thành ý của đức Phật, về sự hiện hữu của phái nữ trong cộng đồng Tăng lữ, để lưu lại một lề luật chánh truyền về sau, cho những người kế nghiệp trông coi hệ thống nữ tu cho đến hết năm trăm năm đã định.