Chương
II: Hai Thế Kỷ Đầu
ÐẠO PHẬT GIAO CHÂU TRONG THẾ KỶ ÐẦU TÂY LỊCH
Sự thành lập tăng đoàn, dịch kinh, sáng tác và làm chùa hẳn
được thực hiện vào thế kỷ thứ 2. Trong thế kỷ đầu của Tập lịch sinh hoạt
Phật ở Giao Châu chắc chắn còn thô sơ lắm.
Như ta đã biết, đạo Phật đầu tiên do các thương gia Ấn Ðộ đem
đến. Những người này không phải là những nhà truyền giáo; họ chỉ sống
đời sống tín ngưỡng của họ trong lúc lưu lại Giao Châu, và chính vì vậy
mà người Giao Châu biết đến đạo Phật. Sinh hoạt của Phật tử Ấn Ðộ thời
ấy thế nào? Họ đọc ba điều quy y, giữ tam quy, tin tưởng ở Tam Bảo là
Phật, Pháp và Tăng. Họ giữ ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp,
không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Họ tin ở thuyết nhân quả;
vì vậy họ lo bố thí cúng dường, nhất là cúng dường ẩm thực, y phục và
chỗ cư ngụ cho tăng sĩ , bởi vì tăng sĩ là “ruộng phước đức tốt nhất” để
gieo hạt giống công đức, họ còn thờ phụng Xá Lợi Phật, đốt hương trầm,
đọc thuộc vài đoạn kinh nhân quả, kể chuyện tiền thân của Ðức Phật.
Tín ngưỡng của người Giao Châu hồi ấy ra sao? Ông trời ở trên
cao, có thể nhìn thấu mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ ác, biết
giúp đỡ kẻ làm lành. Tuy nhiên Ông trời không phải là đấng tạo hóa nên
mọi vật, nhất là không phải vị thần của nhất thần giáo. Ông trời có
những thuộc hạ gần và xa. Gần thì có ông Sấm, mụ Sét. Xa thì có Sơn
Tinh, Thủy Tinh, thần núi Tản Viên, thần cây Ða, ông Táo, ông Ðịa vân
vân... Linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại
thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác chết, va có thể ở chung quanh người
thân thích còn sống một thời gian để che chở bảo hộ.
Ma Xó là linh hồn người chết còn ở quanh quẩn trong nhà, coi
sóc bảo hộ gia đình. Nhà mồ là nơi an trí linh cữu người chết trong
rừng, trong một thời gian nào đó, có cơm canh bày cúng người chết. Thầy
Mo là người trung gian, biết liên lạc Ma Xó và thế giới người chết.
Những ngôi mộ đào được ở Lạch Trường chôn từ thế kỷ thứ nhất trước Tây
lịch đều có ba phần: phần giữa để linh cửu, phần bên để bàn thờ, đèn
đồng, và phần bên kia để thực phẩm, vật dụng... Những trống đồng dùng để
đánh lên trong những buổi lễ cầu mưa và những tang lễ, trên trống đồng
có hình những ông Thầy Mo đội lông chim, giả làm hình chim. Không những
chim là nguồn gốc của dân Giao Châu, mà rồng cũng vậy.
Người Giao Châu đi đánh cá, lặn xuống nước, bị thụồng luồng
làm hai, bèn vẽ mình cho thuồng luồng sợ. Sau đó, họ tin mình là dòng
dõi của rồng. Ý niệm về nguồn gốc tiên rồng là do đó. Khi triệu Vũ Ðế
làm vua ở Lĩnh Nam, vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, triều đình có
dùng trâu, ngựa và dê để cúng tế trời đất, và dân chúng đã biết mua dụng
cụ canh nông bằng sắt của người Hán (thư Triệu Vũ Vương gửi Hán Văn Ðế
năm 181 trước Tây lịch), biết nhì những hiện tượng thiên văn như sao
chổi, nhật thực để đoán thời vận. Tuy vậy, văn minh Giao Châu còn rất
khác với văn minh Hán. “Dân Việt là dân cạo tóc, vẽ mình, không thể lấy
pháp độ của nước đội mũ mang đai {nước Hán} mà trị được. Từ thời Tam Ðại
tự trị, đất Hồ, đất Việt không theo lịch sử của Trung Quốc...” (thư của
Hoài Nam Vương dâng vua Hán, can không nên đem quân can thiệp vào cuộc
gây hấn giữa Mân Việt và Nam Việt vào năm 135 trước Tây lịch). Người
Giao Châu chắc đã dùng lịch Ấn Ðộ trong thời đó.
Trong bối cảnh tín ngưỡng và văn hóa kia, đạo Phật đã được
mang vào Việt Nam. Thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo phù hợp với quan niệm ông
Trời trừng phạt kể ác, ban thưởng người lành. Thuyết luân hồi cũng phù
hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại, và cũng
phù hợp với nhận xét về sự tuần hoàn của loài thảo mộc vốn rất thịnh mậu
tại một xứ nóng bức và ẩm thấp. Mâu Tử vào cuối thế kỷ thứ hai viết như
sau về luân hồi: “Thân thể của người ta cũng như cành rễ của cây, linh
hồn như hạt giống. Cành rễ của cây sẽ bị hư hoại nhưng hạt giống sẽ sống
sẽ tạo nên cành rễ mới...” Những quan niệm công đức, tam bảo, cúng
dường, luân hồi, nghiệp báo... không có quan niệm nào chống đối với tín
ngưỡng tại Giao Châu hồi ấy. Thêm vào đó, người Giao Chỉ chưa ai trở
thành những tín đồ trung kiên của Khổng Lão và trang bị bởi những ý thức
hệ vững chãi, nên Phật Giáo không gặp nhiều trở ngại như khi đi vào đất
Hán. Ðạo Phật thấm vào văn minh Giao Châu tự nhiên dễ dàng như nước
thấm vào lòng đất. Những lý luận Mâu Tử dùng trong sách Lý Hoặc Luân
không phải để hướng về những người thuộc văn hóa Giao Châu, mà hướng về
những nhân sĩ Hán tới Giao Châu tị nạn, và một số ít người Giao Châu đã
đi sâu vào lối suy tư Khổng Lão. Thế kỷ đầu Tây lịch, trong lúc bắt đầu
thu thập một ít kinh nghiệm canh tác và tập tục Trung Quốc (Tích Quang
và Nhâm Diên chỉ bay cho dân cách canh tác và phép cưới hỏi) người Giao
Chỉ cũng học được của những người khách Ấn những kinh nghiệm về trị liệu
y học, những điều về thiên văn, về nhật lịch, vân vân... Kho tàng cổ
tích Việt Nam đã thâm nhập nhiều yếu tố từ những truyện cổ tích và tiền
thân của Phật Giáo Ấn Ðộ... Truyện Tấm Cám là một truyện nhân quả nghiệp
báo trong đó Bụt đóng vai ông Trời, thấy được những chuyện bất công
trên đời. Ta nên nhớ đây là tiếng Bụt trực tiếp lấy từ chữ Buddha mà
không phải chữ Phật lấy từ phát âm Trung Quốc “Fo”. Những người khách
trú Ấn Ðộ đã truyền đạo Phật bằng cash sống tín ngưỡng mình trên đất
Giao Chỉ và kể truyện tiền nhân Phật trong những ngày giờ rỗi rảnh.
Những tăng sĩ Ấn Ðộ đi theo thương thuyền có thể đã cư trú tại
những ngôi am nhỏ làm ra cho họ, và được những thương gia Ấn Ðộ cùng
những người Giao Chỉ thân cận họ cúng dường áo xống và thực phẩm. Trong
thế kỷ đầu này, có thể đã có những ngôi chùa lập ra cho một hay hai vị
tăng sĩ ngoại quốc lưu trú, với một vài người Giao Châu mộ Phật ở chung.
Người Giao Chỉ chắc chắn đã học tụng bài tam quy bằng tiếng Phạn, mà
bất cứ người Phật tử Ấn nào cũng thuộc. Họ cũng đã học cúng dường vị
tăng sĩ, thờ Phật, lạy Phật, làm phúc thiện, bố thí. Bố thí ở đây có
nghĩa là cho người đói ăn cơm. Kinh Tứ Thập Nhị Chương lưu hành tại Giao
Châu trong thế kỷ thứ hai, nói đến công đức đem cơm cho người khác ăn:
“Cho một trăm người ác ăn cơm có công đức, nhưng công đức ấy không nhiều
bằng cho một người hiền ăn cơm...” Họ cũng học cách đọc kinh tam quy
cầu nguyện cho người mới chết. Ðạo Phật vào thế kỷ này chắc hẳn chỉ là
ngưỡng Phật Giáo bình dân, chưa có kinh điển phiên dịch, chưa có chế độ
tự viện và tăng sĩ đàng hoàng. Ta có thể phác họa sơ lược tín ngưỡng
Phật Giáo Giao Chỉ trong thế kỷ đầu như sau:
Quan niệm về Phật: Bụt (hay Bụt Ðà) như một đấng có phép thần
thông, nghe biết hết mọi chuyện trên đời như ông Trời, nhưng không ở
trên cao nhìn xuống như ông Trời, mà rất thân cận vơi con người. Bụt có
thể hiện ra dưới nhiều hình thức để cứu giúp người, giúp đời, nhất là
những người có lòng tốt bị nhiều điều oan ức. Bụt rất thương người, cứu
giúp người hiền, nhưng khác với ông Trời là không hành phạt kẻ ác. Bụt
không bị nước trôi, lửa cháy, vì Bụt có phép thần thông và biến hiện.
Quan niệm về Pháp: Không biết lúc ban đầu danh từ nào đã dùng
để dịch tiếng Dharma; có lẽ tiếng “Phép Bụt” đã được sử dụng. Phép Bụt ở
đây có thể là những phép biến hiện thần thông của Phật để cứu đời giúp
người. Phép Bụt cũng là những điều người ta làm cho nếu người ta tin
Bụt, như đọc ba câu tam quy, ban đầu thì bằng Phạn ngữ, giống như đọc
thần chú, để tỏ lòng quy kính Bụt mà cũng để Bụt che chở (Buddham
Saranam gacchami, Dharmam Saranam gacchami, Sangham Saranam gacchami).
Ba câu tam quy này về sau hẳn cũng được đọc bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng
Hán Việt. Ngoài việc đọc tam quy, còn có việc cúng dường tăng sĩ, bố thí
người nghèo, cho kẻ đói ăn. Phép của Bụt cũng là tin ở nghiệp báo, luân
hồi và linh hồn bất diệt.
Quan niệm về Tăng: Danh từ Tang Môn được dùng trước danh từ Sa
Môn để chỉ các vị tăng sĩ ngoại quốc, như ta thấy trong các bản dịch
kinh điển chữ Hán sớm nhất. Tang Môn không phải là một đoàn thể xuất gia
từ sáu người trở lên (định nghĩa Sangha) mà là con người của những tu
sĩ khoác áo vàng, đầu cạo trọc, từ bỏ đời sống gia đình, của cải, thở
Bụt, đọc kinh chữ Phạn; và sống trên sự cúng dường của người tin theo
Bụt. Ngoài những Tang Môn ngoại quốc, có thể có vài người Giao Chỉ cũng
được nhận học làm Tang Môn. Có lẽ Chử Ðồng Tử là một người trong số này.
Sách Lĩnh Nam Chích Quái, chẳng hạn, chép: “Ðồng Tử và Tiên Dung lập
nên phố xá làm nghề buôn bán. Công việc buôn bán thịnh đạt, và địa
phương trở nên chợ búa to lớn. Nhiều nhà buôn nước ngoài thường ghé qua
lại với Ðồng Tử, xem Ðồng Tử như chủ. Một hôm, Ðồng Tử theo một người
khách buôn ngoại quốc ra khỏi xứ, đi bằng thuyền. Họ ghé lại một hòn núi
tên Quỳnh Viên (Ðạo Giáo Nguyên Lưu nói là Quỳnh Vi), nơi đó, họ lấy
nước ngọt để dùng cho thuyền. Ở dưới núi Quỳnh Viên, có một túp lều, nơi
đây Ðồng Tử gặp một nhà sư Ấn Ðộ. Nhà sư giảng cho Ðồng Tử, và Ðồng Tử ở
lại để học đạo, giao vàng cho người đồng hành đi buôn bán giùm mình và
hẹn khi về thì ghé lại đón cùng về. Vị tăng cho Ðồng Tử một cây gậy và
một cái nón lá, bảo rằng những vật này có thể làm phép lạ. Lúc về nước,
Ðồng Tử dạy Phật pháp cho Tiên Dung. Họ thâm hiểu đạo lý, liền bỏ chuyện
buôn bán, đi tìm thầy học đạo. Một hôm đang đi thì trời tối, họ cắm cây
gậy và chiếc nón lá làm nơi trú ẩn. Các nhà buôn ngoại quốc nói nơi đây
hẳn là các nhà buôn Ấn Ðộ tới bằng thuyền và sự việc Ðồng Tử bỏ hết sản
nghiệp để nhận một chiếc gậy và một cái nón có thể giải thích như sự
xuất gia làm Tang Môn của Ðồng Tử. Cây gậy và bình bát là hai vật tùy
thân của người tăng sĩ. Chiếc nón đã thay bình bát, và hình ảnh chiếc
nón là hình ảnh của kẻ xuất gia không nhà đi du hành đây đó.
Quan niệm về nghiệp báo luân hồi: Làm lành gặp lành, ở ác gặp
ác; quan niện này của gp dĩ nhiên được chấp nhận dễ dàng trong tín
ngưỡng dân gian Giao Chỉ. Tín ngưỡng về hồn ma tồn tại sau khi chết cũng
là căn bản rộng rãi để chấp nhận luân hồi. Con Tấm trong truyện Tấm Cám
dù bị hại bao nhiêu phen cũng vẫn luân hồi trở lại, hoặc trong hình
thức trái thị, hoặc trong hình thức chim hoàng anh... Bà mẹ ghẻ vì ác
độc nên phải ăn mắm xác chết của con mình. Trong truyện thần thoại Con
muỗi, người vợ xinh đẹp nhưng dâm tà của anh lái buôn si tình đã phải
luân hồi làm con muỗi, suốt đời tìm hút lại ba giọt máu để trở lại thân
người. Tín ngưỡng nghiệp báo luân hồi khiến người ta lo ăn ở nhân từ,
thương người và tu đạo phúc đức.
Từ Bi: Từ bi là đặc điểm của đạo Bụt. Bụt rất thương người.
Tang Môn cũng dạy bố thí, cứu người ốm đau tai nạn, cho người đói ăn
cơm, đừng trả thù kẻ khác.
Công Ðức: Muốn được sung sướng kiếp này và kiếp sau, phải có
công đức (punya). Dâng thức ăn cho các Tang Môn, trọng nễ và nghe lời họ
tức là gieo hạt giống công đức vào ruộng tốt (Tang Môn là phúc điền).
Ðem cơm cho người đói ăn, công đức cũng rất lớn. Sạ Dung cuối thế kỷ thứ
hai cũng còn xem chuyện cho người đói ăn là điều quan trọng nhất trong
đạo Phật. Sau khi làm cách mạng, ông giữ lấy lúa gạo, và cho nấu cơm
cùng thức ăn bày ra cúng dường có tới hàng mười dặm, để người đói ai
muốn thì ăn. Có hàng vạn người tới ăn một lúc (Hậu Hán Thư).
Tiết dục: Giáo lý vô ngã tuy là giáo lý căn bản trong Phật
Giáo nhưng có lẽ đã không được giảng dạy trong bước đầu này bởi tính
cách khó hiểu khó nhận của nó. Ðạo lý Ly Dục cũng chỉ giới hạn trong
giới Tang Môn. Chắc hẳn trong khi dạy về đạo lý Từ Bi và công đức, cá
Tang Môn cũng đã dạy tiết dục, bỏ bớt những hưởng thụ vật chất cho riêng
mình để bố thí cho kẻ khốn khó đói khổ.
LÝ HOẶC LUẬN CỦA MÂU TỬ
Nhờ có tác phẩm của Mâu Tử và cũng nhờ có kinh Tứ Thập N hị
Chương mà ta biết được khá rõ tư tưởng tín ngưỡng và tình trạng Phật
Giáo Giao Châu trong thế kỷ thứ hai. Trước hết ta hãy xét về tác phẩm Lý
Hoặc Luận của Mâu Tử. “Lý Hoặc Luận” có nghĩa là những luận lý để làm
tiêu tan mối nghi hoặc về Phật Giáo”. Tác phẩm này còn giữ lại được
trong bộ Hoằng Minh Tập do Tăng Hựu sưu tập, ấn hành vào đầu thế kỷ thứ
sáu. Các sách Tùy Chí và Ðường Chí đều có nói đến sách này của Mâu Tử.
Riêng sách Tùy Chí lại còn chua thêm: “Hán thái ủy Mâu Dung soạn”. Sách
này đã lầm thái úy Mâu Dung thời Chương đế (tự là Tử Ưu) với Mâu Tử thời
Linh Ðế. Ông Pelliot có nói rõ về điểm này trong một bài đăng trong
Toung Pao (Meou-tséu ou Les Doutes Levés. Toung Pao, 1918-1919). Bài tựa
của sách Lý Hoặc Luận cho ta rất nhiều dữ kiện quý báu. Nguyên văn như
sau:
“Mâu Tử tôi đối với kinh truyện và chư gia, sách lớn sách nhỏ
không sách nào không mê. Tuy không thích binh pháp, nhưng cũng đọc sách
binh pháp. Tuy đọc sách thần tiên bất tử nhưng không tin thần tiên bất
tử, cho đó là chuyện hư đản. Sau khi vua Hán Linh đế băng hà, thiên hạ
nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc đều
tới đây, phần lớn đều tin theo thuật thần tiên tịch cốc trường sinh. Hồi
ấy có nhiều học giả, Mâu Tử thường lấy ngũ kinh ta vấn nạn, các đạo gia
và thuật sĩ không ai đối đáp cho xuôi được, cũng tỷ như Mạnh Kha cự lại
với Dương Chu Mặc Ðịch. Trước kia Mâu Tử cùng mẹ tới tị nạn ở Giao Chỉ,
năm 26 tuổi về quê Thương Ngô cưới vợ. Thái thú {Sĩ Nhiếp} nghe có chút
học thức, tới mời nhận một chức vụ. Hồi đó tuổi vừa lớn, lòng chuyên về
việc học, lại thấy đời loạn lạc không có ý muốn ra làm quan, cho nên
tôi từ chối không đến. Lúc bấy giờ các châu quân [ở Hán] nghi ngờ nhau,
chia cách không thông thương với nhau. Thái thú thấy tôi học biết nhiều,
muốn nhờ đi Kinh Châu. Mâu Tử cho rằng quyền tước vinh hoa thì dễ từ,
nhưng sứ mạng thì khó từ chối, cho nên đã chuẩn bị để đi. Gặp lúc đó vị
châu mục cảm tài học, thấy chưa có chức phận liền muốn giao cho một quan
chức, nhưng tôi muốn cáo bệnh không đi, người em của châu mục là thái
thú Dự Chương bị viên tướng tải lương là Sạ Dung sát hại; châu mục sai
kỵ đô úy Lưu Sản đem binh đi cứu Dự Chướng, nhưng sợ các phiên trấn nghi
nan không để cho quân lính đi. Châu mục liền mời Mâu Tử tới mà nói
rằng: “Em tôi b ị nghịch tặc hại, niềm đau cốt nhục nung nấu tâm can;
nay tôi muốn sai Lưu đô úy đi về, nhưng sợ ngoại giới nghi nan đi không
ltij được. Ngài văn võ kiêm toàn, có tài ứng đối, nay tôi muốn nhờ Ngài
đi Linh Lăng và Quế Dương mượn đường đi được chăng?” Mâu tử nói: “Lâu
nay ăn cơm của các châu quận, ngày tri ngộ đã dài, nay gặp việc cần, kẻ
liệt sĩ phải quên thân mình để lo phụng sự”. Liền chuẩn bị lên đường.
Nhưng lúc ấy mẹ mất, không thể đi được. Sau suy nghĩ chín chắn cho rằng
vì tài biện đối mà người ta giao cho sứ mạng, thực ra trong thời buổi
nhiễu nhương này, không phải lúc nên lộ diện. Bèn than rằng: “Lão Tử
sinh vào khoảng 165 - 170. Sạ Dung mất năm 195; năm ông ta làm cách mạng
chắc là năm 193, bởi trước đó “ông làm quan tải lương dười quyền châu
mục Từ Châu là Ðào Khiêm”, Ngôi tháp Phật rộng lớn của Sạ Dung được dựng
năm 194. Chắc Mâu Bác theo đạo Phật cũng vào năm này, một năm sau cái
chết của thái thú Dự Chương.
Theo bài tựa Lý Hoặc Luận, chính những tao loạn của thời thế
đã làm cho Mâu Tử thấm nhuần được của Lão Tử nói về nguyên tắc “tuyệt
tánh khí trí” mà ngày xưa ông không hiểu, chỉ vì ông đã đọc với trí năng
mà không có kinh nghiệm sống. Vì ông đã đọc hết sách Lão, bây giờ không
còn chuyện học Lão nữa mà là chuyện chiêm nghiệm về Lão. Có học thì là
học Phật, và trong lúc học Phật, từ ngữ và tư tưởng Lão đã giúp ông đi
vào Phật học một cách mau chóng. Và cũng chính vì biết rộng về Lão Giáo
và Khổng Giáo mà ông có thể trình bày đạo Phật cho những người theo đạo
Lão và Khổng một cách dễ dàng và hữu hiệu.
Mâu Tử đã xuất gia sau khi xâm nhập vào Phật lý hay không?
Ðiều này ta chưa thể quả quyết được,
Ông cưới vợ năm 26 tuổi, và bắt đầu học Phật vào khoảng từ năm
30 tới năm 35 tuổi. Cái tên Mâu Tử hay Mâu Bác có thể là một pháp
danh[1]. Ðoạn kết của Lý Hoặc Luận cho ta cảm tưởng Mâu Tử là một Sa
Môn, bởi vì theo đoạn này người đối thoại với ông, sau khi được thuyết
phục, đã lạy ông và “xin thọ ngũ giới làm ưu bà tắc”.
KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Trước khi đi vào tư tưởng Phật Giáo thế kỷ thứ hai, ta còn
phải cứu xét về kinh Tứ Thập Nhị Chương, một kinh đã từng được lưu hành ở
Giao Chỉ trong thế kỷ này.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương mà Phật tử đọc tụng ngày nay gọi là do
Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan dịch, hình thức và nội dung đã khác
nhiều với Tứ Thập Nhị Chương lưu hành ở thế kỷ thứ hai. Nhiều tư tưởng
Thiền và Ðại Thừa đã được thêm vào. Ví dụ đoạn này có trong bản in đời
Tống mà không có trong những bản in trước đó: “Pháp của ta và quan niệm
cái vô niệm, thực hành và cái vô hành, nói cái vô ngôn tu cái vô tu”
(ngô pháp niệm vô niệm niệm, hành vô hành vô hành hành, tu vô tu tu).
Câu này là tư tưởng đặc biệt của Thiền tông và chắc chắn đã do truyền
thống của thền thêm vào. Trong bản in Cao Ly của Ðại Tạng Kinh, thay vì
câu nói ấy, ta thấy một câu khác hẳn: “Ta phải niệm nghĩ gì? Niệm nghĩ
tới Ðạo. Ta phải hành những gì? Hành Ðạo. Ta phải nói về gì? Nói về
Ðạo.” Các quan niệm vê kiến tính học đạo (kiến tính học đạo nan), vô tu
vô chứng (bất như phạn nhất vô tu vô chứng chi giả) đều là các quan niệm
Thiền học đại thừa tương đối đến trễ, cũng không thể có trong sơ bản
được.
Văn thẻ của kinh đã trải qua nhiều thay đổi. Ta hãy ví dụ về
đoạn nói về vô thường:
Sách Phụng Phá Yếu đời Tây Tấn có trích dẫn đoạn ấy của kinh
Tứ Thập Nhị Chương như sau:
“Phật vấn chư đệ tử, hà vị vô thường? Nhất nhân viết: “nhất
nhật bất khả bảo, thị vị vô thường”. Phật ngôn: “Phi Phật đệ tử”. Nhất
nhân viết: “xuất tức bất bảo, tiện tựu hậu thế, thị vị vô thường”. Phật
ngôn: “Chân Phật đệ tử”. (Phật hỏi các đệ tử: “Sao gọi là vô thường? Một
người nói: “Trong một ngày không bảo tồn được gọi là vô thường”. Phật
nói: “Chưa phải là đệ tử Phật”. Một người nói: “Thở ra mà chưa kịp thở
vào thì chuyển qua đời khác gọi là vô thường”. Phật nói: “Ðúng là đệ tử
Phật”.)
Bản in trong tạng Cao Ly như sau:
“Phật vấn chư sa môn: “nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “tại
sổ nhật gian”. Phật ngôn: “tử vị năng vi đạo”. Phục vấn nhất sa môn:
“Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết “tại ẩm thực gian”. Phật ngôn: “Khứ,
tử năng vi đạo”. Hậu vấn nhất sa môn: “nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết:
“tại hô hấp gian”. Phật ngôn: “Thiện tai, tử khả vị vi đạo giả hỹ”.
(Phật hỏi các vị sa môn: “Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong
thời gian một bữa cơm”. Phật nói: “Ði đi, ông chưa có thể hành đạo”.
Sau lại hỏi một sa môn: “Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong
thời gian một hơi thở”. Phật nói: “Lành thay, ông có thể được gọi là
hành đạo”.)
Một bản khác lưu hành ngày nay ở Trung Hoa như sau:
“Phật vấn sa môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “sổ nhật
gian”. Phật ngôn: “Tử vị văn đạo”. Phục vấn nhất sa môn: “Nhân mạng tại
kỷ gian?” Ðối viết: “Phạn thực gian”. Phật ngôn: “Tử vị văn đạo”. Phục
vấn sa môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?” Ðối viết: “hô hấp gian”. Phật ngôn:
“Thiện tai, tử tri đạo hỹ”. (Phật hỏi các sa môn:”Mạng người được trong
bao lâu?” Trả lời “trong vài ngày”. Phật nói: “Ông chưa nghe đạo”. Lại
hỏi một sa môn: ”Mạng người được trong bao lâu?” Trả lời “trong thời
gian một hơi thở”. Phật nói: “Lành thay, ông hiểu đạo rồi”.)
Có nhiều ấn bản khác nhau như vậy không có nghĩa là có nhiều
bản dịch khác nhau. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, xét theo thể tài, không
phải được dịch ra từ một cuốn kinh Phạn ngữ, mà là được trích dịch từ
nhiều bản kinh Phạn ngữ. Ví dụ như đoạn sau đây giống như một đoạn trong
Ðại Bát Niết Bàn Kinh, bản Pali hiện lưu hành (Mahaparinibbanasutta):
“Hãy thận trọng đừng nhìn nữ sắc: N ếu gặp họ thì làm như
không trông thấy họ. Ðừng nói chuyện với họ, hãy giữ chánh niệm đoan
nghiêm...”. những đoạn khác, cố nhiên được trích dịch rải rác đây đó từ
các kinh điển khác.
Có những học giả cho rằng không phải kinh này xuất hiện vào
thế kỷ thứ hai, mà là sau đó rất lâu. Lương Khải Siêu chẳng hạn (Lương
Nhậm Công Cận Trước Ðệ Nhất Tập, Thượng Hải, 1925-1928) xét văn thể cho
rằng kinh này xuất hiện thế kỷ thứ tư, trong khi học giả Nhật Sakaino
Koyo (Cảnh Dạ Hoàng Vương, trong tác phẩm Chi Na Phật Giáo Tính Sử,
Tokyo, 1935) lại cho rằng kinh này xuất hiện thế kỷ thứ năm. Nhưng nếu
ta tin rằng Lý Hoặc Luận xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ hai và có nói đến
kinh này, thì ta cũng tin rằng kinh này xuất hiện trước đó, sớm hơn
trong thế kỷ. Ta lại còn có một chứng cớ nữa: đó là tờ biểu Tương Giai
dâng lên vua Hoàn Ðế năm 166. Sau khi nhắc đến vua có thờ Phật và Lão
Trong cung, Tương Giai trách vua không học theo Phật Lão để tôn trọng sự
sống và giảm bớt dục lạc. Rồi Tương Giai nói tiếp: “Phật không ngủ quá
ba đêm dưới một gốc cây đâu, vì e ngại sẽ yêu thích gốc cây đó, tinh
khiết như vậy là đúng mức. Thiên thần gửi ngọc nữ đến thử Phật, nhưng
Ngài nói “Ðây là những đãy bằng da đựng đầy máu huyết”, liền không chú
ý. Tâm ý chuyên nhất như vậy, mới có thể hành đạo. Nay các cung nữ của
bệ hạ đẹp tuyệt trần thế kia, rượu và thịt ngon ngọt như thế kia, làm
sao bệ hạ theo kịp được Hoàng Lão?” Trong lời sớ, ta thấy dấu tích kinh
Tứ Thập Nhị Chương tới hai lần: chuyện thụ hạ nhất túc (chỉ ngủ một đêm
dưới gốc cây) và chuyện thiên thần hiến ngọc nữ ư Phật (thiên thần đem
ngọc nữ dâng Phật). Tương Giai như thế đã được đọc kinh Tứ Thập Nhị
Chương trước nâm 166, và có thể đã đọc được ở trung tâm Bành Thành, ở
đây ông ta đã sinh trưởng, và ở đây có những liên hệ truyền bá Phật Giáo
với Luy Lâu. Hẳn là kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được tuyển dịch tại Giao
Châu và đã do một Phật tử hay tăng sĩ nào đó từ Luy Lâu đem tới Bành
Thành.
Xét về văn thể của kinh, loại bỏ những từ ngữ và quan niệm
Thiền học và đại thừa tương đối phát triển trễ về sau, ta có thể có được
một nhận định chính xác về sơ bản của kinh này lúc mới được tuyển dịch.
Văn thể của sơ bản cố nhiên còn thô sơ hơn đoạn nói về vô thường mà ta
thấy ở sách Phụng Pháp Yếu đời Tây Tấn trích dẫn ở trang trước.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương hiện giờ lời văn đẹp đẽ, là do sự trau
chuốt không ngừng suốt trong gần hai mươi thế kỷ, mỗi lần có một bản in
mới. Sách Lý Hoặc Luận cũng như tờ biểu của Tương Giai viết và hạ bán
thế kỷ thứ hai chứng thực rằng kinh này ra đời trong thượng bán thế kỷ.
Nhưng có một điều lạ là trong bản mục lục kinh điển ra đời sớm nhất ở
Trung Hoa, Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục của Ðạo An, biên tập vào năm 374,
không có liệt kê kinh này. Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục hiện nay không
còn, nhưng trong bản mục lục Xuất Tam Tạng Ký Lục của Tăng H ựu ra dời
sau đó chừng một trăm năm mươi năm, có câu sau đây liệt kê về Tứ Thập
Nhị Chương:
“Tứ Thập Nhị Chương Kinh, một quyển. Cựu Lục gọi là “Hiếu Minh
Hoàng Ðế Tứ Thập Nhị Chương Kinh”. Pháp sư Ðạo An trong khi soạn Tổng
Lý Chúng Kinh Mục Lục đã bỏ sót kinh này không nói đến”.
Không những Ðạo An bỏ sót kinh Tứ Thập Nhị Chương, ông lại bỏ
sót luôn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử nữa. Theo Ðạo an, những kinh sách đầu
tiên bằng Hán tự được dịch tại Lạc Dương. Ðạo An là người miền Bắc, đã
từng ở Lạc Dương, biết nhiều về tình hình lưu truyền của Phật kinh miền
Bắc, thế mà đã không nghe nói kinh Tứ Thập Nhị Chương; điều này làm ta
tin rằng miền Bắc không phải là nơi xuất phát kinh này. Paul Pelliot
(Meou Tseu ou les Doutes Levés) nói rằng có thể kinh này phát xuất ở
miền hạ lưu Dương Tử, bởi dấu tích đầu tiên về kinh đã thấy ở twof biểu
của Tương Giai, mà Tương Giai là người ở gần miền này. Như vậy Ðạo An có
lẽ chưa từng đặt chân tới những miền có lưu hành kinh Tứ Thập Nhị
Chương, tức là miền Giang Tả, và Giao Chỉ ở miền Nam. Ðạo An cho rằng
Lạc Dương là trung tâm đầu tiên phát xuất kinh điển Hán tự, không nói
đến Tứ Thập Nhị Chương và Lý Hoặc Luận vốn là hai tác phẩm không phát
xuất từ Lạc Dương trong khi đó hai tác phẩm này đều tuyên truyền cho uy
tín lãnh đạo của Phật giáo Lạc Dương bằng cách kể truyện giấc mộng Hán
Minh Ðế. Ông Henri Maspéro nghĩ rằng Mâu Tử đã viết trong chương 21 của
Lý Hoặc Luận về giấc mộng Minh Ðế sau khi đã chịu ảnh hưởng bài tựa kinh
Tứ Thập Nhị Chương. Nhưng ông Paul Pellot thì cho rằng không có gì chắc
bài tựa kia đã được viết trước Mâu Tử; vào cuối thế kỷ thứ năm mới có
tài liệu chứng thực về sự có mặt của bài tựa này. Tuy Hóa Hồ Kinh, viết
về cuối thế kỷ thứ tư cũng có ghi câu chuyện giấc mộng, nhưng Hóa Hồ
Kinh cũng có thể lấy tài liệu từ Lý Hoặc Luận chứ không phải từa bài tựa
kia, ông Pelliot nói vậy. Theo chúng tôi, có lẽ ông Maspéro nói đúng.
Chắc hẳn bài tựa kia đã do một người tỵ nạn Lạc Dương viết tại Giao Chỉ
để tạo uy tín cho Lạc Dương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nếu không phát xuất
từ Lạc Dương hẳn phát xuát từ Bành Thành hoặc từ Luy Lâu. Nhưng như ta
biết trung tâm Luy Lâu là bàn đạp để Phật Giáo truyền vào đất Hán; cuốn
kinh đầu tiên tuyển dịch lời Phật dạy hẳn đã phát xuất từ trung tâm Luy
Lâu vào thượng bán thế kỷ thứ hai và được đưa vào miền Giang Tả vào
khoảng giữa thế kỷ này.
HỌC THUẬT GIAO CHỈ
Nước Nam Việt của Nhà Triệu bị nội thuộc nhà Hán bắt đầu năm
110 trước Công Nguyên. Trong thế kỷ đầu của thời Bắc thuộc này, Tích
Quang, thái thú quận Giao Chỉ, và Nhâm Diên, thái thú quận Cửu Chân, đã
lấy văn hóa nhà Hán truyền bá trong dân gian. Sinh hoạt kinh tế (nông
nghiệp), phong tục (cưới hỏi, sính lễ...) và văn học (chữ Hán) Hán trở
thành quan trọng. Trong thế kỷ này và trong thế kỷ kế tiếp, không biết
trong dân chúng có nhiều người học chữ Hán và đọc sách Hán không, nhưng
ít nhất những người tham dự vào guồng máy cai trị cũng đã phải học theo
Hán học. Người cai trị cấp huyện, như thân phụ của Trưng Trắc và Trưng
Nhị có lẽ phần nhiều làm lạc tướng. Thân phụ của Trưng Trắc và thân phụ
của Thi Sách đều là lạc tướng, thuộc giai cấp lãnh đạo của Lạc Việt ngày
xưa, khi mà Lạc Vương[2] cầm đầu quốc gia, Lạc Hầu tay chân của Lạc
vương coi sóc đất nước và Lạc Tướng cai trị quận huyện. Thi Sách và chị
em bà Trưng có lẽ cũng đã thấm nhuần ít nhiều Hán học. Ngoài ra còn có
những người thông dịch và thư lại mà thời nội thuộc nào cũng có. Chính
vì Hán học đã được sử dụng trong thế kỷ này mà những người theo Phật có
biết Phạn ngữ cũng phải học Hán để ghi chép những điều vè đạo Phật bằng
thứ tiếng mà chính quyền bảo hộ và guồng máy cai trị đang dùng. Nếu văn
tự bán nhà bán đất hay kiện cáo được viết bằng Hán tự thì bài tam gquy
hay những đoạn kinh Phật thường được các vị sa môn dạy cho tín đồ cũng
phải được phiên dịch và lưu hành bằng Hán tự.
Ðến cuối thế kỷ thứ hai, Lý Tiến lên làm thứ sử. Ðây là người
Giao Chỉ đầu tiên được đưa lên chức vụ này. Năm 200, hai người Giao Chỉ
khác, một được bổ làm lệnh huyện Hạ Dương, một làm lệnh huyện Hạ Hợp, cả
hai nhiệm sở đều ở Hán. Sau đó, một người Giao Chỉ tên Trương Trọng
được làm thái thú Kim Thành, một người khác tên Lý Cầm làm quan bên
triều đinh Hán đến chức tư lệ hiệu úy (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư). Hán học
tại Giao Châu thịnh hành rực rỡ vào cuối thế kỷ thứ hai, điều này khiên
cho người ta nghĩ rằng thái thú Sĩ Nhiếp có công lớn trong việc mở mang
học vấn tại Giao Châu, và gọi ông là “Nam Giao Học Tổ”. Cố nhiên Sĩ
Nhiếp có công lớn trong việc học vấn tại Giao Châu, nhưng không thể vì
vậy mà người ta có thể nói Hán học bắt đầu từ thời Sĩ Nhiếp. Có lẽ người
ta nghĩ rằng khi có người ra làm quan thì khi ây mới thực sự có Hán
học. Nhưng trước khi Lý tiến làm thứ sử, chính quyền bảo hộ đã thực hành
một chính sách kỳ thị không cho người Giao Chỉ lên nắm những chức vụ
quan trọng. Chính Lý Tiến đã dâng sớ về vua Hán Ðế năm 200 để kêu ca
việc bất công ấy, và Lý Cầm, lúc này đang làm túc vệ ở triều Hán đã cùng
với năm người đồng hương ra nằm phục trước điện vua Hán để phụ lực ủng
hộ cho lời sớ của Lý Tiến (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư). Như vậy Hán học,
bắt cắm rễ tại Giao Châu từ Tích Quang và Nhâm Diên trong thế kỷ thứ hai
và đến cuối thế kỷ này thì trở nên rực rỡ. Vài trò của chữ Hán trong sự
truyền đạt tư tưởng và văn hóa Phật giáo suốt thế kỷ thứ hai tại Giao
Châu hẳn là quan trọng. Có như thế thì thời Mâu Tử tại Giao Chỉ mới có
số lượng kinh Phật lưu hành mà Lý Hoặc Luận ghi chép là “quá nhiều”.
Những Kinh Ðiển Ðược Phiên Dịch Ðầu Tiên Ðều Nhằm Ðối Tượng
Người Xuất Gia.
Những kinh điển đầu tiên được phiên dịch hay tuyển dịch tại
Giao Chỉ như kinh Tứ Thập Nhị Chương đã nhắm tới đối tượng người xuất
gia hơn là người tại gia. Chúng ta đã biết tăng đoàn Giao Chỉ và thời
Mâu Tử đã có hơn 500 vị, trong khi ở Trung Quốc mãi đến thế kỷ thứ ba
mới có tăng đoàn. Giáo lý truyền dịch trong kinh Tứ Thập Nhị Chương,
phần lớn là để dành cho giới tăng sĩ. Ðoạn đầu kinh dịch nghĩa thế nào
là Sa Môn:
“Từ bỏ người thân, đi xuất gia, biết được tâm mình, về được
gốc mình gọi là sa môn. Người sa môn giữ giới luật thanh tịnh, thực hành
bốn đạo hạnh chân chính thì đắc quả A La Hán..
Ðoạn kế tiếp:
“Người sa môn xuất gia với mục đích đoạn dục khử ái, tìm về
nguồn gốc tự tâm, đạt chân lý sâu xa của Phật, giác ngộ được vô
vi”...[3]
Ðoạn khác:
“Người sa môn cạo bỏ râu tóc nhận lấy đạo pháp thì phải từ bỏ
tài sản trong đời, chỉ khất thực đủ sống, mỗi ngày một bữa ăn, ngũ mỗi
đêm dưới một gốc cây... Ðiều là cho người ta ngu si và tệ lậu là ái
dục...”
Những đoạn kinh khác dăn doc cách thức tu tập, giữ tâm, trì
giới, xa nữ sắc... đều nhắm tới người xuất gia. Kinh Tứ Thập Nhị Chương,
tóm lại, không phải đã được tuyển dịch để nhắm vào quần chúng Phật tử
cư sĩ trong dân gian mà chính là nhắm tới hàng xuất gia, điều này thấy
rõ khi ta xét đến nội dung của kinh. Ðể cho giới cư sĩ, những kinh Bản
Sinh và Bản Sự nói về các đời trước của Phật hẳn là thích dụng hơn.
Những kinh này nhấn mạnh về giáo lý nhân quả nghiệp báo. Sách Lý Hoặc
Luận cho ta biết những chuyện tiền thân (như chuyện thái tử Tu Ðại Noa
bố thí cả vợ con) đã phổ thông trong dân gian hồi ấy, và cũng chứng tỏ
rằng ít ra vào thời ấy kinh Vesantara-Jataka cũng đã được phiên dịch và
lưu hành trong dân gian.
Sự hành đạo trong thế kỷ thứ hai cũng đã gặp những trở lực gây
ra do những người bài báng đạo Phật, có lẽ là những người bênh vực văn
hóa Khổng Lão. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói nhiều về thái độ cần có để
đối xử với những bài báng và mạ lỵ kia:
“Người ác nghe ta hành thiện muốn tới nhiễu loạn ta: hãy giữ
tâm bình thản không giận dữ trách móc...”
Và:
“Hành đạo cũng khó khăn như một người địch lại vạn người, phải
kiên trì, vô úy...”
Và:
“Người ác hại người hiền cũng như ngửa mặt lên trời nhổ nước
bọt; nước bọt không tới trời mà rơi xuống mặt mình...”
NHỮNG QUAN NIỆM CĂN BẢN VỀ GIÁO LÝ
Quan Niệm Về Phật - Ðối với người xuất gia, Phật là người giác
ngộ và dạy đạo giác ngộ và dạy đạo giác ngộ. Nhưng đối với người trí
thức theo Khổng hay theo Lão, thì Phật được trình bày như nguyên tổ của
đạo và đức. Ta hãy đọc đoạn sau đây của Lý Hoặc Luận để thấy quan niệm
tín ngưỡng bình dân về Phật phối hợp với quan niệm về Phật của Phật tử
trí thức (những người như Mâu Tử) trình bày trong một ngôn ngữ có thể
đối thoại được với người theo Khổng Lão:
“Phật là nguyên Tổ của Ðạo và Ðức, nguồn gốc của thần minh.
Phật nghĩa là Thức Tỉnh (Giác). Ngài có thể biến hóa không cùng, phân
thân tán thể, khi có đó, không đó, khi lớn khi nhỏ, khi vuông khi tròn,
khi già khi trẻ, khi ẩn khi hiện, lửa không đốt được, trong bùn không
nhiễm, giữa họa mà không bị tai ương, khi đi có thể bay, khi ngồi hào
quang sáng chói. Ðó gọi là Phật” (Lý Hoặc Luận).
Ðoạn văn trên của Lý Hoặc Luận cho ta thấy luôn cả tín ngưỡng
bình dân về Phật, có lẽ đã được tiếp nối từ thế kỷ thứ nhất
Quan Niệm Về Pháp - Trong thế kỷ này, chữ Ðạo được dùng để
dịch chữ paps (sau này trở thành đạo pháp). Chữ pháp trong nghĩa Phật
Pháp Tăng có lẽ cũng được dùng, nhưng trong giới trí thức có khuynh
hướng Khổng Lão, chữ đạo rất được thích dụng. Mâu Tử nói về Ðạo như sau:
“Ðạo là dẫn dắt (lãnh đạo). Ðạo dẫn dắt người tới vô vi (vô vi
đây tức là niết bàn, dịch từ chữ Nirvana chứ không phải từ chữ
asamkrta). Ðạo có thể vì kéo mà đi tới, đẩy mà đi lui, nâng mà lên cao,
đè mà xuống thấp: nhìn nó thì nó vô hình, nghe nó thì nó vô thanh, bốn
bên không có giới hạn, tràn ra ngoài tứ phía, nhỏ như hào ly nhưng trong
đó không gian lại mênh mông”.
Ta liên tưởng đến định nghĩa về Ðạo trong Ðạo Ðức Kinh của Lão
Tử. Nhưng đây chỉ là ngữ phong của Mâu Tử nhằm tới người theo Lão
Khổng. Ðối với quân chúng Phật tử, Ðạo vẫn là phép Phật, là phép Tam
Quy, Ngũ Giới, Bố Thì và cúng Dường. Ðối với giới tăng đồ, Ðạo là lời
Phật dạy về vô thường, vô ngã, giới luật, cách giữ tâm, gìn ý và tu
chứng niết bàn (vô vi). Tứ Thập Nhị Chương đầy những lời dặn dò về cách
hành đạo. Câu chuyện về dây đàn mà Phật đem ra nói vói chư tăng là một
ví dụ: dây đàn chùng quá thì âm không tới, căng quá thì đứt và âm bay,
người tu hành phải giữ mức tinh tấn trung bình.
Quan Niệm Về Tăng - Quan niệm về Tăng rất rõ ràng: 250 giới
luật, cạo đầu, mặc áo vàng, xả bỏ tài sản, đi khất thực và hóa đạo, nhắm
tới sự chứng nhập vô vi: đó là hình ảnh của người xuất gia. Không có
dấu hiệu gì chứng tỏ có sự có mặt của ni giới hồi đó.
Quan Niệm Niết bàn - Niết bàn (nirvara) được dịch alf vô vi,
mục đích của người Phật tử xuất gia. Nhưng tuy sử dụng danh từ vô vi,
Phật luôn luôn nói rằng vô vi của Phật không phải vô vi của Lão. Một
người hỏi Mâu Tử tại sao cần phân biệt như vậy. Mâu Tử đáp:
“Nếu ta chỉ gọi chung các thứ cỏ là cỏ, thì ta đâu thấy các
loại cỏ khác nhau. Nếu ta chỉ gọi chung các kim loại là kim loại, thì ta
thấy các kim loại khác nhau. Sự vật có thể đồng loại nhưng dị tính”.
Quan Niện Về Luân Hồi Nghiệp Báo - Luân hồi và Nghiệp báo là
những tín ngưỡng đã được chấp nhận trong dân gian từ thế kỷ trước. Dân
chúng Giao Chỉ sau khi hai bà Trưng chết, vào giữa thế kỷ thứ nhất, đã
làm đền thờ Hai bà. Quan niệm linh hồn tồn tại sau khi chết và thác sinh
vào một hình thái khác tùy theo nghiệp báo đã ăn sâu vào tín ngưỡng
bình dân. Nhưng đối với giới Nho gia, những người thường lấy câu “vị
năng sự sinh yên năng sự tử” (chưa biết đối phó với vấn đề sống làm sao
biết đối phó vấn đề chết) và với sự hoài nghi về việc tái sinh tiếp tục
của con người để đã kích đạo Phật, Mâu Tử đã trả lời:
“Hồn thần của con người không tiêu diệt khi chết, chỉ có xác
thân là mục nát thôi. Thân xác cũng ví như rễ và lá ngũ cốc, hồn thần ví
như hạt giống của loại ngũ cốc. Rễ và lá có sinh tất có tử, nhưng không
phải vài rễ lá hoại mà giống ngũ cốc không còn” (Lý Hoặc Luận)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng nói:
“Những nhơ uế của ác tâm đã rữa sạch thì mới biết được hồn
linh từ đâu tới và sẽ đi về phía sinh tử nào”.
Quan Niệm Về Vô Ngã - Mâu Tử không có những câu trả lời về sự
công kích lý thuyết vô ngã. Có lẽ ít người nghĩ đến vô ngã là một viên
đá nền tảng của triết học Phật Giáo. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dành cho
tăng sĩ nói về vô ngã như sau:
“Phật nói: nên suy ngẫm đến tứ đại trong thân thể (tứ đại là
địa, thủy, hỏa, phong). Mỗi đại đều có tên gọi, nhưng trong {hợp thể] ấy
tìm không ra ngã (đó vì vô ngô). Ngã là một quan niệm sinh ra dựa trên
bốn đại, không trường cửu; nó như huyễn”.
Ta thấy trong cổ bản này, danh từ vô ngô đã được dùng để dịch
anātma. Rải rác trong các kinh luận thời Hán ta cũng thấy chữ “phi thân”
dùng cho vô ngã. Có lẽ quan niệm vô ngã không được phổ thông lắm, bởi
lẽ quan niệm này không được phổ cập nhiều trong nhân gian vì rất có thể
bị xem như mâu thuẩn với quan niệm hồn linh bất tử đang làm căn bản cho
tín ngưỡng nghiệp báo luân hồi
Từ Bi, Bố Thí và Tĩnh Dục - Kinh Tứ Thập Nhị Chương và sách Lý
Hoặc Luận nói nhiều tới bố thí, nhưng chỉ có kinh Tứ Thập Nhị Chương
nói nhiều về vấn đề diệt dục. Ðiều này cũng dễ hiểu bởi kinh Tứ Thập Nhị
Chương được xem là cuốn sách chỉ nam của người xuất gia. Danh từ “đại
nhân từ” trong Tứ Thập Nhị Chương được dùng thay co danh từ đại từ bi.
Thiền- Kinh Tứ Thập Nhị Chương có dùng danh từ “thiền định”
một lần, trong lời mở đầu (trú tại thiền định, hàng chư ma đạo), và
trong một chương, có nói đến sự quán niệm về vô thường (quán thế giới
niệm vô thường, quán thiên địa niệm vô thường). Ðây cũng là một hình
thức thiền định, gọi là vô thường quán.
Tinh Thần Hòa Ðồng Tôn Giáo
Một điểm nổi bật của Phật Giáo Việt Nam trong đệ nhị thế kỷ
là tinh thần hòa đồng tôn giáo.
Ðạo Phật thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng dân gian ở Giao Chỉ
một cách tự nhiên như nước thấm lòng đất, không gặp pahrn ứng và trở
ngại, bởi lẽ những tín ngưỡng nhân gian không chống lại những tín
ngưỡng cơ bản của đạo Phật. Nhưng đối với dân trí thức lãnh đạo Giao Chỉ
đã thâm nhiễm văn hóa Hán tộc, nhất là đối với giới trí thức người Hán
tỵ nạn chiến tranh, trong đó có những nhà trí thức bậc lớn như Mâu Tử
gọi là”di nhân Bắc phương”, thì đạo Phật phải làm nỗ lực để thắng vượt.
Phương pháp của đạo Phật không phải là chống đối, mà là hòa đồng. Ðặc
điểm này thấy rất rõ trong lịch sử phát triển của đạo Phật khắp trên thế
giới. Ðiều này một phần do tinh thần cởi mở không giáo điều của đạo
Phật, một phần do Phật tử chịu học hiểu về các ý thức hệ mà họ muốn đối
thoại. Kết quả của phương pháp hòa đồng là không những Phật Giáo đã sử
dụng được kho tàng từ ngữ của cả Khổng lẫn Lão để phiên dịch kinh điển
và truyền đạt tư tưởng mà còn khiến cho nhiều người theo Khổng Lão thấy
được chiều sâu và giá trị của đạo Phật một cách dễ dàng, Mâu Tử trong Lý
Hoặc Luận đã áp dụng phương pháp này một cách triệt để, và nhờ quán
xuyến được giáo lý Khổng Lão mà ông đã giải thích rành rẽ về đạo Phật
cho những người theo hai giáo này.
Mâu Tử nói rằng giáo lý của Khổng Lão bắt nguồn từ tuệ giác
của Khổng Lão và có giá trị về đạo và đức của chúng; giáo lý đạo Phật
bắt nguồn từ tuệ giác của Phật và cũng có giá trị về đạo và đức của đạo
Phật. Vậy đạo Phật và các đạo Khổng, Lãi không chống đối nhau. Trả lời
câu hỏi tại sao học Phật rồi còn cần phải học kinh truyện nữa, Mâu Tử
trả lời: “Khi người ta khát, người ta không đợi phải gặp sông Dương Tử
hay sông Hoàng Hà, mới uống. Gặp giếng hay gặp suối người ta cũng có thể
uống đủ để hết khát rồi”: Ý ní giáo lý Khổng Lão cũng đủ tuệ giác để
hướng dẫn người.
Có người hỏi nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu
Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không
theo đạo Phật. Mâu Tử trả lời là không phải cuốn kinh nào hay cũng là
do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng là
do Biển Thước chế ra. “Chu Công xem Lão Ðam như bậc thầy, những điều này
có được chép trong bảy kinh đâu?”
Mâu Tử dùng văn học Khổng Lão để giải thích đạo Phật một cách
hùng biện quá khiến cho có người nghi: “Lời của ông giải thích đạo Phật
sáng sủa đẹp đẽ, tôi nghi đó là do sự khéo léo của ông chứ không phải là
do đạo Phật hay”. Mâu Tử trả lời: “Thì có bao nhiêu kinh sách của Phật
đó. Ngày xưa chưa hiểu Phật tôi còn kích bác nhiều hơn ông nữa... Ngũ
Kinh đối với tôi ngày xưa chỉ là hoa mà chưa phải là trái...”
Cuối cùng khi người ta trách ông sao không dùng ngay từ ngữ
Phật Giáo mà giảng đạo lại dùng từ ngữ Khổng Lão, ông nói: “Tại vì ông
đã biết về kinh truyện, nên tôi dùng sự việc trong kinh truyện để làm
cho ông dễ hiểu”. Và ông kể chuyện Công Minh Nghị: “Công Minh Nghị đàn
điệu “thanh Giốc” cho con bò cái nghe, con bò cứ cuối xuống gặm cỏ như
trước. Không phải là do con bò điếc, mà vì cái điệu nhạc kia chẳng nghĩa
lý gì qua lỗ tai con bò: nó tưởng điệu nhạc là tiếng muỗi hay tiếng
nhặng gì đó. Nhưng nếu mà con bò con kêu lên một tiếng thì lập tức bò
cái quẫy đuôi, nganhr cổ và nghe ngóng...”
PHÁ MẶC CẢM TỰ TÔN VỀ “TRUNG QUỐC”
Tinh thần oeucuménique của Mâu Tử cũng nhắm tới mục đích phá
mặc cảm tự tôn về Trung Quốc, cho rằng nước Tàu là trung tâm của trời
đất, xung quanh chỉ là biên địa, mọi rợ, di dịch. Người kích bác đạo
Phật đã viện dẫn Khổng Tử và Mạnh Tử: “Khổng Tử nói: “Các giống di địch ở
miền Ðông và miền Bắc dù thời thái bình có vua cũng không bì được với
nước ta trong thời loạn không vua”. Mạnh Tử chê Trần Tương đi học theo
phép Hứa Hành và nói: “Ta từng nghe dùng học thuyết nước lớn để giáo hóa
di địch, chưa từng nghe dùng lấy học thuyết di địch đẻ giáo hóa nước
lớn bao giờ”. Hồi hai mươi tuổi, ngài đã học Nghiêu, Thuấn, Chu Công và
Khổng Tử, tại sao bây giờ lại bỏ đi để học những thứ di địch miền Ðông
và miền Bắc”.
Sau khi giải thích rằng người kia không thực sự hiểu câu nói
của Khổng và Mạnh, Mâu Tử nêu ra chứng cớ những bậc vi nhân như Ngu, có
nhiều người xuất thân từ các miền di địch, và nói: Không chắc là đát Hán
nằm giữa. Tôi kính trọng đạo Phật và tôi học Phật, không phải vì vậy mà
tôi bỏ Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng. Vàng ngọc không gây tỳ vết cho nhau,
bích ngọc và mã não để chung không sao cả. Khi ông cho người khác lầm
lạc, có nghĩa chính ông đã lầm lạc không?”. Ở một nơi khác, Mâu Tử còn
nói: “Ấn Ðộ mưói thật là nằm giữa trời đất, và địa vị trung hòa, vì vậy
Phật đã ra đời nơi đó”. Nguyên tắc pháp môn của Mâu Tử được tóm tắt như
sau: “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người tới
chốn”.
LÃO TỬ THÀNH PHẬT Ở ÐẤT HỒ
Phật Giáo tuy gặp trở lực ở Giao Chỉ nhưng những trở lực ấy so
với những trở lực gặp ở đất Hán thì vẫn nhẹ hơn nhiều. Lý do căn bản là
ở Giao Chỉ, Phật Giáo đã chinh phục giới quần chúng bình dị trước.
Trong khi đó tại đất Hán, Phật Giáo phải đương đầu trước hết với giới
trí thức Khổng Lão.
Vào thời đại Ðông Hán, Lão Giáo chưa có nhiều sắc thái tâm
linh triết học mà chỉ thịnh hành như một tôn giáo thần tiên bất tử. Một
số người thờ phụng Hoàng Lão thấy Phật có vai vế ở Giao Châu và thấy một
số trí thức nhà Hán hâm mộ, bèn dựng ra một thuyết gọi là thuyết Hóa
Hồ. Tức là giáo hóa người Hồ; theo thuyết này, Lão Tử sau khi biệt tăm
tại miền Tây đã đi qua đất Hồ (Ấn Ðộ). Nơi đây ngài đã giáo hóa chinh
phục người Hồ và sau dó trở thành Phật Thích Ca. Phật Thích Ca do đó
cũng là Lão Tử, và vì vậy theo Phật cũng như theo Lão. Nhờ cánh cửa này
mà đạo Phật đi sâu vào nội địa nhà Hán, và ta nghe câu chuyện Hán Hoàn
Ðế thờ Phật và Hoàng Lão chung trên một bàn thờ. Thuyết Hóa Hồ được phát
sinh ở miền hạ lưu sông Dương Tử, nơi đây Sở Vương Anh đã tin theo cả
Phật Giáo và Lão Giáo. Hóa Hồ Kinh tục truyền do Vương Phù chế tác trong
thời đại tây Tấn (265-316). Không phải Vương phù snags chế thuyết Hóa
Hồ; ông chỉ thu lượm thần thoại liên hệ đế Lão Tử mà ghi chép ra thôi.
Ở Giao Chỉ, sự truyền bá đạo Phật đã không cần nhờ vào thuyết
Hóa Hồ, bởi quần chúng không phải là những người theo đạo Lão và không
có mặc cảm tự tôn về văn hóa. Ðối với trí thức ay mê Hoàng Lão, phương
pháp hòa đồng và diẽn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ Khổng Lão cũng đủ để
đưa tới thành công.
[1] Mâu có thể là lấy từ Mâu Ni, cũng như Thích là lấy từ
Thích Ca, và Mâu Tử có thể là một cái tên có nghĩa tương đương với Thích
Tử, Ðiều Ngự Tử hay Phật Tử.
[2] Danh từ Hùng Vương có lẽ đã được viết lầm danh từ Lạc
Vương, chữ Lạc và chữ Hùng viết hơi giống nhau.
[3] Vô vi ở đây có nghĩa là niết bàn.