Lịch sử phật giáo Việt Nam
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - tập I
Nguyễn Lang
29/10/2554 06:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương XI: Tuệ Trung Thượng Sĩ

DIỆN MỤC TUỆ TRUNG 

Sách Hoàng Việt Văn Tuyển nói Tuệ Trung thượng sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Ðạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung thượng sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương, nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là Trần Hưng Ðạo, và tên ông là Trần Quốc Tung[1] . Trần Nhân Tông, người khảo đính sách Tuệ Trung thượng sĩ Ngữ Lục, trong bài Thượng Sĩ Hành Trạng in ở cuối sách  [2]có nói rõ “Tuệ Trung thượng sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Ðại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương”.

Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương là tước hiệu Trần Thái Tông ban cho anh ruột là Yên Sinh Vương Trần Liễu khi ông này mất. Ðó là vào cuối năm 1251, cũng vào năm ấy Tuệ Trung thượng sĩ được 21 tuổi, và được phong tước Hưng Ninh Vương, Hoàng thái hậu Thiên Thánh Thiên Cảm là con thứ năm của Yên Sinh Vương Trần Liễu, tên là Thiều, là vợ của vua Trần Thánh Tông. Trần Hưng Ðạo có một người con gái là Trần Quốc Tảng, nhưng tước hiệu là Hưng Nhượng Vương, chứ không phải là Hưng Ninh Vương. Theo Trần Nhân Tông, Tuệ Trung là một con người có khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Từ lúc nhỏ, ông đã tỏ ra có bẩm chất cao sáng, thuần hậu, và yêu mến đạo Phật. Lớn lên, Tuệ Trung được cử trấn đất Hồng Lộ, tức là Hải Dương bây giờ. Ông có công hai lần trong việc ngăn giặc Bắc xâm lăng. Sau được thăng chuyển giữ chức tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình. Sau ông lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Lại, làng Yên Quảng) và đổi tên là Vạn Niên, tự hiệu là Tuệ Trung. Tại thực ấp của ông, ông có dựng lên Dưỡng Chân Trang làm nơi tọa thiền và tu niệm.

Là anh vợ của vua Trần Nhân Tông, ông cũng là người bạn thân thiết của vua. Vua Thánh Tông ksy thắc con là Trần Nhân Tông cho ông dạy dỗ. Ông được Thánh Tông xưng là sư huynh. Tháng hai năm 1278 hoàng hậu Thiên Cảm qua đời, vua Thánh Tông cúng chay ở trong cung, bảo con là Nhân Tông đi mời Tuệ Trung đến dự. Có mặt trong lễ khai đường là nhiều vị tôn túc, trưởng lão của thiền môn. Thánh Tông thỉnh mỗi vị làm một bài kệ ngắn để tỏ bày kiến giải về Phật pháp của mình. Trong lúc tư tưởng các vị còn như “nước đọng vũng bùn” chưa được khai thông thì vua mang giấy bút tới trước mặt Tuệ Trung. Ông viết liền bài kệ sau đây:

Viết kệ trình kiến giải

Như dụi mắt thấy quái

Dụi mắt thấy quái xong

Lại rỡ ràng tự tại.

Vua Thánh Tông đọc xong phê tiếp như sau:

Rỡ ràng và tự tại

Cũng một thứ thấy quái

Thấy quái mà không quái

Thìa quái ấy tự hoại

Tuệ Trung đọc, rất bằng lòng. Thánh Tông rất khâm phục đạo học của Tuệ Trung, chính vua là người đầu tiên gọi ông là Thượng Sĩ [3]. Thượng Sĩ cũng có nghĩa tương đương với bồ tát. Hồi em gái Tuệ Trung hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?” Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật. Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Vưn Thù, giải thoát là giải thoát “đó sao?” Vua Nhân Tông hồi đó cũng có mặt trong bữa tiệc, và vua không quên câu chuyện này, định một ngtày kia sẽ hỏi Tuệ Trung cho ra lẽ. Năm vua 29 tuổi, mẹ mất. Vua Thánh Tông đang bối rối về cái chết của Hoàng hậu lại còn bận tâm đối phó với một cuộc xâm lăng của quân Nguyên do Áo Lỗ Xích Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, mới sai Nhân Tông đi đón Tuệ Trung, trước khi lên đường về cung, Tuệ Trung trao cho Nhân Tông, lúc ấy đã lên ngôi gần 9 năm, hai bộ ngữ lục Tuyết Ðậu và Dã Hiên, để đem về cung học tập những lúc rỗi rảnh. Vua nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hòa lẫn thế tục” của Tuệ Trung, liền làm bộ ngây thơ hỏi một cách gián tiếp:

“Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rựu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?”

Tuệ Trung đã trả lời như sau về vấn đề tội báo:

“Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy.”

Rồi ông đọc hai bài kệ sau đây cho vua nghe:

Vạn pháp vô thường cả

Tâm ngờ tội liền sinh

Xưa nay không một vật:

Chẳng hạt, chẳng mầm xanh.
 
 

Hàng ngày, khi đối cảnh 

Cảnh đều do tâm sinh

Tâm, cảnh đều không tịch

Khắp chốn tự viên thành [4].
 
 

Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng ông đã hiểu lời dạy về tội phúc. Nhưng Tuệ Trung biết là Nhân Tông còn thắc mắc. Ông đọc tiếp bài kệ sau đây:
 
 

Có loài thì ăn cỏ

Có loài thì ăn thịt

Xuân về thảo mộc sinh

Tìm đâu thấy tội phúc? (60)
 
 

Nhân Tông liền hỏi câu hỏi ông đã dành sẳn trong tâm tư lâu nay: “Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?” Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Tuệ Trung đọc hai bài kệ sau đây:
 
 

Trì giới và nhẫn nhục

Thêm tội chẳng được phúc

Muốn siêu việt tội phúc

Ðừng trì giới, nhẫn nhục.
 
 

Như người khi leo cây

Ðương yên tự chuốc nguy

Nếu đừng leo cây nữa

Trăng gió làm được gì?  [5]
 
 

Và dặn kỹ Nhân Tông “đừng bảo cho người không ra gì biết”. Ta nên nhớ rằng lúc bấy giờ Tuệ Trung đã 57 tuổi, và tư tưởng thiền của ông đã đến giai đoạn chín chắn siêu việt. Ông mất năm 62 tuổi, vào năm 1291.

Vua Nhân Tông một hôm hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền, Tuệ Trung nói:

“Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”.

Lời nói ấy khiến Nhân Tông thấy được ánh sáng của thiền đạo. Ngày thị tịch, Tuệ Trung không nằm trong phòng riêng mà cho kê giường nằm ở Dưỡng Chân Trang, giữa thiền đường lớn. Ông nằm xuối theo kiểu cát tường, mắt nhắm. Những người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên Ông mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?” Nói xong thì tịch một cách êm ái. Ðó là vào ngày mồng một tháng tư năm Tân mão (1291).
 
 

HÒA QUANG ÐỒNG TRẦN 

Vua Nhân Tông viết: “ Thượng sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc thượng sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường phiền ngịch. Do đó, ngài có thể làm tiếp nối được hạt giống chánh pháp, dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với ngài cũng được ngài chỉ dẫn sơ lược cho thấy phần cương yếu của đạo pháp khiến tâm họ có chỗ nương tựa. Thượng sĩ không bì ràng buộc bởi hình thức; khi thì ẩn tàng, khi thì lộ diện, ngài không chấp vào hình thức và danh từ”.

Hòa quan đồng trần là danh từ của Lão Giáo mà giới Phật tử đã dùng để diễn tả thái độ dấn thân và hòa mình của các vị bồ tát trong cuộc đời để phụng sự. Ðối với một nhân cách như Tuệ Trung, những hình thức xuất gia và tại gia đã trở thành không quan trọng. Dù không được Tuệ Trung trao truyền y bát. Nhân Tông cũng nhận Tuệ Trung là bậc thầy đã khai sáng cho tâm linh mình. Dù không phải là một vị xuất gia, Tuệ Trung vẫn được gọi là “thầy” (sư) một cách cung kính trong sách Thượng Sĩ Ngữ Lục [6]

Ðọc những đoạn đối thoại giữa Tuệ Trung vàhoàng hậu Thiên Cảm với vua Nhân Tông về chuyện ăn chay, thành Phật và quả báo, ta thấy được ngay là những bề ngoài hình thức không còn quan trọng với ông nữa.

Nhưng Tuệ Trung không phải là vị “Thiền sư tại gia” đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Tuệ Trung là đệ tử của thiền sư Tiêu Diêu, mà thiền sư Tiêu Diêu lại là học trò đắc pháp với một vị thiền sư cư sĩ khác rất nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long, đó là Ứng Thuận, ta thấy còn có quốc sư Nhất Tông, thiền sư Giới Ninh và thiền sư Giới Viên, mà uy thế tâm linh cũng ngang hàng với thiền sư Tiêu Diêu vậy.

Truyền thống hòa quang đồng trần có lẽ có thể tìm thấy từ thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ, người làm gạch nối giữa Phật Giáo ba-tông-phái đời Lý và Phật Giáo một-tông-phái đời Trần. Thường Chiếu đã truyền dạy cho các đệ tử mình nguyên tắc “tùy tục” nghĩa là làm giống như cuộc đời. Hồi Thường Chiếu sắp viên tịch, ông đã giảng dạy cho Thần nghi về nguyên tắc này. Thần Nghi là đệ tử lớn của Thường Chiếu và là người có sở đắc tâm linh sâu sắc nhất trong số các đệ tử của Thường Chiếu. Ông tu phạm hạnh, giữ giới luật nghiêm minh. Nhưng không cạo đầu mà lại để tóc dài.

Nhân cách của Tuệ Trung ta có thể nhận ra được phần nào trong thái độ của ông đối với cuộc đời, và trong những lời nói và những câu thơ ghi lại trong sách Thượng Sĩ Ngữ lục. Thiền sư Pháp Loa (1284 -1330) đã viết một bài kệ ngắn có tên sau đây có thể là nói lên được tính chất của con người Tuệ Trung:

Á!

Gang ròng nhồi lại

Sắt sống đúc thành

Thước trời, tất đất

Gió mát, trăng thanh

Ối!

(Trúc Thiên dịch)

(Á!

Thần cương đả tựu

Sinh thiết chú thành

Xích thiên thốn địa

Nguyệt bạch phong thanh

Ðốt!)

Một thiền sư khác tên Pháp Cổ, đồng thời với Pháp Loa, đã làm bài kệ sau đây để nói về đạo nghiệp của Tuệ Trung: 

Xưa quốc sư

Nay thượng sĩ

Một thể trượng phu mà hai vị

Dưới gió, Tỳ gia đứng thế cao

Một trái cà xưa nhà Bàng Uẩn

Khí giới tam huyền phá ngục tù

Trên mắt lông nheo ngừng tư tưởng

Mí mắt khép lấy núi Tu Di

Há miệng uống liền hết biển cả

Xâu ngọc ly dưới cằm Ninh Long

Liệng sợi tơ Sen trói mãnh hổ.

Pháp vương hay vương pháp, tùy cơ

Nắm tay cùng về quên bỉ thử

Khi nhân độc tấu đàn không giấy

Tình tang ca vũ rền thôn xóm

Tính tình tang

Tang tính tình

Ðâu cần theo giốc, chủy, cung, thương

Thầy ta nối khúc Ôn Như Cũ

Cách điệu phi thường hoa mỹ thêm

Tử Kỳ đi rồi, tri âm thiếu

Mênh mông trời nước cũ còn đâu

Người sau tiếp nối húc hư truyền

Bắt chước như xưa sai lạc hết
 
 

Cổ quốc sư

Kim thượng sĩ

Nhất cá trượng phu phân bỉ thử

Tỳ gia tác giả lập hạ phong

Ngốc lão Bàng Công thậm gia tử

Tam huyền qua giáp phá lao quan

Trát thượng mi mao hưu nghĩ nghĩ

Nhãn bì cái khước Tu Di lô

Khẫu lý hoành thôn đại hải thủy

Ninh Long hàm hạ xuyên ly châu

Phóng xuất ngũ ti phược Hổ nhi

Pháp vương vương pháp nhậm hoành hành

Ba thủ đồng đồ vong nhữ nhĩ

Ðẳng nhàn hí lộng một huyền cầm

Xã vũ thôn ca thả ra rị

Rị ra ra

Ra rị rị

Bất thuộc cung thương giốc vũ chủy

Ngô sư thanh Ôn Như điệu

Cách tương thù thường hựu tăng mỹ

Tứ kỳ dĩ hỹ tri âm hy

Kỷ cá dương dương tịa hồ nhĩ

Hậu nhân tiếp hưởng thừa kù hư

Nhận thức y tiền hoàn bất thị

Ý!)
 
 

Tùy tục hay không tùy tục, trộn lẫn với đời hay không trộn lẫn với đời, hành tung của Tuệ Trung chỉ có thể là hành tung của Tuệ Trung, chẳng ai có thể bắt chước mà trở nên Tuệ Trung được.
 
 

ÐẬP VỠ THÁI ÐỘ BÁM VÍU VÀO KHÁI NIỆM

Trong lúc giáo hóa môn đệ, Tuệ Trung đã sử dụng những đòn mãnh liệt nhằm giải phóng người đối thoại khỏi những ngục tù của khái niệm về giáo lý tìm thấy trong kinh điển và trong các lời dạy của các vị cổ đức. Phương pháp của Tuệ Trung thường làm cho người đối thoại cảm thấy hoàn toàn lạc hướng và do đó mà thoát ly khỏi ngục tù của khái niệm. Ðây ta thử nghe một vài đối thoại:

Một vị tăng hỏi: Thế nào là pháp thân trong sạch?

Tuệ Trung:

Ra vào đống phân ngựa

Nghiên tầm vũng nước trâu

Vị tăng; Làm sao mà chứng nhập được?

Tuệ Trung: Bỏ được những khái niệm về dơ bẩn thì tự khắc đó chính là pháp thân trong sạch. Hãy nghe bài kệ sau đây:

Dơ, sạch là tên suông

Xưa nay chưa hề có

Pháp thân không giới hạn

Có dơ sạch bao giờ?
 
 

(Bản lai vô cấu tịnh

Cấu tịnh tổng hư danh

Pháp thân vô quái ngại

Hà trọc phục hà thanh?)
 
 

Trong trường hợp trên người đối thoại đã bị ám ảnh bởi khái niệm “pháp thân thanh tịnh” (pháp thân trong sạch). Tuệ Trung đã dùng những hình ảnh phân ngựa và vũng nước trâu để giải độc và đưa người đối thoại đi tới pháp thân như một thực tại vượt mọi khái niệm trong đó có khái niệm thanh tịnh và khái niệm ô nhiễm.

Ai cũng biết trong kinh Bát Nhã, mệnh đề “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là mấu chốt. Vấn đề là thâm nhập thực tại vốn siêu việt các ý niệm sắc (hình chất) và không (trống rỗng) chứ không phải là giải thích được một công thức sắc = không. Người đối thoại của Tuệ Trung đã đi tìm một công thức hơn là đi tìm một thực sự chứng nhập. Ông ta hỏi:

- Trong kinh có câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, ý là thế nào?

Tuệ Trung không trả lời. Một lát sau, ông nhìn người kia, hỏi:

- Ông có hiểu không?

Người kia:

- Không hiểu.

Tuệ Trung:

- Ông có sắc thân (hình thể) không?

Người kia:

- Có

Tuệ trung:

- Vậy thì làm sao nói sắc là không?

Lại hỏi:

- Ông có thấy cái không (sự trống rỗng) có hình thể (sắc) không?

Người kia:

- Không thấy.

Tuệ Trung:

- Vậy thì sao nói không là sắc?

Người kia:

- Như vậy thì rốt cuộc như thế nào?

Tuệ Trung:

Sắc chẳng phải không

Không chẳng phải sắc.

Vị tăng lễ tạ.

Tuệ Trung gọi lại và đọc cho nghe bài kệ sau đây:
 

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”

Chư Phật ba đời tạm thời bày đặt

Không chẳng phải sắc, sắc chẳng phải không:

Thể tính sáng trong, không hề còn mất.
 
 

(Sắc tức thị không không tức thị sắc

Tam thế Như Lai phương tiện lực

Không bổn vô sắc sắc vô không:

Thể tính minh minh phi thất đắc).
 
 

và hét một tiếng

Tuệ Trung, trong cuộc đối thoại này, đã nói ngược lại điều trong kinh nói, nói ngược một điều mà ai cũng biết là cốt tủy của kinh giáo. Kinh nói: “sắc là không, không là sắc” thì Tuệ Trung nói “sắc chẳng phải không, không chẳng phải sắc”. Người đối thoại hoặc có thể cho ông lạc ra ngoại đạo, hoặc là kẻ vô cùng ngạo mạn, hoặc là một người điên. Ở đây, có lẽ uy tín tinh thần của Tuệ Trung lớn quá cho nên khi nghi Tuệ Trung lật ngược lời kinh, người đối thoại của ông chỉ biết cúi đầu vâng lời. Tuệ Trung biết là người kia chưa hiểu nên mới gọi lại đọc cho một bài kệ. Bài kệ đó có tác dụng giải thích mà không có tác dụng đập phá khơi mở như lời tuyên bố trước đó. Chính Trần Nhân Tông cũng đã nhận của Tuệ Trung một bài kệ thuộc loại đập phá khơi mở này, bài kệ có thể làm sửng sốt hết những người mới tập tễnh vào thiền đạo:
 
 

Trì giới và nhẫn nhục

Thêm tội chẳng được phước

Muốn siêu việt tội phúc

Ðứng trì giới nhẫn nhục.
 
 

(Trì giới kiêm nhẫn nhục

Chiêu tội bất chiêu phúc

Dục tri vô tội phúc

Phi trì giới nhẫn nhục).
 
 

Trong thiền giới có nhiều người bắt đầu bằng sự tham cứu về một khái niệm về thực tại, trong khi vấn đề là sống với chính thực tại. Có một vị sư hỏi Tuệ Trung:

- Thế nào là đạo?

Tuệ Trung:

- Ðạo không dính gì tới câu hỏi

Câu hỏi không dính gì tới đạo

Lại hỏi:

- Các vị đại đức ngày xưa nói “vô tâm tức là đạo”. Có phải vậy chăng?

Tuệ Trung:

- Vô tâm chẳng phải đạo

Vô tâm là vô đạo.

Lại nói:

- Nếu nói vô tâm là đạo thì tất cả mọi loài thảo mộc kia đều là đạo cả hay sao? Nếu nói vô tâm không phải là đạo thì cần gì nói tới chuyện là và không là làm gì?

Hãy nghe bài kệ sau đây:
 
 

Vô tâm là vô đạo

Ðạo không thể vô tâm

Tâm, đạo đều mất dấu

Biết đâu mà truy tầm?
 
 

(Bổn vô tâm vô đạo

Hữu đạo bất vô tâm

Tâm đạo nguyên hư tịch

Hà xứ cánh truy cầm?)
 
 

Vị tăng bỗng lãnh hội ý chỉ, làm lễ mà lui ra.

Khái niệm “đạo” sau câu nói của Tuệ Trung, biến thành khái niệm “vô tâm”, bởi vì người xưa thường nói “đạo là vô tâm”, có nghĩa rằng đạo không thể khái niệm. Chính Tuệ Trung đã muốn nói rằng những câu hỏi, những câu trả lời và những câu trả lời đều không dính líu tới đạo; đạo phải được thực chứng bằng thiền định, bằng nếp sống giới-định-tuệ. Nhưng người đối thoại đã bằng lòng đánh đổi một khái niệm (đạo) để lấy một khái niệm khác (vô tâm). Dĩ nhiên là Tuệ Trung phải đã phá triệt để, ông nói ngược lại điều mọi vị cổ đức nói: vô tâm không phải là đạo. Ông đã nói đúng, bởi vì vô tâm là một khái niệm thì nó không phải là vô tâm nữa, do đó không phải là đạo. Tuy nhiên, sau khi đưa ra lời tuyên bố kinh thiên động địa, Tuệ Trung đã ôn tồn giải thích bằng một bài kệ. Ông thật sự có lòng từ bi, và tuy ông dùng biện pháp mạnh, ít khi ông sử dụng đến chiếc gậy của phái Lâm Tế mà ông đã được tiếp nhận truyền thừa. Nhân Tông đã nhận xét đúng khi nói về khả năng dìu dắt người sơ cơ của Tuệ Trung vậy.
 
 

ÐẬP PHÁ QUAN NIỆM LƯỠNG NGUYÊN

Phương pháp của Tuệ Trung không phải chỉ là phá đổ khái niệm. Tuệ Trung còn mời người đối thoại đi thẳng vào thế giới thực chứng bằng cách tháo tung mọi bức tường phân biệt vây quanh: đó là những bức tường mê ngộ và phàm thánh. Ðây quả thực là phương pháp đốn ngộ của đại thừa: nó hiến dâng cho người có thượng căn thượng trí cơ hội giác ngộ đột ngột khỏi cần trải qua trung gian của hàng chục năm tham khảo.

Khi đặt ra vấn đề giải thoát, người ta đã dựng lên một ranh giới ngăn cách giữa triền phược và giải thoát, giữa mê và ngộ, giữa sinh tử và niết bàn, giữa phàm và thánh, và như thế, đã chấp nhận một quan niệm lưỡng nguyên về tình trạng thực tại. Nếu ta nhận thấy rằng ta đang ở bên phía của triền phược, của mê, của sinh tử, của phàm, thì tất nhiên ta có khuynh hướng từ bỏ vị trí của ta để tìm sang vị trí của giải thoát, của ngộ, của niết bàn, của thánh; và đối tượng tìm kiếm của ta tức khắc trở thành một vật đứng ngoài ta, do đó ta mới phải đi tìm:
 

Tuệ Trung nói rằng ranh giới phân biệt là nguồn gốc của mọi sự ràng buộc, mê lầm: nó là giây buộc ta trong sinh tử và khiến ta mãi mãi là kẻ phàm nhân. Tên gọi của sự phân biệt ấy là “nhị kiến”, tức là nhận thức lưỡng nguyên về thực tại ông nói:

Thân từ vô tướng, vốn là không

Huyễn hóa phân ra thành “nhị kiến”

Ta, người như móc cũng như sương

Phàm, thánh như sấm cũng như chớp..

(Lược)

Mày ngang mũi dọc đều như nhau

Phật cùng chúng sinh không ai khác

Ai là phàm chừ, ai là thánh?

Muôn kiêp sưu tầm mất căn tính

Không tâm không thị cũng không phi

Không kiến, chẳng tà cũng chẳng chính
 
 

(Thân tòng vô tướng bổn lai không

Huyễn hóa phân sai thành “nhị kiến”

Ngã nhân tự lộ diệc tự sương

Phàm thánh như lôi diệc như điện...

(lược)

Mi mao tiêm hoành tị khổng thùy

Phật dữ chúng sinh đô nhất diệnư

Thục thị phàm hề thục thị thánh

Quảng kiếp sưu tầm một căn tính

Phi tâm vô thị diệc vô phi

Vô kiến, phi tà giã phi chính...)
 
 

Nếu ta phân tích dòng tư tưởng của Tuệ Trung, ta sẽ thấy ông đi từ nguyên tắc vô tướng để đạt tới sự phá đổ quan niệm nhị kiến.Vô tướng ở đây là không có một hình thái quyết định, một bản chất độc lập, một đồng nhất tính có thể xác nhận được. Thân là một thể hợp của nhiều nhân duyên (điều kiện) và có liên hệ mật thiết tới những hiện tượng kia không có thì nó cũng không có. Vây vô tướng đây tức là vô ngã, “vốn là không” như Tuệ Trung nói. Vì tồn tại trên liên hệ nhân quả chằng chịt như thế nên khó có thể phân biệt được ranh giới giữa tự và tha, giữa phàm và thánh: tự, tha, phàm, thánh vốn hiện hữu trong ý niệm nhiều hơn nơi thực tại. Nếu không có khái niệm thì sẽ không có thị phui, không có chính tà.
 
 

Không tâm, không thì cũng không phi
Không kiến, chẳng tà cũng chẳng chính.
 
 

Chữ tâm và chữ kiến trong hai câu trên đều có nghĩa là nhận thức khái niệm và phân biệt sai lầm.

Long Thọ (Nagarjuna) ở Ấn Ðộ vào khoảng thế kỷ thứ hai đã phân tích và lý luận trên nguyên tắc nhân duyên sinh thực tại vượt ra ngoài những phạm trù sinh, diệt, thường, đoạn, đến, đi, nhất nguyên và đa nguyên (Trung Quán Luận). Ông kết luận rằng những phạm trù kia chỉ là những tạo tắc của khái niệm nhận thức - Ðem ra ngoài mà phân tích thì chúng không phù hợp với thực tại. Ví dụ về sinh và diệt: trên thực tế không có gì có thể từ không mà trở thành có, không có gì đang có mà trở thành không; bởi vì mọi hiện tượng tồn tại trên đà chuyển biến và trở thành. Cái trứng gà là sự tiếp tục của con gà, cái trứng gà không sinh. Nó đã tiềm tại trong con gà cho nên nó mới có thể hình thành từ con gà. Một cái bàn không thể sinh ra trứng. Bởi vì trứng không tiềm tàng trong cái bàn, nó không là sự tiếp nối trở thành của cái bàn. Ðã không thực sự có sinh thì không thực sự có diệt. Thế giới nhìn qua nhận thức sinh diệt là thế giới phân biệt “nhị kiến” mà không phải là thế giới thực tại trong đó vạn pháp tồn tại trong một tương quan hòa điệu vi mật mà không thể cắt xén bằng khái niệm. Thế giới bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, không tới, không đi, không nhất nguyên và không đa nguyên ấy là niết bàn, là giải thoát, là giác ngộ là cảnh giới của thánh trí. Người học đạo phải đặt thân và sự sống mình trong thế giới “nhị kiến” thì trọn đời bị giam hãm; suốt đời chạy theo một đối tượng gọi là giải thoát, bồ đề, chứng ngộ mà không bao giờ đạt được. Thái độ tìm đạo trên căn bản “nhị kiến” này, tuệ trung gọi là thái độ bỏ bột mà tìm bánh (tự mịch man đầu nhi khí miến). Bỏ bột thì làm sao có bánh, cũng như bỏ mê thì không có ngộ, bỏ phàm thì không có thánh, bỏ phiền não thì không có bồ đề. Thái độ khôn ngoan nhất là thái độ không đuổi bắt một đối tượng ngoài tự thân. Ðây là bài kệ Mê Ngộ Không Khác Nhau trong đó Tuệ Trung nói lên ý ấy:
 
 

Khi mê thấy không sắc

Khi ngộ hết sắc, không

Sắc, không và mê ngộ

Xưa nay một lẽ đồng

Vọng niệm tam đồ hiện

Chân thông ngũ nhãn thông

Tâm niết bàn tĩnh lặng

Biển sinh tử ngàn trùng

Không sinh cũng không diệt

Không thủy cũng không chung

Thực tại lộ hình dung
 
 

(Mê khứ sinh không sắc

Ngộ lai vô sắc không

Sắc không mê ngộ giả

Nhất lý cổ kim đồng

Vọng khởi tam đồ khửoi

Chân thông ngũ nhãn thông

Niết bàn tâm tịch tịch

Sinh tử hải trùng trùng

Bất sinh hoàn bất diệt

Vô thủy diệc vô chung

Ðãn năng vong nhị kiến

Pháp giới tận bao dung).
 
 

DIỆN MỤC TUỆ TRUNG 

Phá vỡ vấn đề mà ta tự đặt cho mình kể cả vấn đề sinh tử mà đạo Phật gọi là vấn đề lớn (sinh tử sự đại), đều là những vấn đề giả tạo.mình tự đặt ra để ràng buộc lấy mình. Những vấn đề này đều được đặt ra trên căn bản nhận thức “nhị kiến”. Hồi Nhân Tông hỏi Tuệ Trung tội báo có thể gây ra do sự ăn thịt uống rượu. Tuệ Trung đã nói rằng vấn đề không phải là vấn đề chọn lựa giữa tội và phúc mà là vấn đề siêu việt cả tội lẫn phúc:
 

Trì giới và nhẫn nhục

Thêm tội chẳng thêm phúc

Muốn siêu việt tội phúc

Ðừng trì giới nhẫn nhục. 
 

Ai cũng thấy rõ ràng không phải Tuệ Trung khuyên người ta đừng nên trì giới và nhẫn nhục. Trì giới và nhẫn nhục, đứng trên phương diện luân lý đạo đức là chuyện phải làm. Nhưng đứng trên phương diện giải thoát tà kiến, uốn đạt được thực sự siêu việt mê ngộ và siêu việt phàm thánh thì quan niệm phân biệt “tội-phúc”, trì giới-phá giới”, “nhẫn nhục-sân nhuế” là một trở lực lớn. Trì giới nhẫn nhục mà không kẹt vào ý niệm mình đang trì giới nhẫn nhục, đây mới là điều Tuệ Trung nhắm tới: trên bình diện giải thoát, điều này mới tránh khỏi việc “thêm tôi chẳng thêm phúc”. Tuệ Trung nói rất rõ về tính cách vô phân biệt “nhị kiến” nó khiến cho ta đặt dra những vấn đề hư ngụy khiến ta mất đi cơ hội giác ngộ: 

Như người leo lên cây

Ðang yên tự chuốc nguy

Nếu đừng leo cây nữa

Trăng gió làm được gì?
 

Hình ảnh “nhị kiến” là hình ảnh một đứa bé ngồi trong phòng một mình ban đêm thấy bóng mình chiếu lên tường và tưởng đó là một ông ba bị đến dọa mình, đâm ra sợ hãi và chạy trốn quanh phòng, nhưng chạy đến đâu cũng bị chiếc bóng của mình theo đuổi. Nỗi khổ của đứa trẻ là do chính nó tự tạo ra vì cái nhìn “nhị kiến” của nó.

Vấn đề sinh tử, một vấn đề thường được đề cập đến trong đạo Phật như là vấn đề chính của kiếp người. Tuệ Trung nói đây cũng là một vấn đề ngụy tạo.sinh và tử, trong nhận thức ta là những thực thể chống đối nhau tuyệt đối; nhưng sinh và tử trong thực tại liên hệ nhau mật thiết đến nỗi ngoài sinh không có tử và ngoài tử không có sinh: ông gọi sinh và tử là những chuyện giả tạo: sinh là sinh giả tạo (vọng sinh), tử cũng là tử giả tạo (vọng tử): 

Khi tâm sinh chừ, sinh tử sinh

Khi tâm diệt chừ, sinh tử diệt

Sinh tử xưa nay tính vốn không

Thân huyễn hóa này cũng sẽ diệt.

Phiền não bồ đề cũng tiêu vong

Ðịa ngục thiên đường tự khô kiệt.

Nước sôi lửa cháy mát mẻ ngay

Núi kiếm rừng đao giã đổ hết

Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi

Ta nói thực tại, không nói pháp.

Sinh là vọng sinh, tử vọng tử

Tứ đại vốn không, thiếu chỗ tựa

Chớ như hươu khát đuổi bóng nước

Chạy khắp Tây Ðông không ngừng nghỉ

Pháp thân không tới cũng không đi

Chân tính không phi cũng không thị

Ðến nhà, còn hỏi đường là chi?

Thấy trăng, thôi khỏi cần tay chỉ

Sợ hãi tử sinh là người mê

Ðạt ngộ ung dung là kẻ trí.
 

(Tâm chi sinh hề, sinh tử sinh,

Tâm chi diệt hề, sinh tử diệt.

Sinh tử nguyên lại tự tính không

Thử huyễn hóa thân diệc đương diệt

Phiền não, bồ đề ám tiêu ma

Ðịa ngục thiên đường tự khô kiệt

Hoặch thang lô thán đốn thanh lương

Kiếm thụ đao sơn lập tồi chiết

Thanh văn tọa thiền ngã vô tọa

Bồ tát thuyết pháp ngã thực thuyết

Sinh tự vọng sinh, tử vọng tử

Tứ đại bổn không tòng hà khởi

Mạc vi khát lộc sấn dương diệm

Ðông tẩu Tây trì vô tạm dĩ

Pháp thân vô khứ diệc vô lai

Chân tính vô phi diệc vô thị

Ðáo gia tu trí bãi vấn trình

Kiến nguyệt an năng khổ tầm chỉ

Ngu nhân điên đảo bố sinh tử

Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ).

Chữ tâm dùng trong hai câu đầu của bài kệ cũng có nghĩa là nhận thức “nhị kiến”. Bài kệ trên đây rất có tính cách tiêu biểu cho tư tưởng thiền của Tuệ Trung. Ông nói ông không ngồi thiền như Thanh Văn, không nói pháp như Bồ tát: sống được đời sống như hằng ngày trong thiền thì cần gì phải ngồi, nói pháp đâu có quan trọng bằng nói về sự sống thực tại. Khi đã thực sự sống trong đời sống thực tại giải thoát thì những cặp chống đối nhau như “sinh tử - niết bàn”, “phiền não - bồ đề”, “địa ngục - thiền đường”... không còn tồn tại nữa, bởi vì cái nhìn “nhị kiến” đã bị phá bỏ. Trong một bài kệ khuyên dạy môn đệ, Tuệ Trung đã khuyên họ nên vượt cả hai ý niệm chân (chân llý) và vọng (tà ý) bởi vì cả hai đều chỉ là khái niệm (trần): 

Người đời bỏ vọng để cầu chân [7]

Chân vọng tâm kia vẫn pháp trần

Hãy vượt lên cao lê bờ bến ấy

Tham cùng đồng tử   [8] đối tiền nhân
 
 

(Thế gian nghi vọng bất nghi chân

Chân vọng chi tâm diệc thị trần

Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn

Hảo tham đồng tử, diện tiền nhân
 
 

DIỆU KHÚC BẢN LAI TU CỬ XƯỚNG 

Thực tại mầu nhiệm, ta phải sống trong lòng nó chứ không thể chỉ đi xung quanh nó và đàm luận về nó. Cũng vì vậy mà Tuệ Trung không để thì giờ luận thuyết về các đề tài đạo Phật và chú giải các kinh điển Phật Giáo. Tuệ Trung chủ trương rằng Phật tử không cần một lý thuyết: nguyên tắc đơn giản của đạo Phật là hãy sống cuộc đời tự tại của chính mình, không cần đi tìm đâu cả. Thể tính của ta vẫn sáng trong, chưa từng bị mê hoặc, chỉ cần quay về tự thân là ta có thể làm hiển lộ nó, khỏi cần đi tìm Phật tìm Tổ. Tinh ba của đạo Phật là sự sống trong lòng thực tại giác ngộ mà không phải là những triết thuyết, cũng như tinh ba của một khúc nhạc là chỉ có thể thấy được khi khúc nhạc được cử xướng lên. chỉ đàm luận suông chung quanh một nhạc khúc thì không làm sao thấy được cái huyền diệu của khúc nhạc ấy. Hãy sống cuộc đời thức tỉnh và linh diệu của mình: khúc hát diệu huyền xưa nay được hát lên thì sự sống mầu nhiệm mới hiển lộ: 

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê

Thể sáng chưa từng bị lấp che

Gió lộng không chia cao với thấp

Trăng soi chẳng ngại chiếu trăm bề

Mầu thu đậm nhạt tùy duyên sắc,

Bùn sao vương được đóa sen hè

Diệu khúc muôn đời nên cử sướng

Ðông Tây Nam Bắc chạy tìm chi.
 
 



[1] (56) Con cả của An Sinh Vương là Tung. Sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư trong phần nói về vua Trần Minh Tông, có ghi lời bàn của Ngô Sĩ Liên nưh sau:

“Vua vốn là người hậu với thân thuộc trong họ, đối với người vài vế trên mà quý hiển lại càng tôn kính lắm. Phàm kẻ thần hạ người nào có tên trung với những người ấy đều đổi cho tên khác. Như người tên là Ðộ đổi thành Sư Mạnh vì tên Ðộ trùng với tên Thượng Phụ (Trần Thủ Ðộ), tên là Tung thì đổi thành tên Thúc Cao, vì tên Tung trùng với tên Hưng Ninh Vương con trưởng của An Sinh Vương”. Có những bản in lầm An Sinh Vương thành An Ninh Vương. Ta chưa từng nghe ai có tước hiệu là An Ninh Vương bao giờ. Hưng Ninh Vương là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Chữ sinh trong An Sinh Vương đã bị khắc lầm thành chữ Ninh chỉ vì trước đó đã có chữ ninh trong Hưng Ninh Vương.
 
 

[2] (57) Trúc Thiên tiên sinh, trong bản dịch Thượng Sĩ Ngữ Lục (Ðại Học Vạn Hạnh xuất bản, 1969) nói rằng bài Thượng Sĩ Hành Trạng là do Pháp Loa viết. Thực ra, chính Nhân Tông đã tự tay viết tài liệu này trong đó vua gọi Trần Thánh Tông là Dụ Lăng và hoàng hậu Thiên Cảm là mẫu hậu. Chính vua lúc ấy 29 tuổi, đã tự mình đi thỉnh Thượng Sĩ (thầy học của mình) đến dự tuần trai tăng cầu siêu cho mẹ. Pháp Loa, hồi Tuệ Trung mất (1291) mới lên bảy tuổi. Pháp Loa sau này chỉ làm công việc biên chép sách Thượng Sĩ Ngữ Lục từ những tài liệu do Nhân Tông trao lại. Nhân Tông đã hiệu khảo và viết về hành trạng Thượng Sĩ, bởi chính vua là người gần gũi và sống với Thượng Sĩ nhiều năm với tư cách là một người học trò thân yêu của Thượng Sĩ.
 

[3] (58) Tuệ Trung cũng rất khâm phục đức độ và đạo đức của Thánh Tông. Sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục còn giữ lại một bài thơ của Tuệ Trung để ca ngợi đạo học của Thánh Tông.
 

[4] (59)   Vô thường chư pháp lành

Tâm nghi tôi tiện sinh

Bản lai vô nhất vật

Phi chủng diệc phi manh

Nhật nhật đối cảnh thì

Cảnh cảnh tòng tâm xuất

Tâm cảnh bản lai vô

Xứ xứ ba la mật

Nghiết thảo dữ nghiết nhục

Chúng sinh các sở thuộc

Xuân lai bách thảo sinh

Hà xứ kiến tội phúc?
 
 

[5] (61)   Trì giới kiêm nhẫn nhục

Chiêu tội bất chiêu phúc

Dục tri vô tội phúc

Phi trì giới nhẫn nhục

Như nhân thượng thụ thời

An Trung tự cầu nguy

Như nhân bất thượng thụ

Phong nguyệt hà sở vi?
 

[6] (62) Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Pháp Loa biên tập, Trần Nhân Tông khảo đính, Trần Khắc Chung đề bạt. Tác phẩm này được in nhiều lần đời Trần. Bản hiện có là bản in năm 1943 do sa môn Thanh Cừ chùa Pháp Vũ viết vào năm ấy. Các bản in này đều có mang một bài lược dẫn của Tỳ Khưu Huệ Nguyên chùa Long Ðộng núi Yên Tử viết trong một dịp trùng sang năm 1763. Sách gồm có bốn phần:

Phần I: Ðối Cơ (tương đối từng căn cơ), gồm những mẫu đối thoại giữa Tuệ Trung với môn đệ học giả.

Phần II: Cử Công Án, gồm có 13 công án, mỗi công án có lời niêm (nhận xét) và một bài kệ tụng của Tuệ Trung.

Phần III: Thi Tụng, gồm có 49 bài vừa thơ vừa kệ của Tuệ Trung.

Phần IV: Thượng Sĩ Hành Trạng (con người và sự nghiệp của Thượng Sĩ), do Trần Nhân Tông viết. Sau bài của Trần Nhân Tông là một số bài kệ ca tụng đạo học của Tuệ Trung do các vị đệ tử nổi danh của Trần Nhân Tông viết.

Hiện có một bản dịch quốc ngữ của Trúc Thiên, do Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, xuất bản năm 1969.
 

[7] (63) Chữ nghi trong câu “Thế gian nghi vọng bất nghi chân” có lẽ vốn là chữ chép lầm
 

[8] (64) Ðồng tử đây là Thiện Tài Ðồng Tử, nói đến trong kinh Hoa Nghiêm (phẩm Nhập Pháp Giới). Thiện Tài đến với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và phát tâm tu học, sau đó đi dần về phương Nam tham vấn với 53 bậc thiện tri thức và nhờ đó mà chứng nhận được pháp giới, tức là pháp giới, tức là thế giới thực tại. Ở các thiền viện thường thấy tượng đức Quán Âm Bồ tát bên cạnh có một đồng tử chắp tay tham lễ: đó là cuộc tham vấn thứ 27 giữa Thiện Tài và Bồ Tát Quan Âm.