Chương
XIV: Thiền Sư Huyền Quang (1254-1334)
VỀ SÁCH TỔ
GIA THỰC LỤC
Phần ghi chép về thiền sư Huyền
Quang vị tổ thứ ba của Giáo hội Trúc Lâm, không mang tên tác giả và
người hiệu khảo. Phần này mang nhan đề là Tổ Gia Thực Lục, theo
lời dẫn in ở cuối thì vào khoảng những năm Tuyên Ðức nhà Minh (tức là
vào cuối đời Hồ), một bản Tổ Gia Thực Lục đã được thượng thư
Hoàng Phúc người Minh lượm lấy đem về Trung Hoa (hồi Minh thuộc, tướng
Trương Phụ thu gom hết tất cả sách vở tại Ðại Việt chở về Kim Lăng, ít
sách đã còn có thể giữ lại). Hoàng Phúc thường nằm mộng thấy Huyền Quang
bảo phải gửi phải trả tập sách này về Ðại Việt, nhưng chưa có dịp làm
như thế. Thấy Huyền Quang linh ứng, ông mới lập chùa thờ, đặt tên chùa
là " An Nam Thiền Sư Huyền Quang Tự". Ðến khoảng năm Gia Tĩnh nhà Minh,
Tô Xuyên Hầu nhà Hậu Lê đi sứ sang Trung Hoa gặp được cháu bốn đời của
Hoàng Phúc là Hoàng Thừa, mới nhận được tập sách mang về nước. (Tô Xuyên
Hầu tức là Lê Quang Bí, làm quan đến chức Binh bộ thị lang, đậu hoàng
giáp năm 1526). Khi về nước ông đã đưa tập truyện Huyền Quang cho ông
Nguyễn Bỉnh Khiêm xem, từ đó sách lại được phổ biến. Lời dẫn nói rằng
Hoàng Thừa, cháu của Hoàng Phúc, cũng nằm mộng thấy Huyền Quang nhiều
lần nhắn gửi tập sách về Ðại Việt, cho nên khi Tô Xuyên Hầu qua, ông ta
đã tìm gặp để gửi sách.
Trong
sách Vũ Trung Tùy Bút, tác giả Phạm Ðình Hổ cũng có nói chuyện
thiền sư Huyền Quang và có ghi rằng ông có thấy chuyện này trong sách Trúc
Lâm Truyền Ðăng Lục. Ta chưa từng thấy mặt mũi sách Trúc Lâm
Truyền Ðăng Lục này. Có thể đó là một bản in gồm có chuyện của Trúc
Lâm, Pháp Loa và Huyền Quang, nội dung tương tự hay đồng nhất với nội
dung sách Tam Tổ Thực Lục, ta chỉ có thể nói rằng Tổ Gia
Thực Lục đã tìm ra và ghép với hai phần trước (sách nói về Trúc Lâm
và Pháp Loa) để thành ra sách Tam Tổ Thực Lục và lưu hành rộng
rãi vào giữa thế kỷ thứ mười sáu.
Ai
đã chép truyện Huyền Quang? Theo tài liệu của Phúc Ðường hòa thượng
trong sách Ðại Nam Thuyền Uyển Truyền Ðăng Lục (quyển hạ) thì
người truyền đăng của Huyền Quang là An Tâm quốc sư. Có thể An Tâm đã
chép truyện Huyền Quang chăng? Tại sao trong Tổ Gia Thực Lục
không thấy có ghi chép những thiền ngữ và những bài kệ tụng của Huyền
Quang? Cả đến bài kệ Thị Tịch của Huyền Quang cũng không thấy
ghi lại. Ðứng về phương diện biên chép ngữ lục, đây là một khuyết điểm
lớn: người kế thế của Huyền Quang không thể có khuyết điểm như vậy được.
Tổ Gia Thực Lục, cũng như lời dẫn nằm ở cuối sách, nói nhiều
tới tính cách linh ứng của Huyền Quang. Ðời của vị thiền sư bị phủ trong
một bức màn thần dị linh thiêng; người thờ phụng đã chỉ chú ý tới mặt
này màko để ý tới mặt tư tưởng và giáo lý của thiền sư: phải chăng điều
này phản chiếu trạng thái suy đồi của Phật Giáo cuối thế kỷ thứ mười bốn
và trong suốt thế kỷ thứ mười lăm vào thời Hậu Lê? Lịch sử Phật Giáo
Trúc Lâm sau Huyền Quang đã không còn lại những ghi chép nào đáng kể có
lẽ cũng vì lý do đó: quần chúng Phật tử chỉ biết thờ cúng cầu nguyện mà
không chịu học hỏi về lịch sử và giáo lý đạo Phật. Ông đã để lại tập thơ
Ngọc Tiên. Hai mươi ba bài thơ trong Ngọc Tiên Tập, Toàn
Việt Thi Lục và Hoàng Việt Thi Tuyển, có lẽ nhờ tính cách
nhẹ về danh từ Phật Giáo của chúng. Ngoài 23 bài thơ bằng chữ Hán ấy,
ta còn tìm lại được bài phú bằng chữ Nôm vịnh chùa Hoa Yên, gọi là Vịnh
Hoa Yên Tự Phú cùng một bài
kệ bằng chữ Nôm theo sau bài phú nói trên.
Tổ
Gia Thực Lục có ghi nhiều chi tiết về những sự kiện liên hệ tới
Huyền Quang, ví dụ như tên họ của tổ tiên ông từ đời Lý Thần Tông, khiến
ta có thể tin rằng sách đã viết trên những căn cứ xác thực. Tuy nhiên
vì tác giả dựa trên những điều thuật lại mà không căn cứ vào thư tịch có
trước, cho nên sách cũng có một số chi tiết không phù hợp hoàn toàn với
sự thật. So với hai phần trước trong sách Tam Tổ Thực Lục, giá
trị lịch sử của phần này hẳn là kém hơn một bực. Quê của Huyền Quang là
ở làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang (đời Lê đổi lại là làng Vạn Tư, huyện Gia
Ðịnh). Nhà ông ở phía đông nam chùa Ngọc Hoàng. Ông sinh năm 1254, lớn
hơn Pháp Loa tới 30 tuổi. " Ông thể mạo kỳ dị, mà có chí khí của bậc dị
nhân. Cha mẹ ông rất yêu quý, dạy cho học văn chương. Ông nghe một biết
mười, có tài của Nhan Hồi Á Thánh, do đó ông được cha mẹ đặt tên là Tái
Ðạo. Năm 20 tuổi ông thi Hương đậu. Năm sau đậu luôn thủ khoa kỳ thi
Hội".
Cha
mẹ định cưới vợ cho ông nhưng ông chưa chịu đám nào. Vua định gã công
chúa Liễu Nữ, cháu của An Sinh Vương cho ông, ông từ chối. Làm quan
trong triều, ông đã từng phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, bởi vì ông
thông thạo thư tịch, trích dẫn kinh nghĩa và ứng đối mau lẹ như nước
chảy. Ông làm quan vào khoảng 20 năm. Ðến năm 51 tuổi (1305) ông xuất
gia theo học với thiền sư Bão Phác. Tổ Gia Thực Lục nói ông
từng tháp tùng vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa thuyết
pháp, nhân đó có ý muốn xuất gia. Sau đó ông dâng biểu ba lần xin từ
chức và xuất gia, thụ giáo với quốc sư Pháp Loa. Chi tiết này không
đúng, bởi người chép truyện nghĩ rằng Huyền Quang, người kế vị Pháp Loa,
phải được xuất gia theo học với Pháp Loa. Thực ra năm ông xuất gia với
thiền sư Bão Phác, thì Pháp Loa mới xuất gia được một năm. Thiền sư Bão
Pháp hồi đó ở núi Vũ Ninh, chưa được suy tôn quốc sư. Có lẽ Huyền Quang
đã thụ giới sa di tại chùa Vũ Ninh do Bão Phác trú trì. Năm 1306, khi
Pháp Loa được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại, Bão Phác có đem Huyền
Quang về dự lễ này. Trúc Lâm lại gặp Huyền Quang trong hình thái tăng
sĩ, rất mừng biết Huyền Quang là một văn tài, liền đề nghị Bão Phác để
Huyền Quang lại phụ tá với mình. Từ đó Huyền Quang tùy tùng Trúc Lâm
trong cuộc sống hành đạo. Huyền Quang chỉ được theo học đạo với Trúc Lâm
và phụ tá cho Trúc Lâm trong hai năm, bởi vì cuối năm 1308 thì Trúc Lâm
tịch. Trong hai năm đó, Trúc Lâm đã nhờ Huyền Quang soạn những sách
thực dụng sau đây đê lưu hành trong giáo hội Trúc Lâm:
1) Chư Phẩm Kinh:
tuyển tập những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng.
2) Thích khoa
giáo: tập sách giáo khoa về đạo Phật.
Tổ Gia Thực Lục chép rằng Trúc Lâm rất bằng lòng
với công việc sáng tác của Huyền Quang; khi đọc xong bản thảo Thích
Khoa Giáo, vua ngự bút phê như sau: " Phàm sách đã qua tay Huyền
Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào
nữa". Trúc Lâm liền bảo thợ cho khắc in những sách ấy. Các sách này hẵn
đã được đưa vào Ðại Tạng đời Trần. Huyền Quang cũng đã được
Trúc Lâm cho đi vân du khắp nước thăm các danh lam và thỉnh thoảng cũng
đăng đàn thuyết pháp. Có lần Huyền Quang được Trúc Lâm cho ngồi trên
pháp tòa làm bằng trầm hương của mình để giảng kinh. Sau đó ông được lập
làm trú trì chùa Vân Yên núi Yên Tử. Mến phục sức học quảng bác của
ông, tăng ni theo về học đạo có đến khoảng 1.000 người. Chính trong thời
gian này Huyền Quang đã sáng tác bài phú Vịnh Vân Yên Tự.
Năm 1313 (Quý sửu, Tổ Gia Thực Lục chép lầm là
Quý mão - Quý mão là năm 1303, hồi Huyền Quang chưa xuất gia), ngày rằm
tháng giêng âm lịch, ông về quê làng Vạn Tải thăm cha mẹ. Hồi đó ông 60
tuổi cha mẹ ông đã già yếu. Muốn gần gũi hai vị đó trong một thời gian,
ông liền lập ngôi chùa ngay trong làng, sát mé tây của nhà cha mẹ, đặt
tên là chùa Ðại Bi. Nghe ông lập chùa, nhiều người ở kinh đô về ủng hộ.
Ngày khánh thành chùa, ông mở pháp hội lớn, mời chư tăng bốn phương về
tham dự. Hàng vạn người dự hội tổ chức trong bảy đêm bảy ngày. Những
phẩm vật và tiền bạc dâng cúng ông đem ra cúng dương chư Tăng và tặng
phát cho người nghèo khổ. Có lẽ pháp hội được tổ chức trong dịp Vu Lan
rằm tháng bảy, mùa báo hiếu cha mẹ. Sau khi đại hội chấm dứt, ông có tổ
chức một bữa tiệc nhỏ mời họ hàng thân thích và láng giềng trong làng
Vạn Tải đến để dự gây thêm tình thân mật. Chiều hôm đó ông khởi hành về
chùa Vân Yên núi Yên Tử nơi ông chịu trách nhiệm trú trì. Như vậy là ông
rời nhiệm sở chưa đầy một năm.
Sách Tổ Gia Thực
Lục đã dành nhiều trang để kể về chuyện hàm oan của Huyền Quang
dính líu tới một người cung nữ tên là Bích. Sự việc này xảy ra hồi ông
trú trì chùa Vân Yên, có lẽ dưới triều Minh Tông. Một hôm vua Minh Tông
tỏ vẻ thán phục cuộc đời đạo đức trong sạch của thiền sư Huyền Quang với
các quan trong triều. Nho thần Mạc Ðĩnh chi nói: " Vẽ cọp thì vẽ da,
làm sao vẽ tới xương được, biết người thì chỉ biết về bề ngoài chứ làm
sao biết được trong tâm. Xin bệ hạ cho thí nghiệm". Vua Minh Tông liền
sai cung nhân Ðiểm Bích hiệu là Tam Nương đi chinh phục Huyền Quang.
Người cung nữ này nhan sắc chim sa cá lặn, lại thông bác kinh sử. Vua
nói: " Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, chưa từng có ý sắc dục. Nhà
người có nhan sắc, biết kinh sử, hãy đến tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị
ấy còn quyến luyến sắc dục thì ngươi hãy dụ xin cho được kim tử bằng
vàng đem về cho ta. Nếu mang trá thì bị tội". Kim tử này là một vật báu
vua tặng cho thiền sư ngày xưa. Thị Bích liền đem theo một tiểu tỳ. Ðến
chùa Vân Yên gặp một ni sư già, Bích nói là muốn xuất gia học đạo. Vị ni
sư này chấp nhận cho ở lại tập sự và cho sai bảo trà nước sớm khuya.
Một hôm thiền sư thấy dung mạo Thị Bích, biết không phải là người có chủ
tâm đi học đạo bèn gọi vị ni sư lên quở. Thị Bích thấy thiền sư giới
hạnh nghiêm mật; khó dùng sắc đẹp để chinh phục, liền nẩy sinh một kế:
đêm ấy Bích khóc với vị ni sư, nói rằng mình là con nhà lễ khoa bảng, vì
cha thâu thuế xong bị kẻ cướp cướp mất không có đủ tiền để đền nên sẽ
bị triều đình làm tội. Nếu đến kỳ hạn mà không chạy ra đủ số tiền thì
không những ông ta bị tội mà cả vợ con cũng sẽ bị liên lụy và điền sản
tịch thâu. Ni sư đem câu chuyện nói lại và trong đại chúng ai cũng cảm
thương. Huyền Quang hứa sẽ về kinh sư điều trần xin tội tha cho cha Thị
Bích, nhưng có một chú tiểu nói: " Pháp luật là pháp luật, để mất của
công thì chịu tội, ta không nên vì tình riêng mà can thiệp, như vậy pháp
luật còn có nghĩa gì. Tốt hơn nên quyên tiền giúp họ". Huyền Quang cho
là phải, liền lấy kim tử vua ban cho Thị Bích. Trong chúng, ai có tiền
thì cũng đều đem cho. Ðược kim tử, Bích trở về cung kể chuyện như sau
cho vua nghe: " Thiếp đến Vân Yên Tự, giả làm người xin xuất gia, vị ni
sư già cho thiếp bưng trà thang hầu thiền sư. Một tháng trôi qua mà sư
chưa từng hỏi tới thiếp. Một đêm kia, sư lên chính điện tụng kinh. Ðến
canh ba, sư và đại chúng mỗi người trở về tăng phòng của mình để nghỉ
ngơi, thiếp mới tìm tới bên cạnh tăng phòng của sư để nghe động tịnh,
thì nghe sư ngâm bài thơ nôm như sau:
Vằng vặc trăng
mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc
ngâm sênh
Người hòa tươi
tốt cảnh hòa lạ
Màu Thích Ca nào
thử hữu tình!.
Sư ngâm bài ấy tới
ba lần. Thiếp mới vào tăng phòng của sư mà tạ từ xin về nhà thăm cha mẹ,
nói rằng năm tới sẽ xin lên học đạo. Sư lưu thiếp lại một đêm, tặng
thiếp kim tử". Vua nghe nói mặt rồng không vui, than rằng: " Việc này
nếu quả thực có thì chính ta là người thả lưới bắt chim; còn nếu không
thì cũng không khỏi gieo sự nghi hoặc". Vua liền mở đại hội Vô Già,
thỉnh Huyền Quang đến chủ lễ. Trên bàn cúng bày biện đủ loại, lục phẩm,
ngũ cúng, cà sa, pháp y và cả những tạp vật như vàng bạc châu ngọc...
Huyền Quang biết mình bị hàm oan, liền " ngữa mặt lên trời thổi một hơi,
lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái thánh hiền mười phương,
tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhánh dương xanh, mật niệm
thần chú rưới khắp trên dưới pháp điện. Bỗng thấy một đám mây đen hiện
lên, bụi bay đầy trời mù mịt. Một lúc trời sáng thì mọi tạp vật trên
pháp điện đều bị cuốn bay hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng. Ai ai
cũng đều thất sắc kinh hoàng. Vua thấy hạnh pháp của sư thấu cả thiên
địa, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ lỗi... từ đó càng thêm tôn kính,
xưng ngài là " Tự Pháp".
NHỮNG
NĂM CUỐI CỦA HUYỀN QUANG |
Tổ Gia Thực Lục
chép sau đó Huyền Quang về ở Thanh Mai tròn sáu năm, rồi về trú trì
chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, soạn in lại Chư Phẩm Kinh để lưu lại
hậu thế. Ông mất ngày 23 tháng giêng năm Giáp tuất (1334) thọ 81 tuổi.
Câu chuyện Thị Bích có thể không có thật, nhưng nhờ đó mà ta biết rằng
tín ngưỡng về ấn quyết và trì chú trong thời đại này rất quan trọng. Chi
tiết phù hợp với những điều ta biết về ảnh hưởng Mật Giáo trong Thiền
đạo vào các triều đại Anh Tông và Minh Tông.
Người nối tiếp Huyền
Quang là trú trì chùa Vân Yên là An Tâm quốc sư. Huyền Quang sau khi
giao phận sự cho An Tâm đã về núi Thanh Mai và Côn Sơn. tại các núi này
năm 1329 (cũng trong vùng Hải Dương), Pháp Loa đã lập cơ sở hoằng đạo
cho giáo hội Trúc Lâm. Ở Thanh Mai sáu năm. Ông dời sang Côn Sơn, ở chùa
Tư Phúc. Chùa này tục gọi là chùa Hun, được lập ra từ đời Lý, và đã
được Pháp Loa mở mang. Huyền Quang đến đây tiếp tục mở mang cơ sở. Ông
có xây một tòa tháp có thể xoay được, gọi là Cữu Phẩm Liên Hoa.
Huyền Quang mất ở
Côn Sơn năm 1334, nhưng ta không biết ông đã lưu trú bao nhiêu năm tại
đây. Vì vậy ta không biết ông rời chùa Vân Yên năm nào, và câu chuyện
Thị Bích xảy ra năm nào. Ông mất ngày 23 tháng giêng năm Giáp tuất,
nhưng tin ông mất về tới làng Vạn Tải ngày 24. Vì vậy dân làng Vạn Tải
còn lấy ngày 24 tháng giêng làm ngày kỵ tổ. Vua Minh Tông ban hiệu cho
Huyền Quang là " Trúc Lâm Ðệ Tam Ðại Tự Pháp Huyền Quang Tôn Giả". Sách Bắc
Ninh Phong Thổ Tạp Ký nói rằng Huyền Quang đã đi thăm nhiều chùa,
trong đó có chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp; tại đây ông cũng đã dựng một đài "
Cửu phẩm liên hoa" và cho khắc in nhiều kinh điển. " Tòa Cửu Phẩm" ở
chùa Ninh Phúc là một cái tháp có thể xoay tròn được. Trong những ngày
lễ lớn, tín đồ tới chùa tay xoay đài, miệng trì chú hay niệm Phật. Tháp
xoay có chín từng và tám mặt. Mỗi mặt của tầng dưới hết chạm nổi hình
ảnh sự tích Phật, trong dó có hình cực lạc thế giới và đức Phật A Di Ðà.
Tòa Cửu Phẩm tại chùa Côn Sơn chắc cũng tương tự như vậy.
Hình ảnh chiếc tháp
xoay này cho ta thấy, một lần nữa, ảnh hưởng của Mật Giáo - Mật Giáo từ
Tây Tạng truyền đến.
Vua Minh tông cúng dường mười lạng vàng để xây tháp cho
Huyền Quang phía sau chùa Côn Sơn. Vua cũng ban ruộng cho chùa để tổ
chức kỵ giỗ hàng năm cho ông, kể cả các nơi cúng dường là 150 mẫu năm
sào.
Năm 1309, Pháp Loa
tổ chức đàn chay Vu Lan cầu nguyện cho Trúc Lâm vào ngày rằm tháng bảy.
Huyền Quang có mặt tại đó, Pháp Loa gọi Huyền Quang lại nói: " Những
điều mà Trúc Lâm điều ngự nói, nhà ngươi quên hết cả rồi sao?" Huyền
Quang nghe nói thế từ đó theo sát bên mình Pháp Loa để tham học. Trúc
Lâm đã nói gì với Huyền Quang? Có lẽ vua đã dăn dò Huyền Quang phải lo
tu học thêm để phụ lực với Pháp Loa mà hoằng dương Phật pháp, xây dựng
giáo hội Trúc Lâm. Nhưng Huyền Quang đi với Pháp Loa cũng không lâu vì
phải về Vân Yên để duy trì cơ sở tu học trên ấy. Huyền Quang mở trường
tăng học trên chùa Vân Yên, có đến chừng 1.000 tăng sĩ đã lên thụ huấn.
Năm Pháp Loa mất tại An Lạc Tàng Viện, Huyền Quang đến săn sóc một bên.
Ðó là năm 1330, Pháp Loa 47 tuổi mà Huyền Quang đã 77. Huyền Quang bấy
giờ đã qua 25 năm tu học, và với vốn liếng tri thức sẵn có trước khi
xuất gia, đã trở nên một vị hòa thượng đạo cao đức trọng, so với Pháp
Loa không những hơn về tuổi tác mà còn có thể hơn về sự chứng nhập đạo
pháp nữa. Ta hãy nghe cuộc đàm đạo giữa hai người sau đây thì biết:
Ngày mồng ba tháng
hai năm Canh ngọ (1330), Pháp Loa trở lại An Lạc Tàng Viện, thỉnh Bích
Phong trưởng lão thay mình giảng kinh Hoa Nghiêm. Ngày mồng năm
sư lâm bệnh, hai ngày kế tiếp, bệnh nặng. Nữa đêm ngày 11 Huyền Quang
đến thăm bệnh, Pháp Loa đang trong giấc ngủ, rên hừ hừ một tiếng. Huyền
Quang hỏi:
- Thức với ngũ đã là
một chưa?
Pháp Loa đáp:
- Thức với ngũ là một, cũng như khi không có bệnh.
Huyền Quang hỏi:
- Vậy thì bệnh với không bệnh đã là một chưa?
Pháp Loa nói:
- Bệnh cũng chẳng can gì đến kẻ khác, không bệnh cũng
không can gì đến kẻ khác.
Huyền Quang hỏi:
- Vậy thì tiếng nói nhắm vào cái gì?
Pháp Loa nói:
- Thì gió thổi trong cây cứ mặc nó chứ.
Huyền Quang nói:
- Tiếng gió thổi trong cây không làm cho người ta mê hoặc,
nhưng lời nói mê trong giấc ngủ lại có thể làm mê hoặc lòng người.
Pháp Loa nói:
- Kẻ si mê cũng có thể bị tiếng gió trong cây làm mê hoặc
lắm chứ.
Huyền Quang nói:
- Chỉ một cái tật đó mà đến chết cũng không chừa.
Pháp Loa liền lấy chân đạp Huyền Quang một cái.
Huyền Quang bỏ ra. Từ đó bệnh thuyên giảm dần. Ðến ngày
13, người ta dời Pháp Loa về Quỳnh Lâm Viện để nằm trong phương
trượng...
Mồng ba tháng ba, lúc nữa đêm Huyền Quang vào thăm bệnh
thì bệnh đã nguy kịch. Huyền Quang nói:
- Xưa nay các bậc đạt ngộ khi giờ phút đến, muốn ở lại thì
ở, muốn đi thì đi.
Pháp Loa nói:
- Ði hay ở cũng đều không can hệ chi tới ai.
Huyền Quang hỏi:
- Vậy thì tại sao?
Pháp Loa trả lời:
- Thì tùy xứ tát-bà-ha.
Tiếp đến môn đệ xin bài kệ thị tịch, Pháp Loa viết xong
bài kệ bốn câu, buông bút rồi tịch.
Những cuộc vấn đáp giữa Huyền Quang và Pháp Loa cho ta
thấy rằng chính Huyền Quang có ý giúp Pháp Loa trong giờ phút cuối của
cuộc đời. Câu trả lời: tùy xứ tát-bà-ha" và bài kệ thị tịch có lẽ đã là
một khích lệ cho Huyền Quang. Những câu hỏi đầu của Huyền Quang hình như
có mục đích để tìm xem Pháp Loa đã sẵn sàng trước cái chết chưa. " Thức
và ngủ đã là một chưa?" và " Bệnh với không bệnh đã là một chưa?" đã
khiến cho Pháp Loa giật mình thấy đạo nghiệp của mình chưa thật sự chín
muồi, và mình vẫn chưa thực sẵn sàng để đón nhận giờ phút quan trọng.
Phản ứng của Pháp Loa biểu lộ một chút giận hờn có tính cách trẻ thơ.
Tuy ông đưa chân đạp nhẹ Huyền Quang một cái nhưng ông đã nhờ các câu
hỏi của Huyền Quang mà nhận ra mình phải sống thêm đã hoàn thành cái mà
mình tưởng là đã chín ở nơi mình. Vì vậy sau cuộc viếng thăm đầu của
Huyền Quang, bệnh tình ông thuyên giảm rất mau chóng. Ông sống thêm tới
20 ngày nữa, và chắc chắn trong thời gian nằm tại phương trượng Quỳnh
Lâm Viện ấy ông đã đạt tới trình độ siêu việt sinh tử. Khi trở lại thăm
ông, Huyền Quang chưa biết tới sự thay đổi đó nên đã nói một câu để thăm
dò xem Pháp Loa đã đạt tới chỗ Liễu sinh thoát tử chưa. Ông nói: " các
bậc đạt ngộ xưa nay, khi giờ phút đến muốn ở lại thì ở, muốn đi thì đi."
Ðây thực là một câu hỏi để thăm dò, nhưng không đặt trong hình thức của
một câu hỏi. Câu trả lời đầu của Pháp Loa có tính cách đùa Huyền Quang "
đi hay ở thì cũng không can hệ chi tới ai," nhưng câu trả lời thứ hai
quả đã làm Huyền Quang hả dạ: " tùy xứ tát-bà-ha." Tùy xứ tát-bà-ha
là gì. Ðó là sự tự do. Ðó là giải thoát. Huyền Quang quả đã giúp nhiều
cho đạo nghiệp của Pháp Loa trong những giờ phút cuối cùng của đời Pháp
Loa. Liên hệ giữa Pháp Loa và Huyền Quang không phải là liên hệ thầy trò
mà chỉ là liên hệ bạn hữu, dù Huyền Quang là người thừa kế của Pháp
Loa.
Huyền Quang hồi đó đã không còn trú trì Vân Yên nữa mà
đang tu ở chùa Côn Sơn. Ông không phải là một mẫu người thuộc hành động
như Trúc Lâm và Pháp Loa. Ông là một nhà văn, một thi sĩ có tài và cũng
là một giáo sư Phật học giỏi. Ông ít đi giảng diễn trong quần chúng mà
chỉ dạy trong các tu viện cho giới tăng sĩ. Ông có mở mang các chùa Vân
Yên, Ninh Phúc, Thanh Mai và Côn Sơn, nhưng ông không xây dựng hàng trăm
chùa tháp như Pháp Loa. Ông để thời giờ dạy giáo lý, biên tập kinh điển
và làm thơ. Ông ít giao du với những người trong triều, có lẽ ông đã
làm quan trên 20 năm trong triều, đã chán ngán giới quyền quý nơi cửa
khuyết. Chuyện Thị Bích xảy ra ở chùa Vân Yên có thể là một sự bày đặt
gây nên do sự ganh ghét. Vân Yên là đầu não của môn phái, chức vị trú
trì ở đây có lẽ có người thèm muốn. Vì vậy ông về Thanh Mai và Côn Sơn
để tìm chỗ thanh vắng thực sự. Ðây cũng là một bài thi ông làm trong
những năm ửo Côn Sơn, lúc ông đã trên 77 tuổi.
Ðức bạc thẹn mình nối Tổ Ðăng
Học theo Hàn
Thập(75)
dứt đa đoan
Hãy đi với bạn
về non vắng
Rừng núi bao
quanh mấy vạn từng
(Ðức bạc
thường tàm kế tổ đăng
Không giao
Hàn Thập khởi oan tăng
Tranh như
trục bạc quy sơn khứ
Ðiệp chướng
trùng loan vạn vạn tằng
Chính năm 77 tuổi
ông mới phải mang tước hiệu " nối tổ đăng" lãnh đạo giáo hội Yên Tử thay
Pháp Loa. Nhưng ông không rời Côn Sơn để trở về chốn đô hội nơi trụ sở
trung ương của Quỳnh Lâm hay Báo Ân. Ở nơi Côn Sơn thật thanh vắng ông
thấy khỏe khoắn hơn, ít phiền não hơn. Côn Sơn có nhiều hoa mai. Ông
viết:
Ngửa mặt trời xanh hỏi lý do
Hiên ngang trong
núi mọc thành hoa
Bẻ về, không để
chưng vừa mắt
Chỉ mượn mầu
xuân đỡ bệnh già
(Dục hướng
thương thương vấn sở tùng
Lẫm nhiên cô
trị tuyết sơn trung
Chiết lai
bất vị già thanh nhãn
Nguyên tá
xuân tư ủy bệnh ông).
Trong núi có khi ông
ở am vắng với một tiểu đồng. Là tăng sĩ, nhưng ông cũng là nghệ sĩ. Ông
có một ống sáo. Ngâm thơ, làm thơ, thổi sáo, tụng kinh, tham thiền, dạy
chú tiểu học. Vị tăng thống lãnh đạo giáo hội chỉ có thể thổi sáo được
trong rừng núi, ngoài chú tiểu ra chẳng có ai biết mà cười.
Củi hết, lò còn
vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi
nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ,
tay nâng sáo
Thiên hạ cười
ta, cứ mặc tình
(Ổi dư cốt
đốt độc hoàng hương
Khẩu đáp sơn
đồng vấn đoản chương
Thủ bả suy
thương hòa mộc đạc
Tùng giao
nhân tiếu lão tăng mang).
Huyền
Quang rất yêu hoa cúc. Khi tuổi đã già, lòng đã khô héo, chỉ có hoa cúc
mới làm êm dịu được lòng ông. Trúc với mai đối với ông không thể nào so
với cúc được. Trong vườn đây đó ông trồng toàn hoa cúc. Ngồi thiền
xong, ông ngồi ngắm cúc cho tới khi người ngắm hoa và hoa, hai thứ hồn
nhiên là một. Kết quả là cái thấy về thực tại của ông nở sáng như một
đóa hoa:
Người ở trên
lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm,
khói trầm xông
Hồn nhiên người
với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng
chợt nở tung
Bài
thơ hoa cúc của ông có nhiều tình tiết cảm động, bình dị mà siêu thoát.
Ta hãy đọc toàn bài để thưởng thức sự rung cảm của một người trên 70
tuổi, một người xem như hoa cỏ cả thân mạng và cuộc đời nhưng hễ thấy
hoa cúc là tâm tình rộn ràng như một người trai trẻ thấy bóng người
yêu:
Ðường nhà Tưởng Hủ tre reo gió
Vườn cảnh Tây Hồ
đẹp nét mai(76)
Nghĩa khí chẳng
đồng, tình chẳng hợp
Cúc hoa nở sáng
khắp vườn ai.
Ngàn sông không
đủ thắm lòng già
Bách vịnh hoa
mai kém vẫn xa
Ðầu bạc ngâm
hoài vần chưa ổn
Thấy hoa cúc nở
rộn lòng ta.
Quên thân quên
thế thảy đều quên
Thiền tọa giờ
lâu lạnh thấm giường
Trong núi năm
tàn không có lịch
Thấy hoa cúc nở:
tiết trùng dương.
Năm tháng nở
đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng
thanh ý mặn mà
Cười kẻ không
hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc
giắt đầy hoa
Người ở trên
lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm
khói trầm xông
Hồn nhiên người
với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng
chợt nở tung.
Phương phi xuân
sắc, trắng hay vàng
Thời tiết tùy
loại hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa
rơi chật đất
Dậu Ðông hoa cúc
vẫn chưa tàn.
(Tùng Thanh
Tưởng Hủ tiên sinh kính
Mai cảnh Tây
Hồ xử sĩ gia
Nghĩa khí
bất đồng nan cẩu hợp
Cố viên xứ
xứ thổ hoàng hoa
Thiên giang
vô mộng cán khô trường
Bách vịnh
mai hoa nhượng hảo trang
Lão khứ sầu
ngâm hồn vị ổn
Thi biều
thực vị cúc hoa mang
Vương thân
vương thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu
nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn
trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai
xứ tức trùng dương
Niên niên
hòa lộ hướng đương khai
Nguyệt đạm
phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu
bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy
đáo tháp quy lai
Hoa tại
trung đình nhân tại lâu
Phần hương
độc tọa tự vong âu
Chủ nhân nhữ
vật hồn vô cạnh
Hoa hướng
quần phương xuất nhất đầu
Xuân lai
hoàng bạch các phương phi
Ái diễm liên
hương diệc tự thì
Biên giới
phồn hoa toàn trụy địa
Hậu điêu
nhan sắc thuộc đông ly).
Huyền Quang
là một thi sĩ lớn. Ông có những vần thơ rất đẹp và rất bình dị. Ta hãy
đọc bài Ðầu Thu:
Hương đêm mát dịu, bình phong lạnh
Xào xạc thu sang
lá động cành
Trúc đường thong
thả, hương vừa đốt
Cành cây giăng
võng lọt trăng thanh.
(Dạ khí phân phương nhập họa bình
Tiêu diêu
đình trụ báo thu thanh
Trúc đường
vong thích hương sơ tẫn
Nhất nhất
tùng chi võng nguyệt minh).
Bài Ði Thuyền:
Mênh mông theo gió con thuyền nhỏ
Thu sáng ngời
xanh bóng nước, cây
Tiếng sáo thôn
chài, lau lách vọng
Trăng lặn lòng
sông, sương trắng đầy.
(Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu
mang
Sơn thanh
thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư
dịch lô hoa ngoại
Nguyệt lạc
ba tâm giang mãn sương).
và bài Ngủ Trưa.
Mưa tạnh, khe núi tĩnh
Ngủ mát dưới
rừng phong
Nhìn lại cõi
nhân thế
Mắt mở vẫn say
nồng.
(Vũ quá sơn khê tĩnh
Phong lâm
nhất mộng lương
Phản quan
trần thế giới
Khai nhãn
túy mang mang).
Huyền Quang giỏi Phật học nhưng thơ của ông bình dị, ít
nặng nề danh từ Phật Giáo. Tuy vậy tính cách đạt ngộ thanh thoát vẫn bàn
bạc trong thơ ông. Trong bài Hoa Cúc ta đã đọc những câu ông viết về
chuyện ngắm hoa tuyệt diệu, trong đó người với hoa hồn nhiên là một và
hình ảnh kỳ diệu của một bông cúc nở trong trạng thái ấy. Ông cười với
tất cả lòng từ bi khi nhìn thấy một thiếu nữ vì không thây được bản chất
mầu nhiệm của cúc, đã hái cúc cắm đầy đầu trước khi ra về:
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc
giắt đầy hoa
Hãy đọc
những giòng sau đây để thấy lòng từ bi của ông khi ông trông thấy tù
nhân bị áp giải đi đầy ngang qua:
Biên thư bằng máu nhắn tin nhau
Cô đơn chiếc
nhận vút mây đầu
Bao nhà nhìn
nguyệt đêm nay nhỉ?
Hai chốn cùng
chung một nỗi đau.
(Khô huyết thư thành dục ký âm
Cô phi hàn
nhạn tái vân thâm
Kỷ gia sầu
đối thanh tiêu nguyệt?
Lưỡng xứ
mang nhiên nhất chủng tâm).
Tiếc rằng ta không
còn đọc được những sáng tác của ông về Phật học để được biết qua tư
tưởng Thiền học của ông. Trong bài thơ chùa Diên Hựu, Huyền Quang có
viết những câu sau đây có thể nói là tư duy của ông về vấn đề đạt đạo:
Thành ngăn tục
lụy trần không vướng
Cửa mở vô ưu mắt
rộng tầm
Thấy được thị
phi cùng một hướng
Ma cung, Phật
quốc cũng ngồi chung
(Vạn duyên bất nhiễu, thành già tục
Bán điểm vô
ưu, nhãn phóng khoan
Tham thấu
thị phi bình đẳng tướng
Ma cung Phật
quốc hảo sinh quan).
Giới và Ðịnh là những bức thành để ngăn giữ không cho phiền
não thâm nhập. Giữ tâm hồn thanh thoát không lo lắng thì tầm mắt có thể
nhìn xa thấy rộng, khi tham khảo đạt được đến nền tảng chung của những
cặp đối lập như thị-phi, mê-ngộ, thì cái nhìn " nhị kiến’ không còn, lúc
ấy không còn sự đối lập " Ma-Phật" nữa,và cảnh nào cũng là cảnh Phật,
Ma cung cũng trở thành Phật quốc.
Trong bài kệ bằng chữ Nôm viết ở cuối bài Phú Vịnh Chùa
Hoa Yên, Huyền Quang có hai dòng sau đây:
Biết được tính ta nên Bụt thật
Ngại chi non
nước cảnh đường xa.
Ông muốn
nói: nếu ý thức được tự tính giác ngộ sẵn có nơi mình thì sẽ không còn
thấy con đường tu trước mắt xa thẳm nữa. Thiết tưởng từng đó cũng cho ta
thấy được quan điểm Thiền học của Huyền Quang. Qua những câu trao đổi
giữa Huyền Quang và Pháp Loa bên giường bệnh của Pháp Loa, ta có thể
thấy những nét chính của tư tưởng Huyền Quang về vấn đề tu chứng:
1- Sống và
chết chẳng qua là hai phương diện cùng một thực tại, cái mà thiền sư Lâm
Tế gọi là chân nhân vô vị (con người thực không có vị trí trong không
gian và thời gian). Thực tại này không vì sinh mà có, không vì diệt mà
mất.
2- Nếu ai
thực chứng được thực tại bất sinh bất diệt ấy nơi bản thân thì người ấy
sẽ đạt đạo và thoát khỏi sinh tử, hoàn toàn tự do.
3- Chưa thực
chứng được những lời tuyên bố về thực tại chỉ có tác dụng làm cho kẻ
khác lầm lạc. Bản chất của Phật Giáo là sự thực chứng mà không phải là
kiến thức thu thập được từ giáo điển và thầy tổ.
Văn Nôm của Huyền
Quang thế nào? Sau đây ta hãy đọc vài đoạn đầu trong bài phú Vịnh
Chùa Hoa Yên:
Buông niềm trần
tục
Náu tới Hoa Yên
Chim thụy dõi
tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đòi
bước thần tiên
Bầu đủng đỉnh
giang hòa thế giới
Giày thong thả
dạo khắp sơn xuyên
Ðất phúc địa
nhận xem luống kể - Kể bao nhiêu dư trăm phúc địa.
Trời thiền nhiên
hiệp thâu thửa lạ - Lạ hơn ba mươi sáu thiền thiên
Thấy đây:
Ðất tựa vàng lên
Cảnh bằng ngọc
đúc
Mây năm thức che
phủ đền Nghiêu
Non nghìn tầng
quanh co đường Thục
La đá tầng thê
dốc, một hòn ôm vịn một hòn
Dòng nước chảy
làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc
Cỏ chiều gió
lướt dạm vui vui
Non tạnh mưa dầm
màu thúc thúc
Ngàn cây phi
Cánh Phượng, vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn
Hang nước tưới
Hàm Rồng nhả li châu hột san mục mục
Nhựa đông hổ
phách, sáng khắp rừng thông
Da điểm đồi mồi,
đổng hỏa vườn trúc
Gác vẽ tiếng bồ
lao thốc, gió vật đoành đoành
Ðiện ngọc phiến
bối diệp che, mưa tuôn túc túc
Cảnh tốt hòa
lành
Ðồ tựa vẽ tranh
Chỉn ấy Trời
thiêng mở khéo
Nhèn chi vua Bụt
tua hành
Hồ sen trương
tán lục
Suối trúc bấm
đàn tranh
Ngự sử mai hai
hàng chầu rập
Trượng phu tùng
mấy chạnh phò oanh
Phỉ thúy sắp hai
hàng loan phượng
Tử vi bày liệt
vị công khanh
Chim óc bạn cắn
hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề
cửa nghe kinh
Nương am vắng
Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa
thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh...
THỜI KỲ
HƯNG THỊNH CHẤM DỨT |
Phật
Giáo Trúc Lâm, sau Huyền Quang, không còn hưng thịnh nữa. Ðây có phải
lỗi của Huyền Quang không? Nếu có, thì đó là lỗi gì? Phải chăng Huyền
Quang đã không tìm được người xứng đáng để kế vị gánh vác việc lãnh đạo
giáo hội? Tại sao không có ai nói tới đệ tứ tổ Trúc Lâm trong khi truyền
thống Trúc Lâm tiếp tục từ An Tâm xuống Phù Vân, từ Phù Vân xuống Vô
Trước và cứ thế truyền mãi tới về sau?
Một
điều ta có thể ghi nhận là Huyền Quang nhận trách vụ lãnh đạo giáo hội
lúc ông đã 77 tuổi. Ông đã chán việc ngoài đời, không ưa giao du liên
lạc với vua quan trong triều nữa. Ông ở yên trong núi Côn Sơn. Có lẽ ông
đã ủy thác mọi việc cho quốc sư An Tâm. An Tâm đã bất lực trong công
việc lãnh đạo giáo hội chăng? Ðiều này ta không thể trả lời được. Dù An
Tâm có tài có sức nhưng khó mà duy trì được sự hưng thịnh của Phật Giáo
Trúc Lâm khi mà xã hội bắt đầu phân hóa chia rẽ vì lý do tranh chấp ý
thức hệ, khi mà các nhà lãnh đạo quốc gia không có khả năng đoán đúng
người, khi mà nho thần nghĩ rằng chỉ có Nho Giáo mới lãnh đạo Thánh, còn
Phật Giáo là tín ngưỡng có hại cho quốc gia. Hơn nữa, một giáo hội dựa
quá nhiều trên thế lực triều đình để phát triển mà không biết quay về
tìm thế đứng trong dân gian, thì một khi sự ủng hộ triều đình không còn,
giáo hội ấy hẵn nhiên sẽ thiếu lưng tựa và hiện tượng suy đồi là chuyện
hiển nhiên phải tới.
(75)
Hàn Sơn và Thập Ðắc là hai cao tăng ẩn sĩ
(76)
Tưởng Hủ và Tây Hồ là hai vị xử sĩ, một người ưa chơi trúc, một người
ưa chơi mai.
---o0o---