CHƯƠNG X - ÐỊNH -
CÁC VÔ SẮC XỨ
(Aruppa-niddesa)
1. KHÔNG VÔ BIÊN XỨ
(Akàsànantàyatana)
Sau khi hành giả tu
tập
4 phạm trú đắc được các cấp thiền ở Sắc giới, tiếp
tục tiến sâu hơn nữa vào cõi định, sẽ thấy rằng cõi
sắc giới, vẫn còn có hàng ngàn thứ nguy hiểm, do thế hướng
tâm về Không vô biên xứ thuộc cõi Vô sắc để tu tập. Hành
giả tác ý đến khoảng Không vô biên ấy bằng cách thầm
nhủ "Khoảng không, khoảng không". Khi hành giả vận
dụng tầm, tứ tác ý đến cảnh giới ấy nhiều lần, thì
những triền cái dần dần được chế ngự, niệm được
an trú và tâm hành giả trở nên định tĩnh trong cận hành
định, như bản luận nói: "Với sự hoàn toàn vượt
qua sắc tưởng, với sự biến mất những chướng ngại tưởng,
không tác ý sai biệt tưởng, hành giả biết rằng "Hư
không là vô biên", chứng và trú "Không vô biên xứ.
" (Vbh. 245)
Hoàn toàn
nghĩa là về mọi phương diện.
Vượt qua sắc
tưởng
nghĩa là vượt qua, siêu việt các thiền chứng đã đạt
được ở cõi sắc giới, Với sự biến mất những chướng
ngại tưởng: Chướng ngại tưởng hay đối ngại tưởng
là những tưởng khởi lên do căn tiếp xúc với trần tương
ứng, như các tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, đó
là những đối ngại tưởng. Không tác ý các tướng sai
biệt: Một người chưa đắc đ?nh, mà có tưởng về ý
giới và ý thức giới, đó gọi là "Các tướng sai biệt".
Hư không vô
biên
nghĩa là biên giới sinh và diệt của nó không thể biết
được. Cái khoảng không còn lại sau khi rời bỏ đề mục
(biến xứ) tu tập gọi là "hư không". Không vô
biên xứ: Cái gì không có giới hạn trong không gian thì
gọi là hư không vô biên. Hư không vô biên nầy được xem
như một "xứ" hay một khái niệm mà Thiền giả
dùng để an trú. Nghĩa là tâm thiền giả lúc nầy tương
ứng với một khoảng không bao la. Ðó là những giải thích
về đề mục thiền Không vô biên xứ.
2. THỨC VÔ BIÊN XỨ
Sau khi đạt được
thiền
chứng về Không vô biên xứ, hành giả lại khám phá
rằng thiền chứng nầy vẫn còn có những mối nguy hiểm,
nên tác ý đến Thức vô biên xứ, xem đây như là đối
tượng an tịnh hơn. Rồi hành giả vận dụng tầm và tứ
tác ý đến "xứ" ấy nhiều lần như "Thức là
vô biên, thức là vô biên".
Khi hành giả hướng
tâm
thiền nhiều lần trên tướng ấy như vậy, những triền cái
được từ bỏ, niệm được an trú, tâm trở nên định
tĩnh trong cận hành định, như kinh văn mô tả: "Vị ấy
hoàn toàn vượt qua Không vô biên xứ, biết rằng Thức
là vô biên, chứng và trú Thức vô biên xứ".
(Vbh. 245)
Thức là vô
biên:
Hành giả tác ý đến khoảng không được biến mãn bởi thức,
mà thức ấy thì bao la vô giới hạn, nên gọi là Thức
vô biên. Hoặc là hành giả tác ý đến cái thức đã
biến mãn hư không ấy. Thức vô biên xứ: Thức nầy
là "xứ" hay môi trường, vì nó là nền tảng mà
thiền giả đang hướng tâm tu tập.
3. VÔ SỞ HỮU XỨ
Khi hành giả muốn
tu tập
vô sở hữu xứ trước hết cần phải thành tựu sự
thiện xảo theo 5 cách trong thiền chứng về Thức vô
biên xứ. Thế rồi, thiền giả thấy được tính chất
nguy hiểm trong Thức vô biên xứ như sau: "Thức này
có Không vô biên xứ là kẻ thù gần của nó, và nó không
được an tịnh như vô sở hữu xứ". Do đó, hành giả
vận dụng tầm và tứ hướng đến vô sở hữu xứ tác ý
nhiều lần như sau: "Không có gì cả", hoặc
"Không, không", và liên tục quán sát nó.
Khi hành giả hướng
tâm
đến tướng ấy một cách thiện xảo, thì những triền
cái bị áp đảo, niệm được an trú, và tâm hành giả tập
trung ở cận hành định, như kinh văn nói: "Vị ấy
hoàn toàn vượt qua Thức vô biên xứ, biết rằng
"Không có gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ".
(Vbh. 245)
Vô sở hữu xứ:
"xứ" ở đây có nghĩa là chỗ trú, như "chư
thiên xứ" là chỗ trú của chư thiên; do vậy, đây là
một trú xứ không có sở hữu, nên gọi là vô sở hữu.
Nó nói lên ý nghĩa Thức thuộc về không vô biên xứ đã
biến mất.
4. PHI TƯỞNG PHI
PHI TƯỞNG
XỨ
Sau khi chứng đạt
về
định Vô sở hữu xứ, hành giả tiếp tục tư duy sâu hơn
nữa, lại thấy rằng pháp định nầy còn có những nhược
điểm, nhu sau: "Thiền nầy có Thức vô biên xứ là kẻ
thù gần của nó, và nó không được an tịnh như Phi tưởng
phi phi tưởng xứ".
Sau khi đã từ bỏ
bám
víu vào Vô sở hữu xứ, hành giả vận dụng tầm và tứ
tác ý đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xem cảnh giới nầy
là an tịnh, bằng cách thầm nhủ "an tịnh, an tịnh".
Khi hành giả hướng
tâm
nhiều lần đến tướng ấy, thì những triền cái bị áp
đảo, niệm được an trú, tâm trở nên tập trung trong cận
hành định, như kinh văn mô tả: "Bằng cách vượt qua
hoàn toàn Vô sở hữu xứ, hành giả chứng đạt và an trú
Phi tưởng phi phi tưởng xứ". (Vbh. 245)
Phi tưởng
phi phi tưởng:
Vì ở đây vắng bóng những tưởng thô, nhưng có mặt những
tưởng vi tế. Hơn nữa, tưởng ở đây không phải là tưởng,
vì nó không đủ sức mạnh để làm nhiệm vụ của tưởng,
nhưng nó cũng không phải là không hẳn, vì nó còn hiện diện
trong một trạng thái vi tế, như một hành còn sót lại,
nên gọi nó là Không phải tưởng cũng không phải không
có tưởng. Ở đây không những Tưởng mới có
tính chất như vậy, mà Thọ cũng là phi thọ phi phi thọ,
kể cả Thức và Xúc cũng thế.
Ðể làm sáng tỏ vấn
đề trên, ở đây cần nêu một ví dụ như sau: Ví như một
cái bát đựng đầy dầu vừa mới trút ra, nếu bảo cái
bát ấy không có dầu thì không đúng, vì nó vẫn còn dính
dầu. Nhưng nếu bảo cái bát ấy có dầu cũng không ổn,
vì dầu ấy không thể sử dụng vào việc gì được.
TỔNG QUÁT
Trong 4 pháp thiền
cõi
Vô sắc nầy, Không vô biên xứ đầu tiên là do vượt qua
những tướng về sắc pháp. Thức vô biên xứ thứ hai là
do vượt qua Không vô biên xứ; Vô sở hữu xứ thứ ba là
do vượt qua Thức Vô biên xứ và Phi tưởng phi phi tưởng
thứ tư là do vượt qua Vô sở hữu xứ, nghĩa là do sự biến
mất của Thức lấy hư không làm đối tượng. Ở đây nên
nhớ rằng mỗi thiền Vô sắc nầy chỉ có 2 thiền chi là xả
và nhứt tâm mà thôi. Tuy chỉ có 2 thiền chi trong cả
bốn Vô sắc, nhưng phải hiểu rằng mỗi thiền kế tiếp
bao giờ cũng vi tế hơn là bậc thiền trước nó.
Ðến đây cũng cần
mượn một ví dụ để trình bày vấn đề: Ví như có một
cái lều dựng trên một chỗ dơ dáy. Rồi một người đi
đến nhờm gớm sự nhơ uế, nên tựa 2 tay vào túp lều. Người
thứ hai đi đến, liền dựa vào người ấy. Người thứ ba
đi đến và nghĩ, cả 2 người kia không an toàn, vì nếu
túp lều sụp đổ thì chúng sẽ gặp nguy hiểm, do vậy ta
nên đứng ở ngoài. Thế rồi, một người thứ tư đi đến,
thấy sự bất ổn của 2 người đầu, và nghĩ rằng người
đứng ở ngoài an toàn hơn, nên y đứng dựa vào người ấy.
Cái khoảng không mà
biến
xứ đã dời bỏ, ví như căn lều dựng chỗ dơ uế. Thức
thuộc Không vô biên xứ, lấy không gian làm đối tượng,
do chán ghét các sắc vi tế, là giống như người đầu bám
vào cái lều vì nhờm gớm đồ dơ. Thức thuộc Thức vô
biên xứ, mà sự sinh khởi nương vào Thức thuộc Không vô
biên xứ, là ví như người tựa vào người bám cái lều.
Thức thuộc Vô sở hữu xứ, thay vì lấy cái thức thuộc
Không vô biên xứ làm đối tượng, lại lấy sự phi hữu của
thức ấy làm đối tượng, ví như người thứ ba sau khi xét
thấy bất ổn nơi hai người trước, không dựa vào người
thứ hai, mà đứng ở ngoài. Thức thuộc Phi tưởng phi phi
tưởng xứ phát sinh nương nơi thức thuộc Vô sở hữu,
cái thức ra ngoài, nghĩa là ở nơi phi hữu của thức trước
đấy, ví như người đứng dựa vào người thứ ba, sau khi
đã xét thấy bất ổn ở hai người đầu, và nghĩ rằng
người đứng ngoài là khéo đứng.
Chương thứ 10 nầy,
trọng
tâm mô tả về các Thiền Vô sắc giới, vừa được trình
bày tóm tắt ở trên.
-ooOoo-
CHƯƠNG XI - ÐỊNH -
MÔ TẢ
A. BỐN LOẠI THỰC
PHẨM
Bây giờ, đến phần
trình bày sự tu tập bất tịnh tưởng đối với thức ăn.
Thông thường, thức ăn được chia thành 4 loại sau đây: 1.
Ðoàn thực (thức ăn vật chất); 2. Xúc thực, 3. Tư niệm
thực (hành thực); 4. Và thức thực.
Ở đây, thức ăn có
công dụng nuôi sống: Ðoàn thực nuôi thân thể vật
chất. Xúc thực: nuôi 3 cảm thọ (lạc, khổ và bất
khổ bất lạc). Hành thực nuôi sự tái sinh trong 3
cõi hữu. Còn Thức thực nuôi danh sắc vào lúc tái
sinh.
Khi có Ðoàn thực
thì có chấp thủ, đem lại nguy hiểm. Khi có Xúc thực
thì có ái, đem lại nguy hiểm. Khi có Hành thực thì
có tái sinh, đem lại nguy hiểm. Khi có Thức thực thì
có kiết sinh (nối kết với sự tái sinh), đem lại nguy hiểm.
Trong kinh ví dụ chúng ta phải nhờ thức ăn đoàn thực để
nuôi thân xác nầy chẳng khác gì một người phải ăn thịt
con mình để vượt qua bãi sa mạc hoang vu. (Tương ưng II,
98)
Một người muốn tu
tập
quán bất tịnh về thức ăn, cần phải học thuộc đề mục
thiền nầy, rồi tìm một nơi vắng vẻ, sống độc cư, để
quán tưởng 10 khía cạnh bất tịnh của thức ăn sau đây:
Ra đi, tìm kiếm, sử dụng, sự tiết lậu, chỗ chứa, vật
không tiêu hóa, vật được tiêu hóa, kết quả, sự tuôn
ra, sự vấy bẩn.
Một người dù đã
xuất
gia, sống trong một giáo pháp cao cả, vẫn phải cần đến
thức ăn để duy trì đời sống. Do vậy, người ấy hằng
ngày tay cầm bát đi lang thang từ nhà này đến nhà khác như
một kẻ ăn mày, để nhận lấy thức ăn từ những thí chủ
hảo tâm. Nhưng đến lúc sử dụng, thức ăn đã mất hết
màu sắc và hương vị nguyên sơ của nó. Thức ăn ấy khi
nuốt khỏi cổ, các dịch vị sẽ tiết ra để tiêu hóa
nó, bấy giờ nó đã trở thành một thứ đáng buồn nôn. Nơi
chứa đựng nó chẳng khác gì một thùng chứa phân đã 10 năm,
hoặc 6, 7 mươi năm không rửa, nếu người ấy sống đến
70 -80 tuổi. Thức ăn ấy nếu không được tiêu hóa, trộn
lẫn với những thức ăn còn lại hôm trước, trở thành một
thứ đáng gớm ghiếc, và là nguyên nhân gây ra bệnh hoạn.
Nhưng nếu nó được tiêu hóa, nó sẽ sản xuất ra đủ thứ
dơ dáy gồm tóc, lông, răng, móng v.v... Khi được nuốt vào,
nó vào bằng một cửa nhưng khi tuôn ra, nó thoát ra bằng
nhiều cửa, nói đúng hơn là thoát ra bằng cả 9 cửa (cửu
khiếu). Khi nuốt vào, nó được nuốt cùng với một đám
đông tụ họp vui vầy, nhưng khi tuôn ra, nó được bài tiết
trong quạnh quẽ cô đơn. Vào lúc sử dụng nó, hành giả
làm bẩn tay, môi, lưỡi, và những thứ nầy trở nên gớm
ghiếc, vì dính đầy thức ăn. Ðó là tóm tắt về 10 tính
chất bất tịnh của thức ăn mà luận chủ đã quảng diễn
khá phong phú.
Khi hành giả vận
dụng
tầm và tứ quán sát 10 khía cạnh bất tịnh như trên, thì
tính chất đáng ghê tởm của thức ăn hiện rất rõ nơi hành
giả. Nhờ đó, tâm hành giả sẽ dễ dàng tập trung ở định
cận hành. Và nếu chưa chứng được mục tiêu bất tử
trong đời nầy, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một thiện
thú tốt đẹp.
B. BỐN ÐẠI CHỦNG
Những kinh chuyên
trình
bày về 4 đại gồm có các kinh chủ yếu sau đây: Kinh Ðại
niệm xứ (Mahàsatipatthàna, D. II, 294), Tượng tích dụ đại
kinh (Mahàhatthipàdùpamà, M. I, 184), Kinh Giáo giới La Hầu La
(Ràhulovàda, M. I. 421) và kinh Giới phân biệt (Dhàtuvibhanga,
M. III, 240).
Kinh Ðại Niệm xứ
dành cho hạng người lợi căn, trình bày vắn tắt phương
pháp thiền quán 4 đại chủng như sau: "Nầy các Tỳ
kheo, như một đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ
tể, sau khi giết một con bò, và ngồi ở ngã tư đường, xẻ
nó ra thành từng miếng, cũng vậy, một Tỳ kheo quán sát
thân nầy, dù đặt như thế nào, sử dụng như thế nào cũng
chỉ gồm có 4 đại: Trong thân nầy, đây là địa đại, thủy
đại, hỏa đại và phong đại". (D. II, 294).
Một cư sĩ hay một
Tỳ
kheo khi chưa tu tập phương pháp phân tích về tứ đại, thì
thường thấy bản thân mình là một con người, một chúng
sinh hay một tự ngã; nhưng khi Tỳ kheo ấy đã
phân tích thân nầy cặn kẽ, thì cái tưởng về chúng
sinh sẽ biến mất, mà chỉ còn thấy một khối vật chất
gồm 4 đại chủng mà thôi.
Ngoài bản kinh kể
trên mô tả vắn tắt dành cho hạng người lợi căn, ba kinh
còn lại trình bày tương đối tỉ mỉ về 4 đại, dành cho
hạng người bình thường, như kinh Giới Phân biệt mô tả:
"Nầy chư hiền, thế nào là địa đại ở bên
trong? - Bất cứ cái gì ở nội thân thuộc cá nhân, thô
phù kiên cứng, bị chấp thủ, như tóc, lông, răng, móng,
da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô,
lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, và bất cứ
vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù,
kiên cứng, bị chấp thủ, đây gọi là nội địa giới
(M. I.185).
"Và chư hiền, thế
nào là thủy giới ở bên trong? Cái gì thuộc nội
thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị
chấp thủ như mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, mở da, nước
mắt, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, và nước
tiểu, và bất cứ thứ gì khác thuộc nội thân, thuộc cá
nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, đây
gọi là nội thủy giới (M. I. 187)
" Và chư hiền, thế
nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc
cá nhân, thuộc lửa thuộc chất nóng, bị chấp thủ, cái
gì khiến cho thân thể nóng lên, thiêu đốt, biến hoại, cái
gì khiến cho những vật được ăn uống, nhai nếm có thể
khéo tiêu hóa, hay tất cả những gì khác thuộc nội thân,
thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ;
đây gọi là nội hỏa giới (M. I. 188).
" Và này chư hiền,
thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội
thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc về động tánh, bị
chấp thủ, nghĩa là gió thổi lên, gió thổi xuống, gió
trong bụng, gió trong ruột, gió thổi qua các chân tay, hơi thở
vô, hơi thở ra, hay bất cứ cái gì khác thuộc nội thân,
thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ,
đây gọi là nội phong giới (M. I. 188).
Ðối với những người
lợi căn thì có thể quán sát về tứ đại ngay trong mình
như sau: "Trong thân nầy, cái gì thuộc chất cứng, thô
là Ðịa đại (giới). Cái gì thuộc chất lỏng, chảy
được, làm cho dính liền, là Thủy đại; Cái gì làm
cho chín, làm cho nóng, là Hỏa đại; Cái gì duy trì
hay chuyển động là phong đại". Nghĩa là quán
thân nầy như là tứ đại mà thôi, chứ không phải là một
chúng sinh, và không có tự ngã.
Khi hành giả nỗ lực
bằng cách đó, thì không bao lâu định cận hành sẽ sinh khởi,
được tăng cường bởi tuệ, soi sáng sự phân loại của
các đại chủng, nhưng chưa đạt đến định an chỉ, vì
các đối tượng của nó là những đặc tính cá biệt.
Thế nhưng, nếu hành
giả là hạng người thuộc căn cơ bình thường, thì nên tu
tập đề mục thiền nầy theo 4 cách: 1. Lược thuyết các
thành phần; 2. Quảng thuyết các thành phần; 3. Lược thuyết
về các đặc tính; 4. Quảng thuyết về các đặc tính.
1. Lược
thuyết về các
thành phần (các thành
phần
nầy sẽ nói rõ ở phần Quảng thuyết):
Ở đây hành giả phân
tích ngắn gọn như sau: "Cái gì có tính chất kiên cứng,
thuộc địa đại, gồm có 20 thành phần. Cái gì có
tính chất dính liền thuộc thủy đại, gồm 12 thành
phần; Cái gì làm cho chín, thuộc hỏa đại, gồm có
4 thành phần; Cái gì có tính chất duy trì, thuộc phong đại,
gồm có 6 thành phần". Như vậy, toàn bộ tứ đại gồm
có tất cả 42 thành phần.
Khi hành giả phân
tích
chúng như vậy, chúng sẽ trở nên rõ rệt, và nhờ tác ý
nhiều lần định cận hành sẽ khởi lên nơi hành giả.
2. Quảng thuyết về
các thành phần:
Hành giả khi phân
tích
về 4 đại chủng nên dùng 32 vật bất tịnh làm đối tượng
để phân tích. Nhưng điểm khác nhau là ở đây phân tích
32 vật nầy về phương diện đại chủng, còn ở chướng
VIII, phân tích 32 vật nầy về phương diện bất tịnh.
Trong 32 vật này địa đại gồm có 20 thành phần:
tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận,
tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột non, ruột già,
bao tử, phân, não. Thủy đại gồm có 12 thành phần:
Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, mỡ nước, nước mắt,
nước dãi, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu.
Cùng lúc hành giả
tác
ý đến các vật bất tịnh tóc, lông v.v..., cần phải chú
tâm đến 4 thành phần thuộc Hỏa đại của chúng như
sau: cái làm cho nóng, cái làm cho chín, cái làm cho biến đổi
và cái làm cho tiêu hóa. Ðồng thời cũng tác ý đến thân
thể qua 6 thành phần thuộc phong đại sau đây: Sự
chuyển động đi lên, sự chuyển động đi xuống, sự chuyển
động trong bụng, sự chuyển động trong ruột, sự chuyển
động ngang qua tứ chi và hơi thở vô hơi thở ra. Ðó là
cách chú tâm về phong đại theo 6 thành phần:
3. Lược thuyết về các đặc tính:
Nếu đã tác ý về
các thành phần của tứ đại như trên, mà chưa đạt được
mục đích thì hành giả hãy tác ý một cách tóm lược về
các đặc tính của chúng nhu sau: Cái gì có tính chất cứng
là thuộc Ðịa đại, cái gì có tính chất dính liền
là thuộc Thủy đại, cái gì có tính chất làm cho
chín là thuộc Hỏa đại, cái gì có tính chất bành
trướng là thuộc phong đại. Ðó là nói sơ lược về
các đặc tính của 4 đại.
4. Quảng thuyết về
các
đặc tính:
Nhưng nếu đề mục
thiền ấy vẫn chưa đạt được thành công thì hành giả
hãy tác ý một cách tỉ mỉ theo 13 cách sau đây: a. Về ý
nghĩa danh từ; b. Theo từng nhóm; c. Bằng những vi tế; d. Do
đặc tính; đ. Do sự phát sinh; e. Về khía cạnh dị đồng;
g. Về tính chất khả phân và bất khả phân; h. Về giống
và khác; i. Về phân định trong ngoài; k. Về sự bao gồm;
l. Về điều kiện; m. Về sự thiếu phản ứng tâm thức;
n. Về sự phân tích các duyên (điều kiện).
a. Về
phương diện
ý nghĩa: Nếu nói một
cách tổng quát thì 4 đại chủng đều là giới (dhàtu)
mang tính chất đau khổ. Nhưng nói theo cách phân biệt thì
cái gì trải ra gọi là địa; cái gì trôi chảy gọi
là thuỷ; cái gì làm cho nóng, gọi là hoả;
cái gì chuyển động gọi là phong.
b. Theo
từng nhóm:
Trong 32 vật bất tịnh được chia thành 2 nhóm, nhóm địa
đại gồm 20 thành phần và nhóm thủy đại gồm 12 thành
phần.
c. Bằng
những vi thể:
Trong thân ta, địa đại
kể như đã nghiền thành bụi nhỏ như cỡ vi trần; nó
được kết hợp với thủy đại, được duy trì bằng hỏa
đại, và được tăng trưởng nhờ phong đại.
d. Về đặc
tính:
Ðịa đại có đặc tính cứng; Thủy đại có
đặc tính chảy; Hỏa đại có đặc tính nóng;
và phong đại có đặc tính bành trướng.
đ. Về
nguồn gốc phát
sinh: Trong 32 vật gồm
địa
đại và thủy đại là do thời sinh và tâm sinh; hỏa
đại làm tiêu hóa thức ăn, là nghiệp sinh; phong đại,
tức hơi thở là tâm sinh.
e. Về khía
cạnh dị
đồng: Bốn đại chủng
tuy đặc tính, nhiệm vụ và tướng trạng khác nhau, nhưng
chúng cùng có chung một đặc tính là thuộc về sắc
pháp.
g. Về tính
khả phân
và bất khả phân: Bốn
đại có thể phân tích riêng theo đặc tính của chúng, đó
là tính khả phân; nhưng chúng cùng gồm chung trong 4 phương
diện là: màu, mùi, vị và dưỡng chất, đó là tính bất
khả phân.
h. Về
phương diện
giống và khác: Mặc dù
chúng cùng chung là sắc pháp nhưng 2 đại địa và thuỷ
có tính nặng, 2 đại hỏa và phong có tính nhẹ.
Ðó là chỗ khác nhau của chúng.
i. Về phân
định
trong ngoài: Bốn đại ở
nội giới làm cơ sở cho thức tồn tại, còn 4 đại ở
ngoại giới thì làm đối tượng cho thức nhận biết.
k. Về sự
bao gồm:
Ðịa đại do nghiệp sinh được gồm chung với những
đại do nghiệp sinh khác. Cũng thế, những đại
do thức sinh được gồm chung với nhau.
l. Về
phương diện
điều kiện: Ðịa đại
được giữ lại nhờ nước, được duy trì bởi
lửa, và bành trướng nhờ phong. Như vậy, các
đại đều là nhân duyên cho nhau, đại nầy làm điều kiện
cho đại khác tồn tại.
m. Về sự
thiếu phản
ứng ý thức: Ðịa đại
không biết "ta là địa đại", hoặc "ta là
điều kiện cho các đại khác tồn tại". Ðó là tính
chất không có phản ứng ý thức của chúng.
n. Về sự
phân tích
các duyên (điều kiện):
có 4 duyên cho 4 đại chủng, đó là: nghiệp, thức, dưỡng
chất, và nhiệt độ (thời tiết). Nghiệp là sanh
duyên cho những gì do nghiệp sanh, và là thân y duyên cho
những
cái còn lại. Thức là sanh duyên cho những gì do thức
sanh, và là hậu sanh duyên, hữu duyên, bất ly khứ duyên
cho những thứ còn lại. Dưỡng chất và Nhiệt độ
cũng tương tự như 2 loại trên.
LỢI ÍCH CỦA PHÁP
MÔN
NÀY
Vị Tỳ kheo chuyên
phân tích về 4 đại thì dễ thấu hiểu được tính không
của các pháp, do đó có thể đoạn trừ được cái tưởng
về chúng sinh, về tự ngã, nhiếp phục được sự sợ hãi,
dứt được niệm ưa ghét. Nếu không đạt được Niết bàn
hiện tại, thì cũng hướng đến một thiện thú tốt đẹp
trong tương lai. Vị nầy thường có được 5 việc lợi ích
sau đây: An trú trong giới luật của bậc thánh; trí tuệ
khai phát, thấy đúng chân tướng của các sự vật; có thể
đạt được thần túc thông, như một thân hiện ra nhiều
thân; bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp sau khi tái sinh
trong cõi dục giới, hoặc sinh vào phạm thiên giới; có thể
đạt được diệt thọ tưởng định ngay trong hiện tại.
Ðó là 5 lợi ích của một người tu tập về pháp môn
phân tích 4 đại chủng.
-ooOoo-
CHƯƠNG XII - ÐỊNH
-
CÁC THẦN THÔNG
1. THẦN TÚC THÔNG
Sau phần mô tả về 4
đại chủng là nói về các loại thần thông. Ở đây, trước
hết bàn về Thần túc thông.
Hành giả muốn thực
hiện các năng lực thần thông cần phải hoàn tất 8 thiền
chứng về các đề mục thiền khởi từ đề mục đất và
cuối cùng là đề mục màu trắng. Ðồng thời vị ấy còn
phải tăng trưởng 6 pháp sau đây: Tăng cường Tín, để
tâm khỏi dao động; tăng cường Tấn để tâm khỏi
giải đãi; tăng cường Niệm để tâm khỏi lơ đễnh
(thất niệm); tăng cường Ðịnh, để tâm khỏi trạo
cử; tăng cường Tuệ, để tâm khỏi mê muội; tăng
cường Quán chiếu, để tâm khỏi bị lung lạc (bởi
phiền não). Ðó là 6 pháp hỗ trợ làm cho tâm trở nên bất
động.
Ngoài ra, còn có 8
pháp
khác dùng để yểm trợ thần thông như sau: Tâm được định
tĩnh nhờ định tứ thiền; tâm được thuần tịnh
nhờ tách rời các triền cái, tâm được trong sáng nhờ
vượt qua tầm; tâm không lỗi lầm nhờ không có các
ác dục; tâm được vô nhiễm nhờ các cấu uế biến
mất, tâm được nhu nhuyến nhờ sự tự chủ; tâm dễ
sử dụng nhờ có quyết tâm; tâm vững chắc nhờ
sự tu tập đã viên mãn.
Thông thường bản
luận
xếp các thứ thần thông (thành công) thành 10 loại, như
sau: 1, Thần thông do quyết định; 2. Thần thông bằng biến
hóa; 3. Thần thông bằng thân ý sinh; 4. Thần thông bằng sự
can thiệp của trí; 5. Thần thông bằng sự can thiệp của
định; 6. Thần thông của các thánh giả; 7. Thần thông do
nghiệp; 8. Thần thông do công đức; 9. Thần thông do kỹ thuật;
10. Thần thông do nỗ lực đúng. Ðó là 10 loại thần
thông.
1. Thần thông do
quyết
định: chẳng hạn hành giả quyết định biến một thân
mình thành ra cả trăm, nghìn thân.
2. Thần thông do
biến
hoá: Hành giả từ bỏ hình dáng thông thường và biến
thành một cậu bé hay một con rắn.
3. Thần thông do
thân ý sinh: Hành giả dùng mãnh lực của tâm tạo ra một
thân người theo ý đồ của mình.
4. Thần thông do
sự
can thiệp của trí: Hành giả vận dụng trí tuệ đoạn
trừ các lậu hoặc, đắc A La hán quả, đó là thần thông
do trí can thiệp.
5. Thần thông do
sự
can thiệp của định: Như trường hợp tôn giả Xá lợi
Phất đang ngồi nhập định ngoài trời vào lúc đêm trăng,
bỗng có một ác quỉ đến đánh vào đầu tôn giả vang tiếng
như sấm nổ, nhưng tôn giả chẳng hề hấn gì cả. Ðó là
thần thông do định can thiệp.
6. Thần thông
của
các bậc thánh: Hành giả có tâm thản nhiên đối với
những gì đáng ghê tởm mà không ghê tởm, đó là thần
thông của thánh giả.
7. Thần thông do
quả
báo của nghiệp: Như trường hợp chư thiên hay các loài
chim bay đi trong không trung, đó là thần thông do nghiệp.
8. Thần thông do
công đức: Như trường hợp Chuyển luân Vương du hành tự
tại trong không gian, đó là thần thông do những công đức.
9. Thần thông do
kỹ
thuật: Như trường hợp những thầy phù thủy dùng bùa
chú có thể bay đi trong không trung, đó là thần thông do kỹ
thuật.
10. Thần thông
do nỗ
lực đúng: Như hành giả nỗ lực tu tập mà đạt được
giải thoát, hay bất cứ người học nghề gì, do nỗ lực tối
đa mà học tập thành nghề; đó là thần thông do nỗ lực
đúng đắn.
Trong 10 loại thần
thông
kể trên, chỉ có thần thông do quyết định, do biến hóa
và thân ý sinh là thực sự được gọi là thần thông
mà thôi.
Bây giờ, để trình
bày về những phương diện khác nhau của loại thần túc
thông nầy, ở đây, nên trích dẫn một đoạn kinh văn như
sau: "Vị ấy một thân hóa thành nhiều thân, nhiều
thân trở thành một thân. Vị ấy hiện ra rồi biến mất,
hoặc đi ngang qua tường, qua vách núi, qua những chỗ kín
bít không bị trở ngại như qua hư không. Vị ấy độn thổ
rồi trồi lên mặt đất như thể là ở trong nước; hoặc
đi trên nước như đi trên đất. Vị ấy ngồi kiết già
mà đi trên hư không như con chim, với bàn tay, vị ấy sờ
chạm mặt trăng, mặt trời, và những vật có đại oai lực
như thế. Vị ấy thực hiện việc làm chủ thân xác cho đến
tận Phạm thiên giới". (D I, 77)
Muốn thực hiện được
các phép thần thông trên đây, hành giả trước hết phải
hoàn tất các vấn đề sau: 1. Bốn cấp thiền; 2. Bốn yếu
tố căn bản; 3. Tám bước; 4. Mười sáu trợ duyên và; 5.
Trí quyết định.
1. Về 4 cấp
thiền:
như tôn giả Xá lợi Phất đã trình bày: "Sơ thiền, cõi
phát sinh do viễn ly; Nhị thiền, cõi của hỉ và lạc; Tam
thiền, cõi của xả và lạc; Tứ thiền, cõi của không lạc
không khổ. Bốn cõi nầy của Thắng trí đưa đến sự chứng
đắc các thần thông". (D. II. 205)
2. Bốn yếu tố
căn
bản: Ðịnh do dục và sự quyết tâm; định do tinh
tấn và sự quyết tâm; định do thanh tịnh tự nhiên
và sự quyết tâm; Ðịnh do trạch pháp và sự quyết
tâm.
3. Tám bước:
Y
chỉ vào dục đạt được định, nhưng dục khác, định khác
(bước 1-2); y chỉ vào tinh tấn đạt được định, nhưng
tinh tấn khác, định khác (bước 3-4); y chỉ vào tâm (niệm)
đạt được định, nhưng tâm khác, định khác (bước 5-6);
y chỉ vào trạch pháp đạt được định, nhưng trạch pháp
khác, định khác (bước 7-8).
4. Mười sáu trợ
duyên: Tâm không chán nản nên không bị giải đãi làm
dao động. Tâm không mừng rỡ nên không bị trạo cử làm
dao động. Tâm không đam mê thì không bị tham dục làm dao
động. Tâm không oán ghét thì không bị ác ý làm dao động.
Tâm độc lập thì không bị tà kiến làm dao động. Tâm
không dính mắc thì không bị tham lam làm dao động. Tâm giải
thoát thì không bị ngũ dục làm dao động. Tâm không trói
buộc (vì cấu uế) thì không bị cấu uế làm dao động. Tâm
không còn rào ngăn thì không bị rào ngăn cấu uế làm dao
động. Tâm chuyên nhất thì không bị cấu uế sai biệt làm
dao động. Tâm tăng cường với tín, thì không bị nghi ngờ
làm dao động. Tâm tăng cường bởi tấn, thì không bị uể
oải làm dao động. Tâm tăng cường bởi niệm thì không bị
lơ đễnh làm dao động. Tâm tăng cường bởi định, thì
không bị tán loạn làm dao động. Tâm tăng cường bởi tuệ
thì không bị si mê làm dao động. Tâm quán chiếu thì không
bị bóng tối vô minh làm dao động. Ðó là 16 trợ duyên
đưa đến chứng đắc thần thông (Ps. II, 206).
5. Trí quyết
định:
Hành giả nhập thiền về phương diện thắng trí và xuất
thiền, rồi quyết định như sau: "Ta hãy biến ra 100, ta
hãy biến ra 100". Ðó là trí quyết định
Một thân biến thành
nhiều thân: Hành giả muốn thực hiện phép thần thông nầy
- hay các phép thần thông khác - cần phải vận dụng các
pháp trợ duyên đã kể trên, rồi dùng ý chí quyết định:
"Ta hãy biến ra nhiều thân.", rồi biến ra nhiều
thân. Ðó là trường hợp tôn giả Cùla-panthaka (Châu-lợi Bàn-đà),
như trong luận đã kể (Ps. II, 207). Tôn giả vốn tối dạ,
học cả 4 tháng trời mà không thuộc một bài kệ, người
anh thầy định đuổi thầy ra khỏi tu viện, đức Thế Tôn
thương tình, đưa thầy một miếng giẻ bắt thầy lau bụi.
Nhưng lau được một ít lâu, miếng giẻ trở thành màu
đen, Thầy nghĩ rằng: "Miếng vải vốn sạch, không có
gì quấy ở nó, chỉ có chấp ngã là sai lầm.", nhờ thế
thầy đắc thiền chứng, và đạt được thần biến, một
thân hiện ra nhiều thân.
Phép tàng hình -
làm
cho biến mất: Hành giả muốn thực hiện phép thần biến nầy
thì phải xuất khỏi thiền căn bản và tác ý như sau:
"Ánh sáng nầy hãy trở thành bóng tối", hoặc
"Vật không bị che khuất nầy phải bị che khuất".
Thế là vật ấy sẽ khuất dạng không ai còn trông thấy nữa.
Phép thần thông đi
ngang qua vách, qua tường, qua núi, không bị trở ngại như
đi trên hư không: Hành giả muốn thực hiện phép thần biến
nầy cần phải đắc thiền về biến xứ hư không và xuất
thiền, rồi tác ý đến bức tường, bức vách như sau:
"Hãy hiện ra hư không", thì nó sẽ thành hư không.
Tuy nhiên, nếu núi hay vách tường đó do một vị có thần
thông tạo ra trước, thì phép thần thông sau không thể hư
vô hóa nó được, mà phải đi tránh qua nó.
Phép thần thông độn
thổ, rồi trồi lên: Một hành giả muốn thực hiện phép nầy
thì phải đắc thiền về biến xứ nước, rồi xuất khỏi
thiền ấy, và quyết định rằng: "Ðất đai vùng nầy
hãy biến thành nước." Thế là đất đai vùng ấy đều
hóa thành nước, và vị nầy có thể lặn xuống, trồi lên
khỏi mặt đất như ở trong nước. Nhưng chỉ có vị nầy
làm được thế, còn những người khác vẫn phải đi bộ
trên đất ấy, vì đất vẫn nguyên trạng là đất.
Phép thần thông làm
cho nước đông cứng: Hành giả muốn thực hiện phép thần
biến nầy cần phải đắc thiền về biến xứ đất, rồi
xuất thiền, và quyết định: "Nước ở tại chỗ nầy
hãy biến thành đất.", thế là nước biến thành đất,
và vị nầy có thể đi trên đó. Hơn nữa, vị nầy còn có
thể biến nước thành ra ngọc, vàng, cây, đá v.v..., nếu vị
nầy muốn.
Phép thần thông bay
trên hư không: Hành giả muốn thực hiện phép nầy cần phải
đắc thiền về biến xứ đất, rồi quyết định: "Hãy
có đất", thế là đất hiện ra, và vị nầy có thể
du hành trên ấy, nhưng vị nầy phải là người đã đắc
thiên nhãn, để có thể tránh được những chướng ngại vật
như núi, cây v.v..., trên đường đi.
Phép thần thông
dùng
bàn tay rờ mặt trăng, mặt trời: Phép thần biến nầy thực
hiện được nhờ đắc thiền và tâm tự tại, chứ không cần
phải đắc thiền bằng một biến xứ nào đặc biệt. Vị
nầy tác ý đến mặt trời, mặt trăng, và quyết định với
trí: "Nó hãy ở trong tầm tay ta.", thế là mặt trăng,
mặt trời nằm ngay trong tầm tay, và vị nầy có thể dùng
tay sờ mặt trăng, mặt trời.
Phép thần thông nhỏ
biến thành lớn, lớn biến thành nhỏ: Con độc long
Nandopananda ỷ mình có thần thông, đã biến thành vật khổng
lồ nằm khoanh núi Tu Di 14 vòng, rồi tung bụi mù mịt để
gây trở ngại đoàn du hành có đức Phật và Thánh chúng.
Do đó Phật đã bảo tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần lực
hàng phục nó. Cuối cùng, nó đã bị chinh phục, và xin quy
y Phật.
Phép thần thông rút
hay tăng đường đất - làm cho xa trở thành gần hay gần
thành xa: Hành giả muốn thực hiện phép nầy cần phải là
người đã làm chủ được thân xác, và nếu muốn đi đến
cõi Phạm thiên, liền quyết định: "Cõi Phạm thiên
hãy đến gần đây." thế là nó đến gần. Hoặc đối
với một chỗ rất gần nếu muốn nó xa, liền quyết định:
"Chỗ này hãy cách xa ra", thế là chỗ ấy cách xa
đến một mức độ mà hành giả muốn.
Phép thần thông
biến
ít thành nhiều: Tôn giả Mục Kiền Liên đã thực hiện
phép nầy như kinh Bổn Sinh đã kể (Ja. I, 348). Có khi, đức
Thế Tôn cũng từng biến một tô cháo, đủ cho cả Tăng chúng
dùng một bữa no nê.
Ngoài ra, còn có
các
phép thần thông như biến nặng thành nhẹ, biến nhẹ thành
nặng, hoặc biến mình thành một con voi hay một em bé, như
trường hợp Ðề Bà Ðạt Ða đã làm (Vin. II, 185).
Chương XII nầy bàn
về
Thần túc thông, đến đây là kết thúc.
-ooOoo-
CHƯƠNG XIII -
ÐỊNH -
CÁC THẦN THÔNG (tiếp theo)
2. THIÊN NHĨ THÔNG
Bây giờ đến lượt mô
tả về Thiên nhĩ thông, ta có thể dẫn đoạn kinh sau đây
làm căn cứ: "Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Thiên
nhĩ thông. Với Thiên nhĩ thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy
nghe cả 2 loại âm thanh, âm thanh của Chư thiên và âm thanh
của loài người, xa cũng như gần." (D. I, 79)
Thiên nhĩ
thông:
tức tai giống như tai của chư Thiên, vì chư thiên có khả
năng nghe được một đối tượng âm thanh dù cách rất xa,
do họ đã giải thoát khỏi các cấu uế.
Thuần tịnh:
Thiên nhĩ nầy hoàn toàn trong sạch, không có cấu uế.
Siêu nhân:
vượt khỏi phạm vi của loài người. Hành giả muốn thực
hiện phép thần thông nầy cần phải đạt được thiền chứng
căn bản về thắng trí, rồi xuất định và tác ý đến các
âm thanh thô ở xa mà tầm tai có thể nghe được, như tiếng
chuông, tiếng trống trong tu viện, hay tiếng sư tử trong rừng
sâu. Thế rồi, vị ấy tuần tự tác ý đến những loại
âm thanh vi tế, xa xôi ở 4 phương trời. Bấy giờ diễn tiến
4 hoặc 5 Tốc hành tâm xảy ra. Ba hay 4 tâm đầu là
giai đoạn chuẩn bị gồm có tâm cận hành, tâm thuận thứ,
và tâm chuyển tánh thuộc dục giới, còn tâm thứ
tư hay thứ 5 là tâm an chỉ thuộc thiền thứ tư ở Sắc
giới. Hành giả định giới hạn từ một tu viện, đến một
khu làng, dần dần đến cả thế giới hay xa hơn nữa, tất
cả âm thanh trong phạm vi ấy đều nghe được, nếu hành giả
tác ý đến nó. Ðây là cách hành giả nới rộng tâm thiên
nhĩ từng phạm vi.
3. THA TÂM THÔNG
Giải thích về Tha
tâm
thông, kinh văn viết như sau: "Vị ấy dẫn tâm, hướng
tâm đến Tha tâm thông. Vị ấy dùng tâm của mình thâm nhập
vào tâm của các chúng sinh khác, và hiểu chúng như sau: - Tâm
có tham biết là tâm có tham; tâm không tham biết là tâm
không tham; tâm có sân biết là tâm có sân; tâm không sân biết
là tâm không sân; tâm có si biết là tâm có si; tâm không
có si biết là tâm không có si; tâm chật hẹp biết là tâm
chật hẹp; tâm tán loạn biết là tâm tán loạn; tâm đại
hành biết là tâm đại hành; tâm không đại hành biết là
tâm không đại hành; tâm hữu thượng biết là tâm hữu thượng;
tâm vô thượng biết là tâm vô thượng; tâm định tĩnh biết
là tâm định tĩnh; tâm không định tĩnh biết là tâm không
định tĩnh; tâm giải thoát biết là tâm giải thoát; tâm
không giải thoát biết là tâm không giải thoát."
(D.I,79). Ðó là 16 loại tâm thông thường của các chúng
sanh.
Tha tâm thông nầy
sinh
khởi được là nhờ có sự trợ giúp của Thiên nhãn
thông, và có thể thấy được máu trong tim của các chúng
sinh đang hiện hữu. Nếu tâm của chúng sinh đó đang hoan hỉ,
thì máu có màu đỏ; nếu tâm đang ưu sầu thì máu có màu
hơi đen; nếu tâm an tịnh, thì máu có màu trong như dầu mè.
Do quan sát như vậy mà thấy rõ tâm trạng của chúng sinh.
Chỉ khi Tha tâm
thông
được củng cố như thế, tâm hành giả mới dần dần biết
được tâm trạng của chúng sinh ở cõi Sắc và Vô sắc mà
không cần phải xem máu trong tim nữa.
Ở đoạn văn trích
dẫn
có mấy từ sau đây cần phải giải thích: Tâm đại hành
là tâm thuộc phạm vi Sắc giới và Vô sắc giới. Tâm
không đại hành tức ngược lại tâm trên. Tâm hữu
thượng là tâm thuộc về 3 cõi. Tâm vô thượng là
tâm siêu thế - vượt ngoài 3 cõi. Tâm định tĩnh là
tâm đạt được định cận hành và định an chỉ. Tâm
không định tỉnh là tâm không đạt cả 2. Tâm giải
thoát là tâm đạt đến một trong 5 thứ giải thoát sau:
Giải thoát bằng sự thay thế pháp đối lập (nhờ tuệ quán);
giải thoát nhờ sự đàn áp các pháp chướng ngại (nhờ định);
giải thoát bằng sự đoạn trừ các chướng ngại (nhờ đạo
lộ); giải thoát bằng sự an tịnh (nhờ quả chứng); giải
thoát bằng sự từ bỏ (nhờ đạt được Niết bàn). Tâm
không giải thoát là tâm chưa đạt được bất cứ giải
thoát nào trong 5 loại trên.
4. TÚC MẠNG THÔNG
Ðể giải thích về
Túc mạng thông, kinh văn viết: "Vị ấy dẫn tâm, hướng
tâm đến Túc mạng thông, nhớ đến nhiều đời trước của
mình, đó là: một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm
đời, 10 đời, 20 đời, 30 đời, 40 đời, 50 đời, 100 đời,
1000 đời, 100. 000 đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp,
nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ tại chỗ kia
ta có tên như thế, chủng tộc như thế, tướng mạo như thế,
đồ ăn như thế, thọ khổ lạc như thế, tuổi thọ như thế.
Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ, tại
đây, ta có tên như thế, chủng tộc như thế, tướng mạo
như thế, ăn uống như thế, tuổi thọ như thế. Sau khi chết
tại chỗ nọ, ta được sinh ra ở đây. Như vậy, vị ấy
nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, cùng với các nét đại
cương và chi tiết". (D. I. 81)
Túc mạng
thông
hay Túc mạng trí là cái trí nhớ lại những đời quá
khứ. Trong trường hợp nhớ lại các đấng Giác ngộ trong
quá khứ đã cắt đứt dòng luân hồi, thì chỉ có các đấng
Giác ngộ mới làm được. Có 6 hạng người nhớ đời quá
khứ, đó là: Ngoại đạo; đệ tử thường; đệ tử trẻ
xuất sắc; đại đệ tử; Ðộc giác; Phật.
Ngoại đạo chỉ nhớ
40 kiếp về trước, không thể xa hơn nữa, vì trí tuệ họ
yếu ớt. Những đệ tử thường nhớ đến 100 kiếp hay
1000 kiếp; vì trí tuệ họ mãnh liệt. Hạng đệ tử trẻ
xuất sắc cũng thế. Nhưng các đại đệ tử nhớ được
trăm nghìn kiếp hay một vô số kiếp về trước. Các bậc
Ðộc giác nhớ được trăm nghìn kiếp và 2 vô số kiếp về
trước. Còn với chư Phật thì trí nhớ không có giới hạn.
Bản luận nêu ví dụ:
Cái thấy của ngoại đạo như lửa đom đóm;
cái thấy của phàm phu như ánh đèn cầy; cái thấy của
đệ tử xuất sắc như bó đuốc; cái thấy của
đại đệ tử như sao mai; của Ðộc giác như
mặt trăng; của chư Phật như muôn ngàn tia
sáng mặt trời vào mùa thu quang đãng.
Một Tỳ kheo mới tu
tập
muốn nhớ lại đời sống quá khứ theo cách trên, cần phải
đi vào độc cư, tuần tự nhập 4 thiền và xuất thiền thứ
tư thuộc căn bản thắng trí. Rồi vị ấy hướng tâm đến
hành vi gần nhất của mình như lúc mới ngồi xuống, và
đi ngược về quá khứ như các việc làm hôm qua, tháng trước,
năm trước, v.v.. cho đến một đời, nhiều đời, hoại kiếp
và thành kiếp, với những nét đại cương và chi tiết.
Về hoại kiếp
có 3 loại tai nạn là hỏa tai, thủy tai, và phong tai. Ðó gọi
là tam tai. Ba loại tai họa nầy lần lượt xuất hiện để
hủy diệt thế giới. Ðầu tiên là hỏa tai nổi lên, từ một
mặt trời lần lần đến 2 mặt trời xuất hiện rồi đến
7 mặt trời xuất hiện cùng lúc, thiêu hủy thế giới đến
hết cõi Sơ thiền, và dừng lại ở Nhị thiền. Thế rồi
thủy tai nổi lên phá hủy đến cõi Nhị thiền và dừng lại
ở Tam thiền. Sau đó phong tai xuất hiện, phá hủy hết cõi
Tam thiền và dừng lại ở Tứ thiền. Thoạt tiên liên tiếp
khởi 7 trận hỏa tai, tiếp theo có một trận thuỷ tai nổi
lên. Thuỷ tai nầy lập lại tới 7 lần thì đến trận
phong tai. (Luận Câu xá q. 12: Theo bản luận cho biết khi tham
dục quá cường thịnh thế giới sẽ bị hủy hoại bởi thủy
tai. Khi sân hận quá cường thịnh thì thế giới sẽ bị hủy
hoại bỡi hỏa tai, và khi si mê quá cường thịnh thì thế
giới bị hủy hoại bởi phong tai)
Ở đây thiết tưởng
nên giảng rõ chữ kiếp để làm sáng tỏ vấn đề trên. Kiếp
(kalpa) gồm có 3 loại: Tiểu kiếp, trung kiếp, và đại
kiếp. Tiểu kiếp: Lấy đời sống của nhân loại ở
mức độ 10 tuổi mà khởi sự, cứ qua 100 năm thì đời sống
thêm một tuổi, cho đến lúc đời sống con người được
84.000 năm; đó là kiếp tăng. Rồi bắt đầu con người từ
84.000 tuổi, cứ qua 100 năm thì đời sống giảm một tuổi
cho đến lúc đời sống con người chỉ còn 10 tuổi; đó
là kiếp giảm. Một lần kiếp tăng và một lần kiếp giảm
như vậy được kể là một Tiểu kiếp, gồm có
16.800.000 năm. Trung kiếp: Lần lượt đủ hai mươi tiểu
kiếp được kể là một trung kiếp, gồm có (16.800.000 x 20
=) 336.000.000 năm. Ðại kiếp có 4 trung kiếp. Trải qua
Trung kiếp thứ nhất gọi là thành kiếp; trải qua
trung kiếp thứ nhì, gọi là trụ kiếp; trải qua trung
kiếp thứ ba gọi là Hoại kiếp; trải qua trung kiếp
thứ tư gọi là Không kiếp. Như vậy một Ðại kiếp
gồm có 4 giai đoạn là: thành, trụ, hoại và không,
và thời gian là (336.000.000 x 4 =) 1.344.000.000 năm. (Phật Học
từ điển, mục từ Kiếp)
Về Thành kiếp:
Sau một thời gian dài, đất bắt đầu xuất hiện. Nó có
màu sắc và mùi vị như lớp ván trên mặt nồi cơm vừa cạn.
Rồi những chúng sinh ở cõi trời Quang Âm, do hết phước và
mạng chung, liền sinh đến đó. Chúng tự phát sáng, và du
hành trong hư không. Thế rồi, nghe mùi đất thơm hấp dẫn,
chúng nếm thử và thấy thích thú, nên ăn chất đất ấy càng
lúc càng nhiều, do đó, ánh sáng của chúng tan biến. Vì vậy
mặt trời xuất hiện; sau đó là mặt trăng và tinh tú xuất
hiện. Từ đó hình thành thời gian, ngày đêm, tháng năm và
thời tiết. Kế đến là núi non, sông biển và ngũ cốc xuất
hiện.
Những chúng sinh sử
dụng
chất đất đầu tiên ấy, dần dần một số trở nên đẹp
đẽ, một số xấu xí. Người đẹp khinh bỉ người xấu,
do đó, chất đất tinh túy kia biến mất, và từ đất mọc
lên một thứ cỏ, cây leo, lúa không có trấu cám. Rồi một
ngọn lửa tự nhiên nấu chín lúa ấy thành cơm, có mùi thơm
ngon, và chúng sinh dùng thứ cơm ấy. Do đó, nước tiểu và
phân xuất hiện, dần dần nam căn và nữ căn xuất hiện. Vì
có hình thức nam nữ khác nhau nên nam giới nghĩ tưởng nữ
giới, nữ giới nghĩ tưởng nam giới. Do khoảng thời gian dài
nghĩ tưởng về nhau, nên cơn sốt nhục dục sinh khởi, vì
thế chúng bắt đầu hành lạc. Thấy cảnh hành lạc công
khai chướng mắt, nên những người trí chỉ trích và trừng
phạt những kẻ ấy. Từ đó, chúng bắt đầu xây nhà với
mục đích che đậy những việc xấu kia, đồng thời dùng
làm chỗ cất chứa thức ăn. Bấy giờ lúa sinh ra cám và trấu,
và chúng phải đi lấy phần hằng ngày để về dùng. Do vậy
chúng dựng lên những ranh giới để chia phần cho mỗi cá
thể. Tuy thế, có người tham lam, lấy phần của người khác,
vì vậy mà thành ra có sự ăn trộm. Do có sự trộm cắp,
chúng bèn hội nhau lại, bầu ra một người lãnh tụ để
giữ vai trò thưởng phạt, ổn định trật tự. Người đầu
tiên được mọi người bầu làm lãnh tụ trong thời kiếp
này chính là Ðức Thế Tôn. Vì Ngài được tất cả mọi
người trên thế gian nầy tín nhiệm, tôn kính, nên có danh
hiệu là Thế Tôn. Ngài cũng có danh hiệu là điền chủ
(khetta), lại được gọi là Sát đế lợi (Khettiya), tức
giai cấp chiến sĩ cao quí. Ngài đem lại lợi ích cho mọi
người một cách chính trực và công bằng, nên Ngài được
gọi là một vị vua (Ràjà). Sau đó là Bà la môn và những
giai cấp khác được tuần tự thành lập. (D. III. 85)
5. THIÊN NHÃN THÔNG
Giải thích về Thiên
nhãn thông này, kinh văn viết: "Vị ấy dẫn tâm, hướng
tâm đến trí biết về sự chết và tái sanh của chúng
sinh. Với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy
chúng sinh chết và sinh trở lại, chịu số phận hạ liệt
hay cao sang, đẹp hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh; vị ấy
biết hữu tình đi theo hạnh nghiệp của chúng: Những tôn
giả chúng sinh nầy tạo ác nghiệp về thân, về lời, và về
ý, phỉ báng các bậc Thánh, có tà kiến, tạo những nghiệp
theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, đã sinh vào cõi
dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục v.v... Còn những tôn giả
chúng sinh nầy, tạo những thiện nghiệp về thân,về lời
và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, có chánh kiến, tạo
những nghiệp theo chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung
đã sinh vào một thiện thú, thiên giới. Như vậy, với thiên
nhãn thuần tịnh siêu nhân vị ấy thấy chúng sinh chết và
tái sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ
thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp
của chúng". (D. I, 82)
Thiên nhãn:
mắt của chư thiên. Vì nhãn quang của chư thiên rất bén nhạy,
do thiện nghiệp phát sinh, nên có thể trông thấy một đối
tượng ở rất xa. Một tỳ kheo do tinh tấn tu hành, trong
tâm trí cũng phát sinh một thứ nhãn quang kỳ diệu như thế,
nên gọi là Thiên nhãn.
Hạ liệt:
bị khinh bỉ, bị miệt thị v.v... Vì chủng tộc thấp hèn;
do quả báo của si. Cao sang: Ngược lại hạ liệt,
do quả báo không si. Ðẹp: có một bề ngoài dễ
coi, khả ái, do quả báo của vô sân. Xấu: có một
bề ngoài khó ưa, khả ố, do quả báo của sân. May
mắn: đi đến một thiện thú, hoặc nơi giàu sang, do quả
báo không tham. Bất hạnh: đi đến một ác thú,
hoặc nơi nghèo hèn, do quả báo của tham lam. Hủy
báng các bậc thánh: Các bậc thánh gồm có Phật, Ðộc
giác, các đệ tử Thanh văn, hoặc những gia chủ đã chứng
Dự lưu quả. Hủy báng có 2 cách: hoặc là xúc phạm, khinh
miệt họ; hoặc là phủ nhận những công đức phẩm hạnh
của họ. Những ai đã hủy báng các vị ấy bằng một
trong 2 cách thì phải sám hối hoặc trực tiếp hoặc gián
tiếp đối với họ. Nếu không sám hối thì đạo lộ tu hành
sẽ bị chướng ngại.
Cõi dữ:
đồng nghĩa với địa ngục. Ðịa ngục: là cảnh giới
đau khổ cùng cực, đáng ghê sợ nhất .
Ác thú:
là chỗ trú ẩn của những đau khổ.
Ðọa xứ:
nơi những người phạm tà hạnh rơi vào đó. Thông thường
cõi dữ chỉ cho cảnh giới của loài súc sinh; ác
thú là cảnh giới của ngạ quỉ; đọa xứ là cảnh
giới của A tu la, nhưng cảnh giới nầy cũng có nghĩa là
cõi dữ và ác thú.
Thiện thú:
chỉ cho cảnh giới của nhân loại, còn cảnh giới của chư
thiên thì thường gọi là cõi trời.
Một hành giả muốn
thực
hiện phép Thiên nhãn thông cần phải tu tập thành tựu ba
biến xứ: biến xứ lửa, biến xứ màu trắng và biến xứ
ánh sáng. Nhưng biến xứ ánh sáng là tốt nhất.
TỔNG QUÁT:
Về loại Thần túc
thông (đã trình bày ở chương XII) liên hệ đến 7 thứ đối
tượng: đối tượng hữu hạn; đối tượng đại hành (cao
cả); đối tượng quá khứ; đối tượng hiện tại; đối
tượng vị lai; đối tượng bên trong; đối tượng bên
ngoài. Hữu hạn: nghĩa là thuộc lãnh vực Dục giới;
đại hành thuộc lãnh vực Sắc giới và Vô sắc giới;
bên trong là ngay trong thân mình; bên ngoài là ở
ngoài thân mình. Còn quá khứ, vị lai và hiện tại là khoảng
thời gian trước, sau và ngay lúc ấy.
Về loại Thiên nhĩ
thông
gồm có 4 đối tượng: đối tượng hữu hạn; đối tượng
hiện tại; đối tượng bên trong và đối tượng bên
ngoài. Vì nó lấy âm thanh làm đối tượng, mà âm thanh thì
có giới hạn, nên nó có một đối tượng hữu hạn.
Vì nó phát sinh từ những âm thanh đang hiện hữu, nên nó
có một đối tượng hiện tại.
Về Tha tâm thông
gồm
có 8 đối tượng: đối tượng hữu hạn; đại hành; vô lượng;
đạo lộ; quá khứ; hiện tại; vị lai; bên ngoài. Vào lúc
biết đạo và quả, nó có một đối tượng vô lượng.
Vì một người thường (phàm phu) không thể biết được tâm
của một bậc Dự lưu; một bậc Dự lưu không thể biết
được tâm của một bậc Nhất lai; và cứ thế lên đến A
la hán. Còn A la hán thì biết được tâm của tất cả. Vào
lúc trí lấy tâm của một đạo lộ làm đối tượng, nó
có một đối tượng đạo lộ.
Về Túc mạng thông
gồm
có 8 đối tượng: hữu hạn; đại hành; vô lượng; đạo lộ;
quá khứ; bên trong; bên ngoài; không thể phân loại. Vào
lúc nhớ lại các khái niệm như danh, tánh, trong quá khứ
thì trí ấy có một đối tượng không thể phân loại.
Ngoài ra những từ khác như đã giải thích ở trên.
Về Thiên nhãn
thông,
luận chủ chia thành 3 loại: trí biết sự chết và tái
sanh; trí biết vị lai; trí biết sở hành tùy theo nghiệp.
Trí biết sự chết và
tái sinh gồm có 4 đối tuợng: hữu hạn; hiện tại; bên
trong; bên ngoài.
Trí biết vị lai
tương
ứng với 8 đối tượng: hữu hạn; đại hành; vô lượng;
đạo lộ; vị lai; bên trong; bên ngoài; không thể xếp loại.
Trí biết sở hành
tùy
theo nghiệp tương ứng với 5 đối tượng: hữu hạn; đại
hành; quá khứ; bên trong; bên ngoài. Về ý nghĩa các từ,
xem những giải thích ở trên.
Theo quan điểm của
luận
chủ các loại thần thông- đôi khi còn gọi là thắng trí
hay năng lực siêu nhiên - chỉ gồm có 5 thứ: Thần túc
thông; Thiên nhĩ thông; Tha tâm thông; Túc mạng thông; Thiên
nhãn thông. Nhưng thông thường kinh điển thêm một loại nữa
là Lậu tận thông, thành ra 6 loại, và được gọi là
lục thông.
Ba loại đầu thường
gọi là thông, nhưng 3 loại sau còn gọi là minh hay trí như:
Túc mạng minh hay Túc mạng trí; Thiên nhãn minh hay Thiên
nhãn trí; Lậu tận minh hay Lậu tận trí.
Ðến đây, bản luận
kết thúc phần thứ hai trình bày về Ðịnh, và chuyển
sang phần thứ ba trình bày về Tuệ .
-ooOoo-