Luận tạng Nam truyền
Thanh tịnh đạo luận toản yếu
THÍCH PHƯỚC SƠN biên soạn
26/07/2554 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG XV - MÔ TẢ VỀ XỨ VÀ GIỚI
(Aryatana-Dhàtu-Niddesa)

A. MÔ TẢ VỀ XỨ.

Xứ gồm có 12 thứ: 1. Nhãn xứ; 2. Sắc xứ; 3. Nhĩ xứ; 4. Thanh xứ; 5. Tỉ xứ; 6. Hương xứ; 7. Thiệt xứ; 8. Vị xứ; 9. Thân xứ; 10. Xúc xứ; 11. Ý xứ; 12. Pháp xứ.

Ý nghĩa của chúng như sau: 1. Nhãn xứ (cakkhu) là cái thưởng thức sắc pháp. 2. Sắc xứ (rùpa) là cái làm cho thấy được. 3. Nhĩ xứ (sota) là cái nghe 4. Thanh xứ (sadda) là cái được truyền đi. 5. Tỉ xứ (ghàna) là cái ngửi. 6. Hương xứ (gandha) là cái được ngửi. 7. Thiệt xứ (jivhà) là cái gợi lên đời sống. 8. Vị xứ (rasa) là cái chúng sinh thưởng thức. 9. Thân xứ (kàya) là nguồn gốc của các pháp xấu xa chịu chi phối bởi lậu hoặc. 10. Xúc xứ (phasso) là cái bị sờ chạm. 11. Ý xứ (mano) là cái đo lường. 12. Pháp xứ (dhamma) là cái khiến cho tự tính nó được duy trì.

Ở đây, Xứ có nghĩa là trú xứ, chỗ gặp gỡ, chỗ phát xuất, là nguyên nhân. Trong 12 xứ nầy gồm cả danh và sắc, ý xứ là một phần của pháp thuộc về danh, còn lại các cái khác đều là sắc.

Khi mắt và sắc pháp gặp nhau thì nhãn thức sinh khởi, do thế, con mắt thường bị các sắc pháp đáng ưa và khó chịu nhiễu loạn. Thế nên, 6 nội xứ đư?c ví như 6 con vật, và 6 ngoại xứ được ví như chỗ lui tới của 6 con vật ấy.

B. MÔ TẢ VỀ GIỚI

Tiếp theo uẩn, xứ là Giới (xem chương XIV) gồm có 18 thứ: Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỉ giới, hương giới, tỉ thức giới, thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới, ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Về ý nghĩa riêng biệt, xem lại ở trên, còn ý nghĩa tổng quát thì Giới có nghĩa: lựa riêng ra, thích hợp với, được mang theo. Vì giới là thành tố của tri thức và cái khả tri. Giới là một danh từ dùng để chỉ cái không có tự ngã.

Hai thứ nhãn giới và sắc giới là nhân, còn nhãn thức giới là quả. Vì căn (nhãn giới), trần (sắc giới) đối nhau, mà thức (nhãn thức giới) phát sinh.

Các kinh luận thường đề cập đến nhiều loại giới khác nữa như, dục giới, sắc giới... địa giới, thủy giới v.v..., nhưng về phương diện tự tính, thì tất cả giới hiện hữu đều không ngoài 18 loại nầy. Mười bảy giới trước và một phần của pháp giới là giới hữu vi, nhưng phần còn lại của pháp giới là giới vô vi.

Ðức Phật vì muốn đoạn trừ sự chấp ngã sai lầm của chúng sinh, tưởng rằng có một cái ngã bền chắc, thường hằng, nên mới nói đến 18 giới.

Về phương diện chúng làm duyên cho nhau, thì cổ đức dạy: "Nhãn thức sinh do duyên mắt, sắc pháp, ánh sáng và sự chú ý. Nhĩ thức sinh do duyên lỗ tai, tiếng, khoảng trống và sự tác ý. Tỉ thức sinh do duyên mũi, mùi, không gian và sự tác ý. Thiệt thức sinh do duyên lưỡi, vị, nước và sự tác ý. Thân thức sinh do duyên thân, chạm xúc, địa giới và tác ý. Ý thức sinh do duyên tâm hữu phần, pháp và tác ý. Tất cả pháp hữu vi cần được xem như tách biệt với quá khứ và vị lai, là trống rỗng, không có tự ngã, và chúng hiện hữu tùy thuộc các duyên (điều kiện).

Ðể làm sáng tỏ vấn đề, bản luận dùng các ví dụ như sau: Nhãn giới ví như cái mặt trống, sắc giới như dùi trống, và nhãn thức giới ví như tiếng trống. Hoặc, nhãn giới ví như mặt gương, sắc pháp ví như cái mặt, và nhãn thức giới ví như hình ảnh cái mặt phản chiếu trong gương. Nhưng ý giới thì như kẻ tùy tùng theo sau nhãn thức giới, song lại là kẻ đi trước ý thức giới. Còn ý thức giới thì như con khỉ chuyền trên cành cây, không bao giờ ở yên một chỗ, hay như một vũ công trên sân khấu.

Chương XV nầy mô tả XứGiới, trong sự tu tập về Tuệ, đến đây là hoàn tất.

-ooOoo-

CHƯƠNG XVI - CĂN ÐẾ
(Indriya-Sacca-Niddesa)

MẢNH ÐẤT CHO TUỆ TĂNG TRƯỞNG

A. MÔ TẢ VỀ CĂN.

Tiếp theo giới là căn, gồm có 22 thứ: Nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, nữ căn, nam căn, mạng căn, lạc căn, khổ căn (thân lạc, thân khổ), hỉ căn, ưu căn, xả căn, tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, vị tri đương tri căn, cụ tri căn, dĩ tri căn.

Trước hết, về ý nghĩa của căn thì phần lớn đã được giải thích ở chương XV, ở đây sẽ giải thích về 3 căn cuối cùng.

Vị tri đương tri căn: Căn nầy khởi lên ở giai đoạn đầu của Dự lưu đạo, nơi một người đã nhập lưu. Dĩ tri căn: đã hiểu rõ vấn đề. Cụ tri căn: nó khởi lên nơi một người đã đoạn trừ lậu hoặc, biết rốt ráo về 4 chân lý.

Vì sao gọi là căn? Căn gồm có mấy nghĩa: 1. Nó là dấu hiệu của chủ tể; 2. Ðược vị chủ tể chỉ dạy; 3. Ðược vị chủ tể thấy rõ; 4. Ðược vị chủ tể hoàn chỉnh; 5. Ðược vị chủ tể nuôi dưỡng. Vị chủ tể ở đây nhằm chỉ đức Thế Tôn, vì Ngài là vị chủ tể tối thượng.

Nhiệm vụ của nhãn căn là phát sinh ra nhãn thức, và các tâm sở tương ưng. Nhĩ, tỉ, thiệt, thân căn cũng thế.

Về cảnh giới, thì có 10 căn thuộc Dục giới: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, nữ, nam, lạc, khổ, ưu. Tám căn thuộc cả 4 cảnh giới, Dục, Sắc, Vô sắc và Siêu thế: Ý căn, xả căn, mạng căn, tín, tấn, niệm, định, tuệ. Một căn thuộc cả ba cảnh giới Dục, Sắc, Siêu thế là: Hỉ. Ba căn thuộc Siêu thế là: Vị tri đương tri căn, Dĩ tri căn và Cụ tri căn.

B. MÔ TẢ VỀ ÐẾ

Kế tiếp căn là đế, tức 4 Thánh đế: Thánh đế về khổ, thánh đế về khổ tập, thánh đế về khổ diệt, và thánh đế về đạo diệt khổ.

Bản luận đề cập đến 4 nghĩa của khổ là: "Bức bách, hữu vi, bốc cháy và biến đổi; tính chất của nó là chân thật, không hư ngụy, không thể khác. Nguồn gốc hay tập khởi của khổ với ý nghĩa tích tập, căn nguyên, trói buộc, chướng ngại. Diệt có nghĩa là thoát ly, tách rời, vô vi, bất tử. Ðạo có nghĩa là lối ra, nguyên nhân, thấy, ưu thắng. (Ps. 2, 104)

Nguyên nghĩa của Khổ (Dukkha): Du là xấu xa, ác độc; Kham là trống rỗng. Thế nên, chân lý thứ nhất (khổ) là "xấu". Vì nó là nơi thường lai vãng của nhiều sự hiểm nguy, và nó trống rỗng, vì không trường cửu, không đẹp, không vui, không có tự ngã.

Chân lý thứ hai Tập (Samudaya): Sam là liên kết; U chỉ sự khởi lên, như udita (đi lên); Aya chỉ lý do. Như vậy, chân lý nầy là lý do cho sự khởi lên của khổ, khi phối hợp với những duyên còn lại.

Chân lý thứ ba Diệt (Nirodha): Ni chỉ sự vắng mặt; Rodha là nhà tù. Chân lý này chỉ sự vắng mặt của mọi sanh thú, vì nơi đây không có sự bức não của khổ được xem như nhà tù.

Chân lý thứ tư Ðạo hay Khổ diệt đạo (Nirodha-Gamini-Patipadà): Con đường đưa đến chấm dứt khổ nên gọi là Khổ diệt đạo.

Cả 4 chân lý này được gọi là Thánh đế, vì chỉ có những bậc thánh mới thâm nhập được chúng. Lại nữa, những sự thật cao cả được gọi là sự thật của các bậc thánh. Hoặc, bốn thánh đế này là chân thật, không hư ảo, không thể khác, nên gọi là thánh đế. Ðó là ý nghĩa của chữ đế.

Bản luận lại mô tả: Không có niềm đau nào ngoài khổ; không có nguồn khổ nào khác hơn tham ái; không có niềm an tịnh nào ngoài tịch diệt (Niết bàn); và không có lối thoát nào ngoài chánh đạo.

Về thứ tự: Khổ đế được nêu trước tiên, vì nó dễ hiểu, vì nó thô phù, vì nó chung cho tất cả chúng sinh. Chân lý khổ tập nêu kế tiếp để chỉ rõ nguyên nhân. Rồi chân lý về diệt để hiển thị rằng khi nhân chấm dứt thì quả sẽ kết thúc. Chân lý về đạo được nói sau rốt để chỉ ra con đường, phương tiện đạt đến diệt. Và cổ đức cũng bảo: tri khổ, đoạn tập, tu đạo, chứng diệt. (Biết khổ để đoạn trừ các nguyên nhân của khổ (tập), nên phải thực hành các pháp môn, do đó mà chứng đạt sự tịch diệt)

Luận Vibhanga nêu ra 12 thứ Khổ: Sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, gần gũi cái không ưa, xa lìa cái yêu mến, cầu không toại ý, nói tóm, 5 thủ uẩn là khổ. Về nguồn gốc của khổ có 3 thứ: Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Về Diệt chỉ có một, đó là Niết bàn. Về Ðạo có 8 thứ, đó là Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. (Vbh. 104)

1. Chân lý về khổ

Thông thường khổ gồm có 3 loại là: Khổ khổ (dukkha-dukkha) tức nỗi khổ ở nội tại; Hoại khổ (Viparinàma-dukkha), khổ do biến hoại; và Hành khổ (Sankhàra-dukkha), khổ về các phương diện, hoặc ngấm ngầm, hoặc lộ liễu. Khi cảm thọ khổ về thân và tâm, gọi là khổ khổ, vì tự tính của nó là khổ. Khi cảm thọ lạc về thân và tâm, gọi là hoại khổ, vì đó là nhân sinh ra khổ khi cảm thọ ấy biến mất. Xả thọ và các hành khác trong ba cõi là hành khổ, vì chúng bị bức bách trong sinh diệt.

a. Sanh (Jàti): Sanh là khổ, vì nó là cội nguồn cho khổ trong các đọa xứ; nào là nỗi khổ khi đầu thai, khi ở trong bào thai và khi sinh ra. Lúc đang sống, chúng sinh cũng phải chịu bao nhiêu nỗi khổ. Nếu ở địa ngục thì khổ vì bị lửa dữ thiêu đốt. Nếu ở loài súc sinh thì phải chịu khổ vì bị đánh đập bằng roi, gậy, hoặc ăn nuốt lẫn nhau. Nếu sinh ngạ quỷ thì đau khổ vì đói khát bức bách. Nếu sinh vào a tu la thì đau khổ vì giá lạnh, tối tăm.

b. Già: là căn bản cho sự đau khổ thể xác và tâm hồn, khởi lên do nhiều duyên, như tứ chi nặng nề, các căn suy yếu, tuổi trẻ tan biến, sức lực phá sản, trí nhớ sút kém, bị người khi dễ v.v...

c. Chết: là sự chấm dứt mạng căn nơi một chúng sinh, có nhiều nguyên nhân, như chết do thọ mạng hết, do công đức tận, hoặc chết bất đắc kỳ tử, bị tai nạn đột ngột xảy ra.

d. Sầu: là sự nung nấu đốt cháy tâm can nơi người bị mất thân quyến, hay bị mất mát những gì mình yêu quí.

đ. Bi: là sự đau buồn do mất mát người thân, của cải v.v..., được biểu hiện bằng những hành vi cử chỉ người khác có thể thấy được

e. Khổ: là sự khổ đau, bức bách của thân xác.

g. Ưu: sự khổ sở về tâm.

h. Não: sự thiêu đốt tâm can.

Sầu như chảo dầu nấu trên bếp lửa riu riu. Bi như nấu trên bếp lửa mạnh. Não như những gì còn lại trong chảo sau khi nấu, còn tiếp tục cho đến khi chảo khô.

i. Oan gia tụ hội: sự gặp gỡ những người và vật mình oán ghét.

k. Ái biệt ly: phải xa lìa những người, vật mà ta yêu mến.

l. Cầu bất đắc: sự mong cầu không toại ý.

m. Năm thủ uẩn là khổ: Vì 5 uẩn là đối tượng của chấp thủ, như tấm bia thu hút những tên bắn, như ruồi nhặng bu trên thân con bò.

Các nỗi khổ thuộc 5 thủ uẩn thì sinh là cái khổ đầu tiên, già là khổ chặng giữa, chết là khổ chặng cuối. Khổ nung nấu tâm can, gọi là sầu. Khổ dưới hình thức than van khóc lóc, gọi là Bi. Cái khổ do thân tứ đại bị xáo trộn gọi là khổ. Nỗi khổ bức bách trong tâm hồn, gọi là ưu. Khổ ngấm ngầm, chồng chất nhiều lớp gọi là não. Khổ do thất vọng, gọi là cầu bất đắc khổ. Chung quy, khi 5 uẩn bị chấp thủ, chính là khổ.

Ở đây, Khổ uẩn được chia thành 12 thứ. Thế nhưng, theo các luận điển của Ðại thừa, Khổ uẩn được chia gọn thành 8 thứ là: Sinh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh.

2. Chân lý về nguyên nhân khổ.

Vấn đề này sẽ trình bày trong phần duyên khởi, chương XVII.

3. Chân lý về sự diệt khổ.

Nói đến diệt khổ tức là diệt cái nguyên nhân của khổ, tức là khát ái, như bài kệ:

"Như cây bị chặt đốn
Gốc còn vẫn mọc hoài
Ái tùy miên chưa nhổ
Khổ này sanh dài dài."

Bản luận nêu một ví dụ để minh họa như sau: "Như con sư tử chuyển sức mạnh tấn công người bắn nó chứ không hướng về mũi tên, cũng thế, đức Phật đề cập nguyên nhân chứ không nói hậu quả. Trái lại, ngoại đạo thì như con chó bị ném cục đất, nó sẽ hướng đến cục đất thay vì tấn công người ném. Ngoại đạo chỉ dạy chấm dứt khổ bằng cách hành thân hoại thể, mà lại không lo chấm dứt những ô nhiễm của tự tâm. (Pm, 533)

Luận về Khổ diệt hay Niết bàn:

Niết bàn có thể đạt dược nhờ đạo lộ chân chánh. Vì đã có các bậc thánh đạt được nó nhờ dùng phương tiện Giới, Ðịnh, Tuệ. Do thế, không thể bảo rằng Niết bàn là không có gì cả, vì ta không thể hiểu được. Ðiều hiển nhiên là không phải ai cũng thấy được Niết bàn, mà nó chỉ có thể đạt được bởi các vị A la hán, tức là những người đã đoạn tận tham, sân, si, đã cắt đứt mọi gốc rễ của khát ái.

Mục tiêu duy nhất mà đức Phật truyền dạy chính là Niết bàn. Theo bản luận thì Niết bàn có hai loại là Hữu dư yVô dư y. Hữu dư y Niết bàn nghĩa là các cấu uế đã lắng dịu, nhưng hậu quả của sự chấp thủ trong quá khứ vẫn còn tồn tại. Vô dư y Niết bàn nghĩa là đoạn tận các nghiệp đưa đến tái sinh trong tương lai, các uẩn không còn sinh khởi nữa, mà những uẩn đã sinh thì đã biến mất.

Ðó là ý nghĩa Niết bàn theo bộ luận nầy. Nhưng trong Thành Duy Thức Luận thuộc Ðại Thừa, thì ngoài 2 tên gọi trên còn có 2 tên gọi khác về Niết bàn nữa là: Bản lai tự tính thanh tịnh Niết bànVô trụ xứ Niết bàn, tức gồm 4 loại. Bản lai tự tính thanh tịnh Niết bàn: Tự tính của tất cả chúng sanh xưa nay vốn thanh tịnh, có vô lượng công đức, không sinh không diệt, vắng lặng như hư không, nhưng vì bị bụi bặm phiền não che khuất nên không hiển lộ được. Vô trụ xứ Niết bàn: Khi đã đoạn trừ hết mọi chướng ngại của tri thức, liền được trí tuệ siêu việt, không còn phân biệt giữa sinh tử và Niết bàn, không còn ưa thích hay chán ghét, phát đại trí, đại bi làm lợi ích cho chúng sinh đến cùng tận đời vị lai mà vẫn sống theo tự tính vắng lặng. (Thành Duy Thức Luận, q10, ÐTK. 31, tr. 55)

4. Chân lý về con đường đưa đến khổ diệt.

Con đường dẫn đến khổ diệt chính là 8 chánh đạo. Tám pháp này đã được giải thích trong phần mô tả về các uẩn, nhưng ở đây cũng cần đề cập đến ý nghĩa của chúng, như sau:

a. Chánh kiến (Samma-ditthi): Kiến giải chính xác, hiểu biết chính xác.

b. Chánh tư duy (Samma-Sankappa): Suy nghĩ một cách chính xác, đúng đắn.

c. Chánh ngữ (Samma-vaca): Nói lời chân thực, đúng đắn, dễ nghe, có lợi ích.

d. Chánh nghiệp (Samma-Kammanta): Làm những việc chân chánh, như không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm v.v...

đ. Chánh mạng (Samma-jìvati): Sinh sống bằng những nghề nghiệp chân chính, lương thiện.

e. Chánh tinh tấn (Samma-Viriya): Nỗ lực chính đáng, siêng làm việc thiện.

g. Chánh niệm (Samma-sati): Nghĩ nhớ chân chánh, luôn tỉnh táo, cảnh giác từng việc nhỏ.

h. Chánh định (Samma-samàdhi): Tập trung tư tưởng một cách chân chánh, không để ngoại vật chi phối làm rối loạn tâm trí.

Tám chánh đạo này liên quan đến các pháp như sau: Chánh kiến dẫn đầu bao gồm trạch pháp như ý túc, tuệ căn, tuệ lực và trạch pháp giác chi. Chánh tư duy bao gồm 3 loại tầm là viễn ly tham, sân và hại. Chánh ngữ bao hàm 3 loại thiện về thân. Chánh mạng bao hàm thiểu dục, tri túc. Chánh tinh tấn bao hàm 4 chánh cần, tấn căn, tấn lực và tinh tấn giác chi. Chánh niệm bao hàm 4 niệm xứ, niệm căn, niệm lực và niệm giác chi. Chánh định bao hàm 4 loại định là định có tầm tứ, định tâm, định căn, định lực và các giác chi Hỉ, Khinh an, Ðịnh, Xả.

Ðồng thời Tám chánh đạo liên quan mật thiết đến 3 Vô lậu học, như đoạn kinh sau đây mô tả: "Bất cứ Chánh ngữ nào, Chánh nghiệp nào, Chánh mạng nào, đều thuộc Giới uẩn. Bất cứ Chánh tinh tấn nào, Chánh niệm nào, Chánh định nào, đều thuộc Ðịnh uẩn. Bất cứ Chánh kiến nào, Chánh tư duy nào, đ?u thuộc về Tuệ uẩn. (M. I, 301)

Bản luận nêu ví dụ: Ðịnh ví như một người trông thấy hoa đẹp mà tự mình không hái được; Tinh tấn ví như người bạn đưa lưng ra cho người ấy đứng lên; Niệm ví như người đứng gần đưa vai làm điểm tựa; nhờ vậy mà người ấy hái đuợc hoa. Nghĩa là Tinh tấn và Niệm là những yếu tố giúp sức rất đắc lực cho Ðịnh.

Ðể làm sáng tỏ ý nghĩa của cả 4 chân lý, luận chủ đưa ra ví dụ: Khổ ví như gánh nặng; Tập ví như sự mang gánh nặng; Diệt như gánh nặng được đặt xuống; Ðạo như phương tiện đặt gánh nặng. Hoặc Khổ như chứng bệnh. Tập như nguyên nhân gây bệnh. Diệt như sự hết bệnh; Ðạo như thuốc chữa bệnh.

Theo nghĩa tuyệt đối, cả 4 chân lý cần được hiểu là trống rỗng, vì không có người chịu khổ, người tập khởi nên cái khổ, người chứng sự diệt khổ, và người đi trên đạo lộ đến khổ diệt. Do đó:

Có khổ, nhưng không có người chịu khổ
Có sở tác, nhưng không có người tạo tác
Có tịch diệt, nhưng không có người chứng đắc
Có đạo lộ, nhưng không thực có người đi.

Tóm tắt, hai đế Khổ, Tập giống nhau, vì sâu xa, khó nắm, thuộc thế gian, hữu lậu. Nhưng chúng khác nhau về phương diện nhân và quả, cái cần liễu tri (khổ), và cái cần đoạn trừ (tập). Diệt, Ðạo giống nhau, vì sâu xa, khó nắm, vì xuất thế, vô lậu. Nhưng chúng khác nhau khi chia thành đối tượng cần chứng (diệt), và cần tu tập (đạo). Lại nữa, Khổ, Diệt giống nhau, vì cùng là hậu quả; Nhưng chúng khác nhau, vì khổ thuộc hữu vi, diệt thuộc vô vi. Tập, Ðạo giống nhau, vì chúng cùng là nhân; nhưng khác nhau vì Tập thuần là bất thiện, Ðạo thuần là thiện. Khổ, Ðạo giống nhau, vì chúng cùng là hữu vi; nhưng khác nhau ở chỗ Khổ thuộc thế gian, Ðạo thì xuất thế. Cũng vậy, TậpDiệt giống nhau, vì là pháp không phải hữu học hay vô học; nhưng khác nhau, vì Tập có đối tượng, còn Diệt thì không.

Chương XVI mô tả về Căn và Ðế, đến đây là chấm dứt.

-ooOoo-

CHƯƠNG XVII - ÐẠO LÝ DUYÊN KHỞI

A. ÐỊNH NGHĨA DUYÊN SINH

Ðến đây, đạo lý Duyên khởi được trình bày, như Thế Tôn dạy: "Và nầy các Tỳ kheo, Duyên khởi là gì? Ðó là: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão tử, Sầu, Bi Khổ Ưu Não. Như vậy là duyên khởi của toàn bộ khổ uẩn này." (S II, 1)

Thế nào là Duyên khởi? Vì nó do duyên (paticco) và cùng sinh (samuppàda) nên gọi là Duyên khởi hay Duyên sinh (paticca-samuppàda). Hoặc, tùy thuộc (paticca) một sự sinh khởi (uppàda) chân chánh (samma), tùy thuộc vào nguyên nhân một cách chân chánh, gọi là Duyên khởi. Và vì các pháp nầy cần được thấu hiểu. Khi hiểu rõ, chúng sẽ đưa hành giả đến an lạc siêu thế.

Khi đề cập đến ý nghĩa của chữ Duyên, bản luận nêu ra 24 duyên sau đây: 1. Nhân duyên; 2. Sở duyên duyên 3. Tăng thượng duyên; 4. Vô gián duyên; 5. Ðẳng vô gián duyên; 6. Câu sinh duyên; 7. Hỗ tương duyên; 8. Y chỉ duyên; 9. Thân y duyên; 10. Tiền sinh duyên; 11. Hậu sinh duyên; 12. Tập hành duyên; 13. Nghiệp duyên; 14. Dị thục duyên; 15. Thục duyên; 16. Căn duyên; 17. Thiền duyên; 18. Ðạo duyên; 19. Tương ưng duyên; 20. Bất tương ưng duyên; 21. Hữu duyên; 22. Phi hữu duyên; 23. Ly khứ duyên; 24. Bất ly khứ duyên.

1. Nhân duyên: là một nhân căn bản làm điều kiện. Kết quả từ nó sinh ra, thì gọi nó là một duyên. Nó giúp cho sự sinh khởi một yếu tố khác, thì gọi nó là duyên. Hoặc, nó là yếu tố căn bản, nền tảng, nên gọi nó là nhân duyên (điều kiện gốc).

2. Sở duyên duyên: Một tâm sở pháp trợ giúp bằng cách làm đối tượng cho tâm và tâm sở nên gọi là Sở duyên duyên hay Sở duyên.

3. Tăng thượng duyên: Một pháp trợ lực nổi bật nhất cho những pháp khác, gọi là Tăng thượng duyên.

4. Vô gián duyên: Một pháp trợ lực bằng cách ở gần kề, gọi là Vô gián duyên.

5. Ðẳng vô gián duyên: Một pháp trợ lực bằng cách tiếp nối, gọi là Ðẳng vô gián duyên.

6. Câu sinh duyên: Một pháp nào giúp cho pháp khác cùng sinh khởi, gọi là Câu sinh duyên.

7. Hỗ tương duyên: Một pháp giúp cho pháp khác gây thêm thế lực, gọi là Hỗ tương duyên.

8. Y chỉ duyên: Một pháp trợ giúp cho pháp khác làm chỗ nương tựa, gọi là Y chỉ duyên.

9. Thân y duyên: Một pháp trợ lực mạnh mẽ cho pháp kia sinh khởi, gọi là Thân y duyên.

10. Tiền sinh duyên: Một pháp khởi lên trước, làm điều kiện cho pháp khác phát sinh, gọi là Tiền sinh duyên

11. Hậu sinh duyên: Một pháp nào phát sinh, làm điều kiện để củng cố pháp trước, gọi là Hậu sinh duyên.

12. Tập hành duyên: Một pháp trợ giúp cho pháp kế nó có hiệu quả, nhờ lặp đi lặp lại, gọi là Tập hành duyên.

13. Nghiệp duyên: Một pháp trợ giúp cho pháp khác bằng sự chủ động của tâm, gọi là Nghiệp duyên.

14. Dị thục duyên: Một pháp trợ giúp cho pháp khác một cách vô công dụng, gọi là Dị thục duyên.

15. Thục duyên: Bốn loại thức ăn giúp cho các sắc, vô sắc pháp bằng cách củng cố chúng, gọi là Thục duyên.

16. Căn duyên: Ngoại trừ nam căn và nữ căn, 20 căn còn lại (xem chương XVI) trợ giúp cho pháp khác tăng trưởng, gọi là Căn duyên.

17. Thiền duyên: Một thiền chi nào trợ giúp cho cái khác tăng trưởng thiện pháp, gọi là Thiền duyên.

18. Ðạo duyên: Mười hai đạo chi trợ giúp cho pháp khác tìm ra lối thoát, gọi là Ðạo duyên.

19. Tương ưng duyên: Các Vô sắc pháp trợ giúp cho những pháp khác có cùng một căn, trần, khởi, diệt, gọi là Tương ưng duyên.

20. Bất tương ưng duyên: Sắc nào giúp cho vô sắc pháp, hay vô sắc pháp giúp cho sắc pháp mà không cùng một căn trần, gọi là Bất tương ưng duyên.

21. Hữu duyên: Một pháp giúp cho một pháp tương tự khác củng cố thêm sức mạnh, gọi là Hữu duyên.

22. Phi hữu duyên: Tâm và tâm sở vừa chấm dứt trước, là Phi hữu duyên cho những tâm và tâm sở hiện tại.

23. Ly khứ duyên: Cũng chính những tâm pháp ấy, trợ giúp pháp khác bằng cách biến mất, gọi là Ly khứ duyên

24. Bất ly khứ duyên: Những pháp trợ giúp cho pháp khác bằng cách không biến mất, gọi là Bất ly khứ duyên.

Ðó là 24 duyên theo bản luận. Thế nhưng, các luận điển của Ðại thừa chỉ cô đọng thành 4 duyên là: 1/ Nhân duyên; 2/ Ðẳng vô gián duyên; 3/ Sở duyên duyên; 4/ Tăng thượng duyên. (Luận Duy thức, Ðại trí độ). Bốn duyên này cũng chính là 3 duyên đầu và duyên thứ 5 của bản luận. Sau đây, đi sâu vào vòng 12 nhân duyên.

Trích dẫn kinh:

1. Già chết: cái gì thuộc chúng sinh bị già yếu, suy nhược, các căn tàn lụi v.v..., gọi là Già. Cái gì thuộc chúng sinh, bị hủy hoại, tiêu mất, các uẩn tàn lụn, thân thể vứt bỏ, đó gọi là Chết. Như vậy, đây là già và chết.

2. Sinh: cái gì thuộc chúng sinh, xuất hiện, sự sinh khởi các uẩn, sự thành tựu các xứ, đó gọi là Sinh.

3. Hữu: gồm có 3 thứ, đó là: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, đó gọi là Hữu.

4. Thủ: gồm có 4 thứ, đó là: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ, đó gọi là Thủ.

5. Ái: gồm có 6 thứ, đó là: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái và pháp ái, đó gọi là ái.

6. Thọ: gồm có 6 thứ, đó là: Thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỉ xúc sinh, thọ do thiệt xúc sinh, thọ do thân xúc sinh, thọ do ý xúc sinh, đó gọi là Thọ.

7. Xúc: gồm 6 thứ, đó là: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc, đó gọi là Xúc.

8. Sáu xứ (lục nhập) gồm có 6 thứ, đó là: Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỉ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ, đó gọi là Sáu xứ.

9. Danh sắc: Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, đó gọi là Danh. Bốn đại chủng và các sắc do 4 đại chủng tạo ra, đó gọi là Sắc. Như vậy, đây là DanhSắc.

10. Thức: gồm có 6 thứ, đó là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; đó gọi là Thức.

11. Hành: gồm có 3 thứ, đó là: Thân hành, khẩu hành và ý hành, đó gọi là Hành.

12. Vô minh: không biết rõ về khổ, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ về con đường đưa đến khổ diệt, đó là Vô minh

Như vậy, "Nầy các tỳ kheo, Vô minh duyên hành, Hành duyên thức; Thức duyên danh sắc; Danh sắc duyên sáu xứ; Sáu xứ duyên xúc; Xúc duyên thọ; Thọ duyên ái; Ái duyên thủ; Thủ duyên hữu; Hữu duyên sinh; Sinh duyên Lão Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do sự đoạn diệt, ly khai vô minh một cách hoàn toàn, nên Hành diệt. Do hành diệt, nên Thức diệt. Do thức diệt, nên Danh sắc diệt. Do danh sắc diệt, nên Sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt, nên Xúc diệt. Do xúc diệt, nên Thọ diệt. Do thọ diệt, nên Ái diệt. Do ái diệt, nên Thủ diệt. Do thủ diệt, nên Hữu diệt. Do hữu diệt, nên Sinh diệt. Do sinh diệt, nên Lão Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não, đều diệt. Như vậy là đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn này. " (Tương Ưng Bộ Kinh II, tr. 3 - 4).

Ðoạn kinh sau đây còn triển khai thêm: "Cái gì có mặt, nên già chết có mặt? Do duyên cái gì mà già chết sinh khởi? - Do Sinh có mặt, nên Già Chết có mặt; do duyên sinh mà già chết sinh khởi. - Do Hữu có mặt, nên sinh có mặt, do duyên hữu nên sinh sanh khởi - Do Thủ có mặt, nên hữu có mặt; do duyên thủ, nên hữu sinh khởi. - Do Ái có mặt, nên thủ có mặt; do duyên ái, nên thủ sanh khởi - Do Thọ có mặt, nên ái có mặt; do duyên thọ nên ái sanh khởi - Do Xúc có mặt, nên thọ có mặt; do duyên xúc, nên thọ sinh khởi - Do Sáu xứ có mặt, nên xúc có mặt; do duyên sáu xứ, nên xúc sanh khởi - Do Danh sắc có mặt, nên Sáu xứ có mặt; do duyên danh sắc, nên sáu xứ sanh khởi - Do Thức có mặt, nên danh sắc có mặt; do duyên thức nên danh sắc sanh khởi - Do Hành có mặt, nên Thức có mặt; do duyên hành, nên thức sanh khởi - Do Vô minh có mặt, nên hành có mặt; có duyên vô minh, nên hành sanh khởi".

Ðó là cái vòng 12 nhân duyên về phương diện sinh khởi, khảo sát ngược từ dưới lên, và sau đây là khảo sát về phương diện hoàn diệt, cũng từ dưới trở lên:

"Cái gì không có mặt, nên già chết không có mặt? Do cái gì diệt mà già chết diệt? - Do Sanh không có mặt, nên Già chết không có mặt; do sanh diệt, nên già chết diệt - Do Hữu không có mặt, nên sanh không có mặt; do hữu diệt, nên sanh diệt - Do Thủ không có mặt, nên hữu không có mặt, do thủ diệt, nên hữu diệt - Do Ái không có mặt, nên thủ không có mặt; do ái diệt nên thủ diệt - Do Thọ không có mặt, nên ái không có mặt; do thọ diệt nên ái diệt - Do Xúc không có mặt, nên thọ không có mặt; do xúc diệt, nên thọ diệt - Do Sáu xứ không có mặt, nên xúc không có mặt; do sáu xứ diệt, nên xúc diệt- Do Danh sắc không có mặt, nên sáu xứ không có mặt; do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt - Do Thức không có mặt, nên danh sắc không có mặt; do thức diệt, nên danh sắc diệt - Do Hành không có mặt, nên thức không có mặt; do hành diệt, nên thức diệt - Do Vô minh không có mặt, nên hành không có mặt; do vô minh diệt, nên hành diệt.

Như vậy, do Vô minh diệt, nên hành diệt. Do Hành diệt, nên thức diệt. Do Thức diệt, nên danh sắc diệt. Do Danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt. Do Sáu xứ diệt, nên xúc diệt. Do Xúc diệt, nên thọ diệt. Do Thọ diệt, nên ái diệt. Do ái diệt, nên thủ diệt. Do Thủ diệt, nên hữu diệt. Do Hữu diệt, nên sanh diệt. Do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn nầy". (Tương ưng BK. II, tr. 6-10)

Giải thích thêm ý nghĩa quan hệ của các khâu: Vô minh duyên hành được thiết lập để khỏi thấy có người tạo tác. Hành duyên thức được thiết lập để khỏi thấy sự luân chuyển của một tự ngã. Thức duyên danh sắc được thiết lập, để khỏi có ảo tưởng về sự bền chắc của tự ngã, vì nó phân tích rõ căn để của cái tự ngã ảo tưởng. Danh sắc duyên sáu xứ ..., được thiết lập để ngăn chận sự thấy cái tự ngã nhìn, nghe, ngửi, nếm, nhận thức, xúc, cảm thọ, khát ái, chấp thủ, trở thành, sanh, già, chết. Vậy, bánh xe sanh tử nầy cần được hiểu là để ngăn ngừa sự nhận thức sai lầm.

Bản luận nêu ví dụ để làm sáng tỏ các khâu trên: Vô minh như người mù, vì không thấy được đặc tính chung và riêng của các pháp. Hành do duyên vô minh ví như sự vấp của anh mù. Thức do hành ví như sự té ngã. Danh sắc do thức, ví như ung nhọt phát sinh. Sáu xứ do danh sắc như máu mủ tụ lại. Xúc do duyên sáu xứ như đánh vào chỗ máu tụ. Thọ như cơn đau do bị đánh. Ái ví như khao khát một liều thuốc. Thủ ví như vớ nhằm thứ thuốc không hợp. Hữu ví như đắp vào vết thương thứ thuốc không hợp ấy. Sanh ví như vết thương thành trầm trọng do xức thuốc bậy. Già chết ví như ung nhọt vỡ ra, sau khi biến đổi.

ÐỒ BIỂU 1: TAM THẾ LƯỠNG TRÙNG NHÂN QUẢ

TAM
THẾ

Quá khứ

- Vô minh
- Hành

Nhân

Nhất trùng

Hiện tại

- Thức
- Danh sắc
- Lục nhập
- Xúc
- Thụ

Quả

- Ái
- Thủ
- Hữu

Nhân

Nhất trùng

 

Vị lai

- Sinh
- Lão tử

Quả

ÐỒ BIỂU 2: VÔ MINH DUYÊN KHỞI VÀ ÁI DỤC DUYÊN KHỞI

 

Phần trước

Nhân

- Vô minh
- Hành

- Ái, thủ
- Hữu

Quả

- Thức
- Danh sắc
- Lục nhập
- Xúc
- Thụ

- Sinh
- Lão tử

Phần sau

Nhân

- Ái
- Thủ
- Hữu

- Vô minh
- Hành

Quả

- Sinh
- Lão tử

- Thức
- Danh sắc
- Lục nhập
- Xúc
- Thụ

Bài kệ giải thích đồ biểu số 2:

"Vô minh, Ái, Thủ tam phiền não
Hành, Hữu nhị chi thuộc nghiệp đạo
Tự Thức chí Thọ tinh Sinh Tử
Nhất thiết đồng danh vi khổ đạo".

(Vô minh, Ái, Thủ ba phiền não
Hành, Hữu, hai chi thuộc nghiệp đạo
Từ Thức đến Thọ cùng Sinh Tử
Tất cả cùng tên là khổ đạo.)

ÐỒ BIỂU 3: VÒNG LUÂN HỒI (A)

ÐỒ BIỂU 4: NHỊ THẾ NHẤT TRÙNG

(Các đồ biểu từ 1-4, lấy từ Tiểu thừa Phật giáo Tư tưởng luận, Kimura Taiken trước tác, TT. Quảng Ðộ dịch, Khuông Việt xuất bản 1971; tr, 447- 454)

-ooOoo-