Phật học cơ bản
Giải Đáp Thắc Mắc Người Cư Sĩ
Pháp Sư Thông Kham Mahà Medhivongse
03/09/2554 22:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


[01]

Chủ đề NGŨ GIỚI

 

 

HỎI: Thưa ông, giáo lý của Ðức Phật thật là cao sâu mầu nhiệm. Vậy Phật pháp có ích gì cho nhân loại, cho hạng tại gia cư sĩ?

ÐÁP: Người trần thế chia ra làm hai hạng:

* Hạng không phải Phật tử, quan niệm rằng: ở đời cần có nhiều tiền, danh vọng lớn, uy quyền to, vì những điều ấy mang hạnh phúc lại cho họ. Vì hạng người này không bao giờ lưu tâm tìm hiểu Phật giáo.

* Hạng Phật tử mặc dầu còn trong vòng thế tục, nhưng có xem kinh nghe pháp, nên nhận thấy Phật giáo là con đường đi đến chân hạnh phúc. Hạng Phật tử được thừa hưởng rất nhiều lợi ích trong Phật pháp. Nhưng có ba điều lợi ích là:

1. Lợi ích tránh xa tội lỗi.
2. Lợi ích hành theo lẽ chính (Làm việc lành).
3. Lợi ích dập tắt phiền não, giữ lòng thanh tịnh, để tiến lần ra khỏi vòng luân hồi khổ não.

Xin giải thích ba điều lợi ích kể trên.

Ðiều 1: Ðức Thế Tôn dạy tránh xa tội ác thông thường:

1. Làm hại người và vật có thức tánh.
2. Trộm cướp, lường gạt, gian lận, cưỡng bách để đoạt của người về làm của mình.
3. Tà dâm.
4. Nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô ích.
5. Chửi rủa.
6. Nói lời hung ác.
7. Tham lam.
8. Suy nghĩ phương thế làm hại người.
9. Cột oan trái, oán thù.
10. Tà kiến là không tin nhân quả luân hồi.

Muốn tránh 10 tội ác trên thì nên hành 10 Pháp đối trị:

1. Không làm hại người, vật, nghĩa là không sát sinh.
2. Không trộm cắp, lường gạt, gian lận, cưỡng bách để cướp lấy của người.
3. Không tà dâm.
4. Không nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời vô ích.
5. Không chửi rủa.
6. Không nói lời hung ác.
7. Không tham lam.
8. Không bao giờ nghĩ đến sự làm hại người.
9. Không cột oan trái oán thù.
10. Chính kiến nghĩa là tin nhân quả luân hồi.

Chúng ta thấy rõ rằng: Phật giáo chủ trương dạy người tránh điều ác, làm việc lành, hầu xây dựng hạnh phúc cho mình và cho xã hội, đây là điều lợi ích thứ nhất của Phật pháp.

Ðiều 2: Làm việc lành như hành theo chính pháp, tức là tuân theo lời giảng dạy của Ðức Phật lấy luân thường, đạo đức làm nền tảng, xây dựng xã hội lành mạnh. Ðối với đạo, phải căn cứ trên tinh thần tự độ tự tha.

Muốn xây dựng đời:

1. Phải giúp đỡ lẫn nhau trong việc hoan, hôn, tang, tế, và chung sức lập cơ quan từ thiện, hầu cứu trợ đồng bào trong cơn hoạn nạn, nhất là giúp đỡ cô nhi quả phụ, cùng người già cả cô đơn, tật bệnh.

Phật giáo không chấp nhận sử dụng tiền của phát sanh do tà mạng như tiền trộm cắp, gian lận, vào trong mọi công tác từ thiện, vì tiền bất chính của kẻ bất chính làm việc thiện để che mắt thế gian và quảng cáo bản thân cho ra vẻ ta đây là người đạo đức.

Sự cung cấp rượu và nha phiến cho người ghiền, không phải là việc làm từ thiện của Phật tử.

2. Bố thí cho người hành khất, rải vật thực cho thú như cho chim ăn, hoặc mua thú phóng sanh, hoặc cung cấp vật cần thiết cho tu sĩ.

3. Cha mẹ có phận sự nuôi dưỡng và dạy bảo con cho nên người dân lương thiện đối với quốc gia, cho trở nên người đệ tử chân chính đối với đạo đức. Phật giáo dạy cha mẹ phải áp dụng 5 pháp đối với con:

a. Răn cấm con không cho làm tội ác.
b. Khuyên dạy con làm thêm những việc lành.
c. Cho con học nghề lương thiện hoặc học chữ tùy theo sở thích của con.
d. Chọn nơi xứng đáng dựng vợ gả chồng cho con.
e. Phân chia sự nghiệp cho con.

4. Làm con phải đền đáp cho tương xứng với công ơn cha mẹ theo đúng 5 pháp:

a. Phụng dưỡng cha mẹ cho chu đáo.
b. Giúp đỡ cha mẹ mọi việc, không nên đợi cha mẹ sai bảo mới làm.
c. Luôn luôn vâng lời dạy bảo của cha mẹ.
d. Gìn giữ tài sản của cha mẹ đã chia cho, không để hư hoại.
e. Khi cha mẹ đã quá vãng phải tùy sức làm mọi việc từ thiện và hồi hướng phước báo đến cha mẹ.

5. Người bề trên thương yêu kẻ dưới như thân thuộc họ hàng phải đối xử theo 4 pháp dưới đây:

a. Mở rộng tình thương.
b. Giúp đỡ trong khi họ thiếu thốn, bệnh hoạn hoặc khi họ có tai nạn.
c. Nâng đỡ họ lên địa vị cao.
d. Ðối xử công bằng không thiên vị.

6. Kẻ dưới đối với người bề trên cũng phải áp dụng theo 4 nguyên tắc:

a. Không lẩn tránh phận sự.
b. Hết lòng làm tròn nhiệm vụ.
c. Không bê trễ, không làm hỏng công việc.
d. Làm việc mau chóng và tốt đẹp.

Ðiều 3: Diệt trừ phiền não để giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Ðiều này quan trọng nhất và lại khác hẳn với quan niệm của đời. Vì đời thường tìm hạnh phúc giả tạm trong vật chất nên không thông hiểu nổi tinh thần siêu việt của đạo giải thoát.

Diệt phiền não để thoát khỏi luân hồi đến nơi hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn thật khó cho người đời lãnh hội được. Vì đạo và đời tương phản nhau, theo quan niệm người đời thì càng kiếm thêm được nhiều tiền của lợi danh càng hay, còn theo lý đạo biết tri túc (tự biết đủ) là thượng sách.

Hơn nữa người đời ít hiểu phiền não là gì, hay có biết chăng nữa cũng chỉ biết một cách lờ mờ, nhiều người cho đó là nết hư tật xấu. Nhưng cũng có lắm chuyện tốt mà cũng là phiền não. Như ta muốn làm giàu, cặm cụi tối ngày quên ăn bỏ ngủ, nếu việc làm này đúng theo chính mạng thì không tội lỗi gì. Nhưng vì sự làm lụng quá mức ấy, đời sống sẽ giảm thọ, mất vui và quên trau dồi bề đạo đức nên kiếp vị lai cũng không hơn gì kiếp này mà còn e rằng kiếp sau càng tệ hơn kiếp này. Chính cái lo chạy theo tiền tài danh vọng ấy là phiền não, vì nó đem sự khổ đến cho ta. Khi bị thất bại thì đã đành rồi, nhưng nếu may ra có thành công cũng chẳng sung sướng gì hơn, vì còn phải để tâm giữ gìn của ấy nữa.

Vì thế nên Ðức Thế Tôn dạy chúng ta rằng: Phiền não có rất nhiều loại và mang nhiều hình thái khác nhau, lắm khi hết sức vi tế khiến các bậc xuất gia trí thức mà vẫn còn chưa phân biệt được rõ rệt, nhưng cái lầm ấy chẳng hạn như khi tham thiền, niệm một đề mục nào như niệm số tức quan, tức là niệm hơi thở, bỗng dưng thấy kim thân Ðức Thế Tôn hay thấy rõ ràng Ðức Thế Tôn hiện ra, vì thấy đề mục khác với cái niệm của mình, nhưng cái thấy ấy lại là thấy Phật thì vị Ðại đức ấy chấp cho là thật nên rất vui thích nên khoe khoang rằng: Ta đã gặp Phật. Thật ra đó chỉ là một hiện tượng của vọng tâm, đó là một phiền não rất vi tế và tai hại, vì nó có thể đưa hành giả đến nơi tà đạo và làm ngăn trở con đường giải thoát.

Tóm lại, phiền não là nguyên nhân làm cho tâm nhơ đục, bẩn thỉu: Phiền não có rất nhiều, nhưng không ngoài ba nguyên nhân chính là Tham lam, Sân hận, Si mê.

Cũng có thể hiểu cho dễ là: Những ác pháp trói buộc chúng sinh không cho giải thoát khỏi vòng thống khổ.

 

HỎI: Xin hỏi, Phiền não có nơi gọi là tham lam và ái dục, vậy sự khác nhau như thế nào?

ÐÁP: Trong tham lam sẵn chứa sự khao khát. Sự khao khát ấy Ðức Phật gọi là ái dục. Ái dục cũng đồng nghĩa với dục tình. Dục tình là cái bẩm tính khao khát không ngừng nghỉ của Lục căn đối với Lục trần.

 

HỎI: Ngoài sự ham muốn sâu xa gọi là Tham lam, còn có hạng ham muốn tốt đẹp, vậy sự ham muốn tốt đẹp ấy có gọi là Phiền não, là Ái dục được không?

ÐÁP: Xin ông cho tôi biết định nghĩa sự Tốt Ðẹp của ông?

 

HỎI: Tốt đẹp nơi đây tôi ngụ ý chỉ sự sang giàu danh vọng. Nhưng tôi không nói sự sang giàu danh vọng bất chính, nghĩa là sang giàu do nơi tạo tác của tôi, trong cái sang giàu ấy không lẫn tội ác như lường gạt.

ÐÁP: Người đời vì còn ham giàu mặc dầu là cái sang giàu ấy không làm hại ai, chính mình tạo ra bằng tài năng của mình, thật ra không xấu, nhưng đối với Phật Pháp thì đó cũng không phải hoàn toàn tốt đẹp.

 

HỎI: xin giải thích thêm vì tôi còn hoài nghi chỗ tôi không làm tội mà cũng không lành?

ÐÁP: Vì tất cả sự tham muốn xấu cũng như tốt, đều là do nơi phiền não và ái dục. Nên bao giờ còn Tham muốn thì còn gây Nhân, tức là tạo Nghiệp, khi còn có Nghiệp thì vẫn còn trầm luân trong biển khổ, còn bị trôi giạt trong luân hồi.

 

HỎI: Người làm phước như bố thí có phải là Phiền não không?

ÐÁP: Bố thí có phiền não hay không còn tùy theo tác ý của người bố thí. Sự bố thí có hai tác ý khác nhau:

1. Người bố thí mà tâm còn mong được giàu sang, được sanh vào cõi Nhân, Thiên để hưởng quả, hoặc tác ý mong người được thọ thí trả ơn, người có tác ý như thế tất nhiên phải luân hồi tái sinh lại để hưởng quả. Ðức Thế Tôn gọi sự bố thí ấy là Vattagàminikusala có nghĩa là Phước hữu lậu, có ý nói phước ấy còn đem con người luân hồi. Chẳng những là bố thí, nếu Trì giới hay Tham thiền mà tác ý còn muốn gặt hái quả lành thì không bao giờ diệt được phiền não vượt qua khỏi luân hồi.

2. Người làm bất cứ phước gì mà tác ý mong cầu giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, và phát nguyện cho mau khỏi được biển Trầm luân. Phước báu ấy Ðức Thế Tôn gọi là Vivattagàmini-kusala nghĩa Phước vô lậu, ý nói phước này không còn dư sót phiền não nên không còn luân hồi nữa.

Người Phật tử nên gieo phước lành theo thể thức thứ nhì, và nên tìm tòi học hỏi cho thông hiểu các loại phiền não, hầu gìn giữ tâm khỏi bị cảnh trần chi phối. Khi tâm không còn bị phiền não nhiễu nhương thì trí tuệ phát sanh thấy rõ: Luân hồi là nơi đáng kinh sợ nhất, cũng như người kinh sợ hầm chứa đầy rắn độc, thì không bao giờ dám mê luyến và trái lại càng cố gắng chạy cho xa mau ra khỏi nơi đầy sự kinh khủng ấy. Khi đã biết chán chê, ghê sợ phiền não và luân hồi thì con người sẽ thản nhiên trước sự vật được hay mất, vui hay buồn. Khi đã nhận được lý vô thường, khổ não và vô ngã thì cũng đã hiểu rõ thân này là của mượn thì hà tất phải mến tiếc sự vật ngoài thân ta. Ðây là lý thuyết tuyệt đối của Phật giáo.

Nếu muốn đạt được chân lý ấy, người Phật tử chân chính nên thực hành theo ba điều:

1. Nên cố xa lánh tất cả những tội ác (tức là Trì giới).

2. Nên làm cho mình trở nên người toàn thiện toàn mỹ, ý nói là phải làm tất cả các việc lành như bố thí, tham thiền, nhẫn nại, từ bi v. v...

3. Nếu cố gắng dập tắt tất cả phiền não, nghĩa là phải dùng trí tuệ quan sát cho thấy rõ là thân này thật không bền vững, hằng đem đau khổ đến cho ta, và vật nào không thường hằng đem khổ đến, nó không phải là của ta, là vô ngã.

 

HỎI: Vậy trong kiếp này người giàu có, sang trọng gọi là người có hạnh phúc hay có phước, nếu muốn kiếp sau cũng được như thế này hay là được giàu sang hơn nữa, thì người ấy phải làm thế nào? Ý tôi muốn hỏi là phải tu theo hạnh nào? Trong khi chính người ấy chưa rõ đủ trình độ giải thoát, và chỉ mong tu tập từng bước một thôi.

ÐÁP: Ðây là ước vọng chung của hàng Phật tử có chính kiến và có óc thực tế, biết tận dụng nghiệp lành sẵn có để xây dựng hạnh phúc cho tương lai. Những người ấy chắc sẽ tiến mãi từ thấp lên cao theo nhịp cầu nhân thiên và sẽ tạo đủ duyên lành để đắc đạo quả trong ngày vị lai.

Ðối với những người ấy, Ðức Phật dạy những phương pháp sau đây:

1. Hãy ghê sợ tội lỗi, không xu hướng theo kẻ ác và cũng không dám nghĩ tới tội ác. Phải hổ thẹn tội lỗi khi ta lỡ phạm tội lỗi nơi khuất mắt và phải chừa cải. Hoặc khi ta vừa nghĩ đến tội lỗi liền tự thẹn lấy mình mà không dám hành động. Pháp này thật là quý báu, không khác nào bức tường kiên cố ngăn chặn tướng cướp sát nhân.

2. Thành thật tiếp độ vợ con và họ hàng quyến thuộc: nên tùy sức mình mà bố thí.

3. Phụng dưỡng mẹ cha.

4. Dành một phần thời gian học hỏi Phật pháp nơi các bậc Trí thức.

5. Nên thọ trì ngũ giới cho sạch, nếu có thể nên thọ thêm Bát quan trai giới.

6. Nên dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát coi từ sáng đến tối khi đi ngủ thân tâm làm và nghĩ những gì, làm tội hay phước, nghĩ đến tội hay phước, hay nói cho rõ hơn là đã tạo được bao nhiêu điều thiện, và bao nhiêu việc ác, rồi thành thật sám hối khi nhận thấy mình có làm tội và nên tự nguyện không dám tái phạm nữa.

 

HỎI: Tôi đã hiểu 6 điều kể trên và xin cố gắng thực hành theo, xin vui lòng giải thích rộng thêm về ngũ giới cho tôi được rõ?

ÐÁP: Trước khi giải thích về ngũ giới, cũng nên nói sơ lược về lợi ích của Phật giáo để ông hiểu thêm.

Phật giáo ví như mặt trời soi đường cho khách lữ hành, kẻ đi tầm hạnh phúc khỏi bị sa vướng vào cạm bẫy của Ma vương. Trước tiên có ba điều lợi ích:

1. Ðức Phật dạy phương pháp kiểm soát thân tâm chặt chẽ để tránh những tai hại trong kiếp này và kiếp sau. Do đó người Phật tử phải nghiêm trì giới luật để kiềm chế lục căn không cho mê luyện theo lục trần. Sử dụng giới luật làm hàng rào ngăn chặn các ác pháp, người Phật tử chỉ sống theo lẽ chính, làm toàn việc lành, và trở thành phần tử tốt đẹp trong gia đình và những công dân gương mẫu trong xã hội. Nhờ đó mà quốc gia được thạnh trị, cần chi có nhà giam, có trại cải huấn, có cảnh sát, có tòa án v. v...

Phật giáo là phương châm xây dựng tình thương. Trước hết, Ngài dạy thương mình, sau lại thương kẻ khác, và ban bố tình thường cho tất cả chúng sinh. Nếu những điều luật răn cấm của Ðức Thế Tôn được mọi người tuân theo thì không có sự giết hại lẫn nhau, không còn cướp bóc, giặc giã, chiến tranh, thế giới sẽ được hòa bình.

2. Ðức Phật dạy tín đồ phải cố gắng làm cho mình trở nên người hoàn toàn trên hai phương diện:

a- Ðối với đời, nên học cho thông một nghề nào cho phù hợp theo sở thích của mình.
b- Ðối với đạo, phải sưu tầm học hỏi cho thông hiểu giáo lý của Ðức Phật.

Ngoài đời phải siêng năng làm phận sự của mình, khi có nghề phải hết lòng khai thác với lương tâm nghề nghiệp. Như làm một vị Bác sĩ phải tận lực cứu chữa bệnh nhân, không phân biệt người thân kẻ thù, giàu, nghèo, chỉ biết có một điều là giành giật sinh mạng của bệnh nhân trên tay tử thần.

Ðối với Ðạo, khi thấu rõ chân lý, nên đem ra phổ biến cho mọi người, hầu cùng nhau thực hành theo chính pháp để đem sự lợi ích cho xã hội.

3. Phật giáo làm cho xã hội loài người được tốt đẹp. Mỗi xã hội đều có phong tục tập quán riêng tùy theo xu hướng và tín ngưỡng của mỗi dân tộc, cốt yếu là để xây dựng hạnh phúc an vui cho gia đình và hòa bình thịnh trị cho xứ sở. Mặc dù vậy, nhưng cũng không tránh khỏi được sự xáo trộn của những phần tử ngỗ nghịch khiến cho nhiều gia đình không được đầm ấm, an vui, vợ chồng xung khắc, cốt nhục phân ly, xã hội điêu tàn.

Ðức Phật cho rằng: Không bao giờ có hạnh phúc, ngoài cuộc đời trong sạch căn bản trên nguyên tố đạo đức về tinh thần. Người học Phật mà không màng tới hạnh phúc xã hội, và không màng đến sinh hoạt kinh tế của dân gian là không hiểu rõ Phật giáo.

Phật giáo chủ trương tổ chức một xã hội an ninh thanh bình, một xã hội chỉ biết tôn kính người nào tự thắng phục được lòng mình, một xã hội đem tình thương rửa sạch hận thù, biết lấy lòng từ bi trả lại sự hung ác, lấy lòng khoan dung đối với mọi người.

 

HỎI: Thưa ông, bây giờ ta nên trở lại vấn đề Giới. Khi ta thọ trì giới được trong sạch, ai là người được hưởng quả ấy? Và người ấy được hưởng những gì?

ÐÁP: Ðiểm quan trọng trong sự giữ giới là cố ý xa lánh điều ác: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, và uống rượu. Ðức Phật dạy trì giới là tỏ ý muốn cho con người trở nên thuần lương đạo đức.

Vì thường con người thiên về tội lỗi bởi bẩm tính Tham, Sân, Si nên không nhận định được điều tội lỗi để xa lánh. Vì sự tối mê không nhận định được chính tà nên Ðức Phật gọi là vô minh. Vô minh là một phiền não quan trọng nhất, nó là nguyên nhân đưa chúng ta luân hồi mãi mãi không ngừng. Khi Ðức Thế Tôn còn tại thế, Ngài thường dạy ta nên cố mau mau xa lánh đời để tìm giải thoát. Vì chúng ta còn nhiều phiền não nên không giác ngộ được các pháp cao sâu mầu nhiệm là Thánh pháp.

Hôm nay chúng ta có được chút duyên lành gặp Phật pháp, vậy chúng ta nên gia tâm học sưu tầm chân lý hầu mạnh tiến trên con đường giải thoát của Ngài đã vạch sẵn.

Khi ta trì Giới được trong sạch, thì chính bản thân ta được hưởng quả an vui, đồng thời người chung quanh ta như vợ con, quyến thuộc sẽ được ảnh hưởng đạo đức của ta, người trì giới là người tự tạo hạnh phúc cho mình, và làm cho người khác vui thích hạnh thanh cao để hành theo. Sự an vui của người xung quanh mình là trong gia đình, ông chồng là người có giới đức thì bà vợ được an vui, vì không còn sợ chồng mình làm những việc xấu xa nhất như tà dâm. Cha mẹ không lo sợ con mình phạm vào 5 điều tội lỗi. Ðó là kết quả ta trông thấy hiện tại là cái quả nhỏ nhất, kế tiếp là khi những người nhỏ trong nhà như con em thấy vậy kính nể và noi theo gương mà hành theo. Người có giới đức trong sạch được hưởng quả tối thiểu là không sợ vi phạm pháp luật quốc gia, không lo có oán thù, không sợ có oan trái. Nhờ có tu giới người Phật tử dọn đường để tu định, và nhờ có giới định nên tuệ được tiến hóa đến nơi giải thoát Niết Bàn.

Trở lại vấn đề trì Giới, trì Giới là xây nền móng vững chắc của người tu giải thoát. Người giữ giới gọi là người xây nền tảng rất kiên cố cho thân và tâm, khi ấy thân tâm mới kiến thiết lâu dài "Ðịnh và Tuệ". Vì vậy Giới là điều quan trọng nhất mà người Phật tử chân chính cần phải có, nói một cách khác Giới là bước đầu tiên của người tu Phật.

Còn nói về nền tảng thì chắc ông đã hiểu rõ sự cần thiết của nó đến độ nào rồi. Phàm một cái nhà nhỏ mà chưa có nền chắc cũng không được, huống chi xây cất một tòa lầu, hay đắp một quan lộ mà thiếu nền móng vững chắc thì thật là tai hại. Phần đông người đời, quen xem hình dáng hào nhoáng bên ngoài của sự vật, ít ai chịu khó nhìn cho thấy rõ nền tảng trọng yếu bên trong. Như người lái xe chỉ thấy đường bằng phẳng thôi chớ không chịu nghĩ nhờ biết bao nhiêu công phu khó nhọc lúc bắt đầu khởi đắp nền móng vững chắc, nên ngày nay con đường mới được êm ái như vậy. Như người chỉ trông thấy lâu đài nguy nga đẹp đẽ nhưng mấy ai nghĩ đến lâu đài ấy cần phải có một nền tảng kiên cố chắc chắn, tốn hao công lực đến chừng nào. Tuy nhiên xem xét nền móng một quan lộ, một lâu đài tương đối là dễ. Nhưng khi xem nền tảng của một tu sĩ, hay căn bản của sự tu học của chính bản thân ta, quả là một điều khó vô cùng. Ví như một nhà quí phái rất dễ nhận được sự sang trọng, nói năng hoạt bát bên ngoài, nhưng ta làm sao biết người ấy là người Thiện hay Ác.

Muốn biết được nền tảng đạo đức bên trong của người nào thì ta phải xem xét hành động và lời nói của người ấy, hay nói cho rõ hơn là phải lưu ý tới năm thói quen xấu sau đây:

1. Hung ác (sát sinh, hành hạ người hay thú).
2. Mau tay (trộm cắp).
3. Tâm lẹ (là Tà dâm, ý nói người thích tà dâm khi trông thấy sắc đẹp tâm chạy theo liền, ta dễ nhận thấy tính này bằng cặp mắt lố lăng hay cử chỉ của họ).
4. Nói dối, nói lời hung ác, chửi rủa, mắng nhiếc, nói thâm thọc).
5. Thiếu trí nhớ (ý nói uống rượu say sưa tâm trí lu mờ).

Người có một trong năm tật xấu trên là người thiếu nền tảng đạo đức vững chắc, người ấy là người chưa đắp được con đường giải thoát chắc chắn.

Phàm người có được trong năm điều ấy thì không làm việc gì nên, chỉ chuốc lấy cái hại cho mình thôi. Nếu ta dùng phải người ấy trong chuyện gì thì càng đem lại tai hại cho ta mà thôi. Sự tu hành để đến nơi giải thoát cần có một nền tảng đạo đức kiên cố. Nền tảng này không thể làm bằng xi măng cốt sắt, nhưng lại bằng Ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Năm điều này là nền tảng chắc chắn nhất của người tu giải thoát.

Khi ở trong một tòa nhà nguy nga lộng lẫy mà có một chỗ nứt rạn thì lòng ta chẳng yên vì ta không biết nó sụp đổ ngày nào. Cũng như người tại gia cư sĩ mà phạm một điều nào trong năm giới răn thì làm cho thân nhân hằng lo sợ dùm mình, như trẻ con tính tình ngỗ nghịch cha mẹ biết rõ nó không thể giữ một trong năm điều răn cho trong sạch, khi đứa bé ấy đi đâu cha mẹ thường phập phòng lo sợ, vì không biết con mình sẽ bị tai hại lúc nào do bởi quả của người không có giới đức hoàn toàn trang nghiêm.

 

HỎI: Xin cho biết trì Giới ấy chính nghĩa là gì?

ÐÁP: Theo phạm ngữ trì Giới là "Giữ cho được tự nhiên". Trước hết, tôi xin giải thích tiếng Giới có nghĩa là tự nhiên, rồi sau sẽ giải thích đến tiếng thọ trì.

Thí dụ mặt trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng Tây, không bao giờ thay đổi vị trí, đó là tự nhiên của nó. Sự mọc lặn của mặt trời từ vô thủy đến bây giờ vẫn y như vậy nên gọi là tự nhiên.

Thân người có nhiều cơ quan khác nhau để dùng tùy theo chức năng của nó, như mắt để xem, vì đó là tự nhiên của mắt, không thể dùng mắt để nghe hay ăn. Nếu ta dùng ngũ quan không đúng chức năng của nó thì trái với tự nhiên sẽ không được việc.

Tất cả mọi việc gì yên tịnh, thuận tình, hợp cảnh đó là Tự nhiên. Một trận bão to đột ngột làm hại người, sự việc đó không còn là tự nhiên nữa.

Những ví dụ trên cho thấy rằng: Vạn vật đều có sự tự nhiên của nó.

Muốn hiểu về giới tự nhiên ta cần nên biết tới lời khuyên của Ðức Thế Tôn như giới không sát sinh chẳng hạn. Thử hỏi giết hại và không giết hại, điều nào tự nhiên? Chắc chắn ai cũng đáp: "Tự nhiên là sự không giết hại". Nếu sự giết hại là tự nhiên của con người thì chúng ta không còn ai sống sót tới ngày nay. Vì nếu ta tránh được người này thì chắc chắn không thoát khỏi tay người khác, mà rồi Pháp luật cũng không trừng phạt kẻ sát nhân. Bởi vậy cho nên mới nói người giữ giới không sát sinh là người giữ được tự nhiên vậy.

Bốn điều tự nhiên còn lại trong ngũ Giới đều có thể hiểu như lời giảng trên.

 

HỎI: Thưa ông, nếu nói trì Giới là giữ được sự tự nhiên thì có gì gọi là cao thượng?

ÐÁP: Người trì giới là người giữ cái bản năng tự nhiên, ông cho là không cao thượng và quí báu, bởi vì ông nghĩ cái gì tự nhiên đều là thông thường. Nhưng thử hỏi trong đời này có mấy ai dám tự hào đã giữ được cái bản chất tự nhiên một cách hoàn toàn? Thật ra người ráng giữ mình cho được tự nhiên không phạm Giới là người rất hiếm có, thật là người cao thượng vậy.

Tiếng nói tự nhiên đây đồng nghĩa với tiếng thanh tịnh. Có thể nói người phạm giới là người mất tự nhiên, mất yên tịnh, thường thường ở trong tình trạng bối rối và lo âu trước mọi người khác. Trì giới là một việc làm tối quan trọng đối với người tu hành, vì nó là nền tảng đầu tiên, sẽ đem đến cho những điều lành khác. Giới ví như miếng đất có bón phân. Thiền định như trồng cây trên miếng đất ấy. Tuệ ví như cây đơm bông trổ trái. Sở dĩ cây mọc tốt có trái nhiều ấy cũng do nơi miếng đất màu mỡ. Cũng như Ðịnh và Tuệ phát sinh dễ dàng là nhờ giới trong sạch.

Ðức Thế Tôn có dạy: Giới năng sanh Ðịnh, Ðịnh năng sanh Tuệ. Người có giới trong sạch, khi bố thí mới có quả báu nhiều hơn người không có giới bố thí.

 

HỎI: Có nhiều vị Ðại đức dạy: Trì giới là một phương pháp xa lánh ác nghiệp chớ không phải là lành. Xin ông vui lòng giải thích rộng thêm cho dễ hiểu?

ÐÁP: Dạy thế cũng đúng, vì trên thực tế trì giới cốt ý là để tránh xa điều ác, không tạo nghiệp dữ. Trì giới giúp ta ngăn ngừa được vài thói quen tật xấu như tham lam, sân hận chẳng hạn. Nhưng nếu muốn trừ tính bỏn sẻn phải hành pháp bố thí tức là làm lành, vì trong trường hợp này trì giới không còn công hiệu. Hơn nữa bố thí còn tạo cho lòng từ nẩy nở mạnh thêm. Nên nhớ rằng: Phật pháp dạy từng giai đoạn nghĩa là dạy từ thấp lần lần lên, càng lúc càng cao siêu mầu nhiệm. Ngài dạy từ dễ đến khó. Trước hết lánh dữ, sau dạy phải làm lành.

Có thể ví dụ trì giới như tạo hàng rào kiên cố. Bố thí như của quí để trong nhà. Sở dĩ hàng rào có ích lợi là để giữ gìn của quí trong nhà. Nếu hàng rào kiên cố mà trong nhà trống trơn thì vẫn còn thiếu sót nhiều.

Nói về quả báo thì trì giới để khỏi đọa vào con đường ác. Làm lành như bố thí chẳng hạn sẽ sinh vào cảnh nhân thiên để hưởng sự giàu sang phú quý.

Như vậy Bố thí và trì giới là hai pháp lành bổ túc cho nhau.

Nếu luận về tâm lý thì Trì giới là tác ý lành giữ cho Tâm được trong sạch không để ô nhiễm điều ác. Giới là một trong mười phương pháp lành Ðức Thế Tôn gọi là Punnakiriyàvatthu có nghĩa là Pháp làm cho phát sanh ra phước.

Trì giới cho được trong sạch thật khó. Vì ta phải cố gắng hết sức giữ cho tâm không cho rung động xu hướng theo sự vật bên ngoài. Ðó là phương pháp thay đổi tâm từ xấu đến tốt, từ động đến tịnh.

Ðức Phật dạy muốn thọ giới phải có Tác ý, nghĩa là người có ý muốn tránh xa điều ác do giới qui định. Nói cách khác là phải tự mình nguyện không để phạm vào những giới cấm. Người như vậy mới gọi là người có trì giới. Còn như kẻ cướp kia đang bị giam giữ trong ngục, không có phương tiện để trộm cướp được, chớ sự thật không phải là trì giới, hay không gọi là người có giới. Một người chưa thọ trì giới cũng vậy sở dĩ họ chưa hành ác vì chưa gặp cơ hội, người này cũng không gọi là người có giới.

Tóm lại người có giới là người có tác ý lành và nguyện ra lời là phải cố tránh xa không phạm những điều răn cấm của Ðức Phật. Ðức Phật có dạy Cetanàham bhikkhave sìlam vadàmi. Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai dạy rằng: Tác ý là giới. Quả báo của giới là tâm được an tịnh không sợ sệt tội lỗi khi còn sống cũng như lúc sắp lâm chung.

Chỉ có người Trì giới mới nhận thấy quả báo của giới, cũng như người nằm mộng mới thấy cảnh trong mộng của mình. Người Trì giới trong sạch mới hưởng được sự an vui trong thâm tâm mình.

Tâm cố gắng xa lánh điều ác là nhân làm cho phiền não càng lúc càng xa ta, đồng thời đặc ân cao quý của tâm thiện càng bành trướng, ác nghiệp càng giảm bớt dần.

Sự cố tâm thọ trì giới luật phạn ngữ gọi là Samàdàna. Sự cố tâm xa lánh tội ác sinh lên ngay khi ta phát nguyện thọ trì những điều ngăn cấm của Ðức Phật. Người Phật tử phải cố gắng giữ giới cho được trong sạch, không nên dể duôi, vì nếu dể duôi thì phiền não sẽ len lỏi vào tâm ta, nó sẽ xâm chiếm bành trướng và phá hoại tâm ta.

Quả báo của sự trì giới có ba, mỗi khi thọ giới xong nhà sư thường nhắc Sìlena sugatim yanti. Người được sinh về cõi Trời cũng nhờ giữ giới. Sìlena bhogasampadà, được giàu sang cũng nhờ giữ giới. Sìlena nibbutim yanti, người được giải thoát nhập Niết Bàn cũng nhờ giữ giới.

 

HỎI: Nếu nói giữ giới được giàu sang tại sao chư vị Tỳ khưu giữ đến 227 giới mà không thấy quý Ngài giàu sang, trái lại còn phải đi khất thực?

ÐÁP: Câu hỏi này cần phải chia ra làm nhiều đoạn giải thích cho dễ hiểu. Phạn ngữ "Bhoga" được dịch là tài sản hay là của cải có hai nghĩa là:

- Upabhoga, của cải là vật dụng.
- Paribhoga, của cải là vật thực.

Về phương diện thọ dụng có hai tính cách:

- Tạo của cải.
- Và dùng của cải đã có.

Mặc dầu thuộc loại một hay loại hai, hay là được tạo ra hoặc được sử dụng bằng cách nào, chung quy cứu cánh của tài sản (của cải) là phải đem lại sự an vui, thỏa thích và hạnh phúc đến cho con người.

Trên đời này có nhiều cách làm ra của cải, nhưng cũng không ngoài hai lối Thiện và Ác. Ðề cập đến sự Thiện ác, lành dữ ta mới thấy điều lợi ích thực tiễn của sự trì giới. Thử hỏi, một người không biết giữ giới, hàng ngày tạo ra của cải tài sản bằng lối sát sinh, trộm cắp, lường gạt, tà dâm v. v... mặc dầu có giàu sang chăng nữa người như vậy có hoàn toàn an vui, sung sướng không? Hay mải lo âu sợ sệt, một ngày nào đó mưu mô thủ đoạn xảo trá của mình bị khám phá rồi sẽ bị truy tố, bắt bớ giam cầm khổ thân. Người sống với một tâm trạng như vậy thật không yên vui chút nào. Lại nữa người không thông hiểu đạo đức, không giữ giới, thì không biết tham lam là tai hại, thường là người làm nô lệ cho lòng ham muốn vô bờ bến của mình. Khi có của cải nhiều rồi càng muốn cho có nhiều hơn nữa, vì lòng tham nên bao giờ cũng thấy thiếu thốn, rồi mải chạy theo dục vọng, lo thu góp tài sản cho thật nhiều, không còn thì giờ rảnh đâu mà an hưởng. Một đời sống như vậy, dù có của cải nhiều đến đâu cũng vô bổ vì nó không đem đến an vui và hạnh phúc bao giờ.

Sao bằng người trì giới biết chắc chắn là tài sản của cải của mình có đây là nhờ chính nghiệp, chính mạng, nên lúc nào tâm trí cũng thảnh thơi thỏa thích, yên vui và được hạnh phúc.

Cũng có thể hiểu câu nói trên dạy về quả báo của sự trì giới. Hiện tại được giàu sang là do nhờ từ trước đã có giữ giới. Do nhân giữ giới hiện tại, sau này sẽ được quả vui, có nhiều của cải. Nhưng ngay bây giờ người giữ giới trong sạch tinh nghiêm có lợi ích là được nhiều người khen ngợi yêu mến, tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ. Và người có giới như vậy sẽ được dễ dàng hành theo bốn pháp:

1. Siêng năng làm việc.
2. Biết cách giữ gìn tài sản của mình.
3. Có bạn lành.
4. Nuôi mạng chân chính.

Chính nhờ bốn pháp này mà làm cho con người trở nên khá giả nếu không nói là giàu có.

Tóm lại trì giới là nhân, của cải là quả. Một người trì giới cho trong sạch dù chưa giàu sang nhưng cũng được an vui, hạnh phúc.

Còn như ông hỏi tại sao vị Tỳ khưu thọ 227 giới mà không có vị nào giàu sang, là tại vì ông chưa hiểu rõ giới hạnh, nguyện vọng và nhất là của cải hay tài sản của một vị xuất gia.

Trì giới đối với các Ngài cũng có nghĩa là tự nguyện từ bỏ của cải thế gian, các Ngài đã tỉnh ngộ. Ðối với các Ngài vinh hoa phú quý tài sản danh vọng ở cõi trần gian này không khác nào miếng mồi thơm móc ở lưỡi câu. Người nào chạy theo bả danh lợi không khác nào cá đớp mồi. Càng nuốt vô sâu, càng bị lưỡi câu móc chắc vào miệng vào bao tử thì càng thêm khổ.

Ðối với quý Ngài tài sản ví như món thuốc độc có hòa vào một chút mật ong, khi mới nếm thì ngon thật đấy, nhưng khi đã thấm thuốc rồi thì sẽ biết chất độc ấy hành hạ thế nào. Người ham mê tài sản cũng vậy, khi được thì cũng vui thật, khi bị mất cũng như bị cháy, trôi hay bị người cướp giật thì mới thấy cái buồn thấm thía, hay biết rằng có người muốn cướp giật nhưng ta không thể nào giao cho họ được, chừng ấy mới thấy rõ của cải là chuốc thêm khổ. Khi các Ngài (Tỳ khưu) hiểu rõ thật như vậy các Ngài càng thêm chán nản, ghê sợ, không vị nào dám mong cầu giàu sang phú quý bao giờ. Trái lại các Ngài lo hành pháp tri túc, tức là biết vừa đủ và giảm thiểu nhu cầu của mình đến mức tối thiểu, chỉ còn có Tam y và quả bát là của cải.

Giới hạnh cao quí nhất của các Ngài là càng xa lánh của cải chừng nào hay chừng ấy. Các Ngài có một nguyện vọng và xa lánh những gì mà người thế gian có, Ngài chỉ muốn một cuộc đời thanh bạch cho đúng câu "Hạnh phúc là thoát ly trần tục".

Nói thế không phải phủ nhận tất cả tài sản của cải của các bậc xuất gia.

Chính nhờ các Ngài giữ giới hạnh thanh cao tinh khiết mà các Ngài được người đời và hàng thiện nam tín nữ tôn trọng lễ bái cúng dường. Các Ngài là phước điền của nhân loại. Vị nào trì giới được trong sạch tinh nghiêm thì suốt đời không sợ thiếu thốn Tứ vật dụng. Ðiều này cũng có thể gọi là tài sản vô tận của các Ngài.

Ngoài hai thứ vật chất kể trên, các Ngài còn có một tài sản thứ ba còn cao quí hơn, tuy khó nhận thấy được vì nó là vật vô hình, đó là duyên lành hay gọi là phước báu, hay cũng gọi là vật thực dành để ăn khi đi đến Niết bàn. Trong Tam giới này không có tài sản nào quý báu bằng quả phước thiện, người đi đường trong cõi Sa bà này phải mang theo. Nhưng của quý này khỏi phải mang gánh hay chở chuyên chi hết, mà chính nó chạy theo mình, đây mới là đặc điểm quý báu nhất khó mà có vật nào sánh bằng. Vì lý do này nên các bậc trí thức hay xuất gia chân chính bỏ cả cái giàu sang hạnh phúc cõi này để tạo cái hạnh phúc cao quý hơn. Các Ngài coi giới luật còn quý hơn mạng sống của mình.

Còn một điều nữa xin đừng hiểu lầm vì nghèo khổ mà các Ngài phải đi xin ăn. Trì bình khất thực là một hạnh cao thượng của các bậc xuất gia.

Nếu nói vì nghèo quá nên mới đi xin? Vậy xưa kia Thái tử Siddhattha (Sĩ Ðạt Ta) xuất gia đi trì bình khất thực độ nhật cũng vì quá nghèo hay sao?

 

HỎI: Xin ông giải thích thêm cho tôi biết sự trì giới còn có lợi ích nào khác nữa không?

ÐÁP: Người trì giới còn là nguồn an vui cho xã hội. Sự thật tất cả sự an vui của nhân loại đều do sự an tịnh hay thái bình mà có. Khi sự an tịnh hay thái bình mất đi thì sự an vui cũng chẳng còn. Người có giới đức là người biết làm cho mình an tịnh thái bình, người trì giới trong sạch thì không bao giờ biết làm khổ ai, do đó nên luôn luôn được an vui mà còn làm cho người khác được an vui. Nếu mọi người trong xã hội này đều tự biết làm cho mình an tịnh thì thế giới này là một thiên đàng vậy. Riêng trong gia đình người Phật tử là một tiểu xã hội nếu ai ai cũng lo giữ giới nghĩa là làm cho bản thân mình được an tịnh, thì gia đình ấy là một tiểu thiên đàng trong trần gian.

Ngoài đời có luật lệ để giữ gìn trật tự, thì trong Phật giáo cũng có giới răn cấm làm cho con người trở nên người tốt đẹp. Giáo lý của Ðức Phật dạy khởi từ một cá nhân. Nhưng khi tất cả mọi người đều biết giữ giới cho tròn phận sự mình thì trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều được an vui. Vì vậy nên lời dạy của Ðức Phật lúc nào cũng hợp thời, hợp tình hợp lý.

 

HỎI: Những điều răn mà Ðức Thế Tôn đã dạy, hàng Phật tử phải thừa hành như thế nào?

ÐÁP: Theo Phật pháp gọi đó là điều học. Người Phật tử phải học cho hiểu rõ lời dạy của Ðức Thế Tôn rồi hành theo cho thật đúng.

Ðối với hàng tại gia cư sĩ, Ðức Phật khuyên giữ năm điều học và mỗi điều học đều có chia ra bốn phần khái quát:

1. Trọng điểm của điều học.
2. Ý nghĩa của điều học (cũng gọi là giới răn).
3. Chi tiết của điều học. Nghĩa là tất cả mọi khía cạnh, mọi trường hợp phụ thuộc để dễ biết khi nào phạm và khi nào không phạm.
4. Nhân và Quả của mỗi điều học.

Ðiều học thứ nhất: Tránh xa sự sát sinh (Pànàtipàtà veramanì).

Trọng điểm. Trọng điểm đây có nghĩa là sự quan trọng của điều học mà mình đã thọ trì. Ta nên đặt câu hỏi: Tại sao Ðức Phật khuyên không nên sát sinh? Có phải ngài sợ thú vật chết hết không? Vậy điều học thứ nhất này có mục đích gì?

Ðức Phật dạy không nên sát sinh, và cần phải tự nguyện không giết hại một sinh vật nào, dù là một con kiến nhỏ. Ðó là Ðức Phật muốn dạy cho con người phải có lòng Từ (là thương lẫn nhau dù người hay thú).

Ý nghĩa của điều học thứ nhất:

Không nên sát sinh, nghĩa là không nên giết hại chúng sinh có thức tánh. Ðiều này dạy cho chúng ta có lòng thương yêu nhau. Người trì giới phải tránh xa ba điều hành động:

- Sự giết.
- Sự hủy hoại thân thể của người và thú.
- Sự hành hạ người hay thú.

Giải rộng thêm:

A- Sự giết có nghĩa là làm cho chúng sinh không còn sống.

* Tội của sự giết: Giết chúng sinh có thức tánh là phạm vào giới sát. Nhưng còn tùy theo trường hợp tội lỗi có nặng nhẹ khác nhau.

* Ðối tượng của giới sát: Nói về thú, giết thú vật nuôi trong nhà hữu ích cho nhân loại tội nặng hơn thú rừng thú dữ.

Nói về giết người, giết người hung ác như trộm cướp, hay người không có giới đức, tội nhẹ hơn giết người lương thiện, giết những người lương thiện tội còn nhẹ hơn giết người tu sĩ hay bậc ân nhân của mình (như ông bà, cha, mẹ, thầy tổ). Giết cha, mẹ, A La Hán hay làm cho Ðức Phật chảy máu vì ác ý phải phạm vào ngỗ nghịch đại tội. Sau khi chết phải đọa vào a tỳ.

* Tác ý của người phạm giới: Khi giết mà cố tâm vì sân hận, oán thù hay giết mướn, tội nặng hơn khi bị bắt buộc phải giết để tự vệ.

* Phương pháp giết: Nếu giết bằng cách hành hạ cho phải thật khổ sở chết từ từ trong sự rên siết đau đớn, tội này rất nặng.

Ngoài ra còn có hạng người si mê giết thú để tiêu khiển (như đi săn) giết để khoe tài như đấu bò, đem thú thả cho chạy rồi thì đua nhau bắn xem ai bắn giỏi. Hạng người này mua vui bằng cách không lương thiện đã phạm vào điều ác mà không hay. Nếu những người này đến lò sát sinh họ sẽ trông thấy con thú biết chảy nước mắt khi bị đem đi giết, vì chúng nó cũng biết tham sống sợ chết như người vậy.

Ba tội ác trên đều do sự hành động khác nhau, dĩ nhiên hậu quả cũng sẽ nặng nhẹ không đồng nhau.

b- Sự hủy hoại thân thể như chặt tay, chân, hay khoét mắt... làm cho người bị tàn tật suốt đời.

C- Sự hành hạ là sự đày đọa khổ sở đánh đập người dưới quyền hoặc kẻ thù của mình.

Sự hành hạ có nhiều cách:

1/- Sử dụng như bắt thú kéo xe nặng quá sức mà còn đánh đập không hề thương hại, không cho ăn uống đầy đủ. Ðối với người cũng xử sự như với loài vật.

2/- Nhốt thú lại để tự mình xem chơi, hoặc cho người khác coi, nhưng nếu nuôi dưỡng tử tế, không để thiếu thốn, cực khổ tạm cho là được. Nhưng về một phương diện khác là muốn làm cho vừa lòng mình mà làm mất sự tự do của chúng sinh khác, thì cũng không tránh khỏi nghiệp ác. Thử hỏi nếu có ai nuôi ta đầy đủ, nhưng chỉ cho ở trong phạm vi một căn phòng nhỏ hẹp, thiếu sự tự do, ta có bằng lòng không?

Nhốt thú dù với dụng ý nào, mà không cho ăn uống đầy đủ đều thuộc về việc làm khổ hay hành hạ.

3/- Ðem đi, như đem gà vịt đi bằng cách cột chân tréo cánh, treo theo xe, phơi nắng không cho ăn uống ... đều phạm vào tội hành hạ súc vật.

Chi tiết của điều học thứ nhất.

Muốn biết có phạm giới hay không, coi theo năm chi tiết dưới đây:

1. Pànà, chúng sinh có thức tánh.
2. Pànasannito, biết chúng sinh có thức tánh.
3. Vadhakacittam, tính giết.
4. Upakkamo, ráng sức giết.
5. Tena maranam, chúng sinh chết bởi sự ráng ấy.

Tự mình giết, bảo kẻ khác giết hay nói khéo bằng cách này cách khác, hay ra dấu cho người khác biết để giết. Khi thấy giết được rồi lấy làm thỏa thích. Cả hai, kẻ xúi giết cũng như người giết, đều phạm vào tội sát sinh.

Nhân và quả:

Thông thường hay nói Tội và Phước cho gọn và để lãnh hội, thật ra, hiểu theo giáo lý của Ðức Thế Tôn chỉ có trạng thái vui buồn, hoặc sướng hay khổ của thân tâm mà thôi. Ðức Phật dạy không có một đấng uy quyền tối cao nào hay một vị Thiên vương nào có thể ban phước cho ta như phần đông ta lầm tưởng. Sự thật thì mọi việc gì đến với ta đều do ta mà có hết. Chỉ có sự hành động và kết quả của sự hành động mà thôi. Nói và hiểu theo Phật pháp là luật Nhân quả, làm lành được vui, làm ác gặp khổ. Thân này khi già thì phải chết, có người chết trước tuổi già, nhưng trái lại tâm là phần vô hình thì không bao giờ chết, khi chết tư tưởng cuối cùng đưa con người đi tái sinh một cảnh nào tùy theo tốt xấu mà mình đã tạo. Cái gọi là tư tưởng cuối cùng ấy có nghĩa là khi mình sắp chết có hiện tượng sinh ra trước mắt người sắp lâm chung. Phạm ngữ gọi Gatinimitta nghĩa là Kiển mộng. Sở dĩ có kiển mộng là vì do chúng ta tạo nghiệp, khi sắp lâm chung, Nghiệp ấy hiện ra một cảnh vui hay khổ tùy theo nghiệp mà mình đã tạo.

Tóm lại, luân hồi hưởng cảnh an vui hay chịu khổ cũng do nơi ba phiền não tham lam, sân hận, si mê. Khi tâm thanh cao được sinh về cảnh an vui, tâm xấu xa đê hèn phải sinh về cõi khổ. Con người đang tu hành tinh tấn, tâm đang trong sạch mà bị phiền não ấy sinh lên rồi thiếu trí nhớ, không kiểm soát được tâm để phiền não xâm nhập làm cho tâm tối mê quên giới răn, không khác nào như người xuống thang vậy. Bậc thang cuối cùng của tâm là khi đã phạm giới.

Mỗi một bước xa giới răn là một bậc thang của tâm và đi gần đến nơi khổ sở là ác đạo.

Tội thật ra là hậu quả xấu của sự hành động trái với giới luật làm cho thân tâm trở nên nhơ bẩn và con người phải đau khổ mãi mãi.

 

HỎI: Tại sao trong năm điều học Ðức Thế Tôn lại để giới không sát sinh đứng đầu? Ðây là sự tình cờ hay Ðức Phật có ý sắp như vậy?

ÐÁP: Ðức Phật là đấng Toàn giác. Nên mỗi lời Ngài đã giảng dạy đều có một ý nghĩa cao siêu, không phải vì tình cờ mà nói. Trước khi nói Ngài đã dùng tuệ giác xem xét, và nói với sự giác ngộ chớ không phải như chúng sinh nói mà không suy nghĩ. Ðức Phật đặt giới không sát sinh hàng đầu vì nó là giới quan trọng hơn hết. Ngài thấy chúng sinh không thương yêu nhau, và người không thương gì bằng thương thân ta. Mất thân này đối với chúng sinh là mất hết tất cả. Mặc dù thế giới này là một khối kim cương đi nữa cũng vô ích, một khi chúng sinh không có thân này để hưởng, vì thế chúng sinh quý mạng sống này nhất không gì sánh bằng.

Ðời người có hai điều quan trọng nhất: Sống và Chết. Ai ai cũng ham sống sợ chết, có chăng một số rất ít, vì thất vọng, thực tại vì quá khổ không còn chịu nổi nên muốn tự tử mà thôi. Cái muốn trọng đại nhất của người đời là muốn sống mãi.

Nếu phải chọn ba điều:

- Một người phụ nữ tuyệt đẹp.
- Tiền của thật nhiều.
- Và sự sống.

Chắc chắn con người sẽ chọn sự sống, và trái lại còn muốn sống thật lâu nữa là khác.

Trên đời này không vật gì quan trọng bằng sinh mạng vì vậy tất cả các tội lỗi ở đời không tội nào bị kết án nặng bằng tội giết người.

Trên thế gian này các tôn giáo tuy bề ngoài có khác nhau nhiều điểm nhưng có một điểm giống nhau là cấm giết người, và một vài con vật mà tôn giáo ấy không được phép giết như Bà la môn giáo cấm giết bò trái lại còn thờ bò, Hồi giáo cấm giết heo. Chỉ có Phật giáo khuyên chớ giết người và tất cả động vật có thức tánh dù thật nhỏ. Ðối với Ðức Phật, tất cả những loài hữu tình (có sinh mạng) đều có giá trị hầu như ngang bằng nhau. Vì vậy nên Ngài gọi một tiếng là Chúng sinh, ý Ngài gọi tất cả nhân vật Thiên vương, Phạm thiên. Ngài biết rõ đã là chúng sinh thì chúng sinh nào cũng tham sống sợ chết. Vậy chúng ta không nên vì tư lợi, oán thù hay vì một lý do gì mà giết hại nhân vật khác. Loài thú không có tài sản như chúng ta, nhưng cũng có tài sản quý nhất là mạng sống của nó. Sinh mạng là vật có giá trị rất cao quý riêng của mỗi chúng sinh. Vì những lý do kể trên, nên Ðức Thế Tôn khuyên tất cả hàng Phật tử nên thương yêu nhau, không nên giết hại một nhân vật nào vì một lý do gì.

 

HỎI: Thưa ông, nói giết nhân vật ngoài mình ra có tội đã đành, còn nếu tự mình giết mình, có tội hay không?

ÐÁP: Nói về vấn đề tự sát, ta hãy tìm nguyên nhân của sự hành động đó. Khái quát ta phải hiểu ba lý do là:

- Tự tử để trốn cái khổ mà chính mình không còn chịu đựng nổi.
- Tự tử để phản đối việc làm của người khác.
- Tự tử để tỏ ra lòng cương quyết của mình.

Nếu đem ba nguyên nhân trên để so sánh với mạng sống của con người là vật vô giá thì sinh mạng của con người còn quý hơn nhiều. Trên đời này không có vật gì quý bằng sinh mạng. Vì vậy chúng ta không nên cẩu thả nhất thời thiếu suy nghĩ mà tự tử hay hủy hoại nó.

Nếu theo giáo lý của Ðức Phật thì tự sát cũng có tội. Vì khi người tự sát là người đang ở trong trạng thái của tâm Si mê, không còn sáng suốt nhận định được phải quấy lành dữ, người chết trong trạng thái như vậy chỉ bỏ cái xác thân vô dụng này. Chủng tử là mầm của tâm si mê sẽ đưa người đi tái sinh vào cảnh tối tăm tương xứng với tâm si mê và cũng tiếp tục hứng chịu tất cả hậu quả mà đã tạo. Ðã nói là nghiệp thì không khi nào chúng ta trốn nó được, vì vậy nên Ðức Phật có dạy: Nghiệp là nơi sinh ta ra - Kammasakomhi... người Phật tử chân chính không nên làm chuyện quá si mê như thế.

 

HỎI: Nếu người này giết người kia để trả thù cho mình hay cho cha mẹ mình hoặc thân nhân mình, như vậy có tội hay không? Theo ý kiến tôi thì không tội. Vì sở dĩ mà người ấy phải giết người kia để trả thù nghĩa là người đi giết người kia không còn chịu nổi cái khổ của người bị giết gieo vào lòng họ. Thì tôi nghĩ không tội.

ÐÁP: Sự cố ý giết người với tâm ác, thì làm sao khỏi tội được, khi đã giết được kẻ thù rồi ta cũng không mập thêm mà cũng không ăn thịt người ấy được, trái lại còn mang thêm tội lỗi oan trái oán thù. Lòng ta luôn luôn phập phồng lo sợ, vì sợ ngày nào đó tội sát nhân bị khám phá thì bị tù đày giam cầm khổ sở. Nếu may ra mà trốn tránh được khỏi luật trên đời này rồi cũng chưa yên vì tâm hằng phập phồng lo sợ con cháu họ trả thù. Người ấy sống với một tâm trạng lo âu như vậy, thử hỏi làm sao yên vui được. Do đó nên gọi là Tội. Người Phật tử chân chính biết giữ giới rất trọng giới luật của mình, hết sức không cho phiền não phát sinh.

Ðức Phật dạy sở dĩ chúng sinh phải bị luân hồi, một phần cũng vì còn lòng sân hận ngoan cố không chịu dứt bỏ sự thù oán và oan trái. Vì có trả thù nên mới có oan trái triền miên không bao giờ ngừng nghỉ. Vì vậy nên Ngài có dạy trong kinh Pháp cú rằng;

Lấy oan trái cột oan trái thì oan trái ấy không bao giờ dứt.
Lấy ơn trả oán, oán ấy mới tiêu tan. (Kinh Pháp cú câu 3, 4, 5.)

Ðức Phật thường dạy Phật tử thà là mình chịu khổ, đừng làm khổ kẻ khác. Trên thực tế Ngài dạy chúng ta nên cố nhẫn nại, hỷ xả để tha lỗi kẻ khác.

Nơi đây tôi xin nhắc lại một tích, mặc dù có hơi dài, nhưng không ngoài ý chỉ cho ta thấy oan trái không nên cột, đây là tích trong kinh Pháp cú. (Kinh Pháp cú câu 5, Tích Người sinh làm nữ Dạ xoa. Xin xem thêm "Chú giải Kinh Pháp cú" do Ngài Trưởng lão Pháp Minh dịch, xuất bản năm 1997, 1998.)

Có một gia đình khá giả, nhưng chỉ sinh được có một người con trai. Sau khi cha đã quá vãng, một mình phải lo việc đồng áng còn lo việc gia đình thật là cực nhọc. Bà mẹ thấy con quá lao lực nên lấy làm thương hại, nên bà lo cưới vợ cho con trai bà để có người phụ lo việc trong nhà. Dâu bà cũng là con nhà khá giả, hiền lành, bà cũng hết lòng thương yêu, nhưng khổ nỗi dâu bà không sinh nở gì cả. Vì vậy nên bà định cưới vợ lẽ cho con bà.

Cô dâu nghe tin ấy nghĩ rằng: "Ta nên cưới vợ bé cho chồng ta, nếu để cho bà đứng cưới thì về sau này ta sẽ không có quyền gì với cô vợ bé ấy cả. " Cô liền lo kiếm nơi xứng đáng cưới về cho chồng, không lâu cô vợ bé có thai.

Cô vợ lớn mới nghĩ rằng: "Nếu nàng này mà có con thì sẽ làm chủ gia đình này. Vậy ta phải làm cho nó không có con mới được. " Nghĩ rồi cô mới nói với cô vợ bé rằng: "Khi nào em có thai, em hãy bảo cho chị biết, để chị chia vui với em. "

Cô vợ bé là người chất phác thật thà nên cô mới nói thật với người vợ lớn là cô đã có thai. Cô vợ lớn mới tìm thuốc phá thai cho cô vợ nhỏ uống. Vì vậy nên thai ấy hư. Ðến lần thứ nhì cũng vậy. Ðến lần thứ ba, người hàng xóm lấy làm lạ mới hỏi cô vợ bé, và cô ta mới thuật cho mà nghe. Khi biết chuyện, người hàng xóm mới khuyên cô: "Từ nay đi phải giấu đừng cho cô vợ lớn biết. "

Ðến lần thứ ba cô vợ lớn biết thì đã muộn lắm rồi, nhưng cô cũng cứ vẫn cố tìm thuốc phá thai cho cô vợ bé uống. Cô vợ lớn nói dối rằng đây là thuốc dưỡng thai. Vì thai bào đã quá lớn nên sức thuốc không phá được. Nhưng cũng hành hạ cô vợ bé thật là khổ sở, rồi thai ấy cũng hư và cô vợ bé cũng chết thảm thiết.

Trong những ngày đau đớn trên giường bệnh, trước khi sắp chết cô ta mới cột oan trái rằng: "Người đã cố làm hại ta hai lần, lần này lại giết ta nữa. Sau khi chết, ta nguyện sinh làm giống gì cũng được miễn là ta ăn thịt lại mẹ con ngươi mới hả lòng."

Sau khi chết cô được tái sinh lại làm mèo trong gia đình ấy.

Còn người chồng sau khi biết rõ chuyện ác đó, ông ta tức giận đánh chết cô vợ lớn, cô này lại tái sinh làm gà mái cũng trong gia đình ấy. Không bao lâu gà đẻ, ấp con, mèo ăn luôn như thế hai lượt, đến lượt thứ ba mèo ăn cả mẹ lẫn con của gà.

Khi gà sắp chết có cột oan trái với mèo rằng: "Ngươi đã ăn con ta hai lần, lần này lại ăn cả ta. Kiếp sau ta nguyện ăn con ngươi và ngươi lại. "

Kiếp sau đó người vợ lớn sinh làm cọp, người vợ bé sinh làm nai. Khi nai sinh, cọp đến ăn con của nai hai lần, đến làn thứ ba ăn cả mẹ lẫn con.

Nai tức giận mới cột oan trái rằng: "Ngươi ăn con ta hai lần trước rồi, hôm nay ngươi lại ăn cả mẹ con ta nữa. Ta nguyện kiếp sau ta ăn cả mẹ lẫn con của ngươi lại."

Kiếp sau đó, nai sinh làm Dạ xoa, còn cọp sinh làm con gái của một gia đình trong thành Sàvatthì. Khi lớn lên cô cũng có chồng người thành Sàvatthì.

Khi cô ấy sinh, Dạ xoa hóa thành một người đến thăm, rồi bắt đứa trẻ ấy ăn. Ðến lần thứ nhì cũng vậy. Ðến lần thứ ba cô nọ có thai gần ngày sinh mới nói với chồng rằng: "Nơi đây có Dạ xoa và đã đến ăn con ta hai lần rồi, vậy lần này cho tôi về sinh ở gia đình tôi." Chồng cô bằng lòng.

Vì Dạ xoa bận việc nên năm tháng sau khi sinh của cô kia, Dạ xoa mới trở lại tìm cô vợ lớn để ăn thịt con cô. Tìm khắp nơi mới biết cô kia đi về sinh ở bên gia đình cô, Dạ xoa lập tức đi đến nơi ấy, nhằm lúc hai vợ chồng đang trên đường về nhà. Khi vừa đi đến chùa Kỳ Viên nơi ao tên Pokkharanì là nơi mà Ðức Thế Tôn hằng ngự đến tắm (ao ấy ở ngoài vòng chùa Kỳ Viên), lúc ấy trời đang nóng cô trao con cho chồng để xuống ao tắm. Khi tắm xong, lên bồng con thay chồng xuống tắm, thì Dạ xoa cũng vừa đến. Cô lấy làm kinh sợ ngó trước sau không thấy nơi nào có thể trốn khỏi Dạ xoa, cô liền bồng con chạy thẳng vào tịnh xá Kỳ Viên nơi Ðức Thế Tôn đang ngự. Cố nhiên khi Ðức Thế Tôn ngự nơi nào đều có chư Thiên theo hầu nơi ấy, nên Dạ xoa vừa đến nơi ấy bị chư Thiên không cho vào. Còn cô kia thì quá kinh sợ, không còn biết gì hết. Cô thấy Ðức Thế Tôn đang ngự trên pháp tọa thuyết pháp giữa hàng tứ chúng, cô để đại đứa bé vào tay Ðức Phật và bạch: "Bạch Ðức Thế tôn, con xin cúng dường đứa bé này cho Ngài, xin nhờ oai đức Ngài cứu sống mạng nó."

Khi ấy Ðức Thế Tôn mới dạy Ðại đức Ananđa ra gọi Dạ xoa vào hầu Phật. Ngài dạy:

- Tại sao ngươi tạo ra ác nghiệp như thế này? Nếu hai người không gặp được Như Lai hôm nay thì các người còn cột oan trái đến cả kiếp (Ðức Phật muốn ám chỉ Kiếp là tuổi của trái đất chớ không phải một đời người). Cũng như oan trái giữa rắn và chồn, hay con gấu và cây căm xe, hoặc như con quạ và chim mèo. Oan trái mà dứt được là nhờ nơi không cấu kết với nhau. Ðức Thế Tôn dạy thêm rằng: "Từ cổ chí kim, oan trái không khi nào dứt được vì sự cấu kết với nhau, nhưng oan trái sẽ dứt nhờ sự diệt bỏ oan trái. Ðây là pháp tối cổ, làm dứt oan trái là con đường đi của bậc Thánh nhơn như Thinh văn, Duyên giác, độc giác hay Chính Ðẳng Chính Giác.

Khi Ðức Thế Tôn thuyết vừa dứt câu Dạ xoa đắc quả Tu đà hườn. Ðức Thế Tôn mới bảo cô gái kia:

- Ngươi hãy trao con ngươi cho Dạ xoa.

Cô ấy đáp:

- Bạch Ðức Thế Tôn con vẫn còn sợ quá.

Ðức Thế Tôn dạy:

- Ngươi chớ lo, sự tai hại giữa người và Dạ xoa không còn nữa.

Nghe vậy cô mới trao con cho Dạ xoa. Dạ xoa bồng con hôn rồi trả lại cho cô kia. Trả xong, Dạ xoa lại khóc.

Ðức Thế Tôn phán hỏi:

- Tại sao ngươi khóc?

- Bạch Ðức Thế Tôn, bởi vì tôi không còn nuôi mạng sống được như xưa nữa. Từ nay tôi không biết phải sống bằng cách nào.

Ðức Thế Tôn biết người đã đắc quả Tu đà hườn rồi thì không còn phạm một tội nào rất nhỏ trong Ngũ giới. Dạ xoa là hạng ăn thịt sống thì làm sao sống theo đúng chính pháp được. Ðức Thế Tôn dạy cô kia đem Dạ xoa về nuôi, cả hai thương yêu nhau và dứt bỏ oan trái, oán thù. Nhờ đó mà cả hai sống an vui.

Khi ấy Ðức Thế Tôn thuyết câu kệ:

"Akkochimam avadhinam ajininam ahàsi me ye ca tam upaneyyanti veram tesam na sammati...
Na hi verena veràni samantidha kudàcanam. Averena ca sammanti esa dhammo sanandano"

Nghĩa:

Kẻ nào cột oan trái rằng, họ đã giết ta, đã đánh ta, đã thắng ta, đã cướp của ta, oan trái của người ấy không bao giờ dứt. Người nào không còn oan trái như thế, thì oan trái của người ấy sẽ dứt. Và từ cổ chí kim, oan trái không bao giờ dứt được bởi sự cột oan trái. Oan trái chỉ dứt được bởi sự không cột oan trái.

Cột oan trái: nghĩa là cố nhớ tội lỗi hay điều mà người ta đã làm trái nghịch với ta, và có cơ hội đặng trả thù trả oán. Người hành động như thế gọi là kết cấu oan trái oán thù. Khi người cột oan trái oán thù cũng như vay rồi trả, trả xong lại vay, không biết chừng nào mới hết, nếu người không có trí tuệ để nhận định chân lý về cái khổ của mình khi bị người làm hại. Trước khi muốn dứt oan trái thì người nên dẹp sự giận hờn, oán ghét và gieo mầm từ ái trong tâm mình, rồi rải lòng từ đến cho tất cả chúng sinh, người làm được như thế mới mong giải thoát khỏi sự oán thù và oan trái.

Trở lại vấn đề giết để trả thù. Người cố tâm trả thù. Trước hết trong tâm người ấy chứa đầy sự oán giận, căm hờn. Tâm ấy thuộc về tâm ác, đó là nhân tạo ác nghiệp. Gây thêm oan trái. Tâm người nghĩ muốn trả thù là tâm đã hướng về điều ác, hay đang đi trên con đường tới nơi khổ là bốn đường ác. Người mà nghĩ đến trả thù, họ không nghĩ rằng, họ đang tăng thêm sự lo sợ và khổ vào lòng họ, đã gọi là giết thì dù với nguyên nhân nào cũng đều phạm vào giới sát, nếu khi nhận thấy đủ chi tiết.

 

HỎI: Còn một điều nữa mà tôi lấy làm nghi ngờ là: Khi tôi còn nhỏ thấy chó hoang bệnh, đói nằm một chỗ, trông thật là khổ não, mà nhất là mùa rét. Tôi nghĩ nhất định con chó này thế nào cũng chết không sớm thì muộn. Nếu để nó sống thế này mãi thì nó càng bị kéo dài chuỗi ngày đau khổ. Vì thương hại nó nên tôi đập nó chết. Tác ý tôi là để giúp con chó mau thoát khổ để sinh vào kiếp khác. Thưa ông như vậy tôi có tội không?

ÐÁP: Theo trong câu hỏi này có hai điều lẫn lộn nhau là tâm từ và tâm Ác. Chiếu theo kinh luật của Ðức Thế Tôn như đã giải thì ông đã phạm vào tội sát sinh có đầy đủ tất cả năm chi.

Giờ đây tôi xin nhắc lại sự làm tội do nơi ba nguyên nhân là:

- Lobhahetu - Nguyên nhân làm tội do lòng tham lam.
- Dosahetu - Nguyên nhân làm tội do lòng sân hận.
- Mohahetu - Nguyên nhân làm tội do lòng si mê.

Vì si mê nên không nhận định phải quấy rồi làm tội mà cho là phước. Giờ hãy suy nghĩ xem việc tội giết con chó do nguyên nhân nào? Có phải là si mê không? Theo việc làm của ông thật là thiếu sáng suốt. Mặc dù thấy chó khổ, nhưng làm sao biết rằng: Nó muốn chết hay không? Ðiều này khó mà cả quyết được.

Còn như ông bảo đập nó chết để giúp nó mau tái sinh vào kiếp khác khỏi khổ thì lấy gì làm bằng chứng mà dám tin chắc như vậy. Hơn nữa, ông làm sao biết được nghiệp con chó ấy hết hay chưa?

Theo Phật giáo thì chỉ có những chúng sinh nào không còn nghiệp ác mới khỏi bị đọa vào các cảnh khổ, chúng sinh nào tạo nghiệp thiện mới được sinh vào nơi nhàn cảnh.

Cái chết dù chớp nhoáng hay dây dưa trong tình trạng bị bệnh tình hành hạ oằn oại cũng chưa hẳn là dứt được cái khổ.

Muốn thoát khổ chỉ có con đường duy nhất là trì giới, lo tu hành, sống một đời sống đạo đức đúng theo chính pháp.

Như vậy thử hỏi làm sao biết được con chó kia ở trong trường hợp nào mà dám quả quyết chết như vậy nó sẽ mau được tái sinh kiếp khác an vui khỏi khổ hiện tại.

Thật là một điều đáng tiếc cho ông vì thiếu sáng suốt và kém thông hiểu Phật Pháp. Nên cho việc quấy là phải.

 

HỎI: Thưa ông nếu trường hợp mình gặp một chúng sinh khổ như thế, ta là Phật tử phải làm thế nào giúp đỡ, không lẽ để vậy, lấy mắt nhìn hay sao?

ÐÁP: Trong trường hợp đó, có hai điều ta cần làm nếu ta có thể thực hành là:

- Nếu có thể ta cho thuốc trị bệnh hay là cho tiền của, cơm nước tùy theo hoàn cảnh.

- Nếu tự mình không đủ sức làm việc trên thì tìm người khác có đủ phương tiện hơn để giúp đỡ. Nếu trường hợp này mà là nhà sư thì chỉ có một phương pháp là rải lòng từ, hồi hướng phước báo cho người hay vật đang thọ khổ ấy hết bệnh hay khỏi khổ. Ngoài ra không còn phương tiện nào khác hơn.

Ðiều học thứ nhì: Tránh xa sự trộm cắp.

HỎI: Thưa ông? Tôi đã rõ được điều học thứ nhất, xin ông giải cho tôi điều học thứ nhì.

ÐÁP: Ðiều học thứ nhì: Adinnàdànà-veramanì là: Tác ý lánh xa sự trộm cắp.

 

HỎI: Trọng điểm của điều học này ở chỗ nào?

ÐÁP: Trọng điểm của điều học này là chỉ cho ta thấy rõ cái khổ vì bị mất của và dạy cho người Phật tử ăn ở cho thành thật. Theo Phật giáo gọi là chính mạng.

Ðiều răn này có ba là:

A. Corakammam - Việc làm của kẻ trộm cắp, cướp bóc. Ðiều này có thể chia ra làm 14 chi:

1. Trộm nghĩa là lén lấy của người ta, trong khi chủ nhân không hay biết chi hết.

2. Giật nghĩa là đoạt ngang trên tay người khác khi mà chủ nhân không bằng lòng cho, hay không để ý rằng sẽ bị giật.

3. Dọa nghĩa là nói những gì làm cho người khác kinh sợ phải đem của mình ra cho, hoặc ăn uống trong tiệm xong rồi làm cách cho chủ sợ, như làm lòi dao, hay súng rồi nói khéo làm cho người chủ nghe biết mà không dám đòi tiền.

4. Cướp nghĩa là dùng bạo lực để uy hiếp tài gia lấy của, không kiêng nể pháp luật.

5. Phao vu nghĩa là đưa tin không đúng với sự thật như nói: Nhà người kia có chứa đồ quốc cấm, người ấy là kẻ sát nhân v. v... để làm cho chủ nhân kinh sợ đưa tiền ra.

6. lường nghĩa là lừa dối, bịp bợm người để lấy của.

7. Gạt nghĩa là lừa đảo có tác ý nói cho người tin theo để đưa của ra cho mình. Lời nói này là lời nói dối. Nhưng tác ý là lấy cho được của. Như thường thấy có người đến than khóc kể lể nói chồng con hay quyến thuộc chết trong bệnh viện, nhưng không có tiền mua hòm chôn... khi người hảo tâm thấy vậy động lòng thương giúp đỡ.

8. Lừa tráo nghĩa là Thiếu như những người buôn gian bán lận, mua cân già bán cân non. Như kẻ không tàn tật nhưng giả bộ bị tàn tật, để đi xin ăn.

9. Giả nghĩa là không đúng sự thật, như hàng nội hóa nói hàng ngoại mới nhập cảng, để bán giá cao. Hay vàng giả nói vàng thật để làm cho người lầm.

10. Mượn nghĩa là không chịu trả, vì người chủ quên.

11. Ăn lời nghĩa là làm không đúng sự thật, như người làm công mua đồ cho chủ rẻ nói cho đắt để được lời một số tiền. Hoặc hùn vốn buôn bán với nhau khi chia lời, chia cho mình nhiều, cho phần của kẻ khác ít hơn, mặc dù vốn góp và công sức bỏ ra như nhau.

12. Ðổi nghĩa là của mình giá rẻ đem đổi lấy cái giá đắt hơn, hay của mình cũ đổi lấy cái mới của kẻ khác.

13. Lậu thuế nghĩa là buôn bán không chịu đóng thuế, hay đóng mà khai gian, nhiều khai ít.

14. Thụt két nghĩa là lấy cắp tiền trong quỹ do mình được giao giữ; như người được chủ tin cậy giao cho một số tiền rồi lấy trốn đi, hoặc khi đi thu tiền được xong trốn luôn không đem về cho chủ.

Mười bốn phép kể trên thuộc về tội trộm cắp.

B. Anulomacorakammam - tạm gọi là trộm cướp, điều này không hẳn là trộm cắp, vì tác ý có khác hơn 14 điều trên. Ðiều này lại chia ra làm ba chi khác nhau:

1. Ðồng lõa nghĩa là giúp mua đồ do trộm cắp được hay trốn lậu thuế, hoặc oa trữ của bất chính, để kẻ trộm cho hoa hồng, hay giúp đỡ cơm gạo vật ăn thức uống.

2. Chơi thân nghĩa là chơi thân với kẻ trộm vì thâm tâm muốn kẻ trộm cho tiền của khi lấy được của người khác.

3. Hối lộ nghĩa là trường hợp công chức có thế lực ăn của đút lót để tha hoặc chỉ cách cho người khác để qua mặt pháp luật. Khi xong việc được người đền ơn.

Nếu điều thứ ba này người giúp cho kẻ gian làm hại cho quốc gia hay cho nhiều người khác thì luật lệ hiện hành sẽ lên án nặng vì nó là một trọng tội.

C. Chayàcorakammam - bóng dáng của sự trộm cướp, điều này có hai ý nghĩa khác nhau:

1. Làm cho người bị phá sản, hay bị mất đi một phần nào tài sản. Không đem của cải ấy về cho mình, nhưng chỉ cốt làm cho người bị mất hay bị hại.

2. Lấy của người vì nghĩ rằng: Nếu chủ nhân biết hoặc thấy cũng bằng lòng cho ta, vì là chỗ thân bằng quyến thuộc.

Giới này khi phạm đầy đủ năm chi gọi là phạm vào tội trộm cắp.

Năm chi ấy là:

1. Parapariggahatam - Vật có chủ gìn giữ.

Có nghĩa là vật ấy có chủ, ta lấy họ không hay biết chi hết. Người chủ của ấy là người thường, hay của chùa, của hội hoặc của cơ quan chính phủ...

2. Parapariggahanam - Biết rõ rằng, vật này có chủ, nghĩa là người biết rõ rằng: vật ấy có chủ ta lấy họ không biết, hoặc bán đồ thuộc loại quốc cấm như nha phiến, nha phiến trắng, hoặc đồ ấy phải đóng thuế, nhưng lại trốn thuế. Nếu thật tình không biết đồ này phải đóng thuế hay thuộc loại quốc cấm, không dối lòng mình thì không phạm giới, nhưng đối với pháp luật hiện hành thì không dung chế được.

3. Theyyacittam - Tính trộm cắp hay cố ý trộm cắp. Câu này có nghĩa là: khi người lấy của ấy có tác ý là chỉ mượn thôi. Nhưng khi không ai thấy mình lấy và khi dùng coi thích quá nên không trả, hoặc khi thấy của rơi, trước hết tác ý chỉ lượm đem trình cho nhà chức trách, nhưng khi nghĩ lại làm cho lòng tham phát sinh lấy làm của mình luôn.

4. Upakkamo - Ráng sức làm đủ cách để chiếm lấy. Nghĩa là đang rình rập hay đi đến chỗ trộm cắp đồ vật, khi đưa tay ra lấy được vật ấy về cho mình là phạm giới trộm cắp. Hoặc giả viết thư hoặc nói ra lời phao vu cho người tài gia để lấy của ấy. Khi lấy được là phạm vào tội trộm cắp.

5. Tenaharanam - Trộm cắp được do nơi sự cố gắng ấy.

Theo điều học này cho chúng ta nhận thấy rằng: Chính yếu của điều học là do nơi tác ý. Vì tác ý là nguyên tố làm cho con người hành động.

Ðiều học thứ nhất và thứ nhì liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của con người, hai điều này thuộc về chính mạng một trong Bát chính đạo.

Người đời thường nghĩ rằng: Nuôi mạng là chuyện riêng về vật chất, thì tại sao lại có liên quan đến tinh thần? Có người lại nghĩ sở dĩ khuyên tránh xa trộm cắp là không muốn cho kẻ khác buồn rầu thất vọng khổ sở vì mất của. Nhận định như vậy thật đúng, nhưng chỉ đúng một phần nào thôi. Sự thật người trộm cắp muốn làm giàu bằng sự cực nhọc của kẻ khác. Ðây là về phương diện vật chất, còn về phương diện tinh thần, người trộm cắp là người muốn được an vui trên cái đau khổ buồn rầu của kẻ khác.

Do nhân chẳng lành ấy, người trộm cắp thường bị tù đày về phần thể xác (vật chất). Về phương diện tinh thần, tức là tâm của người đó cũng không bao giờ được bình tĩnh để hưởng an vui, luôn luôn sống trong phập phồng lo âu sợ sệt, ăn năn, hối tiếc tội lỗi đã làm.

Ðó là chưa kể tâm người trộm cắp càng ngày càng bị ô nhiễm tánh tham lam, vì ác pháp là nguyên nhân đem phiền não đến cho người kiếp này và đời vị lai.

Người không giải thoát hay đang mang nặng tội lỗi nên cố mài giũa, nếu có thể được thì nên quăng bỏ được của nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy. Tham lam là một gánh thật nặng nề của con người còn trong luân hồi.

Trong năm chi trộm cắp, hết bốn chi thuộc về phần Tâm rồi.

Bốn chi ấy là:

1. Biết rõ rằng của lấy trộm ấy có chủ.
2. Nghĩ đến sự trộm của ấy.
3. Cố ráng hết sức mình tìm phương thế trộm cắp.
4. Ðã đem của ấy về cho mình (đoạn này thuộc về Tâm và Thân).

Ta có thể ví như người có thói quen xấu hay lân la gần bên hầm phân, rồi té xuống đó. Nếu không sớm vớt lên, chất hôi thối càng ngày càng ngấm vào người, hoặc sẽ phải uống nhiều nước phân, để rồi phải chết chìm luôn trong đó.

Tâm kia cũng vậy, nếu không sớm thức tỉnh ngăn ngừa các ác ý xâm chiếm, thì càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi, y như chứng bệnh, nếu không sớm lo chuyên trị thì sẽ trở thành nan y.

 

HỎI: Xin giải thích rõ thêm 5 chi trên cho dễ hiểu?

ÐÁP: Năm chi ấy có thể hiểu đại cương như thế này:

1. Của có chủ (khi người mới nghĩ đến của này có chủ, nơi đây chưa có thể nói là phải tội hay không, nó còn lưng chừng).

2. Biết rằng vật ấy có chủ, (đoạn này cũng còn trong vòng chưa phải là tội hay không).

3. Tính trộm cắp (nơi đây tâm đã bắt đầu bị phiền não xâm chiếm quấy nhiễu rồi và cũng bắt đầu quên điều lành. Tâm đã hướng vào tội lỗi, giới luật bắt đầu bị đe dọa).

4. Cố gắng hay ráng sức trộm (đoạn này tâm đã tụt xuống một bậc thật thấp vì nó đã quá khắng khít với tội ác).

Ðến giai đoạn này thật cũng khó cho người kéo tâm trở lại được, phải cần có nhiều nghị lực và hai pháp hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi cho mạnh.

5. Khi chính mình biết rằng: đã trộm được vật mà mình cố ráng đem về rồi (đây là tội thật sự, và cũng đã đi tới mức cuối cùng của tâm trộm cắp).

Trên đây tôi phân tích sơ lược để ông dễ nhận xét về những giai đoạn của tâm, nhưng nếu nói về Sát na của tâm thì rất là lẹ, thật ra trong tam thế này không có gì lẹ bằng Sát na của tâm. Tâm con người hằng vọng động, sự luân hồi của chúng sinh không có ai có thể đoán trước được. Khi còn trong Tam giới có thể mới là một vị Thiên vương sẽ trở lại làm người hay là súc sanh ngạ quỉ. v. v... tùy theo sát na cuối cùng xấu hay tốt của tâm. Vậy chúng ta đang có được thân này hiện tại đây chứng tỏ kiếp trước, chúng ta có tâm thanh cao tinh khiết, nếu nay sớm biết tội nên lánh xa tội và mau mau cố tạo thêm thiện pháp là đào tạo cho mình con đường xán lạn về ngày vị lai.

Sở dĩ Ðức Thế Tôn khuyên không nên trộm cắp của kẻ khác. Ðiều này nếu chúng ta giữ được là có ích cho bản thân ta chớ không lợi gì cho Ngài. Nhưng chỉ vì lòng Từ bi muốn chúng sinh mau giải thoát khỏi đời sống lầm than cơ cực này. Ðức Phật dạy sự biết kính nể quyền lợi của kẻ khác. Phạn ngữ gọi là Manussa-dhamma có nghĩa là Pháp trong tâm của con người (ta cũng có thể gọi là nhân đạo hay lòng nhân đạo).

Người có học và hiểu lý đạo thấy rõ rằng: Cướp bóc, lường gạt của kẻ khác đem về xài cho toại lòng tham lam đó không phải là khôn ngoan hay có trí tuệ mà trái lại là sự dại dột và thường bị lỗ lả. Vì khi ta lấy được của người bằng cách bất chính nào để nuôi dưỡng thể xác này, còn Tâm là một vật rất quý báu thì lại để thoái hóa, nếu không muốn nói là đã tụt xuống thấp.

Sự trộm cắp hay sang đoạt của người bằng phương pháp nào đem về cung phụng cho thể xác nhơ nhớp này và người trong gia tộc, chỉ được một thời gian nào đó thôi, nhưng rồi sau bị trả quả sẽ thọ khổ trong bốn đường Ác không có hạn định năm tháng bằng con số được, mà khi chịu khổ ấy quyến thuộc, vợ con ta không ai chịu thế cho ta được. Thật là dại dột làm tội để kẻ khác thọ hưởng. Nói đây tôi không dám ám chỉ người ích kỷ chạy trốn phận sự làm chồng, làm cha, làm con, nhưng người muốn làm tròn phận sự thì phải làm việc chân chính Phật giáo gọi là Chính nghiệp.

 

HỎI: Thưa ông, giới răn không trộm cắp rất hữu ích cho một cá nhân, nhưng đối với xã hội có ích lợi gì hay không?

ÐÁP: Nói về ích lợi cho xã hội, thì không thể kể hết được.

Nếu trong xã hội mà toàn là kẻ trộm cướp, thì thử nghĩ coi Chính phủ phải khổ tâm đến độ nào? Chính phủ làm sao có đủ nhà giam để giam giữ kẻ trộm cướp ấy. Tài chính đâu để trả cho Cảnh sát canh phòng. Ðất đâu mà chôn cho đủ những kẻ trộm cướp giết hại nhau.

Phật dạy chúng sinh tránh tội lỗi không phạm vào điều ác được bao nhiêu người, thì đỡ cho xã hội bấy nhiêu. Thí dụ như Việt Nam có 80% tín đồ Phật giáo giữ giới, thì chính phủ Việt Nam khỏi lo 80% dân số ấy phạm vào tội trộm cắp. Vậy Phật giáo có đem lợi ích cho quốc gia xã hội hay không?

Ðiều học thứ ba: Tránh xa sự tà dâm.

HỎI: Thưa ông, điều học thứ ba Ðức Thế Tôn dạy những gì?

ÐÁP: Ðiều học thứ ba là Kàmesu-michàcàrà veramanì nghĩa là "Tác ý tránh xa Tà dâm".

Trọng điểm của điều này là: Tạo ra sự đoàn kết và ngăn ngừa sự chia rẽ gia đình này với gia đình kia, và làm cho xaõ hội được an vui.

Ðiều răn này có bốn chi:

1. Agàmaniyathànam - Người nữ không nên Tà dâm (nghĩa là người nữ có người gìn giữ).
2. Tasaminsevannacittam - Tính tà dâm với người nữ ấy.
3. Ðộng tác hành dâm
4. Maggàmaggappattànam - Ðã hành dâm xong.

Giải thích:

Giới này có hai hạng người bị cấm là Nam và Nữ. Người nam nào hành dâm với người nữ đã có người gìn giữ đều phạm vào bốn điều kể trên là người phạm giới Tà dâm. Người nữ nào tà dâm với người nam đã có người gìn giữ thì người nữ ấy phạm vào tội Tà dâm. Nếu cả hai Nam và Nữ đều là người ở trong khuôn khổ của Pháp luật răn dạy, cả hai đều phạm tội Tà dâm.

Người nữ không nên tà dâm có ba hạng:

a- Sasàmikà - người nữ đã có chồng, ý nói người nữ này ở với nam với danh nghĩa vợ chồng, mặc daàu có cưới gả hay không người nữ này cũng ở trong phạm vi của điều học răn cấm. Ngoại trừ vợ chồng người ấy ly dị, hay chồng chết. Nếu người chồng đi xa hay ở tù nhưng chưa chính thức ly dị, người nữ ấy cũng còn trong phạm vi của người nữ có chồng.

Người thiện nam chân chính có giới đức trong sạch không nên có hành động cũng như lời nói không được chính đáng. Tốt hơn hết khoâng nên giao tiếp với người nữ ấy. Nếu Tri túc.

b- Natirakkhita - Người nữ dưới quyền giám hộ của quyến thuộc hay của người nào do cha mẹ hay quyến thuộc nhờ giám hộ. Tóm lại người phụ nữ này không có quyền chọn lựa lấy tình yêu mình, vì còn trong vòng kiểm soát của một người nào đó. Nếu muốn có chồng phải có lễ cưới hỏi theo phong hóa lễ giáo.

Người nam nào phạm vào điều này là người nam phạm vào sự làm mất danh giá của gia đình người nữ, làm cho người giám hộ khổ taâm. Ðiều này nếu hai người đồng tình nhau thì cả hai nam và nữ đều phạm.

Người phụ nữ nào sau khi được người giám hộ nhận lễ hỏi xong người hôn phu mới được phép đến thăm tự do, trừ phi đã từ hôn.

c- Dhammarakkhita - Người phụ nữ dưới sự giám hộ của Pháp luật. Ý nói các cô còn vị thành niên, hay các bậc tu nữ.

Người nam không được phép tà dâm:

a- Người nam đã có vợ.
b- Người nam dưới quyền giám hộ của pháp luật và hàng tu sĩ.

 

HỎI: Thưa ông, vì lý do gì mà Ðức Thế Tôn lại chế ra điều luật này?

ÐÁP: Ðức Thế Tôn dạy điều răn này vì Ngài hiểu rằng: Chúng sinh trong cõi dục này lòng tham dục không bờ bến, nếu để tùy ý họ thì chắc chắn rằng: ở thế gian này trở thành một nơi giết hại nhau vì tranh giành nữ sắc, sự dâm dục là nhân của tội lỗi và pháp rất thấp kém. Như ta thường biết khi xưa thường có chiến tranh giết hại nhau nhiều không sao kể xiết chung quy cũng chỉ tại sắc đẹp. Vì nhận thấy tai hại như vậy, nên Ðức Thế Tôn chế ra điều học để răn cấm tín đồ.

Theo điều học này thì người nam lẫn nữ đều phải cố giữ cho trong sạch. Trong Kinh Hạnh Phúc Ðức Thế Tôn có dạy phải biết Tri Túc là không nên ham muốn tình dục ngoài vợ nhà. Ðây nếu người cha trong gia đình giữ được điều này thì gia đình không bị đổ vỡ và được an vui.

Giới này ngăn hai điều tai hại xảy ra:

1/- Làm cho đồi bại, mất cả phong hóa lễ giáo.
2/- Làm cho xã hội suy đồi.

Người Việt Nam rất trọng lễ giáo là người đàn bà giữ chữ trinh. Trước khi Phật giáo truyền bá đến Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có moät nền luân lý căn bản nhất là giới cấm tà dâm. Trong xã hội nào mà không phân biệt vợ chồng anh em thì xã hội ấy thật rất là tồi baïi. Nên chi giới Tà dâm là một điều học rất cần thiết cho mọi người và mọi tầng lớp trong xã hội, không nên để thiếu sót.

Trong Phật giáo có chia ra làm ba cảnh giới:

1/- Dục giới.
2/- Sắc giới.
3/- Vô sắc giới.

Chúng sinh nào còn sinh trong cõi dục là cõi của chúng ta đây rất khao khát tình dục. Trong cõi này có thể chia ra làm ba hạng:

a. Hạng thấp nhất là hạng đam mê tình dục, có vợ con mà chưa đủ, muốn tìm thêm vợ lẽ... mặc dầu theo pháp luật đời cuõng như đạo, đều ngăn cấm gắt gao nhưng cũng chưa thu lượm được kết quả khả quan.

b. Hạng trung bình là hạng ráng thu thúc và trì giới Tri túc không cho tâm đam mê tình dục, vẫn còn có vợ, nhưng giữ giới tà dâm thật là chín chắn.

c. Bậc cao thượng là hạng ly gia cắt ái, không còn ham muốn về tình dục, lánh xa trần tục bỏ cả lợi danh, các Ngài là bậc xuất gia chân chính, là bậc đáng cho ta kính trọng cúng dường. Các Ngài lo trau giồi phẩm hạnh làm cho lòng trong saïch, yêu mến giới luật hơn cả đời sống của mình.

 

HỎI: Thưa ông, đoạn trên ông có dạy đến chuyện người phụ nữ khi chồng bị tù mà chưa ly dị hẳn với người vợ, người nam nào hành dâm với người phụ nữ ấy đều phạm vào giới Tà dâm cả nam lẫn nữ, thưa ông có phải vậy không?

ÐÁP: Phải, nếu chưa ly dị hẳn thì cả hai người đều phạm vào điều cấm thứ ba này. Vì lẽ người chồng khi trong tù cũng vẫn tin tưởng rằng: Vợ ở nhà, vẫn lo cho vợ và không tránh khỏi sự nhớ thương.

 

HỎI: Xin ông cho phép tôi hỏi thêm điều này đáng lý ra thì không nên hỏi ông, nhưng xin ông thông cảm cho.

ÐÁP: Chuyện chi mà ông rào đón vậy. Tôi rất sẵn lòng giải đáp những gì ông hỏi mà tôi có thể giải đáp được. Tôi chỉ xin miễn giải đáp câu hỏi nào có lẫn chính trị và có sự chia rẽ Phật giáo cùng các Tôn giáo khác.

 

HỎI: Thưa ông, tôi muốn đề cập đến một hạng người mà tôi chưa tìm ra tiếng nào để nói với ông cho thanh nhã hơn. Người ấy tôi xin tạm dùng tiếng là buôn hương bán phấn. Thưa ông, những người ấy có phạm vào tội tà dâm không?

ÐÁP: Người hành nghề như thế trái với Manussadhamma nghĩa là pháp làm người, hay chúng ta gọi là Nhân đạo, làm như thế ấy mất giá trị của con người. Trên đời này ai ai cũng khinh khi nghề ấy đến đỗi người ta còn gắn vào cái tên không mấy đẹp đẽ là mại dâm là một nghề mà xã hội nào cũng cho là xấu, hèn hạ, tội lỗi.

 

HỎI: Thưa ông, có lúc trước tôi nghe ông nói dư luận và phê bình của thế gian không quan trọng thì việc làm của mình mà có gì đáng ngại đâu. Vì chúng ta sống cho chúng ta chớ chúng ta đâu có sống với dư luận.

ÐÁP: Ta sống phải cho ra người sống chân chính, không để phạm vào một lỗi nào. Khi ta sống chân chính như vậy mà có người phê bình hay chỉ trích thì ta chẳng cần lo, vì ta sống cho ta, ta đã sống theo đúng chân lý, người phê bình ấy là người không thông đạo đức thì không nên lấy lời chỉ trích phê bình ấy mà buồn. Còn đàng này ta hành động trái với chính pháp mà khi bị người chỉ trích lại viện lý lẽ để bào chữa là người ngoan cố, thật là chuyện không nên có trong tâm của người đệ tử Phật.

Sự thật người đời phải sống cho giá trị của gia tộc cùng với nhân phẩm của bản thân mình. Phaûi giữ hai điều này cho thanh cao. Ðiều tai hại của sự mua vui với những người phụ nữ không chân chính ấy điều mà mình trước hết là tốn tiền và sức khỏe, đây chưa nói là bị lây nhiễm bệnh xã hội, còn là một tai hại rất lớn cho gia đình. Không có một vị trí thức nào khen những người phí sức trong việc này. Nơi đây ông hỏi về người phụ nữ hành nghề không đẹp ấy. Theo lời Phật dạy thì người mua cũng như người bán đều có tội.

 

HỎI: Thưa ông, vì lý do gì mà có tội? Vì một người bằng lòng bán và người kia bằng lòng mua?

ÐÁP: Xin nói thêm về giới tà dâm. Ðối với vợ nhà mà dâm dục quá độ cũng phạm vào giới tà dâm. Khi vợ hay chồng bệnh mà còn hành dâm cũng phạm giới tà dâm. Khi người vợ gần ngày sinh mà còn hành dâm cũng phạm giới tà dâm. Khi người vợ có kinh mà hành dâm cũng phạm vào giới tà dâm. Khi hành dâm trước bàn thờ tổ tiên hay nơi thờ phụng đấng mà mình kính trọng cũng phạm giới tà dâm. Ngày giới chính bát quan trai mà không kiêng cữ cũng phạm giới tà dâm.

Xin nhớ những điều trên đây để giữ mình cho được trong sạch. Giữ được giới tà dâm thật là một việc đem lại nhiều hạnh phuùc cho gia đình của người cư sĩ. Theo những điều nêu trên thì ông thấy tại sao hành nghề ấy giới tà dâm không trong sạch.

Ðiều học thứ tư: Tránh xa sự nói dối

HỎI: Thưa ông, điều học thứ tư Ðức Thế Tôn dạy những gì?

ÐÁP: Ðiều học thứ tư gọi là Musàvàdà veramanì nghĩa là: Tác ý cố tránh xa sự nói dối.

Trọng điểm là:

Ðiều này Ðức Thế Tôn dạy chúng sinh giữ lấy để đem sự lợi ích cho mình và không làm hại kẻ khác, hay làm cho người đau khổ hoặc làm hại tài sản người khác. Giữ lời nói của mình gây sự tin tưởng và tín nhiệm với người khác, nhất là làm cho lời nói của mình tăng thêm nhiều giá trị, giữ được giới này thật quý báu vô cùng.

Ðiều răn này có ba nguyên nhân khác nhau:

- Musa nghĩa là nói dối.
- Anulomamusà tạm gọi là nói dối.
- Patisevana nghĩa là từ chối.

Nếu người phạm vào điều thứ nhất tròn đủ bốn chi của giới không nói dối là phạm vào điều răn "Không nói dối". Còn nếu phạm vào điều thứ nhì và thứ ba là phạm vào "Bất tịnh".

Theo điều học này Ðức Phật chẳng những dạy rằng: lời nói dối làm cho người ta tin đã đành mà đến hành động của mình cũng có thể dối người được. Khi người tin theo lời nói hay hành động thì người có tác ý làm cho người tin đều phạm tội nói dối.

 

HỎI: Thưa ông nói dối ấy có mấy cách nói?

ÐÁP: Có cả thảy bảy cách là:

1. Dối có nghĩa là không biết mà nói biết. Biết nói không biết. Thấy bảo rằng không. Không nói rằng thấy. Chuyện không nói có. Chuyện có nói không.

2. Thề nghĩa là sự ấy không thật cũng thề thốt cho là thật làm cho người ta tin rằng: Ðó là chuyện thật. Thề ấy lắm khi ẩn ý nguyền rủa hay không, miễn là thề để cho người ta tin lời nói của mình.

Thề có ẩn ý nguyền rủa ấy là: Khi người nghi chuyện không có mà người kia nói có. Người không chịu tin bắt buộc ngươøi nói phải thề mới chịu tin. Người nói mới thề nếu tôi có nói dối xin cho tôi... và tùy theo ý của người thề, người ấy tự rủa lấy mình cho người kia tin.

3. Viện chứng cớ cho người tin. Ý nói khi bị người hỏi điều gì coi bộ trả lời không xuôi lại viện cớ là có đấng linh thiêng mách, hay cho biết trước... và nói sao cho người tin.

4. Mánh khóe. Như người làm công lười biếng đau ít nói đau nhiều để được nghỉ lâu hay nhiều ngày.

5. Mưu mô, ý nói khi bị người hỏi chuyện muốn cho người tin lại bịa ra chuyện nói xa nói gần làm cho người lầm lạc và tin theo.

6. Phóng đại, ý nói sự thật thì rất ít nhưng khi nói ra thì thêm vào cho nhiều để người nghe tin hơn. Như những người đứng làm quảng cáo giá trị món đồ thật ra thì không tốt lắm nhưng theo lời họ quảng cáo thì vật ấy thật tốt. Ðây là nói dối.

7. Dấu chuyện: Ðây có ý nghĩa đối lại với phóng đại là chuyện nhiều lại nói ít, nghĩa là bỏ bớt câu chuyện thật mà đã nghe thấy.

Nếu muốn biết rằng có hoàn toàn phạm giới không nói dối hay không hãy xem bốn chi sau đây:

- Attham atthu, Chuyện không thật.
- Visamvadanacittam, Tâm nghĩ sẽ nói sai với sự thật.
- Tajjo vàyàmo, cố ý nói sai sự thật.
- Parassavàgamo, Người nghe lời ấy tin là thật.

Giải bốn chi trên:

1/- Chuyện không thật mà người bịa ra nói cho người khác tin.

2/- Tâm nghĩ sẽ nói sai sự thật, ý nói cố ý dùng lời lẽ nói cho sai với sự thật.

3/- Cố ý nói sai sự thật. Ðã có mưu định trước rằng nói dối. Nghĩa là có tác ý đặt điều nói dối trước khi nói.

4/- Người nghe lời ấy tin rằng thật. Ý nói người nghe tin theo lời người nói cho là thật. Người nói phạm vào bốn chi tiết kể trên, là người phạm vào điều học mà Ðức Phật đã giáo truyền.

Anulomamusà tạm gọi là nói dối. Nghĩa là sự nói ấy không thật, mà người nói cũng không cố ý nói cho người nghe tin rằng thật.

Ví dụ, có người kia làm việc chậm quá. Người nọ nói: Anh làm chuyện như vậy hằng năm rồi mà cũng chưa xong. Sự thật người bị chê ấy chỉ làm chuyện ấy chậm hơn người khác chút ít thôi. Người nói như thế biết rằng: Không ai tin nhưng vẫn cứ nói. Vì vậy giới hạnh của người nói không hoàn toàn phạm nhưng người Phật tử chân chính không nên nói. Vì nói như thế đã phạm vào giới bất tịnh rồi.

Patisevana - Chối, ý nói rằng: Ðã nhận lời của người kia bằng tác ý thành thật, sau lại từ chối không chịu làm theo lời hứa mặc dầu không dối thật, nhưng người này không giữ được thành thật của mình. Sự nói đi nói lại như thế làm cho giới bất tịnh. Người Phật tưû chân chính cũng nên cố mà xa lánh điều ấy.

 

HỎI: Thưa ông, vậy chớ có những điều nào không thật mà người nói không bị phạm vào vọng ngữ chăng?

ÐÁP: Có bốn điều không thật mà nói vô tội.

1/- Lời thường dùng theo đời như dưới cuối đơn thường viết: Kính xin ông nhận nơi đây tấm lòng biết ơn của tôi.

Người nói như thế chỉ vì thói quen hay tỏ lòng kính trọng lễ phép, nhưng thật sự trong lòng người viết đơn không nghĩ mang lời nói trong đơn.

2/- Những người viết chuyện, tiểu thuyết và tuồng hát bịa đặt ra những chuyện vui buồn viết ra để đọc giả xem cho vui thôi. Tác ý của ngươøi viết rằng: Ðọc giả hay khán giả không bao giờ tin chuyện mà tác giả viết ra là sự thật.

3/- Hiểu lầm, nghĩa là người nói, nói theo sự hiểu biết của mình ví như người ấy nói sai ngày, tháng, năm, vì quên hay nhớ không chắc. Ví như hỏi hôm nay ngày thứ mấy rồi? Người kia thay vì nói thứ ba là trúng mà lại trả lời thứ tư. Người hỏi tin là thật nhưng người nói vô tội.

4/- Nói lẫn. Nghĩa là người thuật chuyện lại còn đang ở trong tình trạng tâm trí mê loạn, thuật hay là nói lại không đúng sự thật hay các ông bà cụ vì quá già nên nói lẫn nói không đúng, hay những người nói lịu. Ví dụ khi con chó chạy đụng họ, hết hồn la cha mầy đụng.

Tóm lại người nói dối là người có tác ý nói cho người khác tin mình.

 

HỎI: Thưa ông, người nói dối và người bị người khác nói dối, trong hai người ấy ai bị thiệt hại nhiều.

ÐÁP: Xin nhắc lại cho ông nhớ thêm rằng: một lời nói dối mà người ta đã nói ra phải đi qua cơ thể của mình hai lần và vào cơ thể người nghe cũng hai lần.

Phàm người nói dối thường nghĩ trong tâm rằng: ta sẽ nói dối và nói ra bằng lời.

Người bị người nói dối cũng có hai lần là: nghe lời nói. Và lời ấy đã vào tâm.

Theo Phật giáo dạy tất cả chúng sinh là người và thú đều có Tứ đại và ngũ uẩn như nhau, nhưng sở dĩ mà người được đứng vào địa vị cao hơn thú vì người có lương tâm. Ý tôi muốn nói rằng trong lòng người ai ai cũng có thiện pháp (như năm điều răn của Ðức Thế Tôn đã giáo truyền). Nếu con người không có thiện pháp trong tâm thì không khác nào là con thú mà có thể còn làm nhiều việc ác vĩ đại hơn thú nữa.

Sở dĩ mà tôi nói đây để ông nhìn thấy cái cao thượng của thiện pháp là ngũ giới. Nếu người mà thiếu thiện pháp ấy gọi là thiếu Manussadhamma nghĩa là thiếu Pháp làm người, chúng ta thường gọi là Nhân đạo.

Nói về người nói dối, trước khi chưa nói dối thì tâm không thiên về ác pháp, khi vừa định nói dối thì tâm đã từ chỗ thiện hay không thiện, không ác đã xuống một bậc là gần nơi thấp hèn chính là ác pháp rồi, người khi ấy đã bỏ quên nhân tính và để thú tính chen vào. Tâm ấy cũng đã đang bị Tam độc là tham lam, sân hận, si mê xâm chiếm và đang điều khiển nên phải hành động theo nó. Tóm lại người đang suy nghĩ để nói dối là tâm đang ở trong tà tư duy. Tâm con người đang ở nơi sạch sẽ mà lại xuống thấp đi một bậc điều này cũng ví như người có vật báu bị kẻ trộm lấy mất. Người ấy ví như tâm, vật báu ấy là giới đức trong sạch. Còn kẻ trộm ấy là ác pháp. Ác pháp chen vào tâm ta rất dễ và lấy cắp vật quý của ta càng dễ hơn. Vì vậy người muốn trì giới trong sạch cần phải có trí nhớ để canh chừng pháp ác, như cảnh sát luôn luôn trông chừng kẻ trộm vậy.

Quả báo đáng sợ nhất là người hay nói dối khi đến già hay lẫn, nếu không thì tâm cũng không được minh mẫn, hay quên vì lẽ tâm thường hay thay đổi không ngừng nghỉ, nhất là tâm không thành thật thì càng vọng động và thay đổi hơn. Chúng ta nên nghĩ lại lời nói dối của mình trong buổi sáng, đến chiều nếu có ai hỏi lại chuyện nói dối ban sáng thì tất nhiên tâm thấy bỡ ngỡ, dầu có thuật chuyện đó lại cũng thiếu sót hay không cũng dư, vì chuyện ấy không có sự thật nên tâm không nhớ kỹ nổi. Hơn nữa, khi nói dối tâm làm việc rất nặng nề vì nó phải cố gắng nhớ lời nói dối, đề phòng sau này ai có hỏi nói lại cho đúng. Xin hãy nhớ kỹ lời nói dối của người, dầu chuẩn bị chu đáo đến đâu cũng vẫn còn sơ hở, và rồi sau cùng người ta cũng biết rằng: đó là chuyện không thật. Ðó mới là cái hậu quả của người nói dối.

Người sở dĩ thích nói dối vì nghĩ: sự nói dối đem lợi ích đến cho họ, nếu không dối thì sẽ không có lợi. Như hai người đi buôn, một người nói dối được nhiều người tin tưởng và hàng cũng bán chạy hơn, mặc dầu hàng ấy không tốt lắm, còn người nói chân thật nên bán không được cao giá và ít người tin tưởng. Còn có nhiều người nhất định nếu không nói dối là không buôn bán được.

Tôi không dám bàn qua những câu chuyện của cá nhân nào, vì tôi không phải là người buôn, nên khoâng biết được việc làm của người. Ðây tôi chỉ là người thuật lại lời Ðức Phật dạy, trước hết chúng ta nên nghĩ tại sao Ðức Thế Tôn dạy hàng Phật tử: không nên nói dối, phải hết lòng tránh xa sự nói dối.

Ðức Phật cấm hàng tín đồ không nên nói dối vì ngài muốn Phật tử phải là người lương thiện, phải đối với thế nhân một tấm lòng thành thật, ngài dạy hàng Phật tử trở nên người dân lương thiện, người bạn chân thành, người chồng có phẩm hạnh đáng được vợ kính yêu, người chỉ có được sự thành thật. Ðức Thế Tôn dạy chúng sinh không nên nói dối. Ngài không sợ chúng sinh dối Ngài, mà Ngài chỉ sợ chúng sinh làm tội phải luân hồi khổ mãi mà thôi.

Nếu người nghĩ rằng: nói dối đem sự lợi ích đến cho mình, trái lại người ấy chỉ thấy sự lợi ích thiển cận riêng cho bản thân mình, không nghĩ xa hơn sự lợi ích lâu dài của những việc làm khác khi người bị lường gạt hay bị dối, họ đem chuyện xấu của người doái họ ra thuật cho nhiều người nghe, tất nhiên người nói dối sẽ mất nhiều tín nhiệm. Chắc chắn đã có nhiều người lâm vào cảnh này.

Vì lẽ có nhiều người hay nói dối về phương diện buôn bán nên chính chủ phải lập ra ban kiểm soát giá cả, và hàng hóa... nếu người buôn bán ai ai cũng thành thật theo chỉ thị của chính phủ thì Chính phủ khỏi phải tốn tiền lập ra cảnh sát kinh tế để theo dõi gian thương.

 

HỎI: Nói chuyện buôn bán tôi mới nhớ đến người bán đồ lậu thuế như đem vàng bạc vào hoặc đem ra mà không trình nơi ty quan thuế, hoặc bán chợ đen có phạm vào điều răn của Ðức Thế Tôn không?

ÐÁP: nhiều người hiểu hai tiếng pháp luật không đúng với ý nghĩa của nó. Người tu Phật hiểu tieáng pháp là lời giảng dạy của Ðức Phật, còn luật là điều răn của Phật. Pháp là phương pháp Ðức Thế Tôn dạy chú trọng dạy về tâm có nghĩa là dạy cách thức ngăn đỡ tâm không cho làm tội lỗi và bắt buộc tâm phải bỏ những đieàu ác ở trong tâm ra. Còn luật là phương pháp ngăn ngừa thân, và khẩu không cho làm những việc ác. Còn người đời hieåu pháp luật là chính sách của chính phủ ban hành. Người nào không tuân theo thì bị chính phủ trừng phạt tùy theo tội trạng.

Sự thật của hai tiếng pháp luật của nhà Phật có ý nghĩa cũng giống với pháp luật của chính phủ. Vì vậy người phạm vào luật của chính quyền thì đối với pháp luật của nhà Phật cũng có tội.

Nói đến người bán đồ lậu, người ấy có tác ý và đang cố gắng đưa đồ ấy cho khỏi sự kiểm soát của ty quan thuế mặc dầu ty quan thuế không biết chăng nữa mà người ấy đã đem qua lọt. Khi đem đồ ấy qua khỏi nơi kiểm soát là phạm vào giới trộm cắp mà Ðức Thế Tôn đã giáo truyền. Ý kiến riêng của tôi trộm của chính phủ tội càng nặng vì của chính phủ là của đóng góp chung của dân chúng. Còn nói đến vấn đề bán chợ đen, người Phật tử chân chính nên tránh xa vì đó kể như là tội làm giàu trên sự đau khổ của người khác. Người tiêu thụ biết rõ rằng: Mình bị lường, cướp, nhưng không thể nói ra được. Vì vậy chính phủ mới có điều luật cấm bán chợ đen.

Nói một cách dễ hiểu hơn là: Khi người làm điều nào phạm vào luật pháp của chính quyền là phạm vào điều học của nhà Phật rồi. Như tôi đã nói với ông tiếng pháp luật của nhà Phật có ý nghĩa giống với Pháp luật của chính quyền.

 

HỎI: Thưa ông, tôi hỏi ông lạc đề rồi, xin trở lại vấn đề nói dối. Thưa ông, người bị tình nghi là phạm tội, khi đã đem ra xét xử họ không chối mà cũng không nhận tội, họ nín thinh mãi, vậy người ấy có phạm vào tội nói dối không?

ÐÁP: Như tôi đã nói, người phạm vào giới nói dối phải hội đủ bốn chi.

Nói về mặt luật không có phương pháp nào châm chế cho người phạm tội được, không thể thiên vị. Vì vậy nên đôi khi lặng thinh cũng vẫn phạm vào tội nói dối, hay người ấy dầu lỗi bằng cách nào chẳng hạn nhưng người ta biết rằng: Người ấy nói những gì. Có khi người ta gật đầu hay nháy mắt hoặc mím môi đó là dấu hiệu của sự nói dối. Trong Tạng Luật nói về thầy Tỳ khưu khi đã phạm tội chư luật sư hội lại để xét tội, vị Tỳ khưu phạm vào tội nín thinh không nói có hay không. Tội kia chưa biết ra sao, nhưng đã thêm vào cho mình một tội nữa là nói dối.

Ðiều học thứ năm: Tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.

HỎI: Thưa ông, điều răn thứ năm Ðức Thế Tôn dạy những gì?

ÐÁP: Ðiều thứ năm là Sura-mereyya-majja-pamàdatthànà veramanì nghĩa là: Tác ý cố tránh xa sự dể duôi uống rượu.

Trọng điểm của điều học này: Ðiều răn này là cố ý dạy chúng sinh nên giữ cho có trí nhớ không nên dể duôi đem chất say vào mình.

Ðiều răn: Không nên uống tất cả những thứ nước nào có chất say là nguyên nhân làm cho con người mất trí nhớ, dể duôi làm những điều tội loãi.

Có hai thứ nước say:

1. Surà, rượu. Ý nói thứ nước mà người ta phải nấu bằng các chất khi người uống vào say làm mất trí nhớ trở nên người hung dữ, nếu không hung dữ cũng làm cho mất bản tính con người.

2. Merayya: Nước say này không phải nấu bằng các chất khác mà vì các chất ấy ngâm lâu ngày biến thành thứ nước say. Như chất nước thốt nốt, trước nguyên chất nó ngọt, nhưng để lâu thành ra chất say, người ta gọi là rượu thốt nốt.

Giới không uống rượu có bốn chi:

- Madaniyam, Rượu (chất say).
- Pàtukammayatàcittam, Tâm tính uống rượu.
- Tajjo vayàmo, Ráng uống rượu, hay cố ý uống rượu.
- Pitappasevanam, Ðã uống rượu ấy.

Khi người thấy mình đã phạm đủ vào bốn chi này là phạm giới cấm không uống rượu, nếu không đủ chi gọi là giới baát tịnh.

Giải thích bốn chi:

1. Nước mà người uống ấy phải là rượu. Khi thấy rượu mà tưởng là nước, uống vào mới biết là rượu, vì không có tác yù nên không phạm. Làm vật thực để vào một ít để báng mùi hôi của món ăn, đây kể như mùi gia vị vì nó không có mùi rượu, vị rượu, và làm cho người say.

2. Ðiều thứ nhì: Tâm tính uống rượu, ý nói người ấy cố uống cho được, hay là đang tính uống khi người muốn uống rượu như vậy, thấy chai đựng nước tưởng là rượu cố lén lấy để mà uống, mặc dầu tác ý uống rượu nhưng nước ấy không phải là rươïu nên khi uống vào không say không có tội.

3. Ðiều thứ ba. Cố uống rượu, hay ráng sức uống rượu. Ý nói người ấy tính uống rượu lấy rượu ra rót và đưa vào miệng uống, rượu ấy trôi qua cổ vào bụng hoặc người bị cha mẹ vợ con, hay bác sĩ không cho uống rượu. Người bị cấm ấy cố tìm lấy rượu trong nhà hay mua lén uống cho thỏa thích, trong khi rót rượu ra uống, khi ấy gọi là cố uống hay ráng uống. (Sở dĩ nơi đây tôi phải nói rõ là rượu qua khỏi cổ vào bụng, đoạn này với văn chương Việt Nam thật là thừa. Nhưng theo luật phải nói cho rõ như vaäy để khỏi có sự cãi vã sau. Nên điều luật của Ðức Phật đã chế ngự khó cho người phạm tội chối cãi và cũng để cho luật sư nghị tội).

Khi người đi chơi gặp bạn đang uống rượu, bạn mời uống, lại uống với bạn vì trong thâm tâm nghĩ rằng: Tôi không cố uống rượu nhưng tại bạn mời, thật là trường hợp bất khả kháng. Mặc dầu nghĩ vậy mới uống, nhưng khi rượu ấy qua khỏi cổ là phạm vào giới cấm uống rượu.

Nói cố hay là ráng đây ý nói lấy rượu ra rót vào vật đựng rồi đưa đến miệng uống.

4. Ðiều thứ tư là điều trọng yếu nhất, người đã nuốt rượu ấy qua khỏi cổ. Nếu người cố uống, nhưng khi vừa ngậm rượu vào miệng nhớ lại giới hạnh của mình, lập tức nhổ ra không để rượu ấy qua khỏi cổ. Như thế chưa phạm vào tội uống rượu.

 

HỎI: Thưa ông, tại sao Ðức Thế Tôn răn không cho uống rượu?

ÐÁP: Sở dĩ Ðức Thế Tôn cấm uống rượu vì Ngài nhận thấy có sáu điều tai hại đối với người uống rượu.

1/- Làm cho hao tiền tốn của. Ðiều này chắc chắn không ai nghi ngờ gì được, vì rượu chúng ta không tự làm lấy được. Nếu có làm được chăng nữa cũng tốn nhiều công phu thời giờ và chúng ta cũng không tự nấu được, nếu có tự nấu được chăng nưõa cũng tốn công của như củi. Theo luật lệ hiện hành thì không ai đượcï quyền tự do nấu rượu.

Có người bảo tôi chỉ uống ít thôi, uống cho tiêu vật thực thì nào có hại gì, Tôi không phủ nhận điều này, vì một khi người đã thích uống rượu, dầu ta có nói sao cũng không thể ngăn cản được. Nhưng riêng tôi, tôi muốn nói rằng: từ ít đến nhiều thật không xa mấy. Ví như người đứng giữa rồi đào đất quanh mình mỗi ngày chừng 5cm thôi, thử hỏi đào như thế trong một năm coi có thể chôn người ấy được không?

Ta quên tính tới tiền mua rượu mỗi ngày, nếu uống ít vậy, mỗi ngày chừng bao nhiêu. Thôi ta cho mỗi ngày 5 đồng. Vậy mỗi tháng hết bao nhiêu, một năm bao nhiêu... Khi ta tính ra mới thấy số tiền ấy lớn. Vì thế nên Ðức Thế Tôn dạy điều thứ nhất là tốn tiền mua.

2/- Rượu là nhân sanh ra sự gây gổ, hay cãi vã nhau. Các ông cũng từng thấy người say thường thì hay la lối om sòm, cãi vã nhau, có khi chửi mắng nhau, hay kiếm chuyện gây sự với người hàng xóm, nếu không thì gây sự với vợ con, có người khi chưa say thì hiền lành thật là deã mến, khi say rồi trở nên hung dữ, có những việc khi chưa say không bao giờ dám làm, nhưng khi say thì không biết lẽ phải nữa.

3/- Rượu là nguyên nhân làm cho người sinh bệnh. Tôi không phải bác sĩ, nói như vậy để ông không nghĩ rằng tôi bịa chuyện, tôi xin thuật lại những điều mà các vị bác sĩ chuyên môn đã nói để ông dễ tin hơn.

Ở Mỹ có hội bài trừ rượu Alcoholics Anonymous. Hội này cố sưu tầm những lời dạy của các vị bác sĩ chuyên nghiên cứu về hậu quả do rượu gây ra, có thu thập những điều tai hại làm cho người uống rượu phải sinh ra nhiều chứng bệnh:

- Pathological: bệnh say.

- Delirium Tremens: bệnh sốt rượu có thể mê man vì sốt từ ba đến mươi ngày. Hãy thận trọng trông nom người này sẽ trở nên người mê và thấy cảnh tượng hãi hùng.

- Korsakoff's syndrome: bệnh rượu làm hại thần kinh không thích ăn uống, tê bại, hay nói lịu và nói nhảm.

- Acute hallucinosis: bệnh rượu làm hại tinh thần.

Tâm người say thường nhận định sai lầm, hiểu sai lầm và thường hay kinh sợ chuyện ảo tưởng. Có khi thấy những màu sắc kỳ lạ mà người thường không thấy được. Chịu không nỗi với những sự việc đã thấy nên la lối, chửi rủa, và đập phá.

Ngoài ra người ta thử tính ở Mỹ có khoảng 5 tới 8 triệu người như điên làm hại lợi tức quốc gia với 8.000 triệu mỹ kim mỗi năm.

Ở Budapest người ta chứng nhận rằng 80% người tự tử đều là người say. Bác sĩ Foreil tổng cộng ở Thụy Sĩ, 3/4 người ra trước pháp luật vì nguyên nhân là say. Có 1/3 người phải đi điều trị ở dưỡng đường, đây chỉ nói một số rất nhỏ mà tôi được đọc báo biết thôi. Còn ngoài ra thì không biết bao nhiêu tai hại khác nữa.

Như thế này chắc ông đã nhận thấy cái hại của rượu tới mức độ nào rồi. Những điều tôi thuật lại đây do moät vị bác sĩ người Thái tên Prasub ratankorn là vị bác sĩ rất có tiếng trị về tâm bệnh và ông có đi tham khảo ở Mỹ.

4/- Rượu làm mất danh giá của người say. Thật ra người say rượu có thể làm những điều mà khi chưa say không bao giờ dám nghĩ tới. Nhưng khi đã say rồi thì chẳng những việc nhỏ mà việc quan trọng cũng có thể làm. Ðiều đáng chú ý là: Nếu người say có nói điều gì dầu thật cũng ít có người tin, nếu không muốn nói là không ai tin. Người ta thường cho là: Lời nói của người say không có giá trị gì hết.

5/- Rượu làm cho người say không biết thẹn. Cũng một người ấy, nếu ta gặp họ trong lúc chưa say thì ta thấy họ nói năng rất lễ phép, ăn mặc đàng hoàng, nhưng nếu ta gặp lại người ấy lúc đang say, thì hẳn thấy phong độ thay đổi khác liền, nói năng không nên câu, nên lời gì cả, quần áo xốc xếch mất hết tư cách của người trí thức. Ði ngã nghiêng ngã xẹo không còn chút hổ thẹn với việc làm của mình. Nhưng nếu khi ấy ai nói họ say thì họ rầy lắm. Có lắm lúc cũng dám nằm bờ, ngủ bụi nữa.

Nói tóm lại, người đã say rồi không còn biết mình là ai thì đâu còn biết hổ thẹn và xấu xa.

6/- Rượu làm giảm trí tuệ và trí nhớ. Khi người uống nhiều rượu quá thì hay lẫn lộn và rất mau quên. Trí tuệ hao mòn, có khi phải điên vì rượu. Người tài giỏi đến đâu khi đã say rồi thì không còn dùng đâu được, người ấy tự làm cho mình mất hết tín nhiệm, người đã tin cậy dần dần cũng giảm đức tin.

Nếu ông muốn biết rõ tai hại của uống rượu, xin hãy xem quyển "38 pháp hạnh phúc" của tôi đã xuất bản. Xem "Pháp an lành thứ 20".

Người không uống rượu sẽ được 10 điều hạnh phúc.

1)- Là người có nhiều trí nhớ, được danh thơm tiếng tốt, có nhiều người kính nể.
2)- Không hay quên, không dể duôi, không phạm vào điều răn của Ðức Phật.
3)- Không có sự kinh sợ, không có oan trái, ai ai cũng thương mến, yêu kính.
4)- Không mất tiền mua rượu, không gây gổ với mọi người, ít bệnh. Không bị giảm sức khỏe và trí tuệ, không bị người đời chỉ trích.
5)- Tự mình tạo cho mình một nơi nương nhờ cao thượng.
6)- Người đã giành sẵn vật thực ăn theo đường xa là đi đến nơi giải thoát, hay là đi đến cõi Trời.
7)- Ðã có được của báu của Chư thánh nhơn để trong tâm.
8)- Ðược sanh về nơi nhàn cảnh: người, trời và Niết bàn.
9)- Ðược gọi là người thừa hành theo chính đạo.
10)- Tự mình đi ra khỏi vòng luân hồi.

 

HỎI: Theo lời chỉ giáo của ông đã giải tỏa được sự nghi ngờ tôi, hôm nay tôi mới nhận thấy: Phật giáo là một con đường để cho mọi người đi không phân biệt giai cấp, và con đường ấy không có sự nguy hiểm, chúng sinh nào đi theo đường ấy sẽ tránh khỏi nhiều tai nạn và được an vui.

Tôi còn nhớ mãi một câu chuyện về người say rượu. Người ấy đang say nhưng nghe nói làm phước và trong lễ làm phước ấy có thuyết pháp, người ấy phát tâm tín thành trong sạch, đến thọ giới vì thấy mình không trong sạch. Sự thật người ấy có chất say trong người nếu không muốn nói người ấy đang say. Vậy khi người ấy thọ giới có giới hay không?

ÐÁP: vấn đề này có thể chia ra làm hai phần là:

1- Người say ấy, say đến đỗi không còn trí nhớ và biết mình. Nếu như thế thì tác ý của người ấy không được hoàn toàn nên không thể nói người ấy có giới, nhưng nói về phước thì tôi không phủ nhận là không có, nhưng có không hoàn toàn tròn đủ như người thường. Sở dĩ người đó có một phần phước là do tâm trong sạch và muốn làm lành.

2- Nếu người say ít, danh từ của giới uống rượu gọi là ngà ngà hay ba ngù, người này vẫn còn sáng suốt còn phân biệt phải trái và tác ý họ vẫn còn trong sạch không lầm lẫn. Khi có ý thọ giới thì giới họ có cũng như người không say.

 

HỎI: Thưa ông, nếu nói cho đúng, người say mà còn hơi tỉnh, hay gọi là ngà ngà ấy thọ giới có giới trong sạch như người thường? Vậy lượng rượu mà ông ấy đưa vào bụng thì phải tính sau đây? Và nếu nói người ấy có giới, vậy phước của họ có tròn đủ hay không?

ÐÁP: Phàm người say quá độ, trí nhớ không còn, nên tác ý không được hoàn toàn, mặc dầu khi họ xin thọ giới cũng là một thiện tâm, nhưng trí nhớ không đủ sức giữ tâm bình tĩnh nên không hoàn toàn mỹ mãn được. Nhưng đối với người ngà ngà còn trí nhớ và biết mình đầy đủ khi họ thọ giới thì giới vẫn trong sạch. Còn rượu trong bụng không thành vấn đề và nó thuộc veà quá khứ. Nếu sau khi thọ giới xong, người ấy còn tái phạm là người phá giới. Còn nói về phước, khi người có đủ tác ý và thọ trì vâng giữ hành theo sau khi đã được truyền giới thì vẫn có phước như chúng ta vậy.

 

HỎI: Thưa ông, khi muốn thành một người thiện nam hay tín nữ phải có thể thức làm sao để nhập môn?

ÐÁP: Theo Phật pháp thì trở thành thiện nam hay tín nữ không có gì gọi là khó, vì không bắt buộc phát nguyện phải thừa hành hay tin nơi Phật giáo, không được xem Kinh luật của chi đạo khác. Nói tóm lại là không có sự bắt buộc, nói ra thật dài dòng, muốn khỏi mất thì giờ quí báu của ông, tôi xin tặng ông một quyển Nhật hành của Ngài Hộ Tông sưu tập là một bộ kim chỉ nam cho người mới bắt đầu tu Phật, ông xem sẽ hiểu làm thế nào để trở thành thiện nam, tín nữ.

Phàm người giữ giới phải có thêm 5 pháp nữa gọi là Pancadhamma mà cũng gọi là Klayànadhamma có nghĩa là pháp bạn của Ngũ giới.

Ðã là Phật tử thì ai ai cũng biết rằng: Phật pháp chia ra làm hai phần: Kinh và Luật. Kinh và Luật ấy có cả thảy 8 muôn bốn ngàn pháp môn.

Kinh là phần chuyên về phương pháp dạy và sửa chữa tâm. Có nhiều phương pháp tùy theo duyên lành của chúng sinh mà Ðức Phật thuyết pháp để tế độ.

Luật là những điều răn dạy để kiềm chế thân khẩu không cho phạm vào những điều tội lỗi gọi là giới.

 

HỎI: Còn luận là những gì tôi không nghe ông đề cập tới?

ÐÁP: Khi Ðức Thế Tôn còn tại thế Ngài không nói gì về luận. Ngài chỉ nói Kinh luật thôi. Nhưng sau khi Ðức Thế Tôn nhập diệt kết tập Tam tạng lần thứ nhất, chư thánh tăng làm lễ kết tập xong, các Ngài mới chọn. Những đoạn kinh nào nói về tâm, Ý, danh sắc và Niết bàn, các Ngài để riêng gọi là Abhidhamma, dịch là Vi diệu pháp, nghĩa là kinh ấy có lý thuyết cao siêu, khó thông đạt được, chúng ta thường gọi là luận. Kỳ thật lời Phật dạy chỉ có kinh và luật thôi.

 

HỎI: Xin cho tôi hỏi thêm, đã nói người thọ trì giới luật trong sạch là người lành mà còn phải có pháp gì đi đôi với giới nữa, tại sao không nói luôn là 10 giới.

ÐÁP: Tôi không phủ nhận sự trong sạch của người thọ trì giới luật là điều học chín chắn làm cho người trong sạch đáng kính trọng. Nhưng sự thọ trì giới trong sạch đó chỉ mới là bước đầu tiên của sự tu tập để đi đến nơi giải thoát chứ không phải tuyệt đối trong sạch. Năm pháp mà tôi nói đây đi đôi với giới luật thì càng làm cho giới luật người thọ trì ấy càng thêm dũng mãnh có nhiều năng lực mạnh tiến trên đường giải thoát hơn là không có. Nếu trường hợp người không có thêm năm pháp bạn của giới, thì giới cũng vẫn trong sạch nhưng không mạnh tiến bằng có thêm năm pháp ấy. Tôi xin ví dụ cho ông thấy là người thọ giới trong sạch khi thấy người chết đuối mà không chịu cứu trong khi người ấy có thể cứu được, thực ra giới hạnh của người ấy không có hại chi hết, nhưng thật ra không hoàn toàn có lòng từ bi thương hại kẻ khác. Vì vậy nên cần có thêm người bạn lành của giới, khi người đã thọ giới không sát sinh cần phải tạo thêm pháp lành là phóng sanh hay giúp cho nhân vật khác thoát khỏi nạn tai.

Sự thật không sát sinh gọi là người hành theo lời răn dạy của Ðức Thế Tôn là hành theo luật.

Người cứu kẻ bị nạn sắp chết, hay phóng sanh là người hành đúng theo Pháp từ của Phật dạy.

Phật dạy chúng sinh:

1/- Xa lánh các điều ác là trì giới.
2/- Cố gắng làm thêm các việc lành là theo kinh hay gọi là theo pháp.

Tôi muốn nói pháp nơi đây là 5 pháp bạn của giới. Khi người giữ giới có 5 pháp này đi đôi làm cho giới càng trong sạch, tiến hóa mau lẹ.

Năm pháp ấy là:

1/- Mettakaruna, Từ và Bi. Hai pháp này đi đôi với giới không sát sinh. Sở dĩ mà người trì giới được trong sạch là do nhờ có lòng thương hại nhân vật ngoài mình ra, và hết lòng giúp đỡ, không đánh đập hành hạ. Hợp với khổng giáo goïi là Nhân.

2/- Sammàjiva, chính mạng. Pháp này đi đôi với giới không trộm cắp. Vì người nuôi mạng chân chính không khi nào làm điều gì trái với pháp luật nhất là sự trộm cắp. Ðiều này hợp với khổng giáo gọi là Nghĩa.

3/- Kàmasamvara, thu thúc trong tình dục. Pháp này đi đôi với giới không tà dâm. Khi người có hạnh này thì không bao giờ ngoại tình, hay làm chuyện tồi phong bại tục. Ðiều này hợp với khổng giáo gọi là lễ.

4/- Saccavàcà, nói lời chân thật. Ðiều này đối nghịch với sự nói dối. Vì khi người nói lời chân thaät không bao giờ biết thất hứa, nghĩa là giữ được lời hứa của mình. Ðiều này hợp với khổng giáo gọi là Tín.

5/- Sati, nghĩa là trí nhớ. Ðiều này đi đôi với giới không uống rượu. Khi người có trí nhớ là người không dể duôi, nghĩa là không bao giờ dám uống rượu, hoặc để một tí rượu nào qua khỏi cổ. Nhờ có trí nhớ nên chận đứng không cho quên mình chạy theo lợi quyền hay sự quyến rũ của thế nhân mà uống rượu. Ðiều này hợp với khổng giáo gọi là trí.

Ngũ giới có chỗ gọi là Manussadhamma có nghĩa là pháp hằng nằm trong tâm của người (nhân đạo). Phàm con người và thú giống nhau ở chỗ có thân tứ đại, ngũ uẩn, ăn ngủ, tình dục và thay đồ vật thật cũ trong bao tử ra. Nhưng sở dĩ mà người hơn thú ở chỗ trong tâm có năm pháp là ngũ giới. Nếu người mà thiếu 5 pháp ấy thì chắc ông cũng biết là thế nào, xin miễn giải.

Phạm ngữ tiếng Manussa ta cắt nghĩa là người. Tiếng người của ta không biết bao hàm ý nghĩa là gì chớ tiếng Manussa bao hàm một ý nghĩa thật là sâu xa và rất thâm thúy. Ðây tôi xin chiết tự tiếng Manussa.

Trước khi biến thể ra tiếng Manu là Mana, Hán âm là Mạc na ta cắt nghĩa là Tâm. Thêm vào tiếp vị ngữ là Ussa. Ussa có nghĩa là cao thượng, hai tiếng ấy ráp với nhau là Manu + Nusa thành Manussa có nghĩa là chúng sinh nào thuộc vào hạng có tâm cao thượng chúng sinh ấy gọi là Manussa, người (nhân). Nếu mang lấy cái thân người mà tâm không cao thượng thì chỉ là cái hình nộm mà thôi.

Vì vậy người thọ trì ngũ giới cho trong sạch gọi là người có Manussadhamma, nghĩa là pháp của con người, hay ta có thể gọi là nhân đạo.