10
TINH HOA CỦA PHẬT
GIÁO NGUYÊN THỦY
Đề tài của bài thuyết
giảng hôm nay là sự vinh quang của Phật Giáo Nguyên Thủy. Như
tất cả quý vị đã biết, Nguyên Thủy (Theravada) là từ chỉ
Phật Giáo Nam tông trái với Ðại thừa (Mahayana) chỉ Phật
Giáo Bắc tông. Ai là tác giả của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Nhiều tác giả có tầm cỡ ở Tây phương như là Oldenburg,
Rhys Dhavid, Dr. Neumann và nhiều học giả khác đã nhất trí rằng
Ðức Phật Thích Ca là người tạo ra Phật Giáo Nguyên Thủy.
Vậy thì Phật Giáo Nguyên Thủy là gi? Phật Giáo Nguyên Thủy
là sự giản dị, trong Phật Giáo Nguyên Thủy chúng ta có tiếng
Pali (Nam Phạn) là ngôn ngữ của Phật, tức là ngôn ngữ gốc,
giống như tiếng Latinh là ngôn ngữ của các nhà tu Thiên
Chúa La Mã. Vì vậy tiếng Pali là ngôn ngữ chung cho tất cả
tu sĩ Phật Giáo dù họ là người Singapore hay Miến Ðiện, người
Ðông Dương hay Thái Lan vẫn có thể hiểu nhau qua tiếng pha
trộn này (Ý, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha). Phật Giáo Nguyên Thủy
chỉ có hai nhiệm vụ không hơn, tương phản với Phật Giáo
Ðại Thừa phức tạp. Hai nhiệm vụ là gì? Ðó là nhiệm vụ
theo đuổi việc nghiên cứu học tập và nhiệm vụ Thiền
quán. Một Tăng sĩ phải nghiên cứu học tập Phật Pháp trong
suốt 5 năm và sau đó nếu có khả năng thì được thầy giao
cho một đề tài Thiền quán. Vị Sa Môn vào tu trong rừng đạt
được mục tiêu tức là quả vị Alahán ngay trong đời mình.
Như quý vị đã biết có 40 đề mục tham Thiền, vị Thầy chọn
đề mục nào thích hợp nhất trong số đó, trao cho học trò,
yêu cầu thực hành đề mục đó. Người đệ tử tiếp tục
tham quán đề mục của mình cho đến khi chứng đạt quả vị
gọi là Niết Bàn ở đây và ngay bây giờ.
Phật Giáo Nguyên Thủy có
hai mục tiêu. Người ta có thể hoặc là chứng quả Niết
Bàn ngay trong đời này hoặc là có thể đạt thành Phật quả
tối hậu gọi là Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác hay Tam Miệu Tam
Bồ Ðề. Nhưng làm sao chứng quả Alahán ngay trong đời này?
Có hai cách: một là Thiền chỉ có nghĩa là tịnh tâm cho đến
khi đạt đến trạng thái tĩnh lự. Trong Pali gọi là Thiền
(4 Thiền). Ðạt được Thiền định, ta nhiếp tâm vào ba đặt
tướng (vô thường, vô ngã, khổ) và đạt mục đích. Thiền
định rất hữu ích. Tại sao? Bởi vì họ vận dụng để tập
trung toàn tâm vào một điểm; tâm được quy nhất. Thế nên,
đương nhiên tâm trở nên mãnh liệt gấp 1000 lần trước
kia. Tất nhiên nhờ phóng chiếu nhiều ánh sáng vào đề mục
ba đặc tướng, lập tức ta quán triệt được ý nghĩa của
ba đặc tướng và chứng ngộ. Nếu vị đó không có thì giờ
hay không có khuynh hướng tu thiền thì có thể vị đó thực
hành theo phương cách dễ hơn. Vị đó chỉ giản dị cố tu tập
"Thiền Chỉ" hay chánh niệm ngay trong sinh hoạt hàng
ngày. Vị ấy luôn luôn cố nhận ra ba đặc tướng của vạn
pháp mà mình thấy, mọi điều mình nghe, mọi điều mình suy
nghĩ, không cần phải tham thiền. Nhờ luôn luôn quán chiếu
vào ba đặc tướng rồi một ngày nào đó hành giả mới bừng
ngộ rằng ba đặc tướng này chính là ba tài sản quý giá của
vũ trụ vạn hữu, nhưng muốn chứng ngộ cần tư duy liên tục,
chú ý liên tục và quán chiếu liên tục về ba đặc tướng
vô thường, vô ngã, khổ gọi là Tam Pháp Ấn. Ðây là những
Pháp môn để chứng đạt quả vị Alahán ở đây và bây giờ.
Mặt khác, nếu bạn nhiệt
tình hơn, nếu bạn không vội vã để cứu mình và nếu bạn
phát triển tình thương vô lượng đối với tất cả nhân loại,
vậy thì bạn hãy thực hành 10 pháp Ba La Mật, sớm hay muộn
gì sau này bạn cũng đạt được quả
vị Tam Miệu Tam Bồ Ðề (bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác).
Ðó là quả vị Phật tối thượng. Mười Ba La Mật là gì?
Phải, đúng như quý vị đã biết, đó
là: bố thí, trì giới, từ bỏ, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn
nhục, sự thực, cương quyết, tâm từ và tâm xả. Bằng sự
quán chiếu 10 Ba La Mật này từ đời này sang
đời nọ qua quá trình tiến hóa, bạn sẽ phát huy đến quả
vị Phật tối thượng. Dĩ nhiên đó là một tiến
trình lâu dài bởi vì một vị Phật tối thượng có nhân
cách siêu đẳng như vậy cần trải qua nhiều thời gian tu tập.
Có sự khác biệt khá xa
giữa một vị Alahán và một vị Phật tối thượng. Ðức Phật
là một vị Thầy của Trời và người. Ngài là bậc cứu thế
trong khi Alahán là bậc cứu mình. Vị Alahán cũng có thể cứu
được một số người nhưng không cứu
được toàn khắp nhân gian như Đức
Phật. Bạn phải chọn lựa pháp môn nào
bạn tâm đắc nhưng hãy nhớ rằng cho dù bạn cố đạt
quả Alahán, cho dù bạn nhàm chán trần thế đến
nỗi bạn muốn có Ba La Mật ngay đây và bây giờ, cho
dù bạn không đủ kiên nhẫn để
chờ nhiều chu kỳ từ thế giới này sang thế giới khác, cho
dù bạn có quá ghê sợ "khổ đế”
đến nỗi bạn muốn có con đường nhanh nhất để thoát ra,
cho dù bạn nhìn thấy những ngọn lửa khắp nơi đang bừng
cháy trong ngôi nhà lửa, và bạn chỉ muốn lối thoát ra nhanh
nhất cửa sổ gần nhất; không có nguy hại nào. Con đường
thuận lợi nhất mà một người có
thể cứu được thế giới là bằng cách cứu lấy
chính mình. Bạn không thể nào cứu được thế gian nếu trước
tiên bạn không cứu được chính mình. Hỡi Y sĩ, hãy hàn gắn
vết thương cho chính mình. Nếu một y sĩ không thể làm lành
vết thương cho chính mình thì làm sao vị đó có thể chữa
lành vết thương cho người khác?
Trong Phật Giáo không có
Ngã, và nếu là Vô Ngã thì làm sao vị Alahán có thể ích kỷ
lo cho bản thân mình, vì vậy thật là sai lầm. Bất cứ nơi
nào, ai đó còn buộc tội vị Alahán có tự ngã chỉ lo cứu
chính mình càng sớm càng tốt mà không cần bận tâm về sự
khổ đau của nhân loại, họ hoàn toàn sai lầm. Ðối với bậc
Alahán thì không có bản ngã hay tự ngã. Theo Ðại thừa Phật
Giáo tất cả đều mong muốn trở thành những Bồ Tát, những
vị Phật tối thượng. Họ không thích
mục đích của vị Alahán ở đây và ngay bây giờ. Bởi
vì họ coi quả vị ALAHÁN là ích kỷ. Họ sẵn sàng đình chỉ
sự giải thoát của mình và dấn thân hoạt động
từ đời này qua đời kia cho đến khi viên thành Phật
đạo. Tất cả đều muốn thành
Phật; nhưng nếu ai cũng thành Phật hết thì ai sẽ là đệ
tử? Cũng phải có đệ tử chứ, đó là một cực đoan cho
người muốn thành Phật. Hãy là những bậc Alahán vì rằng
Ðức Phật phải có những đệ tử
chúng ta không noi theo cực đoan nào của đạo Phật.
Phật Giáo là trung đạo,
nếu mọi người muốn thành một vị Phật thì đó cũng là một
cực đoan khác. Có người muốn thành Alahán, có người muốn
thành Phật thì vị Phật sau cùng sẽ không có đệ tử nào.
Ngài sẽ là một vị Phật kỳ lạ. Ngài không còn là bậc
Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ngài không thể cứu thế gian, bởi
vì thế gian không còn nữa để được
cứu. Vả lại quý vị phải nhận biết rằng thế gian này
có nhiều khuynh hướng khác nhau, người ta không bao giờ có
quan điểm giống nhau. Có một số người muốn tự cứu mình
một cách khẩn trương; có số người lại kiên trì chờ
đợi; nhưng từ bỏ Niết Bàn lại là chuyện khác. Một
vị Bồ Tát là người từ bỏ Niết Bàn để
cứu chúng sanh đang thống khổ.
Chắc quý vị nhớ rõ câu
chuyện Hiền giả Thiện Tuệ vào thời Phật Nhiên Ðăng; Hiền
giả Thiện Tuệ nằm dài xuống đất trên đống bùn để thỉnh
Ðức Phật Nhiên Ðăng bước qua thân mình, sử dụng thân
mình làm lối đi cho Phật bước qua.
Ngay lúc đó Hiền giả Thiện Tuệ chứng đạt Niết Bàn
ngay trong bàn tay. Nhưng sau đó Ngài lại tự nhủ: công dụng
của Niết Bàn là gì? Ta là một người bơi dũng mãnh, không
cần cho ta phải tự cứu mình mau như vậy, ta hãy từ bỏ Niết
Bàn ngay lúc này. Ta hãy trì hoãn sự chứng đạt
đó và ta hãy nỗ lực để trở thành như Phật Nhiên
Ðăng–Thiện Tuệ bị cảm kích quá nhiều hào quang rạng rỡ
của Ðức Phật Nhiên Ðăng, cứ tưởng Niết Bàn ngay
đây và bây giờ quá nhỏ đối với mình. Quý vị phải nhớ
rằng ngưỡng mộ sẽ đưa đến thán phục. Bởi vì Hiền
giả Thiện Tuệ ngưỡng mộ sự rạng rỡ của Phật Nhiên Ðăng
nên muốn bắt chước Ngài. Hiền giả tự nhủ: ta không muốn
Niết Bàn chỉ cho riêng mình. Ta hãy trở thành một hình tượng
hiện thân giống như Ðức Phật Nhiên Ðăng.
Thiện Tuệ đã là một chúng sanh khổng lồ, không khải
là một con người bình thường. Ngài có tấm lòng rộng lượng
bao la như biển cả đại dương. Vì vậy Ngài muốn cứu vớt
cả vũ trụ vạn hữu. Ðức Phật Nhiên Ðăng liền thị hiện
trước mặt Hiền giả Thiện Tuệ và nói với mọi người:
"Các Thiện hữu có thấy vị Ðạo sĩ khổ hạnh đây
không, vị này đang hành pháp khổ hạnh. Các Thiện hữu có
thấy vị đạo sĩ đang nằm dài dưới
đất, một ngày kia cũng sẽ thành Phật như ta hôm nay,
hiệu là Gautama".
Quả vị Alahán có thể đạt
được tại đây và bây giờ. Nó không phụ thuộc vào
thời gian. Quý vị Phật tử có nhận ra rằng quả vị Alahán
tối thượng có thể đạt được
trong nửa ngày. Trong Kinh Trung A Hàm–Phẩm Bồ Ðề Vương
Tử Ðức Phật đã nói: "Này Bồ Ðề Vương Tử! Nếu
ông đem cho ta một thanh niên có 5 phẩm hạnh sau đây ta sẽ
thuyết pháp cho cậu ta nghe buổi sáng thì buổi tối cậu ta sẽ
chứng quả Alahán. Hoặc ta thuyết giảng buổi tối thì ngay
sáng hôm sau cậu ta sẽ liễu ngộ toàn bộ Giáo Pháp". Vậy
thì 5 phẩm hạnh đó là gì để con người có thể thành tựu
đạo quả trong nửa ngày. Năm phẩm hạnh
đó là:
1)
Vị đó phải là người quả quyết có niềm tin kiên cố tuyệt
đối nơi Ðức Phật.
2)
Vị đó phải có sức khỏe và thể lực tốt.
3)
Vị đó phải chân thật, không gian dối quỷ quyệt.
4)
Vị đó phải cương quyết, luôn dứt bỏ các trạng thái xấu
ác của tâm.
5)
Vị đó phải thông minh, đầu óc lanh lẹ vượt qua mọi
thăng trầm của vạn pháp.
Với 5 phẩm tính này, Ðức
Phật sẽ truyền Pháp cho vị đó buổi chiều và vị đó sẽ
chứng quả ngay sáng hôm sau; hoặc Ngài giảng Pháp buổi sáng
thì buổi chiều vị đó chứng quả. Vương Tử Bồ Ðề, sau
khi nghe xong bài Diệu Pháp từ Ðức Thế Tôn, Vương Tử cảm
thán: Tuyệt thay Ðức Thế Tôn, hay thay sự khai thị giáo
Pháp. Khi một tu sĩ nếu được khai thị buổi sáng sớm có
thể quán triệt giáo pháp vào buổi chiều; hoặc nếu được
khai thị vào buổi chiều tối thì có thể lãnh hội viên mãn
vào buổi sáng sớm hôm sau. Ðó là Phật Giáo Nguyên Thủy
thành tựu đạo quả cấp thời.
Có câu "chần chờ là
kẻ trộm thì giờ", ta không nên trì hoãn mục tiêu định
thực hiện. Ðức Phật dạy: đã đến lúc phải chiến đấu
với chính bản thân mình, bởi vì ai biết ngày mai ra sao,
không ai có thể hối lộ thần chết được. Ðến lúc thân
hoại mạng chung phải ra nghĩa trang. Nếu bạn nói với thần
chết: "Thưa ngài tôi chưa chuẩn bị, hãy chờ tôi một
thời gian nữa để di chúc vài điều". Thần chết sẽ trả
lời: "Cảm phiền bạn, ta dành cho bạn nhiều thì giờ
quá rồi, giờ đây đã quá trễ. Mau lên đấy! Ðừng bắt ta
phải chờ nữa". Bạn nói: "Này thần chết quý kính
của tôi, nếu Ngài không cho tôi thì giờ để viết di chúc,
vậy hãy cho tôi thêm thì giờ để ký một chữ vào bản ý
nguyện dù là không có lời nào". Thần chết gắt giọng:
"Ngay một chữ ký cũng không được nữa ?". Bạn phải
lên đường cấp thời và rồi thần chết kéo cổ bạn lôi về
hướng tha ma nghĩa địa, nơi đó là quê hương tổ ấm sau cùng
của bạn. Dù người ta tin hay không nghĩa trang cũng là quê hương
tổ ấm của tất cả mọi người. Có câu: "không nơi nào
bằng tổ ấm quê hương", nhưng tổ ấm nào là của
chúng ta đâu? Bạn không nhận ra rằng chúng ta chỉ là những
kẻ tạm trú sao? Bất cứ nơi nào, dù nhà đó loại gì, loại
nhà kiên cố hay loại nhà chống được bom, chúng ta ngủ ở
bất cứ nơi đâu, ngay cả trong nhà xí, chúng ta cũng chỉ là
những kẻ tạm trú (kẻ đi thuê nhà), bởi vì chúng ta có thường
trú nơi đó đâu, chỉ tạm trú vài ngày, vài tuần, vài
tháng hay một số năm. Nhưng dù ở bao lâu thì chúng ta vẫn
là kẻ tạm trú. Chỗ ở hiện nay chỉ tạm thời, chỗ ở thực
sự của chúng ta là nơi tha ma nghĩa địa. Bởi vì chúng ta sẽ
ở đó mãi mãi. Vì vậy người ta giải thích rằng nghĩa
trang là chỗ ở thắm thiết nhất, không có nơi nào đậm đà
tha thiết bằng. Nhưng có mấy ai lại thích căn nhà tổ ấm
như vậy đâu. Thế mà họ vẫn mơ ước, vẫn thích căn nhà
tổ ấm dù là kém hơn, tức là tại nghĩa trang. Nơi Phật Giáo
Nguyên Thủy sáng chói không có nghi thức và cúng tế. Có mười
kiết sử mà tôi sắp gởi đến quý vị bằng tiếng Pali. Dĩ
nhiên quý vị nên học tiếng Pali sau này, nếu quý vị kiên
trì học tập tiếng Pali, tôi rất hoan hỷ biết rằng quý vị
đã khởi sự học rồi. Mười kiết sử hay những chướng ngại
làm cản trở sự thành tựu Niết Bàn là:
1)
Ngã kiến.
2)
Nghi hoặc.
3)
Giới thủ kiến.
4)
Tham dục.
5)
Sân.
6)
Sắc dục.
7)
Vô sắc dục.
8)
Kiêu mạng.
9)
Trạo cử.
10)
Vô mình.
Phật Giáo Nguyên Thủy coi
nghi thức và cúng tế là một chướng ngại lớn cho việc thực
hành Ba La Mật. Ðó là lý do Phật Giáo được
đánh giá là có tính khoa học. Khoa học thuần tuý thì
hoàn toàn không có nghi thức và cúng tế. Vì lẽ đó mà
tôi phải hô hào cùng quý vị một lần cuối và mãi mãi về
sau rằng bất cứ ở đâu mà
quý vị thấy còn diễn ra nghi thức và cúng tế, dù là ở
ngay trong chùa thì quý vị đừng bao
giờ tin đó là đạo Phật. Bởi vì đạo Phật chủ trương
không có nghi thức và cúng tế, không hề có ca ngâm gì
trong chân lý, bởi vì chân lý là tuyệt đối,
không có ràng buộc, tuyệt đối xả ly. Sự buông xả tối thượng
là chân lý. Bởi vì như quý vị biết không có bài ca
nào du dương hay hơn bài ca chân lý bất tử. Quý vị cũng
biết tất cả bài pháp mà tôi thuyết giảng tại Singapore đây
đều là những ca khúc sự thật. Chắc chắn không có
ca khúc nào hay hơn ca khúc sự thật. Ðó là ca khúc bất diệt,
trường sinh bất tử.
Nơi Phật Giáo Nguyên Thủy,
hàng xuất gia không có khuynh hướng tà nghiệp nào được
cho phép, không đưọc bói toán số mệnh, không được hành
nghề kinh doanh, không được tiên
tri thời vận hay thiên văn địa lý
để trục lợi. Trong Phật Giáo Nguyên Thủy cũng không
cho phép suy niệm, biện chứng dù là vấn đề triết học.
Ðiều này bị cấm triệt để, cũng
không được biện luận rằng Ðức Phật hữu hạn hay
vô hạn.
Ðức Phật
dạy: “Cuộc đời như ngôi nhà đang bừng cháy. Mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, ý đang bừng cháy. Khi các ngọn lửa đang cháy tứ
phía, ta đang ở trong ngôi nhà lửa như vậy làm sao còn
có thì giờ để tranh luận với người khác?"
Bạn có thể say mê suy niệm
về triết học không? Suy niệm về triết học có nghĩa là
ngu si (vô minh). Bởi vì người tìm chân lý là người đã nhận
ra sự thật sẽ chẳng bao giờ suy luận. Bởi vì vị đó là
bậc tri kiến–người thấy chân lý. Trực diện, vị đó
đã nhận biết chân lý, vị đó là chân lý, là Phật.
Thế nên không còn suy luận nào nữa khi người ta đạt
được chân lý? Sự kiện hiển nhiên mà người ta còn
suy đoán chứng tỏ rằng vị đó còn
ở trong bóng tối. Những người suy luận giống như người mới
sinh ra đã mù. Khi người ta đem
đặt một con voi giữa họ. Người mù rờ đụng vào
chân con voi liền nói nó giống như cái cột nhà. Một người
mù khác rờ đụng vào cái vòi con voi và nói nó giống như
con rắn. Người khác nữa nắm cái tai con voi và bảo nó giống
như cái quạt. Người mù tiếp theo rờ đụng cái bụng voi liền
nói nó giống như bức tường. Một gã mù khác chạm vào cái
vòi và nói nó giống như cái giáo. Trong khi bất đồng ý kiến
với nhau, những nhà thông thái mù lòa bắt đầu
đánh đập nhau bằng những cú đấm đá, trang cãi nhau
quyết liệt: con voi giống như cột nhà. Không! Nó giống như
con rắn. Không! nó giống như cái quạt mà. Không! Nó là bức
tường. Không! Nó là cây giáo!...Tất cả họ đều
đúng và đều sai. Thế nên nhà vua là người nhìn rõ
toàn bộ con voi, bèn mỉm cười trong tâm khi thấy các hiền
giả mù lòa này đang đánh nhau để xác
định con voi là gì. Họ chỉ thấy một phần con voi chứ
không thấy toàn bộ con voi. Quý vị có thể gọi các triết
gia thông thái như Platon, Aristote, Socrates hay bất cứ triết
gia nào; họ đều là những người mù khôn ngoan chỉ thấy một
phần con voi chứ không thấy toàn bộ con voi! Nhà vua đã mở
rộng nhãn quan trông thấy toàn bộ con voi là ai. Ðó là bậc
tối thượng, là Ðức Thế Tôn! Ngài đã thấy toàn bộ con
voi. Nhờ có tầm nhìn rộng nên Ngài biết con voi là gì. Thế
nên ta đừng bao giờ suy đoán. Ta nên
Thiền định và đạt cho được
mục đích, mở rộng tri kiến, hãy nhìn toàn bộ phận
con voi và sau đó mới biết con voi là gì.
Ta sẽ biết Niết Bàn là
gì khi nào ta đạt được Niết Bàn.
Mọi suy biện đều vô ích bởi vì chúng ta không có
thì giờ để suy biện trong khi ngôi nhà đang cháy. Chúng ta
không có thì giờ để suy luận, bàn cãi, chúng ta phải chạy
nhanh ra cửa. Sau khi chạy ra ngoài thoát khỏi ngọn lửa đó
chúng ta mới có thì giờ để suy đoán
bàn luận. Nhưng chúng ta không cần suy đoán; bởi vì
chúng ta chưa thấy, chưa nhận ra sự thật, và sau khi trở
thành sự thật thì chúng ta mới biết rõ sự thật là gì.
Một đặc điểm nữa
trong Phật Giáo Nguyên Thủy là không có lễ cầu nguyện,
chỉ có sự tôn thờ sùng bái. Chúng ta quy ngưỡng Giáo pháp,
quy ngưỡng Tăng Già và Trưởng lão Thánh Tăng. Chúng ta không
cầu nguyện. Lễ cầu nguyện có nghĩa là xin, yêu cầu điều
gì. "Hãy cho chúng con bữa ăn hôm
nay”, đó là xin. Chúng ta không xin Ðức Phật bữa ăn
hàng ngày. Thực ra chúng ta dâng cúng phẩm vật đến Ðức Phật,
chúng ta không yêu cầu Ðức Phật ban cho
ta điều gì. Tại sao? Vì Ðức Phật đã cho ta món quà
chân lý cao quý nhất rồi; so với việc cúng dường phần phẩm
vật hư hoại qua đêm thì thật nhỏ. Khi Ðức Phật cho ta
món ăn tâm linh bổ ích, món ăn này
tồn tại mãi và giúp chúng ta giải thoát mọi khổ đau.
Một điểm trọng yếu nữa
như tôi đã nói trước kia rằng trong Phật Giáo không
có thần và linh hồn. Mặc dù không có thần trong Phật Giáo,
song Phật Giáo vẫn có cách khác, nghĩa là chỉ có Phật Giáo
mới có thần. Không có tôn giáo nào khác có thần ngoại trừ
Phật Giáo. Quý vị thấy có kỳ lạ
không. Một đằng thì nói không có thần trong Phật Giáo, đằng
khác lại nói chỉ có Phật Giáo mới có thần. Tại sao không
có thần trong Phật Giáo? Vì Phật Giáo không có thần
sáng thế, bởi vì Phật Giáo không tạo ra thế giới đau khổ
này. Ðức Phật chủ trương diệt trừ sinh tử luân hồi và
cống hiến Niết Bàn. Do đó Ngài là ân nhân của thế gian.
Ðức Phật cứu vớt nhân loại thoát cảnh trầm luân thống
khổ. Trong khi đó Ðấng Sáng Tạo lại đẩy nhân loại vào
thế giới bất hạnh. Tôi biết chỉ có một đấng
sáng tạo đó là Vô minh. Thế giới được hình thành
hàng triệu lần trong mỗi khoảnh khắc, bởi vì thế giới
là động chứ không tịnh. Lòng tham ái của tôi tạo nên thế
gian này. Thế nên tôi phải đoạn diệt tham ái của tôi, diệt
trừ thế giới của tôi. Khi mọi người
diệt trừ được tham ái là họ điệt trừ được thế giới
của họ. Kết quả sau đó sẽ chỉ là thực tại. Thế giới
hư ảo sẽ ra đi và Niết Bàn thực tại sẽ an trú vĩnh
viễn.
Tôi đã cố gắng gởi đến
quý vị phần tinh hoa rạng rỡ của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Quý vị đã nhận ra rằng Phật Giáo Nguyên Thủy nổi
tiếng là giản dị, vì tất cả chân Pháp, vạn hữu đều
đơn giản không có gì phức tạp cả. Thế giới còn
trong trình độ mẫu giáo. Rất ít người vươn lên đạt tiêu
chuẩn cao hơn. Và tìm ra được những người tốt nghiệp tâm
linh thì hầu như tìm kiếm trong vô ích. Khi một người tốt
nghiệp ở môi trường học thông thường, vị đó
nhận văn bằng tốt nghiệp cử nhân văn chương, tốt nghiệp
cử nhân khoa học, bằng cao học, bằng tiến sĩ.v.v...Khi một
người tốt nghiệp từ trường đại học tâm linh, vị đó sẽ
nhận văn bằng Tâm linh, văn bằng Tu Ðà Hườn. Ðó là
bằng cấp của người nhập lưu. Người ta phải tu tập cách
nào để đắc quả Tu Ðà Hườn?
Vị đó phải tu tập đoạn diệt niềm
tin vào sự hiện hữu của một linh hồn, một linh hồn
bất biến và bất diệt. Ta phải triệt
phá các mối nghi ngờ nơi Phật, Pháp, Tăng, nơi Thánh giới.
Ta cũng cần loại bỏ sự tin tường vào hiệu quả của
nghi thức và cúng tế mà tôi đã lưu ý trước kia. Ngay khi đoạn
diệt ba kiết sử đầu tiên, vị đó chứng quả Tu Ðà
Hườn. Vị đó đang đi trên con đường
Bát Chánh, bám chặc trên đường Ðạo. Có phải quý vị cũng
đang đi trên con đường Bát Chánh?
Hãy tự hỏi mình câu hỏi này. Nếu quý vị không phải
là bậc nhập lưu thì quý vị không đi
trên Thánh Ðạo. Quý vị đang nỗ lực tiến tới Thánh Ðạo,
quý vị chưa tiến đến nhưng quý vị
đang bước gần đến. Một khi quý vị thành bậc nhập lưu,
quý vị đang đi trên đường Ðạo, quý vị sẽ chứng đạt
Niết Bàn ít nhất bảy kiếp nữa chứ không quá bảy
kiếp.
Văn bằng kế tiếp là
gì? Ðó là quả vị TƯ ÐÀ HÀM. Vị đó
dập tắt ba triền cái đầu (thân kiến, nghi kiến, giới
thủ kiến) và làm yếu hai triền cái sau (tham dục, sân), vị
ấy làm yếu tham ái và sân (làm yếu đi phân nửa), quả vị
TƯ ÐÀ HÀM chỉ trở lại thế gian một lần, không quá một
lần.
Văn bằng kế tiếp nữa là
A NA HÀM. Ta đoạn diệt hoàn toàn năm
triền cái một lần cuối rồi thôi. Ta đoạn diệt được ba
triền cái đầu tiên, triền cái thứ tư, thứ năm, tham ái,
sân. Ta đoạn diệt vĩnh viễn năm triền cái. Vị đó không
bao giờ trở lại trần gian này nữa. Quý vị cũng nên
nhớ rằng hiện có nhiều vị Alahán trên vũ trụ này. Nếu
quý vị muốn nhìn thấy họ hãy lên cõi Trời Tịnh Cư. Nhờ
khoa học chúng ta có thể liên lạc với các vị Alahán. Chúng
ta có thể nhìn thấy họ qua truyền hình. Nếu quý vị không
thể thực hiện được và cũng không thể chờ đợi lâu việc
cải tiến khoa học hiện đại, xin hãy
vui lòng qua nước Tây Tạng. Tôi nghe rằng có nhiều vị
Alahán đang sống ở Tây Tạng hiện
nay. Sau chuyến hoằng Pháp ở Mỹ về tôi sẽ cố gắng sang
Tây Tạng để học hỏi quý Ngài.
Văn bằng kế tiếp nữa của
trường Ðại Học Tâm Linh là quả vị A LA HÁN. Vị
này đoạn diệt tất cả mười triền
cái: năm triền cái đầu và năm triền cái sau. Sắc dục là
tham tái sinh trong cảnh giới sắc; vô sắc dục là tham tái
sinh trong cánh giới vô sắc, kiêu mạn, trạo cử và vô minh.
Ngay đến một vị Anahàm dù sẽ không tái sinh ở trần gian nữa,
song vẫn còn kiêu mạn. Kiêu mạn là yếu điểm sau cùng của
bậc Ðại Thánh.
Một khi bạn tốt nghiệp
trường Ðại học Tâm Linh này bạn mới thực sự là người
tốt nghiệp. Có nhiều người mãn nguyện với bằng cấp thế
tục. Họ nỗ lực thật gian khổ
trong các kỳ thi để lấy bằng cử nhân văn chương, gắn liền
với tên tuổi mình, nhưng đấy chỉ là những văn
bằng nhất thời không tồn tại bao lâu. Sau khi đậu văn bằng
tiến sĩ, tuổi đời cũng qua mau, bạn sẽ già, sẽ chết,
rồi bạn lại tái sinh, rồi lại khởi sự đến
lớp mẫu gláo, rồi năm tháng chồng chất, bạn lại phải dẫm
chân trên những bước đường mệt mỏi để thi cử, rồi lại
đến đỉnh cao tiến sĩ v.v... cứ như vậy mãi trong chu kỳ
luân hồi đau khổ bất tận.
--- o0o ---