Thiền học
Ba Mươi Ngày Thiền Quán
05/07/2553 01:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

[05]

Buổi tối thứ hai mươi mốt 
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

Cũng vì sự bí mật của sanh, lão, bệnh, tử mà các đức Phật đã xuất hiện trong cuộc đời. Không một cõi thế giới nào mà lại không bị chi phối bởi những sự thật này, và sự giác ngộ của đức Phật chỉ có mỗi một mục đích duy nhất là để hiểu thấu được các nguyên nhân gốc rễ của nó. Có lẽ phần uyên thâm nhất của giáo lý đức Phật là một diễn tả về sự luân chuyển không ngừng của sợi dây xích hiện hữu này được gọi là luật Nhân Duyên. 

Có mười hai nhân duyên mà chúng ta thường gọi là Thập Nhị Nhân Duyên, chúng là: Vô minh, Hành, Thức tái sanh, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Bệnh tử. 

Hai nhân duyên đầu tiên nói về các nhân được gieo trong nhũng kiếp quá khứ và làm điều kiện cho kiếp sau này. Nhân duyên đầu tiên là Vô minh. Vô minh có nghĩa là u tối, không thấy được chân lý, không hiểu giáo pháp, không biết được Tứ Diệu Ðế. Cũng vì ta không ý thức được sự việc một cách rõ ràng, không thấy đuợc sự thật khổ đau, gốc rễ của nó và phương pháp giải thoát, cho nên sự Vô minh đã làm điều kiện cho nhân thứ hai trong chuỗi Thập Nhị Nhân Duyên là Hành. Hành có nghĩa là ý chí, ý muốn bắt đầu cho những hành động của thân, khẩu và ý. Những hành động này phát sinh lên do những tâm thiện hay bất thiện. Hành là do Vô minh tạo nên, vì chúng ta không hiểu được sự thật cho nên ta tạo tác nên đủ loại nghiệp. Và rồi nghiệp lực của những hành động này lại làm điều kiện cho móc nối thứ ba trong chuỗi Nhân Duyên. 

Nhân duyên thứ ba là Thức tái sanh, có nghĩa là tâm thức đầu tiên khi ta mới sanh ra. Vì Vô minh làm điều kiện cho nghiệp lực mà ta đã tạo tác trong kiếp trước, Thức tái sanh sẽ khởi lên trong giây phút thụ thai. Tâm Hành là nhân mà Thức tái sanh là quả. Một sự liên hệ có điều kiện của luật nhân quả. Sự Vô minh sanh ra tâm Hành tạo nên nhiều nghiệp lực. Những nghiệp lực ấy làm phát sanh ra Thức tái sanh, điều kiện bắt đầu cho cuộc sống này. Và cũng vì có tâm thức đầu tiên ấy mà cả hiện tượng Danh sắc được khởi lên với đầy đủ mọi phần tử của thân và mọi yếu tố của tâm. Rồi tự hiện tượng Danh sắc mà Lục nhập phát sinh. Lục nhập tức những quan năng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, được phát triển trong giai đoạn ta còn bào thai. 

Thức tái sanh trong giây phút thụ thai làm điều kiện phát sanh nên hiện tượng Danh sắc. Vì sự có mặt của Danh sắc mà Lục nhập, gồm năm giác quan và ý thức sanh ra. Rồi Lục nhập lại làm điều kiện cho Xúc, tức sự tiếp nhận của những giác quan (Căn), khi tiếp xúc với những đối tượng của chúng (Trần), như là mắt với màu sắc, tai với tiếng động, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với cảm giác, ý thức với lại tư tưởng. Xúc đòi hỏi cả ba yếu tố: Căn (giác quan), Trần (đối tượng của giác quan) và Thức (sự nghe, thấy, ngữi, nếm, cảm giác và suy nghĩ). Lục nhập làm phát sinh Xúc. Rồi bởi vì sự tiếp xúc giữa mắt với màu sắc, tai với tiếng động, và những Căn với Trần khác mà Thọ sanh lên. Thọ tức là những cảm giác dễ chịu, khó chịu hay trung hòa xảy ra trong từng sát na của tâm, khi có sự xúc chạm. Dù sự tiếp xúc có qua những cánh cửa giác quan hay là qua ý thức, Thọ lúc nào cũng có mặt, và nó được gọi là một tâm hành cơ bản. Xúc làm điều kiện phát sanh của Thọ, tức là những cảm giác của ta. 

Bởi vì có Thọ nên mới có Ái. Ái tức là lòng tham dục, ham muốn, khao khát một vật gì. Chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn những hình ảnh âm thanh dễ chịu, những mùi vị thơm ngon, những cảm giác, tư tưởng tươi mát, nhẹ nhàng. Chúng ta muốn vứt bỏ mọi điều gì làm cho mình khó chịu. Ái sanh ra là bởi có Thọ. Chúng ta bắt đầu khao khát hoặc là trốn tránh những đối tượng khác nhau của Lục nhập. Thọ là điều kiện phát sanh của Ái. Ái là điều kiện phát sanh ra Thủ. Thủ có nghĩa là nắm giữ, muốn lấy làm của mình. Bởi vì chúng ta có tham dục nơi các đối tượng của sáu giác quan, kể cả ý thức, nên ta muốn chiếm giữ, nắm bắt, ta nhận chúng là mình, gắn bó với chúng. Bởi có Ái nên mới có Thủ. 

Rồi bởi vì Thủ mà ta bắt đầu tạo nghiệp, gây quả, tiếp tục những hành động trong kiếp trước mà đã tạo nêm Thức tái sanh cho kiếp này. Thọ sanh Ái, Ái sanh ra Thủ và Thủ làm điều kiện cho Hữu tức là một sự tiếp nối trở thành, nó làm năng lực cho hạt giống luân hồi, Thức tái sanh cho kiếp sau. Từ những nghiệp lực này, được tạo nên do Thủ, mà ta lại có Sanh. 

Vì Sanh nên mới có Bệnh tật, chán nản. Có tàn hoại và đau đớn. Có khổ đau, có Chết. Và bánh xe luân hồi lại tiếp tục xoay tròn, kéo theo một chuỗi Nhân Duyên vô Ngã. 

Vấn đề của đức Phật và của tất cả chúng ta, là làm sao tìm được một lối thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn Nhân Duyên tiếp nối này. Tương truyền rằng trong đêm giác ngộ dưới gốc Bồ đề, đức Phật đã đi ngược lại dòng Nhân Duyên tìm một lối thoát. Tại sao có già, có bệnh, có chết? Vì có Sanh. Tại sao lại có Sanh? Vì có Hành phát khởi do tham, sân, si. Nhưng tại sao chúng ta lại bị vướng víu vào những hành động này? Vì có Hữu. Tại sao lại có Hữu? Vì có Ái. Tại sao lại có Ái? Vì có Thọ, vì những cảm giác dễ chịu, khó chịu khởi lên. Tại sao lại có Thọ? Vì có Xúc. Tại sao lại có Xúc? Vì có Lục nhập, và cả một hiện tượng Danh và Sắc. 

Chúng ta không làm gì được khi đối diện với tiến trình thân tâm này. Nó có vì sự Vô minh trong quá khứ và vì chúng ta đã sanh ra ở đây. Không có cách nào để tránh sự tiếp xúc, đụng chạm cả. Chúng ta không thể nào đóng lại những cửa giác quan của mình, cho dù chúng ta có muốn. Mà đã có tiếp xúc, đụng chạm thì ta không thể nào ngăn không cho Thọ khỏi phát sinh lên được. Hễ đã có Xúc thì sẽ có Thọ. Ðó là một tâm hành cơ bản của tâm. Nhưng cũng ngay ở điểm quan trọng này, Thọ, mà ta có thể cắt đứt được chuỗi Nhân Duyên liên tục ấy. 

Hiểu được luật Nhân Duyên, bởi vì cái này có mà cái kia có, chúng ta có thể chặt đứt đi sợi dây xích liên tục ấy. Khi một lạc thọ phát sinh, ta không nên nắm bắt, khi một thọ khổ có mặt, ta không xua đuổi. Khi có một cảm thọ trung hòa, ta không rơi vào quên lãng, thất niệm. Ðức Phật dạy con đường của thất niệm là con đường của sự chết. Và con đường của chánh niệm và trí tuệ là con đường đưa đến sự bất tử. Chúng ta có hoàn toàn tự do để phá tung sợi dây xiềng xích này, thoát ra khỏi những phản ứng do điều kiện. Chúng ta phải duy trì một sự tỉnh thức, một chánh niệm vững chãi trong từng giây phút, để giữ cho cảm Thọ không khởi sanh lên Ái dục. 

Những khi ta thất niệm, cảm thọ sẽ làm cho ái dục phát sanh. Nếu có điều gì dễ chịu, ta sanh ra sự ưa thích; còn những gì khó chịu, ta lại có lòng muốn hủy diệt nó đi. Nhưng nếu thay vì thất niệm, ta có một chánh niệm và trí tuệ, thì mỗi khi có một cảm thọ sinh lên, ta chỉ kinh nghiệm nó mà không phản ứng mù quáng theo thói quen là nắm bắt hay chối bỏ. Ðối với một cảm thọ dễ chịu, ta kinh nghiệm nó bằng chánh niệm mà không bám víu. Ðối với cảm thọ khó chịu, ta kinh nghiệm bằng chánh niệm mà không ghét bỏ. Cảm thọ không còn làm phát khởi Ái dục nữa. Bây giờ chỉ có chánh niệm, vô tư, xả bỏ. Không có Ái dục thì sẽ không có Thủ, không còn Thủ thì Hữu cũng sẽ không sanh. Mà chúng ta không còn tạo nên năng lực thì sẽ không có tái sanh, không bệnh, không già, không chết. Chúng ta hoàn toàn tự do. Không còn bị lôi cuốn bởi Vô minh và Ái dục, tất cả khối khổ đau sẽ bị hoàn toàn tiêu trừ. 

Mỗi giây phút của chánh niệm, tỉnh thức là một nhát búa đập xuống sợi dây xiềng xích Nhân Duyên này. Những nhát búa giáng xuống với sức mạnh của trí tuệ, của ý thức sẽ làm cho sợi dây xích càng lúc càng yếu đi, cho đến khi nó bị đứt tung. Những gì chúng ta đang thực hành ở đây là quán chiếu thẳm thấu vào trong chân lý của luật Nhân Duyên, để giải thoát tâm ta ra khỏi sự ràng buộc của chúng. 

Hỏi: Tôi thấy rằng càng đi sâu vào sự tu tập, tôi lại càng cảm nhận được cái hay, cái đẹp của giáo pháp, tự tính của mọi sự vật. 

Ðáp: Hạnh phúc cao thượng nhất là hạnh phúc của Vipassana, hạnh phúc của trí tuệ, nhìn thấy được tự tướng của vạn hữu. Khi ta bắt đầu cảm nhận bằng một sơ tâm của đứa trẻ thơ, mỗi giây phút đều là mới lạ, tươi mát, thì trạng thái này an lạc lắm. Cũng vậy, sự sống của ta sẽ là một niềm vui lớn nếu ta biết sống với cái sơ tâm ấy, một tâm không bị điều kiện chi phối, một tâm biết trực nghiệm thay vì cứ tưởng tượng. Ðức Phật dạy rằng mùi vị của đạo pháp siêu diệu hơn mọi thứ mùi vị khác. Nó đem lại cho ta một cảm giác sáng suốt, hiểu biết, để nhìn thấy rõ tự thể của vạn hữu, để hòa hợp chung một giai điệu và trở thành một với Ðạo lớn. 

Nhưng trên con đường đi đến sự hòa điệu hoàn toàn ấy, đôi khi ta phải trải qua một kinh nghiệm bất mãn rất sâu đậm. Một khổ đau mà ta đã thừa hưởng từ luật vô thường của cuộc sống. Có nhiều người đã phải nếm qua mùi vị của sự chán nản này. Những ai đã từng trải qua cảnh ngộ ấy, thường được một lợi lộc là có một thái độ ung dung tự tại, Vì khi ta kinh nghiệm được một cách sâu xa những nỗi khổ đau của thân và tâm, ta sẽ hiểu rõ ràng giá trị của một thái độ vô chấp, xả bỏ, ta sẽ không còn muốn nắm giữ nữa. Ta biết chúng chẳng có gì đáng để cho mình ham muốn. Và từ sự vô chấp ấy, tâm của ta sẽ trở nên quân bình và có thể nhìn sự thay đổi của mọi vật bằng một thái độ ung dung, với một ý thức sáng tỏ và an lạc. 

Hỏi: Muốn đạt được giác ngộ, ta có cần phải chết đi không? 

Ðáp: Giác ngộ có nghĩa là sự chết của tham, sân và si. Lý do chúng ta sợ chết là vì ta không hiểu rằng tiến trình của sự chết đang xảy ra trong giờ phút này. Cho nên đối với những người không tu tập, họ có nỗi sợ phải mất đi thân này. Thật ra thì không có một ai chết cả, vì đâu có một cá nhân nào đứng phía sau tiến trình ấy. Sự thật chỉ là một chuỗi sanh diệt, sanh diệt liên tục tiếp nối nhau... theo sự lôi cuốn của Ái và Thủ. Muốn giải trừ những điều kiện ấy, giải thoát tâm ta ra khỏi sự đam mê và bám víu ta phải biết kinh nghiệm được sự an vui lúc nào cũng đang hiện có mặt, nhưng vì ái dục mà ta không thấy được. Cũng giống như mốt con khỉ đang nắm chặt bàn tay, nó chẳng bị một ai trói buộc ngoài trừ lòng tham dục của chính nó. Nó chỉ cần mở rộng bàn tay ra là thoát được. Chúng ta cũng vậy, chỉ cần buông xả là có thể tự tại bước đi.

-ooOoo-

Buổi tối thứ hai mươi hai 
CHẾT VÀ TỪ BI

Một hình ảnh thường được dùng để diễn tả sự tu tập thiền quán, trí tuệ là một người đang đi trên một sợi dây treo trên không. Khi chúng ta đi trên một sợi dây treo lơ lững giữa trời, thì điều cần phải quan tâm là sự cân bằng: luôn luôn giữ một thái độ ung dung, quân bình. Khi ta đang đi, sẽ có nhiều sự vật bay ngang qua: những hình ảnh, những âm thanh, tình cảm, tư tưởng và ý niệm khác nhau. Nếu ta ưa thích, ta sẽ có khuynh hướng vói ra, cố nắm bắt, muốn giữ lại. Còn nếu những âm thanh, hình ảnh kia là khó chịu, bực mình, ta cũng có một khuynh hướng vói ra để xua đuổi, đẩy chúng đi nơi khác. Trong cả hai trường hợp, ta đều ngả mình tới, mất đi quân bình và có thể té được. 

Cả hai phản ứng ưa thích và ghét bỏ đều có cùng một nguy hiểm như nhau. Bất cứ một việc gì, dù có huy hoàng hay ghê sợ đến đâu, nếu chúng khiến ta mất đi tâm quân bình, sẽ làm ta ngả. Cho nên lúc nào chúng ta cũng phải cứ tiếp tục và tiếp tục, đào luyện một tâm an nhiên, không phản ứng bằng cách nắm bắt hay xua đuổi bất cứ một đối tượng nào. Hãy tu tập một tâm vô chấp, không dính mắc vào đau cả, vào bất cứ một chuyện gì, cứ để chúng tự nhiên đến rồi đi. 

Sự vô chấp phát sinh từ một sự hiểu biết thâm sâu vào lý vô thường. Trên một bình diện, trí tuệ này nhận thức được sự cấp bách và tính cách tất nhiên của cái chết. Trong Áo Nghĩa Thư (Bhagavad-Cita) có câu hỏi: "Trong mọi điều kỳ lạ tên thế giới này, sự việc nào là kỳ lạ nhất?". Và câu trả lời: "Ðó là không có một người nào, mặc dù thấy những người chung quanh mình chết, vẫn không tin rằng rồi một ngày mình cũng sẽ chết". 

Thường vì thất niệm nơi số phận của mình mà ta thường đi tham lam thu thập và chiếm hữu, muốn mình trở thành một nhân vật quan trọng. Chúng ta chấp vào các việc làm của những tâm ý nhỏ nhen, coi những tham vọng, cái tôi của mình là quan trọng nhất. Chúng ta đánh mất đi viễn tượng của một tâm lớn, về một cái chết của mình. 

Don Juan xem cái chết như là một vị thầy; biết ý thức được cái chết không thể nào tránh khỏi của mình với một thái độ sáng suốt và chấp nhận, mà không hề hối tiếc, buồn lo hay sợ hãi. Hồi tưởng về cái chết của mình sẽ đem lại cho ta một sức mạnh, giúp cho ta biết trân quý và sống trọn vẹn mỗi giây phút, mỗi hành động. 

Trong tâm thức của mỗi chúng ta đều có những khuôn mẫu, tạo nên bởi các hành động của mình. Thường thường thì đa số những hành động là các thói quen xấu như giận dữ, yếm thế. Nhưng ta cũng có thể đem vào tâm một ý thức về cái chết, và dùng nó để chiếu soi lên trên mọi sinh hoạt của mình. Nếu ta biết lấy cái chết làm thầy, chúng ta sẽ sống mỗi phút thật trọn vẹn và chí tình, như là một nỗ lực cuối cùng trên quả đất này vậy. 

Khi ta biết giữ cái chết trong tầm tay với, ta sẽ bớt đi đam mê và quyến luyến những giây phút vui thú, thỏa mản tạm thời. Vì khi tâm ta không còn bị mê mờ vì ái dục và ảo tưởng, chúng ta sẽ bớt đi khuynh hướng muốn chiếm hữu và có thể đem ban bố tình thương và sự độ lượng của mình. Chánh niệm về cái chết, cho ta một khoảng không gian sáng tỏ, giúp ta hiểu được thật sự mình là ai và ai là người sẽ phải chết. 

Trên bình diện này, hiểu được lý vô thường có nghĩa là ý thức được những giai đoạn chuyển tiếp, tính cách tạm thời của mọi hiện tượng trong giây phút này sang giây phút kế. Trong mỗi sát na, tiến trình thân tân, cả vũ trụ này, đang khởi lên và mất đi, sanh và diệt tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Sự tu tập của ta là để đào luyện một tâm tĩnh lặng và an nhiên, không hề xao động trước một sự thay đổi lớn lao như vậy. 

Cả phương pháp tu tập này bắt nguồn từ một công thức duy nhất là: giản dị ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại mà không phản ứng. Một thiền sư ở Ấn Ðộ có dạy rằng, chúng ta chỉ cần ngồi và ý thức được rõ ràng là mình đang ngồi, rồi thì cả giáo pháp sẽ tự nhiên hiển bày. Bạn sẽ thấy được thông suốt tự tính của vạn vật, và bây giờ giáo pháp sẽ thật sự trở thành là bạn. 

Trong giai đoạn chuyển hóa này, nhờ ở sự quân bình và vô chấp, những đức tính tốt đẹp và tự tại của tâm sẽ bắt đầu hiển lộ. Một trong những đức tính này là lòng Từ (Metta). Lòng Từ có nghĩa là lòng thương mình, bằng một sự chấp nhận, không phê phán, giữ một không gian thanh thản trong tâm; và lòng thương kẻ khác, nhưng không vì lòng quyến luyến, muốn chiếm hữu. Ðây không phải là một thứ tình thương có điều kiện - thương người khác vì một đức tính hay đặc điểm nào đó, và nếu họ thay đổi, tình thương của ta cũng chấm dứt. Nó không phải là một loại tình thương "đổi chác" - "Tôi thương bạn nếu bạn thương tôi". 

Lòng Từ phát xuất do trí tuệ là một thứ tình thương vô điều kiện, một lòng đại từ - một tình thân hữu, ấm áp đối với mọi loài ở mọi nơi. Tình thương ấy không chỉ có giới hạn trong những người đang có liên hệ với mình. Nhưng không phải ta đi tìm kiếm người khác vì nhu cầu, vì mong muốn, mà do sự phát tỏa tự nhiên của một tình thương vô bờ bến. 

Một đức tính nữa cũng bắt đầu hiển lộ là đức Bi. Ðức Bi không phảilà lòng tự thương hại hoặc thương hại người khác. Nó tức là thấy được sự đau khổ của mình và cảm nhận được những khổ đau của người khác. Chữ Pali "Kilesa" thường được dịch ra là những gì bất thiện, nó cũng có một nghĩa đặc biệt là "khổ tâm". Những sự giận dữ, tham lam, các tâm bất thiện đều có thể gây ra đau khổ. Chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của chúng đối với thân tâm mình, nếu ta biết quán chiếu khi chúng khởi sanh lên. Một khi chúng ta hiểu sâu giáo pháp, ta sẽ cảm thấy thương xót chứ không phê phán hay lên án những tính xấu của mình và ta sẽ thông cảm được nỗi khổ đau của người khác khi họ bị những trạng thái như vậy. Thấy được tấm màn lưới chằng chịt của khổ đau mà tất cả chúng ta đang vướng vào, ta sẽ có lòng thương xót đối với nhau hơn. 

Một biểu lộ cao quí nhất trong những đức tính này là sự phô bày của một cái rỗng không - vô ngã. Khi đã không còn "Tôi" thì sẽ không còn "người khác". Không có "ngã" thì cũng sẽ không có "Nhân". Cảm tưởng phân chia sẽ biến mất. Lúc này ta cũng sẽ kinh nghiệm được cái Một, sự đồng nhất của vạn vật. 

Albert Einstein có viét: "Con người là một phần nhỏ của một cái lớn mà chúng ta quen gọi là vũ trụ, phần nhỏ ấy bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Anh ta kinh nghiệm mình, tư tưởng của mình, cảm giác của mình như là những gì riêng biệt với tất cả, đây chỉ là một loại Vọng tưởng. Vọng tưởng này là một thứ ngục tù của chúng ta, giới hạn ta vào một số tham vọng cá nhân và tình thương đối với một số người lân cận. Phận sự của ta là tự giải thoát mình ra khỏi ngục tù này, bằng cách mở rộng lòng Từ Bi ra để ôm trọn mọi sinh linh, mọi loài và toàn cõi thiên nhiên trong vẻ đẹp vô cùng của nó". 

Ánh sáng của đức Từ Bi trong tâm ta bấy lâu nay bị tham, sân, si che phủ. Khi chúng ta phá tan những đám mây mù này bằng sự quán chiếu của trí tuệ, thì đức tính từ bi sẽ lại bắt đầu chiếu soi một cách tự tại như xưa. 

Ðức Phật có dạy cho ta một phương pháp tu tập, để khai triển mạnh mẽ những dức tính này trong đời sống của mình. Pháp tu này được gọilà "Metta Bhavana" hay là Từ Bi Quán. Thực hành phương pháp này sẽ làm cho thiền Vipassana được thêm phong phú, vì khoảng không gian thênh thang và sự nhẹ nhàng trong tâm mà nó có thể tạo nên. Nó củng cố khả năng quan sát mà không phê phán và giúp cho ta tránh được một khuynh hướng thường tình trong con đường tu tập, và mong muốn được trở thành một nhân vật nào khác. 

Trên suốt con đường tu tập, bạn sẽ nhận thấy rằng phương tiện và mục đích chỉ là một. Muốn đạt đến một mục đích an lạc, chánh niệm và tình thương, ta phải biết tập cách thực hiện nó trong mỗi giây phút hiện tại. 

Thường thường thì chúng ta thực hành Từ Bi Quán khoảng chừng năm hay mười phút trước hoặc sau, đôi khi cả hai, mỗi lần ngồi thiền. Vào những giờ trước khi ngồi thiền, nó sẽ tạo nên một khoảng không gian cởi mở mà ta có thể đem áp dụng vào sự chú ý đơn thuần, và vào cuối giờ thiền thì những tư tưởng Từ Bi có một ảnh hưởng rất mạnh vì tâm ta lúc đó đã được định. 

Phương pháp này rất giản dị. Ngồi lại trong một vị thế cho thoải mái. Trước hết, chúng ta phải giải thoát tâm mình ra khỏi mọi sự căng thẳng hay thù hận, nếu có, bằng cách xin và ban bố sự tha thứ: "Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ hay thương tổn bằng tư tưởng, lời nói hay hành động, tôi xin được tha thứ. Và tôi cũng hoàn toàn tha thứ cho những ai đã từng làm tôi đau khổ hay tổn thương". Lập đi lập lại câu này trong im lặng, chừng một hai lần là một phương pháp hiệu quả, để gột rửa tâm mình không còn những cặn bả của niềm hận thù hay tức giận. 

Tiếp đó chừng trong một vài phút, hãy hồi hướng những tư tưởng tốt lành đến cho mình: "Xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được an lạc, xin cho tôi được thoát ra những khổ đau. Xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được an lạc, xin cho tôi được thoát ra những khổ đau". Tập trung vào ý nghĩa của những câu ấy. Chúng ta không thể nào thật sự thương một người khác được, nếu ta không thể chấp nhận và thương chính mình. Những danh từ, cách dùng chữ không quan trọng. Bạn hãy chọn những câu nào có thể gây một sự rung động trong bạn. Biến chúng trở thành một câu thần chú của tình thương. 

Tiếp tục thực hành, bắt đầu phóng những tư tưởng và cảm tình này đến những người khác: "Cũng như tôi muốn được hạnh phúc, cầu xin cho tất cả mọi loài được hạnh phúc. Cũng như tôi muốn được an lạc, cầu xin cho mọi loài đều được an lạc. Cũng như tôi muốn được thoát ra khỏi khổ đau, cầu xin cho mọi loài đều được thoát ra sự khổ đau". Lập lại câu này trong đầu vài lần, rồi bắt đầu phóng tư tưởng Từ Bi đến những người khác. Những câu ấy có thể được rút gọn lại một cách nhịp nhàng và ta có thể tụng torng vòng năm hay mười phút: "Xin cho tất cả được hạnh phúc, an lạc và không bị khổ đau". 

Bạn cũng có thể hướng những tư tưởng này đến một số người chọn lọc nào đó, có thể là những người thân mà bạn đang mến yêu, hay là những người mà bạn đang tức giận hay có một mối hiềm thu, như là cách cởi mở ra với lòng nhân hậu. Hãy tưởng tượng ra họ trong đầu khi bạn niệm những lời này. Và sau cùng hết, một lần nữa, phóng tâm từ đến với mọi loài ở mọi nơi. 

Những lúc đầu, phưong pháp này có vẻ như là máy móc, nhưng khi bạn thực tập đều đặn, cố gắng tập trung vào ý nghĩa của những lời ấy, vào sự chúc lành của bạn đến kẻ khác, dần dần tâm Từ Bi sẽ phát triển và trở nên vững mạnh. 

Hỏi: Xin ông vui lòng giải thích thêm về sự liên hệ của Từ Bi và Trí Tuệ? 

Ðáp: Sự phát triển tâm Từ là một loại thiền định, làm cho tâm ta tập trung vào một điểm duy nhất là tình thương. Nó hoạt động trên một bình diện thuộc về khái niệm, với một khái niệm "trở thành". Ðây là một phương pháp sử dụng khái niệm vô cùng thiện xảo, và nó tạo nên một khoảng không gian, nhờ đó mà chánh niệm có thể hoạt động hiệu quả hơn. Nói tóm lại nó sử dụng Ðịnh để đem lại một sự yên nhẹ trong tâm, nhờ đó ta có thể đi sâu hơn vào một bình diện trí tuệ khác. 

Hỏi: Ông có thể nói thêm một chút về vấn đề sáng tỏ được không? 

Ðáp: Trong những giờ ngồi thiền, có thể bạn đã có những kinh nghiệm là đôi khi tâm mình rất sắc bén và sáng suốt, nó có thể ý thức được mọi chuyện đang xảy ra trong mỗi giây phút. Và cũng có những lúc tâm bạn bị mù mờ, lộn xộn, không nhận diện được sự việc một cách rõ ràng, mọi vật có vẻ mơ hồ. Nó cũng giống như một căn phòng tối lờ mờ, nếu chúng ta vặn đèn lên, thì mọi vật sẽ trở nên rõ rệt và sáng tỏ hơn. Khi tâm ta không có đủ ánh sáng, ta không thể nào thấy rõ sự vật được, ta có thể thấy lờ mờ bóng dáng của chúng, chứ không thấy những chi tiết được. Còn khi tâm ta có đủ ánh sáng, mọi vật đều có thể được phân biệt rõ ràng và nhờ vậy mọi tiến trình đều trở thành sáng tỏ, dễ hiểu. Ánh sáng đó chính là ánh sáng của ý thức và chánh niệm. 

Hỏi: Nhưng rồi ta có bị chấp vào sự sáng tỏ đó không? 

Ðáp: Bạn có thể lắm chứ. Ta gọi đó là sự hư hoại của trí tuệ. Bạn phải ý thức được tự thân của sự sáng tỏ, để khỏi phải bị vướng mắc hay chấp cho nó là mình. Bởi vì sự sáng tỏ cũng chỉ là một phần của tiến trình. Khi chánh niệm và định lực mới bắt đầu phát triển, người ta thường tưởng rằng lúc này là mình đã được giác ngộ, đã đến đích rồi, không còn gì nữa để làm. Bởi vì lúc ấy ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, an lạc và hạnh phúc lắm. Lúc ấy vai trò của vị thầy rất là quan trọng, ông chỉ khuyên: "Hãy cứ tiếp tục ngồi thiền". 

Hỏi: Sự sáng tỏ ấy ở với ta qua mọi giai đoạn hay là chúng cũng chỉ đến rồi đi như những hiện tượng khác? 

Ðáp: Khi ta tu tập tiến bộ, nó ở với ta lâu hơn, mặc dù không phải là mãi mãi. Nó là một tâm hành phát triển mạnh theo sự thực hành của mình. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn tiến bộ của sự sáng tỏ, cho dù ở những giai đoạn này ta không còn cảm thấy vui thú hay hỷ lạc nữa. Trong những trạng thái khổ đau cũng vẫn có thể có sự sáng tỏ. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn mà bạn kinh nghiệm một sự khổ đau vô bờ cũng như niềm an lạc bất tận. Trong cả hai trạng thái đều có một sự sáng tỏ. Con đường, như Don Juan đã nói, là để đạt đến một sự toàn vẹn của con người. Không phải chỉ để kinh nghiệm một khía cạnh, nhưng là để kinh nghiệm niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, sự trong sáng, tất cả. Thấy được một cách trọn vẹn ta là ai. 

Hỏi: Có phải Từ Bi chỉ ảnh hưởng tới tâm của mình mà thôi? 

Ðáp: Sức mạnh của một tâm từ khi được trợ lực bởi sự tập trung của tâm ý thì tất là mãnh liệt. Có một câu chuện về đức Phật và người em họ của ngài là Ðề Bà Ðạt Ða, ông này muốn giết Phật để trở thành giáo chủ của Tăng đoàn. Ðề Bà Ðạt Ða biết rằng ông không thể nào giết Phật một cách đường hoàng được, nên ông sắp đặt để cho một con voi điên cuồng chạy xuống chỗ đức Phật đi khất thức. Ông nghĩ rằng, một là đức Phật sẽ sợ hãi bỏ chạy, như vầy thì uy tín của ngài sẽ bị tiêu tan; hai là nếu ngài ở lại thì sẽ bị con voi điên kia giày xéo chết. Ngày hôm sau, khi đức Phật đang đi khất thực trên con đường nhỏ hẹp, Ðề Bà Ðạt Ða thả con voi điên ấy ra. Ðức Phật không hề hoảng sợ hay bỏ chạy. Ngài vẫn đứng đấy điềm nhiên, với một tâm định kiên cố, ngài phóng những tư tưởng từ bi đến con voi điên ấy. Kinh kể lại, tâm của con voi bị tâm Từ của đức Phật biến trở thành hoàn toàn lặng lẽ, và con voi từ từ quỳ xuống khuất phục dưới chân ngài. 

Hỏi: Tâm Từ biểu lộ ra bằng cách nào? 

Ðáp: Lòng Từ Bi không nhất thiết phải theo một luật hành động nhất định nào. Nó chỉ có nghĩa là cố hết sức của mình để hành động bằng tình thương, bằng tâm từ qua những phương thức thích hợp với hoàn cảnh. Ðiều quan trọng là không nên tìm kiếm một công thức hành động nhất định để đem áp dụng cho mọi hoàn cảnh, vì bạn phải rất là thành thực với chính mình, với những gì mình đang cảm nghĩ. Trong giai đoạn đầu thì cách thực hành Từ Bi Quán rất là máy móc. Tâm Từ là một tâm hành của ta, nó không phải là một cái gì huyền bí mà ta nghĩ rằng mình có hay không có. Trên phương diện này, nó cũng giống như là chánh niệm, tâm định, trí tuệ hay là tham, sân. Nếu ta biết trau dồi, nó sẽ phát triển, còn nếu bỏ quên, nó sẽ héo hon đi. Lúc đầu thì nó không có vẻ tự nhiên, nó đòi hỏi một sự cố gắng, nhưng khi luyện tập tiến bộ ta sẽ trở thành thông thạo và tâm Từ sẽ tự nó phát khởi lên.

-ooOoo-

Buổi tối thứ hai mươi lăm 
ÐẠO

Trong đạo Lão có một câu chuyện về một thân cây mọc trên rừng. Cây ấy già và cong queo, các cành đèu cằn cội và đầy những u bướu. Có người đi ngang qua và phê bình với Trang Tử rằng cây ấy thật là vô dụng, vì thân và cành đều cong vòng, khúc khuỷu cho nên không thể dùng vào việc gì được hết. 

Trang Tử đáp: 

- Cây trên núi là tự vời người đến đốn phá. Mỡ chứa lửa là tự làm cho mình bị thiêu đốt. Cây quế ăn được nên bị chặt. Cây sơn dùng được nên bị cắt. Người biết dùng cái dùng được, mà không ai biết dùng cái không dùng được. 

Sự vô dụng của cây là yếu tố bảo vệ cho nó. Vì không ai cần nó nên chẳng ai đốn xuống, nhờ vậy mà nó được yên thân, sống thọ, hưởng trọn kiếp thiên nhiên của mình. 

"Không mấy ai biết dùng cái không dùng được". Vô dụng có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là rỗng không, không nỗ lực để trở thành một cái gì quan trọng, hay bất cứ một cái gì khác, giải thoát tâm mình ra khỏi tư tưởng mong cầu. Trở nên vô dụng có nghĩa là ổn định xuống và để cho tự tính của mình được phát hiện một cách giản dị và tự nhiên. 

Có một vị sư nổi tiếng ở Thái Lan đã tóm tắt thái độ này, và có lẽ trọn vẹn cả giáo pháp trong một câu ngắn gọn. Ông ta nói: "Không có gì để trở thành, không có gì để làm, không có gì để giữ". Chẳng có gì là quan trọng hết. Mọi vật đều vô thường và luôn luôn trôi chảy, chuyển hóa. Nếu chúng ta có thể tự giải thoát ra khỏi nỗ lực để trở thành một người nào quan trọng, theo một đường hướng nào đó, hay là để đạt được một điều gì - không còn ham muốn hành động, trở thành và chiếm hữu - chúng ta có thể an trú trong sự phô bày của giáo pháp. 

Ðạo Lão thường bàn nhiều về vấn đề trở nên vô hình trong cuộc đời. Có câu chuyện kể về một vị hoàng tử đi săn khỉ. Khi ông ta vừa vào đến rừng, thì những con khỉ thấy bóng dáng ông ta là đã chạy tán loạn đi trốn hết. Nhưng duy có một con khỉ vẫn cứ ngồi yên trên cành, không có vẽ gì sợ hãi. Hoàng tử bèn lấp tên vào cung và bắn. Nhanh như chớp, con khỉ đưa tay ra bắt lấy mũi tên trong khi nó vẫn còn đang bay tới. Thấy vậy, vị hoàng tử ra lệnh cho tất cả quân lính của ông lấp tên vào cung bắn một lượt. Con khỉ bị trúng tên ngã xuống. 

Bởi vì con khỉ ấy đã phô trương tài năng của nó, tự kiêu một cách vô lối, nên tài năng ấy đã trở thành nguyên nhân cho sự diệt vong. Tương tự như vậy, khi chúng ta hành động với một ý khoe khoan, muốn phô trương cái hay cái giỏi của mình, hay khi những hành động phát xuất từ một sự chấp ngã, chúng sẽ tạo ra một lực đối kháng lại, gây cho ta những sự xung đột và mâu thuẩn. Bước đi trong cuộc đời một cách vô hình có nghĩa là không quá khích quả quyết tài năng hay đức tính của mình. Không phô trương. Ðây chính là một thái độ của sự vô ngã, không có một ý niệm tự quan trọng hay tự nỗ lực nào. Chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, sống hòa hợp với hoàn cảnh chung quanh. 

Một trong những khám phá quan trọng nhất khi tôi mới bắt đầu tu thiền, là có biết bao nhiêu hành động bắt nguồn từ ý muốn tạo nên một hình ảnh về mình: trang sức theo một lối riêng, đối xử với người chung quanh theo một cách nào đó. Tất cả đều xoay chung quanh ý niệm về một cái Tôi, mà tôi đã bỏ công tạo dựng và rồi cố gắng duy trì nó. Cứ mang vác theo một hình ảnh về mình là một gánh nặng gây ra một sự mâu thuẩn, đối chọi giữa con người thật của mình trong giây phút hiện tại với hình ảnh mà mình mong muốn. Vấn đề không phải là hành động một cách vô hình, mà là hành động với một sự vô ngã, giúp ta an trú trong giáo pháp, trong Ðạo lớn. Chẳng có gì đặc biệt để ta trở thành, chẳng có gì đặc biệt để ta làm, chẳng có gì đặc biệt để ta giữ. Chúng ta có thể buông bỏ những hình ảnh về mình, buông bỏ những phóng ảnh, và mọi cố gắng nỗ lực để duy trì chúng. Hãy an trú trong hiện tại và để cho nó tự hiển lộ, mà không mảy may có một thành kiến nào về con người thật của mình hết. 

Suzuki Roshi trong quyển "Thiền Tâm, Sơ Tâm" có đưa một thí dụ về sự thư thái và bao la của tâm ấy. Ông nói rằng một cách hay nhất để kiểm soát một con bò là cho nó một đồng cỏ thật rộng. Khó mà có thể kiểm soát được một con bò trong một khoảng không gian nhỏ bé và giới hạn. Nhưng nếu bạn cho nó một bầu trời bao la, thì khoảng trời rộng lớn ấy sẽ giữ con bò lại. Cũng vậy, một cách để kiểm soát tâm mình là để cho nó được thoải mái. Không cần gì phải nhốt hay kềm hảm nó lại trong một khoảng không gian chật hẹp. Hãy thư thái và để cho nó tự nhiên hiện hữu, thoát ra ngoài mọi cố gắng, ý niệm muốn đạt một việc gì. Hãy cho nó một cánh đồng cỏ bao la và nhìn nó tỏa bày. Thái độ cố gắng để thực hiện một điều gì, để trở thành một người nào, đôi khi cũng lan tràng trong lãnh vực tu hành. Ý niệm tăng tiến, thủ đắc là một chướng ngại rất lớn cho sự tu tập. Tất cả cũng vì ta không hiểu được tự thể rỗng không của mọi vật, của Ðạo lớn. 

Có một văn hào tên là Wei Wu Wei đã diễn tả một cách thật hàm súc về vấn đề an trú trong hiện tại và không cần nỗ lực. Ông nói: "Cái gì mà ta đang tìm kiếm là cái gì đang tìm kiếm". Không có cái gì ở bên ngoài ta để cho ta tìm kiếm, nắm giữ hay là đạt đến. Ông nói: "Chỉ có một câu hỏi, và hỏi tức là trả lời". Hỏi tức là việc xảy ra trong giờ phút hiện tại. Và đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi. Câu trả lời không phải là một cái gì "ở bên ngoài" mà ta cần phải tìm kiếm hay khám phá. Câu trả lời cho câu hỏi trọng đại "ta là ai", chính là việc nêu lên nghi vấn ấy. 

Ðiều này giúp ta hiểu được truyền thống thiền của Zen và việc sử dụng các công án, là những vấn đề không thể giải quyết được. Chúng ta bắt tâm mình phải suy nghĩ về những câu hỏi mà không thể nào có một sự giải đáp hữu lý được, như là: "Hãy nói cho ta nghe về tiếng vỗ của một bàn tay?" Khi mà ta đi tìm câu trả lời bằng cách cố gắng giải quyết vấn đề, tức là ta đã không hiểu gì hết. Câu hỏi mà vấn đề đưa ra, nghi vấn của một công án, tự chính nó là câu trả lời. Và sự thật thì lời giải đáp cho một công án, là không có một câu trả lời nhất định nào hết. Nó chính là khả năng ứng đối hoàn toàn trong giây phút hiện tại. Thì đây cũng là mục đích cho sự tu tập của chúng ta: hoàn toàn sống trong giờ phút hiện tại - trong câu hỏi và trong câu trả lời. Không phải đi tìm giải đáp bằng cách mong cầu một loại trí thức, hiểu biết hay kiến thức nào cả, nhưng là kinh nghiệm một cách trọn vẹn tiến trình xảy ra trong giờ phút hiện tại. 

Trở ngại to tát nhất cho sự ổn định là sự cố chấp vào một hình ảnh, ý niệm về mình và những mơ tưởng về một nhân vật mà mình muốn được trở thành. Chúng làm phức tạp một cách không cần thiết cái kinh nghiệm giản dị của việc sống trong hiện tại. Thường thường thì những người trên con đường tu hành thường hay bị chấp kẹt vào một hình ảnh. Một hình ảnh về một nhà tu, một thiền sư, một đạo sư mà họ tự tạo nên, rồi cố gắng bó buộc mình phải hành động, sống theo giống như vậy. 

Trong thời gian tu tập ở Ấn Ðộ, tôi có ba vị thầy khác nhau. Qua những vị thầy tôi học được một bài học vô cùng quan trọng: tôi hiểu rằng không có một phương pháp nào là duy nhất hết. Sự giác ngộ không được diễn tả qua một cá tính, hay một tác phong duy nhất nào. Mỗi vị thầy đều có một cá tính riêng, theo một cách thức hoàn toàn khác nhau. Mỗi ngưòi đều là hiện thân của trí tuệ, tình thương và sức mạnh, nhưng hoàn toàn không có một ý niệm rằng hiện thân này phải được biểu hiện bằng một cách này hay một cách khác. 

Wei Wu Wei nói rằng đức khiêm tốn chính là sự vắng mặt của một cá nhân kiêu hảnh. Nó không phải là một vị thế của thân hay của cá tính. Một khiêm tốn thật sự chính là sự vô ngã. Những vị thầy của tôi biểu lộ sự "vắng mặt" này theo một lối riêng tự nhiên của họ. Thấy được giáo pháp có thể biểu lộ qua nhiều cách khác nhau, giúp ta hiểu rằng không có một đường lối nhất định bắt buộc ta phải theo cả. Trong sự tinh luyện này, ta không phải đảm đương hay bắt chước theo một tác phong nào hết. Cứ thoải mái và để cho những cá tính của ta hiển bày một cách tự nhiên, hãy để giáo pháp phô bày. Không có việc gì để làm, không có một ai để trở thành và cũng không có gì để lấy. Và với thái độ đó ta có thể làm, ta có thể trở thành và ta có thể lấy, một cách vô cùng tự tại. 

Có một câu chuyện thiền nói về ý niệm chấp có mình và có người khác. Ngài tổng đốc của Kyoto đến thăm một vị thiền sư. Ngài tổng đốc sai người hầu đem tấm thiệp vào đưa vị thiền sư. Trên thiệp có ghi tên ông với hàng chữ: "Tổng đốc của Kyoto". Vị thiền sư xem xong tấm thiệp, nói với người hầu: 

- Ta không biết người này là ai cả! Ngươi hãy bảo ông ấy cút đi cho khuất mắt ta! 

Người hầu ra kể lại với lời xin lỗi. 

- Chết! đó là lỗi của ta. 

Ngài tổng đốc nói rồi lấy bút ra gạch bỏ hàng chữ "Tổng đốc của Kyoto". 

- Xin anh đem vào trình lại với thiền sư dùm tôi. 

Vị thiền sư đọc xong tấm thiệp rồi la lên: 

- À! té ra là ông ấy! Mời ông vào ngay, ta đang muốn gặp ông ta đây! 

Khi ông ta tự cho mình là "Tổng đốc của Kyoto", ông đã xa lìa đạo pháp. Và khi ông tự giới thiệu mình như là trong giờ phút hiện tại, không hình ảnh, không chức tước, không một ý niệm, ông chỉ là ông trong giờ phút đó thì ông được vào gặp vị thiền sư. Một khả năng đối xử với người khác, không bị gìới hạn trong một hình ảnh nào, giúp cho ta có được sự tự tại trong những liên hệ với mình. Thói thường thì ta hay đem tự dồn nhét mình với người khác vào trong những hộp hay những ngăn tâm lý - "Hắn là như vậy đó, tôi biết quá mà!" Mối liên hệ của ta đối với người khác rất là cố định, qua tấm màn thành kiến. Mà sự vật thì thay đổi trong mỗi giây phút: tâm ta, thân ta, hoàn cảnh chung quanh ta. Ta phải biết uyển chuyển thoát ra khỏi các thành kiến về mình hay người khác, để cho những sự thay đổi này cùng sự hiểu biết của ta được cởi mở và không bị ngăn ngại. 

Cuộc đời của chúng ta phần nhiều quay chung quanh ý niệm về cái Tôi của mình, và nỗ lực để bảo vệ và thỏa mãn nó. Năng lực này, khi mang vào trong sự tu tập thì ngược lại, trở thành một ý định muốn chiến đấu với cái Tôi ấy, cho rằng nó là một cái gì cần phải bị tiêu diệt. Nhưng chiến đấu với cái Tôi tức là ta vẫn chưa hiểu được tự tánh của sự vật. 

Wei Wu Wei có viết một ngụ ngôn gọi là: "Con vịt trời": 

Muốn diệt cái Ngã ư? Săn nó, đập nó, đánh hơi nó, nói cho ta nghe nó trốn ở chỗ nào? Vui thú là cái chắc. Nhưng, nó ở đâu? Có phải ta nên cần tìm thấy nó trước chăng? Hình như người ta có nói ta phải bắt được con vịt trời trước cái đã, rồi hãy nói đến chuyện làm thịt nó? 

Mà vấn đề khó khăn ở đây là không có một con vịt trời nào cả. 

Mọi nỗ lực, mọi công phu, cố gắng để diệt trừ cái ngã... nhưng nó có hề hiện hữu bao giờ đâu nà để cho ta tiêu diệt. Không có gì để cho ta ra sức đeo đuổi và cũng không có gì để loại trừ. Chúng ta cần phải chấm dứt việc tạo dựng lên một cái Tôi trong mỗi giây phút. Hãy sống trong giờ phút hiện tại mà không dùng ý niệm, hình ảnh. Sống một cách giản dị và thư thái. Không có một mảy may tranh đấu hay khích động trong một cụôc sống vô hình, vô dụng công ấy. 

Có một bài văn thật đẹp diễn tả về một lối sống này: 

Thế nào là bậc Chân nhân? Bậc chân nhân ngày xưa không nghịch với ai, dù là thiểu số, không cầu công, không cầu danh. Người như vậy, mất không tiếc, được không mừng... Bậc chân nhân ngày xưa ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu ngon, thở hít thì thâm sâu... Bậc chân nhân ngày xưa không tham sống, không sợ chết. Lúc ra không hăm hở, lúc vào không do dự. Thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi. Họ không quên lúc bắt đầu, không cầu lúc sau chót. Nhậnlãnh cuộc sống thì vui với đó, mà quên đi, khi cái chết đến, phải trở về. Ðó gọi là không lấy cái "người" nơi mình mà làm trở ngại lẽ "trời" nơi mình. Thế gọi là chân nhân. Nhờ được thế mà lòng của họ luôn luôn vững vàng,, cử chỉ điềm đạm, gương mặt bình thản. Lạnh như mùa thu mà ấm như mùa xuân. Tất cả luân chuyển như bốn mùa nên cùng vạn vật hợp nhau, không biết đâu là cùng. 

Hỏi: Làm sao mà ta lại có thể nỗ lực mà không có một sự cố gắng được? 

Ðáp: Chính nỗ lực của ta là để không còn cố gắng an trú và có chánh niệm trong hiện tại. Có lẽ một vài bạn đã có kinh nghiệm, khi chánh niệm tăng trưởng, không còn bị vướng mắc vào những thành kiến, mơ tưởng của mình. Khi tâm ta ở trong trạng thái đó, chẳng có gì để làm cả.Khi ta ngồi, chỉ có ngồi, và ta ý thức được bất cứ một chuyện gì xảy ra một cách không cố gắng. 

Hỏi: Dường như bây giờ, tình trạng tu của tôi có thể được diễn tả như là một người mơ ngủ trong thất niệm. Mặc dù kiên nhẫn, tôi vẫn mong chờ nó qua đi, nhìn vượt qua giai đoạn này. Dường như là tôi chỉ có thể làm được bấy nhiêu đó mà thôi... 

Ðáp: Có loại trí tuệ phát xuất từ việc ý thức rằng mình đang mơ mộng viễn vông. Chỉ cần nhìn thoáng qua được cái tâm thơ thẩn, lang thang đó cũng đã chứng tỏ khả năng sống mà không bị lệ thuộc vào những bóng dáng và ý niệm ấy. 

Hỏi: Như thế thì ta chọn lựa một lối sống bằng cách nào? 

Ðáp: Nó có thể được thực hiện bằng cách ý thức về những nhu cầu cần thiết của mình, hơn là những phưong tiện để phô trương cái Tôi. Thay vì coi nó như là sự hoàn tất của một ước vọng cán nhân nào đó, chúng ta có thể làm những gì thích hợp trong giây phút hiện tại, sẵn sàng để phục vụ và khởi sự vì lòng từ bi. Rồi nó sẽ tự trôi chảy một cách giản dị và thư thả. Không có gì là đạc biệt để làm, để trở thành hay để có. 

Hỏi: Thế còn những dự định phải thực hiện thì sao? 

Ðáp: Tâm suy tính, hoạch định cũng chỉ xảy ra trong giờ phút hiện tại. Hãy ý thức rằng tâm dự định là một biểu hiệu của hiện tại. Sống với những gì đang xảy ra, sử dụng tiến trình tư tưởng và cả toàn thể khuôn khổ của khái niệm để đối phó với cuộc đời, nhưng bao giờ cũng vẫn đứng vững bằng một nhận thức rằng tất cả là bây giờ. Hành động nhưng không mong cầu vào kết quả của chúng. 

Hỏi: Khi tôi nói chuyện, tôi có rất nhiều ý kiến về những gì tôi muốn nói. Tôi muốn biết, khi ta thật sự biết nghe và nói trong chánh niệm nó ra thế nào? 

Ðáp: Chỉ có mỗi một cách để biết được. Ðó cũng là thông điệp của những công án Zen. Một thiền sư trao cho người đệ tử của mình công án về chữ Vô. Người đệ tử, ngồi đấy trên tọa cụ, suy nghĩ: "Vô, Vô, Vô... Biết sẽ nói gì với thầy khi ông hỏi mình về công án này đây?... Vô, Vô". Hay bất cứ một công án nào khác cũng vậy. Và người đệ tử đi vào trình pháp với vị thầy, lúc nào cũng suy nghĩ: " Biết nói gì đây?" Khi vị thiền sư hỏi về khám phá của anh ta trong công án Vô, anh sẽ tìm cách trả lời loanh quanh. Vị thầy sẽ lấy cây mà đánh cho anh một hèo. Anh đã không chịu sống trong giờ phút hiện tại. Câu trả lời cho một công án là không có một câu trả lời nào hết, ngoại trừ sống thật trong ngay giờ phút đó. Một sự đáp ứng trọn vẹn, vô Ngã, là lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Câu hỏi tức là câu trả lời. Cái gì mà ta đang tìm kiếm là sự tìm kiếm. Tất cả là ngay bây giờ, trong lúc này. Nhưng tâm ta thì luôn luôn muốn đi tìm một câu trả lời dễ dàng của kẻ khác trao cho. Tưởng rằng khi tôi biết câu trả lời, tức là tôi "giác ngộ". Ðó là khi mà ta bị một hèo lên đầu. Bị đánh một hèo lên đầu xảy ra trong hiện tại, nó ngay ở giờ phút này đây. 

Hỏi: Thế còn nghe nhạc thì sao? 

Ðáp: Âm nhạc là một thí dụ rất hay để thấy rằng, nếu ta không ở trong hiện tại, ta sẽ hụt nó. Nếu bạn đang lắng nghe nhạc và tâm bắt đầu suy nghĩ, âm nhạc không dừng lại để chờ bạn. Trong thời gian bạn lo ra, bạn sẽ không lắng nghe. Ðây có thể là một bài thực tập rất hay khi cố gắng giữ tâm mình ở với dòng sông âm thanh. Sự vô thường rất rõ rệt. Âm nhạc không phải là một sự kiện đơn nhất, nhưng là một sự liên tục khởi lên và mất đi tiếp nối nhau

Hỏi: Hình như cái gì cũng có hai điều rõ rệt là sự tỉnh thức và sự chú tâm vào một vấn đề. Tôi có thể bị thu hút vào trong âm nhạc, mà không hề có chánh niệm; rất là ở trong hiện tại, nhưng không ý thức được là mình đang sống trong hiện tại. 

Ðáp: Ðó là sự khác biệt giữa Ðịnh và Quán. Ta có thể tập trung nhất tâm vào trong âm nhạc mà không hề có chánh niệm, mặc dù có những chuyện đang xảy ra để cho ta ý thức. Lúc này tâm hành của Ðịnh đang trội lên hơn hết, tâm ta không bị lay động. Chỉ cần thêm vào đó một chánh niệm sắc bén là đủ, bạn sẽ có được một phưong pháp tu tập trọn vẹn. 

Hỏi: Làm thế nào để mình được trở nên trong sạch? 

Ðáp: Cái đẹp của phát tu này là chánh niệm tự nó sẽ thanh lọc tất cả. Ta không cần phải thiết lập một chương trình nào cho mình, "Tôi sẽ trở nên thanh tịnh", vì nó cũng hơi mâu thuẩn. Ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút này là sự thanh lọc, để ta thấy được rằng không có gì để lấy hay để trở thành, chẳng có gì đặc biệt để làm hay giữ lại; chỉ cần ngồi lại với một sự tỉnh thức. 

Hỏi: Các bậc thánh nhân từ ngàn xưa đến giờ đã bỏ công ra truyền bá, viết sách, chơi nhạc, sáng tạo... Ðó có phải là những sự phô trương của họ hay không? 

Ðáp: Khi bạn đã là vô hình, khi bạn không còn một tham vọng để làm hay đạt được bất cứ một cái gì, thi thật ra bạn có thể làm, hay trở thành, hay có bất cứ một cái gì trên đời này. Thật vậy, nhiều bậc giác ngộ đã diễn tả sự hiểu biết của mình một cách tự khởi, trình bày giáo pháp qua văn chương, nghệ thuật, nhưng họ không làm với một thái độ phô trương hay khoe khoang một điều gì. Nó chỉ là một phần của sự phô bày tự nhiên, tự khởi, phát xuất từ một trực nhận, chứ không phải vì một cái Tôi, cái ngã hay là "coi ta đây". Có rất nhiều vị thầy là các nhà thơ, nhà nghệ sĩ, nhưng những nghệ thuật, sáng tạo ấy, phát xuất từ một sự trống không. 

Hỏi: Có thể nào ta vẫn còn sự ham muốn thực hiện một điều gì, giúp đở người khác, mà không là ích kỷ không? 

Ðáp: Trong môn Ý Nghĩa Học có một vấn đề về việc sử dụng chữ "tham muốn", nó có hai trạng thái. Một là cái muốn của lòng ái dục, của lòng tham bắt giữ một cái gì; hai là cái muốn của sự phát động. Cái muốn của sự phát động có thể bắt nguồn tư một trống không, từ trí tuệ hay từ tình thương. Sự phát động này khác xa với những hành động bắt nguồn từ sự chấp ngã, chấp thủ. Ðức Phật sau khi thành đạo, đã đi giảng dạy trên bốn mươi lăm năm. Ngài đã làm biết bao nhiêu việc, nhưng chẳng có ai ở phía sau những hành động ấy cả. Nó là một sự phô bày tự nhiên của giáo pháp. Và cuộc sống của ta cũng nên phô bày tự nhiên theo một lối riêng của nó, để biểu lộ tác phong và tự tính của ta. Nếu ta có thể hành động, nhưng không với một ý nghĩ "Tôi phải thực hiện điều này để trở thành một nhân vật quan trọng,để được danh tiếng hay giàu có", chỉ để cho nó tự phô bày trong giây phút hiện tại, thì mọi vật đều có thể thực hiện được. Ðây là một cánh cửa rộng lớn để đi vào sự tự do. Nếu chúng ta có thể thoát ra ngoài sự chấp ngã và thành kiến về mình, ta có thể trở nên tự nhiên và dễ cảm nhận đối với hoàn cảnh thay đổi chung quanh. Nhưng nếu ta có bất cứ một hình ảnh nào về mình, về hành động của mình, những ý niệm ấy sẽ trở thành một khăn che mắt, đưa ta vào con đường nhỏ hẹp, giới hạn bởi sự cố chấp, thành kiến về mình, mất đi khả năng ứng phó với hoàn cảnh thay đổi chung quanh ta. Nếu chúng ta biết giữ sự cởi mở và tính cảm nhận, toàn tiến trình sẽ trở thành một sự trao đổi có hòa điệu. Không cần phải tự giới hạn mình trong một khuôn khổ, hình ảnh để làm gì. Giữ sự linh hoạt. Giữ sự cởi mở. 

-ooOoo-

Buổi tối thứ hai mươi sáu 
THẤT GIÁC CHI

Ðức Phật đã diễn tả rất rõ ràng con đường đi đến giải thoát. Con đường này gồm có sự phát triển của bảy tâm hành hay là bảy chi nhánh của sự giác ngộ, còn được gọi là Thất Giác Chi. Khi những tâm hành này được vun trồng, nuôi dưỡng đến mức trưởng thành, ta sẽ được giải thoát ra mọi sự trói buộc, mọi khổ đau. Tất cả những phương pháp tu tập khác nhau, cũng chỉ với mục đích là để phát triển một vài hay tất cả bảy chi nhánh của sự giác ngộ này. 

1.- Chi nhánh giác ngộ đầu tiên là Niệm. Niệm tức là khả năng ghi nhận, ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, không để tâm rơi vào sự quên lãng. Ðức Phật nói rằng ngài không biết có một yếu tố nào hùng mạnh bằng Niệm, vì Niệm có một khả năng vun trồng những tâm thiện và làm suy giảm những tâm bất thiện. Chúng ta không cần làm một việc gì đặc biệt để diệt trừ những tâm xấu và phát huy những tâm tốt, ngoại trừ có ý thức trong giờ phút hiện tại. Chánh niệm tự nó là một năng lực thanh lọc. 

Trong một bài pháp nổi tiếng, đức Phật dạy rằng chính sự tu tập bốn lãnh vực quán niệm (Tứ Niệm Xứ) là con đường duy nhất để đi đến giải thoát. Chánh niệm, tỉnh thức được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong những truyền thống khác nhau. Nhưng vấn đề danh xưng không quan trọng. Chính sự khai triển khả năng tỉnh thức, chánh niệm mới thật sự là con đường giải thoát. 

Có bốn lãnh vực để ta áp dụng chánh niệm: 

a. Lãnh vực đầu tiên là chánh niệm nơi Thân: Hơi thở, cảm giác, những cử động và oai nghi khác nhau. Ý thức và cảm nhận được mọi sự thay đổi của thân thể. 

b. Lãnh vực thứ hai của chánh niệm là Cảm thọ, tức những tính chất dễ chịu, khó chịu hay trung hòa khởi lên trong giây phút của tâm. Mỗi đối tượng đều có một cảm thọ đi kèm theo. Khi những cảm thọ này trội lên hơn hết, khi ta có một cảm giác dễ chịu hay khó chịu mạnh mẽ, chúng trở thành đề mục của thiền quán. Cảm thọ vô cùng quan trọng, vì chúng làm điều kiện cho sự ưa thích của ta. Vì cảm thọ dễ chịu mà ta ham muốn một sự vật gì. Vì cảm thọ khó chịu mà ta tức giận hay có ác cảm đối với một việc gì. Sự áp dụng thứ hai của chánh niệm là ghi nhận những cảm thọ này mỗi khi chúng sanh lên và diệt đi, không ưa thích những gì dể chịu, không ghét bỏ những gì khó chịu. 

c. Lãnh vực thứ ba của chánh niệm là Tâm thức. Ý thức được mọi tâm hành cùng những thức tùy tùng của nó. Khi ta có một sự tức giận, ý thức được tâm nóng giận; khi ta có một sự ái dục, ý thức được tâm ái dục đó, hay là tâm sợ hãi khi nó có mặt. Ý thức được tâm của mình khi nó bị nhuộm màu bởi những yếu tố khác nhau, mà không thương ghét, không phê phán, không đánh giá, không thêm bớt. Cái giận không phải là ta, nó chỉ là một tâm hành đang nhuộm màu tâm thức của ta trong giây phút ấy. Ngồi lại và nhìn sự đến rồi đi của chúng. Với một thái độ quan sát không chọn lựa, ta không còn một tâm hành nào có khả năng chi phối tâm của ta. Chúng chỉ là một màn của một tuồng hát qua đường. Chẳng có gì đáng để ta phải hớn hở hay lo buồn. Chỉ giản dị giữ chánh niệm, tỉnh thức. 

d. Lãnh vực cuối cùng của chánh niệm là Pháp, tức là sự nhận thức chân lý, luật tự nhiên, ba tính chất của hiện hữu và Tứ Diệu Ðế. Thấy được khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường đi đến sự chấm dứt khổ đau. Có chánh niệm về những trí tuệ này khi chúng khởi lên. Chánh niệm về Pháp.

Có nhiều phưong pháp thực hành Vipassana khác nhau, mỗi cách thức chú trọng vào một vài hay tất cả bốn lãnh vực vừa kể. Thực hành theo bất cứ cách nào cũng sẽ đạt được mục đích là đem tâm ta đến một trạng thái sáng suốt, quân bình. Tùy theo tánh khí, kinh nghiệm, tánh tình và điều kiện, mà những phương pháp khác nhau thích hợp cho những hạng người khác nhau. Nhưng ta không nên chấp vào phương pháp, điều quan trọng là phải phát triển chánh niệm. 

2.- Chi thứ hai của giác ngộ là Trạch pháp, hay là khảo sát giáo pháp. Trạch pháp có nghĩa là tìm hiểu, khám phá, phân tách một cách sâu sắc tiến trình của thân tâm, không dùng tư tưởng, không dùng khái niệm, nhưng với một tâm thức yên lặng và an lạc. Sử dụng trực giác và kinh nghiệm, để trực tiếp tìm hiểu coi hoạt động của toàn thể tiến trình xảy ra như thế nào. Ðây cũng là một tên gọi khác của trí tuệ, ánh sáng trong tâm soi sáng tất cả những việc gì đang xảy ra. Khi Trạch pháp được trau dồi, ta sẽ thấy rằng mọi hiện tượng trong tâm và thân ta luôn luôn ở trong một trạng thái chuyển động. Không có gì thưuờng hằng, mọi vật sanh lên và diệt đi liên tục. Cả hai tâm thức và đối tượng của chúng, đến và đi không ngừng nghỉ. Không có một nơi nào để nương tựa, không có chốn nào để ta có thể ẩn náo. Mọi sự đều đang ở trong một trạng thái chuyển hóa không ngừng. Với chi Trạch pháp này, kinh nghiệm về vô thường sẽ phối hợp, ăn sâu vào trong nhận thức của ta. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được, trên một bình diện sâu xa hơn, tâm thức chỉ là một dòng sông trôi chảy của các hiện tượng, tư tưởng, hình ảnh, tình cảm, tánh khí. Thân ta chỉ là một tập hợp của sự rung động cảm giác, không có thể đặt, không có gì để ta giữ lại. Từ những kinh nghiệm về vô thường này phát sinh ra một trực kiến rằng không có gì trong tiến trình thân tâm này là có thể đem lại một hạnh phúc vĩnh cữu hết. Không có một sự thỏa mãn nào là lâu bền. Không có gì là hoàn tất mãi mãi, vì tất cả đều sẽ tiếp tục đi qua. Nó cũng giống như đi tìm hạnh phúc an ổn trong một bong bóng nước. Vừa khi đụng đến là nó vỡ tung. Sự hủy hoại có mặt trong mỗi giây phút. Một bản chất bất an ninh. Cùng với sự vô thường và tính chất bất an, là một nhận thức về vô ngã. Không có một nơi nào trong thân và tâm mà ta có thể tìm được một thực thể nào là thường hằng, để có thể gọi đó là Ta, là ngã. Không có một ai ở phía sau các tiến trình hành động cả. 

"Trong sự thấy chỉ có cái bị thấy; trong sự nghe chỉ có cái bị nghe; trong cảm giác chỉ có cái bị cảm; trong sự suy nghĩ chỉ có cái bị suy nghĩ". Tất cả chỉ là một dòng sông trôi chảy của tiến trình. Sự thấy, sự nghe, sự ngữi, sự nếm, sự đụng chạm và sự suy nghĩ. Toàn thể vũ trụ của ta chỉ thu gồm trong sáu tiến trình này. Những hiện tượng rỗng không tiếp tục trôi lăn. Không có Tôi, không có ngã. Các đặc tính đó được trực nghiệm trên một bình diện thâm sâu, khi chi Trạch pháp được phát triển. Nó là trí tuệ soi sáng tâm thức của ta. 

Một trong những trợ lực bên ngoài cho sự khai triển trí tuệ là yếu tố Tịnh, hay là sự sạch sẽ của thân thể, của quần áo, của ngoại cảnh. Thí dụ như một ngọn đèn dầu. Nếu lồng kiếng, tim đèn, dầu, tất cả đền dơ bẩn, ánh sáng tỏa từ ngọn đèn không được sáng tỏ cho lắm. Còn nếu như kiếng trong trẻo, tim và dầu đều sạch thì ánh sáng sẽ rất là tỏ, và ta có thể thấy mọi vật dễ dàng. 

3.- Chi thứ ba của giác ngộ là Tinh tấn. Không có một việc gì thành công mà không có một cố gắng. Nếu chúng ta muốn đạt được bất cứ một điều gì trên cuộc đời, tiền bạc hay là một năng khiếu nào đó, ít nhất ta phải bỏ ra một chút nỗ lực. Những gì chúng ta đang làm nơi đây là vun trồng một lợi ích cao thượng. Ta phải biết nỗ lực, tinh tấn. Ðức Phật chỉ là người chỉ đường, mỗi chúng ta phải tự mình đi. Không có ai có thể giác ngộ dùm một kẻ khác được. Tham, sân, si hiện hữu trong tâm của ta. Không có ai đem nó vào. Không có ai có thể lấy nó ra. Chúng ta phải tự thanh lọc. Mỗi người chúng ta phải tự nỗ lực để đi trên con đường thanh tịnh. Tinh tấn là một yếu tố rất mãnh liệt, khi được trau dồi và phát triển nó có thể loại trừ được những hôn trầm, lười biếng, dã dượi trong tâm. Khi gặp phải những khó khăn, trở ngại trên đường, nỗ lực tinh tấn sẽ nâng cao tinh thần. Ðây là một trợ lực quan trọng, một phần ắt có của con đường đi đến giải thoát. 

4.- Chi thứ tư của giác ngộ là Phỉ. Phỉ có nghĩa là sự đam mê vào một đối tượng. Nó được diễn tả như là một niềm vui hớn hở. Một niềm vui thú ham thích chuyện đang xảy ra trước mặt. Ví dụ như có người đi lạc nhiều ngày trong sa mạc, nóng bức và mệt mỏi, dơ và khát. Cách đó không xa, anh thấy một hồ nước trong vắt. Tâm của anh lúc đó chỉ biết hồ nước trước mặt, niềm sung sướng của anh bây giờ cũng tương tự như là chi giác ngộ Phỉ lạc. Phỉ lạc là khoảng không gian thênh thanh trong tâm, vì không cố chấp, bám víu hay nắm chặt vào sự vật. 

Một phương cách để trau dồi yếu tố này là quán tưởng về mười sự hoàn toàn trong sự giác ngộ của đức Phật. Sự hoàn toàn trong việc bố thí. Bố thí vì muốn làm vơi đi khổ đau của mọi loài. Ðức Phật không hề dừng lại để thắc mắc, người này đáng được cho, còn người kia thì không. Lòng độ lượng vô bờ bến. Sự hoàn toàn trong việc giữ giới. Không làm hại một sinh vật nào. Từ bỏ. tinh tấn. Trí tuệ. Kiên trì, luôn luôn gìn giữ. Kiên nhẫn là một đức tinh rất quí trên con đường tu tập. Lòng từ bi. Sự bình an. Ðức cương quyết. Lòng chân thật. Những đúc tánh này đem lại sự hoàn toàn cho sự giác ngộ của đức Phật. Chúng ta có thể làm yếu tố Phỉ lạc phát huy trong ta bằng cách quán tưởng về đức Phật và ý thức rằng ta cũng đang vun trồng những dức tánh ấy. Trong mỗi hành động bố thí, trong mỗi sự kiên nhẫn hay chân thật và những đức khác, chúng ta đang cùng chia xẻ sự hoàn toàn của một Phật tánh. Quán tưởng về những việc làm tốt và sự tu tập của mình, sẽ đem lại một niềm vui. Suy nghĩ về giáo pháp: Tứ Diệu Ðế, Vô thường, Vô ngã - những chân lý cho mọi thời, mọi người. Quán tưởng về sự chân thật của giáo pháp, qua chính kinh nghiêm của mình, và tính chất "hãy thử rồi sẽ thấy" hơn là "bạn phải tin" của đạo Phật. Sự tán dưong chân lý mang lại cho ta một niềm vui lớn và phát huy sự Phỉ lạc trong tâm. Niềm hạnh phúc siêu diệu khi đi vào chân lý sẽ đem lại cho ta một tâm vô cùng thanh nhẹ. 

5.- Chi thứ năm của giác ngộ là An tĩnh. Một thí dụ về sự an tĩnh này là giống như một người đang đi đường mệt lả, dừng chân lại dưới một tàng bóng mát mẻ dưới một gốc cây. Cảm giác tươi mát, dễ chịu của người đó giống như là yếu tố An tĩnh. Khi mọi tham dục đã không còn, tâm ta sẽ trở lại tươi mát vì không còn bị lửa sân hận, ái dục thiêu đốt. 

6.- Chi thứ sáu của giác ngộ là Ðịnh. Ðịnh có nghĩa là khả năng tập trung tư tưởng lại vào một điểm duy nhất, giữ tâm yên ở đó mà không bị xao động. Một tâm không có định thì rất là nông cạn, nó sẽ lang thang từ một đối tượng này sang đối tượng khác. Ðịnh đem một sức mạnh và khả năng quán chiếu lại cho tâm. Có hai loại định. Loại thứ nhất được tập luyện bằng cách đặt tâm mình vào một điểm, và phát triển cho đến mức nó thấm sâu vào trong đề mục ấy. Loại định này là căn bản cho một số thần thông. Còn loại định thứ hai, được phát triển trong thiền quán, được gọi là định nhất thời. Loại định này tập trung tâm ý vào nhiều đối tượng khác nhau. cũng chính loại định thứ hai này, phối hợp với những yếu tố giác ngộ khác, đưa ta đến sự giải thoát. 

7.- Chi cuối cùng của sự giác ngộ là Xả. Xả có nghĩa là một tâm không thiên vị. Khi mọi việc suông sẻ, không có sự hân hoan quá trớn. Khi gặp khó khăn, trở ngại, không buồn nản hay thất vọng. Xả có nghĩa là không thiên vị đối với bất cứ một hiện tượng nào, coi mọi sự việc bình đẳng như nhau. Một thí dụ về yếu tố Xả là ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất. Mặt trời không hề chọn lựa chiếu soi một nơi này mà từ chối một nơi khác. Nó chiếu tỏa ánh nắng một cách bình đẳng đến mọi vật. Yếu tố Xả tức là chấp nhận và tiếp đải mọi vật như nhau. Một phưong pháp để trau dồi yếu tố Xả, nhất là trong việc đối xử với kẻ khác, là nhớ rằng chúng ta chỉ là người thừa tự những nghiệp quả của mình. Thế cho nên khi gặp người đang hạnh phúc, ta có thể chung vui với họ trong một tâm Xả, vì hiểu rằng, họ dang hưởng những quả trái của kiếp trước. Hoặc khi thấy người đang bị khổ đau, ta có thể khởi lòng từ bi, làm vơi đi nỗi khổ của họ, nhưng với một tâm không động, vì hiểu rằng đây chỉ là sự bù trừ của luật nhân quả. Nhưng tâm Xả không phải là một sự lãnh đạm, thờ ơ, mà là một sự quân bình của tâm. Trong thiền quán, khi tâm ta đạt đến một trình độ có thể ý thức được tiến trình biến đổi một cách thật chi tiết và chính xác, yếu tố Xả giữ cho mọi sự được quân bình, an tĩnh. 

Có bảy chi nhánh của giác ngộ mà ta cần phải khai triển trong con đường tu tập. Ba chi thuộc về những yếu tố làm phát khởi, và ba chi thuộc về những yếu tố làm an tâm. Trí tuệ, tinh tấn và Phỉ lạc làm khích động tâm, khiến cho nó được tỉnh thức và mẫn tiệp. An tĩnh, Ðịnh và Xả làm cho tâm trở nên yên ổn, lặng lẻ. Những yếu tố ấy phải hoàn toàn hòa hợp với nhau: nếu có nhiều sự khích động quá ta sẽ trở nên bồn chồn, còn nhiều sự an tĩnh quá ta lại trở nên hôn trầm. Yếu tố Niệm thật vô cùng quan trọng, vì nó chẳng những hỗ trợ cho những yếu tố giác ngộ khác mà còn giữ cho chúng ở trong một sự hòa hợp, quân bình. 

Sự tiến hoá của tâm trong đoạn đường này có thể đem lại cho ta một niềm khích lệ và phấn khởi vô biên. Hãy tưởng tượng một tâm khi đã được khai triển đầy đủ những yếu tố Niệm, Trí tuệ, Tinh tấn, Phỉ lạc, An tĩnh, Ðịnh và Xả. Tâm ấy sẽ chói sáng và tràn đầy hạnh phúc. Ðó là những gì mà chúng ta đang tu tập ở đây. Những chi nhánh của giác ngộ không những chỉ mang lại hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, mà còn xuôi hướng về Niết bàn, về giác ngộ, về giải thoát. 

Ngày qua ngày, đôi khi chúng ta dễ quên đi lý do vì sao mình lại ngồi đối diện với những sự bức rức, đau đớn, nhức mỏi, lo ra. Nhưng những gì đang xảy ra mà ta không nhận thấy được - một cách chắc chắn, đều đặn và tấn tới - là sự phát triển của những chi nhánh giác ngộ này. Ðây là một công trình vĩ đại. Ðây là một tiến hóa cao tột nhất của tâm. 

Hỏi: Giác ngộ đến một cách dần dần (tiệm ngộ) hay xảy ra trong chớp nhoáng (đốn ngộ). 

Ðáp: Cả hai. Giác ngộ lúc nào cũng là chớp nhoáng, theo nghĩa nó là một trực nhận của trí tuệ. Ðây không phải là chuyện mà ta có thể suy nghĩ ra được. Nó phát xuất từ một tâm, im lặng, một trực kiến, bất ngờ, một sự hiểu biết không thể nghĩ bàn. Nhung trực giác ấy không phải xảy ra một cách ngẩu nhiên. Trong tâm phải đạt đến một sự quân bình đáng kể nào đó, thì sự giác ngộ này mới có thể xảy ra. 

Hỏi: Và khi một người có được một sự hiểu biết nào đó, họ có hành động theo trí tuệ ấy không. Dường như bây giờ tôi có được một chút nào hiểu biết, nhưng tôi thấy mình không làm đúng theo nó. 

Ðáp: Chỉ cần sự thật là bạn có chánh niệm hơn một chút là cũng đã thay đổi hành động của bạn rồi. Chánh niệm rất có hiệu lực. Một khi bạn đã thử tập ngồi nhìn những sự việc xảy ra, bạn sẽ khó mà có thể bị lôi cuốn vào những phản ứng như khi xưa, mặc dù hoàn cảnh cũng giống hệt như vậy. Cũng giống như có một tiếng nói trong bạn: "Mình đang làm gì thế?" Một chút chánh niệm tu tập ấy sẽ trở thành một năng lực mãnh liệt. Và dần dần, sự hiểu biết sẽ phối hợp vào với hành đông của ta một cách trọn vẹn hơn. 

Hỏi: Tôi có một thắc mắc về sự vô thường của hạnh phúc. Tôi biết có những người yêu Thượng đế một cách mãnh liệt và dường như họ lúc nào cũng phát ra một nguồn an lạc, hạnh phúc cả? 

Ðáp: Ðiều này có thể hiểu bằng hai cách: thứ nhất, mọi trạng thái đều vô thường trong nhất thời; có nghĩa là, hạnh phúc không thể thường hằng trong tâm, vì tâm tự nó sanh diệt trong mỗi giây phút. Trên căn bản đó, giây phút của tâm thức, thì nó là vô thường. Không có gì là thường hằng, không có gì là bất động. Theo cách hiểu thứ nhì, thì những người yêu thượng đế, họ muốn trở về với thượng đế, ý thức được thượng đế qua một phương pháp thiền định. Họ có thể hưởng được một hạnh phúc lâu dài. Mặc dù nó ở trong một tiến trình thay đổi, nhưng những trạng thái ấy liên tục nhau. Cũng vậy, trạng thái ấy tuy dài lâu nhưng vẫn là vô thường. Khi mà điều kiện thương yêu thượng đế vẫn còn đó, và khi mà định lực vẫn còn đầy đủ, nó sẽ sinh ra quả hạnh phúc. Nhưng khi có một sự mê mờ nào khởi lên trong tâm, mà hạnh phúc được duy trì là nhờ có định lực thì tâm ta lại trở nên mờ mịt vì những tham, sân, si. Ðịnh lực có khả năng đè nén những tâm bất thiện, khi nào định lực còn đầy đủ, mọi vật sẽ an vui, hạnh phúc. Ðến chừng khi định lực bị suy chuyển, những tâm bất thiện bị dồn nén sẽ trở lại hoạt động như xưa. Bởi vậy cho nên điều quan trọng là ta phải biết dùng trí tuệ để nhổ tận gốc rễ của khổ đau, để chúng không còn khả năng khởi lên được nữa. 

Hỏi: Ðức Phật là một đấng đại từ, đại bi, thế tại sao ngài không ở lại cuộc đời mà giúp chúng sanh? 

Ðáp: Ðức Phật là một hóa thân của giáo pháp. Ngài không phải là một cái gì đứng bên ngoài sự chi phối của luật tự nhiên. Ðã có sanh ra thì sẽ có bệnh và có chết. Cho dù bạn có giác ngộ hay không giác ngộ, đây là một phần của luật tự nhiên. Nhưng chân lý thì bất biến, khi đã học được con đường của sự hiểu biết, chúng ta không cần phải dựa vào bất cứ ai khác, ngoại trừ mình. 

Hỏi: Tôi để ý rằng tình thương không phải là một chi nhánh của sự giác ngộ. Nếu ta trở nên quá khô khan, lạnh lùng, điều ấy có nguy hiểm không? 

Ðáp: Việc quan trọng là ta phải hiểu những ý nghĩa khác nhau của tình thương. Loại thứ nhất là loại mà ta đã nói tới, tình thương có tính cách trao đổi. Chúng ta thương nhưng muốn phải có một cái gì để đáp lại. Loại thứ hai là lòng mong muốn mọi người đều được hạnh phúc, một tình thương vô bờ bến. Ðây là một loại tình thương không có giới hạn, vô điều kiện. Nhưng nó vẫn còn sử dụng khái niệm, như là đàn ông, đàn bà, chúng sanh. Những ý niệm này không phải là những sự thật tuyệt đối. Con người thật của chúng ta chỉ là một tập hợp của những yếu tố theo nhau sanh và diệt trong từng giây phút. Có một loại tình thương thứ ba cao thượng hơn cả loại tình thương vô điều kiện. Tình thương này là một sự hoà hợp tự nhiên, phát sinh từ sự phá bỏ những biên giới tạo nên bởi ý niệm về một tự thể riêng biệt. Không có "Tôi", không có "người khác". Tình thương này sanh ra nhờ trí tuệ, và trên bình diện này thì "tình thương" và "rỗng không" đều cùng một ý nghĩa như nhau. Không hề có một ý niệm "Tôi đang thương". Hoàn toàn không bị chi phối bởi ý niệm về Ngã, về một cái Tôi. Khi bạn đạt đến loại tình thương cao tột nhất này, thì bạn cũng sẽ biểu lộ được những loại tình thương kia. Hãy nhìn chung quanh, quan sát những vị thầy mà bạn kính phục. Các ngài cũng đầy tình thương vá ánh sáng, nhưng không hề có một ý nghĩ là họ phải làm như vậy. Nó là một biểu lộ tự nhiên của giáo pháp. 

-ooOoo-

Buổi tối thứ hai mươi chín 
CON ÐƯỜNG CỦA PHẬT

Ðức Phật không có dạy chủ nghĩa Phật giáo. Ngài dạy giáo pháp (Dharma), hay là luật. Ngài không hề dạy tín ngưỡng hay là giáo điều độc đoán, hay là một hệ thống nào bắt buộc người ta phải tin theo. Qua sự giác ngộ của ngài, đức Phật chỉ cho ta con đường, để chúng ta có thể kinh nghiệm được chân lý bên trong mỗi người chúng ta. Trong khoảng thời gian bốn mươi lăm năm hoằng pháp, ngài đã dùng rất nhiều văn tự, ý niệm khác nhau để chỉ cho ta chân lý. Nhưng những văn tự, ý niệm ấy, tự nó không phải là chân lý; chúng chỉ là ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng. Trong thời đức Phật, nhờ ở trí tuệ và tài giảng thuyết của ngài, không có mấy ai bị lầm lẫn giữa ý niệm và kinh nghiệm. Họ nghe những gì đức Phật muốn nói, quay vào bên trong và kinh nghiệm sự thật ở nơi chính thân tâm của mình. 

Sau một thời gian người ta bắt đầu bớt đi thực hành, họ bắt đầu lẫn lộn lý thuyết với lại kinh nghiệm. Có nhiều trường phái khác nhau xuất hiện, tranh luận nhau về lý thuyết, khái niệm. Ðiều này cũng giống như vì muốn để cho người khác thấy mặt trăng, ta dùng ngón tay để chỉ. Nhìn ngón tay mà quên đi mặt trăng là đã quên đi mục đích của nó. Chúng ta không nên lầm ngón tay với lại mặt trăng, đừng nhầm lẫn văn tự, lý thuyết với lại một kinh nghiệm thực chứng. 

Khi giáo pháp được truyền sang Trung Hoa, nó được phát triển theo một đường hướng đặc biệt. Phật giáo được pha thêm Lão giáo. Một trong những người có ảnh hưởng nhiều nhất vào đường lối và truyền thống của trường phái thiền Ch'an (Zen) là lục tổ Huệ Năng. Trong thiền sử có viết, mặc dù ngài vô học, không biết dọc, nhưng tâm ngài trong sạch và thẳm thấu đến mức chỉ nghe một lời tụng trong kinh Kim Cang, là ngài đã giác ngộ. Thường thì người ta phải đọc những lời trong kinh Kim Cang cho ngài nghe, để nhờ ngài giảng nghĩa lý thâm diệu của nó. 

Ngài có giảng cho nghe về ý nghĩa của các trường phái, những cổ xe (thừa) khác nhau trong Phật giáo: 

Ðức Phật giảng dạy giáo lý của ba thừa (cổ xe) và tối thượng thừa. Muốn hiểu được việc này, các ông hãy tỉnh tâm lại và đừng chấp vào hình tướng hay hiện tượng. Sự khác biệt của bốn thừa này không hề có ở trong giáo lý của đức Phật, nhưng chỉ ở trong tâm phân biệt của con người. Nghe, đọc, tụng kinh sách là Tiểu thừa. Học và hiểu được giáo pháp là Trung thừa. Ðem giáo pháp ra để thực hành là Ðại thừa. Thông suốt được giáo pháp, thâm nhập nó hoàn toàn, xa lìa mọi chấp nhứt và không nắm giữ một việc gì, là Tối thượng thừa. 

Trong mọi truyền thống Phật giáo, cho dù ở Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Trung Hoa, Nhật Bổn, Tây Tạng hay Hoa kỳ, có những hạng người chấp vào văn tự, đọc tụng kinh điển. Ðó chính là tiểu thừa. Khi ta chuyển lý thuyết ra thành hành động, trực tiếp kinh nghiệm giáo pháp, chúng ta lần lần tiến lên những thừa cao hơn. Cho đến khi ta không còn bám víu vào đâu nữa, không còn trụ chấp vào một nơi nào, hoàn toàn sống trong đạo pháp trong mỗi giây phút. Ðây mới là con đường tối thượng thừa của giáo pháp, một sự thực hành trọn vẹn. Nó không nằm trong truyền thống nào hết. Nó tùy thuộc vào sự hiểu biết tiến hóa của mỗi người. 

Khi giáo pháp được biểu lộ qua những giai đoạn khác nhau, trong lịch sử đã có nhiều vị thiền sư sử dụng những phương thức thiện xảo để hướng dẫn người ta quay trở vào trong, kinh nghiệm giáo pháp ngay chính nơi tâm mình. Có những danh từ thông dụng, nhưng sau một thời gian bị trở thành một chướng ngại, một ý niệm, được các ngài sử dụng theo một lối mới để tỉnh thức con người, bắt họ phải quay lại nhìn vào thực tại. 

Thí dụ như danh từ "Phật", đã được sử dụng trong nhiều truyền thống đối với những khái niệm khác nhau. Trước hết, Phật dùng để chỉ một nhân vật lịch sử, Sĩ Ðạt Ta Cồ Ðàm, đã giác ngộ. Nhưng danh từ ấy cũng được dùng để chỉ một tâm không còn điều bất thiện: Phật tâm, Phật tánh, Tâm không còn bị ảnh hưởng bởi tham, sân và si. 

Trong vòng 300 năm sau khi đức Phật nhập diệt, không hề có hình Phật hay tượng Phật. Thực hành giáo pháp tức là hình ảnh của Phật, không cần phải biểu hiện nó ra bên ngoài. Nhưng theo thời gian, truyền thống này bị mất, con người bắt đầu đem đức Phật ra bên ngoài tâm mình, hình tướng hóa nó trong giới hạn không gian và thời gian. Khi ý niệm bị hình tướng hóa, hình tượng được dựng nên, các bậc thầy lại bắt đầu nhấn mạnh lại ý nghĩa ban đầu của chữ Phật. Có vị khuyên "phùng Phật sát Phật". Có nghĩa là gặp Phật thì hãy giết ngài đi. Câu này làm rúng động những ai quen dùng nhang đèn thờ lạy Phật. Nếu bạn có một hình ảnh nào về tâm Phật ở bên ngoài bạn, hãy tiêu diệt nó, buông bỏ nó đi. Ðã có một cuộc tranh luận kịch liệt về việc giác ngộ, thấy Phật tánh, trở thành Phật trong kiếp hiện tại, một luồng sinh khí mới đã được thổi vào sự thực hành. 

Ðức Phật Cồ Ðàm đã liên tục nhắc nhở chúng ta rằng, muốn kinh nghiệm được chân lý phải biết quay vào bên trong tâm mình. Có câu chuyện về một vị đệ tử say mê vẻ đẹp của thân đức Phật, tương truyền đức Phật có một vẻ đẹp trọn vẹn về cả thân lẫn tâm, ông ta cứ tìm dịp để được ngồi cạnh nhìn ngắm những tướng tốt trang nghiêm của ngài. Sau một thời gian, đức Phật quở trách ông. Ngài nói rằng, ông ta có thể nhìn ngắm chân dung của đức Phật một trăm năm mà cũng sẽ không thể nào thấy được Phật. Ai thấy được giáo pháp sẽ thấy được Phật. Ðức Phật nằm ở bên trong ta. Nó có nghĩa là kinh nghiệm được chân lý. Luôn luôn lúc nào cũng phải trở về với hiện tại, kinh nghiệm được ngay giờ phút này. 

Tổ Huệ Năng có nói: 

Chúng ta nên đi tìm Phật ở trong cốt tủy của tâm. Không nên phí công tìm ở bên ngoài mình. Kẻ nào không biết gì về tự tánh của tâm mình là chúng sanh. Còn ai thấy được tự tánh ấy, người đó là Phật. 

Phật ở đây không phải là một nhân vật lịch sử, nhưng là sự tự do không còn bị chi phối bởi những sự bất thiện, một tâm hoàn toàn thanh tịnh. Ðó là đức Phật mà tất cả chúng ta đều phải trở thành. 

Một quan niệm khác, thường bị hiểu lầm là phân biệt những truyền thống với nhau, là quan niệm về Bồ Tát. Danh từ "Bồ Tát" có hai nghĩa. Theo một nghĩa chuyên môn, nó dùng để chỉ một người phát nguyện sẽ giác ngộ, như là Sĩ Ðạt Ta và cuộc hành trình tiến hóa của ngài cho đến khi đắc quả Phật. Nhưng danh từ Bồ Tát cũng có một nghĩa khác, dùng để chỉ biểu tượng cho những đức tính trong sạch của tâm. Trong truyền thống Mahayana và Tây tạng, có cả một hệ thống bồ tát, mỗi vị tượng trung cho một đức tánh của tâm. Văn Thù là bồ tát của trí tuệ. Quán Thế Âm là bồ tát của đức từ bi. Những biểu tượng cho các đức tánh thiện trong tâm. Trong mỗi giây phút của trí tuệ, ta trở thành bồ tát Văn Thù, trong những giây phút của từ bi ta là đức bồ tát Quán Thế Âm. Nếu chúng ta hiểu danh từ Bồ tát theo nghĩa này, Bồ tát nguyện sẽ có một ý nghĩa bao la hơn. 

Trên một phương diện, nó là lời nguyện dâng hiến thân này cho sự giác ngộ, giải thoát. Tương truyền rằng Sĩ Ðạt Ta trong một tiền kiếp, thời của một đức Phật khác, ngài có đủ khả năng giác ngộ, nhưng vì quá cảm phục sự hiện diện của đức Phật ấy, quá thương xót mọi loài đang còn bị đau khổ, nên ngài quyết định dời lại sự giác ngộ của mình vào một kiếp khác, để có thời gian đào luyện một sự hoàn toàn cho Phật tánh của mình. Mặc dù tâm tự tại của bồ tát và Phật đều bình đẳng như nhau, nhưng năng lực và chiều sâu của lòng từ bi và trí tuệ của Phật có phần hơn, vì sự tiến hóa lâu dài của các ngài. 

Một ý nghĩa khác về Bồ tát được lục tổ Huệ Năng diễn tả rõ ràng như sau: 

Chúng ta nguyện sẽ giải thoát vô lượng chúng sinh. Câu ấy có nghĩa gì chứ? Nó không có nghĩa là tôi, Huệ Năng, sẽ độ cho những chúng sanh ấy. Và những chúng sanh này là ai? Chúng chính là những ý nghĩ si mê, giả dối, gian ác, bất thiện trong tâm ta. Chúng là những chúng sinh đang cần được độ. Mỗi người chúng ta phải tự độ lấy mình bằng cách thấy được tự tánh của tâm. 

Lời nguyện độ vô lượng chúng sinh, có thể được hiểu như là hành động giải thoát cho những sinh linh bên trong tâm ta, như là tâm sân hận, tâm si mê, tâm tham lam, tâm ái dục. Mỗi tâm là một chúng sinh, sanh lên rồi diệt đi. Và ta nguyện sẽ giải thoát hết tất cả những chúng sinh này, giải thoát tâm ta ra khỏi mọi sự bất thiện và không trong sạch. 

Thêm một quan niệm khác biệt giữa những trường phái với nhau là quan niệm về Niết bàn (Nivrana) và Vô minh (Samsara). Có trường phái cho rằng Niết bàn là một cái gì nằm bên ngoài tiến trình của thân tâm; có trường phái cho rằng Niết bàn và Vô minh chỉ là một. Làm sao ta có thể dung hợp hai quan niệm hoàn toàn trái ngược nhau như thế? Một cách để hiểu là bạn hãy tưởng tượng đến một trận bảo cuồng phong, gió xoay vần với một tốc độ khủng khiếp. Ở trung tâm của trận cuồng phong này, là một khoảng không gian yên lặng, an tĩnh, "con mắt" của trận bảo. Ðứng trên một phưong diện, thì con mắt của trận bảo hoàn toàn khác biệt với ngọn cuồng phong chung quanh. Mọi vật yên tĩnh, lặng lẽ so với cơn gió lốc đang quay cuồng. Nhưng nếu nhìn từ một phưong diện khác, thì ta có thể thấy "con mắt" và ngọn cuồng phong chỉ là một, chúng chỉ là những phần khác nhau của nột cơn bảo. Tương tự như vậy, xét theo phương diện thì Vô minh và Niết bàn hoàn toàn khác biệt nhau. Một bên là sự thay đổi, biến chuyển liên tục, còn một bên là yên lặng, an tĩnh. Xét theo một phưong diện khác, thì cả hai hợp lại với nhau thành một sự đồng nhất, theo nghĩa đó thì chúng chỉ là một. Khi ta kinh nghiệm được giáo pháp thì những danh từ sẽ trở nên hết sức rõ ràng. Còn khi nào chúng ta vẫn còn dựa trên một bình diện của lý thuyết, của khái niệm, thì những danh từ dùng bởi những trường phái khác nhau, có vẻ như chỉ về những chân lý khác nhau. Thật ra chúng chỉ là những ngón tay khác nhau, cùng trỏ về một mặt trăng. 

Có một đoạn văn trích từ trong một quyển kinh của Mật tông Tây Tạng, diễn tả về tâm như là một ngón tay chỉ mặt trăng. Hãy cố gắng kinh nghiệm những lời này thay vì dùng tư tưởng mà suy nghĩ suông: 

Thật ra không có vấn đề thị phi, Ða nguyên luận là sai với sự thật. Cho đến khi sự thị phi được chuyển hóa và sự bất nhị được ý thức, giác ngộ sẽ không thể nào đạt đến. Cả Vô minh và Niết bàn chỉ là một thực thể đồng nhất không phân cách, là tâm của ta. Chấp vào những tin tưởng của trần gian, mà mình có hoàn toàn tự do để chấp nhận hay bác bỏ, ta lang thang trong cõi Vô minh. Thế cho nên, tu tập giáo pháp, tự do ra khỏi mọi dính mắc, nắm được cốt tủy của bài học này. 

Mặc dù nhất tâm ở đó, nhưng nó không hề hiện hữu. Khi một người đi tìm cái tâm chân thật của mình, họ sẽ khám phá ra rằng nó vô cùng siêu diệu, mặc dù vô hình tướng. Tự tánh của tâm là không che đậy, thanh tịnh, không có cấu tạo, vắng lặng, trong suốt, trống rỗng, bất nhị, bất tận, nguyên chất, không màu sắc, không ngăn ngại, không thể nào được hiểu như là một vật riêng biệt mà là sự đồng nhất của tất cả mọi vật, nhưng không phải được tạo nên bởi những vật khác, nó vượt lên trên tất cả mọi phân biệt. 

Nhất tâm vô cùng vắng lặng và không có một nền móng nào hết, tâm của ta cũng trống rỗng như một bầu trời. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. Hiện hữu chỉ là một dòng sông của sự bất thường cũng giống như không khí trong bầu trời, hình tướng của sự vật chẳng có một khả năng quyến rủ hay trói buộc. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. Mọi hình tướng chỉ là ý niệm của mình, sự tự tưởng tượng của mình, cũng giống như những hình bóng trong gương. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. Chúng tự khởi lên và tự do như mây trên trời, mọi hình tướng bên ngoài sẽ dần dần phai mờ đi và trở về nơi xưa, chốn cũ của chúng. Muốn biết được việc này có thật hay không, hãy nhìn vào tâm mình. 

Giáo pháp, chẳng hề giữ lại trong tâm, không có một nơi nào để quán chiếu, trừ ra tâm mình. Giáo pháp, chẳng hề giữ lại trong tâm, không có một sự thật nào để giữ một lời nguyện. Giáo pháp, chẳng hề giữ lại trong tâm, không có giáo pháp ở một nơi nào hết, để có thể dựa vào đó mà đi đến giác ngộ. 

Tâm của ta trong suốt, không có một đặc tính nào. Vì trống rỗng nên nó được ví với lại một bầu trời không mây. Một tâm đạt được sự bất nhị đem đến sự giải thoát. Ta cứ nhắc đi, nhắc lại một điều, hãy nhìn vào trong tâm mình. 

Khi giáo pháp được hiểu một cách thông suốt và sâu xa, ta sẽ thấy rõ rằng mọi phương tiện dẫn đến giải thoát đều giống như nhau. Tất cả chỉ khuyên ta nên tu tập một tâm không chấp hay trụ vào bất cứ một việc gì. Không thiên vị. Không phân biệt. Không phê bình. Không bám víu. Không ghét bỏ. Phương pháp tu tập chỉ là một, cho dù nó phát xuất từ nơi lục tổ Huệ Năng ở Trung Hoa hay từ Sĩ Ðạt Ta Cồ Ðàm ở Ấn Ðộ. 

Tipola, một vị thánh Ấn Ðộ và là người thừa kế trong dòng thiền Mật Tông Tây Tạng, cũng dạy một pháp tu tâm y hệt, gọi là Ðại Thủ Ấn (Mahamudra), cho đệ tử mình là Naropa. 

Ðại Thủ Ấn vượt ra ngoài mọi văn tự và hình tướng, nhưng vì ngươi Naropa, siêng năng và trung thành, ta sẽ dạy cho. Sự vắng lặng không cần một tin cậy nào. Ðại Thủ Ấn dựa trên sự rỗng không. Không cần một nỗ lực, chỉ giữ cho mình được thư thái và tự nhiên, ta sẽ bẻ gãy được ách nặng, đạt được sự giác ngộ. Nếu sử dụng tâm, ngươi hãy quán chiếu tâm ấy, tiêu trừ mọi sự phân biệt và đi đến quả Phật. 

Những đám mây lang thang trên bầu trời không có gốc rễ, không có nguồn cội, cũng giống như những tư tưởng trôi nổi trong tâm ta. Khi thấy được tự tánh, sự phân biệt sẽ chấm dứt. 

Trong không gian, có hình tướng và màu sắc, nhưng không gian không bị nhuộm màu trắng hay đen. Từ nơi tự tánh mà vạn vật khởi sinh. Bản chất của tâm không hề bị ô nhiểm. 

Ðừng làm gì thân ta cả, hãy thoải mái. Ngậm câm miệng lại mà giữ im lặng. Làm cho tâm vắng lặng và đừng suy nghĩ gì nữa. Giống như một cây tre rỗng không, hãy để cho thân được nghỉ ngơi. Không cho, không nhận, giữ cho tâm yên nghỉ. Ðại Thủ Ấn cũng giống như một tâm không bám víu vào nơi nào. Cứ như vậy mà thực hành rồi một ngày, ngươi sẽ đắc được quả bồ đề. 

Kẻ nào bỏ được tham dục và không còn bám víu vào chỗ này hay chỗ kia, sẽ nhận thức được ý nghĩa chân thật của lời kinh. 

Vào lúc mới đầu, người hành giả sẽ cảm thấy tâm mình chảy ào ạt như một ngọn thác; vào khoảng giữa nó giống như sông Hằng, chảy lặng lờ, chậm chạp. Vào đoạn cuối nó trở thành một đại dương bao la, nơi mà ánh sáng của Con và Mẹ nhập lại lành Một. 

"Kẻ nào bỏ được tham dục và không còn bám víu vào chỗ này hay chỗ kia, sẽ nhận thức được ý nghĩa chân thật của lời kinh". "Phát triển một tâm không trụ vào đâu cả". Buông bỏ mọi bám víu, buông bỏ những quyến luyến là con đường đi đến giải thoát. 

Truyền thống thiền phát triển ở Nhật Bản, từ dòng thiền Huệ Năng và các tổ khác, đã sản xuất ra những áng văn chương tuyệt mỹ, thường thì rất là dí dỏm. Một câu chuyện thí dụ về sự buông bỏ và không bám víu được diễn tả theo một lối Zen như sau: 

Có một ông giáo sư đại học đến thăm một vị thiền sư. Ông ta cứ mãi mê nói về thiền. vị thầy rót trà ra mời, đổ đầy chén, nhưng cứ tiếp tục rót mãi. Ông giáo sư thấy thế, bảo vị thầy ngưng rót vì chén đã quá đầy, không còn chỗ để chứa thêm nữa. Vị thầy đáp: "Cũng giống như chén trà ấy, đầu ông bây giờ đã đầy ấp những quan niệm và thành kiến, không còn chỗ cho những cái mới nữa. Nếu muốn kinh nghiệm được chân lý, ông phải biết làn cạn chén trà của mình đi trước đã". 

Nếu chúng ta cứ mãi mê chấp vào quan niệm và thành kiến của mình, ta sẽ không thể nào kinh nghiệm được sự thật. "Không cần phải đi tìm chân lý. Chỉ cần thôi nâng niu những ý kiến của mình". Bằng sự buông bỏ những thành kiến, với tâm vắng lặng ấy, cả giáo pháp sẽ hiển bày. Mỗi người trong chúng ta phải làm cạn chén trà của mình, khiến cho tâm ta không còn vướng mắc vào những ý niệm hay tín ngưỡng. 

Mỗi biểu hiện của giáo pháp có một vẻ đẹp và sự sáng tỏ khác nhau. Chúng ta rất may mắn không sanh ra trong một nền văn hóa bị ảnh hưởng bởi một truyền thống nào duy nhất, nếu chúng ta biết thật sự cởi mở để lắng nghe và cảm nhận được tất cả. Chúng đều cũng chỉ về một chân lý, là trực tiếp kinh nghiệm được giáo pháp ở trong mỗi chúng ta. 

Ðức Phật có khuyên:

"Ðừng tin một điều gì vì các ông nghe người khác kể lại, vì truyền thống hay vì các ông tưởng tượng ra. Ðừng tin những điều gì các bậc thầy nói, chỉ vì sự kính trọng của các ông đối với những người ấy. Nhưng chỉ tin khi nào chính các ông đã thí nghiệm kỹ lưỡng và thấy rằng nó dẫn đến hạnh phúc, an lạc cho mọi loài". 

Hỏi: Tôi hơi bối rối về việc không được có ý kiến. Tôi muốn nói là, sống ở cuộc đời thì dù sao vẫn có biết bao nhiêu việc bắt mình phải chọn lựa... 

Ðáp: Chúng ta vẫn dùng trí phân biệt và thiên vị khi nào thích hợp, nhưng vẫn hiểu rằng chúng chỉ thuộc trên một bình diện ý niệm, chứ không phảilà một sự thật tuyệt đối. Sử dụng tiến trình tư tưởng, nhưng đừng dính mắc vào nó. Giống như trong Áo Nghĩa Thư (Bhagavad-Gita) có nói, hành động nhưng đừng bao giờ chấp vào kết quả của chúng. Tương tự như thế, tâm của ta có thể không bị dính mắc vào sự phân biệt và thiên vị, nhưng vẫn có thể sử dụng chúng để đối phó với cuộc đời. 

Hỏi: Còn những hoạt động khác thì sao, như là Yoga, thái cực quyền, làm đồ gốm, dệt vải hay bất cứ chuyện nào khác, có thể coi như là một phương pháp tu tập được không? 

Ðáp: Mọi việc đều có thể thực hiện được nếu nó được làm với chánh niệm, với một ý thức sáng tỏ, không ham muốn, không bám víu. Cả thế giới này, với 10 vạn nỗi vui mừng và 10 vạn nỗi sầu khổ, đều có đủ đầy để cho ta kinh nghiệm. Việc làm, tự nó không nói lên sự nông cạn hay thâm sâu. Nhưng chính là tính chất của tâm khi làm những công việc, nói lên điều ấy. Một vị thầy Thái cực quyền có thể hoà hợp trọn vẹn với giáo pháp. Một tâm vắng lặng hoàn toàn. Nhưng một người khác có thể tập những cử động y hệt như vậy với một sự vụng về, khẩn trương. Ta có thể đem ra thí dụ biết bao nhiêu hoạt động khác, có khả năng đem lại một tâm hòa hợp trọn vẹn. Biết bao nhiêu việc có thể thực hiện được khi tâm ta được tự do. 

Hỏi: Có nơi cho rằng trước hết ta phải đi qua Tiểu thừa (Hinayana), kế đến là Ðại thừa (Mahayana) và sau cùng hết là Kim Cang thừa (Vajrayana). Ði từ thừa này sang thừa khác, mỗi cái có những sự việc khác nhau xảy ra. 

Ðáp: Theo ý nghĩa mà bạn nói đó, Tiểu thừa, Ðại thừa và Kim Cang thừa, là những giai đoạn của con đường giác ngộ. Dù bạn có chọn bất cứ một lối tu nào, bạn cũng đều phải trải qua những giai đoạn ấy. Con đường bạn theo có thể là truyền thống Miến Ðiện, Nhật Bản hay Tây Tạng, và trên mỗi con đường, bạn đều phải đi qua những giai đoạn Hinayana, Mahayana và Vajrayana. Sự nhầm lẫn phát xuất vì các danh từ ấy cũng có liên hệ đến những truyền thống lịch sử khác nhau. Người ta nhận lầm những giai đoạn trên đường tu với lại những cách diễn tả lịch sử và văn hóa khác nhau của giáo pháp. Vì lý do này nên những ý niệm về các thừa ấy, có lẽ cũng không ích lợi gì cho lắm. Có nhiều giai đoạn khác nhau trên con đường tu tập. Chúng phải được kinh nghiệm. Ðặt tên cho chúng chẳng ích lợi gì, mà đôi khi còn đưa đến một sự hiểu lầm. Có sao thì thấy vậy. Nó là một sự phô bày của giáo pháp trong tâm ta. Chúng ta trải qua biết bao nhiêu kinh nghiệm. Kinh nghiệm, chứ không phảilà khái niệm hay danh xưng, mới là điều tối quan trọng. 

Hỏi: Có nhiều truyền thống thiền khác nhau ở những quốc gia khác nhau. Phải chăng chúng cũng chỉ là những lối tiến khác nhau trên con đường tu mà thôi? 

Ðáp: Chánh niệm có thể được áp dụng vào bất cứ một đối tượng nào. Bạn có thể áp dụng chánh niệm trên tư tưởng, trên thân thể, vào những đối tượng ngoài thân, vào những đối tượng trong thân, vào tất cả hay một số đối tượng chọn lọc nào đó. Những kỹ thuật và phương thức khác nhau là những phương tiện khác nhau để phát triển chánh niệm. Yếu tố tỉnh thức là cốt tủy của mọi sự thực hành. Từ tâm quân bình đó mà giác ngộ phát sinh. Mọi hiện tượng đều vô thường, cho nên trí tuệ có thể được khai triển trên bất cứ một đề mục nào. Bạn có thể giác ngộ giữa một dòng tư tưởng, giữa một cơn đau, trong khi ăn, trong khi đang đi, bất cứ lúc nào, bởi vì nó phát sinh từ một tâm quân bình, chứ không phải từ sự bám víu vào một đề mục đặc biệt nào. 

Hỏi: Có nhiều vị thầy nói về sự nguy hiểm của vấn đề thần thông trong sự tu tập. Ðiều này có nghĩa ra sao? 

Ðáp: Năng lực của tâm có thể được phát triển. Nó không phải là trí tuệ. Năng lực và trí tuệ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nó có thể nguy hiểm, nếu ta phát triển những thần thông ấy trước khi mình đạt đến một trình độ giác ngộ nào đó. Vi chúng sẽ củng cố thêm cái Tôi, cái ngã của mình, và đôi khi ta có thể lạm dụng chúng. Thần thông có thể trở thành một phương tiện thiện xảo nếu ta có căn bản đạo đức và hiểu biết vững vàng. Nhưng việc phát triển những năng lực này hoàn toàn không cần thiết. Có những bậc giác ngộ mà không có chút thần thông, và cũng có rất nhiều người có thần thông mà chẳng có gì giác ngộ. Tuy nhiên cũng có một số người có được cả hai. 

Hỏi: Trong kinh Pháp Cú, đức Phật thường hay nhắc đến quả vị A La Hán. Ðây có phải là một trạng thái giác ngộ hay không? 

Ðáp: Ðúng vậy, đây chính là một sự tiêu diệt hoàn toàn tham, sân, si trong tâm, nhờ vào kết quả của một kinh nghiệm Niết bàn. Kinh nghiệm Niết bàn đầu tiên, một cái thoáng nhìn được chân lý tuyệt đối, sẽ tẩy rửa đi được một số tâm bất thiện, tuy một số vẫn còn ở lại. Và khi ta tiếp tục tu tập, thêm một số tâm bất thiện nữa sẽ bị nhổ bỏ. Một vị A La Hán là một người mà mọi điều bất thiện trong tâm đều đã bị loại trừ. Cũng giống như vậy, quan niệm thành Phật trong kiếp này có nghĩa là tự do, không còn bị tham, sân si chi phối nữa. Kinh nghiệm được chân lý thì sự đồng nhất của giáo pháp sẽ được hiểu rõ ràng. Phát triển một tâm không bám víu vào đâu cả. Ðây là cốt tủy của mọi sự tu tập. Nó sẽ trở nên vô cùng giản dị khi ta bắt đầu thực hành. 

Hỏi: Ta phải cần những gì để phát triển một trí tuệ thâm sâu? Nó có đòi hỏi một cái gì phi thường không? 

Ðáp: Nó chỉ đòi hỏi duy có một điều mà thôi, ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Nếu chúng ta còn bất cứ một ý niệm nào về những gì đáng lẽ nên xảy ra, ta không thật sự kinh nghiệm được hiện tại. Phương thức là có chánh niệm đối với mọi trạng thái thay đổi của thân và tâm mà không đem lòng ưa thích hay ghét bỏ, không nhận nó là mình. Ðó là trọn con đường đi, từ đầu cho đến cuối. Rồi nó sẽ tự phô bày cho ta thấy hết. Người ta thường không tin rằng sự tu tập giản dị đến như vậy. Thường thường ta hay có một ý muốn làm cho nó phức tạp hơn, nghĩ rằng mình phải kinh nghiệm một số trạng thái xuất thần nào đó mới đúng. Thật ra, ta chỉ cần ngồi lại trong chánh niệm và trở thành một với dòng sông thực tại. Hãy giữ sự giản dị và thư thái. 

Hỏi: Tôi tưởng rằng có những lối tu chú trọng về sự phục vụ người khác hơn là lo việc giải thoát cho mình trước? 

Ðáp: Mọi con đường đều xoay quanh vấn đề là làm sao nhìn thấy được sự giả tạo của cái Tôi, cái ngã. Một biểu hiện tự nhiên và cơ bản của giáo pháp là lòng Từ và Bi, giúp đỡ lo lắng cho người khác. Ðiều này không có dính dáng gì đến "thừa" nào hay con đường nào mình theo, hay vì một lời nguyện nào. Nó là một sự biểu lộ tự nhiên của tri tuệ. Khi chúng ta không còn bám víu vào ý niệm đây là "Tôi", còn kia là "người khác", ta sẽ bắt đầu kinh nghiệm được sự đồng nhất của mọi loài, và từ sự hiểu biết này phát sinh ra lòng từ bi, sự phục vụ. 

Hỏi: Khi chúng ta bắt đầu thực hành, sự thắc mắc về những thừa, cổ xe, con đường khác nhau này có mất đi không? 

Ðáp: Tôi có một người bạn là thi sĩ, Tom Savage, có làm một bài thi kết thúc bằng những dòng như sau: 

Xe lớn hay xe nhỏ, 
Cũng chẳng khác biệt gì! 
Chúng cũng bị kéo đi, 
Tiền, chủ nhân phải trả. 
 

-ooOoo-

Buổi sáng thứ ba mươi 
KẾT THÚC

Bạn không thể nào ở trên đỉnh núi cao mãi mãi. Rồi bạn cũng phải đi xuống, như vậy tại sao lại phải bận tâm? Vì lý do này đây. Ở trên cao ta có thể biết được những gì ở phía dưới, nhưng dưới thấp thì không bao giờ biết được cái gì ở trên cao. Ta leo lên, ta chứng kiến; khi ta leo trở xuống, ta không còn thấy được nữa, nhưng mình đã được thấy. Ðem những gì mình đã thấy được khi còn đang ở trên cao, áp dụng vào cách sống dưới vùng thấp này là cả một nghệ thuật. Khi ta không còn thấy, ít nhất ta vẫn còn biết. Mount Analogue. 

Câu hỏi bây giờ là làm cách nào để phối hợp sự hành thiền tích cực vào trong đời sống hàng ngày của mình. Trên một bình diện, câu trả lời rất là giản dị: giữ chánh niệm. Mặc dù chung quanh ta có rất nhiều điều làm cho mình phân tâm, những giác quan có trăm ngàn đối tượng xảy đến, nhưng nếu không có sự ưa thích, không có sự ghét bỏ, không có một sự mong mõi nào, thì tâm ta sẽ vẫn giữ được sự an tĩnh và quân bình. Chánh niệm sẽ là một thành trì bảo vệ ta kiên cố nhất. 

Có những chuyện có thể giúp ta duy trì được sự quân bình và an tĩnh trong tâm. Chuyện quan trọng nhất là ngồi thiền thường xuyên mỗi ngày. Ngồi mỗi ngày hai lần trong vòng một tiếng đồng hồ, hay lâu hơn, sẽ duy trì định lực và chánh niệm mà ta đã bỏ công vun trồng trong một tháng này. 

Mới vừa theo một khóa thiền tích cực nhiều ngày như vầy, bạn có thể sẽ cảm thấy rằng ngồi một hay hai tiếng mỗi ngày chẳng khó khăn gì, nhưng khi bạn bắt đầu trở về với công việc làm ăn thường xuyên, chuyện ấy sẽ không dễ dàng như bạn nghĩ đâu. Nó đòi hỏi một kỷ luật và sự tinh tấn. Hãy cố gắng giữ cho việc ngồi thiền được ưu tiên nhất trong ngày, mỗi ngày sắp đặt những sinh hoạt khác chung quanh giờ ngồi thiền của bạn thay vì phải ép nó vào giữa hai công việc cần làm nào đó của bạn. Bạn sẽ bắt đầu kinh nghiệm được chuyện ngồi thiền mỗi ngày có một tầm ảnh hưởng rất lớn lên cuộc sống của bạn. 

Nó giúp bạn rất nhiều, nếu bạn có thể sắp đặt một thời gian nhất định nào đó trong ngày để ngồi thiền, trong khoảng thời gian ấy, bạn không bị quấy rầy. Nếu bạn có được một thói quen ngồi vào một giờ nhất định, bạn sẽ ít có dịp bỏ lỡ hơn. Thời gian tốt nhất là vừa khi mới thức dậy, dùng nó như là một chuẩn bị cho một ngày chánh niệm, và một giờ vào buổi tối, dùng thời gian này như là lúc để làm cho thân tâm ta được nghỉ ngơi, tươi mát trở lại. Hay có thể bất cứ lúc nào thuận tiện cho bạn. Thí nghiệm thử. Ðiều quan trọng là giữ cho sự thực hành của mình được liên tục. Chuyện ngồi thiền đều đặn mỗi ngày có một giá trị vô cùng. 

Cũng có một số việc khác bạn có thể làm, để phối hợp sự tu tập vào trong đời sống hàng ngày. Hãy có chánh niệm trong một số chuyện làm hàng ngày nào đó của bạn, thí dụ như khi ăn chẳng hạn. Cố gắng ít nhất ăn một buổi cơm trong im lặng mỗi ngày. Nó sẽ trở thành thời gian để ta thực tập ý thức, chánh niệm, và làm sống dậy những khuynh hướng tốt trong tâm mà ta đã vun trồng trong tháng này. Bằng sự thực tập chánh niệm một cách thường xuyên, bạn làm giảm đi những thói quen xấu đã tích tụ lâu ngày. 

Trong cuộc sống hàng ngày ta đi bộ rất nhiều. Lợi dụng thời gian này để hành thiền. Khi đi, bạn không cần phải bước thật chậm và niệm "dở, bước, đạp", chỉ khi nào thuận tiện. Bạn chỉ cần chú ý đến cử động của toàn thân, hay cảm giác đụng chạm của mỗi bưóoc chân. Một lần nữa, hãy thí nghiệm. 

Trong ngày, những lúc bị căng thẳng, hay mệt mỏi, hãy nhớ đến hơi thở. Cứ mở mắt, đừng biểu diển là mình đang thiền, chú ý đến sự phồng xẹp của bụng hay là hơi thở ra vào, dù chỉ trong một vài phút. Tâm ta sẽ được trở lại an tĩnh và thư thái. 

Sau một thời gian, bạn sẽ thấy rằng chánh niệm bắt đầu có mặt trong bất cứ chuyện gì mình làm. Giáo pháp là một cuộc sống trọn vẹn. Không phải chỉ có những khi ngồi thiền hay là các khóa tu tập tích cực mới là thực hành giáo pháp. Giáo pháp có mặt trong tất cả và chúng ta phải biết sống hòa hợp với sự hiểu biết đó. 

Hạt giống trí tuệ và từ bi mà ta đã vun trồng, chứng tỏ có một mãnh lực rất lớn. Chúng sẽ sanh quả trái một cách biến thiên và bất ngờ. Những khi bạn cảm thấy mình đang bị lôi cuốn, vướng víu vào những rối ren của cuộc sống, sẽ có một ý thức chánh niệm tự nhiên khởi lên. Ánh sáng của chánh niệm ấy sẽ giúp cho bạn tự thấy được chính mình và cả tấn tuồng kịch đang xảy ra chung quanh. Hãy giữ sự giản dị và thoải mái. Với một tâm tĩnh lặng và an lạc, giáo pháp sẽ tự nhiên phô bày. 

Có những điều suy nghiệm có thể giúp ta thêm tinh tấn, cố gắng sống trong giây phút hiện tại. Thứ nhất là suy nghiệm về sự thật vô thường. Hãy nhớ đến cái chết không thể nào tránh khỏi của mình, và tự tánh thay đổi của mọi hiện tượng trong từng giây, từng phút. Giữ ý thức được dòng biến chuyển, được sự thật là mọi vật đều đang ở trong một trạng thái biến đổi không ngừng, và tâm ta sẽ được an ổn và quân bình trong mọi hoàn cảnh. Bạn sẽ bớt đi tánh tự xét đoán mình, và phê bình kẻ khác, không còn có những thành kiến để phân loại người khác và hoàn cảnh chung quanh. Bạn sẽ kinh nghiệm được một lối sống mới, cởi mở và trống không hơn, phản ứng một cách tự nhiên và hiệu quả hơn trong hiện tại mà không cần phải vác theo gánh nặng của thành kiến, khái niệm đem theo từ quá khứ. 

Suy nghiệm thứ hai là về lòng từ bi. Khi bạn đối xử với cha mẹ, bạn bè hay người lạ, hãy nhớ rằng trên một bình diện sâu xa không có "Tôi" và "Anh", không có "Chúng ta" và "Họ"; tất cả chỉ có một, một thực thể trống rỗng. Từ sự trống rỗng này, phát tỏa tình thương đối với mọi loài. Nhiều yếu tố khổ đau trong sự liên hệ, tình cảm của ta đối với những người khác sẽ rơi rụng, khi ta thực tập phát triển lòng từ bi trong cuộc sống của mình. 

Ðức Phật cho một hình ảnh để thí dụ về sự cởi mở, nhân ái của tâm có thể giữ cho ta được an lạc và quân bình. Nếu bạn bỏ một muổng đầy muối vào trong một ly nước, nước trong ly sẽ có một mùi vị mặn. Nhưng nếu bạn bỏ bấy nhiêu muối, hay nhiều hơn thế nữa, vào một hồ nước to, mùi vị của nước vẫn không hề thay đổi. Tương tự như vậy, khi tâm ta hẹp hòi và câu nệ, bất cứ một sự đụng chạm nào, cũng đều có ảnh hưởng xáo trộn mạnh mẽ. Khi tâm ta có một khoảng không gian thênh thanh, thì những đụng chạm tiêu cực gấp mấy lần thế cũng sẽ không ảnh hưởng gì được nó. Từ bi là một đức tính nhu thuận và trùm khắp, mà ta có thể đem ban bố ra trong cuộc sống của mình. 

Sự suy nghiệm thứ ba là đức khiêm tốn, hay là sự vô hình. Bạn không cần gì phải tự vổ ngực và xưng mình là ông hay bà "thiền sĩ". là một nhân vật quan trọng. Trang tử có viết: 

Thế cho nên bậc chân nhân, làm việc không gây thiệt hại cho ai, mà cũng không ân huệ cho ai. Không động vì lợi mà cũng không coi người canh cửa là hèn. Không vì tiền của mà tranh, cũng không lấy sự nhún nhường làm quý. Công việc không nhờ vả vào ai, mà cũng không lấy việc tự lập làm quý, không khinh kẻ tham lam. Ðức hạnh khác người thế tục, nhưng chẳng chuộng sự khác lạ. Không hùa theo đám đông mà cũng không khinh người xiểm nịnh. Tước lộc của đời không đủ để khuyến khích, hình phạt chẳng đủ để sỉ nhục. Họ biết phải trái không có chỗ phần được, lợi nhỏ không có chỗ để định được. Cổ nhân có nói: "Người có đạo thì lặng lễ, bậc chí đức thì không mong gì cả, còn người đại nhân thì không có mình: họ đã hợp tất cả làm Một". 

Bạn sẽ khám phá ra rằng càng vô hình chừng nào, cuộc sống lại càng giản dị và thư thái đến chứng ấy. Một lần nữa, tôi lấy từ Trang Tử: 

Một người đi thuyền qua sông. Một chiếc thuyền không người lái từ đâu trôi đến, đụng vào mạn thuyền của ông. Cho dù ông có là người nóng tính đến đâu, ông cũng sẽ không giận. Nhưng nếu ông thấy bên kia thuyền có người, ông sẽ hét lên, bảo người kia bẻ lái. Nếu không nghe, ông lại tiếp tục la hét, chưởi mắng, nóng giận. Tất cả chỉ khác nhau ở chỗ thuyền bên kia có người. Nếu chiếc thuyền là một chiếc thuyền không, thì chắc chắn sẽ không có sự nóng giận, la mắng. 

Nếu biết đem cái lòng trống không mà đối xử với đời, thì ai mà ngăn trở mình, ai mà lại muốn làm hại mình. 

Hãy làm một chiếc thuyền không, băng qua dòng sống cuộc đời bằng sự cởi mở, trống không và thương yêu, thì "ai mà ngăn trở mình, ai mà lại muốn làm hại mình". 

Có nhiều người hỏi tôi, làm sao để nói cho người khác nghe về giáo pháp. Một đức tính vô cùng quan trọng trong việc trao đổi ý kiến là phải biết cách lắng nghe, biết thông cảm với hoàn cảnh và với người khác. Bằng một tâm thinh lặng, khi chúng ta thật sự biết chú ý, một phương tiện truyền thông thích hợp sẽ trở thành rõ rệt. Ðừng nắm chặt vào một khái niệm đặc biệt nào của giáo pháp, hay là giữ bất cứ một thiên kiến nào. Ðừng dựa chấp vào một nơi nào. Ðôi khi ta chỉ cần một cuộc đối thoại tầm thường, trao đổi giản dị và thoải mái. Học cách lắng nghe là một nghệ thuật rất cao. Hãy giữ sự cởi mở và chấp nhận kẻ khác. Một thái đô vô ngã và thu nhận có thể đem lại cho ta một tầm hiểu biết và chia xẻ rộng rãi. 

Theo đúng nghĩa đen thì danh từ Vipassana có nghĩa là nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng, không phải chỉ có tiến trình của thân tâm, mặc dù đây là điều căn bản, mà là thấy mọi sự cho thật sáng suốt, những người chung quanh, mối quan hệ, hoàn cảnh. Ðạo ở đây là sống một cuộc sống không tham, không sân, không si; sống với chánh niệm, với tỉnh thức cùng với một sự an lạc và tình thương. Chúng ta là một chân lý đang phô bày, và một tháng tu học, hay là cả một đời người, chỉ là sự bắt đầu của một nhiệm vụ to tát là: thực hiện sự tự giác. 

Ðại trí thì bao trùm khắp, tiểu trí thì giới hạn. Ðại tự thì khích lệ, tiểu tự thì tầm phào... Khi chúng ta tỉnh thức, các giác quan rộng mở. Ta bị lôi cuốn vào sự sinh hoạt và thân tâm ta phân tán. Ðôi khi ta ngập ngừng, đôi khi ta lén lút, đôi khi ta bí mật. Nỗi sợ nhỏ gây nên sự ưu tư, nỗi sợ lớn gây nên sự kinh hoảng. Lời của ta phóng ra như những mũi tên, như là mình có thể biết đâu là phải, đâu là quấy. Ta bám víu vào quan niệm của mình, như là mọi sự đều tùy thuộc vào đấy. Mà rồi ý kiến của ta cũng không thường hằng: như thu, đông, chúng từ từ qua đi. Chúng ta bị mắc kẹt giữa dòng nước cuốn và không thể đi trở về được. Ta bị cột nút lại như một ống nước cũ bị nghẹt cứng; ta đang đi gần đến cái chết mà không cách nào để thu hồi lại tuổi trẻ của mình. Vui mừng và giận dữ, sầu khổ và hạnh phúc, hy vọng và sợ hãi, bất lực và sức khỏe, khiêm nhường và cương quyết, như những tiếng nhạc trổi lên từ thân rỗng của những ống phi lau, hay những cây nấm mọc lên từ vùng đất ẩm đen, luôn luôn xuất hiện trước mắt ta ngày đêm. Nào ai biết chúng từ đâu đến. Nhưng đừng lo! Cứ để mặc chúng! Làm sao mà ta có thể hiểu được hết tất cả chỉ vỏn vẹn trong một ngày? 

-ooOoo-

Các tin đã đăng: