Thiền học
Thiếu Thất Lục Môn
Trúc Thiên
08/01/2555 11:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TÂM KINH TỤNG

Kệ diễn giải tâm kinh: tổ Bồ Đề Đạt Ma

Dịch nghĩa: Trúc Thiên

Diễn giải: giác niệm (bình)

1 – MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Trí tuệ thanh tịnh hải

Lý mật nghĩa u thâm

Ba la đáo bỉ ngạn,

Hướng đạo kỳ do tâm,

Đa văn thiên chủng ý

Bất ly tuyến nhân châm

Kinh hoa mịch nhất đạo

Vạn kiếp thánh hiền khâm.

Dịch

Trí tuệ biển thanh tịnh,

Lý mật nghĩa u thâm,

Ba la qua bờ ấy

Soi đường chỉ do tâm.

Nghe nhiều ngổn ngang ý,

Chẳng lìa chỉ vì kim

Hoa kinh một mối đạo

Muôn kiếp thánh hiền vâng

Diễn giải

Trí tuệ rộng như biển cả, nhưng thanh tịnh, không gợn một chút sóng.

Tâm kinh ý nghĩa sâu kín, khó thấy, khó hiểu.

Ba la mật nghĩa là đáo bỉ ngạn, có nghĩa: đến bờ kia, đến bờ giác.

Dẫn đường đến được bờ ấy chỉ do tâm mình.

Nghe nhiều, hàng trăm, hàng ngàn loại ý kiến khác nhau

Chẳng khỏi cho người châm chích.

Một mối đạo tịch mịch do kinh sách ghi lại

Vạn kiếp chư thánh hiền vâng theo.

2 – QUÁN TỰ TẠI BỒ - TÁT

Bồ - Tát siêu thánh trí

Lục xứ tất giai đồng

Tâm không quán tự tại

Vô ngại đại thần thông

Thiền môn nhập chánh thọ

Tam muội nhiệm tây đông

Thập phương du lịch biến

Bật kiến Phật hành tung.

Dịch

Bồ - Tát vượt thánh trí

Sáu xứ rốt chung đồng

Tâm không quán tự tại

Vô ngại đại thần thông

Cửa thiền vào chánh thọ

Tam muội mặc tây đông

Mười phương trải chơi khắp

Nào thấy Phật hành tung.

Diễn giải

Trí Bồ Tát siêu vượt. (trên mọi nghĩ tưởng)*

Sáu căn, sáu thức thu về một mối.(Thấy nghe vượt khỏi căn trần,)*

Tâm trống rỗng, không vướng mắc,

Quán sát tự tại vô ngại

Do nơi thiền định mà vào chánh thọ. (thọ thân chân như)*

Trải khắp mười phương

(Nơi nào cầu cứu liền hiện đến) *

Mà không để lại dấu tích.

Ghi chú (…) * ghi thêm cho rõ nghĩa.

3 – HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI

Lục niên cầu đại đạo,

Hành thâm bất li thân

Trí huệ tâm giải thoát

Đạt bỉ ngạn đầu nhân

Thánh đạo không tịch tịch

Như thị ngã kim văn

Phật hành bình đẳng ý

Thời đáo tự siêu quần.

Dịch

Sáu năm cầu đạo lớn

Hành sâu chẳng lìa thân

Trí huệ tâm giải thoát

Đến bờ kia tột cùng

Thánh đạo không lắng lặng

“Như thị ngã kim văn”

Phật hành bình đẳng ý

Thời đến tự siêu quần.

Diễn giải

Đức Phật sáu năm tu hành khổ hạnh, cầu đạo vô thượng.

Thưc hành sâu xa các phương pháp khổ hạnh (mà chưa đạt được kết quả)*

(chỉ đến khi đức Phật ngồi thiền định trên bờ sông Ni Liên Kiền)*, Trí huệ phát khởi, ngài đắc đạo, giải thoát hoàn toàn khỏi sinh tử luân hồi.

Đạo giải thoát vốn không, tịch (trống rỗng, tĩnh tịch, ngưng nghỉ)*.

“Nay, ta nghe như vậy” (như vậy đó)*

Đức Phật thực hành hạnh bình đẳng

Khi thời điểm đến thì tự nhiên khai ngộ, siêu vượt hơn mọi người.

4 – CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG

Tham ái thành ngũ uẩn

Giả hiệp đắc vi thân

Huyết nhục liên gân cốt

Bì lí nhất đôi trần

Mê đồ sanh lạc trước

Trí giả bất vị thân

Tứ tướng giai qui tận

Hô thậm nãi vi chân

Dịch

Tham mến thành năm uẩn

Giả dối kết làm thân

Máu thịt liền gân cốt,

Trong da một đống trần

Kẻ mê vui chấp dính

Người trí chẳng vì thân

Bốn tướng đều dứt bặt

Mới được gọi là chân.

Diễn nghĩa

Vì chấp trước, ưa thích bản ngã nên mới có ngũ uẩn.

Vì có ngũ uẩn giả dối kia nên mới có thân.

Thân này gồm máu thịt, gân cốt tạo thành

Ngoài trông đẹp đẽ, đâu biết trong lớp da kia toàn do đất bụi tạo thành.

Kẻ mê chấp trước vào thân đó cho là chính mình

Người trí vốn biết nó chẳng phải thực.

Ngay cả tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả còn chẳng có

Hiểu được như thế mới là chân thực.

5 – ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH

Vọng hệ thân vi khổ

Nhân ngã tâm tự mê

Niết bàn thanh tịnh đạo

Thùy khẳng trước tâm y

Ấm giới lục trần khởi

Ách nạn nghiệp tương tùy

Nhược yếu tâm vô khổ

Văn tảo ngộ Bồ- Đề

Dịch

Vọng buộc hóa thân khổ

Nhân ngã tâm tự mê

Niết bàn, đường thanh tịnh

Sao chấp được tâm y

Ấm giới sáu trần dậy

Ách nạn nghiệp theo kề.

Ví rõ tâm không khổ

Sớm nghe ngộ Bồ Đề

Diễn nghĩa

Vướng vọng nên thân khổ.

Tâm mê nên chia ra nhân, ngã.

Đạo Niết Bàn thanh tịnh

Ai nói chấp theo tâm?

Nếu lục trần theo ấm giới khởi lên

Thì ách nạn liền theo sau.

Nếu biết rõ tâm vốn không, không vui buồn, sướng khổ

Nghe sớm ắt ngộ Bồ - Đề.

6 – XÁ LỢI TỬ

Đạt đạo do tâm bổn

Tâm tịnh lợi hoàn đa

Như liên hoa xuất thủy

Đốn giác đạo nguyên hòa

Thường cư tịch diệt tướng

Trí huệ chúng nan qua

Độc siêu tam giới ngoại

Cánh bất luyến Ta Bà.

Dịch

Đạt đạo tâm làm gốc

Tâm lặng lợi bao là

Như sen nhô mặt nước

Thoắt rõ gốc đạo hòa

Luôn ở nơi tịch diệt

Trí huệ mấy ai qua

Một mình siêu ba cõi

Hết luyến cảnh Ta Bà.

Diễn giải

Đạt đạo, do lấy tâm làm gốc

Giữ cho tâm lặng trong, lợi ích hiện tiền.

Như hoa sen nhô lên mặt nước

Mới biết rằng đạo vốn hòa đồng.

(Đạo) luôn ở nơi tịch diệt (tĩnh lặng, không dấy động)

Trí huệ mấy ai qua (ít người có trí huệ)

Một mình vượt lên ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới)

Hết luyến cảnh Ta Bà (ra khỏi vòng sanh tử)

7 – SẮC BẤT DỊ KHÔNG, KHÔNG BẤT DỊ SẮC

Sắc dữ không nhất chủng

Vị đáo kiến lưỡng ban

Nhị thừa sanh phân biệt

Chấp tướng tự tâm man

Không ngoại vô biệt sắc

Phi sắc nghĩa năng khoan

Vô sanh thanh tịnh tánh

Ngộ giả tức Niết – Bàn

Dịch

Sắc với không một giống

Chưa rõ thấy hai đàng

Hai thừa đâm phân biệt

Chấp tướng tự dối gian

Ngoài không chẳng sắc khác

Chẳng sắc mới dung khoan

Vô sanh, tánh thanh tịnh

Ngộ ấy tức Niết Bàn.

Diễn giải

Sắc với không cùng một nòi (chủng)

Chưa đạt đến (giác ngộ) thì thấy có hai loại

Nhị thừa sanh tâm phân biệt (cho là hai loại)

Chấp tướng (có, không) tự dối lòng.

Ngoài không chẳng có sắc nào khác

(sắc) Chẳng phải sắc, nghĩa gồm như vậy.

Tánh thanh tịnh là vô sanh

(Nếu) ngộ ra thì đó là Niết Bàn.

8 – SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC

Phi không, không bất hữu

Phi sắc, sắc vô hình

Sắc không đồng qui nhất

Tĩnh thổ đắc an ninh

Phi không, không vi diệu

Phi sắc, sắc phân minh

Sắc không giai phi tướng

Thậm xứ lập thân hình.

Dịch

Chẳng không, không chẳng có

Chẳng sắc, sắc vô hình

Sắc không về một mối

Đất tịnh được yên bình

Chẳng không là không diệu

Chẳng sắc, sắc phân minh

Sắc không đều chẳng tướng.

Nơi đâu dụng thân hình.

Diễn giải

Nói “ sắc tức thị không “ thì (cái đó) chẳng phải là không mà cũng chẳng phải là sắc. Nói nó chẳng không, vì ở đó không cũng chẳng có. Nói nó chẳng sắc, vì nó vốn vô hình.

Sắc và không cùng từ đó mà ra, không phân biệt, nên không loạn động. Nước nhà tự bình an.

Nó chẳng không nghĩa là chẳng phải như hư không trống rỗng, mà trong cái không đó có ẩn chứa một khả năng (nhận biết)

Nó chẳng phải sắc, nhưng nhờ nó mà mọi sắc tướng mới hiện rõ, phân minh.

Vì nó chẳng phải không mà cũng chẳng phải sắc thì làm sao có thể hình dung ra được.

9 – THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC DIỆT PHỤC NHƯ THỊ

Thọ tưởng nạp chư duyên

Hành thức lượng năng khoan

Biến kế tâm tu diệt

Ngã bệnh bất tương can

Giải thoát tâm vô ngại

Phá chấp ngộ tâm nguyên

Cô vân diệt như thị

Tánh tướng nhất ban ban.

Dịch

Thọ tưởng nạp muôn duyên

Hành thức rộng dung khoan

Biến kế tâm nên dứt

Bệnh “ta” chẳng tương can

Giải thoát tâm vô ngại

Phá chấp ngộ tâm nguyên

Nên nói cũng như vậy

Tánh tướng chẳng hai ban. 

Diễn giải

Các ấm thọ, tưởng thâu nhập mọi cảnh duyên bên ngoài

Các ấm hành, thức dung chứa chủng tử của các duyên ấy

Nếu dứt được tâm biến kế (từ các trần cảnh)

Thì ta và vọng tưởng chẳng liên quan đến nhau nữa

Tâm giải thoát vô ngại

Phá chấp ngã, nhân, trở lại nguồn tâm

Vì trở lại nguồn tâm nên nói “như thị”

Tánh và tướng chẳng phải hai.

10 – XÁ LỢI TỬ

Thuyết xá luận thân tướng

Lợi ngôn nhất chủng tâm

Bồ tát kim cương lực

Tứ tướng vật linh xâm

Đạt đạo ly nhân chấp

Kiến tánh pháp vô âm

Chư lậu giai tổng tận

Biến thể thị chân câm.

Dịch

Nói “xá” nhằm thân tướng

Còn “lợi” nhắm một tâm

Bồ Tát vận trí lực

Bốn tướng chắn đường xâm

Đạt đạo lìa nhân chấp

Thấy tánh pháp không âm

Chư lậu đều dứt trọn

Toàn thể ấy vàng ròng

Diễn giải

Xá lợi là gì? Là những gì thân tướng để lại làm lợi ích cho tâm tánh người sau.

Bồ Tát vận dụng trí kim cương (để thấu thoát)

Bốn tướng ngăn trở đường vào đạo

Đạt đạo lìa bỏ các chấp của con người

Thấy tánh, pháp không thể dùng lời nói diễn tả được.

Các hoặc lậu đều dứt hết

Pháp giới thành vàng ròng. (câm = kim)

11 – THỊ CHƯ PHÁP KHÔNG TƯỚNG

Chư Phật thuyết không pháp

Thanh văn hữu tướng cầu

Tầm kinh mịch đạo lý

Hà nhật học tâm hưu

Viên thành chân thực tướng

Đốn kiến bãi tâm tu

Quýnh nhiên siêu pháp giới

Tự tại cánh hà ưu

Dịch

Chư Phật nói pháp không

Thanh văn chấp tướng cầu

Tìm kinh kiếm lẽ đạo

Bao giờ học tâm thôi

Viên thành tướng chân thực

Chợt rõ bỏ tâm tu

Thênh thang vượt pháp giới

Tự tại hết âu lo.

Diễn giải

Chư Phật nói “pháp không”

Thanh văn chấp tướng cầu pháp.

Tìm tòi trong kinh sách kiếm ý nghĩa của đạo là “hướng ngoại cầu, tầm”

Không biết rằng chỉ cần thôi tìm cầu, tâm ngừng nghỉ, thì đại đạo hiện tiền.

Thực tướng vô tướng tự viên thành.

Nếu đã thấy thì chẳng cần tu nữa.

Thênh thang vượt pháp giới

Tự tại hết âu lo.

12 – BẤT SANH BẤT DIỆT

Lô Xá thanh tịnh thể

Vô tướng bổn lai chân

Như không giai tổng biến

Vạn kiếp thể trường tồn

Bất cộng giai bất trước

Vô cựu diêt vô tân

Hòa quang trần bất nhiễm

Tam giới độc vi tôn.

Dịch

Lô Xá thể thanh tịnh

Không tướng tự nhiên chân

Như hư không rộng khắp

Muôn kiếp vẫn trường tồn

Chẳng chung, chẳng riêng rẽ

Không cựu cũng không tân

Hòa đục trong chẳng nhiễm

Ba cõi một mình tôn

Diễn giải

Báo thân thể thanh tịnh

Vô tướng vốn là chân

Như hư không rộng khắp

Muôn kiếp vẫn trường tồn.

Không chung cùng, không dính dáng

Không cũ cũng không mới

Hòa sáng, chẳng nhiễm trần.

Ba cõi chỉ mình ta.

13 – BẤT CẤU BẤT TỊNH

Chân như việt tam giới

Cấu tịnh bổn lai vô

Năng nhân khởi phương tiện

Thuyết tế cập ngôn thô

Không giới vô hữu pháp

Thị hiện nhất luân cô

Bổn lai vô nhất vật

Khởi hiệp lưỡng ban hô.

Dịch

Chân như vượt ba cõi

Dơ sạch vốn không ngơ

Vì thương phương tiện mở

Nói nhặt cùng nói thưa

Cõi không chẳng có pháp

Hiện xuống bánh xe đưa

Xưa nay không một vật

Huống hai thứ lọc lừa.

Diễn giải

Chân như vượt trên ba cõi

Xưa nay vốn không nhơ, sạch

Như Lai mở phương tiện

Nói gần, nói xa, nói thô, nói tế.

Chân như không pháp có.

Thị hiện bằng một vòng tròn.

Xưa nay không một vật

Huống là có hai ban.

14 – BẤT TĂNG BẤT GIẢM

Như Lai thể vô tướng

Mãn túc thập phương không

Không thượng nan lập hữu

Hữu nội bất kiến không

Khán tự thủy trung nguyệt

Văn như nhĩ bạn phong

Pháp thân hà tăng giảm

Tam giới hiệu chân dung.

Dịch

Như Lai thể không tướng

Đầy dẫy mười phương không

Trên “không” khôn lập “có”

Trong “có” chẳng thấy “không”

Nghe như tai gió thoảng

Xem như nguyệt trên sông

Pháp thân nào thêm bớt

Ba cõi gọi chân dung.

Diễn giải

Thể của chơn như vốn vô tướng

Đầy dẫy khắp cả mười phương

Trên cái “không”, khó mà làm ra cái “có”

Trong cái “có” chẳng thấy cái “không”

(sắc) Xem thì như trăng trong nước, thấy hình tướng đó, mà thực chất thì không có.

(thanh) Nghe thì như gió thoảng bên tai. Mới nghe ào một cái đã mất rồi. Không trường tồn.

Pháp thân vốn không thêm, không bớt.

Pháp giới là chân dung của pháp thân.

15 – THỊ CỐ KHÔNG TRUNG

Bồ Đề bất tại ngoại

Trung văn mịch giã nan

Phi tướng phi phi tướng

Lượng trắc thất cơ quan

Thế giới phi thế giới

Tam quang chiếu tứ thiên

Bổn lai vô chướng ngại

Thậm xứ hữu già lan.

Dịch

Bồ Đề ngoài chẳng có

Cũng chẳng ở trung gian

Chẳng tướng, chẳng chẳng tướng

Cân nhắc mất cơ quan

Thế giới chẳng thế giới

Bốn trời sáng ba quang

Bổn lai không chướng ngại

Đâu là chỗ chắn ngang.

Diễn giải

Bồ Đề ngoài chẳng có

Trong nghe cũng khó tìm

Chẳng phải tướng. chẳng phải chẳng tướng

Vừa khởi suy nghĩ, cân nhắc liền sai.

Thế giới hay chẳng thế giới

Tam minh làm sáng tứ thiền

Mới biết xưa nay không chướng ngại

Chỗ nào có chắn ngang?

16 – VÔ SẮC VÔ THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC

Vô sắc bổn lai không

Vô thọ ý hoàn đồng

Hành thức vô trung hữu

Hữu tận khước qui không

Chấp hữu thực bất hữu

Y không hựu lạc không

Sắc không tâm câu li

Phương thỉ đắc thần thông

Dịch

Không, sắc bổn lai không

Không thọ ý vẫn đồng

Hành, thức, không trong có

Có hết lại về không

Chấp có đâu thực có

Theo không lại lạc không

Sắc không tâm lìa hết

Chừng ấy mới thần thông.

17 – VÔ NHÃN NHĨ TỊ THIỆT THÂN Ý

Lục căn vô tự tánh

Tùy tướng dữ an bài

Sắc phân, duyên thanh hưởng

Nhân ngã thiệt khôi hài

Tị hoặc phân hương khứu

Thân, ý dục tình quai

Lục xứ tham ái đoạn

Vạn kiếp bất luân hồi.

Dịch

Sáu căn không tự tánh

Theo tướng đặt bày thôi

Sắc duyên theo tiếng vọng

Nhơn ngã lưỡi đùa chơi

Mũi dối phân mùi ngửi

Thân ý đắm tình đời

Sáu nơi tham mến dứt

Muôn kiếp chẳng luân hồi.

Diễn giải

Sáu căn của chúng ta không có tự tánh, nó duyên theo trần cảnh.

Sắc phân ra thì chẳng còn gì, Âm thanh chỉ là tiếng vọng, có đó, mất đó, không thực. Lưỡi phân biệt vị, và để nói những lời phân biệt nhân ngã. Nếu không có vị thì lưỡi chẳng biết phân biệt gì. Còn Nhân ngã là những thứ giả dối, do chấp mà có. Mũi phân biệt mùi hương, là những thứ do duyên hợp mà có, nên giả có.

Thân và ý thì ưa những vuốt ve, trìu mến v v…

Nếu sáu căn không tham muốn những thứ cám dỗ đó thì đã chẳng đọa luân hồi.

18 – VÔ SẮC THANH HƯƠNG VỊ XÚC PHÁP

Chứng trí vô thanh sắc

Hương vị xúc tha thùy

Lục trần tòng vọng khởi

Phàm tâm tự hoặc nghi

Sanh tử hưu sanh tử

Bồ Đề chứng thử thì

Pháp tánh không, vô trụ

Chỉ khủng ngộ tha trì

Dịch

Chứng trí không thanh, sắc

Hương, vị, xúc khác gì

Sáu trần theo vọng dấy

Tâm phàm tự dối nghi

Sanh tử, thôi sanh tử

Bồ Đề chứng một khi

Pháp tánh không, vô trụ

Chỉ sợ ngộ chầy chầy.

Diễn giải

Chứng ngộ thì thanh sắc, hương, vị, xúc đều không

Lúc trần vọng động, dấy lên. Tâm phàm theo đó mà vọng khởi.

Sanh tử hay không sanh tử, do đã chứng Bồ Đề hay chưa

Pháp tánh vốn không, vốn vô trụ. Chỉ sợ ngộ chậm mà thôi.

19 – VÔ NHÃN GIỚI NẢI CHÍ VÔ Ý THỨC GIỚI

Lục thức tòng vọng khởi

Y tha tánh tự khai

Nhãn nhĩ khiêm thân ý

Thùy khẳng tự lượng tài

Thiệt tị hành điên đảo

Tâm vương khước khiển hồi

Lục thức trung bất cửu

Đốn ngộ hướng Như Lai

Dịch

Sáu thức theo vọng dậy

“Y tha” mở dối sai

Mắt tai luôn thân ý

So tính được sao ai

Lưỡi mũi gây điên đảo

Tâm vương lạc hướng quay

Đợi gì trong sáu thức

Đốn ngộ hướng Như Lai.

Diễn giải

Sáu thức theo vọng khởi

Tánh mở chạy theo ngoài

Mắt tai và thân ý

Ai cũng tự khoe tài

Lưỡi, mũi làm điên đảo

Tâm vương chẳng quay đầu

Sáu thức không trường cửu

Muốn ngộ đợi Như Lai.

20 – VÔ VÔ MINH, DIỆT VÔ VÔ MINH TẬN, NẢI CHÍ VÔ LÃO TỬ, DIỆT VÔ LÃO TỬ TẬN

Thập nhị nhân duyên hữu

Sanh hạ lão tương tùy

Hữu thân vô minh chí

Nhị tướng đẳng đầu tề

Thân tận vô minh tận

Thọ báo khước lai kỳ

Tri thân như huyễn hóa

Cấp cấp ngộ vô vi

Dịch

Vì mười hai duyên có

Sanh, lão mới tương tùy

Thân có, vô minh đến

Hai tướng hiện liền khi

Thân hết vô minh hết

Thọ báo hết hẹn kỳ

Rõ thân như mộng mị

Gấp gấp ngộ vô vi

Diễn giải

Có mười hai nhân duyên thì mới có sanh lão bệnh tử.

Nếu có thân người là đã vô minh (vì sao? nếu ngộ thì tâm còn chẳng có, huống gì là thân).

Vì vô minh nên thấy 2 tướng: có – không, tốt – xấu, phải – trái, dài – ngắn, cao – thấp v v…

Nếu không chấp thân là có, nếu ta là không thì lấy ai thọ báo.

Nếu biết thân này chỉ là huyễn ảo, thì chẳng cần làm gì cả. Không gây phước, không tạo nghiệp.

21 – VÔ KHỔ TẬP DIỆT ĐẠO

Tứ đế hưng tam giới

Đốn giáo nghĩa phân minh

Khổ đoạn tập dĩ diệt

Thánh đạo tự nhiên thành

Thanh văn hưu vọng tưởng

Duyên giác ý an ninh

Dục tri thành Phật xứ

Tâm thượng mạc lưu đình

Dịch

Bốn đế hưng ba cõi

Đốn giáo nghĩa phân minh

Khổ dứt, tập đã diệt

Đạo thánh tự nhiên thành

Thanh văn thôi tưởng dối

Duyên giác ý an ninh

Muốn biết nơi thành Phật

Trên tâm đừng trệ quanh.

Diễn giải

Pháp Tứ Đế chấn hưng ba cõi

Giáo pháp nhanh chóng, phân minh

Chỉ cần dứt các nguyên nhân gây khổ, diệt các tập khí, thói quen tạo khổ

Thì đạo thánh tự nhiên thành.

Bậc thanh văn không còn vọng tưởng nữa.

Bâc duyên giác tâm ý được an định.

Muốn biết khi thành Phật ở cõi nào

Thì tâm không lưu chuyển cũng không ngừng trệ.

(tâm không khởi, không diệt)

22 – VÔ TRÍ DIỆT VÔ ĐẮC

Pháp bổn phi vô, hữu

Trí huệ nan trắc lường

Hoan hỷ tâm ly cấu

Phát quang mãn thập phương

Nan thắng ư tiền hiện

Viễn hành đại đạo trường

Bất động siêu bỉ ngạn

Thiện huệ pháp trung vương.

Dịch

Pháp vốn không vô, hữu

Trí huệ đâu dễ lường

Hoan hỉ tâm lìa bợn

Phát sáng ngập mười phương

Có gì hơn trước mắt

Tìm đâu xa đạo trường

Chẳng động qua bờ giác

Cõi thiện huệ pháp vương.

Diễn giải

Pháp vốn chẳng có, không

Khó có thể suy lường bằng trí huệ

Tâm vui mừng, lìa trần cấu

Thì sẽ phát sáng cả mười phương.

Pháp tối thắng ở ngay trước mắt

Đi đâu xa tìm cầu.

(Chỉ cần) tâm bất động là đến bờ kia

Trí huệ thiện xảo, vua các pháp.

23 – DĨ VÔ SỞ ĐẮC CỐ

Tịch diệt thể vô đắc

Chân không tuyệt thủ phan

Bổn lai vô tướng mạo

Quyền thả lập tam đàn

Tứ trí khai pháp dụ

Lục độ hiệu đô quan

Thập địa tam thừa pháp

Chúng thánh trắc tha nan.

Dịch

Niết bàn có gì chứng

Chân không đặt níu quàng

Xưa nay không tướng mạo

Quyền biến dựng ba đàn

Bốn trí mở pháp dụ

Sáu độ ví ải quan

Mười địa, ba thừa pháp

Hàng thánh khó luận bàn.

Diễn giải

Thể tánh vốn tịch diệt, không thể chứng đắc

Chân không, không thể nắm bắt

Xưa nay không tướng mạo

Quyền biến dựng lên tam thân.

Dùng tứ trí mở pháp dạy người.

Lục độ là ải quan, người tu phải vượt qua.

Phật pháp giảng dậy thập địa, tam thừa

Hàng thánh khó luận bàn.

24 – BỒ ĐỀ TÁT ĐỎA

Phật đạo chân nan thức

Tát đỏa thị phàm phu

Chúng sanh yếu kiến tánh

Kính Phật mạc tâm cô

Thế gian thiện tri thức

Ngôn luận pháp tế thô

Đốn ngộ tâm bình đẳng

Trung gian hữu tương trừ

Dịch

Phật đạo thật khó thấu

Tát đỏa là phàm nhân

Chúng sanh cầu thấy tánh

Kính Phật chớ phụ tâm

Trong đời thiện tri thức

Luận pháp nói sâu nông

Đốn ngộ tâm bình đẳng

Dứt hết hai bên lầm.

Diễn giải

Phật đạo thật khó hiểu

Bồ Tát còn phàm phu

Chúng sanh muốn thấy tánh

kính Phật chớ phụ tâm.

Thiện tri thức trong đời

Bàn nói pháp sâu, nông.

Ngộ được tâm bình đẳng

Trung đạo hết có không.

25 – Y BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CỐ

Bát nhã ngôn trí huệ

Ba la vô sở y

Tâm không tánh quảng đại

Nội ngoại tận vô vi

Tánh không vô ngại biện

Tam giới đạt nhân hi

Đại kiến minh đại pháp

Giai tán bất tư nghì

Dịch

Bát nhã ấy trí huệ

Ba la không sở y

Tâm không, rộng lớn khắp

Trong ngoài, thảy vô vi

Tánh không, không ngại biện

Đạt giả có bao người?

Thấy lớn, sáng pháp lớn

Tán tụng biết bàn chi.

Diễn giải

Bát nhã là trí huệ

Đến bờ, không nơi chốn

Tâm không, tánh rộng lớn

Trong ngoài đều vô vi

Tánh không, bàn vô ngại

Tam giới, mấy người hay

Thấy sâu, sáng đại pháp

Tán thán bất tư nghì.

26 – TÂM VÔ QUẢI NGẠI

Giải thoát tâm vô ngại

Ý nhược thái hư không

Tứ duy vô nhất vật

Thượng hạ tất giai đồng

Lai vãng tâm tự tại

Nhân pháp bất tương phùng

Phỏng đạo bất kiến vật

Nhiệm vận xuất phiền lung.

Dịch

Giải thoát tâm vô ngại

Ý tợ thái hư không

Bốn phương không một vật

Trên dưới rốt chung đồng

Tới lui tâm tự tại

Nhân pháp chẳng chung cùng

Hỏi đạo chẳng thấy vật

Thong dong thoát chậu lồng.

27 – VÔ QUẢI NGẠI CỐ, VÔ HỮU KHỦNG BỐ

Sanh tử tâm khủng bố

Vô vi tánh tự an

Cảnh vong tâm diệt diệt

Tánh hải trạm nhiên khoan

Tam thân qui tĩnh thổ

Bát thức li nhân duyên

Lục thông tùy thực tướng

Phục bổn khước hoàn nguyên

Dịch

Sanh tử tâm lo sợ

Vô vi tánh tự an

Cảnh quên tâm cũng diệt

Biển tánh lặng dung khoan

Ba thân về đất tịnh

Tám thức lìa nhân duyên

Sáu thông theo tướng thực

Quày đầu lại bổn nguyên.

Diễn giải

Sanh tử làm tâm lo sợ

Vô vi, chẳng làm, chẳng khởi chẳng diệt thì tánh tự an, không lo sợ nữa

Quên trần cảnh bên ngoài, tâm diệt các vọng niệm cũng chẳng còn

Tánh rộng lớn trạm nhiên, tĩnh lặng, dung chứa.

Lúc đó tam thân trở về bổn tánh thanh tịnh

Tám thức lìa khỏi nhân duyên thì cũng chẳng còn nữa. (trở thành tứ trí)

Lục thông bấy giờ không để đối phó với trần cảnh nữa, mà trở về theo thực tướng. Mà thực tướng là “xưa nay không một vật”, là chơn tánh, là nguồn tâm.

Do đó nói rằng “quày đầu lại bổn nguyên“.

28 – VIỄN LY NHẤT THIẾT ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG

Nhị biên thuần mạc lập

Trung đạo vật tâm tu

Kiến tánh sanh tử tận

Bồ đề vô sở cầu

Thân ngoại mịch chân Phật

Điên đảo nhất sanh hưu

Tĩnh tọa thân an lạc

Vô vi quả tự châu

Dịch

Hai bên toàn chớ lập

Ở giữa chớ lầm tu

Thấy tánh, sanh tử hết

Bồ đề, chẳng phải cầu

Ngoài thân tìm Phật thực

Điên đảo bỏ đi thôi

Ngồi tịnh, thân vui lặng

Vô vi trái đến hồi.

Diễn giải

Chẳng lạc vào nhị biên (có-không, phải-trái …)

Cũng chẳng theo trung đạo

(Chỉ cần) kiến tánh thì hết sanh tử

Bồ Đề (thành đạo) chẳng phải cầu.

Tìm Phật ngoài thân này là điên đảo

(Nhưng xem thân này là Phật thì sớm xuống địa ngục)

(Chỉ cần) Ngồi tịnh, thân tâm đều an lạc.

Quả vô vi sẽ có ngày thành.

29 – CỨU CÁNH NIẾT BÀN

Cứu cánh vô sanh tánh

Thanh tịnh thị Niết Bàn

Phàm phu mạc trắc thánh

Vị đáo tức ưng nan

Hữu học khước vô học

Phật trí chuyển thâm huyền

Yếu hội vô tâm lý

Mạc trước tức tâm nguyên.

Dịch

Không sanh tức cứu cánh

Thanh tịnh ấy Niết Bàn

Phàm phu đừng luận thánh

Chưa đến biết chi bàn

Có học cùng không học

Trí Phật chuyển sâu huyền

Lý vô tâm cốt rõ

Đừng chấp lặng tâm nguyên.

Diễn giải

Cứu cánh là tánh vô sanh

Thanh tịnh là Niết Bàn

Phàm phu đừng luận việc thánh

Chưa đến đó thì khó bàn

Hữu học cùng vô học

Trí Phật chuyển sâu xa, vi diệu

Nếu hiểu được lý “Vô Tâm”

(thì) đừng chấp trước, tức nguồn tâm.

30 – TAM THẾ CHƯ PHẬT

Quá khứ phi ngôn thực

Vị lai bất vi chân

Hiện tại Bồ Đề tử

Vô pháp hiệu huyền môn

Tam thân đồng qui nhất

Nhất tánh biến hàm thân

Đạt lý phi tam thế

Nhất pháp đắc vô nhân

Dịch

Quá khứ lời chẳng thực

Vị lai cũng chẳng chân

Hiện tại Bồ Đề tử

Không pháp gọi huyền môn

Ba thân cùng về một

Một tánh gội nhuần thân

Đạt lý ba đời mất

Một pháp được không nhân

Diễn giải

Quá khứ thì đã qua, nên nó chẳng thực

Vị lai thì chưa đến nên cũng chẳng phải chân.

Hiên tại mới là hột giống Bồ Đề

Pháp “Vô pháp” này gọi là huyền môn

Tam thân từ một bổn tánh mà ra

Tánh này gồm chứa các thân

Đạt được lý này thì ba đời cùng mất

Đắc pháp này thì không ngã, pháp, không nhân quả.

31 – Y BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CỐ ĐẮC A NẬU ĐA LA TAM MUỘI TAM BỒ ĐỀ

Phật trí thâm nan trắc

Huệ giải quảng vô biên

Vô thượng tâm chánh biến

Từ quang mãn đại thiên

Tịch diệt tâm trung xảo

Kiến lập vạn dư ban

Bồ Tát đa phương tiện

Phổ cứu vị nhân thiên

Dịch

Trí Phật sâu khôn lượng

Huệ giải rộng vô biên

Vô thượng tâm chánh biến

Ánh từ ngập đại thiên

Tịch diệt tâm thiện xảo

Dựng lên vạn pháp thiền

Bồ Tát nhiều phương tiện

Cứu khắp vì nhân thiên

Diễn giải

Trí Phật khó nghĩ bàn

Trí huệ sâu rộng không giới hạn

Tâm vô thượng biết khắp

Cả đại thiên thế giới.

Trong tâm tĩnh lặng, hay khéo

Lập nên hàng vạn phương cách khác nhau

Bồ Tát nhiều phương tiện

Cứu độ khắp trời người.

32 – CỐ TRI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

THỊ ĐẠI THẦN CHÚ, THỊ ĐẠI MINH CHÚ

Bát nhã vi thần chú

Năng trừ ngũ uẩn nghi

Phiền não giai đoạn tận

Thanh tịnh tự phân ly

Tứ trí ba vô tận

Bát thức hữu thần uy

Tâm đăng minh pháp giới

Tức thử thị Bồ Đề

Dịch

Bát nhã là thần chú

Trừ dứt năm uẩn nghi

Phiền não cũng mất trọn

Thanh tịnh tự phân ly

Bốn trí cuồn cuộn sóng

Tám thức lộ thần uy

Đèn tâm soi pháp giới

Đó tức là Bồ Đề

Diễn giải

Bát nhã là thần chú

Trừ hết mọi nghi ngờ của năm uẩn (thân tâm)

(Nếu ngũ uẩn đã không) thì Phiền não cũng dứt hết

Nếu pháp phân ly ra thì chẳng còn gì cả nên thanh tịnh.

Tứ trí dồi dào sung mãn như sóng cuộn

Bát thức bây giờ là tứ trí, hiển lộ thần uy

Tâm chiếu pháp giới ngời sáng

Đó tức là Bồ Đề.

33 – THỊ VÔ THƯƠNG CHÚ

Vô thương xưng tối thắng

Bạt tế vị quần mê

Ma ha tam giới chủ

Nguyện quảng khởi từ bi

Năng thuận chúng sanh ý

Tùy lưu dẫn hóa mê

Nhân nhân khởi bỉ ngạn

Do ngã bất do y.

Dịch

Vô thượng xưng tối thắng

Bạt tế ấy quần mê

Giáo chủ ba ngàn cõi

Rộng mở nguyện từ bi

Thuận lòng chúng sanh muốn

Tùy cảnh dẫn qua mê

Người người lên bờ giác

Do mình chẳng do ai.

Diễn giải

Không ai cao hơn, nên gọi là tối thắng

Nhiều vi tế hoặc nên là chúng sanh

Chủ tể của đại thiên gồm 3 cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới)

Nguyện khởi lòng từ bi rộng lớn

Hay thuận theo ý chúng sanh

Tùy hoàn cảnh mà dẫn dắt, hóa độ khỏi cõi mê

Người người lên bờ giác

Do mình chẳng do ai.

34 – THỊ VÔ ĐẲNG ĐẲNG CHÚ

Phật đạo thành thiên thánh

Pháp lực cánh vô qua

Chân không diệt chư hữu

Thị hiện hóa thân đa

Lai vị chúng sanh khổ

Khứ vị thế gian ma

Kiếp thạch giai qui tận

Duy ngã tại Ta Bà

Dịch

Phật đạo bao người chứng

Pháp lực chẳng gì qua

Chân không dứt mọi có

Hóa thân hiện hằng sa

Đến vì chúng sanh khổ

Đi vì thế gian ma

Kiếp thạch thẩy về hết

Mình ta tại Ta Bà.

Diễn giải

Phật đạo thành ngàn thánh

Pháp lực chẳng gì qua

Chân không diệt mọi có (Qui vạn pháp về chơn không)

Hóa thân hiện hằng sa (Vì chơn không nên mới có thể hiện hằng sa hóa thân)

Đến vì chúng sanh khổ (Phật ra đời để cứu vớt chúng sanh khỏi bể khổ)

Đi vì thế gian ma (Thế gian xảo quyệt gian trá thì Phật pháp diệt)

Kiếp đá dù có hết (Thế giới dù có tận)

(vẫn còn) mình ta tại Ta Bà

35 – NĂNG TRỪ NHẤT THIẾT KHỔ, CHÂN THỰC BẤT HƯ

Phật nguyện từ tâm quảng

Thế thế độ chúng sinh

Hoằng pháp đàm chân lý

Phổ cần cấp tu hành

Hồi tâm kiến thực tướng

Khổ tận kiến vô sanh

Vĩnh tức tam ác đạo

Thản đãng lạc li li

Dịch

Phật từ tâm rộng lớn

Đời đời nguyện độ sanh

Hoằng pháp nêu lẽ thực

Khắp khuyên gấp tu hành

Quày đầu thấy tướng thực.

Khổ hết thấy vô sanh

Dứt hẳn ba đường ác

Thanh thản lòng vui thành

Diễn giải

Đức Phật, từ tâm rộng lớn, nguyện rằng

Đời đời độ chúng sanh

Nêu chân lý để hoằng pháp

Mọi người nên gấp tu hành

Hồi tâm lại thấy thực tướng nơi mình

Ngộ vô sanh thì hết khổ

Dứt hăn ba đường ác

Thanh thản lòng vui vẻ.

36 – CỐ THUYẾT BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CHÚ

Cố thuyết chân như lý

Vị ngộ tốc tâm hồi

Lục tặc thập ác diệt

Ma sơn hiệp để tồi

Thần chú trừ tam độc

Tâm hoa ngũ diệp khai

Quả thục căn bàn kết

Bộ bộ kiến Như Lai

Dịch

Nên nói lý chân như

Chưa ngộ gấp tâm hồi

Sáu giặc thôi gieo ác

Thùng sơn lủng đáy rồi

Thần chú trừ ba độc

Hoa tâm nảy năm chồi

Trái chín căn nguồn dứt

Bước bước thấy Như Lai

Diễn giải

Nói về lý chân như

Chưa ngộ gấp hồi tâm

Diệt lục tặc, thập ác

Thùng sơn lủng đáy rồi

Thần chú trừ ba độc (tham, sân, si)

Tâm hoa năm cánh nở (Diệt ba độc thì dùng ngũ lực)

Trái chín căn nguồn hết (ngôi vị kết)

Bước bước thấy Như Lai

37 – TỨC THUYẾT CHÚ VIẾT: YẾT ĐẾ YẾT ĐẾ, BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ, BỒ ĐỀ TÁT BÀ HA

Yết đế bổn tông cương

Phò cơ kiến pháp chường

Như Lai tối tôn thắng

Phàm tâm mạc đẳng lường

Vô biên vô trung tế

Vô đoản diệt vô trường

Bát nhã ba la mật

Vạn đại cổ kim thường

Dịch

Yết đế giềng mối đạo

Đưa duyên phướn nêu đường

Như Lai tối tôn thắng

Phàm tâm biết đâu lường

Không bên, không ở giữa

Dài ngắn cũng không luôn

Bát nhã ba la mật

Suốt kim cổ hằng thường.

Diễn giải

Yết đế vốn là giềng mối

Tùy duyên để cho thấy pháp

Như Lai bậc tôn quí, tối thắng

Tâm phàm chẳng thể đo lường

Không ngoài cũng không trong

Không ngắn cũng không dài

Bát nhã ba la mật

Thường hằng từ xưa đến nay.