Thiền học
Thiếu Thất Lục Môn
Trúc Thiên
08/01/2555 11:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHÁ TƯỚNG LUẬN

Hỏi: Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới thực là cực kỳ tỉnh yếu?

Đáp: Chỉ một pháp quán tâm thâu nhiếp trọn các pháp mới thực là cực kỳ tỉnh yếu.

Hỏi: Sao một pháp nhiếp trọn các pháp được?

Đáp: Tâm là gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp duy một tâm sanh. Nếu hiểu được tâm ắc muôn pháp sẵn đủ trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thức cành, nhánh, bông, trái, nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra, nếu chặt gốc ắc cây chết.

Nếu hiểu tâm, tu đạo ắc được tỉnh lực nên dễ thành.

Không hiểu tâm mà tu đạo ắc nhọc công mà vô ích.

Mới biết tất cả việc lành dữ đều do tự tâm. Cầu gì khác ở ngoài tâm rốt cuộc không đâu có được.
Hỏi: Sao bảo quán tâm là xong hết?

Đáp: Đại Bồ-Tát khi hành sâu pháp Bát Nhã ba la mật thấy bốn đại vốn không, năm ấm vô ngã. Thấy rõ do khởi dụng nên có 2 tâm sai khác. Thế nào là hai?

Một là tâm tịnh, tâm trong sạch

Hai là tâm nhiễm, tâm nhuốm bợn.

Hai tâm ấy, pháp giới tự nhiên xưa nay vốn có, kết hợp bằng những giả duyên đối đãi, nương vịn vào nhau.

Tâm tịnh hằng vui nhân lành

Tâm nhiễm mảng lo nghiệp dữ.

Nếu không bị nhiễm tức xưng là thánh, xa lìa được hết khổ đau, chứng cái vui Niết Bàn.

Bằng cứ buông theo tâm nhiễm mà tạo nghiệp ắc bị khuất lấp, ràng buộc, tức gọi là phàm, chìm nổi trong ba cõi, chịu mọi thứ khổ.

Tại sao vậy? Vì cái tâm nhiễm ấy gây chướng ngại cho bổn thể chơn như vậy.

Kinh Thập địa nói: Trong thân chúng sanh có Phật tánh kim cương, ví như vầng nhật tròn đầy, rộng lớn, sáng bao la, chỉ vì lớp lớp mây ngũ ấm che lấp nên không lộ được, khác nào ánh đèn bị nhốt giữa bình đất, không chiếu hiện được.

Kinh Niết Bàn nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ vì vô minh che lấp nên không được giải thoát.

Phật tánh ấy tức là tánh giác vậy. Chỉ cần “tự giác, giác tha“ trí giác sáng tỏ, tức gọi là giải thoát.
Nên biết mọi điều lành đều lấy giác làm gốc. Nhân gốc giác ấy mới kết được đủ thứ trái Niết Bàn của cây công đức. đạo nhân đó mà thành.

Hỏi: Trên nói tất cả công đức của Phật tánh chân như đều lấy giác làm gốc, còn tâm vô minh chẳng hay lấy gì làm gốc?

Đáp: Tâm vô minh tuy có tám vạn bốn ngàn phiền não, tính dục với vô số điều dữ, đều do ba độc, nên ấy đó làm gốc. Ba độc ấy tức tham, sân, si ấy vậy.

Cái tâm ba độc ấy tự nó có đủ tất cả giống ác, ví như cây lớn, gốc tuy chỉ một mà cánh lá sanh ra thì số lượng khôn cùng. Ở ba độc ấy từ mỗi gốc sanh ra các nghiệp dữ, trăm ngàn vạn ức gấp mấy cái trước, không thể ví với gì được.

Từ trong bổn thể của cái tâm ba độc ấy ứng hiện ra sáu căn, và sáu tên giặc, cũng gọi là sáu thức vậy. Sáu thức ấy ra vào sáu căn, nhân đó có tham trước muôn cảnh tạo thành nghiệp dữ, che khuất bổn thể chơn như nên gọi là sấu tên giặc. Do ba độc và sáu giặc ấy chúng sanh bị mê hoặc, rối loạn thân tâm, trôi dạt trong sanh tử, lăn lóc trong sáu đường, chịu mọi nỗi khổ. Cũng như sông ngòi có tiếp nguồn, thông mạch dòng nước mới chảy mãi không dứt, sóng mới muôn dặm cuộn giăng. Nếu có ai bít mạch, lấp nguồn thì mọi dòng nước ắc dứt theo.

Người cầu giải thoát có thể chuyển ba độc thành ba tụ tịnh giới, chuyển sáu tên giặc thành sáu ba la mật, tức tự nhiên vĩnh viễn lìa xa biển khổ.

Hỏi: Sáu đường, ba cõi rộng lớn bao la, nếu chỉ quán tâm không thì sao thoát được những khổ đau không cùng tận?

Đáp: Nghiệp báo trong ba cõi chỉ do một tâm sanh. Nếu từ gốc đã vô tâm thì ở trong ba cõi mà như xa lìa ba cõi. Ba cõi ấy là ba độc vậy.

Tham làm ra cõi dục

Sân làm ra cõi sắc

Si làm ra cõi vô sắc.

Nên gọi là ba cõi. Do ba độc gây nghiệp nặng, nhẹ chẳng đồng, chia làm sáu xứ, nên gọi là sáu nẻo luân hồi.

Hỏi: Thế nào là nặng, nhẹ chia làm sáu nẻo?

Đáp: Chúng sanh chưa rõ chánh nhân, mê tâm tu thiện, chưa thoát ba cõi, thác sanh ở ba nẻo nghiệp nhẹ. Thế nào là ba nẻo nhẹ?

- Vọng cầu vui sướng, chưa thoát cõi tham, mê tu mười điều thiện thì sanh nẻo trời.

- Vọng lòng thương ghét, chưa thoát cõi sân, mê giữ năm giới thì sinh ở nẻo người.

- Tin tà mong phước, mê chấp hữu vi thì sinh ở nẻo A tu la.

Đó là ba nẻo nghiệp nhẹ. Thế nào là ba nẻo tội nặng?

Ấy là buông lung theo cái tâm ba độc, toàn gây nghiệp dữ, rơi vào ba nẻo tội nặng.

- Nếu nghiệp tham nặng thì rơi vào nẻo quỉ đói (ngạ quỉ)

- Nếu nghiệp sân nặng thì rơi vào nẻo địa ngục.

- Nếu nghiệp si nặng thì rơi vào nẻo súc sanh.

Ba nẻo tội nặng với ba nẻo tội nhẹ thành sáu nẻo luân hồi.

Mới biết nghiệp khổ đều do tâm mình sanh, nên cần nhiếp tâm, lìa các tà ác, thì mọi nỗi khổ của ba cõi sáu đường đều tự nhiên tiêu mất, tức được giải thoát.

Hỏi: Như lời Phật dạy “ Ta phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, chịu vô số khổ nhọc mới thành được Phật đạo” sao nay nói chỉ quán tâm, chế ngự được ba độc là giải thoát?

Đáp: Lời Phật nói không hề hư dối. A tăng kỳ kiếp ấy tức ba độc vậy. Người Hồ nói “a tăng kỳ”, người Hán nói “bất khả số”, nghĩa là đếm không xuể.

Tự trong tâm ba độc ấy, có đủ thứ niệm ác nhiều như số cát sông Hằng. Mỗi niệm ấy là một kiếp. Vậy là có hằng hà sa số kiếp đếm không xuể, nên nói ba đại a tăng kỳ kiếp.

Tánh chân như bị ba độc ấy che khuất. Nếu chẳng vượt lên cai tâm ba đại hằng hà sa độc ác ấy thì sao giải thoát được?

Nếu nay chuyển ba độc tham, sân, si làm ba món giải thoát, đó gọi là vượt qua ba đại a tăng kỳ kiếp.

Chúng sinh ở thời đại cùng mạt này vốn căn trí ngu si, cùn lụt, không nhận được ý sâu kín của Như Lai trong câu nói “ Ba đại a tăng kỳ kiếp” nên nói Như Lai phải trải qua vô số kiếp nhiều như cát bụi mới thành Phật. Điều ấy há chỉ khiến người tu thoái chí mà lùi bước Bồ - Đề sao?

Ba món giải thoát là giới, định, huệ.

Giới ngăn ngừa điều ác, chuyên trị tham lam.

Định chuyên trị sân hận, tán loạn, làm các điều thiện

Huệ chuyên trị si mê. Đưa đến giải thoát.

Nếu chuyển được ba độc thành ba món giải thoát thì vượt qua ba a tăng kỳ kiếp, thành Phật ngay trong kiếp này.

Cái tâm ba độc của ta, động khởi niệm là đã tạo tội, nghiệp rồi. Cho nên tốt nhất là đừng khởi một niệm nào cả, tâm như như bất động, trong vắt như trẻ so sinh thì mới mong giải thoát.
Hỏi: Các đại Bồ-Tát nhờ giữ ba tụ tịnh giới, thực hành sáu độ mới thành Phật đạo. Sao nay nói người học chỉ cần quán tâm? Chẳng tu giới hạnh thì thành Phật thế nào được?

Đáp: Ba tụ tịnh giới ấy tức cái tâm chế phục ba độc vậy. Chế phục tâm ba độc thành vô lượng thiện tụ. Nói “tụ” tức là nói “hội” vậy. Pháp lành vô lượng tụ hội ở tâm nên gọi là ba tụ tịnh.

Nói sáu độ ba la mật tức là nói tịnh sáu căn vậy.

Người Hồ nói “ba la mật”, người Hán nói “đạt bỉ ngạn” tức đến bờ bên kia.

Sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm sáu trần tức qua sông phiền não, đến bờ Bồ-Đề nên nói là sáu ba la mật.

Hỏi: Như kinh nói ba tụ tịnh là “Nguyện thề đoạn tất cả điều dữ, thề tu tất cả điều lành, thề độ tất cả chúng sanh”. Nay nói chỉ cần chế ngự cái tâm ba độc, há chẳng trái với nghĩa văn sao?
Đáp: Lời Phật nói kinh là lời chân thực. Nhân đối với ba độc, chư Bồ-Tát tu hành trong thời quá khứ phát ba thệ nguyện là

- Nguyện đoạn tất cả điều dữ, nên luôn giữ giới, đối phó với tham độc.

- Nguyện tu tất cả điều lành, nên luôn tập định, đối phó với sân độc.

- Nguyện độ tất cả chúng sanh, nên luôn tu huệ, đối phó với si độc.

Do giữ ba tịnh pháp ấy (giới, định, huệ) nên vượt lên được ba độc mà thành Phật đạo vậy.

- Điều dữ dứt mất, đó gọi là đoạn

- Điều lành sẵn đủ, đó gọi là tu

- Đã đoạn dữ, tu lành ắc muôn hạnh đều thành tựu, lợi ta lợi người, cứu khắp muôn sanh, đó gọi là độ.

Mới biết pháp tu giới hạnh không thể lìa tâm. Nếu tâm mình thanh tịnh ắc tất cả cõi Phật đều thanh tịnh. Nên kinh nói:

- Tâm đục ắc chúng sanh đục.

- Tâm tịnh ắc chúng sanh tịnh

- Muốn được tịnh độ, trước cần tịnh tâm.

- Tùy tâm mình tịnh, Phật độ tịnh theo.

- Ba tụ tịnh giới tự nhiên thành tựu.

Hỏi: Như kinh nói, sáu ba la mật ấy, cũng gọi là sáu độ, tức là: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ. Nay nói sáu căn thanh tịnh gọi là ba la mật, thì hiểu sao cho xuôi được? Còn phép sáu độ, nghĩa ấy thế nào?

Đáp: Muốn tu sáu độ nên tịnh sáu căn, hàng sáu tên giặc.

- Xả được giặc mắt, lìa hết cảnh sắc, gọi là bố thí

- Cấm được tên giặc tai, không buông lung theo thanh trần, gọi là trì giới.

- Cầm được tên giặc mũi, tự tại giữa hương thơm, gọi là nhẫn nhục

- Ngăn được tên giặc lưỡi, không ham mùi vị, ngâm vịnh, giảng văn gọi là tinh tiến.

- Hàng được tên giặc thân, như nhiên chẳng xúc động, gọi là thiền định.

- Phục được tên giặc ý chẳng buông theo vô minh (thức), thường theo giác huệ gọi là trí huệ.

Nói “độ” đưa qua tức là nói “vận chuyển” vậy. Thuyền bát - nhã sáu ba la mật có khả năng chuyển vận chúng sinh đến bờ bên kia nên gọi là “sáu độ”.

Hỏi: Kinh nói: Khi còn là Bồ-Tát, Thích Ca Như Lai từng uống ba đấu, sáu thăng “Nhũ mi” (còn gọi đề hồ, một loại kem trích từ sữa) mới thành Phật đạo. Vậy trước nhờ uống sữa, sau chứng quả Phật, há phải nhờ quán tâm mà được giải thoát ru?

Đáp: Nên thành thực nhận rằng lời xưa nói “Nhân vì uống sữa mới được thành Phật” chẳng hề luống dối. Nói Phật uống sữa cần phân biệt hai thứ sữa. Sữa Phật uống chẳng phải là sữa vẩn đục của thế gian, mà chính là pháp nhũ của chân như thanh tịnh vậy.

Nói ba đấu tức ba tụ tịnh giới

- Nói sáu thăng tức sáu ba la mật.

Thành Phật là do uống sữa của pháp thanh tịnh ấy mới chứng được Phật quả. Nếu nói Như Lai uống thứ sữa bò lềnh mỡ, hôi hám, vẩn đục của thế gian há chẳng phải che bai một cách lầm lẫn lắm ru?

Tánh Chân Như tựa như kim cang bất diệt, còn Pháp Thân không tì vết, vĩnh viễn lìa mọi đau khổ của thế gian, há dùng thứ sữa vẩn đục ấy để đỡ đói khát (chân lý) được sao?

Như lời kinh nói, Bò ấy chẳng ở vùng cao, chẳng ở vùng thấp, chẳng ăn lúa thóc tạp nhạp, chẳng cùng bầy với các loại bò khác.… Nói bò ấy, tức là Phật Tỳ Lô Giá Na (Thanh Tịnh Pháp Thân) vậy. Phật đem lòng đại từ bi, thương xót tất cả, nên từ nơi pháp thể thanh tịnh ứng ra thứ sữa pháp vi diệu là ba tụ tịnh giới, là sáu pháp ba la mật hầu nuôi nấng tất cả những người cầu đạo giải thoát. Như vậy loại bò chân tịnh ấy, loại sữa thanh tịnh ấy, không những Như Lai uống xong là thành đạo, mà tất cả chúng sanh, ai uống cũng vẫn được quả chánh đẳng, chánh giác như thường.

Hỏi: kinh nói: Phật khiến chúng sinh xây dựng già lam, đúc tạc hình tượng, đốt hương, rắc hoa, chong đèn sáng mãi, đêm ngày sáu cữ, nhiễu tháp hành đạo, lễ bái chay lạt, đủ thứ công đức mới thành Phật đạo. Nếu chỉ lấy pháp quán tâm thâu nhiếp các hạnh, nói như vậy e có ngoa chăng?

Đáp: Phật nói kinh dùng vô số phương tiện, nhằm vào tất cả chúng sinh căn trí cùn lụt, ươn hèn, không đủ sức lãnh hội nghĩa sâu nên mượn pháp hữu vi để làm tỷ dụ cho pháp vô vi

Nếu nơi không tu nội hạnh mà chỉ cầu ở ngoài, mong làm thánh, cầu phước, không đâu có được.
Nói “già lam” ấy là người Tây Thiên Trúc nói, ở đây dịch là “thanh tịnh địa” tức đất trong sạch hay chùa chiền vậy.

Nếu vĩnh viễn trừ ba độc, tịnh sáu căn, thân tâm vắng lặng, trong ngoài ngưng bặt, đó gọi là xây dựng già lam.

Nói đúc hình tạc tượng, tức là tất cả chúng sanh cầu Phật đạo cần tu các hạnh phỏng theo chân dung diệu tướng của Như Lai, há đâu chỉ là việc đúc vàng bạc, đồng sắt tầm thường vậy thôi ư? Bởi vậy người cầu đạo giải thoát phải lấy thân mình làm lò, lấy pháp làm lửa, lấy trí tuệ làm tay thợ, lấy ba tụ tịnh giới, sáu ba la mật làm khuôn phép, nấu luyện, rèn đúc chân như Phật tánh trong thân cho thấm nhập khuôn phép, tất cả hình thức giới luật. Y lời dạy đó mà vâng làm, mỗi mỗi không hở sót thì tự nhiên thành tựu hình tướng của Như Lai, của chân như. Hình tướng đó đích thực là pháp thân thường trụ, vi diệu và cùng tột, há phải đâu là pháp hữu vi hư đốn sao?

Người học đạo mà không hiểu nghĩa của việc đúc tạc chân dung như vậy thì còn bằng vào đâu mà mở miệng nói công đức?

Còn việc đốt hương ấy, nào phải hương hình tướng của thế gian, mà chính là hương của pháp vô vi vậy, hương ấy xông lên các thứ dơ xấu khiến cho nghiệp dữ vô minh thảy đều tiêu mất. Hương chánh pháp đó có năm thứ:

- Một là giới hương: gọi thế vì nó có thể dứt mọi điều dữ, tu mọi điều lành.

- Hai là định hương: gọi thế vì nó tin sâu pháp đại thừa, lòng không thoái chuyển.

- Ba là huệ hương: gọi thế là vì lúc nào cũng quán xét trong tâm.

- Bốn là hương giải thoát:gọi thế là vì nó có thể dứt mọi mê mờ trói buộc.

- Năm là hương giải thoát tri kiến: gọi thế là vì lúc nào nó cũng quán chiếu, sáng soi, suốt thông không ngại.

Đó là năm thứ hương, gọi là hương tối thượng, thế gian không gì sánh bằng.

Khi Phật còn tại thế, Phật khiến các đệ tử lấy lửa trí tuệ đốt các thứ hương báu vô giá ấy để dâng cúng chư Phật mười phương. Chúng sanh ngày nay không rõ nghĩa chân thực của Như Lai, chỉ đem lửa ngoài đốt gỗ trầm của thế tục, xông thứ hương vật chất lên mong phước, cầu thánh thì sao được ru?

Còn việc rắc hoa ấy, cũng nghĩa như vậy. Rắc hoa là diễn nói chính pháp. Rải hoa công đức ấy gây lợi ích cho giống hữu tình, gieo rắc, thấm nhuần tất cả, tự nơi tánh chân như bố thí cùng khắp, khiến cho tất cả trang nghiêm. Thứ hoa công đức mà Phật từng xưng tán ấy không bao giờ héo rụng, rốt ráo thường trụ.  

Ai rắc hoa công đức ấy được phước không cùng. Bằng nói Như Lai bảo chúng sanh bẻ cành, bứt nhánh lấy hoa cúng Phật, làm thương tổn đến cỏ cây, điều ấy không đâu có vậy.

Vì sao vậy? Vì đã giữ tịnh giới thì muôn tượng um tùm trong trời đất đều chẳng nên đụng chạm đến. Nếu lầm chạm phải đã mắc tội nặng rồi, huống nữa nay lại còn cố ý hủy phá tịnh giới, gây hại cho muôn vật để cầu phước báo,muốn được thêm cho mình lại hóa thành mất bớt đi, há có thể như vậy được sao?

Nói đến chong đèn sáng mãi, đó là không rời chánh giác vậy. Sức sáng tỏ của tánh giác dụ như ngọn đèn. Người cấu đạo giải thoát phải lấy thân mình làm thân đèn, lấy tâm mình làm tim đèn, lấy giới hạnh làm dầu đốt đèn.

Trí tuệ sáng tỏ dụ cho ngọn đèn thường cháy. Đó là đèn chánh giác vậy. Đèn chánh giác chiếu phá tất cả mờ tối si mê, có thể dùng pháp ấy trao truyền mở sáng cho nhau. Tức đó là một đèn mồi qua trăm nghìn đèn, đèn đèn không cùng tận nên gọi là vô tận đăng, gọi là chong đèn sáng mãi.

Trong quá khứ có đức Phật tên là Nhiên Đăng cũng theo nghĩa đốt đèn ấy vậy.

Chúng sinh ngu si không hiểu lời nói phương tiện của Như Lai, chuyên làm điều luống dối, mê chấp hữu vi, đốt lên ngọn đèn dầu của thế gian, đem soi vào căn nhà trống lại cho là y theo lời Phật dạy, há chẳng quấy lắm ru?

Bởi cớ sao? Phật phóng một đạo hào quang giữa đôi mày chiếu suốt tám vạn bốn ngàn thế giới, há đèn dầu mà có thể làm như vậy được sao?

Còn sáu thời hành đạo là nói tự nơi sáu căn, bất cứ lúc nào cũng tự đi con đường Phật, cũng tu các giác hạnh, cũng ngăn phòng sáu căn, không lúc nào buông, đó gọi là sáu thời hành đạo.

Phàm nói nhiễu tháp hành đạo, thì tháp tức là thân vậy. Cần tu giác hạnh, xét quanh thân tâm, niệm niệm chẳng dừng, đó gọi là nhiễu tháp, tức đi quanh tháp vậy.

Thánh nhân thuở trước đều đi theo đường ấy kỳ cho tới Niết Bàn. Người đời nay chẳng rõ lẽ ấy, trong chẳng tự hành đạo, ngoài lại chấp trước, mong cầu, đem thân sắc chất ra nhiễu tháp thế gian, đêm ngày loanh quanh, chuốc nỗi nhọc nhằn vô lối, không có ích gì cho chân tánh cả.
Còn trì trai, cần hiểu rõ, nếu không thông đạt ắc uổng công tu.

Nói trai tức là chay, tức là nói “tề”, là sắp xếp vậy. Sắp xếp thân tâm cho tề chỉnh, ngay thẳng, đừng cho cong rối.

Nói trì tức là giữ tức nói “hộ”, tức là giúp vậy. Nơi giới hạnh, cứ theo pháp mà hộ trì, ngoài cấm sáu tình, trong ngăn ba độc, siêng năng tỉnh xét, thân tâm thanh tịnh. Có hiểu như vậy mới là chay lạt.

Còn ăn có năm thứ:

- Một là món ăn pháp hỷ, thức vui của pháp. Tức là y giữ chánh pháp, vui mừng vâng làm.

- Hai là món ăn thiền duyệt, đó là trong ngoài thanh lọc, thân tâm trong sạch.

- Ba là món ăn niệm thực, đó là thường niệm chư Phật, tâm và miệng hợp nhau

- Bón là món ăn nguyện thực, đó là trong lúc đi, dứng, ngồi, nằm luôn phát nguyện lành.

- Năm là món ăn giải thoát thực, đó tức là tâm thường thanh tịnh, chẳng nhuốm bụi tục.

Ăn năm món ăn ấy gọi là giữ giới, chay lạt.

Người nào không ăn năm món ăn thanh tịnh như trên mà cứ rêu rao là trai giới thì không thể có được. Đó chỉ là phá chay, mà đã là phá thì sao được công đức.

Kẻ mê trong đời không ngộ được lẽ ấy, thả lỏng thân tâm, làm đủ việc dữ, ham muốn bốn tình, chẳng chút thẹn thùng. Chỉ dứt có món ăn ngon mà tự coi là chay lạt, thật không đâu có được.
Còn việc lễ bài thì nên biết pháp nh thế này: Trong là lý phải sáng tỏ, ngoài là sự, phải biết quyền nghi. Có hiểu được như vậy mới gọi là như pháp.

Phàm nói lễ tức là nói “kính trọng” tức là coi nặng vậy.

Phàm nói bái tức là nói “phục”, nghĩa là cúi xuống vậy.

Sở dĩ có cung kính chân tánh, khuất phục vô minh, mới gọi là lễ bái.

Dứt hẳn được tính ác, hằng gìn niệm thiện, tuy chưa xứng tướng, ấy gọi là lễ bái. Tướng ấy tức pháp tướng vậy.

Thế Tôn muốn khiến cho thế tục tỏ lòng nhún thấp mới dạy lễ bái, tức là ngoài thân thì sụp xuống, trong lòng thì kính thêm. Giác ngoài, sáng trong, tánh tướng cùng hợp.

Nếu không làm theo lý pháp ấy mà chỉ chấp trước cầu ngoài, trong ắc buông lung theo tham si, mãi gây nghiệp dữ, ngoài ăc nhọc nhằn thân tướng mà chẳng ích gì. Đội lốt uy nghi, không thẹn với thánh, dối gạt người phàm, chẳng khỏi luân hồi, há thành công đức được sao?

Hỏi: Như lời kinh nói “Dốc lòng niệm Phật chắc được vãng sanh qua cõi Tịnh Độ phương Tây, chỉ cần một cửa ấy tức được thành Phật”, sao còn nói quán tâm để cầu giải thoát làm gì?

Đáp: Phàm nói niệm Phật cốt cầu niệm chánh. Rõ nghĩa là chánh, không rõ nghĩa là tà. Niệm chánh chắc được vãng sanh, còn niệm tà thì sao qua đó được?

Nói “Phật” tức là nói “giác” tức tỉnh biết vậy. Tỉnh biết để thấy rõ thân tâm mình, đừng khiến niệm dữ lừng lên.

Nói “niệm” tức là nói “ức” tức là nhớ giữ vậy. Nhớ giữ giới hạnh, chẳng quên tinh tiến. Có hiểu như vậy mới là “niệm”. Cho nên niệm ở tâm, chẳng ở lời.

Mượn nơm đơm cá, được cá cần quên nơm.

Mượn lời cầu ý, được ý cần quên lời.

Đã xưng niệm Phật trên danh từ, nên biết niệm Phật trong đạo lý. Nếu tâm không thực thì miệng tụng tiếng xuông, ba độc chất chồng, nhân ngã chèn lấp.

Đem tâm vô minh hướng ngoài cầu Phật, nhọc sức ích gì? Vả lại tụng với niệm ý nghĩa còn khác xa nhau: Tại miệng gọi là tụng, tại tâm gọi là niệm.

Thế mới biết:

- Niệm theo tâm mà khởi, đó là giác hạnh – cửa huyền.

- Tụng theo miệng mà ra, đó là âm thanh – tướng dối.

Nên biết chư thánh ngày xưa tu niệm Phật đâu phải nói ngoài miệng, chính là tìm xét trong tâm.
Tâm là nguồn của mọi pháp lành.

Tâm là chủ của muôn công đức.

Niết bàn thường vui do tâm mà ra.

Ba cõi lăn lóc cũng theo tâm mà dậy.

Tâm là cửa, là ngõ của đạo xuất thế

Tâm là bến, là ải của đạo giải thoát.

Cửa ngõ đã biết, há lo khó vào.

Bến, ải đã rõ, há ngại chẳng thông.

Cho nên nhiếp tâm được thì trong chiếu soi.

Giác quán được thì ngoài sáng tỏ.

Dứt ba độc khiến ngàn thuở tiêu tan

Nhốt sáu giặc khiến bặt đường quấy rối.

Tự nhiên hà sa công đức, thảy thảy trang nghiêm

Vô số pháp môn, mỗi mỗi thành tựu.

Vượt lên phàm, chứng vào thánh, mắt chẳng động xao.

Ngộ tại chốc liền, đợi gì lâu lắc.

Cửa chân sâu kín, thuật đủ được sao. Đây chỉ trình bày sơ phép quán tâm đôi phần thôi vậy.
Kệ rằng:

Ngã bổn cầu tâm, tâm tự trì.

Cầu tâm bất đắc đãi tâm tri

Phật tánh bất tòng tâm ngoại đắc.

Tâm sanh tiện thị tôi sanh thì.

Nghĩa

Ta vốn cầu tâm, tâm tự giữ

Cầu tâm chớ khá đợi tâm tri

Tánh Phật ngoài tâm không chứng được

Tâm sanh thì tội phát liền khi.

Kệ II

Ngã bổn cầu tâm bất cầu Phật.

Liễu tri tam giới không, vô vật.

Nhược dục cầu Phật đản cầu tâm

Chỉ giá tâm tâm, tâm thị Phật.

Nghĩa

Ta vốn cầu tâm chẳng cầu Phật.

Rõ ra ba cõi không một vật.

Ví muốn cầu Phật, thà cầu tâm.

Chỉ tâm tâm niệm, tâm ấy Phật.

TÓM TẮT

Phật dạy chúng sinh “ xây dựng già lam, đúc hình tạc tượng, đốt hương, rắc hoa, chong đèn sáng mãi, sáu thời hành đạo, nhiễu tháp, trì trai. Việc ấy thế nào?“

Xây dựng già lam (già lam là thanh tịnh địa)

Nếu vĩnh viễn trừ ba độc, tịnh sáu căn, thân tâm vắng lặng, trong ngoài ngưng bặt, đó gọi là xây dựng già lam

Đúc hình, tạc tượng: người cầu đạo giải thoát phải lấy thân mình làm lò, lấy pháp làm lửa, lấy trí tuệ làm tay thợ, lấy ba tụ tịnh giới, sáu ba la mật làm khuôn phép, nấu luyện, rèn đúc chân như Phật tánh trong thân cho thấm nhập khuôn phép, tất cả hình thức giới luật. Y lời dạy đó mà vâng làm, mỗi mỗi không hở sót thì tự nhiên thành tựu hình tướng của Như Lai, của chân như. Hình tướng đó đích thực là pháp thân thường trụ, vi diệu và cùng tột

Đốt hương

Việc đốt hương ấy, nào phải hương hình tướng của thế gian, mà chính là hương của pháp vô vi vậy, hương ấy xông lên các thứ dơ xấu khiến cho nghiệp dữ vô minh thảy đều tiêu mất. Hương chánh pháp đó có năm thứ:

- Một là giới hương: gọi thế vì nó có thể dứt mọi điều dữ, tu mọi điều lành.

- Hai là định hương: gọi thế vì nó tin sâu pháp đại thừa, lòng không thoái chuyển.

- Ba là huệ hương: gọi thế là vì lúc nào cũng quán xét trong tâm.

- Bốn là hương giải thoát:gọi thế là vì nó có thể dứt mọi mê mờ trói buộc.

Năm là hương giải thoát tri kiến: gọi thế là vì lúc nào nó cũng quán chiếu, sáng soi, suốt thông không ngại.

Rắc hoa

Rắc hoa là diễn nói chính pháp. Rải hoa công đức ấy gây lợi ích cho giống hữu tình, gieo rắc, thấm nhuần tất cả, tự nơi tánh chân như bố thí cùng khắp, khiến cho tất cả trang nghiêm. Thứ hoa công đức mà Phật từng xưng tán ấy không bao giờ héo rụng, rốt ráo thường trụ.

Ai rắc hoa công đức ấy được phước không cùng. Bằng nói Như Lai bảo chúng sanh bẻ cành, bứt nhánh lấy hoa cúng Phật, làm thương tổn đến cỏ cây, điều ấy không đâu có vậy.

Chong đèn

Người cầu đạo giải thoát phải lấy thân mình làm thân đèn, lấy tâm mình làm tim đèn, lấy giới hạnh làm dầu đốt đèn. Trí tuệ là ngọn lửa. Người tu phải thường trau giồi đức hạnh, tức là châm dầu, giữ cho ngọn lửa trí tuệ không bao giờ tắt.

Trí tuệ sáng tỏ dụ cho ngọn đèn thường cháy. Đó là đèn chánh giác vậy. Đèn chánh giác chiếu phá tất cả mờ tối si mê, có thể dùng pháp ấy trao truyền mở sáng cho nhau. Tức đó là một đèn mồi qua trăm nghìn đèn, đèn đèn không cùng tận nên gọi là vô tận đăng, gọi là chong đèn sáng mãi

Sáu thời hành đạo

Còn sáu thời hành đạo là nói tự nơi sáu căn, bất cứ lúc nào cũng tự đi con đường Phật, cũng tu các giác hạnh, cũng ngăn phòng sáu căn, không lúc nào buông, đó gọi là sáu thời hành đạo.

Nhiễu tháp

Phàm nói nhiễu tháp hành đạo, thì tháp tức là thân vậy. Cần tu giác hạnh, xét quanh thân tâm, niệm niệm chẳng dừng, đó gọi là nhiễu tháp, tức đi quanh tháp vậy.

Trì trai

Cần hiểu rõ, nếu không thông đạt ắc uổng công tu.

Nói trai tức là chay, tức là nói “tề”, là sắp xếp vậy. Sắp xếp thân tâm cho tề chỉnh, ngay thẳng, đừng cho cong rối.

Nói trì tức là giữ tức nói “hộ”, tức là giúp vậy. Nơi giới hạnh, cứ theo pháp mà hộ trì, ngoài cấm sáu tình, trong ngăn ba độc, siêng năng tỉnh xét, thân tâm thanh tịnh. Có hiểu như vậy mới là chay lạt.

Còn ăn có năm thứ:

- Một là món ăn pháp hỷ, thức vui của pháp. Tức là y giữ chánh pháp, vui mừng vâng làm.

- Hai là món ăn thiền duyệt, đó là trong ngoài thanh lọc, thân tâm trong sạch.

- Ba là món ăn niệm thực, đó là thường niệm chư Phật, tâm và miệng hợp nhau

- Bón là món ăn nguyện thực, đó là trong lúc đi, dứng, ngồi, nằm luôn phát nguyện lành.

- Năm là món ăn giải thoát thực, đó tức là tâm thường thanh tịnh, chẳng nhuốm bụi tục.

Ăn năm món ăn ấy gọi là giữ giới, chay lạt