Tịnh độ
Hòa Thượng Tịnh Không Khai Thị
10/01/2557 07:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rộng Mở Tâm Lượng


Trong việc tu học Phật pháp, muốn tự nâng cao cảnh giới của chính mình, có rất nhiều phương pháp. Mở rộng tâm lượng là một trong các phương pháp, trong Ðại Thừa kinh điển, chúng ta thấy các vị Pháp Thân Ðại Sĩ, tức là những người đã minh tâm kiến tánh, tâm lượng của các ngài rộng lớn như hư không bao trùm khắp pháp giới. Chính vì thế cái nhìn của các ngài đối với tất cả chúng sanh trong hư không và các pháp giới đều bình đẳng.

 

Thế nào là bình đẳng? Vô niệm là bình đẳng, còn có niệm là không bình đẳng. Phật trụ vô niệm, trong kinh Kim Cang có câu: “Ưng vô sở trụ, sở trụ vô trụ”. Vô trụ tức là Phật trụ, mà vô trụ là vô niệm.

 

Chúng sanh trong chín pháp giới còn chỗ để trụ. Ví như Bồ Tát trụ ở cảnh giới Lục Ðộ. Duyên Giác trụ ở Nhân Duyên, Thanh Văn trụ ở Tứ Ðế, ngạ quỷ ở cảnh giới tham, địa ngục trụ nơi sân, súc sanh trụ ở cảnh si mê. Tâm của tất cả các chúng sanh này đều còn chỗ để trụ, để dính mắc. Nói cách khác, tâm của chúng ta như thế nào thì cảnh giới của chúng ta như thế đó. Phàm phu chúng ta muốn trụ nơi cảnh giới vô trụ của Phật là điều không thể đạt được. Tuy nhiên Phật có truyền dạy cho chúng ta một phương pháp vô cùng thù thắng và tiện lợi để có thể dự vào cảnh giới vô trụ của các ngài, đó là pháp môn Niệm Phật. Bồ Tát trụ ở Lục Ðộ, quý vị đã được nâng cao hơn đẳng cấp của Bồ Tát. Thế nhưng tiếng niệm Phật của quý vị phải tương ưng. Thế nào gọi là tương ưng? Mỗi một tiếng niệm Phật, quý vị phải trải lòng từ bi của mình đến với tất cả chúng sanh trong hư không và lan rộng đến khắp pháp giới. Mỗi tiếng niệm Phật đều vì lợi ích cho chúng sanh, đều mang lòng muốn ban vui cứu khổ đến mọi loại. Có người hỏi: “Tiếng niệm Phật của chúng ta, thực tế có lan rộng đến hư không các pháp giới không?” Khẳng định là được.

 

Trong kinh, Phật thường nói: “Tướng không rời tâm, tâm không rời tướng”; cái chân tâm của chúng ta nguyên gốc của nó rộng khắp hư không, trùm khắp pháp giới. Sở dĩ tiếng niệm Phật của chúng ta không hội nhập vào với hư không, vì chúng ta còn nhiều vọng tưởng, phân biệt và chấp trước làm chướng ngại bản năng tự nhiên của mình. Nếu âm ba của tiếng niệm hội nhập với âm ba của tâm (chơn tâm) lan rộng vào hư không, tiến sâu vào khắp pháp giới, cho dù chư Phật thuyết pháp ở xa xôi bất luận nơi nào, một khi tâm đã lắng đọng không còn chướng ngại, chúng ta vẫn có thể nghe được âm thanh lời pháp của các Ngài rất rõ ràng. Vì tâm từ bi của các ngài luôn trải rộng đến cõi Ta Bà này của chúng ta cũng như chúng sanh ở các pháp giới khác. Ðây là sự thật, không hề hư dối. Vậy thì âm ba của Phật có thể rộng khắp, âm ba của phàm phu chúng ta cũng có thể rộng khắp. Cho nên mở rộng tâm lượng trong pháp môn Niệm Phật là một phương pháp rất vi diệu, rất đặc biệt, thù thắng có thể khiến phàm phu trong một kiếp được bình đẳng thành Phật.

 

Người thật sự biết niệm Phật, sự lợi ích, niềm an lạc mà họ đạt được, phàm phu chúng ta không thể nào hiểu thấu, họ cũng không thể giải thích rõ cho chúng ta, vì có giải thích chúng ta cũng không hiểu (giống như ai uống nước, tự người đó biết nóng hay lạnh, mùi vị ngọt, đắng ra sao).

 

Nguyên tắc thuyết pháp của chư Phật cũng thế, những điều chúng sanh có thể hiểu được các Ngài mới nói, nếu không hiểu, tuyệt đối không nói. Tóm lại công phu Niệm Phật có đắc lực hay không, chúng ta có thể thấy, biết qua cảnh giới của tâm lượng và sắc tướng của người đó. Một khi công phu niệm Phật đắc lực rồi, chắc chắn trên gương mặt của quý vị luôn tỏa ra niềm vui an lạc, tự tại, trong đạo Phật gọi là “pháp hỷ sung mãn”.


hoasen.gif