Tịnh độ
Niệm Phật cảnh
Tác giả: Thích Minh Thành
22/05/2553 00:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Môn so sánh công đức
 
   Hỏi: Theo trong kinh A-di-đà, không thể dùng chút nhân duyên phước đức, căn lành mà được vãng sinh cõi kia. Chưa biết sao gọi là ít căn lành, sao gọi là nhiều căn lành?
   Đáp: Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Như Lai, nếu so sánh với pháp môn niệm Phật thì những việc lành xen tạp khác đều là ít căn lành, chỉ có một môn niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức.
   Vì sao biết được?
   Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, người Hạ phẩm Hạ sinh, thành tựu mười niệm liền vãng sinh Tịnh độ; niệm Phật một tiếng nhất định được diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp.
   Một niệm đã có thể diệt tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, ắt biết rõ rằng lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp. Do đó nên biết, một pháp niệm Phật tức là nhiều căn lành.
   Vả lại, những điều lành xen tạp khác là tự lực, người tu hành phải nhiều kiếp mới thành tựu. Tu hành niệm Phật vì nương nơi sức mạnh bản nguyện của Phật A-di-đà nên mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày, liền sinh Tịnh độ trụ nơi bậc Bất thối chuyển, do đó trong kinh A-di-đà nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói về Phật A-di-đà liền chấp trì danh hiệu. Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc lâm chung, Phật A-di-đà và chư Thánh chúng hiện ra trước mắt. Người ấy lâm chung tâm không điên đảo, được vãng sinh cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà”.
   Vì thế nên biết, một pháp môn niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức.

   Hỏi: Niệm Phật một tiếng có thể diệt tội của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, chẳng biết một kiếp là bao lâu?
   Đáp: Một kiếp không thể đếm được. Theo trong giáo lý, lấy một tảng đá cao rộng bốn mươi dặm, trên cõi trời Đao-lợi có thiên y rất mỏng và nhẹ, ba năm phất qua tảng đá ấy một lần, phất cho đến khi tảng đá thành vi trần, mới là một đại kiếp.
   Có một người tạo nhiều tội nghiệp, hoặc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, tham sân, tà kiến, tạo năm tội nghịch, bất hiếu, phỉ báng Đại thừa, tạo tất cả nghiệp ác. Nếu người này niệm Phật, tội trong sinh tử thảy đều tiêu diệt, lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp. Thế nên biết, một pháp môn niệm Phật này là nhiều căn lành, nhiều phước đức.
   Lại tính về số kiếp, mười ngàn kiếp mới thành một vạn kiếp, mười vạn kiếp mới thành một ức kiếp. Từ mười ức kiếp đến tám mươi ức kiếp thời gian ấy thật lâu dài vô kể.
   Nay chỉ niệm một tiếng Phật còn được công đức nhiều như thế, huống gì có người một ngày niệm mười vạn câu A-di-đà Phật, hoặc có người một ngày niệm hai mươi vạn câu, công đức ấy thật không sao kể xiết.
Theo kinh A-di-đà, một ngày hoặc bảy ngày niệm Phật công đức vô lượng vô biên. Do nhiều công đức nên vãng sinh Tịnh độ, vãng sinh Tịnh độ tức là Bồ-tát Bát Địa trở lên. Cho nên trong kinh A-di-đà, chư Phật trong mười phương cùng nhau khen ngợi là không thể nghĩ bàn.
   Những việc lành xen tạp khác suy xét được giới hạn, tính toán được số lượng nên gọi ít căn lành, đó là có thể nghĩ bàn.
   Niệm Phật công đức rộng lớn vô biên, tâm chẳng thể suy xét, miệng chẳng thể luận bàn. Thế nên, kinh nói chẳng thể nghĩ bàn.
   Do đó biết rằng, một pháp môn niệm Phật là nhiều căn lành, những căn lành khác chẳng thể sánh kịp.
   Vả lại, so sánh về công đức niệm Phật được phân làm ba bậc:
   - Một là so sánh một niệm.
   - Hai là so sánh mười niệm.
   - Ba là so sánh một ngày đến bảy ngày.
   Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Niệm Phật một tiếng diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp”.
   Chỉ công đức một kiếp còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là một trăm kiếp. Công đức ở trong một trăm kiếp còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là một ngàn kiếp. Công đức trong một ngàn kiếp còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là vạn kiếp. Công đức trong vạn kiếp chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là một ức kiếp, cho đến công đức trong tám mươi kiếp. Do không thể biết được số lượng nên gọi là công đức không thể nghĩ bàn. Cho nên trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng: “Người tạo năm tội nghịch, phỉ báng các kinh điển Đại thừa, lúc sắp mạng chung niệm mười câu A-di-đà Phật liền vãng sinh Tịnh độ”. Đây là pháp Hạ phẩm Hạ sinh. Công đức trong một niệm còn vô lượng, huống gì hai niệm cho đến mười niệm.
   Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, người phỉ báng kinh điển Đại thừa, dùng vật của thường trụ, phá nhiều giới cấm, tạo đủ các nghiệp ác, nhưng lúc lâm chung nếu xưng niệm một câu A-di-đà Phật thì được công đức, bao nhiêu tội ngiệp đã tạo thảy đều tiêu diệt hết, liền vãng sinh Tịnh độ. Thế nên, kinh nói: “Ở trong một niệm diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp”. Đây là pháp Hạ phẩm Trung sinh.

   Hỏi: Tội lỗi nghiệp chướng đã quá nhiều, tại sao niệm mười tiếng có thể trừ diệt tội lỗi trong nhiều kiếp?
   Đáp: Niệm Phật mười tiếng nhất định có thể diệt trừ tội lỗi trong nhiều kiếp. Do đâu biết được điều này? Xin nêu thí dụ để giải thích:
Ví như có người chất chứa củi cả ngàn ngày, nhưng nổi lửa đốt không hơn nửa ngày cháy hết. Tội nghiệp phiền não cũng như củi, công đức niệm Phật cũng như lửa mạnh. Tội lỗi nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay, do công đức của mười câu niệm Phật thảy đều được tiêu diệt.
   Vả lại, tội lỗi nghiệp chướng cũng như căn nhà tối ngàn năm, đèn sáng vừa soi, tối tăm xóa sạch. Công đức của sự niệm Phật cũng như thế. Tội lỗi nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay, do công đức niệm Phật A-di-đà tất cả thảy đều tiêu diệt. Vì thế nên biết, niệm Phật nhất định hay diệt trừ tội lỗi trong nhiều kiếp. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Vì ông xưng danh hiệu Phật nên các tội lỗi đều tiêu diệt. Ta đến tiếp dẫn ông”.
Hơn nữa, công đức của mười câu niệm Phật còn vô biên, huống gì có người một ngày niệm được mười vạn câu A-di-đà Phật, một ngày niệm được hai mươi vạn câu A-di-đà Phật.
   Công đức niệm Phật trong một ngày còn vô biên, huống gì công đức niệm Phật từ hai ngày đến bảy ngày.
   Theo kinh A-di-đà, người sắp mạng chung, mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày niệm Phật liền vãng sinh Tịnh độ. Còn nói: “Những chúng sinh được sinh về Tịnh độ đều là bậc Bất thối chuyển”, tức là Bồ-tát BátĐịa. Đây là pháp Thượng phẩm Thượng sinh.
   Do đâu biết được điều ấy?
   Ví như các loại cửa của thế gian, người nhiều tiền của làm cửa loại tốt, người nghèo khó làm cửa loại xấu.
   Người niệm Phật rất nhiều nên nhiều công đức, sinh về Tịnh độ vào hàng Thượng Thượng phẩm. Người niệm Phật rất ít vào hàng Hạ Hạ phẩm.
   Như Lai tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ một môn niệm Phật là pháp tối thượng. Như Lai tuy nói các công đức lành, chỉ có một pháp niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức. Các pháp môn khác thật chẳng thể sánh bằng pháp môn niệm Phật.
   Thế nên biết, một môn niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức. Hơn nữa, pháp niệm Phật theo các kinh nói rất khó gặp. Do đâu biết được điều đó?
   Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Thời quá khứ có một quốc vương, phát khởi lòng tin định thực hành pháp niệm Phật. Nhà vua bèn đến chỗ thiện tri thức mong cầu pháp niệm Phật. Bấy giờ, thiện tri thức bảo Đại vương rằng:
   - Lý tột cùng của pháp niệm Phật này rất khó nghe được. Đại vương là bậc tôn quí đâu thể học được.
   Nhà vua thưa với Đại sư:
   - Nếu người có thể vì ta nói về pháp cốt yếu của niệm Phật, ta sẽ trọn đời làm người cung cấp, hầu hạ.
   Bấy giờ thiện tri thức bảo nhà vua rằng:
   - Nếu vua muốn tu về pháp cốt yếu của niệm Phật nên bỏ ngôi vị, đến đây làm người cung cấp. Trải qua thời gian lâu dài không thối lui, tôi sẽ nói về pháp cốt yếu của niệm Phật cho Ngài.
   Bấy giờ nhà vua bèn bỏ ngôi vị, đi theo vị thiện tri thức cung cấp những điều cần thiết. Khi đó, nhân dân sống lâu vô lượng. Trải qua tám ngàn năm, nhà vua chịu cực khổ, chẳng ngại mọi nhọc nhằn, không sinh tâm lui sụt. Trong thời gian ấy, nhà vua hai lần được nghe nói về Niệm Phật tam-muội. Đời sau, nhà vua được gặp hai vạn tám ngàn chư Phật đồng vì ông nói về Niệm Phật tam-muội”.
   Nhà vua ấy, khi nghe pháp niệm Phật nên được thành Phật. Huống gì chúng ta hiện nay được nghe mà còn chí thành tin niệm, lẽ nào lại không được vãng sinh thế giới Cực Lạc ư?
   Muôn ức chúng sinh trầm luân trong đường ác không được thành Phật, chỉ vì không gặp được pháp môn niệm Phật này. Thế nên biết, pháp niệm Phật thật rất khó gặp!