Triết học
Triết lý về Nghiệp
Hòa Thượng Hộ Tông Vansarakkhita Maha Thera In Lần Thứ Nhất Tại Sài Gòn 1974, Tái Bản Tại Hoa Kỳ 1998 Tái Bản Tại Việt Nam 2001
15/02/2553 09:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

THIÊN XII

Nghiệp theo báo ứng

NGHIỆP THEO BÁO ỨNG[1]

Trong thiên này, giải về yếu điểm và xác định rằng có nghiệp thì phải có quả báo ứng mãi mãi đến người tạo.

Chúng ta khi đã gieo giống nào hằng hái quả ấy. Như gieo lúa, đậu thì gặt được lúa và đậu, không biến chất [2] như thế nào, thì người tạo việc lành hằng thụ quả vui; kẻ làm nghiệp dữ thường chịu quả khổ như thế ấy. Nghiệp tức là hành vi tạo tác.

Theo nhân thì có hai loại:

1.- Lành gọi là thiện nghiệp.
2.- Dữ gọi là ác nghiệp.

Lành là lòng tốt, tính chất tốt, đức hạnh, tiết nghĩa, tỉnh tháo, liêm khiết, chánh trực, trong sạch hay làm việc phước.

Dữ là hèn hạ, đê tiện hoặc bất chánh, bất lương, giả dối, không ngay thật, tội hoặc bất thiện.

Quả cũng có hai là:

1.- Quả lành.
2.- Quả dữ.

Về quả lành có hai là:

1.- Aanisamsa: Lợi đáng hưởng, đáng được, đáng có, có kết quả tốt.
2.- Nissandaphala: Quả ào vào nghĩa là nảy ra các vật như sinh ra người xinh đẹp giàu có.

Trong kinh Nidhikanda-suutra có giải về quả vui sinh ra làm:

1.- Người có nhan sắc trong sáng.
2.- Người có tiếng tốt.
3.- Người có hình dạng thích đáng.
4.- Người có hình ảnh đẹp.
5.- Người có thế lực.
6.- Người có nhiều bộ hạ.
7.- Được làm vua.
8.- Hoàng đế.
9.- Vị Chuyển Luân Vương.
10.- Trời Đế Thích.
11.- Người giàu có hạnh phúc.
12.- Người hưởng hạnh phúc trên cõi Trời.
13.- Người hưởng hạnh phúc Niết bàn.
14.- Người có nhiều bậu bạn.
15.- Người thuần thục trong sự minh triết và sự giải thoát.
16.- Bậc đắc 4 pháp phân tích.
17.- Người vô tư lự, được giải phóng.
18.- Bậc Thinh văn đáo bĩ ngạn.
19.- Đức Độc Giác.
20.- Đấng Chánh đẳng Chánh giác.

Về dữ cũng có 2 là:

1.- Vippa.tissaaraphala: Quả khích động, than van, buồn rầu, rên rĩ.
2.- Nissan.daphala: Quả ào vào phát sinh từ các vật không vừa lòng, như được của cải không tốt, hèn hạ dù không muốn vật ấy nó vẫn xảy ra. Như mình không mong được con cháu tàn tật, điên cuồng, mù điếc, ngu độn, phá hại gia sản mà vẫn phải chịu.

Như chúng ta quan sát thấy rõ rằng về thiện nghiệp, người có lòng trắc ẩn, chừa bỏ sự sát sinh, phần đông là người ít bệnh và được trường thọ.

Người chừa bỏ trộm đạo hằng có tâm bố thí, làm việc lành như cất dưỡng đường, dâng đất cất chùa, giúp đỡ kẻ nghèo khó, tật bệnh v.v. Phần nhiều là người giàu có, dễ tìm của cải và giữ được lâu dài đến con cháu, không có sự lo sợ hao hớt xảy ra đến của ấy.

Người chừa bỏ tà dâm, phần đông có con hiếu thảo, dễ dạy và trong gia đình của con cháu cũng hòa thuận, không có sự tranh chấp gia tài .

Người chừa bỏ sự nói dối, xúi giục, chửi mắng, khiển trách v.v. là kẻ chỉ tỏ lời ngay thật, êm dịu, hòa nhã, phần nhiều được vừa lòng, đuợc ca tụng cúng dường.

Người không uống rượu và các chất say hằng có trí nhớ, trí tuệ, không mê lầm đến trọn đời.

Về nghiệp ác, người ác tâm độc dữ hằng sát sanh hại vật, trộm đạo gian xảo, lường gạt, lấy của người tìm tài sản theo lối bất chánh, nói dối chửi mắng, xúi giục người chia rẽ, uống rượu và các chất say, hằng là người nhiều bệnh, hay gặp tai nạn, hao tài, tổn mệnh. Khi hấp hối hay có tâm mê loạn, lo lắng, băn khoăn, lăn lộn (động đậy, vật mình, khóc lóc, thở than như bị lửa thiêu). Dù có nhiều của cũng khó giữ được kiên cố, và bị con cháu tranh giành nhau rồi cũng tiêu tan, hoặc sẽ trở về phần người khác.

Người tà dâm hằng bị hại trong hiện tại.

Quả của nghiệp như đã giải, nếu chưa đến thì sau khi thác sẽ chịu khổ trong kiếp sau, chắc chắn không sai vậy.

Có kẻ hỏi: nhiều người hoài nghi hay hiểu lầm rằng, cớ sao kẻ làm lành không gặp vui mà người dữ lại được hạnh phúc, thạnh vượng như thế, lời dạy của Đức Phật có sai chăng?

Theo lời hỏi đây, có giải rằng: Nói làm lành ấy họ làm ra sao? Vì có người lầm rằng, dù họ làm lành cũng có điều sơ sót, không để ý nhớ, cố gắng lưu tâm đến phận sự chân chánh ngay thật. Họ có ý kiến độc đoán, cang ngạnh, khoe mình thái quá, phỉ báng kẻ khác cho đến bậu bạn cùng làm việc chung và kẻ phục dịch, họ lại còn làm cho người ngờ vực nữa. Nhân đó điều nói là làm lành ấy là phải có đủ hành vi tốt đẹp biểu hiện [3] cùng một lúc nghĩa là làm lành theo sự hiểu biết? Thực hành bằng sự sáng trí đồng thời với Thân, Khẩu, Ý chính đáng không khuyết điểm, không tỳ vết nào nghĩa là phải ngay thật, liêm khiết cả các cái lành và lòng ngay thật nữa, như vậy thì phúc phận [4] không hư hỏng .

Về người làm dữ mà được vui, có thể nhờ nghiệp lành của họ trong kiếp Này hoặc kiếp trước theo báo ứng cho quả vui trong lúc ấy. Những nghiệp dữ của họ sẽ phải cho quả khổ, theo báo trả lại không sai .

Điều căn bản quan trọng không nên quên là:

Dù người làm dữ nhưng còn gặp quả vui vì quả dữ chưa tới, phước báo trong quá khứ còn cho quả trong hiện tại, nhưng khi quả khổ đến, người làm dữ hằng chịu khổ chẳng sai.

Dù người làm lành, nhưng còn chịu quả khổ vì nghiệp lành chưa cho quả, do tội ác trong quá khứ còn lại trong hiện tại. Song khi quả lành đến, họ hằng thấy vui, thật vậy.

Về phần cho quả của nghiệp, chúng ta có thể chia ra làm 3 căn bản là:

1.- Nghiệp mà người đã tạo trong quá khứ (cả nghiệp lành và nghiệp dữ) hằng cho quả trong quá khứ cũng cho quả trong hiện tại và trong tương lai.

2.- Nghiệp lành và nghiệp dữ mà người đã tạo trong hiện tại hằng cho quả trong lúc này hoặc trong tương lai cũng có.

3.- Nghiệp lành và nghiệp dữ mà người sẽ tạo trong tương lai, thường chỉ cho quả trong tương lai mà thôi, không đảo ngược.

Trong kinh Cuulakammavibha.ngasuutra có thuyết về quả của nghiệp, ghi rõ rệt theo ý kiến của Phật giáo rằng:

1.- Người yểu tử, vì tội dư sót của sự sát sinh đã làm trong quá khứ.

2.- Người có nhiều bệnh hay lo sợ bị hãm hại, là người làm hại, đánh đập làm khổ chúng sinh.

3.- Người có màu da xấu xí vì tội sân hận, bất bình, làm hại, thù oán kẻ khác.

4.- Người vô thế lực hằng là hạng thấp hèn vì tội ganh tỵ, vu oan đổ lỗi cho kẻ khác.

5.- Người sinh ra trong dòng hạ tiện, nghèo khó vì tội canh nạnh, khinh rẻ kẻ khác, không tôn trọng, kính nhường bậc đáng cúng dường .

6.- Kẻ ăn xin vô tài sản, dù kiếm được của rồi, gìn giữ cũng không lâu, bị nhiều tai hại, hao tốn tài sản, vì trộm đạo hay bủn xỉn, keo kiết, không chia sớt đến kẻ khác.

7.- Người ngu độn, vô trí tuệ vì tội cứng cỏi, không tìm học hỏi với hàng học thức hoặc chế giễu kẻ khác có trí tuệ không bằng nhau.

Về nghiệp lành ý nghĩa trái ngược với nghiệp dữ.



Chú thích:

[1] Báo ứng: trả lại.
[2] Biến chất: thay đổi ra thứ khác.
[3] Biểu hiện: bày ra.
[4] Phúc phận: phần phước đượchưởng.

Các tin đã đăng: