PHẦN 1. CON
NGƯỜI & VŨ TRỤ
01. Vài Huyền Thoại Cổ Xưa
Về nguồn gốc con người và vũ trụ
Trước hết, chúng ta hãy đi ngược
trở lại thời tiền sử. Khi đó con người cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước thiên
nhiên, từ những cơn bão tố sấm sét, những cuộc động đất, lụt lội, những kỳ núi
lửa phun ra nham thạch v.v... những hiện tượng con người khi đó không thể giải
thích vì chưa đủ trí tuệ để hiểu. Ngoài ra con người còn phải đối diện với trăm
thứ bệnh tật, bất an trong cuộc đời. Cho nên, thật là dễ hiểu khi chúng ta thấy
con người thời đó nghĩ rằng, chắc những thiên tai, bệnh tật kể trên phải có một
nguyên nhân sâu xa nào đó nằm ngoài sự hiểu biết của họ, và họ đã qui mọi hiện
tượng thiên nhiên về hoạt động của những bậc siêu nhiên mà họ gọi là Thần
(Gods). Người Ki Tô giáo gọi Thần của họ (Christian God) là Thượng Đế hay Thiên
Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu về bản chất, Thiên Chúa hay Thần của Ki Tô
Giáo không có gì khác so với những Thần khác trong dân gian (Xin đọc A History
of God của Karen Armstrong hay A World
Full of Gods của Keith Hopkins). Nhưng vì đã quen thuộc, cho nên
trong cuốn sách này tôi vẫn dùng những từ như Thiên Chúa hay Thượng đế để chỉ
“Thần Ki Tô” (Christian God), tuy rằng trên thực tế không có Thần nào có thể là
Thiên Chúa hay Thượng đế, xét đến nguồn gốc cấu trúc của vũ trụ và tất cả những
khám phá mới trong rất nhiều bộ môn khoa học.
Khi xưa, khi mà đầu óc con người
còn ở trong tình trạng phôi thai, trong một số tôn giáo, sét được coi như là
những lưỡi gươm của Thần của họ giáng xuống nhân loại, sấm được coi như là
tiếng nói trong cơn thịnh nộ của Thần, những bệnh dịch tả, dịch hạch, vì có
tính truyền nhiễm nên làm chết hại nhiều ngàn người vì chưa có thuốc phòng ngừa
hay chữa chạy, cũng được coi như là họa của Thần giáng xuống đầu con người để
trừng phạt con người vì tội đã làm phật ý Thần hay không tuân theo những luật
của Thần, những luật mà theo tiêu chuẩn đạo đức xã hội ngày nay, khó ai mà có
thể chấp nhận. Con người thời đó tin rằng Thần của họ có thể ban phúc giáng họa
trên họ. Bởi vậy, tục lệ Tế Thần hầu như nơi đâu cũng có. Nhưng con người lại không
chịu dậm chân tại chỗ, cho nên ngày nay, chúng ta đã hiểu, và hiểu rất rõ, bệnh
tật từ đâu mà ra, tại sao có sấm, sét, và tiên đoán được khi nào có sấm, sét và
có ở đâu v.v... Do đó, những quan niệm thuộc loại mê tín như Thần có thể ban
phúc, giáng họa cho nhân loại là những quan niệm đã lỗi thời, không phù hợp với
những thực tế ở ngoài đời. Nhưng buồn thay, niềm tin vô căn cứ này vẫn còn đè
nặng trên đầu óc của một số người, không chỉ ở trong những ốc đảo ngu dốt (từ
của Linh mục Trần Tam Tĩnh) mà còn trong ngay cả những nước Âu Mỹ được coi là
văn minh tiến bộ nhất thế giới.
Có thể nói, cách đây mấy ngàn
năm, mỗi nền văn hóa đều có một cách giải thích khác nhau về nguồn gốc con
người và vũ trụ. Điểm chung của các quan niệm thuộc đa số các nền văn hóa khác
nhau này là: có một vị Thần, hoặc dưới dạng người, hoặc dưới dạng sinh vật, đã
tạo nên vũ trụ và con người. Sau đây tôi sẽ lược duyệt một số thần thoại, hay
huyền thoại, hay truyền kỳ (myth) cũng như một số thuyết khoa học về nguồn gốc
con người và vũ trụ. Chúng ta cần phân biệt huyền thoại và thuyết khoa học.
Huyền thoại là những chuyện được lưu truyền trong dân gian, do sự tưởng tượng
của con người, đưa ra những giải thích về thiên nhiên, lịch sử vũ trụ, thế
gian, con người, và thường đặt trọng tâm vào vai trò của những bậc siêu nhiên
được tạo thành theo trí óc, tưởng tượng của con người. Huyền thoại không dựa
trên căn bản luận lý, thực nghiệm cho nên đối với các huyền thoại, con người
hoặc tin hoặc không tin, hay theo lời Giáo Hoàng John Paul II, giáo chủ của Ca
Tô Giáo La Mã (Roman Catholicism) mà các tín đồ Việt Nam thường dùng cưỡng từ
“Công giáo” để gọi, con người chỉ có thể hoặc chấp nhận, hoặc chối bỏ. Nhưng
chúng ta cũng phải công nhận là, tuy huyền thoại là những chuyện giả tưởng,
nhưng là giả tưởng có ý nghĩa, và do đó có thể đáp ứng được khát vọng của con
người về một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống, của những người đầu óc mộc
mạc, không quan tâm đến suy luận hay tìm tòi, dễ dàng thỏa mãn với những giải
đáp dễ dãi, những hứa hẹn hấp dẫn về một cuộc sống đời đời, với một giá rất rẻ:
chỉ cần tin vào một vị Thần và cho rằng vị Thần này có khả năng cứu rỗi con
người. Đối với những người này thì tin là một cách sống chết, không cần biết,
không cần hiểu (Đỗ Mạnh Tri trong Ngón
Tay và Mặt Trăng), một niềm tin đặc thù của những "bà lão công
giáo nhà quê" (Linh mục Thiện Cẩm). Trái lại, một thuyết khoa học dựa trên
sự quan sát sự việc, trên thực nghiệm và kiểm chứng. Trong Phật Giáo, Thần chỉ
giữ vai trò hộ Pháp, và những thành quả của người theo đạo Phật là thuần túy
dựa trên quán chiếu (quan sát sự việc như chúng thực là như vậy), thực nghiệm
và tự chứng.
Sự khác biệt đặc biệt nhất giữa
một huyền thoại và một thuyết khoa học là: một thuyết khoa học, tuy đã được
kiểm chứng là phù hợp với những dữ kiện, kết quả của những nghiên cứu khoa học,
những quan sát, những kết quả thực nghiệm v.v... nhưng luôn luôn dành chỗ cho
những chống đối hay phản bác hợp lý và phù hợp với những dữ kiện mới, khám phá
mới. Cho nên một thuyết khoa học không bao giờ được coi là chung cùng, mà chỉ
có tính cách giai đoạn, chỉ đúng cho đến khi có một thuyết mới chứng tỏ ngược
lại hoặc chứng tỏ thuyết cũ chỉ có một áp dụng giới hạn chứ không áp dụng được
một cách phổ quát. Trái lại, những người dẫn dắt con người tin vào một huyền thoại,
những chức sắc tôn giáo độc Thần Tây phương, lại khẳng định rằng những điều
mình tin, không cần biết, không cần hiểu, là những chân lý Thiên khải, và nhiều
khi sử dụng đến cả những phương cách bạo tàn như tra tấn, giết chóc, thiêu
sống, chiến tranh v.v... để ép buộc quần chúng cũng phải tin như vậy, tuy rằng
lịch sử đã chứng minh rằng những chân lý này là sai lầm và đã phải giải thích
lại nhiều lần, với tất cả những co dãn trong tiểu xảo vận dụng ngôn ngữ. Tệ hơn
nữa, để nhốt con người vào vòng mê tín huyễn hoặc, đồng thời để tạo quyền lực
tự phong trên đám tín đồ thấp kém, họ còn bịa đặt ra một số tín điều mà họ gọi
là những "bí tích", "nhiệm tích"v.v..., vượt ngoài sự hiểu
biết của con người, bắt tín đồ phải tin, không được chất vấn, không được đòi hỏi
sự giải thích v.v... vì thực tế là họ không thể giải thích được thế nào cho hợp
lý. (Xin đọc Đức Tin Công Giáo của Trần Chung Ngọc, Giao Điểm xuất bản, 2000).
Năm 1930, trong một bữa tiệc,
khi nâng ly chúc tụng Albert Einstein, cha đẻ của thuyết Tương Đối, đại văn hào
George Bernard Shaw đã phát biểu một câu rất ý nhị như sau:
"Niềm tin vào Thần Ki Tô
giải thích được mọi sự trong vũ trụ vật chất, do đó chẳng giải thích gì cả...
Tôn giáo (độc Thần) bao giờ cũng đúng. Tôn giáo giải đáp mọi vấn đề và như vậy hủy bỏ mọi vấn đề trong vũ trụ...
Khoa học đối ngược hẳn lại. Khoa học bao giờ cũng sai. Khoa học không bao giờ
giải đáp một vấn đề mà không tạo ra thêm mười vấn đề."1
Sau đây là vài huyền thoại về
nguồn gốc con người và vũ trụ. Sự chọn lựa những huyền thoại này trong số hàng
trăm huyền thoại trên thế gian là có chủ ý, để cho quý độc giả thấy rằng quan
niệm về một vị Thần sáng tạo ra vũ trụ và muôn vật muôn loài không phải là một
quan niệm đặc thù của một tôn giáo nào đó mà chúng ta vẫn thường tưởng lầm hay
tin lầm như vậy. Những huyền thoại sáng tạo sau đây được viết dựa theo tài liệu
trong cuốn “Origins: A Skeptic Guide To
The Creation of Life on Earth”, Bantam Books, New York, 1987, của Robert
Shapiro.
1.1. Huyền thoại sáng tạo
(Creation Myth) của dân Eskimo:
Sinh vật đầu tiên ở trên thế
gian mà chúng ta biết có tên là Cha Quạ (Father Raven). Cha Quạ tạo ra mọi đời
sống trên trái đất, và là nguồn gốc của mọi thứ. Khởi thủy Quạ vốn có hình
người và là một bậc toàn năng, nhưng sau trở thành con quạ.
Cha Quạ đột nhiên thức tỉnh tâm
thức và thấy mình đang nằm trong sự tối tăm. Cha không biết mình sinh ra tự đâu
và đang ở đâu. Mọi vật xung quanh đều tối đen nên cha không nhìn thấy gì. Cha
mò mẫm trong tăm tối nhưng chỉ cảm thấy toàn là đất sét. Cha sờ lên mình lên
mặt và thấy mình là một con người, một người đàn ông. Ngoài ra, trên trán cha
có một cái u cứng, cái u này về sau biến thành cái mỏ quạ, nhưng lúc bấy giờ
cha không biết được như vậy.
Cha Quạ bò trên đất sét để thám
hiểm xung quanh mình. Trong khi mò mẫm cha đụng phải một vật cứng, cha vội chôn
vật này xuống đất sét. Tiếp tục công cuộc thám hiểm đột nhiên cha tới một bờ
mé, nên cha quay trở lại. Bỗng nhiên cha nghe thấy tiếng vù vù trên đỉnh đầu
rồi một vật nhỏ bé đậu ngay lên tay cha. Dùng tay sờ sinh vật nhỏ bé này cha
biết nó là một con chim sẻ. Con chim sẻ này đã hiện hữu nơi đây trước cha và
tình cờ đậu vào tay cha trong tối tăm. Cha không hề biết là có con chim sẻ ở
đây cho đến khi nó đậu vào tay cha.
Cha Quạ tiếp tục công cuộc thám
hiểm của mình và trở lại nơi cha đã chôn một vật cứng trước đây. Vật cứng đó đã
trổ rễ và mọc thành một bụi cây. Trên khoảng đất sét xung quanh đó nhiều cây cỏ
khác đã mọc lên. Cha cảm thấy mình cô độc nên lấy đất sét nặn thành hình một
người giống mình và chờ đợi. Cái tượng đất sét này biến thành sống động và bắt
đầu đào bới mãi không thôi. Cái người mới này rất dễ nổi nóng và có nhiều thái
độ thô bạo. Cha Quạ không ưa người này nên kéo hắn ra chỗ bờ mé và ném hắn
xuống vực thẳm. Về sau con người bị ném xuống vực này trở thành nguồn gốc của
mọi sự xấu ác ở trên đời. Cha Quạ trở lại chỗ bụi cây và thấy chúng đã trở
thành một rừng câỵ Cha tiếp tục thám hiểm mọi phía xung quanh mình nhưng phía
nào cũng chỉ thấy toàn là nước, trừ phía đã dẫn cha đến cái bờ mé kia. Trong khi
đó thì con chim sẻ luôn luôn bay trên đầu Cha Quạ, nên cha nhờ con chim sẻ bay
xuống vực quan sát tình hình dưới đó. Sau khi tham quan, con chim sẻ trở lại
cho cha biết là có một vùng đất mới ở dưới đó.
Cha Quạ và con chim sẻ ở trên
một vùng đất gọi là trời hay thiên đường (heaven). Vùng đất ở phía dưới, cha
gọi nó là trái đất (earth). Cha sờ nắn con chim sẻ và thấy nó có cánh. Cha bèn
lấy nhánh cây làm cho mình một đôi cánh giống như cánh của con chim sẻ. Những
nhánh cây biến thành cánh thật, và mình mẩy cha mọc lông đen, cái u trên trán
biến thành cái mỏ. Cha đã trở thành một con chim lớn đen thui, và cha tự gọi
mình là con quạ.
Con Quạ cùng con chim sẻ bay từ
trên thiên đường xuống trái đất, cả hai đều mệt lả sau chuyến bay. Sau khi nghỉ
ngơi cho khỏe khoắn, con Quạ trồng cây trên trái đất như là đã trồng trên thiên
đường, và rồi tạo ra giống người. Có người cho rằng Quạ lấy đất sét tạo ra
người cũng như đã từng làm ở trên Thiên đường trước đó. Thế rồi Quạ tạo ra mọi
sinh vật khác.
Sau khi tạo ra mọi sinh vật và
chúng tăng gia sinh sản trên trái đất, con Quạ mới triệu tập loài người và bảo
họ: Ta là Cha của các người. Nhờ có ta mà có các người và có đất đai để mà
sống. Các người không được quên ta, phải thờ phụng ta. Rồi Quạ bay trở về Thiên
đường.
Suốt thời gian sáng tạo trên, vũ
trụ hoàn toàn tối tăm. Bấy giờ con Quạ mới lấy những viên đá lửa để tạo thành
những ngôi sao, và một ngọn lửa lớn để soi sáng trái đất. Đó là tại sao trái
đất, loài người và mọi sinh vật khác hiện hữu, nhưng trước khi tất cả những thứ
trên hiện hữu thì đã có cha Quạ rồi, và con chim sẻ lại hiện hữu trước cả Cha
Quạ.
1. 2. Huyền thoại sáng tạo của
dân Ấn Độ:
Ấn độ có nhiều huyền thoại về
nguồn gốc con người và vũ trụ. Theo Áo Nghĩa Thư (Upanishad) thì huyền thoại
sau đây được ghi vào khoảng 700 năm trước thời đại này:
Thoạt kỳ thủy, vũ trụ này chỉ là
cái Ngã (Self) dưới dạng người. Hắn (cái Ngã) nhìn xung quanh và không thấy bất
cứ gì khác nên kêu to lên: Chỉ có Ta; từ đó quan niệm về cái Ta khởi giậy.
Rồi hắn cảm thấy sợ hãi. (Đây là
lý do con người sống cô độc thường hay sợ hãi). Nhưng rồi hắn suy nghĩ:
"Chỉ có một mình ta ở đây, vậy có gì mà phải sợ hãi?" Và hắn hết sợ.
(Con người sợ là sợ một cái gì đó).
Tuy nhiên, hắn không lấy gì làm
vui (sống cô độc thường không vui) nên muốn có bạn đời. Cái Ngã này bèn tự phân
ra làm hai phần, và từ đó cặp tình quân và tình nương đầu tiên được sinh ra, và
nhân loại sinh ra bắt đầu từ đó.
Nhưng sau đó nàng suy nghĩ:
"làm sao mà chàng ngẫu hợp với ta được vì ta chính là một phần của chàng?
Vậy thôi ta hãy trốn đi cho rồi." Để trốn chàng, nàng biến thành con bò
cái. Chàng bèn biến theo thành con bò đực, và từ đó các loài trâu bò xuất hiện.
Rồi nàng biến thành con ngựa cái, con lừa cái, con dê cái v.v... và chàng biến
theo thành những con đực để cặp đôi với nàng. Từ đó tất cả các sinh vật trên
thế gian, từ những sinh vật lớn cho đến những con sâu con kiến, xuất hiện. Thế
rồi chàng ý thức được rằng chàng chính là đấng sáng tạo vì khởi thủy của mọi
vật chính là chàng. Từ đó sinh ra quan niệm về sáng tạo.
1.3. Huyền Thoại Sáng Tạo Ba-Tư (Huyền thoại Zoroaster):
Zoroaster là tên Hi Lạp của nhà
tiên tri Ba Tư Zarathustra, sống ở Ba Tư vào khoảng 1500 năm Trước Tây Lịch
(TTL) hay trước thời đại chung hay công nguyên (common era: C.E.). Ngày nay, đa
số học giả dùng chữ trước công nguyên (B.C.E.) và công nguyên (C.E.) thay cho
những danh từ tôn giáo B.C (Before Christ) và A. D (Anno Domino), những danh từ
đã trở thành lỗi thời trong một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Trước Công
Nguyên viết tắt là TCN, nhưng thay vì Công Nguyên tôi thường dùng từ Tây Lịch
[TL].
Huyền thoại Zoroaster không tin
vào một vị Thần toàn năng, sáng tạo ra muôn loài, muôn vật, vì cho rằng quan
niệm toàn năng đưa đến một nghịch lý: Nếu Thần toàn Thiện thì Thần không thể
toàn năng, vì Thần bất lực trước sự hiện hữu của những sự xấu ác trên thế gian;
và nếu Thần toàn năng thì Thần không thể toàn Thiện, vì Thần dung dưỡng những
sự xấu ác ở trên đời. Cho nên, huyền thoại Zoroaster quan niệm có hai vị Thần
riêng biệt, ông Thiện làm chủ những việc thiện, tốt, và ông Ác làm chủ những
việc xấu, ác.
Theo huyền thoại Zoroaster thì
đấng sáng tạo là Ahura Mazda, về sau được biết dưới tên Ohrmazd. Thần Ohrmazd
đã hiện hữu từ muôn thuở, trên Thiên Đường, trong ánh sáng và tính thiện. Còn
vị Hung Thần, Angra Mainyu, sau được biết dưới tên Ahriman, ngự trị ở dưới
trần, trong tối tăm và vô minh. Thoạt kỳ thủy, Ohrmazd tạo ra những Thiên Thần
trên Thiên đường rồi sau đó tạo ra vũ trụ như là một cái bẫy để nhốt những sự
xấu ác. Trong vũ trụ, Thần Ohrmazd tạo ra thế giới tâm linh trước rồi thế giới
vật chất sau. Vũ trụ của Thần có hình dạng của một quả trứng, trái đất bập bềnh
ở giữa. Trái đất có dạng của một cái đĩa dẹt. Thần Ohrmazd cũng tạo ra con
người hoàn hảo, Guyomard, và con bò rừng nguyên thủy, con bò này là nguồn gốc
của mọi súc vật và cây cỏ. Trong khi đó thì Ác Thần Ahriman bận bịu tạo ra
những con vật đáng ghê như rắn rết và kiến.
Bản tính của Ahriman là phá hoại
cho nên hắn tấn công những tạo vật của Ohrmazd. Hắn len lỏi vào vũ trụ theo
đường chân trời. Hắn thả những tạo vật của hắn ra tấn công con người và con bò
rừng, tạo nên sự đau khổ và chết chóc. Nhưng khi hắn và những tạo vật của hắn
rời khỏi vũ trụ thì hắn thấy lối ra đã bị bít kín và không có cách nào thoát ra
được. Con bò rừng sinh ra những mầm giống từ đó nảy nở ra những súc vật và cây
cỏ. Từ hạt giống người mọc lên một cái cây, lá của cây này trở thành cặp nam nữ
đầu tiên. Cái ác nay đã bị mắc bẫy trong vũ trụ, do đó Thiện và Ác tiếp tục
chống nhau trong suốt dòng lịch sử kể từ khi mọi vật được sáng tạo.
1.4. Huyền Thoại Sáng Tạo Do Thái - Ki Tô
(Judeo-Christian Creation Myth):
Huyền thoại sáng tạo Do Thái -
Ki Tô là kết quả cóp nhặt, pha trộn của nhiều huyền thoại sáng tạo dân gian. Do
đó, huyền thoại sáng tạo Do Thái - Ki Tô không có gì đặc biệt và đáng tin hơn
các huyền thoại sáng tạo khác. Tuy nhiên, vì Ki Tô Giáo đã bành trướng mạnh
trên thế giới bằng gươm giáo, súng đạn với chính sách xóa bỏ những nền văn hóa
khác, tín ngưỡng khác, cưỡng bách cải đạo v.v... do đó đã tiến tới địa vị bá
chủ ở Âu Châu trong hơn 1500 năm, cho nên hiện nay có nhiều người tin vào huyền
thoại này, vào khoảng từ 25 đến 30% dân số trên thế giới, hơn 70% số người này
thuộc các quốc gia kém mở mang nhất trên thế giới như ở Phi Châu, Châu Mỹ La
Tinh, Nam Mỹ, Phi Luật Tân và ở vài cộng đồng nhỏ ở Á Châu. Vì huyền thoại này
là niềm tin của khoảng 7% dân Việt Nam theo Công Giáo La Mã cho nên
tôi sẽ trình bày với nhiều chi tiết hơn và kèm theo vài lời nhận xét về huyền
thoại này. Những lời nhận xét này không có mục đích bác bỏ một niềm tin tôn
giáo mà chỉ đưa ra để độc giả thấy sự khác biệt và tiến triển của trí tuệ con
người qua các thời đại, từ xưa tới nay.
Huyền thoại sáng tạo Do Thái -
Ki Tô được viết trong Thánh Kinh Ki Tô, Cựu Ước, chương 1 và 2 của quyển đầu:
Sáng Thế Ký, trong hai chương này chúng ta nên để ý là có hai huyền thoại sáng
tạo hoàn toàn khác nhau. Vì chương Sáng Thế trong Cựu Ước được coi như là những
lời mặc khài của Thần Ki-Tô đọc cho Moses viết nên không thể sai lầm, cho nên
khi đọc Thánh Kinh chúng ta không biết phải tin huyền thoại sáng tạo nào, huyền
thoại trong chương 1 hay huyền thoại trong chương 2? Đối với những người có đầu
óc phân tích với chút ít luận lý thì khi chúng ta không có căn bản nào để quyết
định chọn huyền thoại nào trong hai huyền thoại trên, chúng ta phải loại bỏ cả
hai. Nhưng đối với những tín đồ Ki Tô Giáo thì đây lại là một vấn đề khó giải
quyết vì họ không có cách nào trả lời cho suôi một số câu hỏi: tại sao cả hai
huyền thoại đều là những lời mặc khải của Thần Ki Tô mà lại hoàn toàn khác
nhau? Vậy có thật đó là những lời mặc khải của Thần Ki-Tô không? Nếu không
phải, thì những huyền thoại đó có đáng tin hay không? Tại sao lại đáng tin và
phải tin huyền thoại nào? Ngày nay, các học giả đã đồng thuận ở một điểm: Cựu
Ước không phải là những lời của Thần Ki Tô "mặc khải" cho Moses, và
Ngũ Kinh, năm quyển đầu trong Cựu Ước, không phải là Moses viết mà là do bốn
môn phái khác nhau trong xã hội Do Thái viết trong vòng mấy trăm năm sau khi
Moses chết.
Để cho vấn đề thêm sáng tỏ, tôi
xin tóm tắt hai huyền thoại sáng tạo trong Cựu Ước:
Theo Sáng Thế 1 thì con người và
vũ trụ gồm mọi vật trong đó được Thần Ki-Tô tạo ra trong 6 ngày như sau:
- Ngày thứ nhất: Tạo ra ánh
sáng, chia ánh sáng ra làm hai phần: sáng và tối, gọi phần sáng là ban ngày,
phần tối là ban đêm. Đó là ngày thứ nhất, gồm có buổi sáng (morning) và buổi
tối (evening).
Theo Thánh Kinh thì Thần Ki-Tô
tạo ra ánh sáng bằng một lời phán: "Có ánh sáng nè", ánh sáng liền
hiện ra. Có một thắc mắc cần nêu lên: Khi đó chỉ có một mình Thần Ki Tô, chưa
có con người, vậy ai là người ở đó để mà nghe thấy Thần nói: "Có ánh sáng
nè" và viết lại trong Cựu Ước như vậy? Thắc mắc này cũng áp dụng cho mọi
lời “Rồi Thần nói” (Then God said..) trong Cựu Ước “trước khi” Thần tạo ra con
người. Do đó huyền thoại trong Sáng Thế Ký hoàn toàn vô nghĩa vì không ai có
thể biết được Thần Ki Tô làm gì lúc “ban đầu”. Giáo hội dạy rằng Ngũ Kinh (5
quyển đầu trong Cựu Ước) là những lời mạc khải của Thần cho Moses viết. Nhưng
ngày nay tất cả các học giả nghiên cứu Thánh Kinh đều khẳng định rằng Ngũ Kinh
tuyệt đối không phải là những lời “mạc khải” của Thần cho Moses, vì Moses không
phải là tác giả của Ngũ Kinh trong Cựu Ước. Cho nên, ngay từ đầu, chuyện Sáng
Thế trong Cựu Ước chỉ là chuyện tưởng tượng của dân Tộc Do Thái, nghĩ ra để
giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người, phù hợp với lịch sử và niềm tin của
họ khi đó. Theo tác giả Ngô Triệu Lịch thì tất cả chỉ là đoán mò, và Ki Tô Giáo
đã được xây dựng trên một nền Thần Học đoán mò.
Điều thú vị là, ngày nay ai cũng
làm được cái chuyện Thiên Chúa của Ki Tô Giáo làm lúc “ban đầu”, cách đây
khoảng 6000 năm trong khi vũ trụ đã hiện hữu khoảng 14 tỷ năm, và trái đất của
chúng ta cũng đã hiện hữu khoảng 4 tỷ rưỡi năm. Chúng ta chỉ cần nói: "có
ánh sáng nè" và tay bật một công-tắc điện là có ngay ánh sáng. Điều này
thì Thiên Chúa toàn năng toàn trí của Ki Tô Giáo làm không được, khi Thiên Chúa
“sáng tạo” (sic) ra thế giới, Thiên Chúa không biết điện là gì vì con người
chưa phát minh ra điện cho nên chúng ta không hiểu Thiên Chúa tạo ra ánh sáng
loại nào.
Rồi “Thánh Kinh” viết tiếp,
Thiên Chúa chia ánh sáng đó ra làm hai phần, sáng và tối, gọi phần sáng là ngày
và tối là đêm. Thiên Chúa gọi ngày và đêm bằng tiếng nước nào, tiếng Hi Lạp, Do
Thái hay tiếng Lèo, và tại sao lại gọi bằng tiếng nước đó.
Mặt khác, ngày và đêm chỉ có
nghĩa đối với con người trên trái đất, và tùy thuộc vị trí của mặt trời đối với
trái đất. Thí dụ, ở bên Mỹ (tùy nơi) là 12 giờ đêm thì ở Việt Nam đã là trưa
ngày hôm sau. Cho nên, chúng ta không thể có một ý niệm nào về ngày và đêm nếu
không có mặt trời và chuyển động biểu kiến (có nghĩa là trông thấy vậy mà không
phải vậy) của mặt trời đối với trái đất. Thời gian mặt trời soi sáng phần nào
của trái đất thì ở đó ta gọi là ngày. Khoảng thời gian không có ánh sáng mặt
trời chiếu vào thì gọi là đêm. Do đó, không ai có thể chia ánh sáng mặt trời
thành hai phần, sáng và tối, vì mặt trời là một khối lửa vĩ đại, luôn luôn tỏa
chiếu ánh sáng. Trí tuệ của những người viết Cựu Ước chưa đạt đến trình độ để
hiểu những hiện tượng trong vũ trụ cho nên viết là Thiên Chúa của họ chia ánh
sáng làm hai phần sáng và tối. Chưa kể là trong ngày thứ nhất, Thiên Chúa chưa
tạo ra mặt trời, mặt trăng, sao v.v..., vậy cái ánh sáng Thiên Chúa tạo ra là
loại ánh sáng nào. Đó chẳng qua chỉ là một cách giải thích của những người tin
vào quyền phép của một vị Thần mà họ tin, những người có đầu óc thuộc thời bán
khai, cách đây khoảng từ 2500 đến 2900 năm, thời gian 400 năm bốn môn phái
Jehovah (J), Elohim (E), Deuteronomy (D), và Priest (P) dùng để viết Ngũ Kinh
mà "người ta" vẫn rao giảng là do Thần Ki Tô mặc khải cho Moses
viết...
- Ngày thứ nhì: Dựng nên một vòm
(firmament) và gọi là Trời (Heaven).
Muốn hiểu vòm Trời trên có hình
dạng ra sao, chúng ta hãy đọc lời giải thích của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ, một tín
đồ Ca Tô trong khoảng 30 năm hồi thiếu thời, viết trong bài "Ít Nhiều Nhận
Định về Thiên Chúa Giáo", đăng trong cuốn Tại Sao Không Theo Đạo Chúa, Tập
I, trang 16:
"The New Jerusalem Bible
của Công Giáo dịch là Vault (vòm), và chú rằng người dân Semites xưa coi cái
vòm trời đó cứng chắc, có thể giữ nước ở phía trên, không cho rơi xuống trần
gian. Nó hình nửa vòng cầu, hoặc như cái chảo úp, như ta thường trông thấy. Nó
chắc chắn là phải hết sức cứng vì có thể chứa được một số nước khổng lồ bên
trên. Vòm trời đó, theo Job, đã được đúc bằng "đồng thau" (Job
37:18). Vòm đó có những cửa. Khi muốn có Hồng Thủy, những "cửa trời"
đó sẽ được mở ra cho nước trên trời tuôn xuống (Gen 7:11)...Cung đình Chúa và
tòa ngôi ngài đặt trên vòm trời đó (Psalm 11:4), vì Sáng Thế Ký đã định nghĩa
cái vòm đó là "trời" (Gen 1:8).
Chúa Giêsu cũng xác quyết Chúa
Cha ở trên đó, khi Ngài dạy cầu xin: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời (Mat. 6:9).
Thánh Joan dạy rằng lúc thế mạt vòm trời đó sẽ bị cuộn lại, cuốn đi, như một
trang sách (Rev 6:14). Chúng ta cũng nên nhớ rằng vòm trời đó có nhiều cột
chống đỡ (Job 27:11); và trái đất cũng có nhiều cột chống đỡ (Job 9:6). Đất đã
được Chúa đặt vững trên mặt nước (Psalm 136:6). Đất muôn đời đứng yên một chỗ
(terra in aeternum stabat, Vulgate, Eccl. 1:4)."
Đó là cái vòm trời được mô tả
trong Thánh Kinh. Ngày nay, với những khám phá của khoa học, một em học sinh
nhỏ tuổi cũng có thể biết ngay đó là những chuyện hoang đường nhất trong những
chuyện hoang đường, viết bởi những người có trí tuệ của thời bán khai, và
chương Sáng Thế trong Thánh Kinh Cựu Ước không phải là những lời mặc khải của
một Thần Ki-Tô toàn trí toàn năng đọc cho Moses viết.
- Ngày thứ ba: Phân tách riêng
nước và đất khô dưới vòm trời, gọi vùng đất khô là Trái Đất (Earth) và vùng
nước là Biển (Sea). Rồi tạo dựng nên cây cỏ trên trái đất.
Vậy thì trước khi phân tách
riêng đất với nước, trái đất này toàn là bùn cả? Nghĩa là khởi đầu Thiên Chúa
sáng tạo ra toàn bùn. Có thể đúng vì cho tới ngày nay trên thế giới vẫn còn rất
nhiều đầu óc có nhiều bùn ở trong nên vẫn còn tin ở một Thiên Chúa toàn trí
toàn năng sáng tạo ra toàn bùn. Cây cỏ trên trái đất sống nhờ màu mỡ của đất
đai và ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo. Không có ánh sáng cây cỏ không
thể nào sống được. Khi đó, chưa có mặt trời, ánh sáng của đèn điện cũng chưa
có, làm sao cây cỏ sống được?
- Ngày thứ tư: Tạo nên mặt trời,
mặt trăng, và sao.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ giải
thích:
"Mặt trăng, mặt trời và các
vì sao được gọi bằng một danh từ hết sức khiêm tốn là "đèn đóm" (xem
Kinh Thánh - Nguyễn Thế Thuấn Gen 1:17) - đều nương vào vòm trời đó (Gen 1:17),
y như những ngọn đèn treo trên trần nhà. Những ngọn đèn đó dĩ nhiên là nhỏ xíu,
vì lúc thế mạt - mà cách đây 2000 năm - Chúa Giêsu đã chủ trương là "sắp
tới đây", tinh tú sẽ rụng xuống trần gian như những quả vả chín rơi rụng
khi cây vả bị dập vùi trong một trận cuồng phong (Rev 6:13)."
(Tác giả xin nhắc độc giả rằng:
Mặt trời là một khối cầu lửa vĩ đại, đường kính vào khoảng 1 triệu 3 trăm 85
ngàn cây số (866.000 miles), nhiệt độ ở ngoài biên vào khoảng 6000 độ, và so
với nhiều vị sao thì kích thước của mặt trời không đáng kể)
Mặt khác, khoa học ngày nay đã
chứng minh rằng, không thể có trái đất trước mặt trời. Trái đất là một hành
tinh của mặt trời, và mặt trăng lại là một hành tinh của trái đất. Một lần nữa,
chúng ta lại thấy rõ mức độ hiểu biết về nhân sinh vũ trụ của những người viết
Thánh Kinh.
- Ngày thứ năm: Tạo nên những
sinh vật dưới nước và trên không.
- Ngày thứ sáu: Tạo nên thú dữ,
gia súc, sâu bọ v.v... và người nam, người nữ, theo đúng hình ảnh của Thần.
- Ngày thứ bảy: Nghỉ.
Trên đây là huyền thoại sáng tạo
trong chương Sáng Thế 1. Sang đến chương Sáng Thế 2, huyền thoại sáng tạo hoàn
toàn khác biệt. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ tóm tắt huyền thoại sáng tạo trong chương
Sáng Thế 2 như sau, Ibid., trg. 17:
"Thoạt kỳ thủy khi Chúa
dựng nên trời đất, thì trái đất còn hoang vu. Chúa bèn lấy bụi đất mà dựng nên
ông A Đam rồi thổi sinh khí vào hai lỗ mũi ông cho ông thành người sống động.
Sau đó dựng nên một cái vườn cho ông ở, và lúc ấy mới dựng nên cây cối. Sau đó,
muốn cho ông có một bạn (đời) xứng đáng nên đã dựng nên các loài vật, và các
chim trời, và đem chúng lại cho ông đặt tên. A Đam chê chẳng tìm được bạn (đời)
nào thích hợp. Chúa bèn cho ông ngủ đi và lấy một khúc xương sườn của ông để
tạo dựng nên bà E Và.
Ta nhận thấy trong chương hai
này không có nói dựng nên mặt trời mặt trăng gì cả, mà lấy con người làm trọng
tâm. Trong chương này, Chúa dựng nên con người trước rồi mới dựng nên cây cối
và vạn vật sau. Sánh hai chương trên, ta đã thấy một sự mâu thuẫn quá lớn lao.
Không có lý nào mà Ngũ Kinh do Chúa đọc cho một tác giả duy nhất là Moses chép,
khi mô tả cùng một công chuyện tạo dựng, lại có thể khác nhau đến như
vậy."
Trên đây tôi đã tóm lược vài
huyền thoại trên thế gian. Chúng ta thấy rằng, bản chất những huyền thoại trên
đều như nhau, không có huyền thoại nào đáng tin hơn huyền thoại nào. Do đó, ai
muốn tin vào huyền thoại nào thì tin. Con người căn trí bất đồng nên lòng tin
của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào trí tuệ và mức độ hiểu biết của mỗi cá
nhân. Trong ánh sáng của khoa học với những sự kiện không ai có thể phủ bác thì
những huyền thoại kể trên không có bất cứ một căn bản thuyết phục nào. Tuy
nhiên, thực tế là ngày nay vẫn còn khoảng một phần tư dân số trên thế giới tin
vào huyền thoại Do Thái - Ki Tô. Sở dĩ như vậy vì đó là hậu quả của sách lược
bành trướng Ki Tô Giáo trên thế giới, một sách lược dựa vào cường quyền và bạo
lực để tiêu diệt các tín ngưỡng khác, phá hủy các nền văn hóa phi Ki-Tô, mê
hoặc những đầu óc kém hiểu biết vào trong niềm tin Ki Tô Giáo. Trong những xã
hội Ki Tô, do sách lược trên, đầu óc con người bị điều kiện hóa, lâu đời trở
thành những truyền thống địa phương. Với đà tiến bộ của nhân loại ngày nay, và
trước những khám phá mới của khoa học, niềm tin vào huyền thoại Do Thái - Ki Tô
này đang suy giảm dần dần khắp mọi nơi trên thế giới.
Từ những huyền thoại sáng tạo và
những khám phá mới nhất của khoa học, ngày nay chúng ta có thể xếp những quan
niệm về thế giới và vũ trụ của chúng ta trong ba loại.
1). Quan niệm về một thế giới
thường hằng vĩnh cửu: Thế giới hiện hữu từ muôn đời và luôn luôn như vậy, không
bao giờ thay đổi. Đây là quan niệm điển hình của Arsitotle, một triết gia Hi
Lạp trong thế kỷ 4 (384-322) trước thời đại thông thường ngày nay. Quan niệm
này loại bỏ sự sáng tạo cũng như sự tận thế. Đây cũng là quan niệm của nhiều
triết gia và khoa học gia cho tới đầu thế kỷ 20.
2). Quan niệm về một thế giới
không thay đổi và ngắn hạn: Đây là quan niệm của Ki-Tô Giáo như được viết trong
Thánh Kinh. Đây cũng là quan niệm chiếm địa vị độc tôn trong thế giới Tây
phương từ thời Trung Cổ cho tới giữa thế kỷ 19. Quan niệm này dựa trên niềm tin
là thế giới này hình thành do sự “sáng tạo” của một vị Thần toàn năng như được
viết trong 2 chuyện “sáng thế” khác nhau trong Cựu Ước (Sáng Thế Ký 1 & 2),
và ngày tận thế sẽ xảy ra ngay trong thời của Giê-su, như Giê-su đã nhiều lần
đoan quyết, bảo đảm trong Tân Ước.
3). Quan niệm về một thế giới
lâu dài và luôn luôn thay đổi. Đây là quan niệm khoa học, dính liền với thuyết
tiến hóa. Tuy tư tưởng tiến hóa đã có từ lâu nhưng vì Ki-Tô Giáo giữ địa vị độc
tôn ở Tây phương từ thế kỷ 4 nên những tư tưởng này không phát triển được và
không được chấp nhận. Cho đến 1859, khi Charles Darwin xuất bản tác phẩm Về
Nguồn Gốc Các Chủng Loại (On the Origin of Species), thuyết Tiến Hóa mới bắt
đầu phát triển, và trải qua bao cam go cũng như sự chống đối cuồng tín của Ki
Tô Giáo, ngày nay, quan niệm về một thế giới luôn luôn thay đổi đã trở thành
một sự kiện mà từ đại diện của Giê-su trên trần (Vicar of Christ), giáo hoàng
Công giáo La Mã, cho đến các bậc lãnh đạo Ki Tô Giáo nói chung, đều phải cúi
đầu khuất phục và công nhận.
Ngày nay, quan niệm về một thế
giới thường hằng, vĩnh cửu, và quan niệm tôn giáo về “sáng tạo” thế giới của Ki
Tô Giáo đã bị dẹp bỏ, chỉ còn lại quan niệm khoa học về thế giới. Và vì vũ trụ
có trước con người cả nhiều tỷ năm nên sau đây tôi sẽ trình bày thuyết Big Bang
(Sự Nổ Bùng Lớn) về nguồn gốc của vũ trụ trước, rồi từ đó chúng ta sẽ tiến đến
những quan niệm về nguồn gốc con người trên trái đất.