10. Ngày 21 tháng 2, 2008
Sáng sớm tôi đã thức dậy, bên kia giường, vị thầy trẻ vẫn còn ngủ. Giấc
ngủ rất an lành. Tôi nhẹ nhàng vào phòng tắm làm vệ sinh sáng trong yên
lặng, xong thì lên lại giường ngồi hành trì thiền quán.
Vì nguyên một đêm dài được nghỉ ngơi đầy đủ nên sáng nay, tôi thấy trong
người tỉnh táo và khoẻ hơn nhiều. Trong khi hành trì thiền quán sám hối
và quán tưởng hóa thành Hộ Phật, tự nhiên tôi rất xúc động khi trực ngộ
về nỗi khổ của con người, nhất là của chư tăng sĩ trong các điều kiện
sinh sống khó khăn và thiếu thốn. Đã là con người, ai lại không khổ khi
phải sống trong cảnh thiếu thốn. Đồng thời, tôi cũng trực ngộ đến sự may
mắn của bản thân, sinh sống tại một nước giàu có như Mỹ hay Canada. Dù ở
Canada có lạnh đến đâu chăng nữa, khi tôi về nhà là được sưởi ấm áp, chỉ
cần mặc áo thun quần đùi trong nhà y như là được ở một nơi của vùng
nhiệt đới. Ở trong nhà, tôi chưa bao giờ phải chịu nỗi khổ của cái rét
mướt, lạnh lẽo như ở trong phòng khách sạn này. Đêm qua chắc nhiệt độ
phải xuống thấp hơn không độ. Đó là tôi đã được ở trong phòng khách sạn,
là phải sướng hơn biết bao người dân đang ở trong vùng này rồi.
Tôi nhớ lại lời thầy tôi nói, người Tây Tạng cả năm cũng không tắm, mà
đâu có sao. Phải rồi, trong điều kiện sinh sống như thế này, chính bản
thân tôi cũng không thể tắm và không dám tắm. Và như thế, tôi nhận thấy
rõ rệt sự may mắn của mình. Có nhân duyên sinh sống tại một nơi với
những điều kiện quá tốt. Vậy mà vẫn không tu tập được như chư tăng, các
vị thiếu thốn hơn mình ngàn lần.
Khi quán đến đây thì tôi xúc động vô biên trong tâm, và tôi xin nguyện
sẽ làm hết sức mình để giúp chư tăng tu học. Khi đó, tôi cảm thấy hai
dòng nước mắt của tôi chảy dài trên má. Và cả bản thân mình nữa, tôi sẽ
hết sức cố gắng tu tập, mình thật là quá sướng hơn chư vị tăng sĩ mà còn
không chịu tu học. Thầy bổn sư đã dạy dỗ cho biết bao pháp môn hành trì
rất thâm sâu, lại được sống trong những điều kiện đầy đủ, ăn uống dư
thừa, quần áo nhà cửa ấm áp bảo bọc tấm thân mình chẳng hề thiếu thốn,
đi một bước ra ngoài nhà thì lên xe hơi. Vậy đó, mà chuyện hành trì thì
thấy thật là xa vời.
Tôi nhớ đến ngày xưa, các báo chí chỉ trích các nhà chính trị “ăn trên
ngồi trốc”, gọi họ là các nhà chính trị sa-lông (nghĩa là họ làm chính
trị trong phòng khách sang trọng của họ và chỉ ba hoa mà thôi), để rồi
nhận ra là có lẽ tôi cũng chỉ tu tập sa-lông mà thôi!
Bây giờ, ở đây, tôi nhận ra sự khác biệt giữa hai sự tu tập - trong
những điều kiện sung sướng của một nước giàu có, và trong những điều
kiện thiếu thốn nghèo nàn - khác nhau lớn lao như thế nào.
Thôi, từ nay, tôi xin tự hứa như lời đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy: Khi cõi
này còn tồn tại, tôi nguyện sống cuộc đời mình để phục vụ mọi chúng sinh
hữu tình... Nhất là phục vụ cho chư tăng ở các tu viện nghèo khó, những
vị đã nguyện dành cả cuộc đời để cứu độ tất cả chúng sinh hữu tình vượt
thoát khổ đau. Quán tưởng đến đây, tôi rất hoan hỷ vì đã hy sinh chuyến
đi hành hương và để hết số tiền đó cúng dường lên chư tăng...
Buổi thiền quán thật là cảm động. Thực tâm, tôi nhìn thấy những điều mà
có lẽ suốt đời tôi cũng sẽ không nhìn thấy khi còn ở tại Canada và tu
tập trong hoàn cảnh của đời sống đó.
Xả thiền xong thì vị thầy trẻ cũng vừa thức giấc. Chúng tôi chào nhau
buổi sáng và thầy vào phòng tắm. Xong xuôi, thầy rủ tôi đi ăn sáng. Tôi
nói là trễ rồi, bây giờ tôi phải đi sắp hàng để vào nghe pháp. Thầy nói
được, vậy chúng ta cùng đi, nếu không có thuyết pháp thì mình đi ăn
sáng. Tôi đồng ý.
Chưa vào được chùa chính thì chúng tôi đã phải chia tay. Vì thầy phải
sắp hàng theo cái đuôi dành cho tăng sĩ dài lắm, ra cả đến ngoài đường
mấy trăm thước. Còn tôi thì sắp hàng theo đuôi của Phật tử cũng dài dằng
dặc. Điều lạ lùng tôi nhận xét được ngay từ ngày đầu tiên phải sắp hàng
này, là số phụ nữ về nghe pháp đông hơn gấp bội số nam Phật tử về tham
dự. Theo tôi ước lượng thì tỷ lệ là khoảng 10/1. Thật là lạ lùng, tại vì
về Dharamsala tu học thật là cực khổ, thường thì phụ nữ cần các tiện
nghi nhiều hơn và ngại khổ nhọc hơn nam phái. Thế mà khi đi học đạo thì
số phụ nữ lại đông đảo hơn.
Thực ra, khi nghĩ lại thì cũng không có gì lạ lắm vì tôi nhớ trong các
chùa cũng y vậy. Số nữ Phật tử trong chùa bao giờ cũng đông hơn số nam
Phật tử. Nhất là trong các buổi nhập thất hay thọ bát quan trai. Đôi khi
trong các buổi đó, tôi thấy chỉ có thầy trụ trì và tôi là nam phái, còn
lại mười mấy người khác tham dự chỉ toàn là phái nữ. Đàn ông mải mê tham
đắm trong công danh sự nghiệp nên không chịu theo đạo, phần lớn chỉ biết
lo kiếm tiền và hưởng thụ lạc thú của đời người, mải lo chuyện tậu nhà
cao cửa rộng, o bế xe mới mua, hoặc mê mải buôn bán thủ tiền vào túi mà
không quay về đạo.
Khi qua được hàng rào an ninh khám xét xong, vào đến bên trong sân chùa
chính thì số người đến đã đông lắm. Đặc biệt là số lượng người Tây Tạng
quá nhiều đến mức độ họ tràn cả qua bên chỗ dành cho người Tây phương
ngồi. Dĩ nhiên là chỗ của tôi đã dành, vạch và ghi tên sẵn đã bị số đông
ngồi lên cả rồi. Chẳng làm gì hơn được, tôi ngồi đại vào một chỗ đàng
sau những người đến từ Canada, và họ vui vẻ nhích vào để tôi ngồi chung
nghe pháp.
Sáng hôm đó, nghe đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp, tôi bàng hoàng cả
người. Đề tài ngài thuyết chính là Bồ đề tâm, những điều ngài dạy và
khuyến tu trùng hợp với những trực ngộ hồi sáng, tâm tôi đã khởi sinh.
Tôi không thể nào không thầm nghĩ, hay là sáng nay, chính ngài đã gửi
cho tôi thông điệp đó!
Trong thời thuyết pháp, ngài dặn dò tất cả hãy cố thuần hóa tâm mình để
hướng về thương yêu và phục vụ, mang lại hạnh phúc cho các chúng sinh
hữu tình khác. Đừng nghĩ đến bản thân mình, từ bỏ lòng vị kỷ để hành
động lợi tha. Nghe ngài thuyết giảng, niềm cảm xúc sáng nay khi thiền
tọa lại khởi lên trong tâm tôi.
Trong thời pháp, khi ngồi nghe tiếng của vị thông dịch sang Anh ngữ tôi
giật mình cứ tưởng Geshe Thupten Jinpa đã về đây dịch thuật (và cũng là
thầy của tôi). Tôi tò mò quá, phải lên hỏi các vị an ninh canh gác xem
ai là vị thông dịch. Hóa ra không phải là Geshe Thupten Jinpa mà là
Geshe Dorje Tamdul. Vị thầy này có một giọng nói tiếng Anh thật là giỏi
và điêu luyện. Giọng của thầy nghe rất giống giọng của Geshe Thupten
Jinpa, là vị thông dịch viên chính thức của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Mỹ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng về Tam thượng học, Giới, Định, Tuệ và
giảng sang Kinh Hiền Ngu của Tây Tạng, với câu chuyện “Bồ Tát cá làm
phép lạ”. Sau đó, ngài nói là vì có một số đồng bào Tây Tạng đi về
Dharamsala thăm thân nhân, nhưng không thể ở lại lâu hơn để nghe pháp,
cho nên ngài sẽ làm lễ cầu nguyện cho các đồng bào đó. Rồi ngài giảng về
cách hành trì Thất Chi Nguyện và làm lễ cúng dường.
Buổi chiều hôm đó không có chương trình gì cả, tôi lại ghé thăm thầy
viện trưởng và thầy bảo tôi hãy dọn về khách sạn Shiwala ở cạnh phòng
của ngài, bởi vì cô con dâu của người bạn tôi tại Toronto đã đi về
Canada, và ngài có phòng trống bên cạnh. Tôi xin phép được ở lại khách
sạn Shambala với thầy Tenzin Kelsang, nhưng thầy bảo tôi hãy nghe lời.
Tôi vâng dạ, và trở về phòng thu xếp hành lý để dọn qua khách sạn mới.
Tối hôm đó, tôi cũng hành trì rất sớm và đi ngủ lúc 8 giờ tối. Nhưng ban
đêm tôi vẫn bị ho và bị đờm xanh rất khó thở.