8. Ngày 19 tháng 2, 2008
Sáng hôm đó chuyến xe lửa đến New Delhi lúc 9 giờ. Thầy viện trưởng và
hai vị sư phụ tá cùng tôi đi đến nhà riêng của một trong hai vị sư này
để nghỉ ngơi và dùng bữa trưa.
Khi bước chân ra khỏi nhà ga xe lửa, đến ngoài đường, điều đầu tiên đập
vào thị giác, cũng như tràn đầy khứu giác của tôi là thành phố New Delhi
thật là... đông dân và bẩn thỉu. Cảnh đập vào mắt là xe chen chúc chật
cả mọi nơi, xe taxi chui ra được khỏi cái sân của nhà ga là một kỳ công.
Vị tài xế phải vận dụng toàn thân người, vừa lái, vừa la hét om sòm cho
những xe hơi và xe lam ba bánh khác nhích ra, bấm còi inh ỏi, và có lúc
phải nhoài người ra khỏi xe để xem có đi lọt ra khỏi những khoảng cách
bé xíu và sát rạt với các xe khác. Thật quả là nếu chưa đi đến New
Delhi, chắc chắn không thể tưởng tượng ra nổi một thành phố kỳ cục như
vậy. Mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy lái, không cần ngưng khi đèn đỏ, hễ
không có xe là cứ chạy luôn. Đúng là một màn biểu diễn lái xe kinh hồn.
Tràn đầy khứu giác là mùi xăng nhớt và ô nhiễm. Bụi dơ bay loạn trong
không khí và ô nhiễm đến độ nhìn vào khoảng không chỉ thấy một màu mờ
mờ... Không khí khó thở đến mức độ tôi cảm thấy muốn ho. Rất tiếc là tôi
không mang theo khẩu trang để đeo. Tự nhiên tôi đưa tay bịt mũi... và e
ngại sẽ bị viêm cuống họng.
Rồi cũng về đến nhà vị sư phụ tá trong một ngõ hẻm. Người tài xế taxi
nhất định không dám lái xe vào. Thầy và chúng tôi phải xuống đi bộ một
quãng mang theo tất cả hành lý nặng nhọc vì đường gập ghềnh quá độ,
không thể kéo hành lý trên bánh xe lăn, mặc dù hành lý nào cũng có bánh
xe.
Vào được nhà thì thầy đi nghỉ. Tôi cũng thấy mệt và buồn ngủ, nên sau
khi rửa mặt và làm vệ sinh, xin với vị sư phụ tá vào phòng trong để ngủ
trên một cái ghế trường kỷ. Tôi thầm nghĩ là chuyến hành trình khó nhọc
đi về Dharamsala sẽ thật sự bắt đầu từ New Delhi này đây.
Khi ngủ dậy, tôi cảm thấy sự lo ngại của tôi đã thành sự thật: tôi bắt
đầu ho và cảm thấy có đờm trong cổ họng và trong xoang mũi. Có lẽ tôi đã
bị nhiễm trùng cổ họng và viêm xoang mũi
[22] rồi.
Thây kệ, tôi ngồi xếp bằng, hành trì cho đến khi người trong nhà gọi tôi
ra dùng cơm trưa.
Đến chiều hôm đó thầy viện trưởng gọi tôi vào phòng dặn dò. Ngài nói vé
xe lửa không mua được vì số lượng người đổ về Dharamsala quá đông. Vì
thế nên tôi phải lấy vé xe buýt để đi về Dharamsala, (thầy viện trưởng
sẽ đi xe lửa đến đó). Trên xe buýt sẽ rất chật chội, nên ngài dặn tôi để
hết hành lý lại tại nhà vị sư phụ tá, chỉ mang tối thiểu đồ đạc và bỏ
vào trong hành lý xách tay để tránh nặng nhọc và cực khổ khi di chuyển.
Khi xong thời gian tu học tại Dharamsala thì tôi chỉ phải ghé qua New
Delhi lấy hành lý gửi tại đây và ra phi trường New Delhi để đi thẳng về
Montreal. Tôi nhân tiện thưa với thầy về số tiền mang theo để cúng dường
đức Đạt Lai Lạt Ma và chư tăng. Vì phải đi một mình trên chuyến xe buýt,
nên tôi cảm thấy ngại ngùng nếu phải mang nhiều tiền trong người, và xin
cúng dường lên thầy ngay để thầy lo liệu mọi chuyện hộ cho tôi. Thầy
hoan hỷ nhận lời.
Còn tôi, sau khi cúng dường tịnh tài xong, tôi cũng thấy trong lòng hoan
hỷ và nhẹ nhõm. Đồng thời, tôi đã bắt đầu thực sự hiểu ra sự khó nhọc
của đời sống ở đây, khi đi lang thang trên các nẻo đường gập ghềnh, và
nhất là lúc phải leo cầu thang cao vời vợi để đi vào nhà ga xe lửa. Ở
đây chẳng làm gì có thang cuốn bằng máy, cho nên tôi đi thu xếp lại hành
lý, và chỉ chọn những vật dụng tối cần thiết để mang đi về Dharamsala
trong cái va-li xách tay. Còn lại bao nhiêu đồ đạc, tôi nhét chật cứng
vào trong va-li to và gửi lại đây cùng với cái thangka đức Phật Dược sư
mà thầy viện trưởng đã cho người may lại (rất đẹp và khá lớn). Xong
xuôi, tôi thở phào và cầu nguyện cho chuyến đi xe buýt tối nay được mọi
sự an lành.
Đúng 4 giờ chiều, vị sư phụ tá đón tôi đi ra trại tỵ nạn của người Tây
Tạng để chờ sẵn, vì trại tỵ nạn Tây Tạng rất gần trạm xe, có thể đi bộ
ra được. Chuyến xe sẽ khởi hành lúc 6 giờ chiều, nhưng cần phải đi sớm
để còn xếp hành lý lên trên xe. Vị sư phụ tá dẫn tôi vào trong một căn
nhà nhỏ nghèo nàn để đợi chuyến xe buýt. Tôi nhân tiện đi vòng vòng khu
phố của trại tỵ nạn.
Dọc khu phố có đầy các gian hàng bán trên vỉa hè. Đường sá và không khí
cũng vẫn ô nhiễm và bẩn thỉu. Tôi quay trở về căn nhà ngồi nhắm mắt tụng
chú, và chìm vào trong một giấc ngủ ngắn. Khi căn nhà ồn ào tiếng nói
thì tôi tỉnh giấc và thấy rất nhiều vị tăng sĩ của Sera cũng tụ họp tại
đây để lấy xe buýt như tôi đi về Dharamsala. Như vậy có nghĩa là trên xe
buýt sẽ không đáng ngại lắm, vì hành khách gần như chỉ toàn các tăng sĩ
Sera. Một vị tăng đến gần tôi và tự giới thiệu bằng Anh ngữ, tên là
Achoo. Vị này được chỉ định đi theo tôi để giúp đỡ khi cần và chúng tôi
có 3 người, sẽ ngồi gần nhau: hai tăng sĩ là Achoo, cháu của thầy viện
trưởng tên là Tenzin Kelsang và tôi.
Tôi nhìn kỹ Achoo. Đó là một tăng sĩ trung niên, nhưng vẫn nhỏ tuổi hơn
tôi khá nhiều, khuôn mặt thật hiền lành chất phác. Tôi thấy rất là cảm
mến. Vị tăng sĩ cháu của thầy viện trưởng thì tôi đã quen biết từ năm
2002 và tôi thường hay giúp đỡ tịnh tài để tu học. Tôi cảm thấy yên tâm
và nghĩ thầm: cho dù chuyến hành trình sẽ thật là cực nhọc, nhưng bên
những người bạn tăng sĩ này, tôi sẽ cảm thấy trong lòng ấm áp và vui vẻ.
Lúc 6 giờ chiều, chúng tôi đi bộ ra bến xe, mỗi người tự xách hành lý
của mình. Bến đã đông người và hai ba chiếc xe buýt đang nhận người lên
xe và chất hành lý. Bến xe thì thực là bẩn thỉu vì bò lớn bò bé đi thanh
thản và lâu lâu làm một bãi phân to tướng. Tôi cứ phải nhắc chừng hai vị
tăng đi theo để tránh phân bò, họ cười nói là không có sao. Thật đúng là
Ấn Độ! Tôi nghĩ bụng nếu hai vị này đạp phân mà leo lên xe buýt ngồi
cạnh mình thì quả là khó khăn, chưa kể là nếu hành lý phải xếp dưới chân
chỗ ngồi.
Cuối cùng chuyến xe của chúng tôi cũng đến, hai vị tăng đẩy tôi lên xe
buýt cho lẹ, mang theo cả cái hành lý xách tay duy nhất của tôi và của
họ lên xe. Ba chỗ ngồi của chúng tôi thuộc hai hàng ghế cuối cùng. Tôi
vào ghế ngồi và để va-li xách tay của tôi dưới gầm ghế là hết chỗ. Hai
vị tăng đành phải ra khỏi xe, ném hành lý của mình lên để cho lơ xe chụp
lấy và xếp lên mui. Đi như vậy, nếu bị mưa thì lãnh đủ, vì bên trong
hành lý sẽ ướt hết. Mà cái lối ném hành lý lên mui xe cũng thật là thủ
công nghệ: các sư tung hành lý lên cao cho lơ xe chụp lấy và sắp trên
mui. Nếu có lỡ tay chụp hụt mà rớt xuống thì ở dưới ráng mà chụp lại.
May mà chư tăng chỉ thường dùng loại hành lý bằng bao vải bố và trong
hành lý chỉ phần lớn là quần áo, nếu có chụp hụt cũng chẳng vơ đồ đạc
gì.
Thế mới biết là hai ngày qua đi xe lửa sướng hơn rất nhiều, vừa có
giường, vừa có chỗ để hành lý rộng hơn xe buýt nhiều lắm. Tôi lại nghĩ
thầm, chuyến hành trình này xuống thêm một cấp nữa nhé...
Nhìn lại xe buýt, tôi mới học thêm một điều mới lạ: xe buýt ở đây có hai
tầng. Tầng trên toàn là giường nằm, rộng rãi đỡ khổ hơn là ngồi ghế. Dĩ
nhiên là giường trên xe buýt nhỏ hơn giường trên xe lửa nhiều. Ngay cả
tầng dưới cũng chia hai bên. Bên của tôi chỉ toàn là chỗ ngồi, còn bên
kia có tới ba cái giường. Mỗi giường đều có hai cánh cửa có thể khép kín
lại để bớt bị ồn ào và dễ nghỉ ngơi. Vậy mà vị tăng sĩ phụ trách mua vé
hộ tôi không mua được, chắc vì mua trễ nên đã hết chỗ giường nằm trên xe
buýt.
Giá vé đi xe buýt từ New Delhi về Dharamsala khá rẻ. Đoạn đường dài
khoảng 511km, mà giá vé khoảng 600 rupees (gần 15$ đô la). Còn giá vé
của giường nằm chỉ đắt hơn có 200 rupees (thêm 5$ đô la). Vì đường đi
leo núi đèo, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, rất là xấu, cho nên xe buýt sẽ chạy
rất chậm. Nhanh lắm thì cũng phải 12 tiếng là tối thiểu.
Ngồi vào chỗ trên xe buýt mới thấy vấn đề. Xe làm tại Trung quốc cho nên
chỗ ngồi rất nhỏ và hẹp. Hình như xe làm ra để chở những người gầy gò và
nhỏ con. Không thoải mái chút nào như xe buýt vùng Bắc Mỹ. Đành vậy, tôi
cố ngồi thu nhỏ lại.
Xe khởi hành sau 15 phút, vị tăng sĩ Achoo tuy gầy nhưng cao, nên ngồi
ghế sau tôi cũng không thoải mái chút nào. May quá, một vị tăng sĩ khác
ngồi chỗ ghế bên cạnh Achoo là bạn thân của vị tăng trẻ mua vé giường
bên cạnh, và sau khi trò chuyện thân tình đã chui vào nằm chung giường
của vị tăng sĩ trẻ đó. Achoo thích quá, ngả lưng nằm trên hai ghế. Còn
tôi vội vàng lấy hành lý xách tay ra khỏi dưới ghế, đặt vào dưới chân
chỗ của vị tăng đã bỏ vào giường nằm để chúng tôi có thể dễ dàng duỗi
chân. Vui vẻ và thoải mái cho cả Achoo lẫn tôi và Tenzin Kelsang ngồi
cạnh tôi. Chúng tôi duỗi chân được nên thoải mái hơn trước, lúc hành lý
còn ở dưới gầm ghế. Còn Achoo thì nằm ở đàng sau và ca hát luôn miệng
những bài hát Tây Tạng hay Ấn Độ đang nổi tiếng thời thượng.
Tôi ngủ được một chút thì xe buýt ngừng bánh tại một tiệm ăn. Chúng tôi
xuống xe kiếm gì ăn vì đi từ 4 giờ chiều, chưa ăn gì cả nên bụng đã bắt
đầu sôi sục. Mà cũng chẳng ăn được nhiều vì tiệm ăn Ấn Độ làm thức ăn
rất cay và thêm quá nhiều gia vị. Tôi ăn chút chút, còn Achoo, Tenzin
Kelsang và hai vị tăng sĩ ngủ giường bên cạnh thì ăn rất nhiều. Nhìn họ
ăn uống ngon lành, tôi thấy thèm. Khi bồi bàn mang giấy tính tiền ra để
chúng tôi trả thì tôi thấy giá quá mắc, chắc là tại ăn khuya giữa đường
nên bị bắt chẹt. Nhìn các sư ngần ngại trước giá tiền, tôi lẳng lặng cầm
lấy biên lai và ra trả tiền cho tất cả năm người. Dù sao, tôi vẫn là
người đến từ Bắc Mỹ và có thể trả thoải mái cho họ.
Khi lên trở lại xe thì các lơ xe đi soát vé. Chúng tôi gặp rắc rối vì
anh chàng Ấn Độ lơ xe chẳng hiểu ất giáp gì, thấy Achoo ngồi một mình
hai ghế thì kêu ầm ỹ lên, la hét và xô Achoo sang một bên, bảo rằng còn
chỗ cho một người hành khách khác. Achoo phân trần, nhưng phần thì tiếng
Ấn Độ không rành, phần thì Achoo hiền quá, nên anh lơ xe làm dữ, đổ cho
Achoo là ăn gian một ghế. Tôi phải can thiệp và mở cửa của giường nằm
đối diện, kêu vị tăng sĩ kia chui ra và trình vé. Anh lơ xe giận dữ càu
nhàu cấm không cho vị tăng sĩ đó chia giường chung với bạn. Thật là vô
lý. Cuối cùng, anh lơ xe đuối lý và bỏ đi để cho chúng tôi yên ổn muốn
làm gì thì làm. Thế là tạm yên ổn.
Chưa được bao lâu thì lại có rắc rối. Vị hành khách ngồi trước tôi hạ
thấp lưng ghế xuống để nằm ra và ngủ. Vì thế chỗ của tôi ngồi trở thành
chật hẹp vô cùng và tôi không thể xoay xở. Một mặt, tôi không muốn bắt
vị đó dựng lưng ghế lên, mặt kia, tôi cũng không muốn hạ lưng ghế mình
làm khổ Achoo nằm ngay đàng sau tôi. Thật là khổ, vì chỗ hẹp quá đến nỗi
bắp vế và bàn tọa của tôi ê ẩm và muốn bị vọp bẻ! May quá, hơn một tiếng
đồng hồ sau thì thì xe ngừng cho hành khách đi nhà vệ sinh. Và khi trở
lại xe, Tenzin Kelsang nhỏ con hơn tôi nhiều, chịu đổi chỗ cho tôi ngồi
mé ngoài để tôi được tự do hơn một chút.
Lúc đó trời đã bắt đầu khuya và lạnh. Sau khi lên lại xe, tôi phải lôi
hết tất cả hai cái áo ấm ra, một cái là áo bông vải, cái kia là áo bành
tô mùa đông của Canada mặc vào mới tạm thoải mái.
Tôi cố gắng ngủ gà ngủ gật. Được một lúc thì tạm ngủ yên. Nhưng đang ngủ
thì bỗng giật nẩy mình. Xe cán cái ổ gà to đến độ, tôi nảy mình tung lên
trên ghế, đầu đập vào trần xe đau điếng người. Tỉnh dậy nhìn lại, đường
xe chạy bắt đầu leo núi, xe chạy cán ổ gà quá nhiều, mà ghế chúng tôi là
hai hàng cuối cùng sau xe, nên bị nhồi khủng khiếp. Thế mà xe cũng chẳng
phải là chạy nhanh lắm.