11. Ngày 22 tháng 2, 2008
Vì hôm qua khi tôi đến ngôi chùa chính để nghe pháp thì đã có đông người
làm đuôi thật dài, cho nên sáng nay tôi phải thức dậy sớm hơn từ lúc 5
giờ 30 sáng để có đủ thì giờ hành trì và đi sắp hàng, để khỏi vào trễ.
Như thói quen, tôi bắt đầu bằng thời thiền tọa an tâm. Vì còn sớm quá,
nên thành phố đang ngủ yên. Tất cả thật là an tĩnh chung quanh tôi và
chỉ ít phút sau tâm thức đi vào một sự bình an và hỷ lạc không thể nào
diễn tả nổi. Tự nhiên tâm tôi sung sướng như mới nở ra một đóa hoa và
hiểu được niềm hạnh phúc nhất trong một ngày chính là thời thiền tọa
sáng sớm tinh mơ khi tất cả còn đang yên ngủ.
Đó là lý do tại sao chư vị tôn đức tổ sư đã đặt ra thời tọa thiền công
phu khuya trong các thiền viện. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đi ngủ rất sớm
và dậy từ 4 giờ sáng hành trì công phu thiền tọa. Lúc sáng tinh mơ này
là thời điểm dễ dàng nhất để nhập định và an trú trong niềm hạnh lạc của
thiền duyệt. Một phần vì thân tâm đã trải qua một đêm an nghỉ và sẵn
sàng để hành trì công phu tinh tấn. Phần khác, khi không khí và môi
trường chung quanh còn đang yên ngủ rất tĩnh lặng, không làm chia chẻ
tâm thức an tĩnh sau một đêm an nghỉ của chúng ta. Tất cả đều dễ dàng
đưa thân tâm chín muồi của mình vào trong niềm an định nhẹ nhàng sung
sướng. Rồi niềm hỷ lạc phát khởi lại càng đưa tâm thức vào trong cảnh
giới an bình nội tại. Chính từ tâm an bình đó - như một mặt hồ tĩnh lặng
và nước hồ lóng xuống đáy trong suốt - mà thiền giả trực ngộ ra nhiều
điều hữu ích lớn. Khi tâm đạt đến cao điểm của sự an tĩnh sẽ nở ra thành
tiểu ngộ. Sau nhiều lần tiểu ngộ và tiếp tục hành trì thành thục chín
muồi sẽ đưa đến đại giác.
Chính vậy, hạnh phúc là niềm an lạc của buổi thiền định sáng sớm tinh mơ
khi một ngày bắt đầu. Tất cả trí tuệ sẽ tự khởi sinh từ tâm an tĩnh,
niềm khinh an nhẹ nhàng của thần trí cực kỳ tỉnh táo và cảnh giác. Có lẽ
vì vậy mà phần lớn các sự giác ngộ[23]
đều xảy ra
khi trời vừa hừng sáng. Tôi nhớ đến các kinh sách kể lại cuộc đời của
đức Thích Ca Mâu Ni tọa thiền 49 ngày dưới gốc cây bồ đề và đại giác ngộ
trước khi trời sáng. Hãy nhìn vào tượng Phật an tọa kiết già, khuôn mặt
thanh tịnh trong niềm an tĩnh, hai bàn tay xếp trên nhau, rất an lạc. Đó
chính là cõi cực lạc ngay tại thế gian này.
Nếu có ai hỏi tôi: Lúc nào là lúc hạnh phúc nhất đời bạn? Tôi sẽ trả
lời: Là lúc sáng sớm tinh mơ, hành thiền quán, là những giây phút trụ
trong thiền định bất khả thuyết, bất khả tư nghì!
Đó là lý do tại sao các hành giả du già thường không ăn bữa tối (hoặc ăn
tối thiểu), để dạ dày trống rỗng, nghỉ ngơi trong giấc ngủ sớm, an lành
và sáng thức giấc rất sớm trong niềm an tĩnh, khinh an và hành thiền
giác ngộ.
Cho nên sáng nay, vì không muốn đi nghe pháp quá trễ phải làm đuôi rất
lâu, tôi cố thức dậy thật sớm, làm vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bụng thật
nhẹ nhàng trống rỗng. Thế mà nhờ vậy, lại vô tình đi vào cõi thiền định
tràn đầy niềm an lạc vô biên. Sau đó tôi hành trì các pháp môn hứa
nguyện trong niềm an vui vô tận.
Rồi tôi ra khỏi khách sạn đi lên chùa chính nghe pháp. Hôm nay tôi đi
sớm nên bớt đông hơn, thế mà qua khỏi được hàng kiểm soát an ninh và vào
trong sân nghe pháp thì cũng đã đầy nửa. Dĩ nhiên là chỗ của tôi đã có
người ngồi. Tôi lui xuống ngồi sau hàng của các bạn người Canada. Một
lúc sau thì họ đến đầy đủ. Tôi lại nhích ra cho họ vào chỗ ngồi của họ
và vô tình ngồi trên một ô vuông có viết chữ Marie, USA. Chả sao, tôi
thầm nghĩ, chỗ của mình người ta cũng đã ngồi lên.
Được một lúc sau, gần đến giờ thuyết pháp thì có một cô vội vã bước về
phía chỗ tôi ngồi và loay hoay tìm kiếm. Tôi nhìn kỹ cô xem có phải là
hôm qua cô đã ngồi chỗ này không, nhưng không nghĩ là cô đã đến nghe
pháp hôm qua. Cô đòi lại chỗ ngồi của cô bằng tiếng Mỹ: “This is my
place, Marie is my name.” Tôi nói vâng (“yes”) và ngồi lui lại đằng sau
cô, trả lại chỗ của cô. Chưa đầy năm phút sau có hai vị Phật tử nam nữ
người Mỹ đến hỏi tôi xin ngồi chỗ bên cạnh (“Is there anybody here, can
we seat here?”), tôi vui vẻ trả lời là: Tôi không biết, nhưng hai bạn cứ
ngồi đi, cùng lắm chúng ta ngồi chật lại và chia sẻ chỗ. Chúng ta đến
đây để cùng chung nghe pháp, và đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy chúng ta phải
chia sẻ và giúp đỡ mọi người, và tôi rất hoan hỷ chia sẻ. (“I don’t
know, but please sit down, anyway if others come, we will sit even more
closer to share the place, after all we are here to learn Buddhism and
one thing that His Holiness always teaches us is to share and help, so
it is my pleasure to share.”) Sau khi tôi nói vậy, hai bạn kia vui mừng
ngồi xuống, còn cô Phật tử lúc nãy đòi chỗ của mình không biết nghĩ gì,
nhưng một lúc sau cũng nhích chỗ cho hai người Tây Tạng ngồi chung và
nói “Tôi cũng chia sẻ đây.” (“I also can share.”)
Tôi mỉm cười và bắt đầu lấy máy radio ra bắt đài FM 92.30 MHz để nghe vị
thông dịch sang tiếng Anh là Geshe Dorje Tamdul.
Tôi thầm nghĩ, đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy không biết bao nhiêu rồi, mà
trong đời sống hằng ngày, chỉ hơi vô ý là chúng ta sẽ mắc phải cái ngã,
của tôi, của anh, và tất cả mọi tranh chấp trên thế giới này, dù lớn hay
nhỏ cũng không qua khỏi cái bản ngã thâm căn cố đế đó. Sáng hôm qua và
sáng hôm nay, tôi cũng có thể đi tìm đến ô vuông tôi đã ghi tên và đòi
chỗ của tôi, dù chưa chắc là người ngồi trên đó đã chịu trả. Nhưng tôi
biết là tôi đã không thể làm vậy. Cái gì gọi là của tôi? Chỉ là một vạch
ngang dọc trên mặt đất và ghi tên lên trên. Thế là đã nảy sinh một sự
gán ghép[24]
chỗ ngồi ở trong tâm thức, và bắt đầu
bằng cái bản ngã để mặc nhiên công nhận, nó là của tôi. Tất cả phiền não
khởi sinh ra từ đó mà thôi.
Nếu tôi không học được điều này, thì cho dù tôi có đi nghe hết cả mười
mấy ngày thuyết pháp, thuộc lòng mọi lý thuyết cũng chẳng lợi lạc gì cho
tôi và cho các chúng sinh hũu tình khác, đã từng là mẹ tôi qua vô lượng
kiếp tái sinh luân hồi và nhất là họ cũng chẳng khác gì bản thân tôi,
cùng đi tìm về đạo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma mở đầu nói rằng khóa thuyết giảng này sẽ chính thức
bắt đầu hôm nay và kéo dài trong 10 ngày và sau đó giảng về dòng truyền
thừa ngài đã thọ lãnh và giới thiệu đề tài thuyết giảng là Kinh Hiền Ngu
và Kinh Pháp Cú theo bản cổ văn của Phật giáo Tây Tạng. Sau đó ngài trì
tụng các bài cầu nguyện khai kinh và hỏi có bao nhiêu người Tây Tạng
cũng như Trung Hoa và Tây phương về tham dự.
Rồi ngài giảng về sự khác biệt giữa con người với loài thú. Tuy cùng
giống nhau ở chỗ là có nhu cầu sinh tồn, muốn được an lành no đủ, nhưng
con người khác ở chỗ có trí tuệ và luôn luôn có nhu cầu tìm về đạo,
hướng thượng, khác với loài thú chỉ lo tìm thỏa mãn miếng ăn và sự sống.
Chính vì sự thông minh hơn loài vật này mà con người lâm vào thế kẹt khi
tâm thức quá lo lắng bất an cho tương lai. Do đó cần phải tu luyện
chuyển hóa tâm thức.
Rồi ngài giảng rất sâu sắc và thâm thúy về cái bản ngã, cái “tôi” khởi
đầu chỉ sự gán ghép của tâm thức và sau đó lại mắc kẹt vào chính sự gán
ghép này để thấy là cái “tôi” đó có thật, hiện hữu riêng biệt, tách rời
và độc lập với mọi chúng sinh khác, và từ đó mà mọi tà kiến khởi sinh.
Đến 11 giờ 30 thì đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng và nghỉ trưa, thời giảng buổi
chiều sẽ bắt đầu lại lúc 1 giờ. Tôi không có gì ăn trưa nên định ra
ngoài chùa để mua thức ăn. Khi ra đến cuối sân chùa mới thấy là hàng
ngàn chư tăng và Phật tử đang chen chúc trong ngõ hẹp để đi ra khỏi
chùa. Như thế này thì dành chịu trận ở đây thôi, không có đủ thì giờ để
đi ăn trưa. Cho dù có ra nổi cũng phải sắp hàng qua khám xét an ninh để
vào trở lại. Tôi quay trở lại trong sân chùa lục túi đeo vai kiếm miếng
bánh quy ăn tạm cho đỡ đói và sau đó tìm chỗ nằm ngả lưng một chút trước
thời pháp.
Sau khi nghỉ được 15 phút, tôi tìm nhà tắm để đi tiểu. Đây cũng là một
vấn đề vì cả buổi sáng ngồi nghe pháp không đi được. Bây giờ mới thấy là
nhà tắm ở ngoài vòng kiểm soát an ninh. Cho nên tôi đành chịu mất thì
giờ để sắp hàng đi tiểu và trở lại hàng khám an ninh sau đó.
Buổi chiều, đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng tổng hợp về Phật giáo. Ngài
nhắc lại ba kỳ chuyển pháp luân. Lần đầu, tại vườn Lộc uyển, Sarnath gần
Varanasi, giảng về Tứ diệu đế và Tam tạng kinh điển. Lần hai, tại núi
Linh thứu, Rajagriha, Bihar, giảng về Bát nhã, Tánh không và Bồ đề tâm.
Còn lần thứ ba, tại Shravasti và các vùng lân cận của Kusinagara, giảng
về Đại Bát Niết Bàn kinh, Hoa Nghiêm kinh, nhấn mạnh đến Phật tánh, Như
Lai Thai Tạng.
Ngài nhân đó mà giảng thêm về Tứ diệu đế và duyên khởi rồi sau đó nhắc
lại dòng truyền thừa không đứt đoạn của Tạng mật.[25]
Rồi ngài giảng kinh Pháp cú, qua hết phẩm 1 - Vô thường và phẩm 2 - Ái
dục.
Chiều hôm đó, bắt đầu các buổi ôn giảng từ 4 đến 6 giờ chiều do chính
Geshe Dorje Tamdul đảm trách. Tôi không có giờ để đi ăn, phải chịu bụng
đói để đi học lớp ôn giảng. Nhưng quả thật là không uổng công vì Geshe
Dorje Tamdul ôn giảng thật là hay và dễ hiểu. Phật tử tham dự lớp ôn
giảng rất đông và mọi người đều thích thú được ôn lại các điều đức Đạt
Lai Lạt Ma đã giảng trong ngày.
Geshe Tamdul nhắc lại là, trong khi tất cả các giáo phái hữu thần (ngoại
đạo) khẳng định thuyết Hữu ngã với 3 đặc tính:
1. Ngã thường còn, tồn tại vĩnh viễn (permanent quality).
2. Ngã là một nhất thể, không thể nhầm lẫn với cái ngã khác (unitary,
monolithic quality)
3. Độc lập với mọi sự vật chung quanh (inherently independent quality)
thì Phật giáo hùng hồn đả phá tận cùng cái ngã và tuyên bố: Ngã chỉ là
sự gán ghép quy ước trong tâm, và phủ nhận cái ngã thường còn qua các
giáo lý:
1. Thuyết nhân quả (có nhân thì sẽ có quả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy)
và vô thường (sinh lão bệnh tử, có sinh thì phải có diệt) (causality and
impermanence).
2. Thuyết duyên khởi và tánh không (mọi pháp đều do duyên sinh, cho nên
chư pháp không có tự tánh và mọi pháp đều cùng có một tánh, đó là tánh
không) (dependant origination and emptiness)
3. Vô ngã (mọi pháp đều do duyên sinh, không có cái gì tồn tại độc lập
cho nên vô ngã) (selflessness)
Sau lớp học ôn giảng, mọi người thật là hoan hỷ, trân trọng kính chào
thầy Geshe Tamdul và ra về nghỉ ngơi, trong lòng phơi phới an vui.
Tôi vội đi về và mau mau vào quán Drasang House kêu tô mì chay, đói quá
rồi. Tôi ăn thật ngon lành xong, đi về phòng rửa mặt mũi tay chân để còn
hành trì và ngủ thật sớm, dưỡng sức cho những ngày tu học đạo.