Lời kết
Khi về Montreal, một người bạn da trắng hỏi tôi, bạn đi cực khổ như vậy,
rồi bạn rút ra được bài học gì? Tôi trả lời, bài học lớn rút ra được là,
chẳng có cái gì mà có thể gọi là “của tôi”. Anh bạn ngẩn ra, có vẻ không
hiểu. Tôi cười và nhìn anh bạn, nơi cổ tay anh đang đeo cái đồng hồ
Omega rất đắt tiền và đẹp. Tôi nhẩn nha nói:
Này nhé, anh nhìn xem, tay anh đang đeo cái đồng hồ thật đẹp, anh mua
bao nhiêu? Anh nói là khoảng 800 đô la. Tôi tiếp, thế anh mua bằng tiền
ở đâu. Trả lời, tôi đi làm kỹ sư và tiền lương của tôi có đủ để mua. Tôi
lại cười, đây nhé anh suy nghĩ lại đi, số tiền đó một người kỹ sư như
anh, làm việc cực khổ bên Ấn, không thể để dành dễ dàng mà mua, mặc dù
anh ta làm việc cực hơn anh gấp mấy lần. Vậy có phải là, nhờ anh may mắn
có đủ nhân duyên sinh ra bên này, cho nên dư tiền, ăn mặc sung sướng,
dùng đồ đạc sang trọng thượng hạng. Đâu phải là thực sự do mình làm ra,
đó chỉ là nghiệp đưa anh sinh ra trong một nước giàu và được hưởng an
lành sung sướng chứ đâu phải nhờ anh có tài năng gì hơn những người bên
xứ nghèo. Chưa kể, nhà nông bên đó làm việc lao động cực khổ suốt đời mà
không đủ ăn, đừng nói mua cái đồng hồ Omega, mà cơm gạo thì bán qua đây
cho mình ăn xài dư dả, mình mua bằng đô la sức lao động mồ hôi nước mắt
của họ với giá rẻ mạt. Vậy nên dư tiền mua được đồng hồ xa hoa này để
đeo, rồi mình tự cho là của mình, do mình làm ra mua được, không biết là
thực ra, chẳng phải tự do bản thân mình mà có được. Vậy thì, cái gì là
của mình? Hay là phải chăng, mình có được những thứ xa hoa đó từ những
người nghèo khổ?
Anh bạn tôi lại ngẩn người ra một lúc, xong rồi bảo tôi, cuộc bàn luận
này có nhiều ý nghĩa thâm sâu trong đó quá... Tôi cười và bắt tay thật
chặt với anh chàng.
Về Montreal cho đến cả tuần sau, tôi thầm nghĩ là tuy đã ngộ nhiều điều
trong chuyến đi kỳ diệu này, nhưng ngộ mới chỉ là vào cửa đạo. Tỷ như,
ngộ về phạm hạnh, đâu phải đã sống ngay được đời phạm hạnh. Chư tổ đã
từng nói, “đốn ngộ, tiệm tu”. Ngộ thì chớp nhoáng, nhưng từ đó mới sắp
xếp để tu; tu cũng như là bóc hành, bóc từng lớp nội kết ra mà vứt bỏ,
cho nên phải tiệm tu. Tôi nhớ đến bài viết về giới thể của thầy Nhất
Chân rất hay mà tôi đã từng đọc, thầy giảng là đã có giới thể rồi thì
sớm muộn gì cũng đạt đến giải thoát. Tôi mang điều này áp dụng vào ngộ,
thấy cũng tương tợ như thế. Ngộ sẽ trở thành khuôn khổ dẫn dắt đi đến
hành trì đạt đến điều ngộ ra. Như người đi trong đêm thấy ra ánh sáng,
như người đi rừng thấy ra con đường, không còn lơ mơ bất định. Chỉ còn
đi theo con đường, theo ánh sáng mà ra khỏi tăm tối.
Mà muốn thế thì phải tích tụ cho đủ các hành trì trí tuệ và công đức, là
nhị tư lương.
Trong Bảo hành vương chính luận,[57] tổ Long Thọ
đã viết trong câu kệ 213:
Hai tư lương là nhân
Đạt Phật quả Bồ Đề
Vậy, tóm lại, hãy luôn,
Hành trì tích tư lương,
Công đức và trí tuệ.
Đầu xuân, tháng tư, Phật đản 2552 –DL 2008
Không Quán
[1]
Hai câu thơ chữ Hán này nghĩa là: Việc đời
thăng trầm, bạn đừng hỏi làm gì. Hãy nhìn ra ngoài khơi khói sóng xa
thẳm kia, chỉ thấy chiếc thuyền ngư phủ.
[2]
Hai câu này trích từ bài phú Tiền Xích Bích
của Tô Đông Pha, nghĩa là: chỉ còn có gió mát ở trên sông, cùng trăng
sáng trong động núi.
[3]
Lâm tẩu: rừng và nội cỏ.
[4]
Nhan đề của một bài ca của Lý Bạch, nghĩa là
“mời uống rượu”.
[5]
Tạm dịch: “Bạn có thấy nước sông Hoàng Hà,
từ trên trời chảy tuôn xuống biển không hề quay trở lại.” Ý nói đời
người, thời gian qua đi thì không trở lại. Đó là câu đầu của bài Tương
tiến tửu.
[6]
Tạng ngữ gọi là Monlam Chen Mo.
[7]
Tên y học là Psoriasis.
[8]
UVB treatment.
[9]
Chữ đương kim viện trưởng trong Tạng ngữ là
Khen Rinpoche.
[10]
Gelugpa – Hoàng mạo phái, do Đức Đạt Lai
Lạt Ma lãnh đạo.
[11]
Là niềm vui sướng của thiền định.
[12]
Nhà lớn tiếng Tạng ngữ gọi là Khangtsen,
nhà nhỏ gọi là Labrang.
[13]
Guru Puja (bản dịch của người viết nhật ký
này, dưới pháp danh là Chân Giác và Diệu Hạnh Giao Trinh).
[14]
Chùa này dịch tên nghĩa là Vùng Đất Tịnh
Lạc – tên do Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt cho.
[15]
Là thầy đương kim viện trưởng.
[16]
Ngũ đại luận bao gồm:
1. Lượng học: Pramana, the Buddhist logic and epistemology (valid
cognition) including the studies of many non-Buddhist thoughts.
2. Bát nhã ba la mật: Prajnaparmitas which include voluminous texts of
Bodhisattva practices such as the study of six perfections.
3. Trung quán luận và Tánh không: Madhyamika, the study of Buddhist
middle views, Sunyatavada..
4. A tỳ đàm Câu xá luận: Abhidharmakosa, the Buddhist metaphysics. Từ
ngữ metaphysics (tiếng Hy lạp, meta=siêu, physics=hình học) bao gồm các
phần: 1. vũ trụ luận (cosmology) và 2. Hiện tượng luận (ontology).
5. Luật: Vinaya, monastic rules and disciplines.
[17]
Thiên nữ: dakini, theo niềm tin của Mật
tông là các vị hộ trì cho sự tu tập của hành giả.
[18]
Gyumed : từ ngữ “Gyu” nghĩa là Mật tông,
còn “med” nghĩa là ở vùng đất thấp (vị trí chứ không phải là trình độ).
Đối lại với Gyuto là Thượng Mật Viện vì từ ngữ “to” nghĩa là ở trên vùng
đất cao.
[19]
Loại va-li nhỏ tiếng Anh gọi là carry-on.
[20]
Vajrasattva
[21]
Blessings.
[22]
Sinusitis.
[23]
Nhật ngữ gọi là satori.
[24]
The notion “my and mine” is a mere
imputation in our mind, having no intrinsic value.
[25]
Tạng mật: tức Mật tông Tây Tạng.
[26]
Sống đời phạm hạnh nghĩa là sống không có
liên hệ ái dục, không có gia đình vợ con. “Cát ái từ sở thân” nghĩa là
lìa bỏ ái dục, vì ái dục khuấy động tâm.
[27]
Direct insight of the true nature.
[28]
Sống đời biết đủ, tâm thường định. Người
đạt vô cầu, phẩm cách cao.
[29]
“Conditio sine qua non”: (a condition)
without which it could not be.
[30]
Tìm xem bài viết Khổ đau và hạnh phúc -
phần 3, của cùng tác giả Không Quán tại địa chỉ:
http://tetet.net/tt/viewtopic1.php?t=7678
[31]
Roti: tiếng Hindi, một loại bánh mì rất
thông dụng của Ấn Độ.
[32]
Quyền giáo: expedient (temporary)
teachings, thật giáo: true (ultimate) teachings. (expedient: suitable
for achieving a particular end in a given circumstance).
[33]
Đây là bản kinh Pháp cú trong Kinh tạng
của Tây Tạng, nên không giống hoàn toàn với bản kinh Pháp cú đang lưu
hành tại Việt Nam. Nội dung các chương này cũng đều có trong những bản
Hán ngữ, Việt ngữ, nhưng sự sắp xếp có khác đi và tên một số chương cũng
không giống nhau.
[34]
Non-abiding Nirvana.
[35]
Duality.
[36]
Non-dual.
[37]
Câu này trích ra từ kinh Kim Cang: đức
Phật thuyết giảng cách hàng phục tâm và an trụ tâm, đạt đến trạng thái
xả ly, không còn vướng mắc, chấp trước vào bất kỳ cái gì, xả ly ngay cả
các thành tựu, ngay cả Phật quả. Trong kinh này, đức Phật đã sử dụng
biện chứng pháp “phủ định trên phủ định” để phá bỏ toàn bộ mọi tâm chấp
trước khái niệm, ngay cả chấp trước vào trong cái mà mình vừa mới phủ
định. Trong kinh, có những đoạn như là “Trang nghiêm cõi Phật tức không
phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm”. Cách “phủ định trên phủ
định” nhằm để phá bỏ toàn bộ tâm chấp ngã qua khái niệm: “cái tôi, của
tôi và cái thấy về cái tôi” của các hành giả. Nhờ phá bỏ toàn diện các
tâm khái niệm chấp trước về bản ngã mà các hàng Bồ Tát mới hàng phục
được tâm và an trụ tâm trong “vô sở trụ”. Toàn bộ kinh được tiêu biểu
bằng câu: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đây có thể xem là điểm then
chốt của kinh này.
[38]
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 1- phần Bảy,
chỗ gạn hỏi tìm tâm.
[39]
Mental fabication, imputation of the mind.
[40]
Bỉ dụ nghĩa là so sánh.
[41]
Hổ mẫu: tigress.
[42]
Biến kế, (mental fabrication) như khi đi
ban đêm, nhìn cuộndây mà tưởng là con rắn.
[43]
Trích từ sách “Phật và Thánh chúng”,
Cao Hữu Đính, bản dịch 1979.
[44]
Mạt-na thức: tức thức thứ 7, hay thức chấp
ngã.
[45]
Câu 101-104, Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như
Hầu Nguyễn Gia Thiều.
[46]
Ấu thuần điểu: chim cút con.
[47]
The 16 drops of Kadampa.
[48]
Tức Tứ pháp ấn.
[49]
Mahaparinirvana sutra.
[50]
Pháp hữu vi, anh ngữ là compound
phenomena, cũng là composite things.
[51]
Pháp hữu lậu, anh ngữ là contaminated
phenomena, cũng là contaminated things.
[52]
Đây là đại lễ quán đảnh, (tạng ngữ gọi là
wang), chứ không phải tiểu lễ quán đảnh (tạng ngữ là tchenang). Nhưng
đại lễ quán đảnh này không có ban mật pháp hành trì (saddhana, Trung Hoa
dịch là nghi quỹ), chỉ có ban hứa nguyện hành trì, (tạng ngữ là damtsig,
phạn ngữ là samaya), xem lời khuyên, phần 4 ở bên dưới.
[53]
Nghĩa địa chẳng hạn.
[54]
Chim gõ kiến.
[55]
Monlam Chenmo, Anh ngữ là The Great Prayer
Festival.
[56]
Gyuto Tantric College.
[57]
Bảo hành vương chính luận, bản dịch chuẩn
bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ diễn ra tại
Nantes tháng 8, 2008
(http://www.dalailama-nantes2008.fr/site_VN/ens_bibliographie.php). Việt
ngữ do Sonam Nyima Chân Giác và Diệu Hạnh Giao Trinh biên soạn, phối hợp
với các từ ngữ dùng trong bản dịch Hán văn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng
Kinh (Daisho Tripitaka).