14. Ngày 25 tháng 2, 2008
Sáng sớm thức dậy vào phòng tắm rửa ráy, liếc nhìn ra bầu trời âm u bao
phủ. Lúc 6 giờ sáng, tôi bắt đầu tọa thiền, vào trong “nhất điểm thiền
định”. Tâm tôi đi vào niềm tĩnh lặng, hoàn toàn trụ trong buông thư và
hơi thở an bình. Thật là thoải mái và sung sướng. Rồi từ tâm khởi lên
những lời giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma. Tất cả đều là huyễn hóa, như
mộng huyễn bào ảnh.
Tâm tôi tự nhiên khởi lên câu tụng từ Lễ Cúng dường đức Bổn sư:
“Chúng con được hộ trì của Ngài để thành tựu hạnh thiền định quán huyễn
hóa,
Nhận chân mọi pháp trong, ngoài, đều không có tự tánh mà vẫn hiển bày,
Như ảo ảnh trong gương, như mộng ảo, như bóng trăng trên mặt hồ nước
lặng...”
Và từ đó tôi lại đi vào trong niềm an bình của mặt hồ nước lặng... Tôi
không còn để ý đến thời gian hay gì khác nữa...
Khi xuất ra khỏi thiền định, tôi mới thấy là thời giờ đi qua thật nhanh.
Tôi hành trì nốt các pháp môn, và sửa soạn đi nghe pháp.
Từ sâu thẳm của tâm thức, tôi chợt nhớ lại mấy câu trong Cung Oán Ngâm
Khúc:
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì![45]
Tuồng ảo hóa: trò chơi của kiếp người, khi tôi còn trẻ có đọc say mê
cuốn Sói đồng hoang (Steppenwolf) của Hermann Hesse, và cuốn sách này để
lại cho tôi một ấn tượng mạnh. Sói đồng hoang kể lại câu chuyện của anh
chàng Harry Haller, một chàng trai rất thông minh, và những khó khăn của
anh ta, khi gia nhập cuộc chơi dạ vũ đeo mặt nạ thâu đêm, nhưng lại giấu
ở phía sau một thế giới thứ hai, cao cả hơn, không thể hủy diệt được,
vượt quá Sói Đồng Hoang và cái cuộc sống mơ hồ lăn lộn trong những buổi
dạ vũ thâu đêm... Hồi trẻ, tôi đã đồng hóa mình với anh ta và đã mộng
những giấc mộng của chàng Harry Haller đó...
Vào được chùa chính, ngồi xuống chỗ, tôi mới nhận ra là mấy hôm nay ngồi
trên sàn xi măng lạnh buốt bàn tọa, các đầu gối và mông cũng ê ẩm mỏi
mệt đến độ, khi về phòng sau khi ăn buổi tối xong, rất khó ngồi thiền
tọa lâu, mà cần nghỉ ngơi đến sáng hôm sau mới ngồi thiền thoải mái
được. Tối nay chắc tôi sẽ phải đi kiếm mua một miếng đệm mỏng bằng bọt
xốp để mai lót thêm lên chỗ ngồi cho bớt lạnh.
Sáng hôm nay, trước khi đi vào giảng về kinh Hiền Ngu, đức Đạt Lai Lạt
Ma nhắc lại đề tài thuyết giảng hôm trước. Ngài nhấn mạnh là tất cả
phiền não đều từ tâm chấp ngã. Chính tâm chấp ngã này làm cho chúng ta
khi nhận thức một sự vật nào cũng đều thêm vào cái ngã của mình để nhìn
sự vật ấy một cách méo mó qua hai khía cạnh: hoặc thích và dính mắc tham
ái, hoặc ghét và muốn hủy hoại tống khứ. Nếu một vật thực sự đẹp, thì
tất cả mọi người đều phải cùng nhìn thấy nó đẹp. Nhưng thực tế thì không
phải vậy, người khác không thấy nó đẹp như ta thấy.
Do đó, nên hiểu là chính tâm chấp ngã của ta đã bóp méo sự vật theo lăng
kính của tự ngã. Do đó, ta nhìn sự vật với tà kiến, quy kết gán ghép cho
sự vật những đặc tính mà nó không có, thí dụ như nhìn sự vật quá có
thực, quá thường hằng. Thực ra, nếu thấy một điều gì tốt, chỉ nên đánh
giá đúng điều đó, và dừng lại ở chỗ “đó là một chuyện tốt”. Nhưng tâm ta
lại không thế, vì tâm chấp ngã làm ta luôn luôn phóng đại mọi chuyện,
hoặc là tốt quá, hơn sự thật, hoặc là xấu quá, kém sự thật.
Từ vô thỉ, chúng ta đã bị kiềm chế bởi tâm chấp ngã này, và không thể
diệt trừ được nó.
Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: Tất cả mọi người đều có nên học phá bỏ và
diệt trừ ngã không? Câu trả lời là không nhất thiết. Vì sao? Vì thuốc
phải tùy bệnh mà cho. Tôn giáo cũng như là thuốc trị bệnh. Do đó mà đức
Phật đã tùy người mà ban pháp, có khi đức Phật giảng về hữu ngã cho
những người còn quá chấp vào ngã (giảng vô ngã cho họ, có thể làm hại
họ). Còn đối với bậc căn cơ cao, đức Phật giảng vô ngã, vì họ có thể thọ
lãnh pháp vô ngã và được nhiều lợi lạc.
Sau đó, đức Đạt Lai Lạt Ma giảng kinh Hiền Ngu, phẩm 8 - Từ bi lực, cho
đến phẩm 16 - Ấu thuần điểu.
[46] Mọi người ai cũng
ngạc nhiên tại sao đức Đạt Lai Lạt Ma lại giảng kinh nhanh như thế. Với
vận tốc này thì khóa thuyết giảng sẽ xong sớm hơn dự định nhiều.
Nhưng chưa kịp nghĩ xa hơn thì đã nghe đức Đạt lai Lạt Ma thông báo sẽ
giảng xong kinh Hiền Ngu ngày mai 26 tháng Hai, và kể từ ngày 27 trở đi,
ngài sẽ ban Lễ Quán Đảnh “Kadampa Thập Lục Tổ”.
[47]
Tôi nghe ngài nói mà tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, vì tôi đã mong đợi
thọ Lễ Quán Đảnh này từ lâu, ít khi ngài ban lễ này lắm, mà nay ngài như
là có thần thông hiểu được sự mong đợi của tôi và ban cho Lễ Quán Đảnh.
Tôi chợt nhớ lại là suốt từ khi đi qua Ấn ở Sera cho đến bây giờ, tôi
luôn luôn cảm nhận sự hộ trì của giòng chư tổ phái Giới đức (Gelug), mà
phái Giới đức chính là truyền thừa của giòng Kadampa.
Mừng quá, tôi sung sướng đi học lớp ôn giảng buổi chiều. Geshe Tamdul ôn
lại kinh Pháp cú, phẩm 12 - Đạo lộ. Thầy giảng tóm lược lại ý chính của
phẩm 12 nói về nền tảng của đạo Phật chính là diệt trừ mọi tầng lớp của
vô minh để có thể chứng quả giác ngộ Bồ đề. Hơn nữa, tổ Long Thọ đã
giảng: “Trí tuệ Tánh Không chính là nền tảng của giải thoát giác ngộ.”
Đức Phật Thích Ca cũng đã vạch rõ vô minh qua giáo lý “Phật giáo Tứ ấn”[48]
(kinh Đại Bát Niết Bàn[49]
) như sau:
1. Vô thường: nhất thiết pháp (hữu vi)[50]
vô
thường,
2. Khổ: nhất thiết pháp (hữu lậu)[51]
khổ não,
3. Không: nhất thiết pháp không (tức vô ngã),
4. Niết Bàn tịch tĩnh: đoạn diệt phiền não tức thị Niết Bàn tịch tĩnh.
Sau đó thầy trả lời câu hỏi về vấn đề “hiện hữu (existence)” và “phi hữu
(non-existence)” vì có người đặt câu hỏi làm sao mà tin được là cõi
thiên (trời) có thật. Tất cả các pháp (sự vật) hiện hữu trong 6 cõi được
phân làm 3 loại như sau:
1. Hiển hiện pháp (evident phenomena): là những sự vật hiển nhiên tồn
tại, mắt thấy, tai nghe và có thể tiếp cận sờ mó được,
2. Phần tàng pháp (slightly hidden phenomena): là những sự vật bị che
giấu một phần trong vũ trụ, không nhìn thấy được mà phải dùng lý luận
hoặc khoa học để chứng minh sự tồn tại của nó, thí dụ như dòng điện, từ
trường,...
3. Tuyệt đối tàng pháp (absolutely hidden phenomena): là những sự vật
hoàn toàn bị che giấu trong vũ trụ, không những không thể nhìn thấy mà
còn không thể chứng minh sự hiện hữu của nó qua khoa học...
Do đó, cõi thiên tuy có thật, nhưng không thể dùng khoa học mà chứng
minh sự tồn tại. Tuy nhiên, thầy nhấn mạnh là đừng mất thì giờ tìm cách
chứng minh các pháp loại 3 có hiện hữu, bởi vì điều đó không giúp ích
thiết thực gì trong việc tu hành đạt đến giác ngộ của mình. Nên tránh
mất thì giờ trong các chứng minh hý luận và hãy đặt trọng tâm lên những
pháp môn hành trì thiết thực đưa mình thăng tiến trên con đường đạo thì
hay hơn.
Sau buổi học tối hôm đó, tôi đi ăn mì tại tiệm Drasang, khi đến nơi thì
đã trễ, nhưng có hai vị sư vui lòng ngồi nhích vào nhường chỗ cho tôi.
Ngồi xuống cạnh hai vị, tôi cám ơn và hỏi thăm đến từ tu viện nào thì họ
nói đến từ Gaden Shartse, cũng là nơi vị thầy bổn sư của cả gia đình
tôi, Lati Rinpoche, trụ trì. Mừng quá tôi hỏi thăm hai vị, thầy Lati
Rinpoche có về Dharamsala không? Họ nói có và chỉ chỗ để tôi đến thăm
thì mới biết là thầy tạm trú ngay tại nơi chùa chính, chỗ nghe pháp.
Sau khi ăn xong, tôi đi về phòng, nhưng cảm thấy như bị trúng lạnh. Cả
ngày mưa dầm dề buốt giá khó chịu và tôi bị ho càng ngày càng nặng. Đang
nghĩ cách đi mua thuốc ho để uống thì may quá, tôi gặp thầy Tenzin trước
cửa phòng và hỏi thầy chỉ chỗ bán thuốc, rồi sau đó hành trì trước khi
đi ngủ.