5. Ngày 16 tháng 2, 2008
Sáng sớm, 5 giờ, tôi đã thức dậy tắm rửa sạch sẽ và ngồi túc trực chờ
thầy viện trưởng để khởi hành đi Bangalore. Sau khi làm vệ sinh cá nhân
xong, trời vẫn còn tờ mờ sáng. Tôi đóng hết cả hành lý lại gọn gàng và
ra ngồi trước bàn ăn lớn bên ngoài. Trong khi chờ đợi, tôi định pha ly
cà phê uống, nhưng xem lại thì trong bình thủy chẳng còn tí nước nóng
nào. Tôi đành lấy chút nước trái cây hộp ngồi nhâm nhi. Khoảng mười phút
sau, một số các vị sư nhỏ tuổi, đệ tử của thầy viện trưởng đã tề tựu đến
để tiễn đưa thầy đi. Tôi cũng nhân tiện hỏi chương trình đi về
Dharamsala và những ai sẽ đi. Một vị thầy trẻ nói được chút đỉnh Anh ngữ
bảo tôi là chuyến xe lửa sẽ khởi hành vào lúc 8 giờ tối mai 17 tháng 2,
và sẽ đến New Delhi vào lúc 9 giờ sáng ngày 19 tháng 2. Như thế có nghĩa
là cuộc hành trình trên xe lửa sẽ kéo dài 2 đêm, một ngày, tổng cộng
khoảng 32 giờ ngồi trên xe lửa.
Tôi cần phải sửa soạn tinh thần, bởi vì chuyến đi về Dharamsala này có
vẻ không dễ dàng lắm. Dù sao, tôi cũng đã quen với các điều kiện sinh
sống và tiêu chuẩn của vùng Bắc Mỹ. Còn xe lửa ở Ấn Độ này thì khác hẳn,
bao gồm nhiều toa xe kéo với nhau. Mỗi toa chia làm nhiều phòng, thông
với nhau qua một hành lang hẹp dùng để di chuyển. Tuy có máy lạnh, nhưng
mỗi phòng có tổng cộng tới 8 giường ngủ, chia làm 6 giường xếp chồng
thành 3 tầng và 2 giường ngủ còn lại xếp chồng thành hai tầng dọc theo
hành lang. Dù là trên xe lửa tôi sẽ có giường ngủ, nhưng tôi sẽ phải
chia chung một phòng với 7 người xa lạ khác, không biết họ là ai. Tôi
chặc lưỡi tự bảo, cũng chẳng có gì đáng giá trong các hành lý của mình,
bao gồm một cái va-li và một cái va-li xách tay.[19]
Chỉ có thuốc cá nhân và tiền thì cần phải cẩn trọng, và tôi đã chuyển
các thức tối cần thiết đó sang một cái túi ruột tượng đeo quanh lưng.
Vậy là yên chí để đi du hành.
Sáu giờ sáng, thầy viện trưởng đi ra ngoài và sửa soạn lên xe khởi hành.
Vị phó viện trưởng từ hòa đã đến để chúc lên đường vui vẻ và tặng khăn
trắng cho thầy cũng như cho tôi. Cũng như mọi lần, thầy phó viện trưởng
ôm đầu tôi, vuốt má và đọc kinh ban sự an lành. Bao giờ bên thầy phó
viện, tôi cũng cảm động rưng rưng trong lòng... Nhất là trong không khí
của buổi từ giã này, mặc dù thầy phó viện cũng sẽ đi đến Dharamsala sau
đó.
Chiếc xe đã chuyển bánh, buổi sáng gió thổi lành lạnh vào xe, tôi kéo cổ
áo lên và thầm nguyện, xin giã từ Sera Mey lần thứ hai, xin nguyện cầu
cho tương lai, con sẽ có dịp quay về và nhất là có đủ duyên để thành
tăng sĩ, mau đạt giác ngộ để cứu độ mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
Thầy viện trưởng bắt đầu trì tụng, ngài vẫn có thói quen trì tụng khoảng
nửa tiếng sau khi xe bắt đầu lăn bánh. Có lẽ là ngài gia hộ cho chuyến
đi được an bình. Còn tôi, tôi cũng yên lặng hành trì, sáng nay dậy quá
sớm, tôi không có đủ giờ để hành trì phần công phu sáng.
Khoảng một tiếng sau, thầy viện trưởng gọi tôi, con có thấy Ấn Độ không?
Tôi thưa: Vâng, nghèo quá, thưa thầy. Xe chạy qua thị trấn lớn Mysore,
mà nguyên cả khu phố chính trông thật tồi tàn khổ sở. Hai bên đường dân
chúng đang xăn quần lên để đào mương. Cuộc sống nghèo khổ làm tôi mủi
lòng và cầu nguyện cho họ.
(Tôi nhớ đến hồi cách đây 10 năm, hãng của tôi gửi tôi về Việt Nam công
tác, khảo sát đường dây điện cao thế, tôi cố tình đi chuyến xe lửa tốc
hành từ Hà Nội vào Sài Gòn, cũng tương tự như chuyến xe lửa tôi sẽ phải
đi hôm nay, để tìm hiểu đời sống của dân chúng. Ngồi trên xe lửa rời Hà
Nội, tôi không ngăn được nước mắt vì nhớ lại cảnh khổ của người dân,
nhất là khi nhớ lại tình cảnh của một em gái đi làm trong quán cà phê ca
hát karaoke. Trông em cỡ khoảng 17, 18 tuổi, vừa bưng cà phê, vừa ôm con
búp bê trong tay, mặt còn rất ngây thơ. Tôi hỏi, em thích búp bê lắm
sao, quê ở đâu, sao không ở nhà đi học. Em nói thích búp bê lắm, quê ở
Hà Đông (cùng quê với mẹ tôi) và phải đi bưng cà phê vì cha mẹ buôn bán
thua lỗ phá sản, không có tiền sinh sống ở quê, nên phải lên Hà Nội bưng
cà phê. Tôi hỏi thế em muốn đi học không. Em nói chỉ mơ ước có đủ tiền
đi học ra nghề thợ may. Và còn bao nhiêu người và bao nhiêu chuyện như
thế. Trên chuyến xe lửa về Sài Gòn, tôi cứ ứa nước mắt thương cho những
cảnh đời thật buồn bã vô vọng, và tôi ngồi trì chú sám hối 100 chủng tự
Phật Kim Cang Tát Đỏa,[20] hồi hướng cho em cũng
như tất cả những cảnh đời khốn khó ấy để họ được tiêu trừ nghiệp dĩ mà
có thể thoát ra để vươn lên…)
Còn ở đây, những cảnh làm tôi mủi lòng nhất không phải là những người ăn
mày. Dĩ nhiên là cũng có những người ăn mày trông rất tội. Nhưng cảnh
mủi lòng nhất là khi tôi nhìn thấy những phụ nữ Ấn Độ, gầy như que củi,
có lẽ là họ rất thiếu ăn và suy dinh dưỡng. Vậy mà họ phải làm quần quật
trong các công trường xây cất, đầu đội những thúng đá hay những thúng
cát thật to, mang đổ vào những chỗ trộn hồ hay vào các móng làm nền nhà.
Vơi tôi, những người đó đáng thương và đáng quý. Họ không hề đi ăn xin,
làm việc cực nhọc và nhẫn nhịn các khó khăn trong đời sống, không than
van. Mà đặc biệt là họ vẫn mặc bộ quần áo quốc phục tha thướt Saree của
Ấn Độ, màu sắc sặc sỡ, trong khi làm việc ở một môi trường xây cất nặng
nhọc và bụi bặm bẩn thỉu như thế. “Có cái gì tương phản mà thương xót.”
Đôi khi tôi lặng nhìn họ làm việc cực khổ như vậy rất lâu. Mà lạ một
điều, phụ nữ làm khuân vác như vậy rất nhiều trong các công trường, thế
mà công việc loại đó lại thấy hiếm đàn ông đụng vào. Nhiều khi tôi không
hiểu cái văn hóa của họ như thế nào và họ nghĩ gì. Một lần, tôi đánh bạo
đến gần một người phụ nữ khuân vác đó, và cho họ ít tiền rupee, nhưng họ
chỉ nhìn tôi trân trối và không chịu lấy...
Phải nói thực tình là đi nhiều cũng học được rất nhiều điều, nhất là mở
mắt to ra để thấy những mảnh đời xót xa... Tôi quý hình ảnh những người
đó, làm việc rất cực nhọc, nhưng không đi ăn xin. Viết đến đây nước mắt
tôi vẫn còn chực muốn trào ra... Tôi làm gì được cho họ? Có chăng chỉ
còn những lời cầu nguyện chân thành hồi hướng đến họ.
Mà nói đến ăn xin, tôi nhận xét thấy một điều thật tương phản giữa người
Ấn Độ và người Tây Tạng. Đó là, người Ấn Độ đi ăn xin rất nhiều, nhan
nhản trên những đường phố ở Ấn Độ. Người Ấn Độ ăn mày còn vào cả trong
các tu viện đi ăn xin các du khách và chư tăng, nhất là trong những dịp
lễ lạt lớn khi có nhiều người ngoại quốc về tham dự. Và họ níu kéo cả
tay áo của du khách, làm phiền cho đến khi xin được tiền mới thôi. Ngược
lại, trong suốt những lần đi về các tu viện và các trại tỵ nạn của người
Tây Tạng, cũng như trong suốt thời gian ở tại Dharamsala, tôi chưa hề
thấy một người Tây Tạng nào đi ăn xin! Có những người Tây Tạng rất nghèo
khó, làm việc cực nhọc kinh khủng để kiếm sống, nhưng họ không đi ăn
xin, không ăn cắp, và họ rất vui vẻ, hiếu khách và dễ dàng chia sớt vật
dụng thức ăn cho người khác. Điều này cũng làm cho tôi phải sinh lòng
kính trọng nền văn hóa đặc biệt ấy.
Đến đây, tôi lại bồi hồi nhớ đến lần công tác ở Việt Nam, khi đó tôi vào
thăm Huế, chợ Đông Ba, dân chúng cũng có cái nét giống như người Tây
Tạng, rất giữ nề nếp, đi bán chè cũng mặc áo dài, nhưng chân đi đất vì
nghèo, và cũng giữ cái liêm chính không ăn cắp vặt. Tôi nghĩ, người Huế
giữ được cái truyền thống của mình, làm cho du khách đến thăm phải sinh
lòng kính trọng...
Sau năm tiếng đi xe, chúng tôi tới Bangalore. Thầy viện trưởng đưa tôi
vào khách sạn quen, trong đó đã thấy có nhiều vị tăng quen biết đang ở.
Tôi còn được hơn một ngày để đi dạo chơi thành phố Bangalore. Khác với
lần thầy viện trưởng dẫn tôi đi Bangalore năm 2002, hồi đó, ngài dẫn tôi
đi thăm thú nhiều nơi. Bây giờ, ngài đã già hơn, và chỉ dặn tôi là thích
đi chơi đâu thì cứ đi, còn thầy chỉ ở trong phòng của khách sạn thôi.
Tôi cũng đâu có thích thú đi chơi gì lắm. Đầu tiên là về phòng tắm rửa
sau chuyến đi dài 5 tiếng mệt mỏi. Sau đó, tôi cần một thời thiền định
để an tâm, rồi mới đi đâu thì hãy tính sau. Tôi kính chào thầy và đi về
phòng mình.
Trong thời thiền quán, không biết tại sao lòng tôi cứ xúc động liên miên
và trào nước mắt. Phải chăng là vì những ưu tư lo lắng của thầy viện
trưởng khi ngài kể lại cho tôi nghe những khó khăn hiện giờ tu viện phải
đương đầu... Những lo lắng về các vấn đề chính trị thế giới và ảnh hưởng
của chính phủ Ấn Độ, làm cho tu viện càng ngày càng gặp khó khăn trong
đời sống của chư tăng... Hay là vì tôi thấy thầy đã già đi, không còn
như năm 2002, khỏe mạnh và dẫn tôi đi thăm mọi nơi... Những kỷ niệm quá
khứ trở về, mà ngày hôm nay, tất cả như là giấc mộng.
Sau thời thiền quán, tôi ngủ một giấc chưa kịp thức dậy thì có tiếng gõ
cửa. Hai vị tăng thị giả của thầy viện trưởng rủ tôi đi ăn cơm trưa trễ
và nhân tiện mua chút gì về cho thầy. Chúng tôi ăn nhanh nhanh để mang
thức ăn về phòng cho thầy, và tôi ngồi bên thầy suốt buổi ăn trưa thật
trễ đó. Nghe thầy kể chuyện điều hành của tu viện, những khó khăn hiện
tại của thầy cũng như của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với tình hình Tây Tạng
và với nhóm tu tập pháp môn Shugden Dorje...
Khi thầy ăn xong và nằm nghỉ, tôi xin phép thầy ra ngoài đi dạo một
vòng, nhân tiện gửi vài lá điện thư thăm hỏi và kể chuyện cho bạn bè về
chuyến đi của mình.
Trên đường về phòng, tôi ghé qua một tiệm trái cây bên lề đường mua một
ký quýt lớn. Tôi biết thứ quýt lớn, tươi và ngọt này, thầy viện trưởng
rất thích, định bụng để cúng dường ngài sau thời nghỉ ngơi. Lần trước
năm 2002, tôi cũng rất thường mua quýt này cúng dường thầy dùng sau thời
gian nghỉ trưa.