Thể loại sách khác
Lời người còn ghi lại
Tác giả: Thích Chân Tính
11/05/2553 04:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NGŨ PHẦN KHẢO

 

Phàm người tu hành ai ai cũng bị Ngũ phần khảo này. Kẻ thượng căn đại trí thì lướt qua khỏi, còn kẻ nào thiểu căn độn trí ắt là rơi rớt trở lại.

 

Vậy người tu hành cần phải thẩm xét về điểm này. Tu mà nghiệp không khảo đảo là quả đạo còn rất xa, còn tu mà nghiệp lực dồn dập khảo đảo là đạo quả rất gần. Nên trong kinh có nói:

 

Vô ma khảo đảo bất thành Phật đạo

Thập ma thập nạn thành Tiên tử

Bất ma bất nạn bất thành nhân.

 

Nghĩa là:
 

Không ma khảo đảo chẳng thành Phật đạo. Mười ma khảo đảo mười nghiệp dập dồn mà cố chí lướt qua cho được thì Tiên tử mới thành. Bằng chẳng ma khảo đảo, chẳng tai nạn chi thì cũng chẳng trở nên người minh đức.

 

Ta nên biết rằng các bậc Phật Tiên, Hiền Thánh, Minh triết từ thuở xa xưa đều có sự thử thách và khảo đảo trải qua. Các Ngài đạo quả càng cao bao nhiêu là sự khảo đảo càng nhiều bấy nhiêu… Khi khảo hết sức rồi thì bọn chúng ma quân mới hàng đầu quy phục.

Trong kinh cũng có nói:
 

Đạo cao nhất xích,

Ma cao nhất trượng,

Đạt quả đầu thượng,

Ma nhượng đầu Sư…

 

Nghĩa là:

 

Đạo cao một thước,

Ma cao một trượng.

Đạo cao hơn một trượng nữa,

Ma nhượng quy hàng…

(chừng ấy, chúng ma mới quy đầu kính phục đạo làm Thầy).

 

Đây xin tóm lược đại cương Ngũ phần khảo:

 

1. Minh khảo

2. Ám khảo

3. Trừng khảo

4. Thuận khảo

5. Nghịch khảo

 

1. Minh khảo: nghĩa là khảo đảo bằng cách sáng suốt minh bạch trước mắt mà mình không hay biết, lại lầm cho là mình phước trọng, đức lớn, tài hay, cao thượng hơn người, vì vậy mà dễ bề té ngã rơi rớt trở lại.

 

Ví như người tán thán ca tụng khen ngợi những việc làm của mình, điều này cũng ngụ ý thúc giục đưa mình vào hố sâu của tật đố, cống cao, ngã mạn, ỷ lại mình hay… hoặc đưa đến cho mình danh cao lộc cả, lợi nhiều sắc xinh đủ thứ, muốn gì được nấy làm cho mình sinh tâm ái nhiễm mà không hay biết, lại cho việc làm của mình là phải đúng. Ấy gọi là minh khảo vậy.

 

2. Ám khảo: nghĩa là sự khảo đảo bằng cách này rất kín đáo tinh vi khó nhận biết được, làm cho mình lu mờ tâm trí, nhận giả làm chân. Nó ám thị mình một cách rất khéo léo để phủ qua các điều chính đáng, chôn mất tánh linh chẳng còn tự chủ, xu hướng mê tín, dị đoan, ỷ lại thần quyền… ấy cũng gọi là màn lưới của vô minh hay mây bất giác che mờ tâm trí, khuất mất huệ tâm, nhầm đường lạc lối nghiệp tội càng sinh gây nhiều quả báo. Đó gọi là ám khảo.

 

3. Trừng khảo: nghĩa là sự khảo đảo này bằng hình thức cường quyền áp bức, thế lực lấn tranh hành phạt, khảo tra, vu khống, cáo oan, hiếp đáp, bắt buộc ép phải chịu dưới một định luật nào đó bằng không thì bị tù tội, phạt vạ, giết hại v.v… Ấy gọi là trừng khảo.

 

4. Thuận khảo: khảo cách này khó ai tìm hiểu được… (phần nhiều các bậc chân tu rơi rớt là bởi vì thuận khảo này). Bởi nó khảo đảo cách này còn khéo léo hơn trước kia nữa. Mỗi mỗi đều thuận hợp theo ý muốn của ta nên nó dễ bề kéo lôi quyến rũ ta hơn cách nào hết. Bởi chữ “thuận” là xuôi thuận, êm thuận, hòa thuận, thuận hợïp, thuận chiều v.v… cái gì cũng êm xuôi, hòa thuận, hợp chiều theo ý muốn. Muốn chi có nấy hoặc muốn có một đến năm ba… ấy là duyên ngăn đạo (người tu hành rất sợ sự khảo này). Ví như người tu giải thoát chân không nhẹ nhàng khoan khoái, tự tại thong dong… Bấy giờ thuận khảo đưa đến: người niệm tưởng muốn có cây viết tốt, đôi giầy xinh, đồng hồ đẹp… liền có người đem viết thật tốt, giầy thật sang, đồng hồ thật quý đến dâng cho. Kế nữa, người niệm tưởng muốn có máy ảnh, Radio, máy Telephone, lần lần muốn có xe cộ, tàu bè, nhà cao cửa rộng v.v… mỗi mỗi tưởng ước điều chi đều được như ý. Người tu thấp bị khảo theo thấp, tu cao bị khảo theo cao. Đó phải chăng thuận theo mình muốn để dễ bề lôi cuốn đưa mình xa lần cửa đạo, khi đến chỗ buộc ràng sinh tâm ái nhiễm thì nó hắt hủi làm ngã té. Ấy gọi là thuận khảo.

 

5. Nghịch khảo: là sự khảo đảo hoặc bằng cách này hay bằng cách khác, trái ngược theo ý định của mình. Ví như việc làm như vậy là được, việc làm như thế là không nhưng hoàn cảnh bắt buộc phải làm… Chỗ tu được mà tu không an, chỗ ở được mà ở không tiện. Như  ăn chay người ta cản không cho, mình tu hiền người ta quyết định không chịu, mình trì giới người ta tìm cách phá hoại, mình nhẫn nhục người ta tìm cách khinh chê v.v...

 

Tóm lại: bao nhiêu chuyện trái tai, gai mắt, nghịch ý, phiền lòng mà nó cứ dồn dập cho mình làm cho mình quá đau khổ bỏ tu sa ngã… ấy gọi là nghịch khảo.

 

Vậy năm phần khảo trên đây chỉ nói đại cương, nếu giải rộng sẽ còn nhiều phương pháp khác… nhưng không ngoài sự khảo đảo để quyến rũ, kéo lôi bằng nhiều hình thức, cách này cách khác chung quy là làm cho con người đi sai đường lạc lối, lầm nẻo vạy tà… quên mất chân tâm, xa lìa bản tánh mà phải chịu sinh tử luân hồi đau khổ.

 

Nay ta muốn thoát sinh liễu tử, dứt khổ não luân hồi thì cần phải thực hành theo pháp môn Giới, Định, Huệ, xem đó như một đường lối căn bản cho bước đường tu tiến và giải thoát của mình.