Thể loại sách khác
Lời người còn ghi lại
Tác giả: Thích Chân Tính
11/05/2553 04:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TỨ DIỆU ĐẾ VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO

 

Sau sáu năm khổ hạnh, đức Phật Thích-ca tìm ra Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, là toát yếu giáo lý của Ngài để giúp nhân loại tiến hóa và giải thoát đau khổ.

 

Sách Phật nói rằng: “Khi đức Thích-ca toạ thiền thì Ngài ngồi xếp bằng trên đống cỏ Linh Chi, dưới gốc cây Bồ-đề, xoay mặt về hướng Đông tham thiền nhập định và nguyện rằng: “Dù cho thịt nát xương tan, Ta cũng không rời bỏ chốn này trước khi đắc đạo”. Sau nhiều ngày đêm thì Ngài tỏ ngộ, truy ra được nguyên nhân đau khổ là vô minh và pháp mầu diệt khổ là đạo Bát chánh đạo. Thế thì nền tảng Phật giáo là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.

 

Tứ diệu đế gồm: Khổ đế (sự khổ), Tập đế (nguyên nhân sự khổ), Diệt đế (diệt sự khổ) và Đạo đế (phép mầu diệt khổ).

 

1. Khổ đế (sự khổ):

Đời người vẫn khổ. Hãy nhìn xung quanh ta và lấy công tâm mà xét thì thấy toàn là sự khổ. Chúng sinh lâm vào biển khổ mà không ngờ. Nắng lửa, lạnh đông, mưa sầu, gió thảm là cái họa trời làm; còn chiến tranh tàn khốc, cướp bóc lẫn nhau vì miếng ăn, vì đất ở, vì chỗ đứng, vì nơi ngồi là cái khổ của con người gây ra. Chúng sinh có lúc khổ về tinh thần có lúc khổ về vật chất, hễ tránh được cái này thì vướng phải cái nọ. Trên thế gian, chưa ai dám tự hào rằng mình hưởng được trọn phước lành mà không khổ về phương diện nào, mới vui vẻ đó rồi buồn bực cũng đó, mới sung sướng đó rồi mệt nhọc cũng đó, vay trả liền liền, tất cả đều toàn là giả tạm, không có chi là vĩnh viễn trường tồn. Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, bốn cái khổ này những ai chưa thoát tục đều phải đeo mang dù có trốn trong rừng sâu non thẳm cũng không tránh khỏi được.

Chúng sinh bị khổ đã đành, mà nguyên nhân sự khổ đó ở đâu?

 

2. Tập đế (nguyên nhân sự khổ):

Nguyên nhân sự khổ là lòng dục vọng không được toại nguyện. Nó gây ra muôn vàn tội lỗi, hại mình và hại luôn đến người khác nữa. Lòng dục vọng do vô minh sinh ra. Vô minh là không thông luật trời, không biết mình ở đâu đến và có bổn phận nào phải làm cho tròn lúc còn tại thế, bởi vậy con người thường làm những việc trái với thiên lý chừng quả báo trả lại thì than van rên xiết, oán trời trách đất, giận vật hờn người chớ không tự xét xem tội lỗi tự đâu ra. Từ ngàn xưa, hễ nhân nào thì sinh quả nấy. Cái khổ của chúng sinh gây ra thì chúng sinh phải gánh lấy. Cho nên, cái khổ của nhân loại bây giờ là do nhân loại gây ra từ kiếp trước, từ cá nhân tới toàn thể chớ không phải vô cớ mà trời sinh ra đâu. Nói cho đúng thì trời không ban thưởng ai mà cũng không hành phạt ai, chỉ tại con người kêu cái họa hay cái phước tới cho mình đúng với câu: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác hữu báo, như ảnh tùy hình”.

 

3. Diệt đế (diệt sự khổ):

Con người tự đem xiềng xích buộc mình thì phải tự mình tháo nó ra, không ai làm chuyện đó cho mình được, không ai có phép giải thoát cho mình mà tự mình phải sớm lo diệt khổ đau thì mới mau thấy được chân như bản tánh và phản bổn hoàn nguyên. Phải tự cứu mình vậy.

 

4. Đạo đế (pháp mầu diệt khổ):

Pháp mầu diệt khổ là Bát chánh đạo, gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, ấy là sự tín ngưỡng chân chánh, tư tưởng chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, sự cố gắng chân chánh, sự tưởng nhớ chân chánh và thiền định chân chánh.

 

Tám lẽ chánh này, từ bậc vua chúa tới bậc cùng đinh ai ai cũng có thể thực hành, ai ai cũng noi theo đường này được. Nếu quyết chí sẽ không khó gì, chỉ tập thành quen thì bước tới dễ dàng. Có điều, lúc đầu hơi khó.

 

Xin giải vắn tắt 8 lẽ chánh đó ra sau đây

 

1. Chánh kiến (sự tín ngưỡng chân chánh):

Tín ngưỡng chân chánh có nghĩa là điều nào chân chánh mới nên tin, không chân chánh không nên tin. Nhưng trong đời biết bao sự lầm lạc, biết bao sự dị đoan phi lý làm sao biết cái nào tà cái nào chánh mà tin hay bỏ?

 

Khi xưa, người ta có đến hỏi Phật như thế. Phật bảo không nên tin những lời người ta nói vì tại người ta đem nói với chúng ta, không nên tin những tục lệ vì đó sự lưu truyền từ đời thượng cổ. Không nên tin những sự đồn đãi, không nên tin những bài văn của người ta đem cho chúng ta xem vì tại họ nói rằng nó vốn của các vị Hiền triết thuở xưa viết ra. Không nên tin những sự định liệu, không nên tin những điều mà chúng ta tưởng tượng là được thần nhân linh cảm, không nên tin là chân chánh điều nào mà chúng ta có thói quen yêu quý, không nên tin những lời nào vì những lời đó vốn của thầy hay một vị sư huynh thốt ra. Nhưng sau khi xem xét và suy nghiệm chín chắn rồi, nếu thuyết nào hợp với chánh lý và hữu ích cho mọi người thì hãy công nhận thuyết đó và đeo đuổi theo nó mãi.

 

Mấy lời này còn ghi trong kinh Tăng Chi Bộ I, Các vị ở Kesaputta thật rành rẽ, nếu thực hành theo đó thì tránh khỏi các họa mê  tín dị đoan.

 

2. Chánh tư duy (tư tưởng chân chánh):

Tại sao Phật dạy tư tưởng phải chân chánh? Vì tư tưởng có một sức mạnh phi thường, nó làm hại được mà nó làm lợi cũng được.

 

Tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tiến hóa và kiếp số của cá nhân, của quần chúng. Nó là cội rễ của luân hồi quả báo, chớ nên lầm tưởng không làm thì không mắc tội. Luật nghiệp duyên không tư vị ai cả. Vì mấy lẽ trên đây mà đức Phật khuyên chúng ta tư tưởng phải chân chánh. Phải khá thận trọng từ chút trong tư tưởng kẻo gây ra những quả xấu về sau.

 

3. Chánh ngữ (lời nói chân chánh):

Một khi tư tưởng chân chánh rồi thì lời nói và việc làm mới chân chánh, bởi tư tưởng trước rồi mới nói và làm sau.

 

Lời nói chân chánh là lời nói dịu dàng dễ thương, hữu ích, đính chính, hiền lương, không sai ngoa, không chút ngọt, không khoe khoang, không dua nịnh, không bợ đỡ, không gian xảo, không thô lỗ, không cộc cằn.

 

Một lần, đức Khổng Tử tới viếng một tòa cổ miếu thấy hình một người bịt miệng tới ba lớp khăn, Ngài bèn dạy các môn đệ phải khá cẩn thận trong lời nói.

 

Một lời nói có thể gây dựng giang sơn đem hòa bình lại cho trăm họ, mà một lời nói cũng có thể làm nát cửa hại nhà, tiêu điều sự nghiệp, thây nằm chật đất, máu chảy thành sông. Một lời nói giết người được mà một lời nói cũng cứu người được vậy.

 

4. Chánh nghiệp (việc làm chân chánh):

Việc làm chân chánh là những việc làm không mang tính ích kỷ, không tự cầu lợi mà để kẻ khác phải than đau đớn vì mình. Phật dạy năm điều là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không say sưa.

 

Năm điều này thuộc về tịnh, chưa phải là động, động và tịnh phải song hành. Không giết người hại vật, song phải tôn trọng sinh mạng, tìm dịp giúp đỡ và vì lòng nghĩa hiệp cứu khổ phó nguy. Không lấy của ai, nhưng phải giúp cho mọi người có công ăn việc làm và sống một cuộc đời thong thả. Tránh điều hoa nguyệt rượu chè mà phải luyện tập thân thể cho khỏe mạnh. Người theo đạo Phật phải thực hành phép Lục độ, tức Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ vì chứng phép Lục độ gồm cả tịnh và động thì mới vén được màn vô minh che lấp chân như bản tánh.

 

5. Chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh):

Thế nào mới gọi là nghề nghiệp chân chánh? Ấy là nghề nuôi sống mình mà không tổn hại sinh vật. Trong kinh có câu: “Thói phản bội, bói toán cát hung gạt người; ngón xảo quyệt cho vay nặng lãi là những nghề nghiệp không chân chánh”. Trong kinh Tăng Chi Bộ II còn ghi: “Có năm nghề mà đệ tử Phật phải tránh là: 1. Bán thịt; 2. Bán khí giới; 3. Bán sinh vật (người và vật); 4. Bán thuốc độc và 5. Bán rượu”. Đời nay có thêm bán chất gây nghiện nữa.

 

Nói cho đúng, bất cứ nghề nào nếu không làm hết bổn phận, không tận tâm cùng chức nghiệp hay là chỉ mưu lợi cho mình mà không đếm kể sự tổn thương của kẻ khác thì nghề nghiệp đó không phải là chân chánh nữa.

 

6. Chánh tinh tấn (sự cố gắng chân chánh hay sự hoạt động chân chánh):

Sự cố gắng chân chánh có nghĩa là phải

bền chí đạt cho được mục đích của mình đã nhắm. Phải tránh các tội lỗi đừng phạm phải, tập những tính tốt làm cho lòng mình trở nên trong sạch. Muốn thành công, phải biết phương pháp. Phương pháp đó chính là đem những tư tưởng tốt đẹp của mình để chế ngự với những tư tưởng xấu ác đang tồn tại, xua đuổi những tư tưởng ấy đi cho tới chừng nào chúng không còn, khi đó, tâm chúng ta sẽ trở nên sáng suốt.

 

Ví như người kia có tính giả dối. Muốn trừ tuyệt tính này thì phải nuôi những tư tưởng chân thật, mỗi ngày nên xem nên nghe những chuyện ca tụng sự thật… làm như thế trong một thời gian dài ắt hẳn sẽ hoàn toàn đổi mới. Trong lòng người đó không còn muốn gạt gẫm ai, cứ lo ăn ngay ở thẳng mà thôi.

 

Bất cứ tính xấu nào, nếu biết dùng phương pháp này cũng đều trừ khử được cả. Có thể xem nó như một phương pháp duy nhất giúp chúng ta tẩy trừ các tính xấu và thực tập các tính tốt, thực hành theo đó sẽ thấy ngay kết quả. Xin nhấn mạnh là phải bền chí kiên trì không bỏ qua một ngày nào trong sự tập luyện thì kết quả mới vẻ vang được.

 

7. Chánh niệm (sự tưởng nhớ chân chánh):

Người ta thường cho rằng sự tưởng nhớ chân chánh là nhớ lại kiếp trước. Có thể nó cũng có nghĩa đó nhưng trước hết, nó phải nhắc cho ta nhớ ta là ai? Ta phải có bổn phận thường ngày như thế nào đối với đời và đạo? Kế đó, ta nên nhớ những việc vui vẻ, những việc đạo đức, những việc lợi ích thiết thực cho đời. Ta không nên nhớ những việc buồn bực sầu não. Ta phải quên hết những lời người ta gièm pha xiểm nịnh, chửi mắng mình, làm hại mình…

 

8. Chánh định (thiền định chân chánh):

Thiền định chân chánh tức là thiền định cho đúng phép Phật về những vấn đề cao siêu đang mở ra những năng lực còn tiềm tàng trong con người. Ban sơ, nên thực hành thiền định mỗi ngày 4 giờ vào các giờ như Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Sau rồi giờ nào cũng thiền định cả. Người chưa quen thì cho điều này là khó khăn vì bận nhiều việc hằng ngày, song nên biết rằng trong lúc hạ trí của ta chăm chú vào những việc phải làm thì thượng trí của ta vẫn có thể lo nghĩ những vấn đề cao siêu, không khác gì trong khi tay ta làm công việc mà miệng ta nói chuyện với bạn vậy.

 

Nghĩa khác của Chánh định là chú ý vào mục tiêu của mình, không hề quên đạo lý từ bi, hỷ xả và vị tha để được phụng sự chúng sinh.

 

Thực hành theo lẽ chánh trọn vẹn tức là chúng ta đang giữ trong tay chiếc chìa khóa mầu nhiệm để mở cánh cửa Niết-bàn, vì khi đã làm chủ được tư tưởng rồi thì ý muốn, lời nói hay việc làm của chúng ta luôn được minh mẫn, tâm tánh thoát khỏi mộng trần, an nhiên tự tại.

 

Giáo lý của Phật rất nhiều, nhưng có thể tóm tắt đơn giản trong bốn câu kệ sau đây:

 

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo.

 

Nghĩa:

 

Xa lánh điều hung ác

Làm những việc hiền lành

Rửa lòng trong sạch vậy

Chư Phật dạy rành rành.

 

Trên đây là toát yếu giáo lý của đức Thích-ca Mâu-ni. Có người không rõ nên cho Phật giáo là đạo yếm thế, kỳ thật Phật giáo lại là đạo cứu thế giúp đời, hòa nhập với con người và cuộc đời để đồng cam cộng khổ.