Thể loại sách khác
Lời người còn ghi lại
Tác giả: Thích Chân Tính
11/05/2553 04:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NIỆM PHẬT VẤN ĐÁP

 

Hỏi: Tu phép gì thoát được vòng sinh tử?

 

Đáp: Tu theo phép Phật.

*

Hỏi: Niệm Phật được bao nhiêu công đức?

 

Đáp: Nếu có người mua hết thảy các thứ châu báu trong thiên hạ đem về cúng Phật và các vị Hiền Thánh tăng, bố thí cho nhân dân… phúc ấy tuy nhiều, song chẳng bằng niệm Phật. Vì niệm Phật tức là để tâm không vọng niệm, không độc ác, không tham, sân, si, không lừa lọc gian dối. Tâm được an trụ, được thanh tịnh, được giác ngộ mới hết tội lỗi, hết phiền não, hết oan gia báo chướng, được giải thoát, được Niết-bàn, được sang Cực Lạc.

*

Hỏi: Thế gian có nhiều người nói: “Tôi còn đang bận việc nhà lắm, chưa rảnh được để niệm Phật. Đợi khi già rồi sẽ niệm”. Họ hẹn như vậy có được không?

 

Đáp: Người trên thế gian xưa nay sống chết có chừng, đâu ai biết trước mà hẹn. Nhiều người có vàng bạc, tiền của như núi, vợ con hầu hạ đầy nhà, đủ cách sung sướng, rất mực giàu sang. Ai lại chẳng muốn sống lâu hưởng thụ việc ấy, ngặt vì số mạng có chừng, tới ngày mạng tận số chung, vua Thập điện quyết chẳng thuận tình, quỷ vô thường quyết không vị nể. Vả lại, cứ như mắt mình thấy, tai mình nghe, xóm trước làng sau, bà con quen biết, anh em bạn hữu sớm còn tối mất đã biết bao nhiêu. Nên có câu rằng: “Chớ hẹn đến già sẽ niệm, ruộng hoang nhiều mả kẻ còn thơ”. Sao chẳng nghĩ mà coi, từ bé đến lớn lo tính việc nhà, dãi gió dầm mưa, ngậm đắng nuốt cay, một mai số chung mạng tận, may gặp cảnh con hiền cháu thảo biết tình máu mủ, nhớ mẹ thương cha, thỉnh được mấy ông Thầy tụng kinh, cúng được vài chén cơm, nghêu ngao được vài tiếng khóc. Nếu chẳng may gặp những kẻ ngỗ nghịch bất hiếu, cha mẹ mới chết, cây cỏ chưa khô, hơi đất chưa hết mà đã phá tan gia sản, bán ruộng cầm vườn, cờ bạc lang thang, rượu chè be bét, đến nỗi khói hương lạnh lẽo, mồ mả hoang tàn. Nghĩ như vậy thì chắc gì truyền tử lưu tôn mà phải lo lắng cho mệt. Con cháu giàu nghèo đã có phận, chớ vì con cháu tính mưu xa.

 

Xưa, ngài Tử Tâm thiền sư có bài kệ rằng:

 

Nực cười ông nhà giàu.

Lo không kể chừng đổi.

Trong bồ gạo hóa sâu,

Đầy két tiền mục nát.

Xách cân lường ban ngày

Thắp đèn tính ban đêm

Chỉ giữ sự làm ăn,

Quên nghĩ đường tấn thối.

Một mai xuống âm ty

Hai tay rồi cũng phủi

Khuyên phải sớm hồi đầu

Niệm Phật và sám hối

Hình hài như nộm máy

Chớ để dây đứt mối.

 

Như hẹn đến già rồi sẽ niệm, thì làm sao mà chứng được? Phải nên nghĩ rằng: “Người ta sinh ra ở đời như bóng câu qua cửa sổ, ngày tháng tựa thoi đưa, như điện chớp nhoáng, bao nhiêu sự nghiệp công danh cũng đều vô ích”. Chi bằng trong lúc chưa già, ta sớm giác ngộ, tháo cởi phong trần, tìm đường giải thoát. Sống một ngày niệm Phật một ngày, sống một năm niệm Phật một năm. Được một bữa thanh nhàn, tu một thời giải thoát. Đến khi về cảnh cũ quê nhà thì tốt xấu cũng mặc, miễn gói xách của ta sửa soạn rồi, đường đi của ta thế là đủ.

 

Sách có nói: “Sinh ký, tử quy”, nghĩa là sống gởi, thác về. Song nẻo đường về ấy có hai ngả: một là ngả Tịnh độ, hai là ngả uế bang. Ta phải làm sao thoát khỏi được sáu đường, xa lìa ba cõi, chơi nơi Cực Lạc, dạo cảnh thanh lương. Phật Di-đà phóng ngọn hào quang, đức Đại Thế Chí bưng đài kim tọa, ngài Quán Thế Âm tay cầm nhánh liễu rưới nước cam lồ, chư thượng thiện nhân bước tới ao sen tung hoa thiên vũ; tràng phan phất phới, lầu các nghênh ngang, ngọc chói cung trời, vàng lòe đất Phật. Ấy là cõi Tịnh độ dành riêng cho ta khoái lạc tiêu dao. Nếu không thì đầu trâu mặt ngựa, lính ngục thâu hồn, núi sắt thành đồng, lửa trù đốt vía, oan gia nợ cũ đòi hỏi bốn bề, bể khổ sông mê nổi chìm muôn kiếp. Ấy là ngã đường uế bang, là cảnh giới trì tróc những người mưu sinh trần tục. Ta phải lo sợ cho ta, lỡ bước lầm đường, phải chịu khổ như vậy!

 

Than ôi! Người đời chỉ nghĩ đến lúc sống, không nghĩ tới sự chết. Phải nghĩ tới chết là khổ thì gia đình tuy chẳng bỏ được, nhưng hằng ngày lúc nào cũng niệm Phật. Vì Phật Di-đà rất dễ trì niệm, ai cũng có thể vãng sinh được. Dù tội nghiệp tuy nhiều nhưng đã nhờ được oai đức của Phật tiếp độ thì cũng được siêu thoát.

 

Ví dụ căn nhà tối ngàn năm, ta thắp một ngọn đèn thì bóng tối nhanh chóng tiêu tan hết. Cục sắt tuy lớn nặng mà có thuyền chở cũng qua sông được, nếu không có thuyền thì dù một cây kim nhỏ bé xuống nước cũng phải chìm. Vậy, dù những kẻ ác nghiệp hại trâu giết ngựa mà phát nguyện sám hối, quăng dao xuống đất, rồi tu cũng được. Bởi sự tu đó không khó và cũng không hại chi hết. Người học trò không hại đến việc học. Người xuất gia không hại đến việc tham thiền. Người thương gia không hại đến việc buôn bán. Nhà nông không hại đến việc cấy cày. Công nhân không hại đến nghề nghiệp. Quân nhân không hại đến việc canh phòng. Đàn bà không ngại đến nữ công. Người làm thuê không mất việc… Phàm tất cả mọi công việc không ai bị thiệt hại chi hết. Chỉ có niệm sáu tiếng “Nam mô A-di-đà Phật”. Đi đứng, nằm ngồi lúc nào cũng niệm, làm việc gì cũng niệm. Vậy nên, niệm Phật tức là niệm tâm.

 

*

Hỏi: Những người xuất gia tu hành cũng lo nghĩ việc đời như người tại gia được không?

 

Đáp: Xuất gia thì phải lo lắng bổn phận xuất gia. Còn cưu mang việc thế tục thì không phải là sự xuất gia vậy.

Xưa, các Tổ chia ra bốn loại như sau:

- Xuất gia mà xuất gia

- Tại gia mà tại gia

- Tại gia mà xuất gia

- Xuất gia mà tại gia.

Câu thứ nhất là thân xuất gia mà tâm cũng xuất gia: nghĩa là mấy thầy Tỷ-kheo thân đã lìa nhà thế tục, chỉ có tam y nhất bát, ngày dùng một bữa ngọ, cốt để thân tâm được thanh tịnh, chí nguyện giải thoát tiêu dao, quyết vượt qua khỏi vùng hỏa trạch. Trong Tam giới gọi là xuất gia mà xuất gia.

 

Câu thứ hai là thân chưa xuất gia mà tâm cũng chưa xuất gia: nghĩa là những người thế gian thân ở nhà thế tục, lòng lại chuyên cần gìn giữ những danh lợi, của cải ở thế gian. Đó gọi là tại gia mà tại gia.

 

Câu thứ ba là thân chưa xuất gia nhưng tâm đã xuất gia: nghĩa là người thế gian thân tuy ở nhà thế tục mà lòng vẫn mộ đạo, tu hành, ăn chay, niệm Phật, sớm tối tụng kinh nguyện cầu giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đây gọi là tại gia mà xuất gia.

 

Câu thứ tư là thân tuy xuất gia nhưng tâm chưa xuất gia: nghĩa là mấy thầy Tỷ-kheo thân tuy ở chùa mà lòng lại chuyên lo những việc thế tục, tranh danh trục lợi, huyền hoặc mê tín dị đoan như người thế tục. Đó gọi là xuất gia mà tại gia.

 

Chư Tổ dạy như thế, mấy thầy Tỷ-kheo phải nên nghĩ rằng: mình đã xuất gia trong hàng ngũ Tăng đoàn, nghiên cứu giáo lý của Phật hằng ngày, xét kỹ trong thâm tâm mình, trông mình như là con Phật nhưng đã giống Phật được chút nào chưa? Sống đã chắc khỏi tội chưa? Chết đã vãng sinh chưa? Phải nên biết rằng: Hòa thượng, Yết-ma hay Giáo thọ… chỉ là giới luật phép tắc để truyền đạo, chớ không phải quyền tước chi mà vọng niệm tham cầu.

 

Còn chùa chính là trường học giải thoát, là nơi trì giới tham thiền, chớ không phải là chốn triệu tập đàn na, thiện tín đến lập đàn cúng bái để cầu tài, cầu lộc, dìu dắt vào mê tín dị đoan, làm cho cửa Thiền chẳng tịnh, sai lầm chân lý. Sống tuy vui sướng một đời, chết phải ưu sầu muôn kiếp. Vậy xin đừng có thân ở chùa mà tâm ở tục, thì mới xứng đáng hai chữ xuất gia vậy.

 

*

Hỏi: Sự lý của pháp môn Tịnh độ có thể nói cho tường tận được không?

 

Đáp: Sự lý Tịnh độ dù trăm kiếp nói cũng không hết. Như người bậc thượng nghe đôi tiếng là đủ, còn bậc hạ nghe nhiều chừng nào lại thêm nghi chừng nấy, nên chẳng cần gì phải nói cho nhiều.

Bây giờ xin lược vài điểm ra đây. Những người thân tín tu hành cầu sinh Tịnh độ không phải nói rồi là thôi, mà phải y theo và làm mới được. Từ ngày phát lòng tín tâm niệm Phật phải đại dũng mãnh, đại tinh tấn. Đi đứng, nằm ngồi lúc nào cũng niệm. Chỉ giữ một câu “Nam mô A-di-đà Phật” hay “A-di-đà Phật” tức là ông tướng phá đại địa ngục, là ngọn đèn soi tỏ chốn tối tăm, là chiếc thuyền vượt qua bể khổ sông mê, là phương thuốc chữa bệnh sinh tử hay nhất, là con đường dắt ra ngoài Tam giới, là bản tánh Di-đà, Duy tâm Tịnh độ. Vậy mọi người đã phát nguyện phải ghi nhớ một câu “Nam mô A-di-đà Phật” vào dạ, thường niệm chớ không để thất lạc. Nên có câu rằng:

 

Nhất cú Di-đà vô biệt niệm,

Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương.

 

Nghĩa là:

 

Sáu chữ Di-đà chuyên một niệm,

Khẩy tay rồi đã đến Tây Phương.

 

Lại có câu:

 

Dư môn học đạo như nghị tử đăng ư cao sơn.

Niệm Phật vãng sinh phong hoàn dương ư thuận thủy.

 

Nghĩa là:

 

Tu các phép khác như con kiến bò lên núi cao.

Niệm Phật vãng sinh dễ như cánh buồm xuôi theo gió thuận.

Thế thì đủ biết phép niệm Phật dễ dàng rộng lớn hơn ngần nào!

 

*

Hỏi: Trước kia nói Duy tâm Tịnh độ tức là tâm ta, Di-đà thì Tịnh độ tức là tâm ta, Di-đà tức là tính ta. Như vậy còn phải niệm và cầu nơi nào nữa?

 

Đáp: Lời nói đó tựa như phải mà không phải, vì cảnh Tây Phương có lý và tích. Như luận lý tịnh được cái tâm là tất cả trong ngoài đều tịnh hết. Lý Duy tâm Tịnh độ là thế. Còn luận tích thì thật cái thế giới Cực Lạc, Phật Thích-ca đã nhiều phen nói cặn kẽ trong các kinh Di-đà, Lăng-nghiêm, Pháp Hoa v.v… nhiều lắm; có phải sự hư giả vọng ngữ đâu! Ví như ai ai cũng có Phật tánh, nhưng không tu không niệm mà tự nhiên thành Phật. Có đâu mau vậy? Như một khúc cây doanh mộc chắc phải tìm thợ ra công chạm trổ thì sau đó mới thành hình tượng tốt, chớ không có lý nào chưa chạm trổ mà cho khúc doanh mộc ấy là cái hình tượng tốt được.

 

*

Hỏi: Giả có người tin cõi Tịnh độ mà nghi cái nghĩa thanh tâm cho là Tịnh độ, cần gì phải cầu sinh Tịnh độ làm chi? Phật Di-đà phải thấy làm chi? Vả lại, cho cái phép ngộ tính bằng Phật, bằng Tổ là hơn, sao vậy?

 

Đáp: Lời nói đó cao lắm, nhưng địa vị kia không phải dễ đến. Thử coi cảnh Tây Phương Tịnh độ không tham, không sân, không si; còn thân của ta ngày nay đã chắc là không tham, sân, si chưa? Cảnh Tây Phương Tịnh độ muốn gì có nấy, tâm không phải lo phiền trở ngại nữa; còn chúng ta ngày nay muốn áo mặc mà không sẵn có áo, muốn ăn mà không sẵn có ăn, muốn tịnh mà hoàn cảnh không được tịnh vì bị náo động làm phiền não, muốn đi mà không được đi thì bị bó buộc. Vậy đủ biết bậc Duy tâm Tịnh độ thật khó thấu. Như đức Phật Di-đà, phước của Ngài nhiều hơn cát sông Hằng, đức của Ngài bao quát cả trời đất, biến địa ngục thành hoa sen dễ như trở bàn tay, xem vô lượng thế giới như ở trước mắt. Còn phước đức của chúng ta đã đủ độ được cái thân của ta chưa? Tội nghiệp chưa chắc tiêu, địa ngục chưa chắc khỏi, huống được biến thành hoa sen! Việc cách ngoài vách còn chẳng biết, huống thấy được vô lượng thế giới! Xem thế đủ biết bậc tự tánh Di-đà thật là khó thấu. Thế thì tâm ta vẫn là Tịnh độ nhưng chưa vội thành được, tính ta vẫn chắc là Di-đà nhưng chưa vội chứng được. Vậy thì đâu dám khinh Tịnh độ không chịu tu, bỏ Di-đà mà không cần niệm?

 

Kinh Đại A-di-đà nói: “Mười phương thế giới có các vị Bồ-tát tu pháp Tịnh độ cầu sinh sang nước Phật A-di-đà. Như vậy đến bậc Bồ-tát còn phải tu Tịnh độ cầu vãng sinh, huống chi chúng ta là bậc nào mà dám khinh Tịnh độ không tu niệm?