GIẢI THOÁT CHÂN NGÔN
Đạo Phật là đạo giải thoát, chân chánh cao siêu, giáo lý uyên thâm quảng đại, bao hàm các pháp ở thế gian và các pháp dạy người ta ra ngoài cõi thế gian như cách thức tu hành rốt ráo, trì giới, tham thiền đến chỗ cứu cánh giải thoát Niết-bàn, thật là huyền diệu nhiệm mầu, vô cùng vô tận.
Tiếc rằng thời gian gần đây, có một số người chú trọng quá nhiều về hình thức, chỉ chăm lo cúng bái ích kỷ tư lợi, ỷ lại thần quyền lâu ngày thành thói quen, làm lu mờ chánh pháp của Phật. Do đó mà phong hóa ngày một suy đồi, lòng người ngày càng điên đảo, tai nạn chiến tranh lầm than khổ sở.
Ngày nay, Phật pháp được phép mở mang trên rộng khắp, chúng ta nên lựa chọn một phương pháp nào cho đúng với chân tâm để mau bước lên đường giải thoát.
Kể ra sự tu hành cũng có nhiều đường: tu vật chất, tu tinh thần, tu vọng niệm, tu theo chân lý khác nhau. Chữ tu lại có nhiều nghĩa. Bất kỳ giống gì, vật gì, hễ có sửa soạn đẽo gọt lau chùi đều gọi là tu. Như thu xếp nhà cửa, bày trí đồ đạc cho trang nghiêm gọi là tu cái nhà; tập nghề làm ruộng, gieo trồng cây cối cho thứ tự gọi là tu cái vườn; người ta hay trang điểm, sửa soạn quần áo chỉnh tề gọi là tu cái thân. Nhưng chính cái thân mình xét ra cho kỹ chỉ sống được đến 100 năm là cùng, còn đồ vật dùng sau 100 năm cũng phải hư nát. Cứng như sắt mà sét rỉ lâu cũng hư. Bền như đá nhưng nước chảy lâu cũng mòn. Vậy các thứ vật chất ở thế gian này đâu có trường tồn, mà đã không tường tồn thì cũng không cần quan tâm chi cho lắm.
Lại có người cho sự suy nghĩ là tâm của mình. Song tinh thần tư tưởng khi có khi không, khi thay khi đổi, không phải là một nên không gọi là chân tâm được. Đến như các môn học thuật dạy cho người ta mở rộng trí khôn, trông xa cũng biết, đều có thể gọi là tu tinh thần mà kết quả xem có được trường tồn không? Chắc là không. Xác thịt tan hoại, tư tưởng cũng mất luôn. Như thế thì kết quả của học thuật dù thông minh hay tài giỏi đến đâu, cũng chỉ trong một đời mà thôi, qua đời khác phải học lại mới biết. Vậy sự tư tưởng học thuật cũng không có ích chi cho lắm.
Trong kinh Lăng-nghiêm, có đoạn Phật dạy đại khái như vầy: “Tất cả chúng sinh từ vô thủy kiếp đến nay, tuy có tu hành luyện tập mà không sao ra khỏi luân hồi, thành được Chánh Giác là vì không biết chân tâm chắc chắn trường tồn; chỉ theo vô thường giả dối nên không kết quả. Nhiều người vì bắt chước thói đời mà tu hành mê tín, vì bị cám dỗ mà xiêu lòng cho nên lạc lối lầm đường mà không hay biết”.
Nay thay đổi phương châm, lựa chọn một phương pháp tu hành hợp với chân lý đức Phật. Đêm ngày tu tập trì giới tham thiền, ăn chay niệm Phật cho thân tâm thanh tịnh mới gọi là chắc chắn trường tồn. Khi tu cũng tu theo phép chắc chắn trường tồn, đến lúc chứng đắc cũng chứng đắc phép chắc chắn trường tồn. Chắc chắn trường tồn ấy tức là thường trụ. Chân tâm chúng ta có thể bao trùm cả thái hư, thường còn mãi mãi; không theo vật chất mà thay đổi, không theo tinh thần tư tưởng mà biến đổi. Ấy là ngọc báu vô giá của chúng ta. Vậy chúng ta nên lau chùi ngọc báu ấy cho sáng suốt mãi.
Muốn được chân tâm quý báu đó, ta phải tuân theo giới luật. Ngày đêm trau dồi tâm tánh, rồi nhờ Phật điểm hóa mới thấy được chân như bản tánh, thành đạo chứng quả, rồi sau noi theo gương sáng của đức Phật đi hóa độ chúng sinh.
Vì chúng sinh căn tính không giống nhau, có kẻ mạnh người yếu, kẻ khôn người dại, kẻ cao người thấp, nên không thể tu hành một cách như nhau được. Do đó, tùy theo căn cơ chúng sinh mà Phật thuyết năm thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Thừa nghĩa là cỗ xe. Ngồi trên xe đi chắc chắn sẽ đến nơi muốn đến.
Bổn nguyện của chư Phật không phải bày ra năm thừa, song vì căn trí chúng sinh không đồng nhau nên phải đặt ra như thế để dắt lên từng bậc. Kỳ thật, chánh pháp của Phật chỉ có một chớ không hai. Ví như một trận mưa đổ xuống, cây lớn thì đầm đìa theo sức lớn, cây nhỏ đầm đìa theo sức nhỏ, nhưng mưa nào có riêng chung chi đâu!
Thế nên, trong những pháp môn tu, phương pháp niệm Phật là giản dị nhất: ai niệm cũng được, ai tu cũng được. Tàn tật già yếu không biết chữ niệm cũng được; nhặt cỏ, quét nhà, nấu bếp, bế em niệm cũng được; cuốc đất làm vườn, buôn bán hoặc làm thợ niệm cũng được; công chức ngồi bàn giấy niệm là tiện nhất; chỉ có sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật”. Niệm lâu ngày tâm sẽ được thuần nhất, vọng niệm tự tiêu. Tham, sân, si sẽ dần ẩn khuất, những tâm niệm xấu ác cũng sẽ không còn.
Trong kinh có ghi lại: “Niệm Phật tức niệm tâm”. Tham thiền cũng để định tâm. Vậy niệm Phật phải niệm bằng tâm; niệm bằng tâm mới mau diệt vọng, có diệt vọng mới thấy được Phật. Tu niệm bằng hình thức bề ngoài sẽ khó thành kết quả.
Nay thời mạt pháp, Tam tạng Thánh giáo của đức Như Lai để lại chúng ta nhất định phải hành trì. Phải rèn tâm luyện tánh, tu giới định huệ, thực hành đạo nghĩa cứu khổ để tế độ chúng sinh.
Nhưng phần nhiều, người ta chỉ tu theo hình thức sắc tướng bên ngoài, lập đàn cúng bái cầu tài, cầu lộc để hướng dẫn người đến chỗ ỷ lại thần quyền… đó chỉ là tu danh tu lợi chớ không phải tu theo chánh pháp của Như Lai.
Phật Thích-ca Mâu-ni khi xưa quyết bỏ địa vị tôn vinh phú quý, nguyện vào Tuyết sơn tu khổ hạnh trong cầu đạo sáu năm để cứu độ chúng sinh. Đến khi thành đạo Chánh Giác dưới gốc cây Bồ-đề, Ngài lại đi thuyết pháp độ sinh xuyên suốt 49 năm, khắp nơi thấm nhuần Thánh giáo của Ngài nên khổ đau dần vơi bớt. Xem đó thì biết, đức Phật nào có chú trọng việc lập đàn cúng bái cầu tài cầu lộc như ngày nay đâu! Thật là hiểu lầm!
Kinh nói những ai chí thành chí kính tín niệm danh hiệu Phật A-di-đà thời hiện ngay đời nay hưởng được 10 điều lợi ích lớn:
1. Ngày đêm thường được các vị thiên thần ủng hộ.
2. Đức Quán Thế Âm và các vị Bồ-tát thường hộ trì.
3. Ngày đêm thường được đức Phật A-di-đà phóng quang nhiếp hộ.
4. Hết thảy các vị Dạ-xoa, La-sát, các loài độc dữ đều không lại gần mình.
5. Không bị tai nạn hoặc nước trôi lửa cháy.
6. Bao nhiêu tội ác đời trước, hoặc kẻ bị mình giết oan đều tiêu tan hết.
7. Đêm nằm chiêm bao thấy đức Phật A-di-đà mình vàng tươi tốt trang nghiêm.
8. Lòng thường được vui vẻ, dung nhan mạnh khỏe trang nghiêm. Làm việc gì cũng được lợi ích, thành tựu.
9. Được mọi người kính trọng cũng như kính Phật.
10. Đến khi sắp mất, lòng không sợ hãi, tín niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, liền được Phật Di-đà và các vị Bồ-tát tiếp dẫn sang cõi Cực Lạc, hưởng sự sung sướng yên vui, không bao giờ còn phải sầu u khổ não.
Niệm Phật được lợi ích công đức như thế là do nhờ sức tu hành của Phật ngày trước. Ngài có phát thệ rằng: “Nếu khi Ta thành Phật, có chúng sinh nào muốn sinh sang nước Ta, cứ tin niệm danh hiệu của Ta. Nếu không sinh sang thì Ta không thành Phật”. Như thế là vừa tự sức mình lại nhờ được sức Phật tiếp giúp thì việc vãng sinh rất dễ, cũng như thuyền đi xuôi gió sẽ chóng đến bờ.