TẮC 9: TRIỆU CHÂU BỐN CỬA
LỜI DẪN: Gương sáng hiện trên đài, đẹp xấu tự phân, kiếm Mạc Da trong tay, sống chết tùy thời. Hán đi Hồ lại, Hồ lại Hán đi, trong chết được sống, trong sống được chết. Thử nói đến trong ấy lại làm thế nào ? Nếu không có con mắt thấu quan (cửa) làm chỗ chuyển thân, đến trong ấy hẳn là không làm gì được. Hãy nói thế nào là con mắt thấu quan làm chỗ chuyển thân, thử cử xem ?
CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là Triệu Châu ? Triệu Châu đáp: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc.
GIẢI THÍCH: Phàm kẻ tham thiền hỏi đạo xét rõ chính mình, tối kỵ giản trạch ngôn cú. Vì sao ? Đâu chẳng thấy Triệu Châu nói: Chí đạo không khó, chỉ hiềm giản trạch. Lại chẳng thấy Vân Môn nói: Hiện nay Thiền khách ba người năm người dụm đầu miệng nói ồn náo, nói cái này là cú ngữ “thượng tài”, cái kia là ngữ “tựu thân xứ đã xuất”. Không biết trong cửa phương tiện của cổ nhân, vì kẻ sơ cơ hậu học chưa rõ chỗ tâm địa, chưa thấy bản tánh, bất đắc dĩ mà lập ngữ cú phương tiện. Như Tổ sư từ Ấn sang riêng truyền tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Ở đâu có sắn bìm như thế ? Cần phải chặt đứt ngữ ngôn, cách ngoại thấy thật, thấu thoát được rồi, đáng gọi như rồng gặp nước, như cọp tựa núi. Những bậc tiên đức cửu tham có thấy mà chưa thấu, có thấu mà chưa minh, gọi đó là thỉnh ích. Nếu thấy được thấu mà thỉnh ích, lại cần trên ngữ cú xoay quanh không có mắc kẹt, người cửu tham thỉnh ích như vì kẻ trộm đưa thang, kỳ thật việc này không ở trên ngôn cú. Vì thế, Vân Môn nói: Việc này nếu ở trên ngôn cú thì ba thừa mười hai phần giáo há không ngôn cú, cần gì Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang. Phần Dương trong mười tám câu hỏi, câu hỏi này gọi là Nghiệm Chủ Vấn, cũng gọi là Thám Bạt Vấn. Vị Tăng đặt câu hỏi này thật là kỳ đặc, nếu không phải Triệu Châu cũng khó đáp được. Vị Tăng hỏi: Thế nào là Triệu Châu ? Triệu Châu là bổn phận tác gia liền đáp: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc. Tăng thưa: Con không hỏi Triệu Châu này. Triệu Châu bảo: Ông hỏi Triệu Châu nào ? Người sau gọi là “Vô sự thiền”, thật là lừa người chẳng ít. Vì sao ? Bởi Tăng hỏi Triệu Châu, Triệu Châu đáp: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc, chỉ là đáp cái thành Triệu Châu. Ông hiểu như thế, người trong thôn ba nhà cũng hiểu Phật pháp rồi. Đây là phá diệt Phật pháp, như đem con mắt cá so sánh với hạt minh châu, giống thì giống mà phải thì chẳng phải. Lão tăng nói: Chẳng ở Hà Nam, chính tại Hà Bắc. Hãy nói là hữu sự hay vô sự ? Cần phải chín chắn mới được. Viễn Lục Công nói: Một câu rốt sau mới đến lao quan (cửa chắc chắn), ý chỉ chỉ nam không ở trong ngôn thuyết, mười ngày một trận gió, năm ngày một đám mưa, an bang lạc nghiệp, vỗ bụng hát ca, gọi đó là thời tiết thái bình, gọi đó là vô sự, chẳng phải mù tịt gọi là vô sự. Cần phải tháo được cây chốt cửa, ra khỏi rừng gai góc, lột trần toàn thong dong, như xưa giống hệt người bình thường. Do ông hữu sự cũng được, vô sự cũng được, bảy dọc tám ngang, trọn chẳng chấp không, định có. Có một bọn người nói: Xưa nay không một vật, chỉ gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm. Đây là đại vọng ngữ, chưa được nói được, chưa chứng nói chứng. Xưa nay chưa từng tham được thấu, nghe người nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu, liền bảo chỉ là cuồng ngôn xưa nay không việc. Quả là người mù dẫn đám mù. Đâu chẳng biết khi Tổ sư chưa đến, ở đâu gọi trời là đất, gọi núi là sông. Vì sao Tổ sư Tây sang ? Các nơi đăng đường nhập thất, nói cái gì ? Trọn là tình thức so lường. Nếu tình thức so lường ấy hết, mới thấy được thấu. Nếu thấy được thấu, như xưa trời là trời, đất là đất, núi là núi, nước là nước. Cổ nhân nói: Tâm là căn, pháp là trần, hai thứ ví như vết trên gương. Đến chỗ đất này tự nhiên lột trần toàn thong dong. Nếu tột cùng lý luận cũng chưa phải là chỗ an ổn. Đạt đến đó đa số người lầm hiểu cho là cảnh vô sự, Phật cũng chẳng lễ, hương cũng chẳng đốt. Giống thì cũng giống, đến chỗ thoát thể thì chẳng phải. Vừa hỏi đến thì tương tợ cực tắc, vừa chụp đến thì bảy hoa tám mảnh, trụ ở chỗ bụng rỗng tâm cao, đến đêm ba mươi tháng chạp quơ tay chụp ngực, đã muộn rồi.
Vị Tăng hỏi Triệu Châu thế ấy, Triệu Châu đáp thế ấy, hãy nói làm sao dò tìm ? Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, cứu kính thế nào ? Chỗ này là nạn xứ, cho nên Tuyết Đậu đưa ra trước mặt chỉ cho người. Một hôm Triệu Châu đang ngồi, thị giả thưa: Có Đại vương đến. Triệu Châu nhớn nhác nói: Đại vương muôn phước. Thị giả thưa: Bạch Hòa thượng chưa đến. Triệu Châu bảo: Lại nói đến rồi.
Tham thiền đến trong ấy, thấy đến trong ấy, quả là kỳ đặc. Thiền sư Nam niêm rằng: Thị giả chỉ biết báo khách, chẳng biết thân tại đế hương, Triệu Châu vào cỏ tìm người, bất chợt cả thân bùn dấy. Chỗ chân thật này, các người lại biết chăng ? Xem lấy bài tụng của Tuyết Đậu:
TỤNG: Cú lý trình cơ phách diện lai Thước-ca-la nhãn tuyệt tiêm ai Đông Tây Nam Bắc môn tương đối Vô hạn luân chùy kích bất khai.
DỊCH: Trong cú trình cơ vạch mặt ra Trần ai chẳng dính mắt ca-la
Nam Bắc Đông Tây cửa tương đối Biết bao chùy sắt đập chẳng ra.
GIẢI TỤNG: Triệu Châu lâm cơ dường như bảo kiếm Kim Cang Vương, vừa nghĩ nghị là chặt đầu ông, thường thường ngay mặt móc lấy con mắt ông. Vị Tăng này dám nhổ râu cọp, đặt ra câu hỏi dường như vô sự sanh sự, không ngờ trong câu có cơ, ông đã trình cơ ra. Triệu Châu cũng chẳng cô phụ câu hỏi của ông, cho nên cùng trình cơ đáp. Chẳng phải Triệu Châu đáp mọi người đều như thế, người thấy thấu tự nhiên khế hợp, dường như có sự an bài sẵn.
Có một ngoại đạo tay cầm con chim sẻ đến hỏi Phật: Thử nói con chim trong tay tôi là chết hay sống ? Thế Tôn liền bước lại bệ cửa, bảo: Ngươi nói ta ra hay vào ? (Có bản nói Thế Tôn đưa tay lên hỏi: Nắm hay xòe ?) Ngoại đạo nói không được liền lễ bái. Lối nói này tương tợ công án ở đây. Người xưa tự là huyết mạch chẳng dứt, cho nên nói: Vấn tại đáp xứ, đáp tại vấn xứ. Tuyết Đậu thấy được thấu, liền nói: Trong cú trình cơ vạch mặt ra. Trong câu có cơ như kèm hai ý, dường như hỏi người, dường như hỏi cảnh. Triệu Châu không dời đổi một mảy tơ, liền vì kia nói: Cửa Đông cửa Tây cửa Nam cửa Bắc. Câu tụng “trần ai chẳng dính mắt ca-la” là nói Triệu Châu nhân cảnh đều đoạt, nhằm trong câu trình cơ để đáp cho vị Tăng. Đây gọi là có cơ có cảnh, vừa chuyển liền chiếu phá tận tim mật của kia. Nếu không như thế, khó mà lấp được câu hỏi của vị Tăng. Thước-ca-la nhãn là tiếng Phạn, dịch là con mắt kiên cố, cũng là con mắt Kim Cang, soi thấy không ngại, chẳng những soi thấy từng mảy tơ ở ngoài ngàn dặm, mà còn định tà quyết chánh, biện đắc thất, phân biệt cơ nghi, biết lỗi lầm. Tuyết Đậu nói: “Nam Bắc Đông Tây cửa tương đối, biết bao chùy sắt đập chẳng ra” chính là chỗ thấy của Tuyết Đậu như thế, các ông lại làm sao cho cửa này mở ? Hãy tham cứu kỹ xem !