Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 10: MỤC CHÂU KẺ CƯỚP RỖNG


LỜI DẪN: Thế ấy thế ấy, chẳng thế ấy chẳng thế ấy, nếu luận chiến thì mỗi mỗi ở chỗ chuyển, cho nên nói: Nếu hướng thượng chuyển liền được Thích-ca, Di-lặc, Văn-thù, Phổ hiền, ngàn Thánh muôn Thánh, các bậc Tông sư khắp thiên hạ thảy đều nuốt hơi ngậm miệng. Nếu hướng hạ chuyển thì chim chóc mối kiến xuẩn động hàm linh mỗi mỗi đều phóng hào quang sáng, mỗi mỗi đều vách đứng vạn nhẫn. Nếu như chẳng thượng chẳng hạ, lại làm sao thương lượng ? Có điều vin điều, không điều vin lệ, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Mục Châu hỏi vị Tăng: Vừa rời chỗ nào ? Tăng liền hét ! Mục Châu nói: Lão tăng bị một tiếng hét của ông. Tăng lại hét ! Mục Châu nói: Ba hét bốn hét sau rồi làm gì ? Tăng lặng câm. Mục Châu liền đánh, nói: Kẻ cướp rỗng này.

GIẢI THÍCH: Phàm là người dựng lập Tông giáo phải có bổn phận Tông sư nhãn mục, có bổn phận Tông sư tác dụng. Mục Châu cơ phong dường như điện chớp, thích khám phá các tọa chủ. Bình thường Sư nói ra một lời, nửa câu giống như cả rừng gai góc, để chân tay đến không được. Sư vừa thấy Tăng đến liền nói: Hiện thành công án, tha ông ba mươi gậy. Có khi thấy Tăng, Sư gọi: Thượng tọa ! Tăng xoay đầu lại. Sư bảo: Kẻ gánh bản. Sư dạy chúng: Chưa có chỗ vào phải được chỗ vào, đã được chỗ vào không được cô phụ Lão tăng. Mục Châu vì người phần nhiều như thế.

Vị Tăng hỏi đây cũng khéo giũa gọt, song đầu rồng, đuôi rắn. Chính khi ấy, nếu không phải Mục Châu cũng bị y làm một trường bối rối. Như Mục Châu hỏi vừa rời chỗ nào, Tăng liền hét, hãy nói ý chỉ thế nào ? Lão già này cũng không rối loạn, chậm rãi nói với y, Lão tăng bị một tiếng hét của ông. Dường như nhận thoại của y được một phần, lại dường như nghiệm y, nép thân qua một bên xem y thế nào. Vị Tăng này lại hét, giống thì giống, phải thì chưa phải. Bị lão già này xỏ lỗ mũi, bèn hỏi ba tiếng hét, bốn tiếng hét sau rồi làm gì. Quả nhiên vị Tăng này câm họng. Mục Châu liền đánh, bảo: Kẻ cướp rỗng này. Thật là nghiệm người đến chỗ chính xác, buông lời liền là tri âm. Tiếc thay vị Tăng này câm họng, nên bị Mục Châu nói kẻ cướp rỗng này. Nếu là quí vị, bị Mục Châu bảo ba tiếng hét bốn tiếng hét sau rồi làm gì, nên đáp thế nào để khỏi bị nói kẻ cướp rỗng này ? Trong đây nếu là người biết sống chết, rành tốt xấu, chân đạp đến chỗ đất chân thật, nào quản ba tiếng hét bốn tiếng hét sau rồi làm gì. Bởi vị Tăng này câm họng, nên bị lão ấy cứ theo bản luận tội kết án. Nghe Tuyết Đậu tụng:

TỤNG: Lưỡng hát dữ tam hát Tác giả tri cơ biến Nhược vị kỵ hổ đầu
 
Nhị câu thành hạt hán Thùy hạt hán ?

Niêm lai thiên hạ dữ nhân khan. 

DỊCH: Hai hét cùng ba hét

Tác giả biết cơ biến Nếu bảo cỡi đầu cọp Cả hai thành mù hết Ai kẻ mù ?

Đem ra thiên hạ cho người xem.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu chẳng ngại có chỗ vì người. Nếu không phải là hàng tác gia thì chỉ hét hồ hét loạn thôi. Vì thế cổ nhân nói: Có khi một tiếng hét không có cái dụng của tiếng hét, có khi một tiếng hét có cái dụng của một tiếng hét, có khi một tiếng hét như sư tử ngồi xổm, có khi một tiếng hét như bảo kiếm Kim Cang Vương. Thiền sư Hưng Hóa nói: Ta thấy các ông ở bên Đông lang hét, ở bên Tây lang cũng hét, chớ có hét hồ hét loạn, dù cho hét đến Hưng Hóa bay bổng lên cõi trời Tam thập tam, rớt lại xuống đất chết ngất, đợi đến khi tỉnh lại, ta sẽ nói với các ông là chưa phải. Vì sao ? Vì Hưng Hóa chưa từng nhằm trong màn trướng tía ném chân châu cho các ông, các ông chỉ thích hét hồ hét loạn làm gì ? Tổ Lâm Tế nói: Ta nghe các ông thảy học tiếng hét của ta, ta hỏi các ông nhà Đông có vị Tăng đến, nhà Tây có vị Tăng đến, cả hai đồng thời hét, vậy tiếng hét nào là khách, tiếng hét nào là chủ ? Nếu các ông phân chủ khách chẳng được, về sau không được bắt chước Lão tăng. Vì thế Tuyết Đậu tụng “tác giả biết cơ biến”. Vị Tăng này tuy bị Mục Châu thâu, song y có biết chỗ cơ biến. Hãy nói chỗ nào là chỗ vị Tăng này biết cơ biến ? Thiền sư Trí ở Lộc Môn điểm vị Tăng này rằng: Người biết pháp sợ Nham Đầu nói nếu luận chiến thì mỗi mỗi đứng tại chỗ chuyển. Hòa thượng Tử Tâm ở Hoàng Long nói: Cùng thì biến, biến thì thông. Cái này là chỗ Tổ sư ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ. Ông nếu biết cơ biến, nhắc đến liền biết chỗ rơi. Có một nhóm người nói: Cần đợi kia nói ba hét bốn hét làm gì, chỉ cần hét sắp dứt liền hét, hai chục đến ba chục hét, hét đến Di-lặc hạ sanh, gọi đó là cỡi đầu cọp. Nếu thấy biết như thế là chẳng biết Mục Châu cần thấy vị Tăng kia, rất xa vậy. Như người cỡi đầu cọp cần phải trong tay có đao, cũng biết chuyển biến mới được. Tuyết Đậu nói nếu thấy biết thế ấy, “cả hai đều mù hết”. Tuyết Đậu giống như cầm cây Ỷ Thiên trường kiếm, oai phong lẫm lẫm. Nếu hiểu được ý Tuyết Đậu, tự nhiên ngàn chỗ muôn chỗ đồng thời hiểu, liền thấy phần tụng sau của Tuyết Đậu chỉ là chú giải. Lại nói “ai kẻ mù”, thử nói khách mù hay chủ mù ? Hay là chủ khách đồng thời mù chăng ? “Đem ra thiên hạ cho người xem”, đây là chỗ sống, Tuyết Đậu một lúc tụng xong vậy. Lại nói “đem ra thiên hạ cho người xem”, hãy nói làm sao xem ? Mở mắt xem hay nhắm mắt xem ? Lại có người khỏi được chăng ?

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.