TẮC 4: ĐỨC SƠN MẮC ÁO VẤN ĐÁP
LỜI DẪN: Thanh thiên bạch nhật không được chỉ Đông vẽ Tây, thời tiết nhân duyên cần phải hợp bệnh cho thuốc. Hãy nói buông đi tốt, nắm đứng tốt, thử cử xem.
CÔNG ÁN: Đức Sơn đến Qui Sơn, mắc áo trên pháp đường, từ phía Đông đi qua phía Tây, từ phía Tây đi qua phía Đông, nhìn xem, nói: Không ! Không ! Liền đi ra. Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong. (Viên Ngộ: Lầm ! Quả nhiên ! Điểm !) Đức Sơn ra đến cửa lại nói: Cũng không được lôi thôi. Liền đầy đủ oai nghi trở vào ra mắt. Qui Sơn ngồi yên. Đức Sơn đưa tọa cụ lên nói: Hòa thượng ! Qui Sơn toan nắm cây phất tử. Đức Sơn liền hét, phủi áo đi ra. Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong. (Viên Ngộ: Lầm ! Quả nhiên ! Điểm !) Đức Sơn xây lưng với pháp đường, mang giày cỏ liền đi. Đến chiều, Qui Sơn hỏi Thủ tọa: Người mới đến khi nãy ở đâu ? Thủ tọa thưa: Khi ấy ông xây lưng pháp đường mang giày cỏ đi ra. Qui Sơn bảo: Kẻ này về sau đến trên đảnh cô phong dựng chiếc am cỏ quở Phật mắng Tổ. Tuyết Đậu trước ngữ: Trên tuyết thêm sương. (Viên Ngộ: Lầm ! Quả nhiên ! Điểm !)
GIẢI THÍCH: Giáp Sơn (Viên Ngộ) hạ ba chữ “điểm”, các ông lại hội chăng ? Có khi đem một cọng cỏ làm thân vàng trượng sáu, có khi đem thân vàng trượng sáu làm một cọng cỏ. Đức Sơn xưa là Giảng sư ở Tây Thục giảng kinh Kim Cang. Trong kinh nói: “Kim Cang Dụ Định trong Hậu Đắc Trí, phải ngàn kiếp học oai nghi Phật, muôn kiếp học tế hạnh Phật, sau mới thành Phật.” Thế mà những con ma phương Nam (Thiền sư) nói “Tức tâm là Phật”, ông nổi giận gánh bộ kinh Kim Cang Sớ Sao đi hành cước, thẳng đến phương Nam phá bọn ma. Xem ông phát giận như thế, cũng là kẻ mãnh lợi. Ban đầu ông đến Lễ Châu, trên đường gặp một bà già bán bánh, bèn để gánh kinh xuống, mua bánh điểm tâm. Bà già hỏi: Trong gánh đó là gì ? Đức Sơn đáp: Kinh Kim Cang Sớ Sao. Bà già nói: Tôi có một câu hỏi, nếu Thầy đáp được cúng dường bánh điểm tâm, bằng đáp không được xin mời đi nơi khác mua. Đức Sơn bảo: Nên hỏi. Bà hỏi: Kinh Kim Cang nói “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, Thượng tọa muốn điểm tâm nào ? Đức Sơn lặng câm. Bà bèn chỉ đến tham vấn Long Đàm. Vừa tới cửa, Đức Sơn liền nói: Nghe danh Long Đàm đã lâu, hôm nay đi đến, Đàm (đầm) cũng chẳng thấy, Long (rồng) cũng chẳng hiện. Long Đàm ở trong nhà bước ra, nói: Ông đến gần Long Đàm. Đức Sơn đảnh lễ rồi lui. Một đêm, Đức Sơn vào thất đứng hầu, canh đã khuya, Long Đàm bảo: Sao chẳng xuống đi ? Đức Sơn cúi đầu vén rèm bước ra, thấy ngoài trời tối đen, lại trở vào thưa: Ngoài trời tối đen. Long Đàm đốt cây đèn cầy trao cho Đức Sơn. Đức Sơn vừa nhận, Long Đàm liền thổi tắt. Đức Sơn bỗng nhiên đại ngộ, lễ bái. Long Đàm hỏi: Ông thấy cái gì mà lễ bái ? Đức Sơn thưa: Từ đây về sau con không còn nghi đầu lưỡi của chư Hòa thượng. Hôm sau, Long Đàm thượng đường nói: Trong đây có kẻ răng như cây kiếm, miệng tợ chậu máu, đánh một gậy chẳng ngoái đầu, ngày kia hôm khác sẽ lên trên đảnh cô phong thành lập đạo của ta. Đức Sơn bèn đem bộ Sớ Sao ra trước pháp đường nổi lửa đốt, nói: Cùng chư huyền biện như một sợi lông ném trong hư không, tột chỗ khôn khéo của đời như một giọt nước nhỏ xuống hồ to. Sư liền thiêu sạch.
Sau khi nghe Qui Sơn giáo hóa hưng thạnh, Đức Sơn bèn thẳng đến Qui Sơn, tức là tác gia gặp nhau. Đến nơi, chiếc bị ông cũng chẳng cởi, đi thẳng đến pháp đường, đi từ Đông qua Tây, từ Tây qua Đông, nhìn xem nói: Không ! Không ! Liền đi ra. Thử nói ý ở chỗ nào ? Có phải điên chăng ? Nhiều người lầm hiểu cho là kiến lập, toàn không dính dáng. Xem ông thế ấy quả là kỳ đặc. Cho nên nói: Xuất chúng phải là kẻ anh linh, thắng địch chính là con sư tử. Thi Phật, nếu không con mắt như thế dù trải ngàn năm cũng chả làm gì. Đến trong ấy, phải hàng thông phương tác giả mới thấy được. Tại sao ? Phật pháp không có nhiều việc, ở đâu mang lắm tình kiến ? Đó là tâm họ rối rắm, sanh nhiều thứ nhọc nhằn. Do đó, Huyền Sa nói: “Giống như bóng trăng dưới đầm thu, tiếng chuông đêm lặng tùy đánh tùy dộng mà không khuyết, chạm sóng mà không tan, đây vẫn là việc bên bờ sanh tử.” Đến trong ấy cũng không được mất phải quấy, cũng không kỳ đặc huyền diệu. Đã không kỳ đặc huyền diệu, làm sao hiểu ông ấy từ Đông qua Tây, từ Tây qua Đông ? Hãy nói ý như thế nào ? Ông già Qui Sơn cũng chẳng quản y. Nếu không phải Qui Sơn, ắt bị y bẻ gãy rồi. Xem lão tác gia Qui Sơn kia gặp nhau chỉ quản ngồi xem thành bại. Nếu không phải hiểu thấu lai phong, đâu thể làm như thế. Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong ! Thật giống như cây cọc sắt. Trong chúng gọi đó là trước ngữ (lời qui thúc). Tuy nhiên tại hai bên, lại chẳng đứng hai bên. Tuyết Đậu nói khám phá xong, làm sao hiểu ? Chỗ nào là chỗ khám phá ? Thử nói, khám phá Đức Sơn hay khám phá Qui Sơn ? Đức Sơn liền ra đến cửa, lại cần nhổ gốc, tự nói: Cũng chẳng được lôi thôi, cần cùng Qui Sơn vạch bày ngũ tạng tâm can, một trường pháp chiến. Lại đầy đủ oai nghi trở lại gặp nhau. Qui Sơn ngồi yên, Đức Sơn đưa tọa cụ lên nói: Hòa thượng ! Qui Sơn toan nắm cây phất tử, Đức Sơn liền hét, phủi áo đi ra. Thật là kỳ đặc. Trong chúng đa số nói Qui Sơn sợ Đức Sơn, có gì dính dáng. Qui Sơn cũng chẳng vội vàng. Sở dĩ nói trí vượt hơn cầm thì bắt được cầm, trí vượt hơn thú thì bắt được thú, trí vượt hơn người thì bắt được người. Người tham được loại Thiền này, dù cả đại địa sum la vạn tượng, thiên đường, địa ngục, cỏ cây, người súc, đồng thời hét một tiếng cũng chẳng quản, lật ngược giường thiền, hét tan đại chúng cũng chẳng đoái, cao như trời, dầy như đất. Qui Sơn nếu không có thủ đoạn ngồi cắt lưỡi người trong thiên hạ, khi ấy nghiệm ông ta cũng rất khó. Nếu không phải là bậc thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, đến trong ấy cũng khó rành rõ. Qui Sơn là người ngồi trong buồng the tính toán, mà thắng được kẻ địch bên ngoài ngàn dặm. Đức Sơn xây lưng pháp đường mang giầy cỏ liền đi ra, hãy nói ý thế nào ? Các ông nói Đức Sơn là thắng hay thua ? Qui Sơn thế ấy là thắng hay thua ? Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong. Quả là ông hạ thủ công phu thấy thấu chỗ tột cùng sâu sắc của cổ nhân, mới có cái kỳ đặc như thế. Nột Đường nói: “Tuyết Đậu đặt hai cái khám phá, chia làm ba đoạn phán xét mới rõ công án này. Giống như người bàng quan phán đoán hai người chiến đấu.” Qui Sơn từ từ đến chiều mới hỏi Thủ tọa: Người mới đến khi nãy ở đâu ? Thủ tọa thưa: Khi ấy ông xây lưng pháp đường mang giày cỏ đi ra. Qui Sơn bảo: Kẻ này về sau lên đảnh ngọn cô phong dựng chiếc am cỏ quở Phật mắng Tổ. Hãy nói ý chỉ ông ta như thế nào ? Lão Qui Sơn không phải hảo tâm, về sau Đức Sơn quở Phật, mắng Tổ, làm mưa làm gió, như xưa vẫn không ra khỏi hang ổ của Qui Sơn, bị lão này thấy thấu bình sanh chi tiết. Đến trong đó, nói Qui Sơn thọ ký cho y được chăng ? Nói đầm to chứa núi, lý hay dẹp cọp được chăng ? Nếu nói thế ấy, thật buồn cười không dính dáng. Tuyết Đậu biết chỗ rơi của công án, dám cùng đó phán đoán, lại nói: Trên tuyết thêm sương. Lặp lại nêu ra cho người thấy. Nếu thấy được, nhận ông cùng Qui Sơn, Đức Sơn, Tuyết Đậu đồng tham. Nếu thấy chẳng được, tối kỵ chớ sanh tình giải.
TỤNG:Nhất khám phá Nhị khám phá
Tuyết thượng gia sương tằng hiểm đọa Phi Kỵ tướng quân nhập Lỗ đình
Tái đắc hoàn toàn năng kỷ cá Cấp tẩu quá
Bất phóng quá
Cô phong đảnh thượng thảo lý tọa Đốt !(1 tiếng hét)
DỊCH: Một khám phá Hai khám phá
Trên tuyết thêm sương từng hiểm đọa Phi Kỵ tướng quân vào Lỗ đình
Về được hoàn toàn hay mấy kẻ Chạy nhanh qua
Chẳng bỏ qua
Trên đảnh cô phong ngồi trong cỏ Đốt !
GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng một trăm tắc công án, mỗi tắc mỗi tắc phải thắp hương niêm ra, vì thế mà thạnh hành ở đời. Sư đã hiểu văn chương lại thấu triệt công án, xem khắp chín chắn mới dám hạ bút. Tại sao như thế ? Vì rắn rồng dễ biện, Thiền tăng khó lừa. Tuyết Đậu tham thấu công án này, chỗ chi tiết khúc mắc đặt ba câu, gom lại tụng ra “trên tuyết thêm sương từng hiểm đọa”. Đến như Đức Sơn giống ai ? Giống Lý Quảng thiên tánh bắn giỏi, vua phong Phi Kỵ tướng quân, xông vào triều đình nước Lỗ, bị Đơn Vu bắt sống. Khi ấy Lý Quảng bị thương, quân giặc cột dây giữa hai con ngựa để Lý Quảng nằm chở đi. Lý Quảng giả bộ chết, liếc xem bên cạnh có người Hồ cỡi con ngựa giỏi. Lý Quảng vọt mình nhảy lên lưng ngựa, xô người Hồ té, giựt cung tên, quất ngựa chạy về Nam, giương cung bắn lui những kẻ đuổi theo, nhờ đó được thoát nạn. Kẻ này có thủ đoạn như thế, nên trong chết được sống. Tuyết Đậu dẫn vào trong bài tụng để so sánh Đức Sơn tái yết kiến Qui Sơn, như trước bị Qui Sơn mà nhảy ra được. Xem người xưa thấy đến nói đến hành đến, dụng đến, quả là bậc anh linh, có tư cách giết người không nháy mắt, mới kham liền đó thành Phật. Có người liền đó thành Phật, tự nhiên có tư cách giết người không nháy mắt, mới có phần tự do tự tại. Hiện nay, có người hỏi đạo, sờ trên đầu dường như khí khái Thiền tăng, vừa đẩy nhè nhẹ thì lưng gãy đùi đứt bảy phần tám mảnh, lẫn lộn không có chút tương tục. Vì thế người xưa nói tương tục cũng rất khó. Xem Đức Sơn, Qui Sơn như thế, há có kiến giải lăng xăng ? Trở lại hoàn toàn có được mấy người ? “Chạy nhanh qua”, Đức Sơn hét một tiếng liền đi ra. Giống như Lý Quảng bị bắt, sau thiết kế bắn một mũi tên giết một tướng Phiên, chạy ra khỏi triều đình nước Lỗ. Tuyết Đậu tụng đến đây rất có công phu. Đức Sơn xây lưng pháp đường mang giầy cỏ đi ra, là nói lên được cái tiện nghi. Đâu biết lão này như trước, chẳng cho người xuất đầu.
Tuyết Đậu nói “chẳng bỏ qua”. Qui Sơn đến chiều hỏi Thủ tọa: Người mới đến khi nãy ở đâu ? Thủ tọa thưa: Chính khi ấy xây lưng pháp đường mang giầy cỏ đi ra. Qui Sơn bảo: Kẻ này sau kia đến trên đảnh cô phong dựng chiếc am cỏ quở Phật mắng Tổ. Đâu từng bỏ qua, quả là kỳ đặc. Đến trong ấy vì sao Tuyết Đậu nói “trên đảnh cô phong ngồi trong cỏ” ? Lại hạ một tiếng hét. Hãy nói rơi tại chỗ nào ? Lại tham ba mươi năm !