Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 42: BÀNG CƯ SĨ TUYẾT ĐẸP MẢNH MẢNH


LỜI DẪN: Riêng nêu biệt cợt, kẹt nước mắc lầy, nhịp hát đồng thời, núi bạc vách sắt. Nghĩ nghị thì trước đầu lâu thấy quỉ, suy tư thì ngồi dưới hắc sơn. Mặt nhật lên soi sáng khắp trời, gió mát thổi vì vèo đầy đất. Hãy nói cổ nhân lại có chỗ lầm lẫn chăng, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Ông cư sĩ Bàng Uẩn từ giã Dược Sơn, Dược Sơn sai mười vị Thiền khách tiễn đến cổng ngoài. Cư sĩ chỉ tuyết trong không nói: Tuyết đẹp mảnh mảnh chẳng rơi chỗ khác. Thiền khách Toàn hỏi: Rơi tại chỗ nào ? Cư sĩ đánh một tát. Toàn bảo: Cư sĩ không được thô xuất. Cư sĩ nói: Ông thế ấy mà xưng là Thiền khách, Diêm vương chưa tha ông đâu. Toàn hỏi: Cư sĩ thì sao ? Cư sĩ đánh một tát, nói: Mắt thấy như mù, miệng nói như câm. (Tuyết Đậu riêng nói: Chỗ mới hỏi, chỉ nắm một hòn tuyết, liền đánh.)

GIẢI THÍCH: Cư sĩ họ Bàng tham vấn hai nơi Mã Tổ, Thạch Đầu đều có làm tụng. Ban đầu yết kiến Thạch Đầu hỏi: Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ? Chưa dứt lời bị Thạch Đầu bụm miệng, liền có tỉnh, làm tụng: “Việc hằng ngày không khác, chỉ tôi tự vui hay, vật vật không bỏ lấy, chỗ chỗ không trái bày, đỏ tía gì làm hiệu, núi xanh tuyệt điểm ai, thần thông cùng diệu dụng, gánh nước bửa củi tài.” Sau ông đến tham vấn Mã Tổ hỏi: Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ? Mã Tổ đáp: Đợi ông dùng miệng hút cạn nước Tây Giang, liền vì ông nói. Cư sĩ bỗng nhiên đại ngộ, làm tụng: “Mười phương đồng tụ hội, mỗi mỗi học vô vi, đây là trường thi Phật, tâm Không được đậu về.” Vì ông là hàng tác gia, sau này các nơi đều trọng vọng đến đâu cũng được khen ngợi. Ông qua lại Dược Sơn nhiều lần và ở lâu, từ giã ra về, Dược Sơn rất trọng nên sai mười Thiền khách đi tiễn. Khi ấy gặp tuyết rơi, cư sĩ chỉ tuyết nói: Tuyết đẹp mảnh mảnh chẳng rơi chỗ khác. Thiền khách Toàn hỏi: Rơi tại chỗ nào ? Cư sĩ liền tát. Thiền khách Toàn đã không thể hành lệnh, cư sĩ hành phân nửa. Lệnh tuy hành, Thiền khách Toàn đối đáp thế ấy chẳng phải không biết chỗ rơi của ông, chỉ vì mỗi người có cơ phong cuộn tung chẳng đồng. Song vẫn có chỗ chẳng đến kịp cư sĩ, vì thế rơi dưới giá của ông, khó thoát khỏi cái lồng của ông. Cư sĩ đánh rồi lại vì nói đạo lý: Mắt thấy như mù, miệng nói như câm. Tuyết Đậu riêng nói: Chỗ mới hỏi, chỉ nắm một hòn tuyết, liền đánh. Tuyết Đậu thế ấy cốt chẳng cô phụ lời hỏi của Toàn, chỉ vì căn cơ chậm lụt. Tạng chủ Khánh nói: Cơ phong của cư sĩ như điện chớp, đợi các ông nắm hòn tuyết đến bao giờ ? Hô lên liền đáp, hô lên liền đánh, mới là dứt bặt. Tuyết Đậu tự tụng chỗ ông đánh rằng:

TỤNG: Tuyết đoàn đả, tuyết đoàn đả Bàng lão cơ quan một khả bả Thiên thượng nhân gian bất tự tri Nhãn lý nhĩ lý tuyệt tiêu sái. Tiêu sái tuyệt
Bích nhãn Hồ Tăng nan biện biệt. 

DỊCH: Hòn tuyết đánh, hòn tuyết đánh
Cơ quan lão Bàng khôn nắm được Trên trời nhân gian chẳng tự hay Trong mắt trong tai lắm thích thú. Thích thú lắm
Hồ Tăng mắt xanh cũng khó biện.

GIẢI TỤNG: “Hòn tuyết đánh, hòn tuyết đánh, cơ quan lão Bàng khôn nắm được”, Tuyết Đậu cốt đi trên đầu cư sĩ. Cổ nhân lấy tuyết để rõ việc bên nhất sắc. Ý Tuyết Đậu nói, khi ấy nếu nắm hòn tuyết liền đánh thì cư sĩ dù có cơ quan thế nào cũng khó xoay trở kịp. Tuyết Đậu tự khoe chỗ đánh của mình, đâu chẳng biết có chỗ bị thua. “Trên trời nhân gian chẳng tự hay, trong mắt trong tai lắm thích thú”, trong mắt cũng là tuyết, trong tai cũng là tuyết. Chính ở bên nhất sắc cũng gọi là cảnh giới Phổ Hiền, việc bên nhất sắc cũng gọi là nhồi thành một khối. Vân Môn nói: “Dù được cả càn khôn đại địa không một mảy may lỗi lầm vẫn là chuyển cú, chẳng thấy nhất sắc mới là bán đề, nếu cần toàn đề phải biết có một con đường hướng thượng mới được.” Đến trong đây phải là đại dụng hiện tiền, kim châm chẳng vào, chẳng cho người khác xử phân. Vì thế nói kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Cổ nhân nói: Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa, có dùng vào chỗ nào. Đến đây Tuyết Đậu tụng xong, lại chuyển cơ nói “thích thú lắm”, dù cho “Hồ Tăng mắt xanh cũng khó biện”. Hồ Tăng mắt xanh (Tổ Đạt-ma) còn khó biện biệt, lại bảo Sơn tăng nói cái gì ?

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.