Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 25: LIÊN HOA PHONG CẦM CÂY GẬY


LỜI DẪN: Cơ chẳng rời vị rơi trong biển độc, lời chẳng kinh quần rơi vào lưu tục. Chợt trong lúc chọi đá nháng lửa biện biệt trắng đen, trong khoảng điện chớp biện được sống chết, khả dĩ ngồi dứt mười phương, vách đứng ngàn nhẫn. Lại biết có thời tiết thế ấy chăng, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Am chủ Liên Hoa Phong cầm cây gậy đưa lên dạy chúng: Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ, chúng không đáp được. Tự đáp thế: Vì kia đường sá chẳng đắc lực. Lại nói: Cứu kính thế nào ? Tự đáp thế: Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn.

GIẢI THÍCH: Các ông lại biện biệt được Am chủ Liên Hoa Phong chăng ? Gót chân cũng chưa chấm đất. Thời quốc sơ, Sư cất am trên chót Liên Hoa ở núi Thiên Thai, cổ nhân sau khi đắc đạo ở trong nhà tranh thất đá, nấu rễ rau rừng trong nồi mẻ ăn qua ngày, chẳng cầu danh lợi, phóng khoáng tùy duyên, buông một chuyển ngữ cốt đền ơn Phật Tổ, truyền tâm ấn của Phật. Vừa thấy Tăng đến, Sư cầm cây gậy lên nói: Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ ? Trước sau hơn hai mươi năm mà không có người đáp được. Chỉ một câu hỏi này có quyền có thật, có chiếu có dụng. Nếu người biết được cái bẩy của Sư thì chẳng tiêu một cái ấn tay. Ông hãy nói vì sao hai mươi năm chỉ hỏi như thế ? Đã là Tông sư cớ sao chỉ giữ một cái cọc ? Nếu nhằm trong đây thấy được, tự nhiên chẳng chạy trên tình trần. Trong hai mươi năm có nhiều người cùng Sư phê phán đối đáp, trình kiến giải, làm hết mọi cách. Dù có người nói được cũng chẳng đến chỗ cực tắc của Sư. Huống là việc này, tuy chẳng ở trong ngôn cú, mà không phải ngôn cú thì không thể biện luận. Đâu chẳng nghe nói “đạo vốn không lời, nhân lời hiển đạo” ? Vì thế, nghiệm người đến chỗ cùng tột, mở miệng bèn là tri âm. Cổ nhân buông một lời nửa câu cũng không có gì khác, cốt thấy ông “tri hữu” hay “chẳng tri hữu”. Sư thấy người không hội nên đáp thay: Vì kia đường sá chẳng đắc lực. Xem Sư nói tự nhiên khế lý khế cơ, chưa từng mất tông chỉ. Cổ nhân nói: Nương lời cần hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Người nay chỉ quản lôi được đi là xong, được thì được vẫn là hỗn độn tạp nhạp. Nếu trước bậc tác gia đem ba yếu ngữ “ấn không, ấn nê, ấn thủy” mà nghiệm, liền thấy cây vuông ráp lỗ tròn, không có chỗ vào vậy. Đến trong đây tìm một người đồng đắc, đồng chứng, khi ấy căn cứ vào đâu mà tìm ? Nếu người “tri hữu” mở lòng thông tin tức thì có gì là khó. Nếu chẳng gặp tri âm nên cuộn lại để trong lòng. Thử hỏi các ông, cây gậy là đồ dùng tùy thân của Thiền tăng, tại sao nói đường sá chẳng đắc lực ? Cổ nhân đến đây chẳng chịu trụ. Kỳ thật mạt vàng tuy quí, rơi vào mắt cũng thành bệnh. Hòa thượng Thiện Đạo ở Thạch Thất đương thời bị sa thải, thường lấy cây gậy dạy chúng: Chư Phật quá khứ cũng thế ấy, chư Phật vị lai cũng thế ấy, chư Phật hiện tại cũng thế ấy.

Tuyết Phong một hôm ở trước Tăng đường cầm cây gậy đưa lên dạy chúng: Cái này chỉ vì người trung, hạ căn. Có vị Tăng ra hỏi: Chợt gặp người thượng thượng căn đến thì sao ? Tuyết Phong cầm gậy lên rồi đi. Vân Môn nói: Tôi chẳng giống Tuyết Phong đập phá tan hoang. Tăng hỏi: Chưa biết Hòa thượng thế nào ? Vân Môn liền đánh. Phàm tham vấn không có nhiều việc, vì ông ngoài thấy có núi sông đất liền, trong thấy có thấy nghe hiểu biết, trên thấy có chư Phật để cầu, dưới thấy có chúng sanh để độ, cần phải một lúc mửa hết, nhiên hậu trong mười hai giờ đi đứng ngồi nằm làm thành một mảnh. Tuy ở trên đầu sợi lông mà rộng như đại thiên sa giới; tuy ở trong vạc dầu lò lửa mà như ở cõi nước an lạc; tuy ở trong bảy trân tám bảo như ở dưới nhà tranh, vách lá.Việc này nếu là hàng thông phương tác giả đến chỗ thật của cổ nhân, tự nhiên chẳng phí lực. Sư thấy không có người hiểu được ý mình, nên tự gạn lại: Cứu kính thế nào ? Lại không ai làm gì được, Sư tự nói: Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn. Ý này lại thế nào ? Hãy nói chỉ nơi nào là địa đầu ? Quả là trong câu có mắt, ngoài lời có ý, tự đứng tự ngã, tự buông tự thâu. Há chẳng thấy Tôn giả Nghiêm Dương đi đường gặp một vị Tăng, liền đưa cây gậy lên hỏi: Là cái gì ? Tăng thưa: Chẳng biết ! Tôn giả nói: Một cây gậy cũng chẳng biết. Tôn giả lại lấy cây gậy khơi dưới đất một lỗ, hỏi: Lại biết chăng ? Tăng thưa: Chẳng biết ! Tôn giả nói: Cái lỗ đất cũng chẳng biết. Tôn giả lấy cây gậy để trên vai nói: Hội chăng ? Tăng thưa: Chẳng hội ! Tôn giả nói: Cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn.

Cổ nhân đến trong đó vì sao không chịu trụ ? Tuyết Đậu có tụng: “Ai đương cơ, nêu chẳng lầm lại ít có. Phá hoại cao vót, nung chảy huyền vi. Nhiều lớp cổng to từng mở rộng. Tác giả chưa đồng về. Thỏ ngọc chợt tròn chợt khuyết, quạ vàng tợ bay chẳng bay. Lão Lô chẳng biết đi đâu tá ? Mây trắng nước trôi thảy nương nhau.” Bởi cớ sao ? Sơn tăng nói: “Dưới đầu thấy má, chớ cùng lại qua, vừa khởi so sánh, liền là trong núi đen, hang quỉ làm kế sống.” Nếu thấy được triệt, tin được đến, ngàn người muôn người bủa vây, tự nhiên không thể chận đứng được, động đến, chạm đến tự nhiên có chết có sống. Tuyết Đậu hiểu được ý kia nói, thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn, mới tạo thành tụng. Cần biết chỗ rơi, xem tụng của Tuyết Đậu:
 
TỤNG: Nhãn lý trần sa nhĩ lý thổ

Thiên phong vạn phong bất khẳng trụ Lạc hoa lưu thủy thái man man

Dịch khởi mi mao hà xứ khứ ? 

DỊCH: Bụi cát trong mắt, đất lỗ tai

Ngàn ngọn muôn ngọn chẳng chịu dừng Hoa rơi nước chảy trôi bát ngát

Vạch đứng lông mày xem nơi nào ?

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng thật hay có chỗ chuyển thân, chẳng giữ một góc. Liền nói “bụi cát trong mắt, đất lỗ tai”, câu tụng này ý nói Am chủ Liên Hoa Phong khi Thiền khách đến thì trên không ngửa vin, dưới bặt chính mình, trong tất cả thời như khờ tợ dại. Nam Tuyền nói: Người học đạo như kẻ si độn cũng khó được. Thiền Nguyệt thi: Thường nhớ lời hay của Nam Tuyền, như kia si độn vẫn còn ít. Pháp Đăng nói: Người nào biết ý này, khiến ta nhớ Nam Tuyền. Nam Tuyền lại nói: “Bảy trăm Cao tăng trọn là người hiểu Phật pháp, duy ông cư sĩ Lư chẳng hiểu Phật pháp, chỉ hiểu đạo thôi, vì thế được y bát của Ngũ Tổ.” Hãy nói Phật pháp với đạo cách nhau xa gần ? Tuyết Đậu niêm: “Trong mắt dính cát chẳng được, trong tai dính nước chẳng được. Nếu có kẻ tin được đến, nắm được đứng, chẳng bị người lừa thì lời dạy của Phật Tổ có khác gì tiếng khua bát. Mời treo đãy bát trên cao, bẻ gậy bỏ, chỉ giữ một kẻ đạo nhân vô sự.” Lại nói: Trong mắt để được núi Tu-di, trong tai chứa được nước biển cả, bậc này chịu người thương lượng. Lời dạy của Phật Tổ như rồng gặp nước, như cọp tựa núi, lại nêu quảy đãy bát, vác cây gậy, cũng là một kẻ đạo nhân vô sự. Lại nói: Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, nhiên hậu không còn dính dáng gì.

Trong ba vị đạo nhân vô sự, cốt chọn một người làm thầy, chính là người có khả năng đúc sắt thành dụng cụ. Vì sao ? Vì người này gặp cảnh giới ác, hoặc gặp cảnh giới kỳ đặc, đến trước mắt thảy đều giống như mộng, chẳng biết có sáu căn, cũng chẳng biết có sáng chiều. Dù cho đến loại điền địa này, tối kỵ giữ tro lạnh nước chết, thẳng vào chỗ tối mờ mịt, phải có một con đường chuyển thân mới được. Cổ nhân nói: Chớ giữ núi lạnh cỏ xanh lạ, ngồi đợi mây bay trọn chẳng khéo. Vì thế, Am chủ Liên Hoa Phong nói “vì kia đường sá chẳng đắc lực”, phải là đạp trên ngàn ngọn muôn ngọn mới được. Hãy nói, bảo cái gì là ngàn ngọn muôn ngọn ? Tuyết Đậu chỉ thích Sư nói “cây gậy tức lật vác ngang chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn”, vì đó tụng ra. Hãy nói đi chỗ nào ? Lại có biết được chỗ đi chăng ? Câu “hoa rơi nước chảy trôi bát ngát”, hoa rơi loạn xạ, nước chảy mênh mông. Người có cơ điện chớp, trước mắt là cái gì ? Câu “vạch đứng lông mày xem nơi nào”, vì sao Tuyết Đậu cũng chẳng biết đi nơi nào ? Như sơn tăng nói: Cây phất tử đưa khi nãy, thử nói hiện giờ ở chỗ nào ? Các ông nếu thấy được cùng Am chủ Liên Hoa Phong đồng tham. Nếu chưa thấy được thì dưới ba cây đòn tay, trước cái đơn bảy tấc, thử tham cứu tường tận xem ?