Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 3: MÃ TỔ MẶT TRỜI PHẬT MẶT TRĂNG PHẬT


LỜI DẪN: Một cơ một cảnh một lời một câu vẫn mong có chỗ vào. Trên da thịt lành khoét thành thương tích thành ổ thành hang, đại dụng hiện tiền chẳng còn phép tắc, lại mong biết có việc hướng thượng. Che trời che đất, lại dò tìm chẳng được. Thế ấy cũng được, chẳng thế ấy cũng được, thật bé nhỏ thay. Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, rất cao vót thay. Chẳng kẹt hai bên làm sao mới phải, xin cử xem ?

CÔNG ÁN: Mã Tổ bệnh, Viện chủ đến thăm, hỏi: Gần đây thân thể Hòa thượng thế nào ? Mã Tổ đáp: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật.

GIẢI THÍCH: Mã Tổ bệnh, Viện chủ đến thăm, hỏi: Gần đây thân thể Hòa thượng thế nào ? Mã Tổ đáp: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật. Bậc Tổ sư nếu chẳng lấy việc bổn phận thấy nhau thì làm sao đạo này được chói lọi. Công án này nếu biết chỗ rơi là riêng bước trong không, nếu chẳng biết chỗ rơi thì thường thấy cây khô trước núi vẫn còn lầm đường. Nếu là bổn phận Tông sư, đến trong đây phải có thủ đoạn, cướp trâu của người cày, đoạt cơm của người đói, mới thấy chỗ vì người của Mã Tổ. Hiện nay có nhiều người nói Mã Tổ tiếp Viện chủ, nực cười không dính dáng. Nay ở trong chúng phần nhiều hiểu lầm, trừng mắt nói: Mắt trái là mặt trời, mắt phải là mặt trăng. Thật có dính dáng chút nào, đến năm lừa cũng chưa mộng thấy, chỉ làm sai lầm việc cổ nhân. Đến như Mã Tổ nói thế ấy, ý tại chỗ nào ? Có người nói: “Rót cho một chén thuốc đau bụng”. Có lỗ mũi gì ? Đến trong đây làm sao được bình ổn ? Sở dĩ nói con đường hướng thượng ngàn Thánh chẳng truyền, học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng. Chỉ câu “mặt trời Phật, mặt trăng Phật”, rất là khó thấy. Tuyết Đậu đến đây cũng khó tụng, song vì thấy thấu, nên Sư dùng hết công phu trong lúc bình sanh chỉ chú ra. Các ông cần thấy Tuyết Đậu chăng ? Xem lấy văn sau:

TỤNG: Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật

Ngũ Đế, Tam Hoàng thị hà vật ?(Ngũ đế: Thái Hiệu, Hoàng Đế, Thần Nông, Thiếu Hiệu, Chuyên Húc; hoặc là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.Tam hoàng: Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân hoàng.)

Nhị thập niên lai tằng khổ thân

Vị quân kỷ hạ thương long quật Khuất, kham thuật

Minh nhãn nạp Tăng mạc khinh hốt. DỊCH: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật

Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì ? Hai mươi năm lại từng cay đắng Vì anh bao phen xuống hang rồng Cúi, cam nói

Thiền tăng mắt sáng chớ xem thường.

GIẢI TỤNG: Thời vua Tống Thần Tông ở ngôi, tự bảo bài tụng này là nói mát quốc gia, nên không cho đem vào tạng kinh. Tuyết Đậu trước niêm rằng: “mặt trời Phật, mặt trăng Phật”, lại nói:

“Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì ?” Hãy nói ý Tuyết Đậu thế nào ? Chính đã nói rồi vậy. Liền đó chú ra lý do, thả câu bốn biển chỉ câu rồng to, một câu này đã rõ. Phần sau Tuyết Đậu tự tụng ra lý do bình sanh dụng tâm tham tầm, “hai mươi năm lại từng cay đắng, vì anh bao phen xuống hang rồng”. Giống cái gì ? Giống như người vào hang rồng lấy hạt châu. Sau lại đập phá thùng sơn, sẽ bảo có bao nhiêu kỳ đặc ? Trước sau chỉ tiêu được câu “Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì”. Hãy nói lời Tuyết Đậu rơi tại chỗ nào ? Phải tự lui lại xem, mới thấy chỗ Sư rơi. Há chẳng thấy thị giả Hưng Dương Phẩu đáp Viễn Lục Công hỏi: Rồng Ta Kiệt ra khỏi biển càn khôn động, thấy mặt trình nhau việc thế nào ? Hưng Dương Phẩu đáp: Chim chúa cánh vàng kình vũ trụ, trong đây ai là người xuất đầu ? Viễn Công hỏi: Bỗng gặp xuất đầu lại làm sao ? Phẩu đáp: Giống như chim cáp bắt chim cưu, anh không tin, trước đầu lâu nghiệm mới biết thật. Viễn Công nói: Thế ấy thì cúi mình bày ngực, thoái thân ba bước. Phẩu đáp: Rùa đen dưới tòa Tu-di núp, chớ đợi gõ đầu mới thoái lui. Đây là lý do “Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì”. Người ta phần nhiều không thấy ý Tuyết Đậu, chỉ biết nói mát quốc gia. Nếu hiểu thế ấy chỉ là tình kiến. Ngài Thiền Nguyệt với tựa đề Công Tử Hành nói: “Áo gấm hoa tươi tay cầm cáp, nhàn đi dáng mạo càng thư thả, gặt lúa gian nan có biết chi, Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì ?” Tuyết Đậu nói: “Cúi, cam nói, Thiền tăng mắt sáng chớ xem thường.” Đa số người nhằm trong hang rồng to tìm kế sống. Dù cho trên đảnh có mắt, trong tay có linh phù, Thiền tăng mắt sáng soi khắp tứ thiên hạ, đến trong ấy cũng chớ xem thường, cần phải chín chắn mới được.

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.