TẮC 34: NGƯỠNG SƠN CHẲNG TỪNG DẠO NÚI
CÔNG ÁN: Ngưỡng Sơn hỏi Tăng: Vừa rời chỗ nào ? Tăng thưa: Lô Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi: Từng dạo Ngũ Lão Phong chăng? Tăng thưa: Chẳng từng đến. Ngưỡng Sơn nói: Xà-lê chẳng từng dạo núi. (Vân Môn nói: Lời này vì cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ.)
GIẢI THÍCH: Nghiệm người đến chỗ đoan đích, thốt lời liền là tri âm. Cổ nhân nói: Không lượng đại nhân nhằm trong ngữ mạch chuyển đi. Nếu là đủ con mắt ở đảnh môn, nhắc đến liền biết chỗ rơi. Xem kia một hỏi một đáp, rõ ràng phân minh, vì sao Vân Môn lại nói “lời này vì cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ”? Cổ nhân đến trong ấy như gương sáng tại đài, minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, một con ruồi cũng không qua được. Hãy nói thế nào là cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ ? Cũng quả là hiểm hóc. Đến điền điạ này phải là một cá nhân mới có thể nắm bắt. Vân Môn niêm rằng: Vị Tăng này chính từ Lô Sơn đến, vì sao lại nói “Xà-lê chẳng từng dạo núi”? Qui Sơn một hôm hỏi Ngưỡng Sơn: Có Tăng các nơi đến, con đem cái gì nghiệm họ ? Ngưỡng Sơn thưa: Con có chỗ nghiệm. Qui Sơn bảo: Con thử nêu xem ? Ngưỡng Sơn thưa: Con bình thường thấy Tăng đến chỉ dựng cây phất tử lên, nhằm y nói “các nơi lại có cái này chăng”, đợi y có nói, chỉ nhằm y bảo “cái này thì gác lại, cái ấy thế nào”. Qui Sơn bảo: Đây là nanh vuốt của người hướng thượng. Há chẳng thấy Mã Tổ hỏi Bá Trượng: Ở chỗ nào đến? Bá Trượng thưa: Dưới núi đến. Mã Tổ hỏi: Trên đường gặp được một người chăng ? Bá Trượng thưa: Chẳng từng gặp. Mã Tổ hỏi: Vì sao chẳng từng gặp ? Bá Trượng thưa: Nếu gặp được tức trình lên Hòa thượng. Mã Tổ hỏi: Ở đâu được tin tức này ? Bá Trượng thưa: Con tội lỗi. Mã Tổ nói: Lại là Lão tăng tội lỗi. Ngưỡng Sơn hỏi Tăng chính giống loại này. Khi ấy đợi hỏi “từng đến Ngũ Lão Phong chăng”, vị Tăng này nếu là người cụ nhãn chỉ đáp “việc họa”, trở lại đáp “chẳng từng đến”. Tăng này đã chẳng phải tác gia, Ngưỡng Sơn sao chẳng cứ lệnh mà hành, khỏi thấy phần sau có nhiều sắn bìm. Ngưỡng Sơn lại nói “Xà-lê chẳng từng dạo núi”. Vì thế Vân Môn nói “Lời này vì cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ”. Nếu là lời ra khỏi cỏ thì chẳng thế ấy.
TỤNG: Xuất thảo nhập thảo Thùy giải tầm thảo Bạch vân trùng trùng Hồng nhật cảo cảo Tả cố vô hà
Hữu hệ dĩ lão
Quân bất kiến Hàn Sơn tử Hành thái tảo
Thập niên qui bất đắc Vong khước lai thời đạo.
DỊCH: Ra cỏ vào cỏ
Ai biết tìm kiếm Mây trắng hàng hàng Trời hồng rỡ rỡ
Xem trái không tỳ Liếc phải đã lão
Anh chẳng thấy Hàn Sơn tử Đi quá sớm
Mười năm về chẳng được Quên mất đường quay lại.
GIẢI TỤNG: Hai câu “Ra cỏ vào cỏ, ai biết tìm kiếm”, Tuyết Đậu đã biết chỗ rơi của kia. Đến trong đó một tay đưa lên một tay đè xuống nói “Mây trắng hàng hàng, trời hồng rỡ rỡ”, giống như “cỏ xanh xanh, mây xám xám”. Đến trong này không một mảy tơ thuộc phàm, không một mảy tơ thuộc Thánh, khắp cõi chẳng từng giấu, mỗi mỗi che đậy chẳng được. Thế nên nói “cảnh giới vô tâm”, lạnh chẳng nghe lạnh, nóng chẳng nghe nóng, hoàn toàn là cửa đại giải thoát. Hai câu “xem trái không tỳ, liếc phải đã lão”, ý giống câu chuyện Hòa thượng Lại Toản ở ẩn Hành Sơn trong thất đá, vua Đường Túc Tông nghe danh Sư, sai sứ đến triệu thỉnh. Sứ giả đến thất nói to: Thiên tử có chiếu, Tôn giả nên đứng dậy lễ tạ ơn. Sư vói tay vạch trong đống un mò được một củ khoai nướng lột ăn, nước mũi chảy lòng thòng, mà không đáp lời sứ. Sứ giả cười nói: Xin khuyên Tôn giả lau nước mũi. Sư nói: Tôi đâu rảnh vì người tục lau nước mũi. Trọn không đi, sứ giả trở về tâu vua, vua kính phục và tán thán. Giống như loại này, trong veo veo, trắng tinh tinh, không chịu người xử phân, hẳn là nắm được định, như sắt thép đúc thành. Đến như Hòa thượng Thiện Đạo bị sa thải, sau chẳng trở lại làm Tăng, người đời gọi là Cư sĩ thất đá, mỗi khi giã gạo chày đạp, Sư quên giở chân. Có vị Tăng hỏi Lâm Tế: Cư sĩ thất đá quên giở chân là ý chỉ thế nào? Lâm Tế đáp: Chìm lịm hầm sâu. Pháp Nhãn làm bài tụng Viên Thành Thật Tánh rằng: “Lý tột quên tình vị, làm sao có dụ bằng. Đến nơi trăng đêm lạnh, hồn nhiên rơi trước khe. Trái chín vượn rất quí, núi dài tợ quên đường. Ngước đầu nắng mờ nhạt, nguyên là ở phương Tây.” Tuyết Đậu nói: “Anh chẳng thấy Hàn Sơn tử, đi quá sớm, mười năm về chẳng được, quên mất đường quay lại.” Thi Hàn Sơn tử: “Muốn được chỗ an thân, Hàn Sơn đáng bền giữ, gió nhẹ thổi tùng dày, gần nghe tiếng càng thích. Có người tóc điểm sương, ngâm nga đọc Huỳnh Lão, mười năm về chẳng được, quên mất đường quay lại.” Vĩnh Gia nói: “Tâm là căn pháp là trần, hai thứ ví như vết trên gương, tỳ vết hết rồi sáng mới hiện, tâm pháp đều quên tánh tức chân.” Đến trong đây như si tợ ngốc mới thấy công án này. Nếu chẳng đến điền địa ấy, chỉ ở trong lời nói chạy, có ngày nào được xong.