Điểm sách hay
Bích Nham Lục
02/07/2557 23:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

TẮC 55: ĐẠO NGÔ ĐẾN NHÀ CÚNG ĐIẾU


LỜI DẪN: Ẩn mật toàn chân, đương đầu nhận chứng, dẫm trên nước để chuyển vật, ngay đó thừa đương, nhằm trong chọi đá nháng lửa, làn điện chớp, ngồi dứt lầm lẫn. Ở chỗ chận đầu cọp nắm đuôi cọp, vách đứng ngàn nhẫn thì gác lại, phóng một đường, lại có chỗ vì người hay không, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Đạo Ngô cùng Tiệm Nguyên đến nhà Phật tử cúng điếu. Tiệm Nguyên vỗ quan tài nói: Sanh ư ? Tử ư ? Đạo Ngô nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên hỏi: Vì sao chẳng nói ? Đạo Ngô đáp: Chẳng nói chẳng nói. Hai thầy trò về đến giữa đường, Tiệm Nguyên thưa: Hòa thượng mau vì con nói, nếu chẳng nói đánh Hòa thượng. Đạo Ngô nói: Đánh thì mặc đánh, nói tức chẳng nói. Tiệm Nguyên liền đánh. Sau Đạo Ngô tịch, Tiệm Nguyên đến Thạch Sương thuật lại lời trước. Thạch Sương nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên hỏi: Vì sao chẳng nói ? Thạch Sương nói: Chẳng nói chẳng nói. Tiệm Nguyên ngay lời nói liền có tỉnh. Một hôm, Tiệm Nguyên cầm cái mai ở trên pháp đường đi từ Đông qua Tây, từ Tây qua Đông. Thạch Sương hỏi: Làm gì ? Tiệm Nguyên nói: Tìm linh cốt tiên sư. Thạch Sương bảo: Nước dâng lênh láng, sóng dậy ngập trời, tìm cái gì là linh cốt tiên sư ? (Tuyết Đậu trước ngữ: Trời xanh ! Trời xanh !) Tiệm Nguyên nói: Nên khéo gắng sức. (Thái Nguyên Phù nói: Linh cốt tiên sư vẫn còn.)

GIẢI THÍCH: Đạo Ngô cùng Tiệm Nguyên đến nhà Phật tử cúng điếu. Tiệm Nguyên vỗ quan tài nói: Sanh ư ? Tử ư ? Đạo Ngô nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Nếu nhằm dưới câu nhập được, dưới lời biết trở về, chỉ chỗ này là then chốt thấu thoát sanh tử. Nếu không được thế, thường thường đối diện lầm qua. Xem cổ nhân đi đứng nằm ngồi chẳng ngại lấy việc này làm niệm. Vừa đến nhà người điếu tang, Tiệm Nguyên liền vỗ quan tài nói: Sanh ư ? Tử ư ? Đạo Ngô chẳng dời một mảy tơ, đáp rằng: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên đối diện lầm qua chạy theo ngữ cú, hỏi vì sao chẳng nói. Đạo Ngô nói chẳng nói chẳng nói. Đạo Ngô đáng gọi là lòng son mảnh mảnh, đem lầm đến lầm. Tiệm Nguyên vẫn chẳng tỉnh, về đến giữa đường lại nói Hòa thượng mau vì con nói, nếu không nói đánh Hòa thượng. Kẻ này biết gì tốt xấu, nên nói tâm tốt chẳng được báo tốt. Đạo Ngô như trước tâm lão bà tha thiết, nói với y: Đánh thì mặc đánh, nói tức chẳng nói. Tiệm Nguyên liền đánh. Tuy nhiên như thế, lại là kia thắng một nước. Đạo Ngô vì kia máu tuôn giọt giọt thế ấy mà Tiệm Nguyên vẫn chẳng lãnh hội. Đạo Ngô bị y đánh, liền nói với y: Ông hãy đi, e trong viện Tri sự dò biết việc này sẽ gây họa cho ông. Thầm bảo Tiệm Nguyên đi, Đạo Ngô thật rất mực từ bi.

Sau Tiệm Nguyên đến một viện nhỏ, nghe cư sĩ tụng phẩm Phổ Môn: “nên dùng thân Tỳ-kheo được độ, liền hiện thân Tỳ-kheo mà vì thuyết pháp…”, bỗng nhiên đại ngộ. Sư nói: Khi xưa ta lầm trách tiên sư, đâu biết việc này chẳng ở trên ngôn cú. Người xưa nói: Bậc đại nhân không lường, bị ngữ mạch xoay đi. Có nhóm người tình giải nói: Đạo Ngô bảo chẳng nói chẳng nói, tức là nói rồi vậy, gọi là đánh lưng thì nhào lộn, khiến người dò tìm chẳng được. Nếu hiểu thế ấy làm sao bình ổn. Nếu người chân đạp đất thật thì chẳng cách một mảy tơ. Như chuyện Thất hiền nữ đi dạo rừng Thi-đà, có vị chỉ tử thi hỏi: Tử thi tại đây, người ở chỗ nào ? Chị cả đáp: Làm gì ? Làm gì ? Cả chúng nghe đều chứng vô sanh pháp nhẫn. Thử nói có bao nhiêu cái, ngàn cái muôn cái chỉ là một cái. Sau Tiệm Nguyên đến Thạch Sương thuật lại việc trước. Thạch Sương như xưa nói: Sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói. Tiệm Nguyên hỏi: Vì sao chẳng nói ? Thạch Sương bảo: Chẳng nói chẳng nói. Tiệm Nguyên liền ngộ. Hôm khác, Tiệm Nguyên cầm cái mai ở trước pháp đường đi từ Đông qua Tây, từ Tây qua Đông, ý muốn trình kiến giải của mình. Thạch Sương hỏi: Làm gì ? Tiệm Nguyên nói: Tìm linh cốt tiên sư. Thạch Sương liền cắt đứt gót chân y nói: Ta trong ấy, nước dâng lênh láng, sóng dậy ngập trời, tìm cái gì là linh cốt tiên sư ? Tiệm Nguyên đã tìm linh cốt tiên sư, tại sao Thạch Sương lại nói thế ấy ? Đến trong đây là chỗ sanh cũng chẳng nói, tử cũng chẳng nói, ngay lời này tiến được mới biết từ thủy chí chung toàn cơ thọ dụng. Nếu ông khởi đạo lý suy nghĩ tìm hiểu tức là khó thấy. Tiệm Nguyên nói: Nên khéo gắng sức. Xem Sư sau khi ngộ, nói được tự nhiên kỳ đặc. Mảnh xương trên đảnh của Đạo Ngô như màu vàng, khi đánh liền phát ra tiếng đồng. Tuyết Đậu trước ngữ: “trời xanh ! trời xanh !” ý tại hai bên. Thái Nguyên Phù nói “linh cốt tiên sư vẫn còn”, tự nhiên nói được ổn đáng.

Đoạn văn này đồng thời đưa ra một bên. Hãy nói thế nào là chỗ tỉnh yếu ? Thế nào là chỗ gắng sức ? Đâu chẳng nghe nói: Một chỗ thấu, ngàn chỗ muôn chỗ đồng thời thấu. Nếu nhằm chỗ chẳng nói chẳng nói thấu được, là ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ. Nếu thấu chẳng được, phải tự tham tự ngộ, chẳng nên dễ dàng qua ngày, đáng tiếc thay ngày tháng ! Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG: Thố mã hữu giác Ngưu dương vô giác Tuyệt hào tuyệt ly Như sơn như nhạc
Huỳnh kim linh cốt kim du tại Bạch lãng thao thiên hà xứ trước.
Vô xứ trước
Chích lý Tây qui tằng thất khước. 

DỊCH: Thỏ ngựa có sừng
Trâu dê không sừng Bặt lông bặt sợi Như núi như non
Linh cốt vàng ròng nay vẫn còn Sóng dậy ngập trời chỗ nào đến. Không chỗ đến
Chiếc dép về Tây từng lạc mất.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu riêng hội chú cước, Sư là con cháu Vân Môn, phàm trong một câu đủ ba câu tôi luyện, nhằm chỗ khó nói nói phá, nhằm chỗ vạch chẳng ra vạch ra. Nhằm thẳng chỗ khẩn yếu kia tụng ra “thỏ ngựa có sừng, trâu dê không sừng”. Hãy nói thỏ ngựa vì sao có sừng ? Trâu dê vì sao không sừng ? Nếu thấy được lời trước, mới biết Tuyết Đậu có chỗ vì người. Có người hiểu lầm nói: Chẳng nói là nói, không câu là có câu, thỏ ngựa không sừng lại nói có sừng, trâu dê có sừng lại nói không sừng. Thế thật là không dính dáng. Đâu chẳng biết cổ nhân thiên biến vạn hóa, hiện thần thông như thế, chỉ vì đả phá cái hang quỉ tinh linh này của ông. Nếu thấu được chẳng tiêu một chữ liễu. “Thỏ ngựa có sừng, trâu dê không sừng, bặt lông bặt sợi, như núi như non”, bốn câu này như viên ma-ni bảo châu, Tuyết Đậu nhả ra trọn vẹn trước mặt ông. Phần sau chỉ là căn cứ bản án kết tội. “Linh cốt vàng ròng nay vẫn còn, sóng dậy ngập trời chỗ nào đến”, đây là tụng lời của Thạch Sương và Thái Nguyên Phù, vì cớ sao không chỗ đến ? “Chiếc dép về Tây từng lạc mất”, rùa linh lê đuôi, đây là chỗ Tuyết Đậu chuyển thân vì người. Cổ nhân nói: Kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Đã là mất đi một đóm lửa kia, vì sao lại đua nhau tranh ?

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.