34. NAN SƯ NAN ÐỆ
Ngày xưa có một vị thầy tu hạnh
ngồi mãi không nằm. Thầy trụ trì một ngôi chùa lớn.
Nhiều đệ tử theo học rất đông, nhưng không ai theo nổi
khổ hạnh của thầy là chỉ giữ ba uy nghi: đi, đứng, ngồi,
nhưng không nằm. Mặc dù vậy, khổ hạnh của thầy cũng
ảnh hưởng sâu rộng trong hàng tứ chúng, khiến cho không
một ai còn lòng dạ nào mà buông lung, biếng nhác.
Một hôm có một vị sa di tới xin
nhập chúng. Thầy bằng lòng. Chú xin hầu cận bên thầy để
học cái hạnh tinh tấn. Thầy chấp nhận, nhưng hàng đêm,
khi thầy ngồi suốt tới sáng thì chú cũng nằm suốt tới sáng.
Thầy để ý nhiều lần như vậy, nhưng xét ra vị sa di này
không phải hạng tầm thường: chú ngủ rất tỉnh, một cái
động nhẹ của thầy cũng làm cho chú thức dậy để đáp
ứng những sai bảo. Cho nên thầy thấy không có lý do gì
rầy chú. Chỉ có một điều thầy lấy làm tiếc, là một chú
đệ tử thông minh tấn tụy như thế lại không chịu tịnh
tọa thiền định như thầy, mà cứ nằm dài suốt đêm một
cách tinh tấn. Cuối cùng thầy phải nói cho chú biết không nên
tu cái hạnh "nằm" như vậy:
- Này sa di, chú nằm mãi coi chừng thành
rắn đó.
Chú thưa :
- Bạch thầy, thầy ngồi mãi con cũng
sợ thầy thành cóc mất thôi!
Vị thầy nhân đấy mà ngộ đạo.
LỜI BÀN: Có vị thầy
như vậy mới có trò như vậy. Lời của chú đệ tử có tác
dụng như một cái ấn nút, mở tung cửa kho tàng tâm linh
của vị thầy đã sẵn sàng trong tư thế ngộ đạo. Cũng như
câu kệ của Lục tổ Huế Năng:
Ðang sống, ngồi không
nằm
Chết rồi, nằm không ngồi
Chỉ là cái xác thối
Có gì công với tội?
Câu kệ ấy là cốt để khai thị
những người đã tinh tấn đến mức tối đa, cỡ như thiền
sư Trí Hoàng ngồi nhập định tới 20 năm. Sau khi nghe lời
kệ này, một vị như vậy mới thấy thấm thía cái lẽ
rằng giải thoát không cốt ở nằm hay ngồi, liền hết
chấp vào hạnh tu của mình, xả bỏ, vượt qua, và được hoát
nhiên đốn ngộ. Còn chúng ta, chưa tinh tấn được đúng
mức, mà vội bắt chước nói "phá chấp", "vô tu",
thì chỉ như vẹt nói, không ích gì cho bản thân người nghe
mà còn chuốc thêm tội đọa.
--o0o--