37. THAM Y HÓA RẮN
Thuở Phật còn tại thế, ở vườn
Cấp cô độc, có một vị tân tỳ kheo (tỳ kheo mới thụ
giới) được cúng một bộ y katê tuyệt đẹp. Thầy mân mê
bộ y không rời, tối dùng làm gối ngủ. Ðêm ấy rủi thay
thầy bị trúng gió nặng, cấm khẩu, các vị đồng phạm
hạnh tìm đủ cách cứu chữa, nào cạo gió, nào thoa bóp
dầu nóng, nào hô hấp nhân tạo... song đều vô hiệu. Thầy
trút hơi thở cuối cùng. Vì tâm thức cuối cùng của thầy là
ham thích bộ y mới, nên khi thoát xác, thần thức thầy thác
sanh vào loài rắn đeo cứng vào bộ y katê. Con rắn khôn ngoan
chui tuốt vào cái giải "Bần bà" (1) để mọi người
khỏi thấy.
Sau khi vị tỳ kheo qua đời, y lệ nhà
chùa chúng tăng chia đều cái tài sản nhỏ bé của thầy,
trong đó có bộ y. Với Phật nhãn đức Thế tôn rõ vị tỳ
kheo đã hóa làm con rắn đang ôm giữ chiếc y, nên ngài bảo
đại chúng:
- Các ông có "quân tăng" (2)
tài sản của tân tỳ kheo ấy, thì hãy chừa bộ y lại, để
tuần sau hãy chia.
Các tỳ kheo không hiểu vì sao Thế tôn
bảo chừa bộ y, nhưng không dám trái mệnh bèn đem bộ y ấy
xếp để một nơi. Vừa khi bộ y bị dời chỗ, con rắn đã
cuống cuồng la lối om sòm:
- Trời đất quỷ thần đi! Người
ta cướp giựt của tôi bộ y nè! Ai cứu cho với! Bộ y này là
của tôi, không phải của các người! Các người toan mang nó
đi đâu, bớ làng nước đi, quân cướp giật!
Con rắn la khan cả cổ mà nào có ai
hay! Có chăng chỉ đức Từ phụ thần thông quảng đại
thấy nghe được nỗi khổ đau của nó. Trong tuyệt vọng con
rắn chạy quanh cái giải bần bà để cầu cứu cảnh sát đến
bắt bọn cướp đã cướp cái y của nó. Chạy rã giò chẳng
có ma nào đến cứu, người ta vẫn ngang nhiên nhấc bổng
bộ y mang theo khổ chủ không biết đi đâu. Ðức Phật thương
xót gọi thị giả Anan đang ôm bộ y để cất vào tủ:
- Con hãy đem bộ y vào trong tịnh
thất của ta.
Tôn giả Anan vâng lệnh. Ðức Thế tôn
đến bên bộ y, thuyết pháp cho con rắn nhớ tiền kiếp của
mình:
- Này rắn, con vốn là một vị tỳ
kheo vừa thụ giới. Cái y này là của thí chủ cúng cho con.
Con đã quên quán sát rằng "không có gì là ta, không có gì
là của ta, thân này không phải là tự ngã của ta". Vì
một phút bất giác cận tử nghiệp (nghiệp xẩy ra lúc lâm
chung) đã khiến cho con phải sa đọa vào loài súc sinh. Con hãy
tịnh tâm nhớ lại tiền kiếp, Ta đức Như Lai, đang ở trước
mặt con.
Do mãnh lực từ tâm nơi Phật, con
rắn thoạt nhớ lại kiếp vừa qua của mình, lòng trở nên
nhẹ nhàng thanh thản. Rắn nằm im bảy ngày không ăn uống,
rồi trút hơi cuối cùng. Thần thức rắn thác sinh lên cõi
trời tứ thiền, chỗ thác sinh những vị tỳ kheo siêng tu
thiền định.
Khi rắn thoát xác, đức Phật mới
bảo tôn giả Anan đem bộ y cắt ra chia đều cho mỗi người
một mảnh làm khăn mu soa. Các vị t? kheo hỏi lý do vì sao Ngài
đợi đến bảy ngày mới phân chia bộ y, đức Thế tôn kể
lại câu chuyện và dạy :
- Nếu các ông chia ngay lúc đó, con
rắn sẽ nổi sân và bị đọa vào loài ngạ quỷ. Nay nhờ
nghe pháp, nhờ thần lực của Như Lai, lại nhờ bản thân đã
từng tu hành thanh tịnh, mà vị tỳ kheo hóa rắn ấy đã được
sinh lên cõi trời.
Các vị tỳ kheo nghe xong, ai nấy toát
mồ hôi hột, ngán ngẩm cho cái "cận tử nghiệp" ác
ôn kia. Sợ thay, mà lại mừng thầm cho ai!
LỜI BÀN:
Cận tử nghiệp là cái nghiệp đến
sát nút lúc gần chết mới xuất hiện. Làm sao để tránh
được một cận tử nghiệp xấu xa, hiểm nghèo? Cách hay
nhất là huân tập hồng danh của Phật A Di Ðà. Ði đứng
nằm ngồi luôn luôn nhớ Phật, được vậy thì khi cái chết
đến thình lình (kiểu bất đắc kỳ tử ) ta vẫn được an
nhiên tự tại, dù dưới mắt người đời có vẻ là một
tai họa, là "vô phước". Nếu suốt đời niệm Phật
mà lâm chung không có người tiếp dẫn, không được chết trên
giường, đó cũng là dư báo do ác nghiệp quá khứ. Cốt
nhất là tâm niệm của ta hiện tại luôn luôn tưởng nhớ
hồng danh đức Phật cho đến khi lâm chung thì quyết không đọa
lạc vào ác đạo.
Chú thích:
(1) Tương
truyền, khi nhiều người cúng vải để may y cho Phật, cái y
sắp xong thì có một bà nghèo tới cúng một mảnh vải. Ðức
Thế tôn thương xót nhận của hiện cúng muộn màng ấy để
gieo phước cho bà, và bảo thị giả Anan may vào hai góc y để
làm dây buộc y. Do đó sợi dây buộc y ngày nay có tên là
"bần bà" để nhớ đến bà già nghèo khó đã cúng dường
mảnh vải cho Phật.
(2) Chia
đều cho tăng chúng.
--o0o--