Nếp sống tỉnh thức
Những ai luôn hồi ức về quá khứ và mơ tưởng đến tương lai mà quên đi những phút giây hiện tại nhiệm mầu mà mình đang sống, người đó chỉ có thể chuốc lấy những nỗi khổ và niềm đau mà thôi. Tại sao chúng ta không bằng lòng với thực tại? Bằng lòng với thực tại có nghĩa là ta hạnh phúc với những gì đang có mặt quanh ta. Trong sự phù du của kiếp người trong cõi Ta-bà giả tạm này thì có cái gì là tồn tại dài lâu, trường tồn bất biến với ta đâu! Kể cả xác thân này huống chi là tiền tài vật chất! Con người cũng như vạn vật có mặt trong vũ trụ này, có thành rồi có hoại, có hợp rồi có tan. Nên trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy: “Cao thì phải rơi, hợp thì phải tan, sinh thì phải tử”.
Đó cũng là một quy luật biến đổi tự nhiên của vũ trụ và nhân sinh. Vì vậy mà ta cũng đừng cố chấp, tiếc nuối những được mất hơn thua làm gì thêm cho khổ, hãy đón nhận những cái gì đến với ta một cách tự tại an nhiên. Vì sự sợ hãi sẽ đeo đẳng chúng ta nếu chúng ta tìm cách chạy trốn khổ đau. Thất vọng chán chường sẽ đến nếu chúng ta thích đón nhận sự sung sướng và hạnh phúc.
Đời sống luôn trói buộc chúng ta với những ganh tỵ, thèm khát, sân hận, cô đơn, thất vọng và bất mãn. Làm sao bây giờ? Muốn có được cuộc sống tỉnh thức và niềm vui rộng lớn, chúng ta phải định tĩnh, soi rọi phần nội tâm từ lâu mà nó đã bị lãng quên. Định tĩnh bằng cách nào? Niệm Phật sẽ giúp chúng ta định tĩnh và phát huy khả năng thương yêu với người khác. Khi tâm hồn chúng ta đã lắng đọng để có thể quán xét một cách chính xác những gì đang xảy ra, từ đó chúng ta có thể gạn lọc được những tri giác sai lầm.
Khi ta có tình thương thì ta sẽ đem được hạnh phúc cho người khác. Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày, ngồi ở nơi yên tĩnh, hãy nghỉ đến những tai hại do lòng căm thù, sự tức giận và nỗi phẫn uất gây nên. Hãy nghĩ xem lòng tự ái đã đưa đến cho chúng ta sự lợi lạc hay chỉ là những tị hiềm ganh ghét. Sau khi đã quán xét những thứ ấy, ta nên tự nhắc lại tư tưởng từ ái sau: “Mong cho con thoát khỏi mọi phiền toái từ tức giận, sợ hãi, căng thẳng, lo âu đến căm thù. Mong cho con và mọi người luôn an vui và hạnh phúc” hoặc: “Mong cho con và mọi người luôn sống trong tình thương và tránh khỏi mọi lo âu giao động…”.
Sự định tĩnh không đòi hỏi sự cố gắng quá mức hay vội vã hấp tấp mà là sự nghỉ ngơi thoải mái, lúc nào trên môi cũng có sẵn nụ cười. Đức Thế Tôn là bậc toàn giác, nhưng những hoạt động của Ngài rất đơn giản. Khi đi thì Ngài đi, khi nói thì Ngài nói, chỉ có vậy. Ngài không suy nghĩ trong khi đang nghe, Ngài không để tâm rong ruổi trong khi đi, tất cả đều chánh niệm và tỉnh giác. Những điều này khó nhưng Ngài làm được nên Ngài được giải thoát.
Sống tỉnh thức là phương tiện duy nhất giúp chúng ta phóng thích ra khỏi những phiền lụy của cuộc đời. Nhưng muốn có sự tỉnh thức thì chỉ có con đường duy nhất mà Phật đã dạy là phải định tâm có định thì mới có sự tỉnh thức được.