Nếp sống đơn giản
Đức Phật đã dạy: “Đa dục vi khổ” nghĩa là còn ham muốn nhiều thì còn khổ nhiều, càng hy vọng nhiều thì càng thất vọng nhiều, càng chứa nhiều thì tâm ta càng trĩu nặng. Xã hội văn minh cho ta những vật chất, nhưng nó đã cướp mất ở ta cuộc sống đơn giản thường tình, cướp mất cái hạnh phúc chân thật ở chính ta, làm cho ta đánh mất đi lương tâm và sự truyền thống với những người mà chúng ta thương mến, đó là cái mà người ta quý hơn tất cả mọi thứ tiền tài vật chất trên đời. Mà bất hạnh thay, đôi khi ta lại chửi rủa họ vì những thứ vật chất rất tầm thường.
Muốn tránh cảnh làm nô lệ cho vật chất tiện nghi, hãy tập cho mình cuộc sống đơn giản. Càng ít nhu cầu bao nhiêu thì càng ít lo bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là mình phải đi lùi với đời sống xã hội bên ngoài. Chúng ta sống một cách thanh thản và tạo ra của cải vật chất để làm tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và thế hệ mai sau. Nhưng điều cốt yếu là chúng ta đừng chạy theo vật chất và làm nô lệ cho vật chất. Hãy tập sống đơn giản không phải quá ưu tư, lúc đó tâm ta tự nhiên sẽ được nhàn nhã hơn. Ta có một đời sống ý nghĩa và có lợi ích cho mọi người, còn không ta cứ sống theo vật chất thì chẳng khác nào con thiêu thân lao vào đèn tự giết mình. Nên là người học Phật, ta hãy dành những thời giờ quý báu của cuộc sống này để giúp đỡ và mang niềm vui làm vơi bớt những nỗi đau khổ của người khác. Hãy tập cho mình sống như những vị Bồ-tát hóa thân, vị tha với hạnh nguyện giúp cho mọi người thoát ra vũng bùn đau khổ. Sống dấn thân vào đời để cứu độ nhân sinh.